Từ ‘Về nhà đi con’:

venhadico-1564802502-6.jpg

Từ những “cơn sốt” mà “Gạo nếp, gạo tẻ,” “Về nhà đi con”… tạo ra trong thời gian qua, có thể thấy, sau giai đoạn im ắng, “nhường sân” cho những câu chuyện về thế giới ngầm, cảnh sát hình sự, phim truyền hình khai thác đề tài gia đình đã dần lấy lại vị thế.

Xét tổng thể, có thể thấy, những bộ phim này đã có sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng hơn, đổi mới về nhiều mặt (từ kịch bản, bối cảnh, trang phục đến diễn xuất của diễn viên và cách thức quảng bá…) để tạo nên sự bứt phá.

“Ngôi vương” trở lại

Những năm cuối thập niên 1990s, đầu thập niên 2000s, truyền hình Việt đã từng có những bộ phim khai thác đề tài tình cảm gia đình ấn tượng như “Chuyện nhà Mộc” (đạo diễn Trần Lực), “Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa” (đạo diễn Hồ Ngọc Xum)… Tuy nhiên, suốt thời gian dài sau đó, dòng phim này rơi vào thế “trầm lắng, thậm chí “lép vế” so với những bộ phim về đề tài xã hội đen, cảnh sát hình sự.

Yếu tố then chốt hàng đầu để những tác phẩm trên chinh phục khán giả là chất lượng nội dung.

Việc chậm đổi mới cách thức làm phim (cách kể cũ kỹ với diễn biến chậm, ít cao trào, chi tiết không gắn với đời sống hiện tại, lời thoại được viết theo kiểu “kịch hóa,” mức độ tương tác với khán giả còn ít…) là những nguyên nhân dẫn đến sự “tụt hạng” của phim truyền hình đề tài gia đình được nhiều người trong nghề chỉ ra.

“Nàng dâu order” quy tụ nhiều gương mặt “hot” của màn ảnh phía Bắc. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều bộ phim về đề tài này (“Sống chung với mẹ chồng,” “Gạo nếp, gạo tẻ,” “Cả một đời ân oán,” “Nàng dâu order” và “Về nhà đi con”) nhận được phản hồi tích cực của người xem, thậm chí, tạo thành những “cơn sốt” trên mạng xã hội. Đơn cử, clip preview tập 78 “Về nhà đi con” đã đạt hơn 2,3 triệu lượt xem (sau 13 giờ đăng tải trên kênh YouTube chính thức của VTVgo).

Nhà biên kịch Hoàng Anh cho rằng, yếu tố then chốt hàng đầu để những tác phẩm trên chinh phục khán giả là chất lượng nội dung. Những chi tiết, câu chuyện trong đó gần gũi với thực tế đời sống hiện nay. Nói khác đi, những tình tiết “hợp thời” (hợp đồng hôn nhân, xu hướng mua bán trực tuyến, viết truyện ngôn tình…) giúp phim dễ tiếp cận hơn với người xem.

“Gạo nếp, gạo tẻ” xoáy sâu vào những mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Từ những tình huống cho thấy thái độ, cách phân biệt đối xử của bà mẹ với hai cô con gái, cá tính của các nhân vật được làm nổi bật. Các xung đột liên tiếp được tạo ra, đẩy mâu thuẫn lên cao trào, thu hút sự chú ý của người xem.

Trong khi đó, “Nàng dâu order” là câu chuyện về một cô nàng “thích sống ảo,” vụng về chuyện nữ công gia chánh, tìm cách đối phó với bà nội đảm đang, khó tính bằng việc đặt hàng trên mạng Internet, rồi tự “hô biến” thành sản phẩm của mình.

Ở chiều khác, “Về nhà đi con” khai thác câu chuyện về ông Sơn – một ông bố khắc khổ, kiệm lời, sống cảnh “gà trống nuôi con.” Ba cô con gái được xây dựng với những nét tính cách rõ ràng, mang nhiều điểm tương đồng, dễ nhận thấy ở ba thế hệ (8X, 9X và 10X): chị cả Huệ (Thu Quỳnh) nhẫn nhịn và chu đáo, chị hai Thư (Bảo Thanh) nhanh nhẹn, sắc sảo, sống thực tế (đôi khi thành thực dụng), cô út Dương (Bảo Hân) thông minh, nganh bướng và có phần “bất cần.”

Nghệ sỹ ưu tú Trung Anh (người vào vai ông Sơn trong “Về nhà đi con”) chia sẻ: “Từ khi phim lên sóng, tôi được nhiều bạn trẻ gọi vui là ‘ông bố quốc dân.’ Sau khi vào vai ông Sơn, chính tôi cũng phải giật mình, nhìn lại bản thân, soi chiếu lại cách cử xử, trò chuyện hàng ngày với các con. Khá nhiều câu chuyện trong nhà ông Sơn (sự khác biệt thế hệ, cha mẹ không thể lý giải vì sao các con mê chơi game, cách con cái nghĩ về tương lai hay đơn giản là một thế mạnh nào đó của con mà cha mẹ không hề biết dù luôn nghĩ rằng, mình đã rất cố gắng, nỗ lực hết mình để hiểu về con…) cũng xảy ra trong chính gia đình tôi và nhiều gia đình khác.”

Chị cả và em út của
Chị cả và em út của “Về nhà đi con” thể hiện hai tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. (Ảnh: VFC)

Cũng chính bởi lẽ đó mà “Về nhà đi con” được gọi là “bộ phim quốc dân.” Phim không có những lý thuyết giáo điều về cách sống hay những yếu tố “giật gân câu khách” (như cảnh nóng); thay vào đó là những câu chuyện rất “đời” và những câu thoại rất “chất” khiến người xem có lúc cảm thấy “tức anh ách” nhưng lại có khi hả hê, phấn khích hoặc rơi nước mắt như: “Con cũng thấy đấy, giờ bố già nua, lẩm cẩm, giáo điều nhưng bố có tình yêu và một ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về”; “Thanh xuân như một ly trà/ Ăn vài miếng bánh hết bà thanh xuân”; “Tha thứ cho một kẻ không ra gì không phải là vị tha mà là tột đỉnh của sự ngu dốt” hay “Không ai cấm con làm ăn với phụ nữ, cũng không ai cấm con yêu người ta nhưng nếu không phân biệt được rõ ràng hai điều đó thì là… ngu!”

Những bộ phim về đề tài gia đình thời gian qua vừa đáp ứng được nhu cầu giải trí của người xem vừa lồng ghép được những thông điệp ý nghĩa một cách nhẹ nhàng, sâu lắng.

Mỗi nhân vật trong những bộ phim “gây bão” thời gian qua đều được xây dựng gần gũi với thực tế với cả những mảng sáng-tối: bà Mai (Gạo nếp, gạo tẻ) dù luôn phân biệt đối xử giữa con cả, con thứ, tỏ thái độ trọng giàu khinh nghèo nhưng trong sâu thẳm, bà lại là người yêu chồng, thương con, hết lòng vun vén cho gia đình; ông Sơn (Về nhà đi con) dù yêu con vô hạn nhưng cũng vấp phải những sai lầm, khi chưa thực sự hiểu nội tình câu chuyện, ông vội vã thúc ép con rể ly hôn để “giải thoát” cho con gái mình…

Nhân vật Lam Lam (Lan Phương) của “Nàng dâu order” tuy vụng về chuyện nội trợ nhưng lại hiền lành, không có những toan tính, mưu mô hãm hại người khác.

Từ đó, những bộ phim về đề tài gia đình thời gian qua vừa đáp ứng được nhu cầu giải trí của người xem vừa lồng ghép được những thông điệp ý nghĩa một cách nhẹ nhàng, sâu lắng.

Làn gió mới

Bên cạnh nội dung chân thực, gần gũi, diễn xuất của các diễn viên cũng là điểm nhấn thú vị, góp phần quan trọng mang đến thành công cho phim. Bên cạnh những gương mặt kỳ cựu (nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng, nghệ sỹ ưu tú Trung Anh, nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân), những tên tuổi “hot” có sức hút lớn với khán giả trẻ (Trung Dũng, Bảo Thanh, Thu Quỳnh, Quốc Trường), êkíp làm phim “Gạo nếp, gạo tẻ,” “Về nhà đi con” đã đưa vào những gương mặt mới: Thúy Ngân (vai Hân – cô em đỏng đảnh, ích kỷ trong “Gạo nếp, gạo tẻ”) và Bảo Hân (vai Dương – cô út tinh nghịch của “Về nhà đi con”).

Dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng Thúy Ngân, Bảo Hân đã mang đến “làn gió mới” trẻ trung, tươi tắn cho màn ảnh nhỏ nhờ lối diễn xuất tự nhiên.

“Khi mời những ‘ngôi sao’ của màn ảnh phía Nam như diễn viên Ngân Quỳnh, Quốc Trường ra Hà Nội làm phim, chúng tôi muốn mở rộng thị phần khán giả phía Nam cho phim truyền hình phía Bắc. Bởi có một thực tế vẫn tồn tại lâu nay là khán giả phía Nam ít xem phim miền Bắc và ngược lại,” đạo diễn-nghệ sỹ ưu tú Đỗ Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam) chia sẻ.

Gia đình ông Luật, bà Giang và các con trong “Về nhà đi con.” (Ảnh: VFC)
Gia đình ông Luật, bà Giang và các con trong “Về nhà đi con.” (Ảnh: VFC)

Đây cũng là một bước đi trong nỗ lực xây dựng một kế hoạch “đường dài,” hướng tới việc hội nhập với thị trường khu vực của các nhà làm phim hiện nay. Ông Đỗ Thanh Hải cho rằng, để phim truyền hình Việt có thể xuất ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt thì nội dung cần có điểm nhấn riêng nhằm tạo sự khác biệt (bên cạnh việc đầu tư đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật quay, dựng, biên tập hậu kỳ).

“Trước khi ‘mang chuông đi đánh xứ người,’ phim Việt cần chinh phục được chính khán giả trong nước,” đạo diễn Đỗ Thanh Hải bày tỏ quan điểm.

“Trước khi ‘mang chuông đi đánh xứ người,’ phim Việt cần chinh phục được chính khán giả trong nước.”

Để hiện thực hóa điều đó, các nhà làm phim đã đưa nhiều khung hình, bối cảnh, chi tiết mang đậm bản sắc Việt vào chuyện phim. “Gạo nếp gạo tẻ” ghi điểm mạnh khi khéo léo lồng ghép nhiều chi tiết về ẩm thực, truyền thống văn hóa Việt: hình ảnh lễ cưới theo phong tục cổ truyền, sự thành kính trong việc chuẩn bị mâm cỗ trong ngày giỗ của người đã khuất, sự xuất hiện của những món ăn đậm chất Việt (như cà pháo, bún đậu mắm tôm..).

Dù không đan cài nhiều chi tiết về ẩm thực truyền thống như “Gạo nếp gạo tẻ” nhưng “Cả một đời ân oán,” “Về nhà đi con” vẫn được đánh giá cao ở việc đầu tư kỹ lưỡng cho bối cảnh. Nhiều khung cảnh đẹp, thơ mộng của nhiều vùng miền (Hà Nội, Quảng Ninh…) xuất hiện ấn tượng trong những thước phim.

Trong nhiều bộ phim phát sóng gần đây, bối cảnh được đầu tư kỹ lưỡng. (Ảnh: VFC)
Trong nhiều bộ phim phát sóng gần đây, bối cảnh được đầu tư kỹ lưỡng. (Ảnh: VFC)

Làm phim ‘thời 4.0’

Lý giải về nguyên nhân thành công của những bộ phim truyền hình khai thác đề tài gia đình thời gian qua, đạo diễn Phương Điền cho rằng, bên cạnh chất lượng nội dung được cải thiện đáng kể còn có một yếu tố quan trọng khác là chiến lược quảng bá của nhà sản xuất.

Song song với việc phát sóng phim, các đơn vị sản xuất tổ chức các buổi giao lưu, trò chuyện giữa đoàn làm phim với khán giả tại nhiều địa điểm (các sân khấu, trường quay, trường đại học hay thậm chí ở các khu chợ dân sinh) để phù hợp với lịch trình, thời gian, nhu cầu của nhiều đối tượng khán giả.

Bà Giang (Ngân Quỳnh) trong “Về nhà đi con” được ví là
Bà Giang (Ngân Quỳnh) trong “Về nhà đi con” được ví là “mẹ chồng quốc dân.” Việc kết hợp giữa diễn viên hai miền Bắc-Nam tạo nên “làn gió mới” cho phim truyền hình. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Bên cạnh đó, nắm bắt xu hướng hiện nay (khán giả xem phim trên các nền tảng trực tuyến), ngay sau khi phát sóng trên truyền hình, nhà sản xuất nhanh chóng đưa các tập phim lên YouTube và các ứng dụng xem phim trực tuyến. Nhờ vậy, phim thu hút được số lượng người xem lớn và tạo được sự tương tác tốt. Ví dụ, tập đầu tiên của “Gạo nếp gạo tẻ” có hơn 10 triệu lượt xem (chỉ trong khoảng một tuần sau khi đăng tải).

Từ những cuộc tranh luận của khán giả trên các fanpage, diễn đàn, nhà sản xuất hiểu hơn về tâm lý, thị hiếu của người xem để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Ngoài ra, một trong những cách thức để tạo sức hút, lôi cuốn người xem vào mạch phim là việc nhà sản xuất đưa những trích đoạn ngắn (có nội dung xoay quanh những chủ đề dễ tạo nên “làn sóng” tranh luận như chuyện ngoại tình, những hiểu lầm do khác biệt thế hệ giữa cha mẹ và các con, những màn “đối đầu” giữa mẹ chồng-nàng dâu…) lên mạng xã hội.

“Khi số lượng người dùng thiết bị di động thông minh, mạng xã hội ngày càng tăng thì sức lan tỏa của những clip, trích đoạn ‘đánh trúng’ tâm lý người xem như vậy rất lớn. Cũng từ những cuộc tranh luận của khán giả trên các fanpage, diễn đàn, chúng tôi hiểu hơn về tâm lý, thị hiếu của người xem để có những điều chỉnh cho phù hợp,” ông Đỗ Thanh Hải cho biết.

Bởi vậy, thời gian qua, nhiều bộ phim được sản xuất theo kiểu “cuốn chiếu” (vừa phát sóng vừa ghi hình, hoàn thiện những tập tiếp theo). Diễn viên Bảo Thanh (vai Anh Thư trong “Về nhà đi con”) chia sẻ, ở chặng đầu tiên, chính cô cũng không biết trước được sau này, số phận của nhân vật sẽ như thế nào, cuộc sống của nhân vật sẽ phải trải qua những biến cố gì. “Điều này không chỉ gợi trí tò mò mà còn đặt ra nhiều thử thách, yêu cầu (về mặt thể lực, khả năng duy trì cảm xúc nhân vật…) với diễn viên để tự hoàn thiện bản thân,” Bảo Thanh bày tỏ./.

Việc đan cài những chi tiết quảng bá văn hóa truyền thống là cách tạo nên sự khác biệt cho phim truyền hình Việt. (Ảnh: Đoàn làm phim)
Việc đan cài những chi tiết quảng bá văn hóa truyền thống là cách tạo nên sự khác biệt cho phim truyền hình Việt. (Ảnh: Đoàn làm phim)