Thủy điện nhỏ

Các tỉnh nghèo

cuốn theo ‘cơn lốc’ phát triển thủy điện nhỏ

Hùng Võ

Với lợi thế về địa hình, số lượng sông suối nhiều, độ dốc cao… từ năm 2005 đến nay, nhiều tỉnh miền núi đã coi phát triển thủy điện nhỏ là “con gà đẻ trứng vàng,” từ đó khởi nguồn cho phong trào phát triển ồ ạt nhằm khai thác tối đa nguồn “vàng trắng” giàu tiềm năng.

Vậy nhưng, sau gần chục năm trải thảm đỏ thu hút đầu tư, giờ đây, một số tỉnh đi đầu trong “phong trào phát triển năng lượng” ở miền Bắc như Hà Giang, Cao Bằng đã phải hứng chịu hàng loạt hệ lụy: mất rừng, dự án xây dựng dở dang, sông suối cạn trơ đáy, suy giảm lượng phù sa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh lam thắng cảnh…

Và đằng sau đó là cả những câu chuyện “bi hài” đang gây nhiều tranh cãi do công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án chưa sát với thực tế, chưa khoa học dẫn đến việc phải thường xuyên điều chỉnh và loại bỏ nhiều dự án ra khỏi quy hoạch.

Trong vòng 10 năm qua, tỉnh Hà Giang và Cao Bằng đã được quy hoạch trên 100 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy khi quy hoạch lên đến hơn 1.000MW. Đến nay, mặc dù hai tỉnh này đã loạt bỏ 37 dự án yếu kém, nhưng trung bình mỗi dòng sông vẫn phải “cõng” từ 3-6 nhà máy thủy điện.

Thực trạng phát triển một cách ồ ạt các công trình thủy điện và thiếu kiểm soát, gây tranh chấp kéo dài trong suốt nhiều năm… đã khiến hai tỉnh có tiềm năng về phát triển năng lượng sạch ở miền Bắc phải chịu những hệ lụy khi chủ đầu tư quay lưng để lại.

Toàn cảnh ‘Thế giới thủy điện nhỏ’ tại  Việt Nam.

Thủy điện nhỏ “mọc” tràn lan

Chỉ tính riêng tại tỉnh Cao Bằng, mặc dù, địa phương này đã loại bỏ 11 dự án khỏi quy hoạch vào năm 2011 nhưng hiện vẫn còn 40 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch với tổng công suất lắp máy hơn 350 MW. Trong số đó, 24 dự án được tỉnh phê duyệt năm 2007; Bộ Công Thương phê duyệt, bổ sung điều chỉnh 10 dự án; và 6 dự án được tỉnh phê duyệt bổ sung.

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, hiện trên địa bàn tỉnh có 12 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất lắp máy hơn 70,6 MW; thủy điện công suất lớn nhất là 30 MW, còn lại chủ yếu là thủy điện nhỏ được xây dựng trên hệ thống các con sông chính như sông Gâm, sông Bằng Giang, sông Quây Sơn…

Riêng hệ thống sông Gâm (dài khoảng 60km, chảy qua hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc) theo quy hoạch sẽ phải “cõng” 6 dự án thủy điện. Hiện tại, thủy điện Bảo Lâm 1 với công suất 30 MW đã đi vào vận hành, thủy điện Bảo Lâm 3 và 3A đang được thi công, thủy điện Bảo Lâm 4 chuẩn bị thi công. Cả 4 thủy điện này được Công ty cổ phần xây lắp điện 1 đầu tư.

Riêng hệ thống sông Gâm dài khoảng 60km, chảy qua hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Cao Bằng theo quy hoạch sẽ phải “cõng” 6 dự án thủy điện

Còn tại tỉnh Hà Giang, từ năm 2005 đến nay, địa phương này đã được quy hoạch 72 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy khi quy hoạch là 768,8MW.

Trong giai đoạn đầu, từ năm 2005-2010 và xét đến năm 2015 tại Quyết định 216/QĐ-UBND ngày 19/5/2005 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, trên địa bàn tỉnh này được quy hoạch 26 dự án, với tổng công suất lắp máy 474,9MW.

Cũng trong giai đoạn này, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã phê duyệt một dự án thủy điện trên sông Gâm, với công suất 45MW.

Trong khi đó, tại Quyết định số 2737/QĐ-UBND ngày 22/8/2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ, thì số lượng dự án thủy điện nhỏ trong giai đoạn hai được điều chỉnh thêm… 34 dự án. Vì đây chủ yếu là thủy điện nhỏ nên tổng công suất lắp máy của 34 dự án chỉ có 80MW.

Thủy điện Sông Lô 2 tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Thủy điện Sông Lô 2 tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Những tưởng hệ thống thủy điện dày đặc được quy hoạch trên hầu hết các con sông ở Hà Giang sẽ dừng lại ở đó. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 2 năm (từ cuối 2009-2011), Hà Giang tiếp tục quy hoạch thêm 11 thủy điện trên hệ thống sông Lô, sông Chảy, sông Gâm với tổng công suất lắp máy hơn 160MW.

Mãi đến tháng 4/2013, sau khi cùng Bộ Công Thương rà soát các dự án thủy điện, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang mới loại bỏ 27 trong tổng số 72 dự án ra khỏi quy hoạch vì năng lực yếu, không khả thi như: Thủy điện Sông Miện 2, Thanh Thủy 1A, Lũng Phìn, Cốc Rế, Sông Con 1, Ngòi Thàn, Ngòi Hít, Nậm Mu 1A, Nậm Khiêu…

Vậy nguyên nhân từ đâu mà tỉnh Hà Giang phải mạnh tay loại bỏ hàng chục dự án thủy điện đã được tỉnh đưa vào quy hoạch như vậy?

Lý giải cho thực trạng trên, ông Hoàng Văn Nhu – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cho rằng trước đây, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án thủy điện chưa sát với thực tế, thiếu sàng lọc ngay từ khi kêu gọi. Vì thế, không ít chủ đầu tư thiếu năng lực và kinh nghiệm đã nhảy vào đầu tư, dẫn đến việc phải thường xuyên điều chỉnh, loại bỏ nhiều dự án khỏi quy hoạch.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án thủy điện chưa sát với thực tế, thiếu sàng lọc ngay từ khi kêu gọi. Vì thế, không ít chủ đầu tư thiếu năng lực và kinh nghiệm đã ‘nhảy’ vào đầu tư

Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển thủy điện ở Hà Giang cũng xuất hiện những bất cập như chiếm dụng đất đai (đất nông nghiệp, đất rừng), đồng ruộng để làm hồ chứa.

Thủy điện hình thành các bậc thang từ thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy, chế độ thủy văn, ảnh hưởng môi trường sinh thái, tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa cho con người.

Cho đến nay, mặc dù đã bị loại bớt dự án (chỉ còn lại hơn 40 dự án với tổng công suất lắp máy gần 800 MW) nhưng mỗi con sông ở Hà Giang vẫn phải “cõng” từ 3-6 thủy điện. Đơn cử, dù chỉ là một phụ lưu của sông Lô, nhưng sông Miện hiện đang phải “cõng” 6 thủy điện là: Sông Miện 5, Sông Miện 5A, Thái An, Sông Miện (Bát Đại Sơn), Sông Miện 6, và Thuận Hòa.

Trên sông Nho Quế (dòng sông giải khát cho người dân vùng cao) chảy qua địa phận huyện Mèo Vạc, hiện cũng đã được quy hoạch ít nhất 3 nhà máy thủy điện bậc thang. Trong đó, thủy điện Nho Quế 3 đã vận hành từ năm 2012, thủy điện Nho Quế 2 đã phát điện hồi tháng 8/2016. Còn thủy điện Nho Quế 1 đang trong quá trình thi công.

Thủy điện Sông Bạc tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Thủy điện Sông Bạc tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Phớt lờ quy định dòng chảy tối thiểu

Hà Giang vốn được biết đến là vùng cao nguyên hùng vĩ, với những dòng sông uốn lượn chẳng khác gì những “con rồng xanh” luồn qua vực thẳm. Sông cứ thế chảy miết đến tận cùng, nhưng bây giờ nhiều con sông đã bị “thắt cổ,” và bị ngăn thành những hồ đập, nằm im lìm bất động.

Một ví dụ điển hình như tại huyện Vị Xuyên, theo quy hoạch có 17 dự án thủy điện, hiện 7 dự án đã phát điện, 3 dự án đang thi công. Trong đó, riêng dòng sông Miện có tới 6 thủy điện (4 thủy điện đã vận hành, 2 dự án đang thi công).

Thực trạng này đã làm biến dạng dòng chảy, dòng sông bị ngăn thành những hồ đập khổng lồ, trong khi phía dưới lúc nào cũng ở trong tình trạng “đói” nước.

Nếu di chuyển từ thành phố Hà Giang, chúng ta sẽ đến thủy điện Sông Miện 5A đầu tiên, đây là thủy điện nhỏ với công suất lắp máy 5MW. Thủy điện này đã phát điện từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt.

Ngoài ra, thủy điện này cũng chưa bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định, song vẫn không bị cơ quan chức năng xem xét xử lý.

Thủy điện Sông Miện 5A chưa bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định, song vẫn không bị cơ quan chức năng xem xét xử lý

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, đập dâng của thủy điện Sông Miện 5A cách thân đập của thủy điện Sông Miện 5 (hai thủy điện cùng chủ đầu tư) chỉ một cánh đồng. Tại khu vực này, sông bị ngăn lại thành hồ đập khổng lồ, đầy ắp nước. Trong khi đó, phía thượng nguồn dòng sông Miện 5A cũng bị ngăn đập làm thủy điện khiến dòng sông này gần như không chảy.

Theo quy định của Nghị định 112/2008/NĐ-CP thì các công trình khai thác sử dụng nước như hồ chứa, đập dâng thủy lợi thủy điện khi tích và điều tiết nước đều phải xả trả lại sông lượng dòng chảy tối thiểu để bảo đảm nước cho hệ sinh thái, duy trì môi trường sống và bảo đảm nhu cầu nước cho sử dụng ở đoạn sông hạ lưu.

Vậy nhưng, sáng ngày 26/4/2017 có mặt tại nhà máy thủy điện Sông Miện 5A, chúng tôi phát hiện nhà máy này không xả nước duy trì dòng chảy tối thiểu. Các cửa xả của nhà máy đóng kín đã khiến hạ lưu sông Miện bị cạn trơ đáy. Nhiều người dân thấy sông cạn đã xuống mò ốc, bắt cá ngay trước cửa xả của thủy điện này.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus vào ngày 27/4/2017, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang thừa nhận có việc một số thủy điện, như thủy điện sông Miện 5A tích nước không bảo đảm dòng chảy để tăng lợi ích khi sản xuất điện. Và, lỗi này là do phía doanh nghiệp.

“Trong việc này, địa phương quản lý quy trình vận hành của các Nhà máy cũng rất khó vì không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng có thể tổ chức kiểm tra được. Mặt khác, các thủy điện thường ở các khu vực xa, hẻo lánh cũng khó cho công tác kiểm tra xử lý,” ông Sơn chia sẻ.

Thủy điện Hòa Thuận tại tỉnh Cao Bằng, xây dựng gần 10 năm, nay vẫn chưa hoàn  thành. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Thủy điện Hòa Thuận tại tỉnh Cao Bằng, xây dựng gần 10 năm, nay vẫn chưa hoàn thành. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cùng chung cảnh quá tải thủy điện, tại sông Gâm, tỉnh Cao Bằng theo kế hoạch cũng phải “cõng” 6 thủy điện. Hiện một số thủy điện đã đi vào vận hành như thủy điện Bảo Lâm 1 với công suất lắp máy 30MW. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, thủy điện này cũng không duy trì dòng chảy tối thiểu như quy định.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào khoảng 13 giờ 30 phút trưa 23/4/2017, sông Gâm đoạn qua xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm đã bị cạn trơ đáy. Hàng trăm người dân lao xuống đánh bắt cá ngay phía dưới nhà máy, họ bắt cá giữa dòng sông Gâm mà như bắt cá trong ao nhà mình, người quăng chài, kẻ thả lưới…

Một số người dân địa phương cho biết hàng ngày, vào khoảng 10 giờ sáng hoặc 12 giờ trưa là thủy điện tích nước cho đến khoảng 14 giờ hoặc 16 giờ chiều là thủy điện xả nước. Do đã nắm được thời gian đóng xả của thủy điện nhiều người ăn nằm luôn dưới gầm cầu Lý Bôn để đánh bắt cá.

Nghe xong câu chuyện, chúng tôi vào gần khu vực nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1, do là thời gian thủy điện tích nước nên dòng chảy phía hạ du đã bị cạn kiệt, tất cả các cửa xả của nhà máy đóng kín, một số người dân liều lĩnh vào rất gần cửa xả để bắt cá.

Ngay sau khi tiếp cận và quay phim sự việc, khoảng 14 giờ 30 ngày 23/4 chúng tôi đã liên hệ với Ban lãnh đạo thủy điện Bảo Lâm 1 qua điện thoại nhưng không ai nghe máy. Phải đến khi chúng tôi báo cáo câu chuyện với lãnh đạo Sở Công Thương thì Ban quản lý thủy điện Bảo Lâm 1 mới liên lạc lại và hẹn làm việc lúc 13 giờ chiều ngày 24/4.

Thủy điện Bảo Lâm 1 tại tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Thủy điện Bảo Lâm 1 tại tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trước thời điểm vào làm việc khoảng 15 phút, chúng tôi có mặt tại khu vực nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1, nhưng điều bất thường là thủy điện này lại xả nước với lưu lượng khá lớn, bất chấp việc phía hạ du người dân vẫn đang đánh bắt cá, lượng nước chảy về gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người.

Tại buổi làm việc với ông Vũ Văn Long, Quản đốc nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1, ông Long cho biết: “Về nguyên tắc, nhà máy tuân thủ theo điều kiện phối hợp vận hành, điều tiết ngày đêm, nếu có nước thì đề nghị xin phát, nhưng mình phải xả dần để tránh sạt lở. Theo quy định nếu không phát điện mình phai xả đúng lưu lượng.”

Giải thích về dòng sông “chết” bất thường ngày 23 và 24/4, ông Long cho hay, Nhà máy phát điện 9 giờ, tầm 11 đến 12 giờ trưa, do bên chuyên gia Trung Quốc nói cửa van không điều khiển từ xa được nên đóng lại để sửa. Hoặc hôm nào đó mới phát điện xong, lưu lượng nước phía hạ du lớn nên nhà máy không thể xả thêm được…

Trong khi đó, nhìn nhận từ góc độ địa phương, ông Vũ Ngọc Lưu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm cho biết: “Việc tích, xả nước của thủy điện rất phức tạp. Trước đây từng có lúc nhà máy tích nước đóng kín, nước không chảy về phía hạ du, bà con phản ánh sông cạn nước đã hơn 45 phút, tôi buộc phải gọi điện cho lãnh đạo nhà máy xả nước.”

Ông Lưu cho biết thêm thủy điện Bảo Lâm 1 khi đóng xả nước còn gây sạt lở bờ sông, một số hộ dân vẫn chưa được đền bù. Ngoài ra, việc tích nước đã làm nứt hai đầu cầu treo đường đi xã Đức Hạnh và cầu Km22 và nguy cơ sạt lở 200m đường giao thông nông thôn và dọc quốc lộ 4C. Tuy nhiên, việc này doanh nghiệp vẫn chưa triển khai./.

Người dân đổ xô xuống bắt cá dưới sông Gâm-ngay trước cửa xả của Nhà máy thủy  điện Bảo Lâm 1 (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), do nhà máy thủy điện chặn dòng  chảy khiến sông cạn trơ đáy. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Người dân đổ xô xuống bắt cá dưới sông Gâm-ngay trước cửa xả của Nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1 (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), do nhà máy thủy điện chặn dòng chảy khiến sông cạn trơ đáy. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chồng lấn mốc giới

Thủy điện gây tranh chấp gần 10 năm

Hùng Võ

Không chỉ quy hoạch phát triển tràn lan thủy điện nhỏ, việc lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai một số dự án thủy điện tại nhiều tỉnh phía Bắc cũng còn thiếu khả thi, gây phát sinh nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường, an ninh nguồn nước và tính mạng của người dân.

Hệ lụy từ việc quy hoạch ồ ạt trên là tình trạng tranh chấp mức nước và hành lang bảo vệ giữa các nhà máy thủy điện kéo dài suốt gần chục năm trời, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, khiến nhiều đoạn sông dường như bị “chết” do thủy điện “uống” cạn nước.

Người dân đổ xô xuống bắt cá dưới sông Gâm-ngay trước cửa xả của Nhà máy thủy  điện Bảo Lâm 1 (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), do nhà máy thủy điện chặn dòng  chảy khiến sông cạn trơ đáy. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Người dân đổ xô xuống bắt cá dưới sông Gâm-ngay trước cửa xả của Nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1 (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), do nhà máy thủy điện chặn dòng chảy khiến sông cạn trơ đáy. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tự ý dâng nước, gây chết người

Xưa nay, việc các nhà máy thủy điện xây dựng trên cùng một dòng sông, “uống” chung dòng nước là lẽ thường tình. Vậy nhưng, gần đây, một chuyện không hay đã xảy ra, cuốn hai doanh nghiệp lớn về thủy điện ở Hà Giang vào “tâm bão,” gây nhiều tranh cãi trong suốt nhiều năm qua.

Đó là việc tranh chấp mực nước, sử dụng hành lang bảo vệ giữa Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Thuận Hòa) và Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Miện 5 (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Sông Miện 5). Đây là hai thủy điện cùng “mọc” trên sông Miện (phụ lưu của sông Lô).

Trong một văn bản gửi lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa đã “tố” thủy điện Sông Miện 5 không tuân thủ mực nước dâng bình thường theo quy hoạch. Đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa cho biết dự án này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang phê duyệt quy hoạch bổ sung ngày 31/1/2013 với công suất thiết kế 38MW.

Theo quyết định phê duyệt này, mực nước hạ lưu Nhà máy thủy điện Thuận Hòa là 154,5m/157,5m. Còn mực nước dâng bình thường của Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 là 155m. Với các thông số mực nước dâng bình thường của hai dự án, nếu các bên tuân thủ đúng sẽ khai thác hài hòa, tối ưu thủy năng trên dòng sông, không ảnh hưởng đến nhau.

Tuy nhiên, Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 đã tự ý dâng nước tại lòng hồ thủy điện lên 157-158m khiến mực nước dâng bình thường tại hạ lưu Nhà máy thủy điện Thuận Hòa lên mức 162-163m.

Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 đã tự ý dâng nước tại lòng hồ thủy điện lên 157-158m khiến mực nước dâng bình thường tại hạ lưu Nhà máy thủy điện Thuận Hòa lên mức 162-163m

Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Miện 5 cho rằng Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa và Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã lập, thẩm định, chấp thuận, phê duyệt, đầu tư tăng quy mô, công suất nhà máy lên gấp 3 lần khi chưa được Bộ Công Thương chấp thuận, gây chồng lấn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dự án xung quanh.

Cũng theo lập luận của Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Miện 5, thì dự án thủy điện Thuận Hòa có công suất 13,5MW theo văn bản thẩm định 255/CV-NLDK ngày 14/1/2005 của Bộ Công Thương, Quyết định phê duyệt số 216/QĐ-UB ngày 19/1/2005 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang.

Đến năm 2011, Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa và Sở Công Thương tỉnh Hà Giang trình hồ sơ đề nghị điều chỉnh tăng công suất. Sau đó, Bộ Công Thương yêu cầu phải kiểm tra sự phù hợp của dự án với quy hoạch các dự án thủy điện khác và mỏ sắt Tùng Bá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cần cập nhật các mực nước thiết kế hồ chứa thủy điện Sông Miện 5 phía dưới hạ lưu đang vận hành…

Tuy nhiên, Sở Công Thương đã thẩm định, chấp thuận toàn bộ hồ sơ thiết kế của chủ đầu tư, điều chỉnh tăng công suất lên 38MW.

Theo nội dung Quyết định số 976/QĐ-UBND ngày 2/6/2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 có cao trình mực nước dâng bình thường là 155m, cao trình mực nước dềnh 159,8m. Ranh giới hành lang bảo vệ lòng hồ được duyệt theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2010 là 163m.

 Thủy điện Sông Miện 5 tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)
 Thủy điện Sông Miện 5 tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tuy nhiên, trong quá trình tranh chấp, Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 chưa tiến hành cắm mốc, căng dây mốc ranh giới hành lang bảo vệ lòng hồ. Thực tế này dẫn đến việc Nhà máy thủy điện Thuận Hòa khi khảo sát, điều chỉnh thiết kế lên 38MW đã chồng lên vùng lòng hồ thủy điện Sông Miện 5, gây ô nhiễm môi trường và gây tai nạn nghiêm trọng làm ba người chết.

Để giải quyết việc tranh chấp mực nước và hành lang bảo vệ hồ giữa Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa và Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Miện 5, từ năm 2014 đến nay, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã nhiều lần đứng ra làm “trọng tài” hòa giải, nhưng việc tranh chấp vẫn chưa được xử lý triệt để.

Trao đổi với phóng viên về việc giải quyết tranh chấp trên, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết: Xảy việc khiếu kiện giữa hai công ty trên là do quá trình đầu tư xây dựng đã có tác động đến môi trường, dự án chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Trước thực trạng này, ngày 3/8/2015, tại Tỉnh ủy Hà Giang, đồng chí Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy cùng Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo của hai công ty. Qua đó, hai bên thỏa thuận duy trì mực nước dâng bình thường (mực nước vận hành) của Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 (bậc dưới) ở mức 158m, mực nước dềnh là 161m.

Vậy nhưng, tại buổi làm việc với phóng viên VietnamPlus vào ngày 26/4/2017, ông Nguyễn Thanh Hải, đại diện Công ty Cổ phần thủy điện Thuận Hòa khẳng định, các nội dung liên quan đến việc tranh chấp vẫn chưa đi tới “hồi kết.”

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang khẳng định trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện giữa các chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Thuận Hòa và Sông Miện 5, tỉnh cũng… rất đau đầu

Lý do là mực nước dâng tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Miện 5 vẫn cao hơn so với thiết kế cơ sở được phê duyệt hơn 6m; gây khó khăn cho việc thi công Nhà máy thủy điện Thuận Hòa.

“Theo kế hoạch, đến đầu tháng 4/2017 sẽ hoàn thành việc thi công nhà máy, nhưng do tranh chấp nên cơ quan chức năng đã gia hạn thêm sáu tháng. Hiện tại, bậc dưới (khu vực lòng hồ thủy điện Sông Miện 5) đang tích nước cao hơn so phê duyệt. Việc tự ý tích nước, xây cao trình đập lên cao không đúng thiết kế, sai trắng trợn nhưng đến nay vẫn tồn tại,” ông Hải nói.

Trước băn khoăn của phóng viên về kết quả giải quyết tranh chấp, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang khẳng định trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện giữa các chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Thuận Hòa và Sông Miện 5, tỉnh cũng… rất đau đầu.

“Để giải quyết việc này, mới đây, tôi đã trực tiếp giao đồng chí Hạnh (Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang) đi vào kiểm tra, nhưng khi kiểm tra Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 lại tích nước đảm bảo mực nước dâng. Thế nhưng, khi đoàn kiểm tra rút lui, mực nước lại được tích cao hơn. Đây cũng là vì lợi ích của doanh nghiệp,” ông Sơn nói.

Sông Miện tại tỉnh Hà Giang bị các nhà máy thủy điện thắt lại, ngăn thành những hồ đập lớn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Sông Miện tại tỉnh Hà Giang bị các nhà máy thủy điện thắt lại, ngăn thành những hồ đập lớn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Đổi” 10 năm tranh chấp lấy… 3,7 tỷ đồng

Cùng tham vọng làm giàu từ thủy điện, ngay từ năm 2006, tỉnh Cao Bằng đã có chủ trương xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Thuận (huyện Nguyên Bình) thiết kế với công suất 20 MW và Thủy điện Tiên Thành (huyện Quảng Uyên) với công suất 15 MW, nhằm phát huy tiềm năng tự nhiên và thế mạnh của tỉnh trên sông Bằng Giang.

Tuy nhiên, do tranh chấp nguồn nước trong quá trình thi công, nên hai thuỷ điện này đã phải “dậm chân tại chỗ,” để giải quyết vướng mắc. Nguyên nhân của việc này là, khi xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Thuận và đưa vào vận hành, mực nước dâng của hồ thủy điện này sẽ ngập lên thân đập cũng như Nhà máy thủy điện Tiên Thành.

Để giải quyết sự việc trên, ngày 4/12/2012, Bộ Công Thương có Văn bản số 11687/BCT-TCNL gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng với nội dung điều chỉnh quy hoạch dự án thủy điện Hòa Thuận và yêu cầu nghiêm túc thực hiện triệt để ý kiến chỉ đạo cũng như kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư dự án thực hiện đúng nội dung đã cam kết và sớm điều chỉnh quy hoạch các dự án.

Trên cơ sở đó, hai bên đã đi đến thống nhất là Nhà máy thủy điện Hòa Thuận chấp thuận hạ mực nước dâng xuống 3m so thiết kế ban đầu và giảm công suất phát điện từ 20 MW xuống 17,4 MW (đã được Bộ Công Thương phê duyệt) và chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Tiên Thành chi trả cho thủy điện Hòa Thuận… 3,7 tỷ đồng tiền bồi thường.

Dự án thủy điện Hòa Thuận vi phạm 14 sai phạm và dự án thủy điện Tiên Thành 19 sai phạm, trách nhiệm này trước hết thuộc về hai chủ đầu tư

Từ đó đến nay, sau rất nhiều cuộc họp, gặp gỡ giữa các doanh nghiệp do Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức, hai thủy điện đã thi công trở lại. Ghi nhận của phóng viên vào những ngày cuối tháng 4/2017 cho thấy, cả hai công trình thủy điện Tiên Thành và Hòa Thuận đều đang gấp rút thi công và dự kiến phát điện vào năm 2018.

Tuy nhiên, khi được hỏi về quy trình xây dựng, đại diện Công ty cổ phần sông Đà 7.09 (chủ đầu tư thủy điện Tiên Thành) cho hay do mới mua công trình thủy điện này từ chủ đầu tư cũ nên vẫn thiếu một số giấy tờ theo quy định, đặc biệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Đáng chú ý là trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã thành lập đoàn thanh tra đối với hai dự án và kết luận thanh tra tại Văn bản số 337/KL-UBND ngày 12/2/2015 cho thấy: Dự án thủy điện Hòa Thuận vi phạm 14 sai phạm và dự án thủy điện Tiên Thánh 19 sai phạm, trách nhiệm này trước hết thuộc về hai chủ đầu tư.

Đặc biệt, kết luận thanh tra nhấn mạnh việc để xảy ra tình trạng xây dựng dự án nhưng chưa được cấp phép trên địa bàn huyện thì Ủy ban Nhân dân hai huyện có dự án (là Quảng Uyên và Phục Hòa) phải chịu trách nhiệm; việc dự án thủy điện Tiên Thành chưa làm các thủ tục thu hồi đất, giao đất xây dựng công trình nhưng đã triển khai xây dựng, chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và Ủy ban Nhân dân cấp huyện.

Mặt khác, Kết luận thanh tra cũng nêu rõ các thông số của dự án chưa phù hợp với quy hoạch như công suất, mực nước dâng bình thường nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, không thực hiện thẩm tra đầu tư đối với dự án thủy điện Tiên Thành, trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Công Thương./.

Người dân đổ xô xuống bắt cá dưới sông Gâm-ngay trước cửa xả của Nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1 (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), do nhà máy thủy điện chặn dòng chảy khiến sông cạn trơ đáy. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Người dân đổ xô xuống bắt cá dưới sông Gâm-ngay trước cửa xả của Nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1 (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), do nhà máy thủy điện chặn dòng chảy khiến sông cạn trơ đáy. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Công trình ngổn ngang

chậm tiến độ, bỏ hoang giữa rừng

Hùng Võ

Sau một thập kỷ trải thảm đỏ thu hút đầu tư phát triển thủy điện vừa và nhỏ, giờ đây, phần lớn dự án thủy điện tại hai tỉnh Hà Giang, Cao Bằng vẫn nằm trên giấy.

Hàng loạt dự án khác đã được thi công thì chậm tiến độ, phải tạm dừng xây dựng. Thậm chí, có những dự án được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng nhiều năm nay vẫn đang bỏ hoang vì chủ đầu tư có năng lực thuộc loại yếu kém.

  Dự án thủy điện Nho Quế 2, tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
  Dự án thủy điện Nho Quế 2, tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chậm vì năng lực yếu kém

Trong quá trình tìm hiểu về việc quy hoạch phát triển trên địa bàn tỉnh Hà Giang, phóng viên VietnamPlus được biết, ngoài 16 thủy điện đã đi vào vận hành, tại địa phương này hiện có 12 dự án đang và sắp thi công xây dựng với tổng công suất lắp máy là 300,7MW; trong đó 7 dự án dự kiến sẽ phát điện trong năm 2017.

Tuy nhiên, một số dự án hiện nay trên thực tế đang chậm tiến độ so giấy chứng nhận đầu tư gần 10 năm, do bị gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; việc cung cấp vật tư, vật liệu máy móc thiết bị chưa kịp thời do chủ đầu tư phải nhập từ nước ngoài (Trung Quốc); hay có dự án đang phải điều chỉnh quy hoạch.

Một ví dụ điển hình là thủy điện Bản Kiếng công suất 3,6MW (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng nông lâm Tôn Thọ). Dự án này được khởi công từ năm 2006, tại địa phận xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên. Hiện dự án này đang phải tạm dừng thi công.

Thông tin về việc dự án thủy điện này, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết, công trình Nhà máy thủy điện Bản Kiếng hiện đang xây dựng dở dang một số hạng mục như: nâng cấp mở mái đường lên hồ đập thủy điện dài khoảng 5km nay đã xuống cấp không sử dụng được; kênh dẫn nước thải nhà máy; công tác đền bù giải phóng mặt bằng…

Thủy điện Bản Kiếng công suất 3,6MW (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng nông lâm Tôn Thọ), được khởi công từ năm 2006, tại địa phận xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đang phải tạm dừng thi công

Ngoài ra, các hạng mục công trình chính của dự án như đập bêtông trọng lực, đường ống áp lực và nhà máy cơ bản cũng chưa được thi công xây dựng. Toàn bộ các hoạt động thi công xây dựng của dự án thủy điện Bản Kiếng đã bị dừng thi công từ đầu năm 2008 đến nay.

Theo ông Sơn, nguyên nhân khiến dự án thủy điện Bản Kiếng phải dừng hoạt động là do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng nông lâm Tôn Thọ không có khả năng bố trí được vốn nên dự án dừng thực hiện đầu tư. Ngoài ra, nội bộ của Công ty này cũng không có sự đoàn kết nhất trí, dẫn đến hiện tượng khiếu kiện lẫn nhau giữa các cổ đông.

Đến tháng 7/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng nông lâm Tôn Thọ kiện toàn lại bộ máy để tiếp tục triển khai dự án.

Tuy nhiên, ngày 10/4/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng nông lâm Tôn Thọ tạm dừng mọi hoạt động tập kết vật tư, vật liệu xây dựng, dừng thi công công trình để giải quyết dứt điểm việc thanh toán cho các nhà thầu và hoàn thiện các thủ tục theo quy định của luật đầu tư, luật bảo vệ môi trường…

Thủy điện Nho Quế 3 tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Thủy điện Nho Quế 3 tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Dù không có tiềm năng về phát triển thủy điện so với tỉnh Hà Giang, nhưng thời gian qua, Cao Bằng cũng được biết đến như một điểm “nóng” về phát triển thủy điện. Tuy nhiên, bức tranh thủy điện nơi đây được vá víu bởi không ít mảng tối với những công trình chậm tiến độ do lỗi quy hoạch, cấp phép; thi công dang dở, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái và cuộc sống người dân.

Theo Quy hoạch thủy điện nhỏ của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã được phê duyệt tại Quyết định số 2320/QĐ-UBND ngày 16/11/2007, toàn tỉnh có 24 dự án với tổng công suất 120 MW; các dự án được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung điều chỉnh gồm 10 dự án với tổng công suất hơn 206 MW. Hiện nay Sở Công Thương đã đề nghị tỉnh loại 11 dự án ra khỏi quy hoạch.

Còn những thủy điện dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đi vào thi công xây dựng từ hơn 10 năm về trước thì nay vẫn đang chậm tiến độ, thậm chí bỏ hoang, gây thất thoát lớn đến nguồn thu của tỉnh Cao Bằng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con nơi thực hiện dự án.

Đơn cử như Nhà máy thủy điện Tiên Thành (15MW) do Công ty Cổ phần Năng lượng Cao Bằng làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2008, nhưng đến tháng 5/2010 đã tạm dừng thi công. Đây là bậc thang giữa trong 3 bậc thang (3 thủy điện) được xây dựng trên sông Bằng Giang.

Điều đáng nói là, trong quá trình thi công, chủ đầu tư dự án thủy điện Tiên Thành đã xây dựng công trình khi chưa có quyết định thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có phương án đền bù giải phóng mặt bằng; chưa lập và phê duyệt phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng phụ cận…

Sau nhiều năm thi công kiểu“rùa bò,” gần đây, dự án thủy điện Tiên Thành được “bán” lại cho Công ty Cổ phần sông Đà 7.09 nhưng hiện giờ vẫn chưa có đầy đủ các giấy tờ liên quan

Sau nhiều năm thi công kiểu“rùa bò,”gần đây, dự án thủy điện Tiên Thành được “bán” lại cho Công ty Cổ phần sông Đà 7.09. Từ cuối năm 2016, dự án này tiếp tục được thi công trở lại, nhưng hiện giờ vẫn chưa có đầy đủ các giấy tờ liên quan như báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Lý giải về việc chậm tiến độ trên, đại diện chủ đầu tư dự án thủy điện Tiên Thành cho biết, do mới mua công trình thủy điện này từ chủ đầu tư khác nên hiện nay công trình dù đang xây dựng nhưng vẫn thiếu một số giấy tờ theo quy định, đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động môi trường đang trong quá trình thực hiện.

Tương tự, Nhà máy thủy điện Hòa Thuận (20MW) cùng xây dựng trên sông Bằng Giang, do Công ty Cổ phần Thủy điện Hòa Thuận làm chủ đầu tư, được triển khai từ tháng 6/2006.

Theo tiến độ, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2009, nhưng đến tháng 3/2009 đã phải dừng thi công do xảy ra tranh chấp mực nước với dự án Nhà máy thủy điện Tiên Thành. Đến nay, sau hơn 10 năm “ra đời,” dự án vẫn chưa xây dựng xong.

Tại buổi làm việc với phóng viên VietnamPlus vào ngày 22/4/2017, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Hòa Thuận thừa nhận: “Hiện tiến độ xây dựng của nhà máy mới đạt 30%. Trong quá trình triển khai, công trình có làm ảnh hưởng đến hơn 120 hộ dân, trong đó 2 hộ dân phản di dời khỏi lòng hồ, diện tích đất nhường cho thủy điện là hơn 100ha (bao gồm đất rừng và lòng sông, suối).”

Dự án Thủy điện Hoa Thám được khởi công từ năm 2007 với tổng mức đầu từ trên 200 tỷ đồng, trong đó 70% sử dụng vốn vay của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh Cao Bằng, hiện dự án này vẫn đang bỏ hoang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Dự án Thủy điện Hoa Thám được khởi công từ năm 2007 với tổng mức đầu từ trên 200 tỷ đồng, trong đó 70% sử dụng vốn vay của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh Cao Bằng, hiện dự án này vẫn đang bỏ hoang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Công trình hàng trăm tỷ bỏ hoang

Oái oăm nhất là dự án thủy điện Hoa Thám (5,8MW) tại huyện Nguyên Bình. Dự án này do Công ty Đầu tư và phát triển Năng lượng Đông Bắc làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2007 và tạm dừng thi công từ tháng 11/2011, do chủ đầu tư thiếu vốn.

Từ năm 2004 đến nay, Công ty này đã thay đổi 8 lần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và nhiều lần thay đổi lãnh đạo, giám đốc…

Trước sự trì trệ của dự án, đầu năm 2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã thành lập đoàn kiểm tra, qua đó phát hiện 26 sai phạm. Trong đó, có sai phạm thuộc diện cấm hoạt động xây dựng là chưa được cấp phép xây dựng, xây dựng chưa đúng quy hoạch theo quy định của Luật xây dựng.

Kết luận thanh tra số 2435/KT-UBND ngày 3/9/2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng nêu rõ: “Đây là lỗi do chủ quan nhà đầu tư, xuất phát từ năng lực yếu kém; còn có sự thiếu sót của công tác quản lý Nhà nước đối với dự án. Bên cạnh đó, việc lập khối lượng các hạng mục công trình thiếu bảng tiên lượng gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng.”

Từ năm 2004 đến nay, Công ty Đầu tư và phát triển Năng lượng Đông Bắc, chủ đầu tư Thủy điện Hoa Thám, đã thay đổi 8 lần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và nhiều lần thay đổi lãnh đạo, giám đốc

“Đặc biệt, việc thanh toán giải ngân giữa chủ đầu tư với Ngân hàng phát triển Cao Bằng chưa thống nhất về khối lượng thanh toán; thanh toán còn nhiều sai sót, có khối lượng chưa thực hiện nhưng đã nghiệm thu thanh toán. Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và Ngân hàng phát triển Cao Bằng…,” kết luận chỉ ra.

Ghi nhận của chúng tôi vào cuối tháng 4/2017 cho thấy, nhiều hạng mục của Nhà máy thủy điện Hoa Thám vẫn còn đang dở dang như đập bờ trái, đập bờ phải, đập tràn, cửa lấy nước…

Việc công trình bị bỏ hoang nhiều năm cũng đã khiến các thanh thép đã bị han gỉ, một số chỗ đã xảy ra có hiện tượng sụt lún, đất đá tràn xuống sông.

Theo phản ánh của người dân thì từ khi triển khai dự án, nhân dân đã chấp hành việc kiểm định áp giá đền bù đồng thời không sản xuất.

Tuy nhiên, xã Hoa Thám là xã nghèo, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào trồng rừng và sản xuất hoa màu, chăn nuôi nên sau khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án, nhân dân không còn đất sản xuất nữa khiến cuộc sống khó khăn hơn.

Công trình ánh sáng hàng trăm tỷ đồng bỏ hoang giữa rừng.

“Khu vực dự kiến ngăn đập để phát điện trước đây có rất nhiều người khai thác vàng trái phép, sau này mới thấy thủy điện xuất hiện, nhưng họ xây ào ào được một thời gian ngắn rồi bỏ hoang 3-4 năm nay. Giờ ở đây chỉ có 2 người bảo vệ thôi,” bà Chu Thị Nãi, người dân xã Hoa Thám thông tin thêm.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Nguyễn Đặng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng cho biết, dự án thủy điện Hoa Thám dừng thi công từ năm 2011. Từ đó đến nay, công trình “dậm chân tại chỗ,“ không tiếp tục thi công nữa.

Dự án thủy điện Hoa Thám “dậm chân tại chỗ” là do nhà đầu tư cũ không có năng lực triển khai tiếp nên đã bán lại cho chủ mới, và chủ mới cam kết thực hiện nhưng giờ vẫn chưa thi công

Theo ông Đặng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án chậm tiến độ là một phần cũng là do thiếu vốn.

“Vừa qua, Sở cũng cho rà soát lại xem chủ đầu tư mới có làm được không, nếu không làm được sẽ cho thu hồi dự án. Tuy nhiên, việc thu hồi lại hết sức khó khăn do số tiền nhà đầu tư bỏ ra rất nhiều, nếu thu hồi ai sẽ giải quyết số tiền đó, trong khi 70% số tiền đầu tư xây dựng thủy điện Hoa Thám là nhà đầu tư vay của quỹ Ngân hàng phát triển – VDB,” ông Đặng phân vân.

Còn theo ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, dự án thủy điện Hoa Thám “dậm chân tại chỗ” là do nhà đầu tư cũ không có năng lực triển khai tiếp nên đã bán lại cho chủ mới, và chủ mới cam kết thực hiện nhưng giờ vẫn chưa thi công.

“Lý do là, họ (chủ đầu tư) viện lý do chỗ xây dựng thủy điện giao thông đi lại khó khăn, giá thành cao, đề nghị được khai thác cát sỏi tại chỗ kết hợp nạo vét lòng hồ để phục vụ cho công trình. Tuy nhiên việc này cần phải xem xét, vì khu vực đó trước tập trung khai thác khoáng sản, cụ thể là khai thác vàng và tỉnh đã cấm.”

“Hơn nữa, đây lại là khu vực đầu nguồn sông Bằng, sông Hiến, nên khai thác sẽ ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước của người dân. Vì thế, nếu có cho phép đơn vị này khai thác thì tỉnh sẽ phải giám sát rất chặt. Tỉnh cũng sẽ có chuyên đề riêng làm việc với Hoa Thám, nếu chủ đầu tư không cam kết xây dựng, tỉnh sẽ thu hồi,” ông Ánh nói./.

(Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)
(Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)

‘Lạm phát’ thủy điện

Lợi ích nhỏ, thiệt hại lớn

Hùng Võ

“Lạm phát” từ các dự án thủy điện đã và đang dần “giết chết” những con sông vốn là nguồn sinh kế của người dân miền núi. Thậm chí, có thủy điện ở còn “hút kiệt” nguồn nước nội đồng, chậm đền bù thiệt hại, chây ì phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, và gây ảnh hưởng đến du lịch…

Gây ảnh hưởng, nhưng chậm đền bù

Với bất kỳ ai thích khám phá, khi đến Cao Bằng đều tấm tắc khen Thác Bản Giốc rất đẹp, với những dòng nước chảy êm đềm tung bọt trắng xóa qua từng khe đá mọc đầy rêu xanh. Vậy nhưng, những năm gần đây, thác có lúc đã bị khô cạn, phơi mình giữa lòng “Mẹ thiên nhiên.”

Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, từ đầu năm 2008, Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc bắt đầu thi công công trình Nhà máy thủy điện Bản Rạ, với công suất lắp máy là 18MW, tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Trước khi thi công, phía doanh nghiệp đã có giấy cam kết không làm ảnh hưởng đến tưới tiêu khu vực lân cận.

“Nếu bị ảnh hưởng, công ty có trách nhiệm đền bù sản lượng cho những hộ đó mỗi năm một vụ lúa với năng suất cao nhất trong vùng,” cam kết do ông Ngôn Trung Tuyến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc, ký ngày 23/1/2008 nêu rõ.

Vậy nhưng, theo phản ánh của nhân dân xã Đàm Thủy, thì từ khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng và vận hành Nhà máy từ năm 2011, cuộc sống của bà con trên địa bàn xã đã bị ảnh hượng nặng nề do thủy điện đào kênh dẫn sâu “hút” hết nước. Trong khi đó, hạn hán xảy ra với thời gian kéo dài hơn, thường xuyên hơn.

Nhà máy thủy điện Bản Rạ (tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) gây ảnh hưởng đến nguồn nước, chậm đền bù thiệt hại cho người dân, chây ì nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)
Nhà máy thủy điện Bản Rạ (tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) gây ảnh hưởng đến nguồn nước, chậm đền bù thiệt hại cho người dân, chây ì nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)

Trong câu chuyện với phóng viên, ông Nông Đình Lai (81 tuổi) ở xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy cho biết: “Gia đình tôi là một trong những hộ bị ảnh hưởng không có nước sản xuất nông nghiệp và được xã xác nhận, có tên trong danh sách được đền bù thiệt hại 2012 – 2014 nhưng tới nay mới chỉ nhận được một phần tiền đền bù năm 2012.”

Cùng là “nạn nhân” của thủy điện, bà Mạc Thị Biếc, Bản Mom cho hay, từ ngày thủy điện đi vào vận hành, 80% diện tích đất nông nghiệp của gia đình bà đã không đủ nước sản xuất. Không chỉ riêng gia đình bà, xóm Bản Mom còn 11 hộ gia đình cũng chịu chung hoàn cảnh. Ngoài ra, nước sinh hoạt của người dân Bản Mon cũng không đủ do hoạt động của Thủy điện.

Ông Nông Đình Lai ở xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy bức xúc về việc chủ  đầu tư Nhà máy thủy điện Bản Rạ chậm đền bù thiệt hại cho dân. (Ảnh:  Hùng Võ/Vietnam+)
Ông Nông Đình Lai ở xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy bức xúc về việc chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Bản Rạ chậm đền bù thiệt hại cho dân. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã báo cáo với lãnh đạo huyện, yêu cầu phía công ty đền bù cho dân và họ cũng đã có phương án dự toán đền bù cho dân giá trị thiệt hại hoa màu từ năm 2012-2014 là gần 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện phía công ty mới chỉ trả 444 triệu đồng cho 198 hộ dân của 6 xóm,” ông Nông Đình Trực, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đàm Thủy nói.

Trước bức xúc trên, ngày 5/4/2017, người dân các xóm Lũng Phiắc, Nà Đeng-Lũng Nội, Bản Mon (xã Đàm Thủy) đã có đơn thư khiếu nại. Qua đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có Văn bản số 1077/UBND-CN gửi Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh và Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc yêu cầu xử lý đơn khiếu nạị; đồng thời khắc phục thiệt hại do Nhà máy thủy điện Bản Rạ gây ra.

Theo văn bản, bà Nguyễn Bích Ngọc – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh và Công ty Cổ phần Đông Bắc thống nhất phương án giải quyết đền bù thiệt hại cho bà con và báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 18/4/2017.

Vậy nhưng, đến thời điểm cuối tháng 4/2017, khi phóng viên VietnamPlus tìm hiểu về công trình thủy điện Bản Rạ, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Đàm Thủy và người dân đều khẳng định phía công ty vẫn chưa chịu đền bù cho bà con.

(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Từ góc độ chính quyền cơ sở, ông Mông Văn Lục – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh khẳng định, Nhà máy thủy điện Bản Rạ trong những năm qua có đóng góp kinh tế cho tỉnh. Tuy nhiên, khi thi công và vận hành, thủy điện này đã gây ra nhiều bức xúc về môi trường, gây ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu hoa màu của người dân.

“Ngoài ra, việc thi công Nhà máy thủy điện Bản Rạ còn phá dỡ một cây cầu dài 12m đoạn qua Bản Mon thuộc tuyến đường liên xã Đình Phong-Chí Viễn-Đàm Thủy. Đặc biệt, trong quá trình vận hành, thủy điện này có làm ‘gián đoạn’ nguồn nước đến khu vực Thác Bản Giốc, gây ảnh hưởng đến du lịch,” ông Lục nói.

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, bà Trịnh Huyền Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Đông Bắc cho rằng: “Thủy điện của chúng tôi không uống nước, không có hồ chứa. Ở đây, nước qua thủy điện rồi mới đến Thác Bản Giốc, vấn đề là nước đến sớm hay đến muộn thôi. Thế thì bây giờ chỉ có chúng tôi không phát điện nữa thì thác lúc nào cũng có nước thôi.”

Trong việc này, “nói thẳng là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh trình độ quá kém, không hiểu gì về chuyên môn, nên phát biểu vớ vẩn. Bây giờ bảo thủy điện chúng tôi hút nước, chặn nước thì chặn ở đâu? Thủy điện của chúng tôi có vòi rồng nào để hút nước không?” bà Trang nói, và khẳng định tất cả là do biến đổi khí khậu gây ảnh hưởng đến nguồn nước.

Nói thẳng là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh trình độ quá kém, không hiểu gì về chuyên môn, nên phát biểu vớ vẩn. Bây giờ bảo thủy điện chúng tôi hút nước, chặn nước thì chặn ở đâu?” – bà Trịnh Huyền Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Đông Bắc

Về việc đền bù thiệt hại cho người dân, bà Trang thừa nhận, trước khi xây dựng thủy điện, lãnh đạo công ty có hứa sẽ xây dựng cho bà con 8 tuyến kênh dẫn nước, đến nay đã xây dựng được 6 tuyến, còn 2 tuyến do chưa có được sự thống nhất với bà con nên chưa xây, vật liệu đã tập kết ở nhà máy.

“Nếu được sự đồng thuận thì trong năm 2017 phía công ty sẽ đầu tư xây dựng nốt hai tuyến kênh đồng thời xây dựng lại cây cầu. Còn tiền đền bù cho bà con sẽ chi trả trong năm 2018. Lý do là, công ty đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, các cổ đông không thống nhất, cũng như đang phải vay tiền ngân hàng nên chưa chi trả hết cho dân được,” bà Trang nói.

Thẳng thắn thừa nhận thực trạng nêu trên, ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cho rằng, thủy điện Bản Rạ đang có vấn đề, nếu tích hết nước thì sẽ ảnh hưởng đến du lịch. Đặc biệt chủ đầu tư chưa thực hiện cam kết đầu tư một số hạ tầng ở địa phương, chưa thực hiện chi trả đền bù, hỗ trợ cho người dân. Hiện tỉnh đã giao các ngành phối hợp giải quyết nhanh các việc đang tồn đọng.

“Ngoài Nhà máy thủy điện Bản Rạ, tỉnh còn có Nhà máy thủy điện Bản Hoàng công suất 0,75 MW, được xây dựng tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Vào mùa khô thủy điện tích nước dẫn đến bà con thiếu nước sinh hoạt, và thủy điện này cũng không thực hiện một số cam kết làm đường đã hứa với địa phương. Do đó, tỉnh cũng sẽ có ý kiến,” ông Ánh nói thêm.

Nhà máy thủy điện Bản Rạ (tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) gây ảnh hưởng đến nguồn nước, chậm đền bù thiệt hại cho người dân, chây ì nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Nhà máy thủy điện Bản Rạ (tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) gây ảnh hưởng đến nguồn nước, chậm đền bù thiệt hại cho người dân, chây ì nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chây ì, coi thường chính quyền sở tại?

Không chỉ gây ảnh hưởng đến nguồn nước canh tác nông nghiệp, chậm đền bù thiệt cho người dân, cũng như gây ảnh hưởng đến khu du lịch Thác Bản Giốc, hiện nay Công ty Cổ phần thủy điện Đông Bắc còn nợ tiền dịch vụ môi trường rừng, khiến người dân và cơ quan chức năng địa phương không khỏi bức xúc.

Theo Nghị định số 99/2010/NÐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, khi xây dựng và phát triển thủy điện, ngoài nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Bản Rạ phải đóng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này sẽ được trả cho những người dân mất đất rừng, đất sản xuất… thuộc lưu vực nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp này vẫn chây ì không chịu nộp.

Trong buổi làm việc với phóng viên VietnamPlus vào ngày 21/4/2017, ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, tính đến hết năm 2015, số tiền mà Công ty Cổ phần thủy điện Đông Bắc còn nợ phí dịch vụ môi trường rừng lên đến hơn 2,7 tỷ đồng.

“Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng đã ba lần gửi công văn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, nhưng đến nay Sở vẫn chưa nhận được báo cáo và văn bản liên quan nào,” ông Tiến thông tin.

Gần đây nhất, ngày 14/4/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng gửi Công văn số 435/SNN-KHTC về việc đôn đốc báo cáo tình hình thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Đông Bắc nghiêm túc triển khai thực hiện, báo cáo về Sở trước ngày 25/4/2017.

“Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa phản hồi thông tin. Việc này cần phải có giải pháp mạnh chứ không cứ kiểu ‘thả gà ra đuổi’ thế này sẽ rất khó khăn,” ông Tiến giọng buồn rầu nói.

“Lạm phát” thủy điện ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, du lịch.

Là người trực tiếp ký công văn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện chi trả tiền phí dịch vụ môi trường rừng, ông Đặng Hùng Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết: “Theo quy định, sau 3 lần thông báo, nếu doanh nghiệp không chấp hành, chúng tôi sẽ mời các bên liên quan trực tiếp làm việc với doanh nghiệp.”

“Sau buồi làm việc này, nếu doanh nghiệp vẫn không chấp hành, chúng tôi sẽ báo cáo lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Bộ có ý kiến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đề nghị Sở Công Thương kiên quyết không cho doanh nghiệp này phát điện nữa,” ông Chương nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, bà Trịnh Huyền Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Đông Bắc lại cho rằng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thể hiện thái độ rất “ích kỷ” mang tính “thù vặt,” không tạo điều kiện cho doanh nghiệp trực tiếp thuê đơn vị đo đạc, xác định diện tích bị ảnh hưởng để chi trả tiền phí dịch vụ môi trường rừng.

“Vì thế, chúng tôi cũng không làm việc với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, mà chỉ báo cáo trực tiếp với Ủy ban Nhân dân tỉnh (?). Còn việc cơ quan chức năng không hài lòng về công ty là bởi bọn chị đi làm kinh tế cũng quá mệt mỏi ròi. Nếu bây giờ cứ suốt ngày chạy đi ‘quan hệ’ bác này bác kia thì bọn chị cũng mệt lắm!,” bà Trang phân bua.

Còn tại tỉnh Hà Giang, theo lãnh đạo Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), số tiền hiện nay mà các doanh nghiệp thủy điện nợ phí dịch vụ môi trường rừng đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Lý do các doanh nghiệp thủy điện chậm nộp tiền đưa ra là họ đang tập trung trả những nguồn vốn vay cho các ngân hàng.

Ðể đôn đốc các doanh nghiệp trả tiền đúng hạn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp còn nợ tiền dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, nếu các doanh nghiệp không chịu trả, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ có văn bản báo cáo Bộ Công Thương đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động./.

Thủy điện Sông Chứng tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Thủy điện Sông Chứng tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đánh đổi tài nguyên

chỉ vì lợi ích của một số người

Sau nhiều năm quy hoạch theo kiểu “xôi đỗ,” hiện tượng “lạm phát” thủy điện đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội, Bộ Công Thương đã quyết định loại bỏ 684 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch. Trong đó có 463 dự án thủy điện nhỏ và 213 dự án không đưa vào diện xem xét quy hoạch.

Việc cắt giảm, loại bỏ hàng trăm dự án thủy điện trên cho thấy việc quy hoạch rất “có vấn đề,” nhất là trong bối cảnh quy hoạch đang có xu hướng chạy theo các dự án để hợp thức hóa, gây ra những hậu quả xấu, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, nguồn nước và sinh kế của người dân.

(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Quy hoạch theo “cảm hứng” lỗi do ai?

Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, năm 2005, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ký quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ trên toàn quốc. Thời điểm ấy, cả nước chỉ có 239 dự án thủy điện nhỏ được đưa vào kế hoạch phát triển. Nhưng đến nay, tổng số thủy điện trong kế hoạch phát triển đã lên đến hàng ngàn.

Vấn đề đáng quan tâm là hầu hết những dự án mới nằm ngoài quy hoạch 2005 đều được Bộ Công Thương thỏa thuận cho các địa phương đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện. Trong khi, chính các địa phương như Cao Bằng, Hà Giang lại xem thủy điện là cơ hội để phát triển kinh tế. Thậm chí, phát triển thủy điện còn được đưa vào nghị quyết của Hội đồng Nhân dân và chiến lược phát triển của địa phương.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc xây dựng thủy điện phát triển thành phong trào, trước hết là do lỗi của các địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý ngành ở Trung ương cũng góp phần không ít, khi dễ dàng chấp nhận đề xuất của địa phương cho bổ sung hàng loạt dự án vào kế hoạch phát triển.

Ngoài ra, chính sách của Nhà nước cũng ít nhiều tạo nên tình trạng phát triển theo phong trào khi đưa ra những chính sách khuyến khích về tài chính, đã tạo cơ hội cho không ít doanh nghiệp nhảy vào chủ đầu tư theo “cảm hứng” bất chập những hệ lụy về rừng và gánh nặng “đè lên vai” người dân nghèo.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện cả nước có 330 công trình thủy điện được đưa vào khai thác, sử dụng với tổng công suất lắp đặt 17.615MW; trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và miền Trung-Tây Nguyên

Minh chứng rõ thấy nhất là diện tích rừng ngày càng thu hẹp, hệ sinh thái sông ngòi gần như biến mất dù là mùa khô hay mùa lũ, thậm chí tính mạng, tài sản của người dân hiện nay cũng đang bị đe dọa bởi thủy điện là thực trạng tại các lưu vực sông tại miền Bắc. Thế nhưng những đánh giá tác động trước khi đưa vào vận hành một nhà máy thủy điện còn bỏ sót quá nhiều, gây hệ lụy nặng nề.

Thẳng thắn chia sẻ về “lỗ hổng” trong quy hoạch phát triển thủy điện, ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cho hay: “Cách đây hai nhiệm kỳ, Cao Bằng có chương trình phát triển trọng tâm vào lĩnh vực thủy điện. Do vậy, thời điểm năm 2004 – 2005, dựa trên cơ sở những quy hoạch từ năm 1980, tỉnh đã cấp phép khá nhiều dự án, chỗ nào quy hoạch là có nhà đầu tư đến đăng ký.”

Ông Ánh cũng thừa nhận, trước đây tỉnh muốn thu hút đầu tư nên doanh nghiệp nào xin cũng đều được hết; tỉnh cũng không biết năng lực tài chính các chủ đầu tư như thế nào, chuyên ngành lĩnh vực ra sao. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến 2010, số dự án hoàn thiện rất ít, chỉ khoảng 3-4 dự án ở Bản Hoàng, Thoong Cót, Bản Rạ. Đa phần những nhà đầu tư còn lại không xây dựng được vì thiếu vốn hoặc là có tranh chấp mực nước dâng do lỗi quy hoạch.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang thừa nhận, từ nhiều năm trước, tỉnh này đã xác định phát triển thủy điện là tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Mặc dù, tỉnh đã loại 27 dự án ra khỏi quy hoạch, nhưng đến nay vẫn còn 46 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy gần 800 MW.

Cũng theo ông Sơn, mặc dù các dự án thủy điện đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các nhà đầu tư, thu hút lao động tại chỗ của địa phương, mang lại lợi ích kinh tế-xã hội, song việc đầu tư phát triển thủy điện cũng xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực như chiếm dụng một phần đất đai, tái định cư, an sinh xã hội và ảnh hưởng tới môi trường…

Cho đến nay, tỉnh Hà Giang đã loại bỏ 27 dự án ra khỏi quy hoạch, một số thủy điện chậm tiến độ so giấy chứng nhận đầu tư, có thủy điện thực hiện việc đóng xả nước không đúng quy trình. Chủ đầu tư xây cao trình đập cao hơn thiết kế, có thủy điện đã phát điện 3 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt.

Sông Miện trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang phải cõng 6 Nhà máy thủy điện. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Sông Miện trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang phải cõng 6 Nhà máy thủy điện. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Kiên quyết loạt bỏ dự án vi phạm

Dù đã loại bỏ hàng loạt dự án thủy điện gây hại, yếu kém, song hậu quả của một thời gian dài làm thủy điện vẫn chưa thể giải quyết. Vậy, các địa phương cần phải có giải pháp như thế nào để có thể “gỡ” được hậu quả từ việc đầu tư thủy điện tràn lan, tàn phá môi trường, đời sống người dân hiện nay?

Trả lời cho câu hỏi trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho hay, trong việc phát triển thủy điện, tỉnh luôn khuyến khích và tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư đến đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh này sẽ không cấp phép đầu tư đối với các dự án đầu tư có ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội và cảnh quan môi trường.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh khẳng định, sau một thời gian quy hoạc thủy điện ồ ạt, tỉnh này cũng đã rà soát lại và kiên quyết thu hồi những dự án thủy điện các nhà đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết. Còn những thủy điện đã xây dựng nhưng chưa hoàn thành, như thủy điện Hoa Thám thì vẫn phải cho xây tiếp.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định tỉnh này đã rà soát lại và kiên quyết thu hồi những dự án thủy điện các nhà đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết

“Quan điểm của tỉnh là sẽ không đánh đổi môi trường cho sự phát triển của tỉnh, cố gắng hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới môi trường và phương hướng phát triển trong giai đoạn mới là tập chung tìm các nhà đầu tư giải quyết được những tồn tại trước mắt của các nhà đầu tư cũ,” ông Ánh nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí, từ góc độ chuyên gia, ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu nhấn mạnh, Quốc hội và các bộ, ngành đã có nhiều đánh giá và dừng hàng trăm thủy điện nhỏ. Lý do là khi làm thủy điện, người ta không chú ý đến môi trường, phá rừng đầu nguồn, khai thác gỗ gây hại cho môi trường rất lớn.

Ông Tứ cũng khẳng định trong quá trình đi thực tế, các địa phương không những không dừng mà vẫn đang tìm kiếm, kêu gọi và doanh nghiệp tranh nhau đầu tư thủy điện bởi lợi nhuận từ đầu tư thủy điện không ít. Việc các tỉnh liên tục bổ sung các dự án thủy điện nhỏ vào quy hoạch là không nên, bởi vì mỗi lần bổ sung đều phải đánh giá lại tác động môi trường và tính toán rất nhiều vấn đề.

“Vì thế, thủy điện nhỏ này phải thân thiện với môi trường thì mới nên làm, còn cứ làm kiểu thủy điện như hiện nay thì có rất nhiều hệ lụy đến môi trường và dân cư. Thủy điện đang làm cho vấn đề môi trường ngày càng trở nên căng thẳng hơn,” ông Tứ nói.

Dự án Thủy điện Hoa Thám. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) 
Dự án Thủy điện Hoa Thám. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) 

Vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng: “Ở rất nhiều thủy điện nhỏ, chúng tôi thấy họ bỏ qua rất nhiều hạng mục, máy móc cũ kĩ, xây dựng bừa bãi. Nên tránh việc lấy thiên nhiên sinh lời cho bản thân một số người”. Theo đó, ông Tứ đề nghị các tỉnh phải nghĩ đến lợi ích chung của môi trường, nghĩ đến rừng đầu nguồn, đến khô hạn, lũ lụt và các hệ lụy khác, trước khi nghĩ đến việc làm ra tiền.

“Các nhà đầu tư được hưởng lợi thủy điện, chứ không phải là người dân, không phải ngành điện cũng không phải môi trường. Vì thế cần đánh giá xem hiện nay việc phát triển của chúng ta cần bao nhiêu điện, có thiếu điện hay không mà phải làm những thủy điện quá nhỏ như thế,” ông Tứ nhấn mạnh.

Có chung quan điểm này, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng, thủy điện đi đến đâu đều phá rừng. Vấn đề là đã phá rừng rồi thì phải tìm cách trồng lại rừng.

‘Cần đánh giá xem hiện nay việc phát triển của chúng ta cần bao nhiêu điện, có thiếu điện hay không mà phải làm những thủy điện quá nhỏ như thế’

Nhưng hầu hết các dự án thủy điện mới đầu tư những năm gần đây do tư nhân làm đều không có tiền. Có dự án thì chây ỳ không chịu làm, làm cho môi trường, đời sống người dân sau dự án thủy điện càng khó khăn.

“Vì thế, chúng ta phải có giải pháp mạnh như đình chỉ, thậm chí đưa ra tòa án thì mới có thể buộc nhiều nhà máy thủy điện tàn phá môi trường thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết của họ khi đầu tư xây dựng thủy điện,” ông Ngãi khuyến cáo.

Phát biểu tại Hội nghị “Quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả công trình thủy điện” diễn ra mới đây tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ chủ động cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập nhóm công tác liên Bộ làm việc cụ thể với một địa phương có hồ thủy điện lớn, số lượng hồ thủy điện nhiều để thống nhất các giải pháp cụ thể.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ làm rõ vai trò các cơ quan quản lý đồng thời theo dõi, xây dựng kế hoạch theo dõi, kiểm tra công tác chấp hành pháp luật liên quan đến hồ, đập thủy điện; chủ động điều chỉnh một số cơ chế chính sách cụ thể để đảm bảo hiệu quả của các hồ thủy điện tham gia phòng chống lụt bão, cũng như đảm bảo hiệu quả hoạt động của thủy điện./.

(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Sai lầm lớn nhất

khi phát triển thủy điện nhỏ

Dưới “áp lực” của Quốc hội, từ năm 2013, Bộ Công Thương đã quyết định loại hơn 400 dự án thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều dự án yếu kém tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng vẫn được triển khai, bất chấp việc thủy điện gây mất rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước phát triển nông nghiệp.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về thực trạng nêu trên, Giáo sư Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng trong chiến lược phát triển, sai lầm lớn nhất là phát triển thủy điện nhỏ. Vì thế, việc xử lý thời hạn chấm dứt hoạt động các thủy điện này cần được Nhà nước kiên quyết, không vì…“lợi ích nhóm.”

Sông Miện tại tỉnh Hà Giang bị các nhà máy thủy điện thắt lại, ngăn thành những hồ đập lớn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Sông Miện tại tỉnh Hà Giang bị các nhà máy thủy điện thắt lại, ngăn thành những hồ đập lớn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Sai lầm từ khâu quy hoạch?

– Thưa giáo sư, những năm gần đây, trên cả nước đang có nhiều tranh cãi về sự an toàn của các đập nước thủy điện, đặc biệt là các đập thủy điện nhỏ. Xin Giáo sư cho biết, lợi ích của việc tạo ra năng lượng từ sức nước có đủ biện minh cho việc ngăn sông xây các đập thủy điện có thể gây hại cho con người và môi trường?

Giáo sư Vũ Trọng Hồng: Trên thế giới những thủy điện nhỏ, công suất vài MW, chỉ phục vụ cho một số hộ gia đình ở nơi xa nguồn điện và ít gây ảnh hưởng tới nông nghiệp. Tuy nhiên đối với Việt Nam, những thủy điện nhỏ đó, đều được đưa vào chiến lược phát triển thủy điện, với tham vọng chỉ trong vòng hai thập kỷ sẽ giải quyết xong nguồn năng lượng này.

Ngay từ lúc triển khai, cao điểm nhất vào những năm đầu thế kỷ 21, hàng nghìn dự án thủy điện được xem xét, phê duyệt, thiết kế, thi công, trên hàng nghìn sông suối. Nhiều dự án chỉ mới nằm ở giai đoạn quy hoạch, song đã được chuẩn bị xây dựng, như chặt phá rừng để làm đường vào, thu hồi đất nông nghiệp, tổ chức di dân…

Nếu so sánh lượng điện năng của hàng nghìn thủy điện nhỏ đóng góp trong một năm cũng chỉ bằng một thủy điện loại vừa như Sê San 3 (sông Sê San) có công suất 259MW

Cuộc sống yên bình của người dân bị đảo lộn. Nhiều nhà khoa học cùng với chính quyền địa phương phải lên tiếng, đề nghị Quốc hội xem xét. Trên cơ sở đó, năm 2013, Chính phủ đã trình lên một danh sách để loại khỏi quy hoạch những thủy điện nhỏ (ảnh hưởng rừng đặc dụng và mỏ đất hiếm, chiếm nhiều đất nông nghiệp, không có nhà đầu tư), với số lượng khoảng trên 400 dự án, mà hầu hết có công suất dưới 5 MW.

Thực ra, nếu so sánh lượng điện năng của hàng nghìn thủy điện nhỏ đóng góp trong một năm cũng chỉ bằng một thủy điện loại vừa như Sê San 3 (sông Sê San) có công suất 259MW, bởi số giờ chạy máy trong một năm của các thủy điện nhỏ rất thấp.

Rõ ràng lượng điện năng của thủy điện nhỏ đóng góp vào mạng lưới quốc gia không đáng kể (khoảng 10%), trong khi phải mất đi hàng vạn hecta rừng, hàng triệu mảnh đất nông nghiệp. Và, đặc biệt là mất đi những dòng suối, nguồn sống của những người dân vùng xã xôi hẻo lánh, chỉ biết dựa vào nông nghiệp để sống.

Giáo sư Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. (Nguồn ảnh: VACNE)
Giáo sư Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. (Nguồn ảnh: VACNE)

Nguồn điện mà người dân được hứa hẹn, đâu có dễ dàng được hưởng, bởi làm gì có trạm biến áp, có các đường dây, được các chủ nhà máy đầu tư cho một số ít hộ dân. Người dân chỉ biết trông chờ vào chính sách của Nhà nước.

Trong thực tế, chúng ta đã có bài học về thủy điện nhỏ ngay từ những năm 70 của thế kỷ 20. Thủy điện Cấm Sơn (sông Hóa – Lạng Sơn) có công suất 4,8MW, được xây dựng từ năm 1966, cho đến năm 1980 đã bị tháo dỡ (nay được lắp lại bằng nguồn vốn cổ phần), vì không hiệu quả do nguồn nước của hồ chứa được ưu tiên cho việc tưới nông nghiệp.

– Như giáo sư chia sẻ, thì rõ ràng thủy điện gây ra rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới rừng, nguồn nước phục vụ nông nghiệp và sinh kế của người dân, vậy tại sao Nhà nước vẫn ưu tiên đưa thủy điện nhỏ vào quy hoạch phát triển năng lượng?

Giáo sư Vũ Trọng Hồng: Dưới khẩu hiệu “xã hội hóa đầu tư” thủy điện đã được đưa ra, với nhiều quy trình thủ tục đơn giản hỗ trợ, miễn làm sao có đăng ký đầu tư. Nước ta đang “đói điện, đói vốn,” nên việc làm này, dường như thổi một làn gió mới vào việc xây dựng thủy điện.

Thực ra, sự sai lầm lớn nhất ở đây từ phía quản lý nhà nước là, quan niệm xây dựng một nhà máy thủy điện loại nhỏ giống như xây dựng một nhà máy “làm bánh kẹo.” Các nhà quản lý có biết đâu, xây dựng thủy điện là một chuyên ngành kỹ thuật phức tạp hơn cả xây dựng thủy lợi.

Vì sao? Thứ nhất, về mặt công trình xây dựng, thì hồ chứa thủy điện phải có 2 tuyến. Tuyến thứ nhất được gọi là tuyến áp lực (giống như xây dựng hồ chứa thủy lợi), đó là các công trình đầu mối như đập dâng nước, công trình tràn, cống xả nước, bụng chứa nước; tuyến thứ hai được gọi là tuyến năng lượng, gồm gian đặt máy phát điện và phụ kiện và hầm chứa tuốc bin, cùng với hệ thống phân phối điện ngoài trời.

Thứ hai, về quản lý vận hành, rất khó điều hòa nguồn nước trong hồ chứa khi có nhu cầu khác nhau về phát điện và nước tưới. Đây là mấu chốt cho mục tiêu quy hoạch thủy điện. Nếu nước cho tưới cần nhiều, thì không còn nước để phát điện.

Bài học thủy điện Cấm Sơn nêu trên đã buộc nhà nước phải tháo bỏ thủy điện, vì không hiệu quả. Chính vì vậy, ngay từ khâu quy hoạch phải giải bài toán tối ưu cho việc xây dựng thủy điện. Đó cũng là lý do chúng ta đã phải loại bỏ bao nhiêu thủy điện nhỏ, với sự tổn thất tài sản của quốc gia rất lớn.

Dự án thủy điện Tiên Thành tại tỉnh Cao Bằng được triển khai xây dựng từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa xong. (Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)
Dự án thủy điện Tiên Thành tại tỉnh Cao Bằng được triển khai xây dựng từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa xong. (Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)

Sự tồn tại “có vấn đề”!

– Theo quy định của Nghị định 112/2008/NĐ-CP thì các đập dâng thủy điện khi tích và điều tiết nước đều phải xả trả lại sông lượng dòng chảy tối thiểu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định nào về xử phạt thủy điện vi phạm việc tích-xả nước này. Liệu đây có phải là “lỗ hổng” dẫn đến việc một số thủy điện ngang nhiên tích-xả nước trái quy định?

Giáo sư Vũ Trọng Hồng: Hiện nay Nhà nước vẫn chưa ban hành được quy chuẩn kỹ thuật thủy điện. Lý do cũng từ đặc điểm sử dụng tổng hợp hồ chứa thủy điện chưa được giải quyết. Nếu bây giờ Nhà nước cho kiểm tra tất cả các công trình thủy điện, sẽ thấy các chủ đầu tư đã không đầu tư thiết kế các cống xả.

Điển hình là thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam), không có cống xả nên không thể tháo cạn hồ để sửa chữa, phải thuê thợ lặn từ Trung Quốc sang thi công. Những mùa khô hạn ở miền Trung, khi cần lấy nước tưới, nước sinh hoạt cho hạ lưu thì nhà máy phải xả qua tổ máy, tức là phát điện.

Nếu bây giờ Nhà nước cho kiểm tra tất cả các công trình thủy điện, sẽ thấy các chủ đầu tư đã không đầu tư thiết kế các cống xả

Nếu thời điểm đó không thuộc giờ phát điện có hiệu quả, thì nhà máy sẽ không xả nước. Báo chí đã nêu nhiều trường hợp “vô lý” này. Gần đây Thủ tướng Chính phủ đã cho điều chỉnh quy trình vận hành của một số nhà máy thủy điện lớn theo yêu cầu xả nước ở hạ lưu.

Điều 53, hồ chứa và khai thác sử dụng nước hồ chứa trong Luật Tài nguyên nước, điểm 2, về dự án xây dựng hồ chứa, phần b có nêu: “…sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu…”. Phần này của Luật đã bị vô hiệu hoá, bởi tất cả các hồ chứa thủy điện loại nhỏ đều không có cống xả riêng để cấp nước cho cộng đồng hạ lưu.

Chúng ta đã từng nghe lãnh đạo một tỉnh Miền Trung báo cáo với Thủ tướng về việc thay một dự án thủy điện bằng một dự án hồ chứa thủy lợi. Đó là chưa kể, nhiều nông dân kêu ca việc xả nước của thủy điện không giúp gì cho việc tưới.

Ban ngày họ ra ruộng thì không nhận được nước tưới từ hồ chứa, song vào lúc tối, tức là giờ “cao điểm” sử dụng điện thì lại có nước xả về. Đây chính là biểu hiện mâu thuẫn giữa sự phát triển thủy điện nhỏ với phát triển nông nghiệp.

Thủy điện Hoa Thám tại tỉnh Cao Bằng được triển khai từ năm 2007, qua 8  lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nay vẫn đang bỏ hoang.  (Ảnh: Hùng Võ /Vietnam+)
Thủy điện Hoa Thám tại tỉnh Cao Bằng được triển khai từ năm 2007, qua 8 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nay vẫn đang bỏ hoang. (Ảnh: Hùng Võ /Vietnam+)

– Qua thực tế này, theo giáo sư thì Bộ ngành liên quan và các địa phương cần phải có giải pháp như thế nào để có thể “gỡ” được hậu quả từ việc đầu tư thủy điện tràn lan, tàn phá môi trường, đời sống người dân hiện nay?

Giáo sư Vũ Trọng Hồng: Hệ thống thủy điện nhỏ cơ bản đã xây dựng xong, chỉ còn ít dự án nữa. Chúng ta không thể nào xoá bỏ ngay được, như nước Mỹ, hiện đang dỡ bỏ những công trình thủy điện hạng vừa, để trả lại dòng chảy cho cộng đồng dân cư. Đối với Việt Nam, thời điểm đó còn… xa vời.

Vậy rõ ràng chúng ta phải xử lý tình thế theo hướng giảm phát triển một số mặt hàng nông nghiệp, như gạo, cà phê (mặt hàng tiêu tốn nhiều nước), như Bộ Nông nghiệp đã đề nghị. Lộ trình cần được vạch ra, trong đó quan trọng là thời hạn chấm dứt các thủy điện nhỏ là năm nào? Điều này nên tôn trọng các ý kiến của địa phương.

Ví dụ, như đối với các tỉnh có hoàn cảnh khó khăn nhiều như Cao Bằng, Hà Giang, nên được ưu tiên xem xét chấm dứt sớm, bởi nguồn nước rất ít, ruộng lại nằm rải rác trong các thung lũng, và thu nhập của người dân còn rất thấp. Họ lại nằm ở những biên giới của Tổ quốc. Sự thu hút về cuộc sống làm thuê ở bên kia biên giới là một thực trạng, mà chúng ta phải nhận thức được.

Mặt khác, chúng ta cần có cơ chế 50/50 để thoả thuận trong việc giải quyết những thiệt hại phía chủ đầu tư, bằng nhiều giải pháp như ưu tiên giá điện, kéo dài thời gian trả nợ.

Chủ trương phát triển thủy điện nhỏ với phương châm “xã hội hoá” đã gây ra hậu quả xấu cho xã hội, cho ngành nông nghiệp. Vì thế, việc xử lý thời hạn chấm dứt hoạt động các thủy điện đó cần được nhà nước kiên quyết, không vì “lợi ích nhóm.” Khoa học, công nghệ ngày nay cho phép ta sử dụng các loại năng lượng khác, đủ điều kiện để thay thế các thủy điện nhỏ.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Quản lý kém

dẫn đến rất nhiều ‘lỗ hổng’

Hùng Võ

Nhiều chuyên gia cho rằng việc phát triển tràn lan, thiếu thẩm định các dự án thủy điện nhỏ đã dẫn tới “lỗ hổng” trong khâu quản lý, nhiều dòng sông bị quá tải, ảnh hưởng đến nguồn nước và tính mạng của người dân hạ lưu.

“Đúng là việc quy hoạch thủy điện đang thực sự ‘có vấn đề.’ Ai có tiền hay vay được tiền là có thể làm thủy điện nhỏ. Ai cũng có thể thiết kế, thi công. Cấp quản lý được ‘bôi trơn’ là ký duyệt tất,” giáo sư tiến sĩ khoa học Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói.

Sông Miện trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang phải cõng 6 Nhà máy thủy điện. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Sông Miện trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang phải cõng 6 Nhà máy thủy điện. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Khâu quản lý có vấn đề?

Thẳng thắn “mổ xẻ” về góc khuất của những công trình này, ông Giang cho hay, ơ nước ta, số lượng trạm thủy điện nhỏ tuy nhiều nhưng gộp lại thì tổng công suất cũng không đáng là bao so với những thủy điện lớn. Vậy nhưng, do quản lý kém nên có rất nhiều lỗ hổng. Trong khi, các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến khâu thu lợi, khảo sát, thiết kế qua loa, báo cáo tác động môi trường cốt chiếu lệ, không để ý gì đến đời sống của người dân địa phương…

Theo ông Giang, thủy điện dù lớn hay nhỏ, đều phải có yêu cầu đủ mức cần thiết đảm bảo an toàn. Ở các nước phát triển, do quản lý tốt nên thủy điện nhỏ không hề gây ra những phiền toái và thiệt hại làm cho người dân ở địa phương.

Còn ở Việt Nam, thủy điện nhỏ thường bị lên án bởi chủ đầu tư thường không biết về kỹ thuật xây dựng thủy lợi-thủy điện lại ham rẻ, đi thuê, sử dụng những người không đủ kiến thức chuyên môn, thiếu khả năng và trách nhiệm.

“Đó cũng là lý do mà năm nào cũng có không ít sự cố về xây dựng thủy điện từ những lỗi kỹ thuật rất sơ đẳng, nhiều khi rất ‘khôi hài.’ Thực ra, không có chủ đầu tư nào lại muốn công trình của mình không an toàn. Song vì thiếu kiến thức lại ham rẻ nên sự cố thường xuyên xảy ra.”

Năm nào cũng có không ít sự cố về xây dựng thủy điện từ những lỗi kỹ thuật rất sơ đẳng, nhiều khi rất ‘khôi hài.’

“Trong việc này, quản lý nhà nước về thủy điện là Sở Công Thương nhưng thử hỏi ở Sở này có bao nhiêu kỹ sư đủ trình độ về xây dựng và quản lý thủy điện, trong khi phải thẩm định, kiểm tra, giám sát cả mấy chục, thậm chí cả trăm, nhà máy thủy điện nhỏ và vừa?,” ông Giang chia sẻ.

Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, lợi ích của thủy điện thì không thể phủ nhận. Trước đây, các nhà đầu tư chỉ chú ý tới làm thủy điện lớn còn hiện nay làm cả lớn, cả vừa và nhỏ, “hết nạc thì vạc đến xương.” Tuy nhiên, thủy điện cũng gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến môi sinh, cuộc sống của người dân địa phương.

Đơn cử như việc các nhà máy thủy điện vận hành tích-xả nước theo cảm hứng, không xả nước duy trì dòng chảy tối thiểu khiến nhiều dòng sông bị “chết.” Thông thường, quy trình vận hành tích, xả nước là việc của chủ đầu tư, chủ đập. Tuy nhiên, chủ đầu tư thường chỉ chú tâm đến lợi ích phát điện, bỏ mặc những yêu cầu khác của đời sống và sản xuất tại địa phương.

”Vì vậy, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý của địa phương phải có trách nhiệm giám sát chủ đầu tư. Tuy nhiên, vừa qua một số thủy điện trên cả nước đã vận hành việc tích, xả nước không đúng quy trình, người dân bị thiệt hại thì mới tranh cãi xem lỗi tại ai. Rõ ràng, việc giám sát, quản lý ở đây đang có vấn đề,” ông Giang nói.

Thủy điện phớt lờ dòng chảy tối thiểu, đe dọa tính mạng người dân.

Thủy điện vi phạm, địa phương có trách nhiệm?

Cùng quan điểm, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho hay, thủy điện Việt Nam trong một thập kỷ qua đã phát triển “nóng” và thiếu kiểm soát tới mức “ngành ngành làm thủy điện, người người làm thủy điện.” Từ đó gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và xã hội.

Trước sức ép dư luận, cũng như kiến nghị của các nhà khoa học, đến năm 2013, Quốc hội đã yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, loại bỏ và dừng hơn 400 dự án thủy điện nhỏ, dưới 30 MW. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án thủy điện nhỏ thuộc loại yếu kém vẫn… tồn tại.

Rõ ràng, câu chuyện đầu tư, lợi ích nó chi phối một cách kinh khủng, vì thế nhiều nơi họ vẫn cứ nhắm mắt làm, dù thủy điện gây ra không ít hệ lụy như gây mất rừng, hay vỡ đập…

“Tôi đi nhiều tỉnh, không những họ (địa phương) không dừng mà vẫn đang tìm kiếm, kêu gọi và doanh nghiệp tranh nhau đầu tư thủy điện bởi lợi nhuận từ đầu tư thủy điện không ít. Rõ ràng, câu chuyện đầu tư, lợi ích nó chi phối một cách kinh khủng, vì thế nhiều nơi họ vẫn cứ nhắm mắt làm, dù thủy điện gây ra không ít hệ lụy như gây mất rừng, hay vỡ đập,” ông Tứ nói.

Chứng minh cho thực tế đáng lo ngại nêu trên, ông Tứ đưa ra dẫn chứng, chỉ trong thời gian 8 tháng từ 10/2012 – 6/2013 đã có 3 vụ vỡ đập thủy điện nhỏ ở 3 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đó là thủy điện Đak Krong 3 (Quảng Trị), Đắk Mếk 3 (Kon Tum) và Ya Krel 2 (Gia Lai).

Dù các sự cố vỡ đập trên đều xảy ra khi các công trình đang trong giai đoạn thi công hoặc mới bắt đầu tích nước, nên khi đập vỡ đã không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về kinh tế không hề nhỏ.

“Trong đó đập Yakrel 2, tuy mới tích rất ít nước, khi vỡ đã cuốn đi hàng chục người nhưng may mắn đã được các lực lượng cứu hộ cứu thoát, gây ngập nhiều nhà cửa và hàng trăm ha đất canh tác, thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho chính nhà đầu tư và gây nên tâm lý bất an chung cho người dân sống hạ lưu các hồ thủy điện,” ông Tứ thông tin.

Thủy điện Hoa Thám. (Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)
Thủy điện Hoa Thám. (Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)

Những bài học từ các sự cố vỡ đập thủy điện đã rõ, nhưng gần đây, một số dự án thuộc loại yếu kém vẫn đang được triển khai.

Ví dụ như dự án thủy điện Hoa Thám tại tỉnh Cao Bằng, được triển khai từ năm 2007, qua 8 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đến nay vẫn đang bỏ hoang, trong khi 70% số tiền đầu tư xây dựng thủy điện Hoa Thám là nhà đầu tư vay của quỹ Ngân hàng phát triển – VDB. Hiện tại, công trình trụ giá hàng trăm tỷ này đang nằm ngổn ngang giữa rừng, chắn ngang dòng sông Hiến.

Ngoài ra, nhiều dự án thủy điện nhỏ đã thi công từ 3-8 năm qua, nhưng đến nay vẫn còn thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đơn cử như dự án thủy điện Tiên Thành tại tỉnh Cao Bằng, triển khai xây dựng từ năm 2008, đến nay vẫn còn thiếu Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thủy điện Sông Lô 2 tại tỉnh Hà Giang, thi công từ năm 2015, nhưng đến nay cũng chưa có ĐTM bổ sung, chưa được Bộ Công Thương phê duyêt điều chỉnh quy hoạch.

Thậm chí như thủy điện Sông Miện 5A tại tỉnh Hà Giang, với công suất lắp máy 5MW. Thủy điện này đã phát điện từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt.

Thủy điện Sông Miện 5A tại tỉnh Hà Giang, với công suất lắp máy 5MW,  đã phát điện từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt

Ngoài ra, thủy điện này cũng chưa bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định, song vẫn không bị cơ quan chức năng xem xét xử lý.

Vậy đối với những dự án thủy điện vi phạm nêu trên cần phải xử lý thế nào? Và, trách nhiệm để xảy ra những sai phạm nêu trên thuộc về ai?

Theo ông Tứ, việc các công trình thủy điện Tiên Thành (Cao Bằng), thủy điện Sông Lô 2 (Hà Gang) đã đi vào vận hành từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có ĐTM là việc làm trái pháp luật. Trường hợp thủy điện Sông Miện 5A cũng vậy.

“Đây là hành vi gian lận, cố tình vi phạm cần phải xử phạt nghiêm khắc. Tất nhiên, trong việc này cũng có phần trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương trong việc giám sát,” ông Tứ nói.

Qua thực tế nêu trên, ông Tứ kiến nghị Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang cần rà soát lại thủy điện nhỏ để xác định những vị trí có khả năng kinh tế kỹ thuật và thân thiện môi trường; đồng thời kiến quyết xử lý các thủy điện vi phạm, thậm chí yêu cầu dừng hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng, để đảm bảo chất lượng việc thi công công trình, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường./.

Dự án thủy điện Tiên Thành tại tỉnh Cao Bằng được triển khai xây dựng từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa xong. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Dự án thủy điện Tiên Thành tại tỉnh Cao Bằng được triển khai xây dựng từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa xong. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Thủy điện Sông Lô 2

thi công bất chấp rủi ro môi trường?

Hùng Võ

Mặc dù chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) điều chỉnh bổ sung, nhưng dự án thủy điện Sông Lô 2, tại tỉnh Hà Giang vẫn được rốt ráo thi công, bất chấp việc công trình xây dựng không đúng quy trình, thiếu ĐTM… có thể sẽ gây ra sự cố môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước và tính mạng của người dân hạ lưu.

Vừa xây dựng vừa lo ĐTM?

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án thủy điện Sông Lô 2 (công suất thiết kế 28 MW), do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình làm chủ đầu tư, được xây dựng tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, cách trung tâm tỉnh Hà Giang khoảng 15 km. Dự án này khởi công từ năm 2015, với tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng.

Dự án thủy điện Sông Lô 2 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 3367/QĐ-UBND ngày 14/9/2009 và điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 421/QĐ-UBND ngày 29/01/2010. Ngày 13/1/2010, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang chính thức phê duyệt báo cáo ĐTM dự án.

Tuy nhiên, do công trình có sự thay đổi, điều chỉnh quy mô – công suất thiết kế (từ 27 MW lên 28 MW) nên theo quy định, chủ đầu tư phải lập lại ĐTM, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thẩm định, phê duyệt mới được triển khai thi công. Vậy nhưng, từ năm 2015 đến nay, dự án vẫn thi công theo ĐTM cũ do Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

Theo quy định tại khoản a và khoản b, Điều 13 Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, chủ đầu tư cần thực hiện ĐTM bổ sung nếu có thay đổi về địa điểm, quy mô, công suất thiết kế, công nghệ; hoặc sau 2 năm kể từ ngày báo cáo ĐTM được phê duyệt, dự án mới triển khai thực hiện.

(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tại Điểm d, khoản 1, Điều 28 Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Tài nguyên nước, cũng nêu rõ: Các dự án khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy 2 MW trở lên thuộc thẩm quyền cấp giấy phép Tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Căn cứ vào Phụ lục III, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, dự án khai thác nước thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt ĐTM thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Như vậy, cơ quan có thẩm định, phê duyệt ĐTM của thủy điện Sông Lô 2 là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quy định rõ ràng là vậy nhưng tại Văn bản số 671/UBND-CNGTXD ngày 6/3/2015, do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn ký ban hành, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang lại chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình (chủ đầu tư dự án Thủy điện Sông Lô 2) tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã đề ra trong ĐTM được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 138/QĐ-UBND ngày 13/1/ 2010, không phải lập lại ĐTM.

Theo quy định, Thủy điện Sông Lô 2 khi điều chỉnh sẽ phải trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM điều chỉnh bổ sung. Hiện nay, ĐTM của dự án vẫn đang chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt

Điều đáng nói là quy định về việc chủ đầu tư phải lập ĐTM bổ sung tiếp tục được giữ nguyên tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 (Nghị định quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường), song Văn bản số 671/UBND-CNGTXD ngày 6/3/2015 (phê duyệt sau Nghị định) của Ủy ban Nhân dân tỉnh vẫn chấp thuận cho chủ đầu tư thực hiện theo ĐTM cũ dựa trên đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang.

Thừa nhận thực trạng nêu trên, ông Lê Vũ Thức, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sông Lô 2 cho biết theo quy định, Thủy điện Sông Lô 2 khi điều chỉnh sẽ phải trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM điều chỉnh bổ sung. Hiện nay, ĐTM của dự án vẫn đang chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

“Tuy nhiên, việc làm ĐTM rất khó khăn, giờ các dự án cả nước dồn về Bộ Tài nguyên và Môi trường làm hết… Hiện tại, dự án mình vẫn đang triển khai thi công bình thường theo ĐTM cũ, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã có Văn bản cho phép không phải lập lại ĐTM,” ông Thức nói.

Thủy điện Sông Chứng tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Thủy điện Sông Chứng tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Kiến nghị dừng thi công

Thực tế trên đặt ra câu hỏi, tại sao Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang lại chấp thuận cho chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Lô 2 triển khai thi công khi ĐTM điều chỉnh bổ sung vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt? Nếu chiểu theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015, thì việc triển khai thi công thủy điện này đúng hay sai?

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về vấn đề trên, ông Hoàng Văn Nhu – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cho hay: “Thủy điện Sông Lô 2 trước đây đã có ĐTM rồi, nhưng do đang thi công thì điều chỉnh dự án, mà điều chỉnh dự án thì phải làm lại ĐTM. Việc này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Tuy nhiên, đơn vị chủ đầu tư làm quá muộn, trong khi thủy điện xây dựng sắp xong rồi.”

“Về việc này, tôi sẽ có ý kiến thống nhất với Sở Công Thương để Sở Công Thương chủ trì kiểm tra, kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý. Trên quan điểm về quản lý nhà nước thì tôi đồng tình là phải dừng thi công,” ông Nhu nói thêm.

Theo ghi nhận của phóng viên, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2017, các hạng mục của công trình Thủy điện Sông Lô 2 về cơ bản đã hoàn thiện, đê bao hai bên bờ sông đang được thi công. Dự kiến tháng 9/2017, nhà máy sẽ phát điện và hòa lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn đang gấp rút hoàn thiện ĐTM nhằm “hợp thức hóa” các thủ tục triển khai.

Trước đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang khẳng định: “Hiện nay trong quá trình thực hiện có một số thủy điện đang hoàn thiện thủ tục. Quan điểm của tỉnh là tất cả thủy điện dưới 5 MW gạt ra khỏi quy hoạch, những thủy điện lớn đã xây dựng hết. Riêng với những nhà máy đã vận hành thì yêu cầu vận hành đúng, còn những nhà máy đang xây dựng phải làm đúng ĐTM.”

Quan điểm của tỉnh là tất cả thủy điện dưới 5 MW gạt ra khỏi quy hoạch, những thủy điện lớn đã xây dựng hết –  ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang

Nhìn nhận từ góc độ chuyên gia, ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), cho rằng việc các công trình thủy điện Sông Lô 2 xây dựng từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa có ĐTM phê duyệt bổ sung của Bộ Tài nguyên và Môi trường là việc làm trái pháp luật.

“Đây là hành vi gian lận, cố tình vi phạm cần phải xử phạt nghiêm khắc. Tất nhiên, trong việc này cũng có phần trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương,” ông Tứ nói.

Qua thực tế nêu trên, ông Tứ kiến nghị Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang rà soát, kiên quyết xử lý công trình thủy điện vi phạm. Thậm chí yêu cầu dừng hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng, để đảm bảo chất lượng việc thi công công trình, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường./.

(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Thủy điện Suối Mu

‘trốn’ báo cáo đánh giá môi trường

Hùng Võ

Bất chấp việc Dự án Thủy điện Suối Mu “trốn” thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), “mọc” trong khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, nhưng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình vẫn chấp thuận cho triển khai thi công dựa trên Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Theo thiết kế kỹ thuật dự án, Thủy điện Suối Mu sẽ xây đập tích nước ngay trên đỉnh Thác Mu. Việc này khiến nhiều người lo ngại thủy điện sẽ làm thay đổi dòng chảy của thác, ảnh hưởng đến du lịch, cũng như nguồn nước phục vụ nông nghiệp của hàng trăm người dân xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Thác Mu tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử” do Thủy điện Suối Mu xây đập chắn ngay trên đỉnh Thác, ảnh hưởng đến nguồn nước, dòng chảy, du lịch… (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Thác Mu tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử” do Thủy điện Suối Mu xây đập chắn ngay trên đỉnh Thác, ảnh hưởng đến nguồn nước, dòng chảy, du lịch… (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cam kết “lấp” lỗ hổng ĐTM?

Theo tìm hiều của phóng viên, Dự án Thủy điện Suối Mu (công suất lắp máy 9 MW) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn. Dự án này được khởi công từ đầu năm 2016, với tổng vốn đầu tư 167 tỷ đồng.

Dự án Thủy điện Suối Mu được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 10/11/2015. Theo kế hoạch, đến tháng 3/2017, dự án sẽ hoàn thành đưa nhà máy vào vận hành hòa lưới điện. Tuy nhiên, đến đầu tháng 7/2017, dự án “trốn” ĐTM này mới chỉ thực hiện được khoảng gần 50% khối lượng công trình.

Theo quy định tại Điểm d, khoản 1, Điều 28 Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Tài nguyên nước: Các dự án khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy 2 MW trở lên thuộc thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại phụ lục III, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ cũng quy định, dự án khai thác nước thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt ĐTM thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Như vậy, cơ quan có thẩm định, phê duyệt ĐTM của Thủy điện Suối Mu là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quy định rõ ràng là vậy nhưng tại Văn bản số 284/XN-STNMT ngày 15/8/2016, ông Đinh Văn Hòa – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình lại ký chấp thuận Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng, thay vì phải lập ĐTM theo quy định của Chính phủ.

Đến đầu tháng 7/2017, dự án “trốn” ĐTM này mới chỉ thực hiện được khoảng gần 50% khối lượng công trình

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Dự án Thủy điện Suối Mu được triển khai thi công xây dựng từ đầu năm 2016, nhưng đến giữa tháng 8/2016 mới được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình chấp thuận Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, thay vì phải lập ĐTM? Liệu Dự án Thủy điện Suối Mu triển khai xây dựng có đúng quy trình, quy định của pháp luật?

Nhìn nhận thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Khắc Long – Phó Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hòa Bình cho biết, về thẩm quyền phê duyệt dự án là do Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định trên cơ sở ý kiến tham vấn của các Sở, ngành gửi lên. Còn ở quy mô Dự án Thủy điện Suối Mu, tỉnh chỉ làm xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, do một số điểm tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ còn chưa thống nhất giữa thẩm quyền của tỉnh và Bộ.

“Việc này, chúng tôi sẽ hỏi lại Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu Bộ cho ý kiến sẽ điều chỉnh ngay,” ông Long nói thêm.

Trong khi đó, ông Phạm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hòa Bình cho rằng, nếu việc triển khai Thủy điện Suối Mu chỉ dừng lại ở quy mô cam kết về bảo vệ môi trường thì sẽ rất khó đảm bảo việc triển khai. Không thể làm Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường để “lấp” lỗ hổng ĐTM được.

“Lý do là, nội dung trong bản cam kết rất chung chung như một cái hồ sơ đơn giản, cũng không thể hiện rõ quy định. Việc này tôi sẽ cho kiểm tra lại, nếu đúng thì sẽ khó cho chủ đầu tư, vì giữa chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước ký tá với nhau một cách chung chung, cho nên khó vặn vẹo nhau,” ông Đức nhấn mạnh.

Hai mẹ con chị Quách Thị Quảng (nguời dân xóm Khướng, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) bên công trình thủy điện Suối Mu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Hai mẹ con chị Quách Thị Quảng (nguời dân xóm Khướng, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) bên công trình thủy điện Suối Mu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Nếu được chọn, tôi sẽ chọn thác…”

Không chỉ “trốn” lập, Dự án Thủy điện Suối Mu còn gây ra nhiều nỗi lo, bởi theo thiết kế kỹ thuật, Dự án Thủy điện Suối Mu sẽ xây đập chắn tích nước ngay trên đỉnh Thác Mu. Việc này có thể sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến du lịch, và nguồn nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp của hàng trăm hộ dân sinh sống dưới chân thác.

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Văn Thụ, Trưởng ban quản lý Thác Mu cho biết, Thác Mu không chỉ tạo cảnh quan, mang lại nguồn nước tưới tiêu phát triển nông nghiệp, mà còn mở ra du lịch giúp bà con cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, du lịch mới bắt đầu, du khách mới biết đến thác thì thủy điện lại “mọc” lên, khiến dân vô cùng lo lắng.

“Nếu Dự án Thủy điện Suối Mu thi công đúng như thiết kế kỹ thuật của chủ đầu tư, thì khi đi vào vận hành, thủy điện này sẽ tác động tiêu cực đến dòng chảy của thác, ảnh hưởng tới nguồn nước phục vụ nông nghiệp, nguy cơ gây sạt lở rất cao. Thậm chí sẽ làm mất thác vĩnh viễn,” ông Thụ rầu rĩ nói.

Trưởng ban quản lý Thác Mu cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Thủy điện Suối Mu là chủ trương của tỉnh, nên dân phải theo. Tuy nhiên, nếu được chọn, ông và người dân thôn bản sẽ chọn thác, bởi thác không có lợi cho riêng ai, mà có lợi cho tất cả dân bản vì khách du lịch đến đây là để ngắm thác và dân có cơ hội phục vụ, bán thực phẩm dân tộc của mình.

“Còn thủy điện, tại sao chúng tôi phản đối? Đơn giản là thủy điện xây dựng sẽ làm mất thác, khi vận hành chỉ làm lợi cho doanh nghiệp và một nhóm người,” ông Thụ nói thêm.

“Thủy điện xây dựng sẽ làm mất thác, khi vận hành chỉ làm lợi cho doanh nghiệp và một nhóm người,” Trưởng ban quản lý Thác Mu nói.

Ngoài việc lo mất thác, theo ông Thụ, việc xây dựng Dự án Thủy điện Suối Mu cũng đã khiến nhiều hộ dân mất đất canh tác. Mặc dù người dân có được nhận tiền đền bù, nhưng trên tinh thần “ép buộc” chứ không phải tự nguyện. Lý do là nếu dân không nhường đất cho thủy điện thì xã cũng sẽ thu hồi đất?.

“Trước khi người dân nhận tiền đền bù, các vị lãnh đạo xã đã lên đây thông báo với dân, nhưng dân không đồng tình. Sau đó, họ bảo, nếu dân không đồng ý bán đất, đây đất của xã, xã sẽ thu hồi lại thì dân không được gì. Vì thế, một số hộ dân đã phải nhận mấy chục triệu tiền đền bù, và chấp nhận mất đất sản xuất,” ông Thụ nói thêm.

Là người dân mất đất sản xuất, chị Quách Thị Quảng, nguời dân xóm Khướng, xã Tự Do cho biết, Công ty cổ phần thủy điện Vân Hồng bắt đầu xây dựng nhà máy từ năm 2016, trước khi làm công ty này có đền bù cho dân nhưng không thỏa đáng, nên phần lớn người dân đều phản đối, không muốn để doanh nghiệp làm thủy điện. “Như của nhà tôi có 100m2 đất, doanh nghiệp đền bù cho hơn 20 triệu đồng, chủ yếu là diện tích đất ở và một phần đất ruộng. Còn diện tích dân tự khai hoang nay bị ảnh hưởng thì không được đền bù, phần diện tích này coi như mất,” chị Quảng rầu rĩ nói.

(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Không kém phần lo lắng, ông Bùi Văn Dưng, người dân xóm Mu thở dài nói: “Tôi không đồng tình với phương án đền bù, nhường đất cho thủy điện, nhưng bị xã ‘ép’ nên vẫn phải bán 500m2 đất ruộng với giá hơn 30 triệu đồng. Hôm chính quyền xã gọi xuống, lãnh đạo xã có khuyên bán đất, sau này sẽ có lợi cho dân. Nhưng bây giờ nhận tiền rồi thì mất hết, tiền cũng chẳng còn, đất thì đã mất, nên cuộc sống rất khó khăn.” Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về thực trạng nêu trên, ông Bùi Đình Thiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tự Do thừa nhận: “Lo lắng thủy điện xây dựng ảnh hưởng đến Thác Mu của người dân lo chính đáng. Nếu được chọn, tôi cũng chọn thác, nhưng phân tích ra có chủ trương của tỉnh và huyện nên xã tạo điều kiện và đồng thuận.” Ông Thiên cũng cho biết, lúc đưa ra chủ trương, địa phương rất băn khoăn, vì có Thác Mu từ lâu, đi đến đâu nói đến mình ở xã Tự Do, họ nói có Thác Mu nên tự hào lắm, nhưng cấp trên phân tích rằng thủy điện mang lại nguồn thu cho tỉnh, cho dù khi làm thủy điện chắc chắn ảnh hưởng đến thác. Còn về việc đần bù đất đai, ông Thiên cho biết việc xây dựng Thủy điện Suối Mu làm mất vĩnh viễn khoảng 1,7ha đất; cũng như làm giảm đất canh tác của 79 hộ dân. Tuy nhiên, việc đền bù thiệt hại về hoa màu, tài sản trên đất cho người dân căn cứ theo giá của nhà nước. Thủy điện cũng hỗ trợ đền bù cho bà con theo diện tích thực địa và đo đạc trên bản đồ. “Trước năm 2006 chưa có bản đồ chính quy, một số diện tích của xã bà còn sử dụng, nhưng do canh tác lâu năm nên bà con cứ nghĩ là của mình nên đòi đền bù. Vì thế, xã đã tổ chức tuyên truyền cho bà con hiểu rằng phần đất bà con khai hoang trước đây là đất của xã và xã có quyền thu hồi, chứ không có chuyện ép dân,” ông Thiên phân trần. Ở cấp quản lý Nhà nước cao hơn, ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Sơn cho rằng: “Chủ trương của tỉnh thì huyện ủng hộ, chúng tôi đã đề xuất đưa Thác Mu vào danh thắng du lịch cấp tỉnh, hiện tỉnh đang làm dự kiến trong tháng 7/2017 sẽ được công nhận, ở đây chỉ có một điểm nhấn là thác, nếu xây dựng thủy điện mà hỏng thác thì không nên. Quan điểm của huyện là phải làm song song, vẫn phát triển thủy điện nhưng không làm ảnh hưởng đến thác.”

“Làm thủy điện thì không được phá vỡ cảnh quan Thác Mu,” ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình nói.

Có chung quan điểm, ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: “Ở góc độ ngành, chúng tôi vẫn muốn bảo vệ, giữa tài nguyên Thác Mu để cho phát triển du lịch. Vì thế, làm thủy điện thì không được phá vỡ cảnh quan Thác Mu. Tuy nhiên, việc này cũng cần phải nghiên cứu, bởi hiện nay người dân đang rất phản đối việc xây dựng Thủy điện Suối Mu.” “Bản thân tôi cũng ủng hộ người dân ở góc độ nên giữ thác để tạo cảm hứng cho du khách khi đến tham quan, để đảm bảo việc phát triển bền vững lâu dài. Chứ xây thủy điện chắc chắn sẽ làm mất nguồn nước, đến khi không còn đảm bảo nguồn nước thì thủy điện cũng sẽ phải bỏ, cảnh quan cũng không còn,” ông Linh nói thêm. Ông Linh cũng cho biết, theo đề xuất của địa phương (xã, huyện) và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, hiện Sở đang giao cho Ban Quản lý di tích đi khảo sát, lập hồ sơ để xếp hạnh danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, để quản lý và phát triển du lịch. Tuy nhiên, nếu vừa phát triển thủy điện, vừa phát triển du lịch dựa vào nguồn nước của Thác Mu thì sẽ rất khó quản lý. Để làm rõ thông tin từ phía người dân phản ánh, ngày 27/6/2017, phóng viên VietnamPlus đã liên hệ với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng, chủ đầu tư Dự án Thủy điện Suối Mu. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty đã nêu các lý do để nhiều lần tránh các cuộc hẹn gặp./.

(Ảnh: HÙng Võ/Vietnam+)
(Ảnh: HÙng Võ/Vietnam+)

Lộ diện kẽ hở

giúp doanh nghiệp thủy điện nhỏ “trốn” ĐTM

Hùng Võ

Không chỉ quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ một cách ồ ạt, gây ra nhiều sự cố môi trường, trong quá trình triển khai loạt bài “Vỡ trận quy hoạch thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc,” phóng viên VietnamPlus còn phát hiện một số “lỗ hổng” trong khâu kiểm tra, thẩm định các dự án mang tên “công trình ánh sáng.”

Tình trạng doanh nghiệp “trốn’’ lập ĐTM (Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thủy điện nhỏ) – một quy định bắt buộc và là một trong những yếu tố quyết định dự án đó có được triển khai hay không đang khá phổ biến, mà nguyên do lại chính từ các văn bản chính sách.

Sự chồng chéo, bất nhất giữa các điều khoản hướng dẫn thủ tục lập ĐTM đối với các dự án thủy điện nhỏ đã tạo ra những “kẽ hở” cho chủ đầu tư lợi dụng “trốn” quy định thiết yếu này và khiến các địa phương lúng túng trong cả việc triển khai cấp phép lẫn xử lý vi phạm.

Nhà máy thủy điện Bản Rạ (tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) gây ảnh hưởng đến nguồn nước, chậm đền bù thiệt hại cho người dân, chây ì nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Nhà máy thủy điện Bản Rạ (tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) gây ảnh hưởng đến nguồn nước, chậm đền bù thiệt hại cho người dân, chây ì nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bất nhất về thẩm quyền

Trong một phiên họp của Quốc hội vào cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khi đó đã nhấn mạnh, quy định thực hiện đánh giá tác động môi trường là cơ sở rất quan trọng để cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, là bước quan trọng của quá trình hình thành dự án.

Vậy nhưng, có một thực tế là lợi ích môi trường vẫn đang bị xem nhẹ trong quá trình phê duyệt các dự án, và vấn đề nằm ở cả khâu chính sách lẫn thực thi. Từ đó dẫn tới “lỗ hổng” trong việc phê duyệt ĐTM, đặc biệt là dự án thủy điện nhỏ có công suất dưới 10MW đang gây nhiều tranh cãi.

Xuất phát từ thực tế trên, vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai (một trong những địa phương chú trọng phát triển thủy điện nhỏ ở miền Bắc) đã có văn bản số 4952/UBND-TNMT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xem xét thẩm quyền thẩm định và phê duyệt ĐTM các dự án thủy điện, để có hướng xử lý.

Căn nguyên là, Lào Cai cho rằng do một số điểm bất nhất quy định tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường; cũng như mâu thuẫn giữa Nghị định này với Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Cụ thể, theo quy định tại mục 27, Phụ lục II, Nghị định 18/2015/NĐ-CP, đối tượng phải lập ĐTM bao gồm các dự án thủy điện có dung tích hồ chứa từ 100.000 m3 nước trở lên hoặc công suất từ 10MW trở lên.

Các dự án thủy điện có dung tích hồ chứa từ 100.000.000 m³ nước trở lên thì trách nhiệm thẩm định, phê duyệt ĐTM thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường (theo quy định tại Mục 3, Phụ lục III, Nghị định 18/2015/NĐ-CP). Với các dự án có hồ chứa dung tích dưới 100.000m3 nước hoặc công suất dưới 10 MW, theo quy định tại mục 8, Phụ lục 5.1, Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT sẽ do Ủy ban Nhân dân tỉnh thẩm định, phê duyệt.

Các dự án có hồ chứa dung tích dưới 100.000m3 nước hoặc công suất dưới 10 MW, theo quy định tại mục 8, Phụ lục 5.1, Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT sẽ do Ủy ban Nhân dân tỉnh thẩm định, phê duyệt

Tuy nhiên, cũng tại Nghị định 18/2015, mục 6, Phụ lục III lại có quy định “các dự án khai thác nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ do Bộ quyết định thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM. Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 28 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 cũng lại có quy định quyền thẩm định, phê duyệt, báo cáo ĐTM với các dự án thủy điện tương đương có công suất từ 2 MW trở lên là thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Như vậy, các mục quy định tại nhiều điểm trong Nghị định số 201 đã có sự mâu thuẫn với phụ lục của Nghị định 18/2015/NĐ-CP dẫn đến chồng chéo trong các cấp phê duyệt và thẩm định ĐTM cho các dự án có công suất trên – dưới 10 MW, hoặc dung tích hồ chứa trên và dưới 100.000m3.

Sự bất nhất, quy định chồng chéo nêu trên không chỉ làm khó tỉnh Lào Cai trong việc triển khai, mà nhiều địa phương khác như Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Giang…cũng lúng túng trong việc thẩm định phê duyệt ĐTM đối với các dự án thủy điện nhỏ.

Đơn cử như Dự án Thủy điện Sông Lô 2 (công suất lắp máy 28 MW), do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng từ năm 2015, tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, với tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Dự án này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang phê duyệt ĐTM từ ngày 13/1/2010.

Tuy nhiên, do công trình điều chỉnh quy mô (từ 27 MW lên 28 MW) nên theo quy định, chủ đầu tư phải lập lại ĐTM, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thẩm định, phê duyệt mới được triển khai thi công. Vậy nhưng, từ năm 2015 đến nay, dự án vẫn thi công theo ĐTM cũ được phê duyệt bởi Ủy ban Nhân dân tỉnh.

(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Môi trường sẽ ra sao sau những “chuyện đã xảy ra rồi?”

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang giai thích: “Thủy điện Sông Lô 2 trước đây đã có ĐTM, nhưng do đang thi công thì điều chỉnh dự án, nên phải làm lại ĐTM. Việc này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Tuy nhiên, đơn vị chủ đầu tư làm quá muộn, trong khi thủy điện xây dựng sắp xong rồi…”

Từ quan điểm này nên Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang ngày 6/3/2015 đã ban hành Văn bản số 671/UBND-CNGTXD, chấp thuận cho chủ đầu tư Dự án Thủy điện Sông Lô 2 tiếp tục thực hiện, không phải lập lại ĐTM theo đúng quy định của Nhà nước.

Việc Hà Giang “cho qua chuyện đã rồi” của Thủy điện Sông Lô 2 đã đặt ra câu hỏi vậy Dự án này đã đảm bảo được những quy định về môi trường hay chưa? Sau khi đi vào vận hành, liệu dự án có gây ra tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường hay không?

Chưa hết, việc “cho qua chuyện đã rồi” này, liệu sẽ là sự khởi đầu cho một hiệu ứng dây chuyền “xập xí xập ngầu” của các dự án tương tự tại Hà Giang cũng như nhiều địa phương khác? Sẽ phải giải quyết những trường hợp như vậy ra sao?.

Việc Hà Giang “cho qua chuyện đã rồi” của Thủy điện Sông Lô 2 đã đặt ra câu hỏi vậy Dự án này đã đảm bảo được những quy định về môi trường hay chưa?

Một ví dụ điển hình là trường hợp Dự án Thủy điện Suối Mu do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng làm chủ đầu tư trên địa bản tỉnh Hòa Bình đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh cho phép thi công từ đầu năm 2016, tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, với tổng vốn đầu tư 167 tỷ đồng, không cần lập ĐTM.

Sau đó hơn nửa năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình mới xác nhận “Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Nhà máy thủy điện Suối Mu.” Theo lý giải của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, Sở này ký Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng là bởi thủy điện Suối Mu có công suất 9 MW, nên chỉ cần làm “đăng ký kế hoạch!”

“Theo Luật cũ thì đơn vị chỉ cần làm cam kết bảo vệ môi trường, và Sở đã ký xác nhận giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho chủ đầu tư. Mặt khác, giữa Nghị định 201/2013, Nghị định 18/2015 của Chính phủ và Thông tư 27/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có điểm chưa được thống nhất, dẫn đến bất cập,” ông Nguyễn Khắc Long, Phó chi cục trưởng Chi cục môi trường tỉnh Hòa Bình nói.

Trong khi đó, cấp trên của ông Long, ông Phạm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hòa Bình lại khẳng định rằng, nếu việc triển khai Thủy điện Suối Mu chỉ dừng lại ở quy mô cam kết về bảo vệ môi trường thì sẽ rất khó đảm bảo việc triển khai. Một trong những lý do ông Đức đưa ra là, nội dung trong bản báo cáo rất chung chung, không thể hiện rõ các quy định, cam kết…

Thác Mu tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử” do Thủy điện Suối Mu xây đập chắn ngay trên đỉnh Thác, ảnh hưởng đến nguồn nước, dòng chảy, du lịch… (Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)
Thác Mu tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử” do Thủy điện Suối Mu xây đập chắn ngay trên đỉnh Thác, ảnh hưởng đến nguồn nước, dòng chảy, du lịch… (Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trước sự lúng túng của các địa phương, ngày 1/12/2016, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã ký văn bản hướng dẫn số 5657/BTNMT-TCMT gửi chung cho các tỉnh, nêu rõ thẩm quyền thẩm định và phê duyệt ĐTM của các dự án thủy điện nhỏ trên cả nước.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường viện dẫn các quy định được nêu tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP và Nghị định số 201/2013/NĐ- CP rồi đưa ra kết luận: “Như vậy, các dự án thủy điện thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM và có công suất lắp máy từ 2 MW trở lên thuộc thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường.”

Với văn bản này, mặc định thẩm quyền phê duyệt ĐTM đối với các dự án thủy điện dưới 10MW được “quy về một mối” là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhưng, vậy còn các dự án đã thi công trước văn bản này thì sẽ giải quyết ra sao? Đơn cử như Dự án Thủy điện Suối Mu, liệu dự án này có cần phải bổ sung ĐTM?

Để rõ hơn cho không chỉ riêng trường hợp Thủy điện Suối Mu mà còn rất nhiều dự án khác của nhiều địa phương cũng trong tình trạng tương tự, ngày 5/7/2017, VietnamPlus đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị giải đáp một số thông tin liên quan.

Bên cạnh đó, VietnamPlus cũng đã nhiều lần liên hệ làm việc với Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường), nhưng cho đến nay chưa nhận được phản hồi.

Việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình ký xác nhận Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Dự án Thủy điện Suối Mu khi dự án này đã thi công là sai quy định

Ở góc độ chuyên gia, tiến sỹ Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định đánh giá tác động môi trường-Tổng Cục môi trường, hiện là Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho rằng việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình ký xác nhận Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Dự án Thủy điện Suối Mu khi dự án này đã thi công là sai quy định.

“Trong việc này, có 3 khả năng, một là do chủ đầu tư không biết, sau đó bổ sung; hai là biết nhưng cố tình vi phạm; ba là lợi dụng sự chồng chéo bất cập của Nghị định để làm cái lợi nhất cho mình. Dù là khả năng nào thì cũng không thể hợp thức hóa bằng cách ký xác nhận Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho dự án thủy điện đã triển khai xây dựng như thế,” ông Kinh nêu quan điểm.

Để giúp công tác thẩm định xử lý môi trường thuận lợi, minh bạch đảm bảo môi sinh phát triển bền vững cũng là đảm bảo quyền lợi đầu tư và trách nhiệm của các doanh nghiệp, ông Kinh cho rằng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần điều chỉnh các văn bản, thống nhất quy định giữa Nghị định và Thông tư hướng dẫn càng sớm càng tốt đồng thời có bổ sung, hướng dẫn biện pháp xử lý với các dự án đang thi công dở dang hoặc bắt đầu thi công (khi chưa có thông tư).

Trong diễn biến liên quan, nguồn tin từ Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường tiết lộ, sau khi tập hợp ý kiến của các địa phương, mới đây, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo đính chính lại văn bản hướng dẫn số 5657/BTNMT-TCMT.

Người dân đổ xô xuống bắt cá dưới sông Gâm-ngay trước cửa xả của Nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1 (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), do nhà máy thủy điện chặn dòng chảy khiến sông cạn trơ đáy. (Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)
Người dân đổ xô xuống bắt cá dưới sông Gâm-ngay trước cửa xả của Nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1 (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), do nhà máy thủy điện chặn dòng chảy khiến sông cạn trơ đáy. (Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)

Thủy điện ‘vượt đèn đỏ’

‘Quyết định đang trên bàn Thứ trưởng’

Hùng Võ

Theo lãnh đạo Cục Thẩm định và Đánh giá tác động Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc một số dự án thủy điện nhỏ thi công “vượt đèn đỏ” khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) như thủy điện Sông Lô 2 tại tỉnh Hà Giang, hay thủy điện Suối Mu ở Hòa Bình là việc làm trái luật.

Vậy những dự án thủy điện thi công trái luật trên sẽ phải xử lý ra sao? Trong việc này, chủ đầu tư đã nóng vội triển khai, hay cố tình lách luật? Liệu đây có phải là cách doanh nghiệp “làm khó” cơ quan chức năng địa phương, để cho qua những “chuyện đã xảy ra rồi?”

Thủy điện Sông Lô 2 ở Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Thủy điện Sông Lô 2 ở Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Thi công “vượt đèn đỏ”

Như VietnamPlus đã phản ánh, gần đây, tình trạng doanh nghiệp thủy điện nhỏ “trốn” lập ĐTM – một quy định bắt buộc và là một trong những yếu tố quyết định dự án đó có được triển khai hay không đang khá phổ biến, mà nguyên do lại chính từ các văn bản chính sách lẫn việc thực thi.

Đơn cử như Dự án Thủy điện Sông Lô 2, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng từ năm 2015, tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Thế nhưng, hiện tại Dự án điều chỉnh thuộc đối tượng phải lập lại ĐTM (do nâng công suất lắp máy từ 21MW lên 28MW và điều chỉnh một số hạng mục) này vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM.

Nhìn nhận thực trạng nêu trên, ông Phạm Anh Dũng, Cục phó Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho biết: Sau khi nắm bắt được thông tin, ngay 23/6/2017, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường đã lập Hội đồng đi kiểm tra, thẩm định và đã yêu cầu Dự án thủy điện Sông Lô 2 tạm dừng triển khai thi công theo quy định.

“Lý do dừng là, dự án thủy điện Sông Lô 2 đã triển khai một số hạng mục như đê bao bờ trái và đê bao bờ phải, phần này chưa có trong ĐTM là sai, hay nói đúng hơn là dự án đã thi công ‘vượt đèn đỏ,’ vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường 2014. Trong việc này, có thể chủ đầu tư vô tình vi phạm, cũng có thể là cố tình vi phạm. Vì thế, chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay toàn bộ hoạt động thi công xây dựng dự án, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường,“ ông Dũng nói.

Về hướng xử phạt, ông Dũng cho biết: “Sau khi tiến hành kiểm tra vào cuối tháng Sáu vừa qua, chúng tôi đã trình lên Thứ trưởng xem xét. Hiện văn bản đang nằm trên bàn Thứ trưởng, không rút ra được. Trong việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ra văn bản, nhưng thẩm quyền xử lý là do Ủy ban Nhân dân tỉnh.”

Việc dự án này triển khai thi công sau hơn nửa năm mới có Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, liệu có gì “bất thường”?

Tương tự, đối với dự án thủy điện Suối Mu do Công ty Văn Hồng làm chủ đầu tư trên địa bản huyện Lạc Sơn đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cho phép thi công từ đầu năm 2016, không cần lập ĐTM. Sau đó hơn nửa năm, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hòa Bình mới xác nhận “Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Nhà máy thủy điện Suối Mu.”

Theo lý giải của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, Sở này ký Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng là bởi thủy điện Suối Mu có công suất 9 MW, nên chỉ cần làm “đăng ký kế hoạch.” Vậy, việc dự án này triển khai thi công sau hơn nửa năm mới có Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, liệu có gì “bất thường”?.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về sự việc trên, tiến sỹ Hoàng Hải – Trưởng phòng ĐTM, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho hay: “Đúng ra, khi đi kiểm tra, nếu phát hiện dự án không thuộc đối tượng ĐTM nhưng không có Giấy đăng ký xác nhận thì phải yêu cầu dừng, khi nào bổ sung mới được phép xây dựng.”

Về thẩm quyền thẩm định phê duyệt ĐTM, theo ông Hải, có hai trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Một là phải là đối tượng ĐTM, hai là từ dự án có công suất 2MW trở lên (theo Nghị định 201/2013/NĐ-CP) và một số quy định nữa. “Trường hợp thủy điện Suối Mu, chúng tôi có nhận được văn bản mà Hòa Bình giải thích, nhưng không biết thực tế đúng không,” ông Hải nói.

Thác Mu tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử” do Thủy điện Suối Mu xây đập chắn ngay trên đỉnh Thác, ảnh hưởng đến nguồn nước, dòng chảy, du lịch… (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Thác Mu tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử” do Thủy điện Suối Mu xây đập chắn ngay trên đỉnh Thác, ảnh hưởng đến nguồn nước, dòng chảy, du lịch… (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Quyết định thế nào là ở Thứ trưởng”

Vậy, việc thủy điện Suối Mu thi công “vượt đèn đỏ” cần phải xứ lý ra sao? Ông Hải cho hay: “Câu hỏi này với tôi thì khó, tất cả các thứ chỉ dám tư vấn, quyết định thế nào là ở Thứ trưởng (vì Văn bản tỉnh Hòa Bình gửi lên Bộ đã trình lên Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân xem xét), tôi đề xuất không phù hợp lắm. Tuy nhiên theo tôi, dù sự việc đã xảy ra rồi, nên địa phương cũng nên nhắc nhở doanh nghiệp, hoặc xử phạt theo quy định 155 về xử phạt hành chính.”

Về thông tin các địa phương phản ánh sự chồng chéo, chưa rõ ràng giữa các điều khoản hướng dẫn thủ tục lập ĐTM đối với các dự án thủy điện nhỏ, Trưởng phòng ĐTM – Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho rằng: Một số địa phương không để ý thì có nhầm lẫn, có rất nhiều quy định nếu để “lọt” một cái đã có chuyện để nói.

“Trong việc này, có thể địa phương họ nhầm lẫn. Sự chồng chéo tôi có biết, vì nhiều người đọc lướt qua nên không hiểu rõ được. Theo chỉ đạo, tới đây sẽ sửa Nghị định, thực ra bây giờ sắp lên xin ý kiến trên web. Chúng tôi cũng đã họp nhiều lần xin ý kiến, nhưng phải sửa cùng với nhiều Nghị định khác nữa,” ông Hải nói.

Ông Hải cũng lưu ý, việc sửa Nghị định là do Chính phủ quyết định. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề đạt và tham mưu sẽ sửa lại các Nghị định về luật bảo vệ môi trường, trong đó có Nghị định 18, do trong quá trình thực hiện phát hiện một số điểm không được rõ ràng.

“Hiện Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đang chỉ đạo, nhưng có được hoàn thiện hay không phải qua rất nhiều cấp” – tiến sỹ Hoàng Hải – Trưởng phòng ĐTM, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường

“Hiện tại, Thứ trưởng (Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân) đang chỉ đạo, nhưng có được hoàn thiện hay không phải qua rất nhiều cấp,” ông Hải khẳng định Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cũng đã trình nhiều phương án, nhưng bản chất là giải thích cho rõ.

“Riêng với văn bản hướng dẫn số 5657/BTNMT-TCMT (do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký) gửi chung cho các tỉnh, nêu rõ thẩm quyền thẩm định và phê duyệt ĐTM của các dự án thủy điện, Thứ trưởng cũng đã có yêu cầu giải thích cho rõ ràng hơn. Ai hỏi ai nói thì giải trình, còn Bộ có giải trình hay không tôi không rõ,” ông Hải nói thêm.

Trước đó, chia sẻ với phóng viên VietnamPlus vào ngày 10/7, nguồn tin từ Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường tiết lộ, sau khi tập hợp ý kiến của các địa phương, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo đính chính lại văn bản hướng dẫn số 5657/BTNMT-TCMT, căn nguyên là do nội dung văn bản chưa rõ ràng, dẫn đến sự hiểu lầm ở cấp địa phương.

Còn ở góc độ chuyên gia, tiến sỹ Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định đánh giá tác động môi trường-Tổng Cục môi trường, hiện là Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho rằng để giúp công tác thẩm định xử lý môi trường thuận lợi, đảm bảo môi sinh phát triển bền vững, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần điều chỉnh các văn bản, thống nhất quy định giữa Nghị định và Thông tư hướng dẫn càng sớm càng tốt.

Đồng thời, cần bổ sung, hướng dẫn biện pháp xử lý với các dự án đang thi công dở dang hoặc bắt đầu thi công (khi chưa có thông tư). Không nên để “lỗ hổng” kéo dài, có thể dẫn tới hiệu ứng dây chuyền “xập xí xập ngầu” đối với các dự án tương tự, gây khó khăn cho công tác thẩm định, xử lý các dự án thủy điện “trốn” ĐTM.

(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

‘Quả bóng’ trách nhiệm

khi thủy điện ‘vượt đèn đỏ’

Hùng Võ

Như VietnamPlus đã phản ánh, dự án Thủy điện Suối Mu (công suất 9MW) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng làm chủ đầu tư bắt đầu khởi công vào đầu năm 2016. Tiến độ theo phê duyệt quy hoạch là hoàn thành, hoà lưới điện vào tháng 3/2017.

Dây chuyền “tiền trảm hậu tấu”

Theo khảo sát của phóng viên, đến tháng 7/2017, dự án thủy điện được triển khai xây dựng ngay trong khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn này đã thực hiện được khoảng 50% khối lượng công trình.

Điều đáng nói là dự án thủy điện mới chỉ có phê duyệt quy hoạch (bởi Ủy ban Nhân dân tỉnh Hoà Bình ngày 10/11/2015), lại không yêu cầu lập ĐTM – một quy định bắt buộc và là một trong những yếu tố quyết định dự án đó có được triển khai hay không.

Cho đến tận ngày 18/7/2016, chủ đầu tư mới có Công văn số 05/VH-MT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đề nghị đơn vị này xem xét và cấp giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

Sau đó gần một tháng, ngày 15/8/2016, ông Đinh Văn Hòa – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã ký ban hành Văn bản số 284/XN-STNMT, xác nhận “Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Nhà máy thủy điện Suối Mu.”

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cho rằng Thủy điện Suối Mu có công suất 9 MW, nên chỉ cần làm “đăng ký kế hoạch,” không phải lập ĐTM

Lý giải cho việc các cơ quan chức năng huyện, tỉnh “làm ngơ” cho chủ đầu tư “tiền trảm hậu tấu,” tự ý tiến hành khởi công xây dựng các hạng mục trong dự án thủy điện Suối Mu từ trước khi được chấp thuận Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường tận gần nửa năm, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cho rằng: Thủy điện Suối Mu có công suất 9 MW, nên chỉ cần làm “đăng ký kế hoạch,” không phải lập ĐTM.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, đại diện Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Việc dự án thủy điện Suối Mu thi công khi chưa có ĐTM, cũng như Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường là hành vi “vượt đèn đỏ” trái luật.

“Đúng ra, khi đi kiểm tra, nếu phát hiện dự án không thuộc đối tượng ĐTM nhưng không có Giấy đăng ký xác nhận thì phải yêu cầu dừng, khi nào bổ sung mới được phép xây dựng,” vị đại diện Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường nói.

Nhưng không chỉ Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường xin sau làm trước, trong quá trình điều tra, chúng tôi lại phát hiện dự án thủy điện Suối Mu còn triển khai xây dựng công trình trước khi xin giấy phép đến hơn một năm.

Cụ thể, ngày 3/7/2017, tức sau hơn một năm thi công, dự án này mới được Sở Xây Dựng Hòa Bình cấp Giấy phép xây dựng (Giấy phép xây dựng số 59/GPXD-SXD ngày 3/7/2017, do ông Ngô Ngọc Đức, Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình ký ban hành).

Thủy điện Suối Mu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Thủy điện Suối Mu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trên “không biết” vì dưới “không báo”

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình, ông Đoàn Tiến Lập khẳng định: ông mới nghe tên dự án thủy điện Suối Mu từ cuối tháng 6/2017, khi chủ đầu tư dự án gửi đơn và hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng. Trước đó, ông “không hề biết” dự án này.

Vậy tại sao một dự án thủy điện to lù lù thi công ồn ào trong hơn 360 ngày có thể “hồn nhiên mọc” trong khu bảo tồn thiên nhiên mà không “ai” biết?

Nghịch lý hơn, đây là một trong những hạng mục xây dựng quy định phải được cấp phép, kiểm tra, giám sát nguy cơ tác động đến môi trường.

Do đâu mà dự án liên tiếp “vượt đèn đỏ” này vẫn “trơ trơ cùng tuế nguyệt” bất chấp mọi bức xúc của nhân dân địa phương, thách thức các cơ quan ngôn luận?

Phòng chuyên môn của Sở chỉ có 3 người không thể kiểm soát hết được địa bàn với 11 huyện thị địa lý rải rác – ông Đoàn Tiến Lập,  Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình

Lý giải sự “không biết” này, ông Đoàn Tiến Lập chia sẻ theo phân cấp thì địa phương quản lý việc xây dựng. Phòng chuyên môn của Sở chỉ có 3 người không thể kiểm soát hết được địa bàn với 11 huyện thị địa lý rải rác.

“Nếu có sự vụ gì thì Sở Xây Dựng mới đi kiểm tra, việc thanh tra chủ yếu là xây dựng kế hoạch. Chưa kể, địa bàn vùng sâu vùng xa, ví dụ từ thành phố xuống điểm dự án, khoảng 80km, mà đi thì rất khó,” ông Lập thành thật.

Vị này cũng lưu ý: “Với bất kỳ công trình xây dựng dù lớn hay nhỏ nếu phát sinh trên địa bàn, không có phép thì huyện phải lập biên bản báo cáo lên Sở.”

Chỉ đích danh dự án thủy điện Suối Mu, ông Lập khẳng định, sau khi có thông báo thẩm định kỹ thuật dự án từ Sở Công Thương, cũng như hồ sơ xin cấp phép của chủ đầu tư, đến ngày 3/7/2017, Sở Xây dựng mới thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng. Còn trước giờ chưa có báo cáo gì từ huyện.

“Thực ra, nếu công trình đã xây dựng rồi, mà có dấu hiệu của địa phương báo cáo, thì phải xử phạt xong mới cấp Giấy phép xây dựng. Trường hợp phát hiện sai phạm, chúng tôi vẫn có thể thu hồi, xử phạt xong mới cấp lại,” ông Lập nói thêm.

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cũng thừa nhận, qua thông tin từ báo chí, phản ánh của người dân, Sở Xây dựng mới biết. Ông cũng khẳng định rằng, nếu dự án triển khai xây dựng sai thiết kế thì sẽ rất “to chuyện!”

(Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)
(Ảnh: Hùng  Võ/Vietnam+)

Quả bóng trách nhiệm trong chân ai?

Trả lời câu hỏi, trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra sự việc những sai phạm nêu trên, cả Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tự Do và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Sơn đều khẳng định, dự án được thực hiện theo chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh!

Trong khi đó, ông Lập cho rằng các công trình xây dựng như dự án thủy điện Suối Mu do nhiều ngành cùng quản lý, chứ không riêng gì Sở Xây dựng, đồng thời tái khẳng định là việc giám sát xây dựng, kiểm tra báo cáo sai phạm là trách nhiệm của địa phương.

Đáng lưu ý hơn, dự án thủy điện Suối Mu từ khi bắt đầu giải phóng mặt bằng, triển khai thi công đã gặp phải sự phản đối của người dân. Lý do là thủy điện “mọc” lên sẽ làm thay đổi dòng chảy của thác, ảnh hưởng đến du lịch, cũng như nguồn nước phục vụ nông nghiệp, giảm đất canh tác của hàng trăm người dân xã Tự Do.

Dự án thủy điện  Suối Mu, có tổng mức đầu tư hơn 167 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng chiếm 70%,vẫn được triển khai và ngang nhiên tồn tại

Thế nhưng, dự án có tổng mức đầu tư hơn 167 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng chiếm 70% này vẫn được triển khai và ngang nhiên tồn tại.

Chẳng những thế, ngày 28/3/2017, ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình lại ký Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 28/3/2017, về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư thủy điện Suối Mu, cho phép dự án tiếp tục được thi công.

Trong Quyết định này nêu rõ: Điều chỉnh tên nhà đầu tư Công ty cổ phần thủy điện Văn Hồng do ông Đặng Văn Hồng làm giám đốc, thành Công ty cổ phần thủy điện Suối Mu do ông Nguyễn Đức Tân làm giám đốc.

Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định đầu tư số 495/QD-UBND ngày 1/11/2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Có vẻ như, việc “làm đẹp” hồ sơ từ lập ĐTM đến giấy phép xây dựng đã được tính toán theo đúng quy trình!./.

(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Động thái tích cực

sau loạt bài ‘Vỡ trận’ quy hoạch thủy điện nhỏ

Hùng Võ

Liên quan đến nội dung loạt bài “Vỡ trận quy hoạch” thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã được Báo điện tử VietnamPlus phản ánh, mới đây, cơ quan chức năng các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Hòa Bình đã vào cuộc kiểm tra, xử lý các dự án thủy điện vi phạm, đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng do thủy điện gây ra.

(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Hà Giang dừng toàn bộ hoạt động thi công thủy điện Sông Lô 2

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Hoàng Văn Nhu – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cho biết, sau khi báo chí phản ánh việc dự án thủy điện Sông Lô 2 thi công “vượt đèn đỏ,” khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc kiểm tra, yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động thi công của dự án.

Dự án thủy điện Sông Lô 2 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình làm chủ đầu tư, được xây dựng tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, cách trung tâm tỉnh Hà Giang khoảng 15 km. Dự án này khởi công từ năm 2015, với tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Dự án này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang phê duyệt ĐMT từ ngày 13/1/2010.

Tuy nhiên, do công trình điều chỉnh quy mô (từ 27 MW lên 28 MW) nên theo quy định, chủ đầu tư phải lập lại ĐTM, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thẩm định, phê duyệt mới được triển khai thi công. Vậy nhưng, từ năm 2015 đến nay, dự án này vẫn thi công theo ĐTM cũ được phê duyệt bởi Ủy ban Nhân dân tỉnh.

UBND tỉnh Hà Giang đã yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình dừng toàn bộ hoạt động thi công dự án thủy điện Sông Lô 2; đồng thời xem xét xử phạt vi phạm hành chính

Trên cơ sở đó, ngày 23/6/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức khảo sát địa điểm thực hiện dự án điều chỉnh thủy điện Sông Lô 2. Tại thời điểm khảo sát, chủ đầu tư đang thi công hạng mục đê bao bờ trái và đê bao bờ phải, đây là hai hạng mục thuộc phạm vi của dự án điều chỉnh, nhưng chưa được phê duyệt ĐTM. Hành vi này vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Từ kết quả kiểm tra, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn số 3488/BTNMT-TCMT gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình, yêu cầu dừng ngay toàn bộ hoạt động thi công xây dựng dự án thủy điện Sông Lô 2; xử lý các vi phạm và yêu cầu chủ đầu tư dự án khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình dừng toàn bộ hoạt động thi công dự án thủy điện Sông Lô 2; đồng thời xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

Thủy điện Sông Lô 2 tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Thủy điện Sông Lô 2 tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cao Bằng: Thủy điện Bản Rạ đã đền bù thiệt hại cho người dân

Cũng liên quan đến nội dung trong loạt bài “Vỡ trận quy hoạch thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc,” Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Bản Rạ) chi trả dứt điểm tiền đền bù thiệt hại hoa màu (do nhà máy gây ra) cho người dân xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Thời gian hoàn thành trước 30/6/2017.

Theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, mới đây, Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc đã tiến hành chi trả đền bù sản lượng hoa màu bị thiệt hại hai năm 2013, 2014 cho các hộ nhân dân bị thiệt hại, số tiền gần 800 triệu đồng. Tổng cộng cả 3 năm số tiền doanh nghiệp này đã chi trả là hơn 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Bắc tổ chức thi công xây dựng cầu Bản Mom, hoàn thành dứt điểm các tuyến mương còn lại theo đúng cam kết, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, thời gian hoàn thành trước ngày 30/10/2017.

Trước khi thi công, chủ đầu tư phải trình hồ sơ thiết kế cầu lên cấp có thẩm định, phê duyệt theo quy định; đồng thời chủ động phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh, Ủy ban Nhân dân xã Đàm Thủy và người dân để đầu tư xây dựng, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Nếu đến mốc thời gian nêu trên, phía Công ty cổ phần thủy điện Đông Bắc vẫn không chấp hành theo cam kết, tỉnh sẽ tiếp tục có chế tài xử lý,” ông Lê Hải Hòa – Phó Chánh Văn phòng, phụ trách Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng nói.

“Nếu Công ty cổ phần thủy điện Đông Bắc vẫn không chấp hành theo cam kết, tỉnh sẽ tiếp tục có chế tài xử lý,” ông Lê Hải Hòa – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng 

Riêng với dự án thủy điện Hoa Thám (5,8MW) do Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Năng lượng Đông Bắc làm chủ đầu tư, triển khai thi công trên địa bàn huyện Nguyên Bình từ năm 2007 và tạm dừng thi công từ tháng 11/2011, do chủ đầu tư thiếu vốn.

Dự án Thủy điện Hoa Thám có tổng mức đầu tư dự kiến trên 200 tỷ đồng, trong đó 70% sử dụng vốn vay của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh Cao Bằng (chủ đầu tư đã vay tổng cộng gần 59 tỷ đồng).

Từ năm 2004 đến nay, Công ty này đã thay đổi 8 lần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và nhiều lần thay đổi lãnh đạo, giám đốc…

Trả lởi về hướng xử lý của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đối với dự án thủy điện Hoa Thám sẽ được triển khai thế nào, ông Nguyễn Đặng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng cho biết tại cuộc họp ngày 28/7 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã đồng ý cho Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Đông Bắc tiếp tục đầu tư thi công dự án nhưng đồng thời phải cam kết thực hiện đúng tiến độ, dự kiến hoàn thành trong quý ba năm 2018.

Sở Công Thương, Sở Kế hoạch Đầu tư có trách nhiệm giám sát tiến độ thực hiện của chủ đầu tư.

Dự án Thủy điện Hoa Thám. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Dự án Thủy điện Hoa Thám. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Hòa Bình rà soát, xử lý thủy điện Suối Mu thi công “vượt đèn đỏ”

Liên quan đến thông tin dự án thủy điện Suối Mu (công suất 9MW) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng làm chủ đầu tư, đã triển khai thi công “vượt đèn đỏ” khi chưa có Giấy phép xây dựng hơn một năm trời, mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan vào cuộc kiểm tra xử lý.

Dự án Thủy điện Suối Mu khởi công xây dựng ngay trong khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn từ đầu năm 2016. Theo khảo sát của phóng viên, đến tháng 7/2017, dự án này đã thực hiện được khoảng 50% khối lượng công trình.

Lý giải về việc dự án thủy điện Suối Mu thi công khi chưa có giấy phép xây dựng, ông Ngô Ngọc Đức, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cho biết, chức năng của đơn vị chỉ là thẩm định hồ sơ để cấp giấy phép xây dựng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan vào cuộc kiểm tra xử lý dự án thủy điện Suối Mu thi công “vượt đèn đỏ”

Theo trình tự, khi chủ đầu tư gửi toàn bộ hồ sơ đảm bảo các yêu cầu trong hồ sơ thì Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng. Còn việc xử lý thuộc về địa phương.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Sơn lại cho rằng, chính quyền địa phương không có chức năng giám sát, kiểm tra hay xử phạt những vấn đề sai phạm của dự án thủy điện Suối Mu vì đây là dự án được triển khai theo chủ trương của tỉnh.

Tiếp tục liên hệ với ông Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình. Ông Khánh cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã đề nghị các đơn vị chức năng (như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây Dựng, Sở Công Thương) rà soát, kiểm tra các sai phạm của thủy điện Suối Mu như thông tin báo chí phản ánh.

“Hiện tại, chúng tôi vẫn đang chờ thông tin báo cáo từ các đơn vị chuyên môn,” ông Khánh nói./.

Dự án thủy điện Suối Mu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Dự án thủy điện Suối Mu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)