Trumponomics

“Nếu muốn thử tính cách của một người, hãy trao cho anh ta quyền lực”. Đối với những người ngồi đối diện Donald Trump qua chiếc bàn Kiên định, câu danh ngôn của Abraham Lincoln không làm cho họ yên lòng. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của mình với tờ The Economist kể từ khi nhậm chức, dành riêng để nói về chính sách kinh tế và diễn ra 5 ngày trước vụ sa thải Giám đốc FBI James Comey, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã bị công việc quyền lực nhất thế giới này làm cho thay đổi.

Sức hút dễ chịu ông từng thể hiện trong văn phòng thoải mái của mình trên tầng 26 của Tòa tháp Trump khi được phỏng vấn trong chiến dịch tranh cử vào năm ngoái còn sắc bén hơn. Sự tương phản có thể nhận ra lúc đó giữa một Donald Trump cá nhân luôn bồn chồn lo lắng và một D. Trump trước công chúng, kẻ mị dân cố chấp trong các phát biểu tranh cử của mình, không phải là quá lớn.

Có lẽ các cố vấn của ông – bao gồm Gary Cohn và Steve Mnuchin, cả hai đều có mặt trong Phòng Bầu dục, cũng như Jared Kushner, Reince Priebus, và Phó Tổng thống Mike Pence, những người đã xuất hiện trong vài phần của cuộc phỏng vấn – đang thành công trong nỗ lực giữ cho vị Tổng thống tự do này tuân theo một lịch trình chính xác hơn.

Tuy nhiên, khi đề cập đến nghị trình về chính sách kinh tế của Tổng thống, dường như chỉ có một tiếng nói là quan trọng: tiếng nói của Donald Trump.

Trumponomics: Nói “Không” với toàn cầu hóa

Khi được hỏi liệu có hay không cái gọi là “Trumponomics” (học thuyết kinh tế của Trump), tân Tổng thống đã gật đầu. “Nó thực sự liên quan đến lòng tự tôn với tư cách một quốc gia. Nó liên quan đến những thỏa thuận thương mại cần phải công bằng”.

Đó là một ưu tiên bất thường đối với một vị Tổng thống Cộng hòa, nhưng không phải với Donald Trump. Tổng thống thường có những ý kiến trái chiều về hầu hết các vấn đề trong nhiều năm, nhưng trong niềm tin của ông rằng các thỏa thuận thương mại của Mỹ đang làm lợi cho phần còn lại của thế giới lại cho thấy sự kiên định hiếm hoi. Điều đó khiến cho sự thiếu hứng thú rõ ràng của ông Trump đối với chi tiết của những thỏa thuận thương mại mà ông phản đối kịch liệt còn đáng kinh ngạc hơn bao giờ hết.

Có lúc ông quy kết mọi sai sót ông phát hiện ra trong Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là do việc các quan chức Mỹ lúc nào cũng là thiểu số trong ban trọng tài gồm 5 thành viên của hiệp định này: “Các thẩm phán gồm 3 người Canada và 2 người Mỹ. Chúng ta luôn thua kém!”. Nhưng trong bất kỳ ban nào, dù người Mỹ chiếm đa số hay người Canada chiếm đa số thì cũng không có gì khác.

Những cảm xúc của ông trước sự thất bại của cơ chế thương mại Mỹ cho thấy chủ nghĩa cơ hội và trực cảm có chiều hướng dẫn dắt suy nghĩ của D. Trump như thế nào. Trong gần nửa thập kỷ, ông đã thể hiện mình là một nhà đàm phán lão luyện. Việc chỉ trích thành tích lập thỏa thuận của chính phủ (mà ông, vốn khinh thường địa chính trị, đã hạ xuống mức coi đó chỉ như những điều khoản được mất ngang nhau của một giao dịch bất động sản) là một phần trong đặc điểm đó.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) ngày 13/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để ngỏ khả năng đảo ngược quyết định của mình liên quan đến Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, 6 tuần sau khi ông tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận toàn cầu lịch sử này. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) ngày 13/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để ngỏ khả năng đảo ngược quyết định của mình liên quan đến Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, 6 tuần sau khi ông tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận toàn cầu lịch sử này. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, ông không đơn thuần là hoài nghi. Là người ngoài cuộc bám lấy những ký ức về các công trình xây dựng của cha mình ở những khu ngoại ô New York cho đến rất lâu sau khi ông thành công ở Manhattan. Donald Trump dường như không chỉ hiểu, mà còn chia sẻ, sự oán giận chung đối với toàn cầu hóa, và những kẻ ủng hộ ngạo mạn của nó, được nuôi dưỡng bởi nhiều người Mỹ thuộc tầng lớp lao động.

Kết quả là một sự chỉ trích đầy cảm xúc và vị kỷ đối với cấu trúc thương mại, tuy không hoàn hảo nhưng có giá trị của Mỹ, mà có vẻ gần như “miễn nhiễm” với thực tiễn kinh tế. Gần đây, được thuyết phục để không rút Mỹ ra khỏi NAFTA – cú sốc mà ông định tung ra vào ngày thứ 100 của nhiệm kỳ Tổng thống là ngày 29/4 – D. Trump hiện nay đã hứa hẹn đàm phán lại các điều khoản của hiệp định này một cách triệt để: “‘Lớn’ là một từ chưa đủ tốt. Phải là ‘Rất lớn’!”.

Trong số các cố vấn kinh tế của D. Trump, có lẽ chỉ có Peter Navarro, một nhà kinh tế học với các quan điểm kỳ quặc, và chiến lược gia trưởng Stephen Bannon là người hoàn toàn theo chủ nghĩa bảo hộ. Hầu hết đều không phải như vậy. Bộ trưởng Tài chính Mnuchin và cố vấn kinh tế trưởng Cohn đều là các cựu giám đốc ngân hàng đầu tư và thành viên của một phe phái trong Nhà Trắng do Kusher, con rể của Tổng thống, dẫn đầu, được biết đến như những người theo chủ nghĩa toàn cầu. Vì vậy một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này đối với ông Trump là dù thế, tất cả các cố vấn của ông vẫn nói về thương mại theo những thuật ngữ kiểu Donald Trump.

Donald Trump dường như không chỉ hiểu, mà còn chia sẻ, sự oán giận chung đối với toàn cầu hóa, và những kẻ ủng hộ ngạo mạn của nó, được nuôi dưỡng bởi nhiều người Mỹ thuộc tầng lớp lao động.

Một người có vẻ như theo chủ nghĩa toàn cầu cho biết: “Tôi từng ủng hộ hết mình cho thương mại tự do và toàn cầu hóa. Tôi đã trải qua một sự lột xác”. Kafka, hãy dè chừng!

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho hay tất cả các nước trên thế giới đều có luật bảo hộ thương mại nhiều hơn Mỹ. Mỹ đã ở trong cuộc chiến thương mại trong nhiều thập kỷ và điểm khác biệt hiện nay là lần đầu tiên Mỹ huy động nhiều binh lính xung trận. Theo Bộ trưởng, cuộc gặp thượng đỉnh gần đây nhất giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được nhiều kết quả. Chẳng hạn như chưa đầy 100 ngày sau đã đạt thỏa thuận xuất khẩu thịt bò Mỹ sang Trung Quốc (lô hàng đầu tiên sẽ khởi hành trong 10 ngày tới). Bộ trưởng Ross nhấn mạnh: “Đó mới là những kết quả ‘dễ gặt hái’ và chúng tôi đang làm việc về một danh sách khác, điện đàm 2 lần trong ngày, 5-6 hoặc 7 ngày/tuần, nhằm vào những kết quả cụ thể”.

Bên cạnh đó, ông Ross cho rằng NAFTA là thỏa thuận lỗi thời cần được cải tiến ở một số điểm, chẳng hạn như kinh tế số, tài nguyên, dịch vụ và xuất xứ ôtô. Mỹ có thể đạt được tiến bộ mà không làm cho đối tác giận dữ, như đã làm với Trung Quốc về thịt bò, với Mexico về đường. Bộ trưởng Thương mại nhận định rằng tranh cãi có thể giải quyết nếu các bên sẵn sàng có nhân nhượng, thỏa hiệp hợp lý.

Về xử lý thâm hụt thương mại, ông Ross chỉ rõ: “Đối với những nước có thặng dư với Mỹ, thông điệp của chúng tôi là: Có những thứ mà các bạn đang nhập khẩu, hoặc từ Mỹ hoặc từ nước khác. Chúng tôi là khách hàng lớn nhất của các bạn, do vậy các bạn nên cho chúng tôi một thị phần nhỉnh hơn nước khác một chút. Điều đó cũng có nghĩa là xử lý được một phần thâm hụt thương mại. Thật vô lý khi Mỹ phải ‘tiêu hóa’ thặng dư thương mại của cả thế giới và cuối cùng là 500 tỷ USD thâm hụt thương mại mỗi năm”. Theo quan chức cấp cao này, việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là bước đi rất cực đoan. Có những thứ cần phải sửa chữa ở WTO, nhưng những nỗ lực đầu tiên của Mỹ nên là cải cách WTO từ bên trong thay vì phá bỏ cả hệ thống.

Theo tờ Inside US Trade ngày 20/6, trả lời phóng viên bên lề sự kiện Đầu tư vào Mỹ (Select USA) ngày 19/6, Bộ trưởng Ross nhấn mạnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như trước đây đã chết sau khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi TPP hôm 23/1 và Mỹ đã có một số cuộc gặp riêng rất sơ bộ để bàn về phạm vi với một số nước vẫn là thành viên TPP. Mỹ đã bày tỏ mong muốn đàm phán song phương với Tokyo, nhưng giới chức Nhật Bản thường làm rõ quan điểm ưu tiên Mỹ quay trở lại với TPP, hoặc nếu không thì TPP sẽ triển khai mà không có Mỹ.

Bất chấp mối quan tâm của Tổng thống về tự tôn dân tộc, mục tiêu chính của Trumponomics là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình tranh cử, D. Trump đôi khi hứa hẹn một tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 5%; chính quyền của ông đã đưa ra một mục tiêu khiêm tốn hơn, mặc dù có lẽ gần như không thể đạt được, là 3%. Điều này khiến cho tham vọng của D. Trump phá hoại các thỏa thuận thương mại của Mỹ càng rõ ràng là tự chuốc lấy thất bại. Việc sửa đổi có giới hạn đối với NAFTA, hiệp định đã thúc đẩy thương mại giữa Mỹ và Mexico lên gấp 10 lần, sẽ cản trở sự tăng trưởng.

Các yếu tố chính khác của Trumponomics là các công cụ “trọng cung” (chính sách hạ mức thuế để khuyến khích sản xuất và đầu tư – ND) quen thuộc. Quan trọng nhất là việc bãi bỏ các quy định và cải cách thuế vẫn là những yếu tố đặc trưng của đảng Cộng hòa kể từ thời Reagan. Chúng rất cần thiết, nhưng chúng cũng cần phải được thực hiện một cách đúng đắn. Được biết có 1,1 triệu luật lệ liên bang, tăng từ 400.000 vào năm 1970.

Ông Trump đã ký một sắc lệnh tuyên bố rằng với mỗi một quy tắc mới ban hành, các cơ quan liên bang phải bỏ đi 2 quy tắc đã có, điều này đáng được hoan nghênh. Ông cũng bổ nhiệm một người hoài nghi về biến đổi khí hậu, Scott Pruitt, làm Giám đốc Cơ quan bảo vệ môi trường, người dường như không tin vào việc điều chỉnh tình trạng ô nhiễm công nghiệp, nhưng thực ra không phải vậy. D. Trump nói: “Tôi đã cắt giảm nhiều quy tắc lớn, và chúng tôi chỉ mới bắt đầu”.

Chủ nghĩa dân tộc về kinh tế của D. Trump và những hứa hẹn tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng của ông đang mâu thuẫn với nhau.

Tương tự, bộ luật về thuế cũng lộn xộn đến mức Mỹ có số người giúp khai thuế – hơn 1 triệu người, theo một dự án tại Đại học George Washington – nhiều hơn cả số cảnh sát và nhân viên cứu hỏa cộng lại. Tổng thống hứa hẹn khôi phục tình trạng cân bằng bằng cách giảm mức thuế thu nhập và cắt giảm mức thuế doanh nghiệp xuống 15% trong khi loại bỏ một số trong vô vàn các khoản khấu trừ thuế để giúp bù đắp cho việc giảm thuế như trên. Ông nói: “Chúng tôi muốn giữ cho nó càng đơn giản càng tốt”.

Yếu tố thứ tư, đầu tư cơ sở hạ tầng, có liên quan nhiều hơn tới đảng Dân chủ, và cũng đáng mong muốn tương tự. D. Trump và các cố vấn của ông đã hứa hẹn từ 550 triệu USD đến một tỷ USD để “xây dựng đường, cầu, sân bay, hệ thống giao thông và cảng… của Mỹ khiến cả thế giới phải ghen tị”. Tham vọng thứ 5, thực hiện hay cải cách các quy tắc nhập cư, hiếm khi được Tổng thống hay êkíp của ông nhắc đến như một chính sách kinh tế.

Nhưng nếu những hứa hẹn của ông Trump trong lĩnh vực này là đáng tin cậy, thì nó nên được coi là một chính sách kinh tế. Ông đã trừng trị thẳng tay các vụ vượt biên bất hợp pháp và cũng làm cho việc trục xuất những người lao động không có giấy tờ và không có hồ sơ hình sự trở nên dễ dàng hơn – một phạm trù mô tả khoảng một nửa nhân công làm việc ở nông trại Mỹ. Một lần nữa, chủ nghĩa dân tộc về kinh tế của D. Trump và những hứa hẹn tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng của ông đang mâu thuẫn với nhau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ ký một sắc lệnh ở Washington, DC ngày 15/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ ký một sắc lệnh ở Washington, DC ngày 15/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những điểm yếu của Trumponomics

Bất chấp một số thành phần hấp dẫn, Trumponomics còn nhiều sai sót hơn là chỉ thiếu tính liên kết. Nó cũng cho thấy sự thiếu quan tâm một cách đáng buồn đến những nguyên nhân thực sự của tình trạng gián đoạn kinh tế đang tác động đến những người ủng hộ sự không hài lòng của D. Trump. Tự động hóa đã làm mất đi nhiều công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất hơn là sự cạnh tranh với Trung Quốc. Những làn gió thay đổi trong lĩnh vực bán lẻ sẽ loại bỏ hơn nữa các công việc đòi hỏi tay nghề tương đối thấp so với số lượng việc làm mà những đe dọa nhằm vào Mexico có thể mang lại.

Ông Trump chưa bao giờ đề cập đến việc đào tạo lại mà hàng triệu người Mỹ đang ở lưng chừng sự nghiệp sẽ sớm cần đến. Ông dường như không nghĩ đến việc ngành công nghiệp mới nào có thể thay thế những việc làm đã mất này. Chương trình của ông không có chỗ cho việc cân nhắc những thay đổi về phúc lợi xã hội mà một lực lượng lao động được tuyển dụng thất thường hơn có thể đòi hỏi.

Nhìn vào quá khứ, chứ không phải tương lai, ông sùng bái những công việc trong lĩnh vực sản xuất, trong đó chỉ thuê 8,5% nhân công Mỹ, và lĩnh vực khai thác than đá, mặc dù ngành công nghiệp năng lượng Mặt trời sử dụng lượng lao động nhiều gấp 2,5 lần. Tăng trưởng là tốt, nhưng mặt khác Trumponomics là một phản ứng sáo mòn, thụt lùi và không cân bằng trước những nhu cầu kinh tế của Mỹ.

Tăng trưởng là tốt, nhưng mặt khác Trumponomics là một phản ứng sáo mòn, thụt lùi và không cân bằng trước những nhu cầu kinh tế của Mỹ.

Điều này sẽ dẫn tới đâu? Chỉ số S&P500 đã tăng 12% kể từ khi D. Trump thắng cử, cho thấy các nhà đầu tư tin vào những lời hứa hẹn về tăng trưởng và không đếm xỉa đến giọng điệu điên rồ hơn của ông. Trong những tuần gần đây, ông dường như đã cho thấy niềm tin đó là đúng, tỏ ý sẽ tiết chế các quan điểm của mình thay vì trả giá cho chúng.

Ông được thuyết phục không rút ra khỏi NAFTA sau khi Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue đưa ra cho ông một tấm bản đồ cho thấy nhiều trong số những mất mát về công ăn việc làm do kết quả của hành động đó sẽ xảy ra ở những bang đã bỏ phiếu cho ông. Nơi ông từng xỉ vả việc nhập cư hợp pháp cũng như bất hợp pháp, ông dường như đã bị thuyết phục về những thiệt hại kinh tế mà việc giới hạn dòng người vào đất nước sẽ gây ra. Khi được hỏi liệu ông vẫn có ý hạn chế nhập cư hợp pháp, ông phản đối: “Không, không, không! Tôi muốn họ vào một cách hợp pháp… Chúng tôi cũng muốn người lao động làm việc ở nông trại có thể vào đất nước… Chúng tôi rất thích bọn họ”.

Tuy nhiên, không nên lệ thuộc vào sự chuyển hướng sang chủ nghĩa thực dụng này. Đặc biệt là về thương mại, D. Trump có những quan điểm ông khăng khăng bảo vệ, những quyền lực có tác động sâu rộng, một lịch sử các hành vi bừa bãi và một danh mục những lời hứa hẹn mà ông cho là ông cần giữ. Việc ông vẫn chưa sa thải ông Bannon, người tự xưng là chăm lo cho những hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử đó và đang đối đầu với chàng rể qu‎ý hóa Kushner của Tổng thống, là tiêu biểu cho ràng buộc đó.

Trong giai đoạn từ tháng 1/2016 đến cuối mùa xuân 2017, Tổng thống Trump thu nhập khoảng 594 triệu USD và giá trị tài sản ít nhất 1,4 tỷ USD. Trong đó, khoản thu lớn nhất đến từ khu nghỉ dưỡng sân golf Trump National Doral tại thành phố Miami, ước tính khoảng 115,9 triệu USD. Tổng thống Mỹ cũng liệt kê các khoản nợ của mình tính đến giữa năm 2017 vào khoảng 315,6 triệu USD. Trong ảnh (tư liệu): Quang cảnh khu nghỉ dưỡng sân golf Trump National Doral ở Miami, Florida ngày 26/7/2016. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Trong giai đoạn từ tháng 1/2016 đến cuối mùa xuân 2017, Tổng thống Trump thu nhập khoảng 594 triệu USD và giá trị tài sản ít nhất 1,4 tỷ USD. Trong đó, khoản thu lớn nhất đến từ khu nghỉ dưỡng sân golf Trump National Doral tại thành phố Miami, ước tính khoảng 115,9 triệu USD. Tổng thống Mỹ cũng liệt kê các khoản nợ của mình tính đến giữa năm 2017 vào khoảng 315,6 triệu USD. Trong ảnh (tư liệu): Quang cảnh khu nghỉ dưỡng sân golf Trump National Doral ở Miami, Florida ngày 26/7/2016. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Một lý do khác để thận trọng là Donald Trump đang mất quyền kiểm soát ở một số lĩnh vực trong nghị trình kinh tế của mình, bao gồm cải cách thuế và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, những lĩnh vực ông chủ yếu phụ thuộc vào Quốc hội. Xét việc hầu như không có gì được đưa ra ở Đồi Capitol những ngày này, điều này giống như một sự kiểm soát khác đối với Tổng thống – sự kiểm soát do hành vi của ông mang lại.

Để thông qua các dự luật thuế hay cơ sở hạ tầng đầy tham vọng đòi hỏi phải có sự ủng hộ của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, Tổng thống hiếm khi bỏ lỡ cơ hội để chỉ trích đảng đối lập, kể cả người tiền nhiệm của ông, Barack Obama, người có những cải cách về chăm sóc sức khỏe và di sản pháp luật ông đang cố gắng phá bỏ.

Do đó khó mà tưởng tượng đảng Dân chủ sẽ bỏ phiếu cho bất cứ điều gì trong nghị trình của D. Trump – và có những giới hạn, Tổng thống thừa nhận, trong sự sẵn sàng của ông để thuyết phục họ làm như vậy. Chẳng hạn, liệu ông có công khai các bản khai thuế như đảng Dân chủ đã yêu cầu hay không, nếu họ lấy đó là cái giá để đổi lấy sự ủng hộ của họ dành cho cải cách thuế? Ông sẽ không làm vậy: “Tôi cho rằng việc đó sẽ là không công bằng đối với thỏa thuận này. Đó sẽ là thiếu tôn trọng tầm quan trọng của thỏa thuận”.

Kết quả có vẻ sẽ là không có kế hoạch cơ sở hạ tầng nghiêm túc nào cũng như những cắt giảm thuế mà sẽ là tạm thời và không được cấp vốn – kiểu mà những người đảng Cộng hòa khi nắm quyền thường chấp nhận, và D. Trump có vẻ như đã từ bỏ. Ở nơi mà ông từng tuyên bố nhìn thấy bong bóng trong nền kinh tế, hiện ông cho rằng một liều kích thích là cái nó cần.

Nếu xét theo sự mong manh trước áp lực trong quá khứ của D. Trump, những thất bại như vậy hoàn toàn không làm ông sợ hãi mà có thể khuyến khích ông hành động liều lĩnh hơn trong những lĩnh vực ông nhận thấy ít kiềm chế hơn.

Ông Trump là một ông trùm trình diễn cũng như một nhà thực dụng. Sự thù hằn của ông đối với thương mại là thực.

Mức độ cắt giảm các quy tắc của ông dường như chưa từng có tiền lệ. Nếu ông Bannon làm theo ý mình, điều đó sẽ chặn đứng không chỉ các quy tắc đã lỗi thời, mà còn toàn bộ các nhánh của bộ máy quan liêu liên bang. Liệu ông có thành công trong việc đó hay không có lẽ sẽ do tòa án quyết định. Chính quyền sẽ hành động đến mức độ nào theo nghị trình thương mại của Donald Trump là khó dự đoán hơn, mặc dù có khả năng xác định hơn.

Có lẽ ông Trump sẽ tiếp tục tự kiềm chế trong vấn đề này. Khi các áp lực của việc cầm quyền gia tăng, những lý do để né tránh một cuộc chiến tranh thương mại gây thiệt hại sẽ nhân lên. Trung Quốc có thể đưa ra nhiều giúp đỡ hơn để chống lại Triều Tiên; hoặc Mexico có thể đưa ra một dạng biện pháp nào đó giúp đánh lạc hướng để giữ thể diện cho Donald Trump từ dự án bức tường biên giới mà ông đã hứa hẹn nhưng đang vật lộn để xây dựng. Nhưng đừng đánh cược vào điều đó.

Ông Trump là một ông trùm trình diễn cũng như một nhà thực dụng. Sự thù hằn của ông đối với thương mại là thực. Và chính quyền của ông, như việc sa thải ông Comey cho thấy, có thể vẫn nhận ra mình đang rơi vào tình huống tồi tệ đến mức một cuộc chiến tranh thương mại cũng được coi như một sự đánh lạc hướng đáng hoan nghênh./.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/7 cho biết số người nhập cư vào Mỹ đã vượt qua con số hạn mức 50.000 người của tài khóa 2017. Tuy nhiên, nước này sẽ tiếp tục nhận thêm người nhập cư mới trong vài tháng tới nhưng các chính sách nhập cư sẽ được thắt chặt thêm.  Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu tại thủ đô Washington ngày 1/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/7 cho biết số người nhập cư vào Mỹ đã vượt qua con số hạn mức 50.000 người của tài khóa 2017. Tuy nhiên, nước này sẽ tiếp tục nhận thêm người nhập cư mới trong vài tháng tới nhưng các chính sách nhập cư sẽ được thắt chặt thêm. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu tại thủ đô Washington ngày 1/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)