Đại dịch COVID-19

ttxvn0704ki-1586247076-5.jpg

Nước Mỹ đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và nghiêm trọng khi tổng số ca tử vong do đại dịch này đã vượt ngưỡng 10.000 người, số người nhiễm là hơn 366.000 người và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng đã tác động tiêu cực đến tất cả các mặt đời sống xã hội của nước Mỹ, đặc biệt là tới nền kinh tế số một thế giới này.

Diễn biến nghiêm trọng, số ca tử vong vượt ngưỡng 10.000

Tính đến đêm 7/4 (theo giờ Mỹ), số liệu thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins cho thấy Mỹ đã ghi nhận gần 2.000 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua.

Dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng đã tác động tiêu cực đến tất cả các mặt đời sống xã hội của nước Mỹ, đặc biệt là tới nền kinh tế số một thế giới này.

Cũng theo Johns Hopkins, tính đến 00h theo GMT (tức 7 giờ theo giờ Việt Nam), ở Mỹ đã xác nhận có 396.223 ca mắc COVID-19.

Đại học Johns Hopkins cho biết chỉ trong 1 tuần qua, số ca tử vong ở Mỹ đã tăng bình quân từ 500 ca lên hơn 1.000 ca/ngày.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tới trung tâm cấp cứu Ronald O. Perelman ở New York, Mỹ, ngày 3/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tới trung tâm cấp cứu Ronald O. Perelman ở New York, Mỹ, ngày 3/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hiện nay, Mỹ có số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới và là một trong những quốc gia ghi nhận nhiều bệnh nhân tử vong nhất, cùng với Tây Ban Nha (13.341 ca) và Italy (16.523 ca).

Tình trạng này dự kiến sẽ còn trở nên tồi tệ hơn khi Nhà Trắng dự báo, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Mỹ có thể lên tới khoảng từ 100.000 đến 240.000 người.

Trong khi đó, một nhân viên điều tra Mỹ xác nhận, 1 trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi đã tử vong do virus SARS-CoV-2 tại Giáo xứ East Baton Rouge, bang Louisiana.

Trước đó, một số bang của Mỹ cũng đã xác nhận các ca tử vong là trẻ sơ sinh khác do virus SARS-CoV-2, trong đó có bang Connecticut ghi nhận trường hợp tử vong của 1 trẻ 6 tuần tuổi và bang Illinois cũng có một ca tử vong là trẻ sơ sinh vào cuối tháng 3.

Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 5/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 5/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bang Louisiana hiện cũng phải đối mặt với số ca nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 ngày càng tăng. Bộ Y tế tiểu bang này ngày 6/4 đã xác nhận 13.010 ca mắc COVID-19, trong đó có 477 trường hợp tử vong.

Tại bang New York, bang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do đại dịch COVID-19 tại Mỹ, tổng số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 tính đến ngày 6/4 là 4.758 người, tổng số bệnh nhân là 130.689 người, trong đó riêng thành phố New York đã có 72.181 trường hợp mắc COVID-19 với 2.475 ca tử vong.

Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới trong một cuộc họp báo trực tuyến, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết, số người tử vong ở New York trong 24 giờ qua là 599 người, chỉ tăng 5 ca so với ngày trước đó, và đây là ngày thứ hai số ca tử vong ở tiểu bang này không tăng.

Theo Thống đốc Cuomo, mặc dù số người nhập viện vẫn tăng, song tỷ lệ gia tăng bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện trong 3 ngày qua đã có dấu hiệu giảm xuống. Một tín hiệu tích cực nữa là New York hiện nay đã dự trữ đủ máy thở và trước mắt chưa cần bổ sung thêm.

Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 3/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 3/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, Thống đốc Cuomo cũng cảnh báo, tiểu bang vẫn đang ở trong tình trạng khẩn cấp, và chưa thể dự báo chính xác về thời gian của đỉnh dịch, đồng thời kêu gọi người dân New York tuân thủ quy định giãn cách xã hội dù thời tiết ấm lên khiến nhiều người muốn được ra đường.

Thống đốc bang New York Cuomo cũng đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa “ổ dịch COVID-19” ở Mỹ này tới gần hết tháng 4. Ủy viên Mark Levine thuộc Hội đồng Thành phố New York cho biết, chính quyền địa phương đang cân nhắc có thể phải tạm chôn cất các bệnh nhân tử vong tại một trong những công viên của thành phố nếu các nhà xác quá tải.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo “tuần cam go nhất” của nước Mỹ sắp đến và dự báo sẽ có nhiều ca tử vong do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19.

Trước đó, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Mỹ ngày 5/4, số ca mắc bệnh tại bang Pennsylvania, Colorado, thủ đô Washington DC và một số thành phố lớn như Detroit và New Orleans đã cho thấy dấu hiệu bùng phát gia tăng.

Cùng ngày, tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, tiến sỹ Deborah Birx, điều phối viên đội đặc nhiệm chống virus SARS-CoV-2 của Nhà Trắng, cho biết các quan chức chính phủ đang theo dõi chặt chẽ sự gia tăng số ca mắc bệnh tại bang Pennsylvania, Colorado và thủ đô Washington.

Đây là những nơi mà các chuyên gia hy vọng biện pháp giãn cách xã hội sẽ giúp ngăn chặn tình trạng dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng. Quan chức Nhà Trắng cũng nhấn mạnh hai tuần tiếp theo sẽ “cực kỳ quan trọng” bởi đây là thời điểm làm mọi thứ có thể nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân.

Khẩu trang, găng tay và nước sát khuẩn được bày bán trên đường phố tại New York, Mỹ ngày 3/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)
Khẩu trang, găng tay và nước sát khuẩn được bày bán trên đường phố tại New York, Mỹ ngày 3/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cũng tại cuộc họp báo trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo “tuần cam go nhất” của nước Mỹ sắp đến và dự báo sẽ có nhiều ca tử vong do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19.

Tác động nặng nề tới kinh tế-xã hội

Ngày 6/4, Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon nhận định Mỹ đang tiến vào “cuộc suy thoái tồi tệ” gần như năm 2008 trong bối cảnh dịch COVID-19 sẽ khiến ngân hàng này bị thiệt hại tín dụng hàng tỷ USD.

Trong thư gửi cho các cổ đông của ngân hàng JPMorgan Chase, ông Dimon cảnh báo rằng hệ thống tài chính của Mỹ sẽ phải đối mặt với mức độ căng thẳng giống như cuộc khủng hoảng năm 2007-2008 khiến nền kinh tế toàn cầu bị “trật bánh.”

Ông Dimon cho biết dự trữ vốn cũng như doanh thu khổng lồ năm 2019 của ngân hàng JPMorgan Chase là 48 tỷ USD trước thuế sẽ giúp ngân hàng lớn nhất quốc gia này vượt qua được cuộc khủng hoảng và giúp các khách hàng chưa phải thanh toán các khoản thế chấp và các khoản vay nợ trong thời gian dịch bệnh COVID-19 hoành hành.

Người dân xếp hàng bên ngoài siêu thị tại Arlington, Virginia, Mỹ ngày 4/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân xếp hàng bên ngoài siêu thị tại Arlington, Virginia, Mỹ ngày 4/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, theo ông Dimon, suy thoái kinh tế do dịch COVID-19 gây ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của ngân hàng trong năm 2020.

Ông Dimon khẳng định, mặc dù không biết chính xác tương lai sẽ ra sao, nhưng ở mức tối thiểu, thì đó sẽ bao gồm cuộc suy thoái tồi tệ kết hợp với một số căng thẳng tài chính tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và ngân hàng này cũng không thể không bị tác động bởi những yếu tố này.

Bộ Lao động Mỹ cho biết tháng 3/2020 là tháng thị trường việc làm ghi nhận số người lao động mất việc cao nhất kể từ tháng 3/2009 – thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ở giai đoạn trầm trọng nhất. 

Cảnh báo của ông Dimon được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng gây tổn hại sâu rộng đối với nền kinh tế khi hàng triệu người Mỹ phải nghỉ việc trong khi các doanh nghiệp phải đóng cửa.

Theo báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ, số việc làm ở Mỹ đã “bốc hơi” mạnh nhất trong một thập kỷ qua khi khoảng 701.000 người Mỹ mất việc làm trong tháng 3 vừa qua sau khi nhiều nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, hàng không….phải ngừng hoạt động do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và đã có hơn 10 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong hai tuần cuối cùng của tháng 3, con số kỷ lục về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Bộ Lao động Mỹ cho biết tháng 3 vừa qua là tháng thị trường việc làm ghi nhận số người lao động mất việc cao nhất kể từ tháng 3/2009 – thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ở giai đoạn trầm trọng nhất. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng này cũng tăng ở mức cao nhất (4,4%) tính theo tháng trong hơn 45 năm qua.

Ngày 6/4, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể đã ở mức 12 hoặc 13%, cao hơn mức cao nhất trong cuộc Đại suy thoái.

Trong một cuộc phỏng vấn của hãng CNBC, bà Yellen cho rằng nếu có một thống kê thất nghiệp kịp thời, tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ lên tới 12% hoặc 13% vào thời điểm này và tiếp tục tăng lên cao hơn.

Bà Yellen cũng đặt ra nghi ngờ về việc liệu sự phục hồi kinh tế có nhanh như nhiều người hy vọng hay không, với sự sụt giảm nhanh chóng như hiện tại. Chuyên gia này nhận định sự phục hồi là có thể, song cho rằng kết quả sẽ tồi tệ hơn và nó thực sự phụ thuộc vào mức độ thiệt hại trong thời gian nền kinh tế ngừng hoạt động.

Một khu vui chơi ở New York, Mỹ đóng cửa do dịch COVID-19 ngày 2/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một khu vui chơi ở New York, Mỹ đóng cửa do dịch COVID-19 ngày 2/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các dịch vụ lưu trú và vui chơi, giải trí là những lĩnh vực đầu tiên chịu tác động của các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, với 459.000 việc làm bị “bốc hơi.” Các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và kinh doanh cũng hứng chịu tổn thất lớn. Bộ Lao động Mỹ dự đoán tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 15% vào cuối tháng 5.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong quý 2/2020 sẽ vượt 10%, cao hơn đáng kể so với dự báo hiện tại của cơ quan này là 3,5%. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng nền kinh tế Mỹ bị tàn phá ở mức độ của một cuộc đại suy thoái.

Bà Yellen cũng dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm ít nhất 30% trong quý 2/2020, nếu không còn tồi tệ hơn nữa.

Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 3/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 3/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng Credit Suisse cũng đưa ra dự báo về mức giảm GDP kỷ lục của Mỹ trong quý 2/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo dự báo của Credit Suisse, GDP của Mỹ trong quý 2/2020 sẽ giảm 33,5%, đây là mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1945 và cho thấy tác động rõ ràng của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Mỹ.

Trước đó, mức giảm GDP hàng quý tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là 8,4% và 10% trong quý đầu tiên của cuộc khủng hoảng Eisenhower năm 1958.

Dự báo của Credit Suisse cũng cho biết, mặc dù Chính phủ Mỹ cũng như các nhà lập pháp đã nhanh chóng đưa ra 3 dự luật hỗ trợ kinh tế – gồm dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các cơ quan y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, dự luật thứ hai trị giá 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng và dự luật thứ 3 trị giá 2,2 nghìn tỷ USD là dự luật lớn nhất trong lịch sử của Mỹ cũng đã được thông qua nhằm hỗ trợ trực tiếp người dân Mỹ – nhưng các doanh nghiệp nhỏ và các ngành công nghiệp đang phải vật lộn với tình trạng gián đoạn kinh tế do dịch COVID-19 gây ra, song GDP của Mỹ trong cả năm 2020 sẽ giảm 5,3%, cao hơn mức sụt giảm 2,8% trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo dự báo của Credit Suisse, GDP của Mỹ trong quý 2/2020 sẽ giảm 33,5%, đây là mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1945 và cho thấy tác động rõ ràng của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Mỹ.

Cùng với dự báo ảm đạm về mức sụt giảm GDP của ngân hàng Credit Suisse, một loạt ngân hàng và chuyên gia kinh tế khác cũng dự báo Mỹ sẽ rơi vào khủng hoảng hoặc đã ở trong tình trạng suy thoái do dịch COVID-19 khi các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng đang bị hạn chế.

Các suất ăn miễn phí hỗ trợ người nghèo trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại trung tâm phân phối thực phẩm ở New York, Mỹ ngày 3/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các suất ăn miễn phí hỗ trợ người nghèo trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại trung tâm phân phối thực phẩm ở New York, Mỹ ngày 3/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)