Trái cây Việt Nam

ttxvntrong-1569121769-62.jpg

Với mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD trong năm 2019, ngành sản xuất và xuất khẩu trái cây của Việt Nam đã đặt ra nhiều nhiệm vụ như xây dựng vùng nguyên liệu trái cây có chất lượng ổn định, phục vụ cho hoạt động chế biến và xuất khẩu, mở rộng thị trường trái cây Việt, tăng khả năng cạnh tranh cho trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới lẫn thị trường nội địa…

Các nhiệm vụ này đều nhằm thúc đẩy ngành hàng trái cây Việt Nam trở thành một trong những ngành hàng chiến lược của nền nông nghiệp.

Trái cây Việt Nam hiện đã có mặt ở 60 quốc gia trên thế giới, mức tăng trưởng bình quân là 15%/năm. Để có thể giữ được mức tăng trưởng này, toàn ngành đã đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm trái cây đa dạng, thay vì chỉ xuất khẩu trái cây tươi, thời gian bảo quản ngắn như hiện nay.

Áp dụng công nghệ chế biến sâu

Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng nội địa và người tiêu dùng nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng trái cây tươi có vị tươi ngon, nhưng trái cây chế biến cũng có hương vị riêng, có thể sử dụng lâu hơn, bảo quản đơn giản và phù hợp với những sự kiện lễ tết, ngày hội lớn…

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinamit cho biết trong những dịp lễ Giáng sinh, dịp Tết Nguyên đán, những ngày hội thể thao thế giới và khu vực châu Á, hầu hết người tiêu dùng đều lựa chọn sản phẩm trái cây chế biến để sử dụng. Đây chính là lý do và cũng là động lực để ngành trái cây tiếp tục đầu tư công nghệ chế biến sâu các sản phẩm trái cây Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong số các loại trái cây xuất khẩu ra thị trường thế giới, thanh long chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu. Mặc dù cây thanh long được trồng ở 20 quốc gia trên thế giới nhưng Việt Nam vẫn chiếm diện tích cao nhất, đạt 49.000ha. Thanh long Việt Nam hiện đã có mặt tại 40 quốc gia khắp các châu lục, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 80% sản lượng xuất khẩu tươi. Khi Việt Nam có một loại trái cây chiếm số lượng lớn như vậy, bài toán đặt ra là làm sao để không bị rơi vào “ngõ cụt” khi chỉ đi vào một thị trường với số lượng lớn.

Một vườn Thanh long ruột đỏ. (Nguồn: TTXVN)
Một vườn Thanh long ruột đỏ. (Nguồn: TTXVN)

Ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng hiện công nghệ chế biến trái thanh long nói riêng và các loại trái cây nói chung không còn là vấn đề khó đối với các doanh nghiệp đầu tư chế biến trái cây. Công ty Vinamit đã thực hiện chế biến đa dạng các sản phẩm từ trái thanh long như thanh long sấy lạnh, sấy dẻo, sấy chân không, sữa chua sấy thanh long… Hầu hết các sản phẩm chế biến này đều thuận lợi khi ra thị trường thế giới và được người tiêu dùng ưa chuộng, lựa chọn trong tiêu dùng hằng ngày.

Ngoài sản phẩm thanh long chế biến đa dạng, các loại trái cây khác cũng đã được các doanh nghiệp đưa vào chế biến sâu như sấy dẻo, sấy muối ớt, sấy lạnh đối với các loại trái cây như: mận, mãng cầu, nho, ổi, xoài, chuối, mít, sầu riêng, khoai môn…

Đồng thời, các loại trái cây này cũng được chế biến thành các loại nước trái cây để phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng. Bằng cách chế biến này, nguồn nguyên liệu trái cây của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nguồn nguyên liệu trái cây cả nước nói chung có thể được tiêu thụ tốt khi vào chính vụ, không rơi vào cảnh được mùa, mất giá như trước đây.

Tăng cường quảng bá hình ảnh

Theo đánh giá của các chuyên gia, trái cây Việt Nam đã có mặt ở 60 thị trường trên thế giới nhưng việc được cấp phép nhập khẩu chỉ mới là giai đoạn đầu của mục tiêu phát triển ngành. Bởi lẽ, dù được cấp phép nhập khẩu nhưng nếu không có hoạt động quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại các sản phẩm đến người tiêu dùng thì lượng tiêu thụ vẫn không được như mong muốn.

Đơn cử, trái cây Mỹ tiến vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, đều được người tiêu dùng lựa chọn và tiêu thụ rất tốt. Khâu quảng bá hình ảnh, chất lượng gây ấn tượng sâu sắc đối với người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới. Ví dụ riêng với trái việt quất, các nhà khoa học và doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Mỹ đã thực hiện đến 42 nghiên cứu khoa học về lợi ích cho sức khỏe khi dùng loại trái này.

Trong số các loại trái cây xuất khẩu ra thị trường thế giới, thanh long chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trái cây Việt Nam cũng phải thừa nhận cách làm này vừa thu hút thị hiếu người tiêu dùng, vừa giúp nâng giá trị sản phẩm. Trong khi đó, hiện Việt Nam cũng đã xuất khẩu được các loại trái cây tươi sang Mỹ như thanh long, vải, xoài… nhưng lại thiếu các công trình nghiên cứu về tác dụng bổ dưỡng của các loại trái này. Như vậy có thể thấy, khi chưa có những nghiên cứu khoa học đi kèm, khâu quảng bá hình ảnh trái cây Việt Nam còn vướng mắc chưa thể tháo gỡ.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), trong giai đoạn 2016-2021, thị trường rau củ quả của thế giới có tốc độ tăng trưởng gần 2,9%. Đồng thời, dân số thế giới tăng thêm 2,5 tỷ người trong giai đoạn 2011-2020. Do đó, nhu cầu tiêu thụ rau quả, trái cây còn tiếp tục tăng trưởng.

Nhãn tươi Việt Nam có mặt tại thị trường Australia. (Nguồn: TTXVN)
Nhãn tươi Việt Nam có mặt tại thị trường Australia. (Nguồn: TTXVN)

Trên thị trường thế giới, thị trường rau quả chiếm hơn 59% trong nhóm thực phẩm tươi sống toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ rau quả trên thị trường thế giới tăng 3,6%/năm trong khi khả năng tăng trưởng sản xuất chỉ 2,6% năm… Chính vì vậy, ngành chế biến, xuất khẩu trái cây Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển ra thị trường thế giới nếu được quảng bá hình ảnh và xúc tiến thương mại tốt.

Đại diện Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng sự tăng trưởng của tiêu dùng thế giới sẽ tạo điều kiện để trái cây Việt Nam tăng trưởng.

Ngành chế biến, xuất khẩu trái cây Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển ra thị trường thế giới nếu được quảng bá hình ảnh và xúc tiến thương mại tốt

Vì vậy, ngoài việc tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị chế biến sâu trái cây như quả đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, đông lạnh…, các địa phương sản xuất trái cây khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học có những bài nghiên cứu các thành phần có trong từng loại trái cây, công dụng của các thành phần này đối với sức khỏe con người, thực hiện công bố các bài nghiên cứu trên các phương tiện truyền thông. Đây là cơ sở thuyết phục nhất để làm nền tảng cho quảng bá hình ảnh trái cây Việt Nam tại thị trường nội địa, lẫn thị trường nước ngoài.

Khi càng có nhiều bài nghiên cứu công bố tác dụng tích cực của các loại trái cây Việt Nam đối với sức khỏe, việc mở rộng thêm thị trường mới cho trái cây Việt Nam sẽ không còn khó khăn./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Xây dựng vùng nguyên liệu vững chắc

Khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành chế biến, xuất khẩu trái cây nói riêng sẽ gặp thế cạnh tranh lớn từ các quốc gia khác trên thế giới. Do đó, vấn đề đặt ra là ngành trái cây Việt Nam phải có một nền tảng vững chắc để thúc đẩy toàn ngành giữ vị thế xuất khẩu như hiện nay. Cụ thể, việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung sẽ giúp cho khâu thu mua, chế biến, xuất khẩu đạt hiệu quả cao hơn.

Còn nhiều trở lực

Bà Nguyễn Hữu Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) đánh giá các FTA có hiệu lực sẽ mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam nhiều lợi ích. Cụ thể, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thuận lợi đi vào các thị trường “khó tính” như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… với thuế nhập khẩu giảm dần từ 10% về 0% theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên, các FTA cũng có mặt trái cho nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Đó là các sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài cũng thuận lợi đi vào thị trường Việt Nam với thuế nhập khẩu bằng 0%. Trong khi đó, Việt Nam chưa có một hàng rào kỹ thuật vững chắc để sàng lọc sản phẩm. Hầu như tất cả sản phẩm của các quốc gia thuộc hiệu lực của FTA đều có thể tiến vào thị trường Việt Nam một cách dễ dàng.

Tổ chức Horticulture Innovation Australia (Tổ chức Đổi mới trồng trọt Australia) thống kê tính đến tháng 9/2019, Australia đã xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 4.000 tấn cam Navel. Ngoài cam, Australia còn xuất sang Việt Nam 2 loại cherry và quýt.

Người dân tại xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, Sơn La phân loại xoài để xuất khẩu. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Người dân tại xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, Sơn La phân loại xoài để xuất khẩu. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Không riêng trái cây Australia, trái cây của Mỹ cũng bắt đầu đổ vào thị trường Việt Nam và có mặt ở nhiều phân khúc. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 188 triệu USD trị giá các loại rau củ, trái cây từ Mỹ như cherry, lê, nho, táo, việt quất… Ngoài ra, Việt Nam còn nhập từ các quốc gia khác như Thái Lan, Trung Quốc, tăng từ 40-50% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi trái cây từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam dễ dàng thì trái cây đi vào các thị trường khác lại vướng nhiều quy định ngặt nghèo.

Để vào được thị trường Australia và Nhật Bản, trái cây Việt Nam phải chiếu xạ để loại trừ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất nguy hại. Thế nhưng, hiện nay Việt Nam chỉ mới có 1 nhà máy chiếu xạ cho trái cây tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, để xuất khẩu sang các thị trường khó tính này, trái cây Việt phải đi hết một vòng Việt Nam mới có thể đặt “chân” ra nước ngoài.

Trong khi trái cây từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam dễ dàng thì trái cây đi vào các thị trường khác lại vướng nhiều quy định ngặt nghèo

“Còn tại những thị trường khó tính, nội tại vốn đã có hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm soát lượng hàng hóa từ quốc gia khác tiến vào thị trường này. Do đó, dù FTA có hiệu lực thì chính họ cũng đã có phương tiện để bảo hộ nền sản xuất trong nước và thị trường nội địa. Đơn cử, trái chuối Fhola muốn vào với thị trường Nhật Bản phải đáp ứng được 145 tiêu chí về dư lượng chất bảo vệ thực vật, còn đối với gạo phải là 270 tiêu chí,” Chủ tịch AFT, bà Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết.

Tạo vùng nguyên liệu chất lượng

Trước những yêu cầu khắt khe của thị trường khó tính, bắt buộc người sản xuất trong nước phải tuân theo các tiêu chí an toàn, vệ sinh thực phẩm do khách hàng quốc tế đưa ra. Thế nhưng, tỷ lệ những người sản xuất theo chất lượng quốc tế hiện còn rất thấp. Thậm chí, có nhiều hợp tác xã, người sản xuất trái cây Việt Nam nỗ lực đổi mới công nghệ, kỹ thuật sản xuất, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong đáp ứng các tiêu chí chất lượng này.

Đơn cử như mặt hàng xoài vốn được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng, nhưng để đưa được trái xoài sang Xứ sở Kim chi, người sản xuất phải trải qua khâu chăm sóc kỳ công.

Theo ông Võ Việt Hưng, Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương có liên kết sản xuất cung ứng trái xoài tươi cho doanh nghiệp xuất khẩu xoài đi thị trường Hàn Quốc. Để trái xoài có thể đến với người Hàn Quốc thật không dễ dàng. Trái xoài Cát Chu vốn có vỏ dày, độ ngọt vừa phải, thời gian bảo quản dài hơn trái xoài cát Hòa Lộc, nhưng trong lúc chăm sóc, nếu bao trái không cẩn thận, chỉ cần có một vết đen trên cuống xoài thì doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không lựa chọn. Những sản phẩm mất nhiều công chăm sóc này chỉ có thể tiêu thụ tại thị trường nội địa với giá thấp hơn, vì mẫu mã không đẹp mắt, dù chất lượng không đổi.

Dây chuyền chế biến xoài xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Dây chuyền chế biến xoài xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Riêng mặt hàng chuối Fhola và trái thanh long, việc thâm nhập thị trường Nhật Bản cũng không đơn giản.

Ông Nguyễn Đình Mười, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vina T&T cho biết, trái thanh long muốn vào Nhật Bản cần sục qua nước muối để loại bỏ những dư lượng bảo vệ thực vật, không được sử dụng các công nghệ xử lý, chiếu xạ khác. Công nghệ này xem ra đơn giản nhưng không thể giữ được trái thanh long tươi lâu trong thời gian nửa tháng để đến được thị trường Nhật Bản. Chuối Fhola cũng được áp dụng cách sơ chế bảo quản này và phải đáp ứng hơn 140 tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Trước những yêu cầu về sơ chế, bảo quản đối với trái cây xuất khẩu sang các thị trường khó tính, ông Nguyễn Đình Mười cho rằng doanh nghiệp phải trực tiếp đầu tư vào các vùng nguyên liệu, nâng cao kỹ thuật sản xuất và chăm sóc vườn cây cho người sản xuất để tạo ra sản phẩm thật chất lượng, lúc đó mới có hy vọng áp dụng những yêu cầu về bảo quản trái cây của thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Đây là việc làm tưởng đơn giản mà lại quá khó khăn đối với sản phẩm trái cây tươi.

Hiện nay, cả nước có không nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng đầu tư vào vùng nguyên liệu trái cây chất lượng, phục vụ cho xuất khẩu và chế biến trong nước. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp đi đầu như Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, với tổng diện tích vùng nguyên liệu trái cây là 30.000ha, Công ty cổ phần Lavifood với tổng diện tích vùng nguyên liệu trái cây là 10.000ha, trong tương lai sẽ mở rộng lên 30.000ha.

Từ những doanh nghiệp đi đầu, ngành trái cây Việt Nam có thể xây dựng được vùng nguyên liệu chất lượng, vượt qua những rào cản về yêu cầu bảo quản trái cây của thị trường khó tính, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu hiện nay./.

Nhãn lồng Hưng Yên. (Nguồn: TTXVN)
Nhãn lồng Hưng Yên. (Nguồn: TTXVN)

Giải pháp phát triển trái cây thành ngành hàng chiến lược

Càng vươn ra thị trường thế giới, hợp tác thương mại với nhiều quốc gia khác, ngành sản xuất và xuất khẩu trái cây Việt càng đòi hỏi một chiến lược phát triển bền vững, một quy chuẩn chất lượng để vừa có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, vừa giữ vững vị trí tại thị trường nội địa.

Phát triển thành ngành hàng chiến lược

Trong định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trái cây được coi là một trong 9 ngành hàng chủ lực bên cạnh các ngành hàng thủy sản, lúa gạo, hạt điều, chế biến và xuất khẩu gỗ, đồ gỗ, cà phê, cao su, tiêu. Ngành hàng trái cây là một trong 3 thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là xu hướng chuyển đổi diện tích sản xuất của khu vực này.

Theo thống kê của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn từ 2015 đến tháng 8/2019, diện tích cây ăn trái của khu vực phía Nam đạt khoảng 600.000ha. Tổng sản lượng đạt 6,6 triệu tấn, chiếm 67% sản lượng trái cây của cả nước, trong đó có 14 loại cây ăn trái có diện tích trồng hơn 10.000ha như xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, cam, bưởi, nhãn, dứa, chôm chôm, mít, bơ, mãng cầu…

Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích sản xuất cây ăn trái đạt 350.000ha. Theo kế hoạch, diện tích cây ăn trái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 sẽ tăng thêm 330.000ha, đạt 680.000ha.

Để có thể phát triển diện tích sản xuất này, Cục Trồng trọt cũng đã có kế hoạch phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương, Trung tâm khuyến nông các tỉnh thúc đẩy cải tạo các vườn tạp trái cây, dừa, đa dạng hóa hệ thống canh tác cây ăn trái, kết hợp trồng xen các loại cây ăn trái khác dưới tán như xoài xen xây cảnh, dừa xen ca cao…

Là địa phương điển hình trong phát triển ngành hàng trái cây, tỉnh Đồng Tháp  đã có những giải pháp cụ thể trong việc thúc đẩy ngành hàng này.

Thu hoạch xoài cát chu rải vụ ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)
Thu hoạch xoài cát chu rải vụ ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết tại Đồng Tháp, chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực như trái cây đã được hình thành và phát huy hiệu quả.

Cụ thể, năm 2018, giá trị sản xuất ngành hàng xoài Đồng Tháp ước đạt 1.630 tỷ đồng, tăng 65 tỷ đồng so với năm 2017. Đồng Tháp đã thực hiện liên kết tiêu thụ trong nước được 1.559 tấn xoài, xuất khẩu 74 tấn. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn xây dựng thương hiệu và thúc đẩy phát triển trái quýt hồng Lai Vung, nhãn Ido Châu Thành…

Để xúc tiến quá trình này, tỉnh Đồng Tháp cũng đã tạo điều kiện cho các nhóm nông dân sản xuất cùng ngành hình thành nên các hội quán. Đây là tiền đề hình thành nên các hợp tác xã, tạo nền tảng cho mối liên kết chuỗi giá trị sau này.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để có thể chủ động thích ứng với những thay đổi của thị trường và điều kiện tự nhiên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch dựa trên các biến động về nguồn nước, tính thích nghi về đất đai, phát triển bền vững thành 3 vùng. Đó là vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển, xoay trục chiến lược của ngành nông nghiệp thành thủy sản, trái cây và cuối cùng là lúa gạo.

Lô nhãn chín muộn được đưa vào chiếu xạ trước khi lên đường xuất sang Australia. (Ảnh: TTXVN)
Lô nhãn chín muộn được đưa vào chiếu xạ trước khi lên đường xuất sang Australia. (Ảnh: TTXVN)

Đẩy mạnh liên kết chuỗi

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất cây ăn trái nhỏ lẻ, phân tán, gây khó khăn trong việc cơ giới hóa. Đồng thời, trái cây phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do thị trường đặt ra như GlobalGAP… Tuy nhiên, diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế lại khiếm tốn, khoảng 10% diện tích của toàn vùng.

Hơn nữa, tiêu chí sản xuất khắt khe nhưng kênh kết nối giữa các đơn vị sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GlobalGAP với doanh nghiệp chế biến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn này lại lỏng lẻo, chưa gặp nhau để có thể thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ. Số còn lại chạy theo số lượng, sản xuất dễ dãi nên khó thực hiện liên kết để cung ứng cho chế biến và xuất khẩu.

Do đó, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh ngành trái cây muốn trở thành một ngành hàng chủ lực thì các kênh phải “gặp nhau” mới phát huy thế mạnh của từng bên. Trái cây chất lượng phát huy được giá trị, sản phẩm chất lượng tìm được doanh nghiệp phù hợp để thẳng bước ra thị trường, thay vì những hàng hóa chất lượng và doanh nghiệp đang cần lại “đi trên hai đường thẳng song song” như hiện nay.

Thêm vào đó, hiện nay cả nước có 150 nhà máy chế biến trái cây, trong đó, có 18 nhà máy chế biến sâu. Tuy nhiên, số lượng nhà máy có công suất lớn lại không nhiều. Dù vậy, sản lượng trái cây của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa đáp ứng được hết công suất hoạt động của các nhà máy này.

Dây chuyền chế biến, sơ chế hoa quả xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Dây chuyền chế biến, sơ chế hoa quả xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện chỉ có 30% sản lượng trái cây được đưa vào chế biến, xuất khẩu, số còn lại chủ yếu xuất khẩu tươi và tiêu thụ trong nước. Khi được tiêu thụ tươi, thời gian bảo quản trái cây ngắn, làm tỷ lệ hao hụt cao và giảm giá trị mặt hàng.

Theo ông Nguyễn Như Hiến, Trưởng Phòng cây lâu năm, Văn phòng Cục trồng trọt phía Nam, ngành sản xuất và chế biến trái cây phải tổ chức lại sản xuất và liên kết, các doanh nghiệp cũng cần đổi mới công nghệ chế biến. Như vậy, mới phát huy hết hiệu quả của từng khâu như sản xuất giống, sản xuất trái cây tươi, chế biến và tiêu thụ.

Đó là chưa kể đến khâu xây dựng thương hiệu cho từng khâu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm của ngành trái cây. Ngành nông nghiệp cũng đặt mục tiêu cho trái cây Việt Nam đến năm 2030 là tổ chức lại sản xuất 100% diện tích trái cây thành những vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn các quốc gia khó tính yêu cầu, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời, bộ phận xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường trong nước có sự phối hợp chặt chẽ với tham tán thương mại các nước để tìm hiểu lịch thời vụ tại các nước sở tại. Từ đó, người sản xuất trong nước có thêm thông tin để điều chỉnh thời vụ sản xuất bằng giải pháp rải vụ, tránh sản xuất trùng lịch thời vụ của các nước, gây ra tình trạng thừa hàng, khó tiêu thụ, khó xuất khẩu.

Khi những mắt xích trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây được thực hiện tốt từng khâu, mối liên kết chuỗi hình thành và phát triển chặt chẽ, ngành hàng trái cây Việt Nam mới đi vào sản xuất và tiêu thụ ổn định, người sản xuất cũng có động lực đưa ngành trái cây đi lên./.

Vườn sầu riêng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. (Nguồn: TTXVN)
Vườn sầu riêng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. (Nguồn: TTXVN)