Những người ngăn dịch “nhập khẩu” vào nội địa

vnapotaldi-1586454290-68.jpg

Chuyến bay “xông đất” từ Thâm Quyến (Trung Quốc) hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Vân Đồn lúc 1 giờ 45 phút ngày mồng 1 Tết.

Giữa đêm khuya, những hành khách hò reo, hô vang: “Việt Nam quê hương tôi,” “mãi yêu Việt Nam,” “Mãi mãi một tình yêu”… Rồi nhiều người đồng thanh hát bài: “Quê hương là chùm khế ngọt…”

Những ánh mắt đầy hy vọng, những nụ cười lẩn khuất bên trong chiếc khẩu trang… Trong sâu thẳm những người con xa quê ấy là cảm giác bình yên khi đáp xuống máy bay và được đứng trên mảnh đất hình chữ S.

Nhớ lại thời điểm ấy, anh Ngô Mạnh Quý – Phụ trách kiểm dịch y tế tại Sân bay Quốc tế Vân Đồn bảo rằng đó là một cảm xúc thật khó tả. Vừa ngỡ ngàng, vừa mừng nhưng cũng hơi một chút âu lo…

“Giải cứu” từ chập tối đến tờ mờ sáng

Gắn bó với công việc tại Sân bay Vân Đồn từ khi nơi đây vào hoạt động, nhưng gần ba tháng qua là quãng thời gian anh Quý và đồng nghiệp “vất vả chưa từng có” khi tham gia vào chiến dịch “giải cứu” những chuyến bay từ vùng dịch.

Thế nhưng, xen lẫn vất vả là niềm tự hào về đất nước Việt Nam, là tình tương thân tương ái, là tình cảm đồng bào… Những cảm xúc đó dường như lấn hết mọi cảm giác mệt mỏi.

Lực lượng Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế khử trùng máy bay tại Sân bay Quốc tế Vân Đồn trong đêm. (Ảnh: TTXVN)
Lực lượng Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế khử trùng máy bay tại Sân bay Quốc tế Vân Đồn trong đêm. (Ảnh: TTXVN)

“Hơn 2 tháng rồi chưa về nhà cơ đấy… Bao giờ hết dịch thì về 1 thể. Nghề nào nghiệp đấy, cố đi, gắng lên nào,” anh Quý gõ những dòng tâm sự để tự an ủi mình trên trang cá nhân.

Thật ra, Quý chưa được về nhà phần do công việc, phần cũng vì phải cách ly gia đình. “Chuyến bay nọ nối tiếp chuyến bay kia nên số ngày cách ly 14 ngày của tôi cũng cứ thế tăng lên. Công việc chúng tôi tại sân bay không cố định giờ nào, có chuyến bay lúc nào, bất kể lúc nửa đêm hay sáng sớm là phải xắn tay vào công việc. Có những ngày công việc liên tục 12 tiếng tùy vào số lượng các chuyến bay,” anh Quý trải lòng.

Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan mạnh ra toàn thế giới, những chuyến bay giải cứu, chuyến bay đưa người Việt từ khắp nơi cứ dồn dập hạ cánh… Ban đầu vài ngày mới có một chuyến, có ngày tới hai ba chuyến…

Xen lẫn vất vả là niềm tự hào về đất nước Việt Nam, là tình tương thân tương ái, là tình cảm đồng bào… Những cảm xúc đó dường như lấn hết mọi cảm giác mệt mỏi.

Trong những lần đón ấy, với anh Quý, chuyến bay vào ngày 1/2 (mồng 8 Tết) là đặc biệt nhất. Sáng hôm đó, anh bắt một chiếc xe taxi chạy vội 50km về nhà tại Hạ Long để lấy quần áo, vật tư y tế, khẩu trang.

Vào thành phố, anh tranh thủ đi in những sấp tờ khai báo y tế để cầm xuống Sân bay Vân Đồn sẵn sàng cho công việc. Bởi ngày 2/2, theo kế hoạch, sẽ có chuyến bay từ Hàn Quốc đáp xuống.

19 giờ 30 phút, đang ngồi một mình làm báo cáo, Quý nhận được thông báo của lãnh đạo chuẩn bị khẩn cấp, bởi 30 phút nữa có chuyến bay từ Trung Quốc về, đổi hướng không đáp xuống Nội Bài mà sẽ hạ cánh tại Vân Đồn.

[Video]: Anh Ngô Mạnh Qúy chia sẻ về những ngày tất bật với các chuyến bay giải cứu:

Anh Qúy chia sẻ về công việc để những chuyến bay “giải cứu” công dân từ vùng dịch về nước được an toàn.

“Khi đó, tôi ôm tập tờ khai báo y tế, bình phun khử khuẩn chạy từ chỗ nghỉ ra nhà ga cách đó 500 mét. Vừa đi vừa gọi điện thông báo cho anh em và các đơn vị phối hợp có liên quan để nắm thông tin và triển khai,” anh Quý nhớ lại.

Sau đó, các cuộc điện thoại đến và đi dồn dập liên tục, những chỉ đạo liên tiếp từ lãnh đạo, Ủy ban nhân dân huyện đảo Vân Đồn, Ban chỉ huy Quân sự tỉnh… Vất vả nữa bởi hôm ấy chỉ có 2 anh em làm công tác kiểm dịch y tế.

Quý và người đồng nghiệp Nguyễn Tiến Vương vội vàng người thì vào kho, lấy quần áo trang phục y tế phòng chống dịch cho các đơn vị khi tiếp xúc trực tiếp với hành khách, pha hoá chất để phun khử khuẩn; người bật máy đo thân nhiệt, lên chuẩn bị bàn thủ tục làm tờ khai y tế cho hành khách sau khi nhập cảnh…

Gần 21 giờ tối, công việc được chuẩn bị xong. Tối hôm đó, bác sỹ Vương phụ trách đo thân nhiệt và cả máy soi, cẩn thận hơn, họ cho hành khách được đo lại bằng nhiệt kế thuỷ ngân để đảm bảo chính xác nhiệt độ.

Lực lượng Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế khử trùng môi trường sân bay Vân Đồn. (Ảnh: TTXVN)
Lực lượng Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế khử trùng môi trường sân bay Vân Đồn. (Ảnh: TTXVN)

Công việc kiểm dịch y tế xong xuôi cũng là thời điểm rạng sáng 2/2. Tuy nhiên do là chuyến bay khẩn cấp do đổi hướng hạ cánh, nên quá trình chờ xe quân sự đến đón đoàn về khu cách ly khá lâu.

Lập tức, anh em làm công tác kiểm dịch và đội hậu cần của sân bay tranh thủ hỏi thăm hành khách xem có yêu cầu gì để giúp đỡ. Ngoài ra, họ tranh thủ tìm hiểu hành khách nhằm khai thác thêm yếu tố dịch tễ học.

Khoảng gần 3 giờ sáng, sau khi đưa toàn bộ rác vào khu vực xử lý an toàn, Quý và Vương cởi bỏ trên người bộ quần áo trắng toát phòng hộ, thu dọn những bình phun xịt khử khuẩn…

1 tiếng sau, khi hành khách cuối cùng lên xe về các khu cách ly cũng là lúc anh em kiểm dịch y tế triển khai khử khuẩn máy bay và dọn rác đi tiêu huỷ. Khoảng gần 3 giờ sáng, sau khi đưa toàn bộ rác vào khu vực xử lý anh toàn, Quý và Vương cởi bỏ trên người bộ quần áo trắng phòng hộ, thu dọn những bình phun xịt khử khuẩn… Mệt lắm, nhưng Quý bảo rằng, chính niềm tự hào về tinh thần tương thân tương ái của đất nước, là tình cảm đồng bào đã là liều thuốc giúp họ đánh tan mệt mỏi.

Cũng theo lời anh, chuyến bay giải cứu đầu tiên từ vùng tâm dịch xong xuôi cũng là chuyến bay khởi đầu cho các quy trình triển khai giải cứu và thiết lập phương án luồng tuyến mới đầu tiên của cả nước, với quy trình riêng chắc chỉ có Sân bay Vân Đồn: Tiến hành các thủ tục làm thủ tục cho khách ở ngoài khu vực cảng hàng không.

Công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch được khử trùng và hướng dẫn khai báo y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch được khử trùng và hướng dẫn khai báo y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Giảm thiểu rủi ro bằng 0

Sau chuyến bay “giải cứu” đầu tiên, ngay sáng hôm sau, các lãnh đạo của Cảng hàng không sân bay Vân Đồn đã tổ chức một cuộc họp để rút kinh nghiệm.

Ông Phạm Ngọc Sáu – Giám đốc Cảng hàng không Sân bay Vân Đồn cho hay, đây không phải lần đầu tiên mình tham gia vào một chiến dịch liên quan đến bệnh truyền nhiễm. Trước đây, khi làm việc tại Cảng vụ Hàng không miền Nam, ông Sáu đã từng kinh qua như dịch cúm A/H1N1, dịch MERS-CoV và cả đại dịch Ebola.

“Khi nhận nhiệm vụ đón chuyến bay đầu tiên từ Vũ Hán về nước, tôi không quá ngỡ ngàng. Nhưng công việc và trách nhiệm lần này đối với tôi và toàn thể nhân sự của Sân bay quốc tế Vân Đồn là áp lực rất lớn bởi chưa từng có một quy trình hàng không nào để đón chuyến bay về từ vùng dịch COVID-19,” ông Sáu cho hay.

Phun khử trùng hành lý của toàn bộ hành khách. (Ảnh: TTXVN)
Phun khử trùng hành lý của toàn bộ hành khách. (Ảnh: TTXVN)

Tại cuộc họp, các bên cùng rút kinh nghiệm và thống nhất phương án phòng dịch, luồng tuyến khai thác, quy trình phối hợp… một cách chính xác với tất cả các đơn vị hoạt động tại sân bay cùng cơ quan chức năng của Vân Đồn và tỉnh Quảng Ninh, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Ông Sáu cho hay, điều có lẽ mà ít sân bay nào làm được như Vân Đồn là mọi quy trình đón khách từ trong nhà ra được đưa ra khu vực ngoài trời, không tiến hành ở khu vực nhà ga của cảng hàng không nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Sau khi khách được làm các thủ tục xong sẽ được đưa thẳng về khu cách ly.

Theo ông Đào Văn Vũ – Phó Chủ tịch huyện đảo Vân Đồn, từ ngày 1/2 đến nay đã có 29 chuyến bay chở công dân Việt Nam về nước đáp xuống sân bay quốc tế Vân Đồn với khoảng hơn 4.400 hành khách. Tất cả những hành khách này đều được đi cách ly. Đến nay, Vân Đồn chưa ghi nhận trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Phun khử trùng trên ôtô khi đón khách từ vùng dịch về vào làm, thủ tục nhập cảnh. (Ảnh: TTXVN)
Phun khử trùng trên ôtô khi đón khách từ vùng dịch về vào làm, thủ tục nhập cảnh. (Ảnh: TTXVN)

Những người ở lại sau cùng

Theo phân loại của Bộ Y tế, cán bộ, nhân viên làm việc ở khu vực cửa khẩu là một trong những nhóm phân loại có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19.

“Từ khi triển khai đón các chuyến bay từ vùng dịch về đến nay, kiểm dịch y tế chúng tôi không lẻ loi khi được sự hỗ trợ của mọi người và đã chứng minh hiệu quả an toàn từ khâu tiếp nhận máy bay, khách, khai báo y tế và khử trùng hành lý…” anh Quý tâm sự.

29 chuyến bay chở công dân Việt Nam về nước đáp xuống sân bay quốc tế Vân Đồn với khoảng hơn 4.400 hành khách.

Trong quy trình đón tiếp, khi những hành khách bắt đầu xuống máy bay, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế phối hợp với các bên liên quan thực hiện kiểm dịch y tế, kiểm tra sàng lọc để phát hiện các trường hợp nghi ngờ qua máy đo thân nhiệt từ xa, tiêu độc, khử trùng hành lý của hành khách.

Với trường hợp phát hiện hành khách có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế thực hiện ngay việc cách ly, bàn giao để Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn bố trí xe cứu thương về Trung tâm và triển khai thu dung, cách ly y tế theo quy định.

Còn lại, đa phần hành khách được dẫn tới khu vực cách ly của sân bay làm thủ tục nhập cảnh, sau đó bàn giao hành khách cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bố trí phương tiện chuyên dụng đưa về khu cách ly.

Anh Qúy khử khuẩn khoang máy bay sau khi hành khách đã xuống. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Anh Qúy khử khuẩn khoang máy bay sau khi hành khách đã xuống. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Mỗi lần đón các chuyến bay là công dân Việt Nam từ các nước vùng dịch với tôi là nhiệm vụ cao cả, dù sau đó chúng tôi cứ trêu đùa nhau mình là F1 thời gian cứ cách ly nối dài, nối dài nhau thêm… khoảng thời gian xa nhà dài hơn nhưng khoảng cách đưa những người con đất Việt về an toàn lại gần hơn,” anh Quý tâm sự.

Rồi Quý bảo, có tất cả là ba anh em thực hiện công việc kiểm dịch y tế. Việc thì nhiều mà thời gian thì ít, phải mua mỳ tôm ăn tạm. Thậm chí có những hôm nhịn từ sáng tới chiều vì 3 chuyến bay hạ cánh trong khoảng thời gian từ sáng tới chiều. Khi ấy, họ chỉ hút hộp sữa cho qua bữa.

Ngay khi máy bay đáp vào đường băng, các cán bộ cửa khẩu và nhân viên kiểm dịch làm việc liên tục với cường độ cao. Tại khu kiểm dịch, các cán bộ y tế phải thay phiên nhau túc trực 24/24. Họ là những người đầu tiên tiếp cận các chuyến bay với việc gặp gỡ các hành khách, phun khử trùng toàn bộ hành lý tới những công việc cuối cùng là khử khuẩn tàu bay, thu dọn rác về nơi tiêu huỷ…

“Mỗi lần đón các chuyến bay là công dân Việt Nam từ các nước vùng dịch với tôi là nhiệm vụ cao cả, dù sau đó chúng tôi cứ trêu đùa nhau mình là F1 thời gian cứ cách ly nối dài, nối dài nhau thêm…”

“Mọi khâu kiểm dịch y tế được thắt chặt, chặn nguồn lây nhiễm ra cộng đồng và chúng tôi đã triển khai an toàn trong suốt hơn 2 tháng qua,” anh Quý trải lòng.

Cuộc chiến chống dịch chưa biết khi nào mới dừng lại. Sự vất vả, hy sinh của những “chiến sỹ” kiểm dịch y tế cho các chuyến bay là những đêm dài trằn trọc, là những áp lực vô cùng lớn, là nguy cơ lây nhiễm cao…

Nhưng họ không lùi bước, bởi họ tâm niệm phải góp phần cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh. Đây cũng là mệnh lệnh, là hành động của những người làm công tác kiểm dịch y tế trên cả nước đang ngày đêm chặn nguồn lây “nhập khẩu” vào nội địa./.

Lực lượng Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế khử trùng các phương tiện vận chuyển khách tại sân bay Vân Đồn. (Ảnh: TTXVN)
Lực lượng Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế khử trùng các phương tiện vận chuyển khách tại sân bay Vân Đồn. (Ảnh: TTXVN)