Bác Hồ với Hà Nội

bacho-1476025928-62.jpg

Mùa thu lịch sử năm 1945, Hà Nội lần đầu tiên đón Bác Hồ về đọc Tuyên ngôn độc lập sau ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Mùa thu lịch sử năm 1954, Hà Nội đón Bác Hồ về Thủ đô sau ngày giải phóng.

Đêm 18 rạng ngày 19-9-1954, sau khi đi thăm, thắp hương tưởng niệm các vua Hùng trên núi Hy Cương (núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, Phong Châu, Phú Thọ), Bác nói chuyện với cán bộ Đại đoàn 308 đang chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô, Bác căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”…

Để chuẩn bị công tác bảo vệ đón Bác và các đồng chí lãnh đạo cấp cao, cùng các cơ quan Trung ương, Chính phủ về Thủ đô, ngày 6-9-1954, Trung ương giao cho đồng chí Lê Thanh Nghị, lúc đó là ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng, lập tổ tiền trạm gồm các đồng chí: Tạ Quang Chiến công tác ở Văn phòng Phủ Thủ tướng; Nông Đức Chiến – Bộ Tổng tham mưu quân đội; Phan Văn Xoàn và Quách Quý Hợi – Cục Cảnh vệ, Bộ Công an; Tạ Đình Hiểu – đơn vị 600. Tổ “tiền trạm” về liên hệ với tỉnh ủy, UBND các tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nội chuẩn bị mọi cơ sở và công tác bảo đảm an ninh để đón Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trở về. Tổ do đồng chí Tạ Quang Chiến là tổ trưởng đã về Hà Nội từ đầu tháng 10-1954 cùng các cơ sở và lực lượng trong nội thành làm công tác chuẩn bị. Ngày 8-10-1954, Tiểu đoàn Bình Ca của trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong 308 vào Hà Nội trước 2 ngày với nhiệm vụ bảo vệ và làm hậu thuẫn cho các cơ sở cách mạng…

Sau đó, tổ công tác đặc biệt được lệnh quay trở lại Việt Bắc đón Bác. Tại thôn Vai Cầy, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Bác đã triệu tập cán bộ chiến sĩ bảo vệ và phục vụ lại nói chuyện và căn dặn trước khi về Thủ đô: “Bác cháu ta đã từng quen chịu gian khổ, nay về Hà Nội bị địch chiếm lâu năm còn đầy những cảnh sống xa hoa nên dễ nảy sinh tư tưởng thèm muốn hưởng thụ. Vì vậy, các chú, các cô phải cảnh giác để không bị sa ngã trước những “viên đạn bọc đường”…

Ngày 19/9/1954, tại sân Đền Giếng, trong khu Di tích Hùng, tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi đơn vị tiến về giải phóng Thủ Đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. (Ảnh: Đinh Đăng Định/TTXVN)
Ngày 19/9/1954, tại sân Đền Giếng, trong khu Di tích Hùng, tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi đơn vị tiến về giải phóng Thủ Đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. (Ảnh: Đinh Đăng Định/TTXVN)

Ngày 9-10-1954, tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, báo Nhân Dân đăng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày Thủ đô giải phóng: ”Từ nay, Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của thủ đô ta. Chính phủ và nhân dân phải cùng nhau ra sức giữ gìn trật tự an ninh. Chúng ta phải cùng nhau gây nên một phong trào cần, kiệm, liêm, chính và mỹ tục, thuần phong… Chúng ta cần phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của thủ đô ta. Chính phủ và các vị cha mẹ học trò phải cùng cố gắng để cho con cháu ta được tiếp tục học hành. Các nhà văn hóa, giáo dục phải hăng hái phục vụ nhân dân. Chúng ta phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hóa. Về chính trị, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do dân chủ”.

“Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta.” (Hồ Chủ tịch)

Sáng ngày 10-10-1954, các đơn vị tiến vào tiếp quản Thủ đô, dẫn đầu là trung đoàn Thủ đô, giương cao cờ quyết chiến quyết thắng từ năm cửa ô tiến vào phố phường Hà Nội, âm vang khúc quân hành, hòa trong cờ hoa khẩu hiệu rợp trời. Đến 15 giờ cùng ngày, việc tiếp quản thành phố đã hoàn thành, 15 vạn nhân dân Hà Nội đã cùng dự buổi lễ mừng chiến thắng.

Báo Nhân Dân ngày này đăng bài “Giữ gìn trật tự, an ninh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính phủ ta đã về Thủ đô. Hiện nay, việc quan trọng nhất của Thủ đô là giữ vững trật tự an ninh. Có giữ vững trật tự an ninh thì nhân dân Thủ đô mới an cư lạc nghiệp. Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Trong không khí sôi động và hồ hởi khi mọi người cùng bắt tay xây dựng cuộc sống mới của Hà Nội, ngày 13-10, Báo Nhân Dân số 238 đăng lại bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhan đề: ổn định sinh hoạt, Người đã biểu dương thành tích khôi phục các mặt hoạt động của Thủ đô Hà Nội những năm đầu giải phóng và yêu cầu mỗi người dân Hà Nội cần cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình góp phần ổn định sinh hoạt Thủ đô: “Sau 80 năm bị nô lệ, nay ta làm chủ nhân, chắc mọi việc sẽ gặp khó khăn nhiều hoặc ít, chúng ta không nên chủ quan mà coi việc gì cũng sẽ dễ dàng. Nhưng chính quyền và nhân dân ta đoàn kết chặt chẽ, quyết tâm cố gắng thì chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn, nhất định ổn định được sinh hoạt của thủ đô yêu quý của chúng ta”.

Bác Hồ với các cháu học sinh trường Trưng Vương, Hà Nội, vào năm 1956 (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ với các cháu học sinh trường Trưng Vương, Hà Nội, vào năm 1956 (Ảnh tư liệu)

Đêm 14 rạng ngày 15-10-1954, Bác Hồ về Hà Nội. Bác ở và làm việc tại một ngôi nhà trong nhà thương Đồn Thủy (khu vực Viện Quân y 108 bây giờ).

Ngày 16-10-1954, tại Bắc Bộ Phủ, Người có buổi tiếp chuyện thân mật với các đại biểu nhân dân thủ đô. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1946, các cụ, các mẹ, anh chị em và các cháu thiếu nhi Hà Nội lại được gặp trực tiếp Bác Hồ, được nghe lại tiếng nói ấm áp của Người, nên ai cũng xúc động.

Mở đầu cuộc gặp gỡ, Người nói” “Sau tám năm bận việc kháng chiến, hôm nay tôi rất vui mừng lại gặp bà con thủ đô. Đồng bào Hà Nội chuẩn bị đón tôi thật tưng bừng, tấm thịnh tình đó tôi rất cảm động. Nhưng tôi không muốn đồng bào bỏ nhiều vải vóc giấy màu vào việc viết khẩu hiệu, làm cờ. Tôi không rõ việc đó sẽ gây tốn kém bao nhiêu là tiền bạc. Lãng phí hơn nữa là mấy chục vạn người sẽ mất cả một ngày vì tôi. Thời gian xa cách đâu phải ngắn, ta cũng nên gặp mặt nhau nhưng còn rất nhiều dịp. Việc quan trọng nhất trước mắt chúng ta là sản xuất, khôi phục, khôi phục, sản xuất. Nếu mọi người thật sự hoan nghênh Đảng và Chính phủ trở về thì hãy đem cái tinh thần quý báu đó vào các công việc trên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quàng khăn đỏ cho đại biểu thiếu nhi Thủ đô đến chúc mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (1960) (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Chủ tịch Hồ Chí Minh quàng khăn đỏ cho đại biểu thiếu nhi Thủ đô đến chúc mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (1960) (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Cuối buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ các đại biểu chuyển lời thăm hỏi của Người tới toàn thể đồng bào, chiến sĩ Hà Nội và tin tưởng: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta.”

Bác ở và làm việc trong khu nhà Đồn Thủy cho đến tháng 12-1954, Trung ương mời Người về khu Phủ Chủ tịch ở và làm việc để tiện cho Bác chủ trì các cuộc họp Chính phủ, tiếp khách… Ngôi nhà Phủ toàn quyền cũ đã được tu sửa lại, khi đến xem, Bác khen to và đẹp nhưng Người quyết định không ở và nói với đồng chí Nguyễn Lương Bằng cho tu sửa lại căn nhà gần bờ ao cách đó chừng 300 m để Người ở và làm việc. Căn nhà này là nơi ở và là kho vật liệu của Người thợ điện làm việc cho chế độ cũ, lúc đó bỏ không. Bác nói, một mình Bác ở như vậy là vừa, mà cũng gần Phủ Chủ tịch, nên đi bộ sang hội họp, tiếp khách… đều tiện.

Ngôi nhà sàn mà Bác ở cho đến lúc Người đi xa là do kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh thiết kế, được hoàn thành vào dịp kỷ niệm lần thứ 68 ngày sinh của Người (năm 1958). Đó là một ngôi nhà sàn giản dị, tiện ích, kết hợp được vốn dân tộc cổ truyền. Ngôi nhà toát lên sự giản dị, tư tưởng gần dân cũng như chính con người của Bác./.

Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch, Hà Nội, vào năm 1998. (Ảnh: Đình Na - TTXVN)
Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch, Hà Nội, vào năm 1998. (Ảnh: Đình Na – TTXVN)