Họ hy sinh cho nước bạn hồi sinh

untitled2-1546396738-2.jpg

Lời tòa soạn

Và khi dân tộc Khmer đứng trước thảm họa diệt vong, kêu gọi sự giúp đỡ, chúng ta đã không thể làm ngơ, khi cùng Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia đánh đổ bè lũ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary, một trong những chế độ bạo tàn nhất trong lịch sử loài người. Chiến thắng 40 năm về trước, ngày 7/1/1979, không chỉ làm hồi sinh đất nước Chùa Tháp, mà còn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế.

“Nhân dân Campuchia có niềm tin chỉ có tiên có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam đã đến. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật” – Chia sẻ của Thủ tướng Hun Sen khi ông đến Đồng Nai ngày 2/1/2012 dự lễ khánh thành di tích lịch sử Đoàn 125, tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia.

Điều đáng nói là cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn và ác liệt ấy diễn ra trong bối cảnh chúng ta vẫn còn chưa kịp khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, bị các thế lực thù địch nước ngoài bao vây cấm vận. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống, hay để lại một phần thân thể trên đất bạn.

Tổ quốc chưa bao giờ quên ơn họ. Nhân dân Campuchia gọi họ là “đội quân Nhà Phật.” Tòa án quốc tế đã ra phán quyết gọi những kẻ cầm đầu tập đoàn phản động Pol Pot đã phạm tội ác diệt chủng. Đất nước Campuchia đã hồi sinh mạnh mẽ, bỏ lại sau lưng trang sử u tối nhất. Ngày 7/1 được coi là Ngày Hồi sinh của dân tộc Khmer.

Sau 40 năm, lịch sử đã được trả về với đúng vị trí của nó. Nhưng, thế giới dường như vẫn còn nợ Việt Nam một lời xin lỗi.

Tổ chức sản xuất: Nguyễn Hoàng Nhật, Trần Ngọc Long, Lê Tiên Long, Nguyễn Hùng

Thực hiện: Trần Chí Hùng, Trần Sơn Bách, Phạm Mỹ, Lê Minh Sơn, Phan Minh Hưng, Danh Chanh Đa, Nguyễn Việt Đức, Tô Sơn Tùng

Thiết kế: Thanh Trà

Video: Nguyễn Trường

Sản phẩm được thực hiện với sự giúp đỡ của Ban Biên tập Ảnh, Cơ quan Thường trú Campuchia, Cơ quan Thường trú An Giang (Thông tấn xã Việt Nam).

‘Máu vẫn chưa ngưng loang trong lòng người Ba Chúc’

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tây Nam thiêng liêng của Tổ Quốc, Ba Chúc đã trở thành một biểu tượng vĩnh cửu của nỗi đau và cũng là minh chứng bất diệt cho tội ác diệt chủng vào bậc ghê rợn nhất trong cả lịch sử loài người. Tháng 4/1978, sau hơn 8 tháng liên tục nã đạn vào ngôi làng nhỏ thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, quân Pol Pot đã tràn tới. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, chúng đã sát hại hơn 3.000 thường dân, gây rúng động toàn bộ thế giới lúc bấy giờ.

40 năm sau, những ký ức kinh hoàng của ngày ấy vẫn còn hiển hiện rõ trong lòng thị trấn mới. Người Ba Chúc bảo: Chưa lúc nào và sẽ chẳng bao giờ, máu có thể ngừng loang trong lòng của họ được.

Tri Tôn, An Giang chiều cuối năm.

Thị trấn Ba Chúc bữa nay ngào ngạt mùi hương trầm. Không ai bảo ai, cứ tới những giờ khắc cuối cùng của năm cũ, người dân của thị trấn biên viễn An Giang lại đồng loạt thắp nhang cho hơn 3.000 nạn nhân đã vĩnh viễn nằm lại sau vụ thảm sát tròn 40 năm về trước.

Lịch sử về sau đã ghi lại những dòng chữ rướm máu về Ba Chúc: “Từ ngày 30/ 4 năm 1977, quân Khmer Đỏ bắt đầu đồng loạt nổ súng tấn công biên giới Tây Nam – Việt Nam. Ngày 18 tháng 4 năm 1978, quân Khmer Đỏ tràn vào Ba Chúc, thẳng tay chém giết những dân thường vô tội. Nhiều người chạy tới chùa Phi Lai và Tam Bửu và chạy lên núi Tượng nhằm ẩn náu, song cũng bị quân Khmer Đỏ tàn sát dã man. Trong suốt 12 ngày chiếm đóng, chúng đã giết chết 3.157 thường dân, chỉ có 3 người sống sót sau vụ tàn sát ấy.”

Ngồi lặng lẽ bên hông chùa Phi Lai, ông Trần Ân, một nhân chứng sống của 12 ngày đêm địa ngục ấy khe khẽ thở dài. Ông bảo: Năm nào cũng có người tới hỏi về vụ thảm sát ngày xưa đến mấy chục lần.

“Mỗi lần kể lại đau lòng lắm chú ơi. Cả đời tôi chắc không bao giờ quên được,” ông Tư Ân đăm đắm nhìn ngôi nhà mồ ngay sát cạnh rồi thở hắt ra.

Ngày ấy, Tư Ân vừa tròn 20 tuổi.

Không khí chiến tranh mỗi lúc một lan rộng khắp vùng biên của tỉnh An Giang. Quân Pol Pot trong nhiều tháng liên tục nã đạn vào các làng mạc, ruộng đồng. Những tin tức về cuộc xâm lấn của “giặc Miên” [theo cách gọi của người dân địa phương – PV] vào sâu trong nội địa cuồn cuộn như lửa cháy lan về. Cho đến tháng 4/ 1978, chúng thậm chí còn cho quân vượt biên cải trang thành dân thường, bí mật trà trộn sang huyện Tri Tôn giết những người đi làm đồng.

(Nguồn: Vietnam+)

Giống như một số ít người, gia đình Tư Ân lục tục dắt díu nhau chạy ngược ra thị trấn Tri Tôn để chạy giặc. Nhưng, hơn 3.000 người khác vẫn bám đất, bám núi ở lại quê hương. Và chỉ một vài ngày sau cuộc di tản ấy, thảm kịch chính thức bắt đầu.

Sau khi nã pháo, quân Pol Pot chia làm hai hướng đánh sâu vào Ba Chúc: Một cánh quân chiếm xã An Lập phía đông Ba Chúc, một cánh đánh chiếm ấp An Bình dưới chân núi dài. Quân Miên bao vây cả làng, chặn đứng mọi ngả đường. Chúng tràn vào từng nhà dân đốt phá, cướp sạch tiền vàng, giết hại trâu bò. Dã man hơn, lính Pol Pot còn lùng bắt người dân, dồn họ ra những cánh đồng lớn để bắt đầu hành quyết.

Chúng dồn bà con thành những nhóm lớn trên cánh đồng hoặc bương nước rồi dùng gậy gộc, búa, vồ, lưỡi lê đâm, đập cho vỡ sọ. Phụ nữ thì bị hãm hiếp rồi mới giết. Có dòng họ bị biến mất hoàn toàn sau hơn 10 ngày giặc Miên ở Ba Chúc,” ông Hai Phê, một trong những thủ nhang Phi Lai Tự kể, mắt đã đỏ ngầu.

Nói đoạn, ông Hai dẫn chúng tôi vào khu vực hậu điện của chùa. Tại đây, vào ngày 20/4/1978, hàng trăm đồng bào Ba Chúc trong nỗi sợ hãi tột cùng đã chạy tới nương nhờ cửa Phật.

Khoảng 3 giờ chiều ngày 18/4/1978, Pol Pot bao vây kín quanh chùa. Bất chấp chốn thiền môn, chúng châm lửa đốt chùa, xả súng vào hậu điện. Người ngã như ngả rạ, xác chất chồng lên nhau. Cuộc bắn phá điên cuồng vào chùa Phi Lai, chỉ trong chớp mắt, đã cướp đi sinh mạng 80 người dân vô tội.

Hơn 100 người khác do hoảng sợ giơ tay đầu hàng đi ra cũng bị xử tử tại chỗ theo nhiều cách. Đàn bà thì chúng hãm hiếp rồi dùng gậy xiên từ cửa mình lên cho tới chết. Đàn ông bị đập vỡ sọ bằng gậy gỗ mun. Trẻ em bị đâm bằng những cây tầm vông nhọn hoắt. Người nào chống đối, chúng nã đạn chết tại chỗ.

40 người khác trốn dưới căn hầm dưới bàn thờ Phật kiên quyết không ra theo lời chiêu hàng cũng bị ném lựu đạn cho tới chết.

Hơn 40 năm sau, những ngấn máu từ vụ thảm sát Phi Lai Tự ngày ấy vẫn còn hằn in không sao xóa nổi, loang lổ ngay dưới chân án hương đang nghi ngút khói.

Chém, giết, hiếp và cướp bóc cũng là cảnh diễn ra ở khắp nơi dọc mảnh đất Ba Chúc. Tại tổ đình Tam Bảo, 800 người đã bị áp giải ra giữa cánh đồng cằn cỗi rồi chịu cảnh hành quyết. Dân chạy tứ tán trốn lên núi Tượng cũng bị Pol Pot xua quân lùng sục và “tử hình” ngay trên những miệng hang đá trú ẩn.

Bà Bùi Thị Đầm (68 tuổi), ngụ tại chân núi Tượng bật khóc khi run rẩy chống gậy đưa chúng tôi lên thăm hang Ba Lê cũng là ngôi mộ chung của 8 người thân đã bị tàn sát năm 1978. Lập cập đốt một bó nhang lớn, bà vừa khấn, vừa nức nở: “40 năm rồi, mọi người có còn lạnh không? Hôm nay tui lại lên thắp nhang, mong mọi người được bình yên.”

Ngày giặc tràn vào Ba Chúc, anh trai bà Đầm là ông Ba Lê khi đó đã dắt 8 người của gia tộc họ Bùi nhau chạy vào hang đá trong núi Tượng để trú. Do quân Pol Pot liên tục dùng chó săn để truy tìm, cả nhóm không dám rời khỏi hang. Chỉ khi vào ban đêm, họ mới có thể bò lên, ra chặt thân chuối rừng, kéo vào bên trong ăn tạm.

Tới chiều tối ngày thứ 7, đứa con nhỏ của Ba Lê do không chịu được hơi nóng phía dưới khóc váng lên. Lúc này, phía trên miệng hang cũng đã bặt tiếng người. Ba Lê lóc nhóc ôm đứa nhỏ lên phía trên ngồi quạt. Bất ngờ, từ phía trên núi, hai tên lính Pol Pot xồng xộc chạy xuống, tay lăm lăm súng. Ba Lê chỉ kịp liệng con vào tay vợ phía dưới hang rồi lăn lông lốc trượt về chân núi.

“Khi đó, ảnh nghĩ sẽ dụ được địch theo mình được. Chúng nó ném cả trái lựu đạn với bắn súng theo làm ảnh bị lủng đùi. Ảnh chạy được về hầm trú ẩn dưới nhà tự băng bó mà vẫn nghĩ vợ con mình trên đây vẫn an toàn,” bà Đầm kể.

Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 tiếng sau đó, giặc Pol Pot đã hành quyết 8 người còn lại theo cách dã man nhất. Chúng xả súng và ném lựu đạn vào bên trong. Người nào bò được ra ngoài ngay lập tức bị dao, gậy đập chết. Cháu nhỏ con trai Ba Lê còn bị nắm tay chân xé đứt làm đôi. Máu xối xả chảy trên miệng hang đá lạnh.

Đêm ấy, Ba Lê ngồi khóc ngay bên đống thi thể của những người thân yêu rồi tự tay đưa lại những phần thi thể ấy xuống sâu trong hang rồi lấp lại. Và suốt từ đó tới tận bây giờ, hang vẫn chưa bao giờ được một lần mở lại. Mãi về sau, ngôi mộ tập thể trên núi Tượng này được đổi tên thành hang Ba Lê – người duy nhất còn sót lại. Ông Ba cũng lặng lẽ tự mình đổ bằng miệng hang, dựng bia thờ, ghi lại tên từng người đã nằm lại bằng sơn. Sau hàng chục năm, màu sơn vẫn cứ sậm đỏ như dòng máu đã ứa trào lên ngày nào…

(Nguồn: Vietnam+)

Chỉ tính riêng trong đợt thảm sát năm 1978, toàn gia tộc họ Bùi đã có tới gần 80 người tử vong. Trên toàn địa bàn Ba Chúc, hơn 3.000 đồng bào, chiếm tới hơn 50% dân số bấy giờ đã chết. Chỉ duy nhất 3 người không di tản còn có thể sống sót. Những nấm mồ như hang Ba Lê, Phi Lai Tự, Tam Bảo tự… cũng lần lượt mọc lên như một minh chứng ngàn đời cho nỗi đau của người dân dọc mảnh đất biên viễn phía Tây Nam của Tồ quốc.

Sau ngày quân Pol Pot bị đánh bật ra khỏi Tri Tôn, từ khắp nơi, bà con bắt đầu lục tục trở về. Đón chờ họ chỉ còn là những ngôi nhà đất đã cháy đen khét lẹt; là tiếng khóc hời tức tưởi trên những miệng hang; là múi thúi váng đầu lẩn khuất… Chỉ bằng 12 ngày, đội quân “mặt quỷ” từ bên kia biên giới đã biến Ba Chúc thành địa ngục.

Bà Sáu Vẹn từ Đồng Tháp quay lại đã gần như đổ gục. Ngôi nhà của ba má chỉ còn lại dãy cột kèo đang cháy dở, không còn ai là người thân xung quanh.

“Chỉ còn tro bụi thôi. Khi ấy, tui cứ ôm cột mà khóc, gọi cha mẹ. Nhưng nào còn gì đâu, chỉ còn tiếng gió,” bà Sáu nức nở.

Năm ấy, Ba Chúc lại mất mùa. Thứ duy nhất không thiếu là những cánh đồng bạt ngàn xác chết đang chất chồng lên nhau…

Người còn sống lầm lũi dựng lại cửa nhà, rồi lại lầm lũi gom nhặt những thi thể, xương cốt đã không thể phân biệt được ai với ai lại. Họ tự tay mình đào một hố sâu 3 thước để làm hố xương tập thể và đồng lòng để nấm mồ ấy lộ thiên, như một cách ôn lại mối thù ngàn đời với quân Pol Pot.

Những năm về sau, một khu nhà mồ đã được Nhà nước xây dựng khang trang hơn. 1.159 bộ hài cốt trong số 3.157 mạng người bị thảm sát cũng được quy tập về “ngôi nhà chung” này để trưng bày để các thế hệ sau thấy được sự mất mát, đau thương của thế hệ trước và cũng là cái giá cho những ngày bình yên.

Nằm sát ngay cạnh Phi Lai tự, Nhà Mồ Ba Chúc có hình lục giác, mỗi góc là một trụ cột đỡ mái nóc nhà bằng hình tượng bàn tay cầm chuôi kiếm đẫm máu giương thẳng – thể hiện ý chí căm thù. Chính giữa nhà mồ là khung hộp kính tám cạnh bằng nhau, chứa đựng xương cốt. Để kéo dài tuổi thọ những bộ xương này, vào những năm đầu, ngành chuyên môn phải dùng sáp nấu sôi áo bên ngoài xương để tránh ôxi hóa.

Hơn 1.000 hộp sọ được phân loại theo độ tuổi rồi bày biện trên các giá thép. Nhiều hộp sọ vẫn còn nguyên vết thủng do đạn bắn, vết nứt vỡ vì bị gậy gộc đập vào. Những hốc mắt trống không, u uẩn hướng đăm đăm ra ngoài khiến du khách tới thăm phải khẽ rùng mình. Ám ảnh nhất phải kể đến là khu đặt hài cốt của trẻ sơ sinh. Hàng chục hộp sọ bé xíu chưa kịp thành hình hoàn chỉnh xếp chồng lên nhau đã bắt đầu ngả sang màu đen xỉn.

Ngày ngày, người dân Ba Chúc có việc đi ngang qua Nhà Mồ không ai bảo ai lại ghé tới, thắp một bó nhang lên bàn thờ được đặt ở chính điện. Suốt 40 năm, hương trầm vẫn âm ỉ cháy, sưởi ấm cho ngôi mộ chung lớn vào bậc nhất cả nước.

Những ngày này, mặc dù thị trấn vùng biên đang ngày một đổi thay, nhưng dư âm kinh hoàng của cuộc thảm sát khi xưa vẫn còn hiển hiện rõ. Một lễ giỗ tập thể đã được tỉnh An Giang ấn định vào ngày 15 và 16 tháng 3 Âm lịch hàng năm để nhắc nhớ nỗi đau vẫn chưa thể lành. Khu Nhà mồ cũng được quy hoạch và xây dựng lại bề thế và khang trang hơn. Những dấu máu loang trên tường Phi lai tự được giữ lại như một dấu hằn đỏ sậm của lịch sử tang thương… Tất cả vẫn nhắc nhớ người còn sống về 12 ngày đêm thảm sát kinh hoàng ở Ba Chúc…

Chiều muộn Tri Tôn, giữa lưng chừng núi Tượng.

Bà Đầm đã quỳ sụp xuống trước miệng hang Ba Lê. Khói từ bó nhang theo gió từ sườn đồi bỗng bùng lên thành ngọn lửa nhỏ. Lửa hương leo lét trên miệng nấm mồ chung trong bóng chiều loang rộng.

Tiếng khóc của bà Đầm át dần những lời khấn khứa rì rầm, ức nghẹn…

40 năm, chưa khi nào máu ngừng chảy trong lòng người Tri Tôn…

Cuộc thảm sát năm 1978 tại Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang) cùng với một loạt cuộc thảm sát trước đó của quân Pol Pot tại biên giới các tỉnh Tây Nam Bộ đã buộc chúng ta phải thay đổi chiến lược ngoại giao. Để bảo vệ sự sinh tồn của nhân dân, chúng ta buộc phải bước vào cuộc chiến tranh chính nghĩa. Vụ thảm sát man rợ này cũng được coi là một trong những sự kiện chủ chốt dẫn tới Chiến tranh biên giới Tây Nam và Chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot những năm về sau này.

Theo Đại tướng Phạm Văn Trà (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng): “Nếu không đánh, người dân vùng biên sẽ còn bị giết hại, còn phải sống trong cảnh khốn khổ. (…) Thực ra chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là một cuộc chiến của chính nghĩa. Cũng vì sự chính nghĩa mà toàn thể nhân dân đã ủng hộ. Đến khi chúng ta đánh sang Campuchia, yếu tố chính nghĩa tiếp tục thể hiện. Nếu không vì chính nghĩa, nhân dân Campuchia sẽ không bao giờ ủng hộ và cũng sẽ không tiêu diệt được Pol Pot.”

Hãy để hình ảnh lên tiếng

40 năm sau khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot kết thúc, nỗi đau vẫn còn hằn in sâu đậm trên mảnh đất nghèo Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang. Một ngôi nhà mồ đã được dựng lên ngay năm 1979, chứa 1.159 bộ hài cốt thường dân đã bị sát hại dã man. Ngôi nhà mồ ấy như một biểu tượng vĩnh cửu cho tội ác của quân Pol Pot năm nào.

Cách thị trấn Châu Đốc hơn 40 km về phía Tây Nam, Nhà mồ Ba Chúc mang vẻ trầm lặng bao trùm lên những chứng tích đau thương còn lại thời kỳ diệt chủng Pol Pot. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 18 tháng 4 năm 1978, Pol Pot tràn vào Ba Chúc, thẳng tay chém giết những dân thường vô tội. Chỉ trong vòng 12 ngày đêm, hơn 3.000 thường dân đã bị hành quyết dã man. Chỉ có duy nhất 3 người còn sống sót sau vụ thảm sát ấy. Năm 1979, chính quyền và nhân dân An Giang đã xây dựng tại đây một quần thể chứng tích tội ác, bao gồm 7 hạng mục: nhà mồ, bia căm thù, nhà truyền thống, nhà thủy tạ, hồ sen, nhà khách và vòng rào. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Khu nhà mồ tĩnh lặng có hình lục giác, mỗi góc là một trụ cột đỡ mái nóc nhà bằng hình tượng bàn tay cầm chuôi kiếm đẫm máu. Chính giữa là khung hộp kiếng 8 cạnh bằng nhau, chứa đựng 1.159 xương cốt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Phần lớn nạn nhân bị bắn, chém, chặt đầu. Nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, bị đóng cọc vào chỗ kín, trẻ em thì bị đâm lê trước khi giết chết hoặc xé đôi người, nắm hai chân đập đầu vào gốc cây. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Xương cốt của các nạn nhân được phân chia theo độ tuổi từ trẻ đến già. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nằm cách đó không xa là khu nhà Trưng bày chứng tích tội ác của Pol Pot. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nơi đây lưu giữ những công cụ mà Pol Pot đã dùng để tàn sát người dân Ba Chúc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong ảnh là cây dùi gỗ mà Pol Pot dùng để đập vào đầu, tàn sát người dân Ba Chúc. Dấu vết của những cuộc hành hình năm xưa giờ vẫn còn vẹn nguyên ở những vết chày xước ăn sâu vào đầu chiếc dùi đen đúa ấy. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Lưỡi lê – một công cụ hành quyết khác hiện đại hơn nhưng cũng không kém phần man rợ (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chùa Phi Lai nằm ngay dưới chân núi Tượng, quả núi nằm trọn trong lòng thị xã Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang). Ngày 18/4/1978, Pol Pot tràn vào bao vây chùa Phi Lai và một cuộc hành quyết kinh thiên động địa đã diễn ra tại ngôi chùa này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bức tường dài đến hơn chục mét loang lổ những vết đỏ thẫm là những vết máu của đồng bào Ba Chúc trong cuộc thảm sát kinh hoàng khiến hơn 200 người dân thiệt mạng. Hơn 40 năm đã qua đi, nhưng dấu máu vẫn chưa thể phai mờ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Địa ngục trần gian 

qua lời kể của nhân chứng sống người Campuchia

Tháng 9/2017, bộ phim “They First Killed My Father” (tạm dịch Trước tiên chúng giết cha tôi) của minh tinh Angelina Jolie, dựa theo hồi ký của cô Loung Ung, đã lên sóng trên kênh Netflix, một lần nữa vạch trần tội ác ghê rợn của chế độ diệt chủng Pol Pot ra trước thế giới.

Trao đổi với VietnamPlus, nhà văn Trung Sỹ, tác giả của cuốn hồi ức Chuyện Lính Tây Nam nhận xét, bộ phim đã được thực hiện khá công phu và chân thực, đặc biệt là những đoạn đặc tả bi kịch mà gia đình cô Ung nói riêng, cũng như đại đa số người dân Campuchia phải chịu đựng trong thời kỳ đen tối đó.

Cảnh bộ đội Việt Nam che chở cho các em nhỏ Campuchia trước cuộc tấn công của quân Pol Pot trong They First Killed My Father (2017).
Cảnh bộ đội Việt Nam che chở cho các em nhỏ Campuchia trước cuộc tấn công của quân Pol Pot trong They First Killed My Father (2017).

Trước đó, một tác phẩm điện ảnh khác về giai đoạn đau buồn này của đất nước Chùa Tháp cũng gây được nhiều tiếng vang là “Killing Field” (Cánh đồng chết, 1984, đạo diễn Roland Joffe) khi giành tới 3 giải Oscar.

Nhưng dù phim ảnh có chân thực thế nào đi chăng nữa thì cũng không sánh nổi với những cùng cực mà người dân Campuchia phải chịu đựng dưới chế độ Pol Pot. Những Cánh đồng chết, nhà tù Tuol Sleng vẫn khiến nhiều người ớn lạnh.

Những ký ức đau thương đó vẫn chưa thể xóa nhòa với cả một thế hệ người dân Campuchia, dù mọi thứ đã lùi xa 40 năm.

Theo các sử gia quốc tế, trong quãng thời gian cầm quyền từ 1975 đến 1979, chế độ Pol Pot đã gây ra cái chết cho khoảng 3 triệu người dân Campuchia, chiếm 25% dân số nước này. Một con số khủng khiếp.

Không khỏi nghẹn ngào khi nhớ lại một thời kỳ gia đình ly tán, cực khổ dưới chế độ tàn bạo ấy, ông Routh Chantha (60 tuổi, quận Chamkar Mon, Phnom Penh), một nhân chứng trong giai đoạn đau khổ của đất nước Chùa Tháp đã chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về cảm xúc sau Chiến thắng lịch sử ngày 7/1/1979 của Quân tình nguyện Việt Nam cùng quân và dân Campuchia, giải phóng đất nước Chùa tháp khỏi thảm họa diệt chủng.

Từ trái qua là Pol Pot, Nuon Chea, Ieng Sary và Son Sen tại Phnom Penh trong khoảng thời gian từ 1975 and 1979. (Ảnh: Frederic Amat/Sygma/Getty Images)
Từ trái qua là Pol Pot, Nuon Chea, Ieng Sary và Son Sen tại Phnom Penh trong khoảng thời gian từ 1975 and 1979. (Ảnh: Frederic Amat/Sygma/Getty Images)

– Ông nhớ gì về những ngày tháng dưới chế độ Pol Pot, thời điểm đó, cuộc sống của gia đình và bản thân ông như thế nào?

Dưới chế độ Pol Pot, tôi vẫn còn là một cậu bé thiếu niên. Nói sao cho hết khổ cực, vào mùa mưa thì việc ăn uống vô cùng thiếu thốn, chúng tôi phải làm việc cật lực trong công xã nhưng chỉ được ăn cháo. Tất cả mọi người dân phải làm việc theo quy định của Angkar (Tổ chức) mỗi hecta phải đạt năng suất 3 tấn thóc.

Mọi tự do đều bị loại bỏ. Ai dám chống đối sẽ bị xử lý một cách thảm khốc. Cả tôi cũng vậy, gia đình thì bị ly tán khắp nơi. Tôi ở một nơi, mẹ tôi ở một nơi. Có thể nói, quãng thời gian 3 năm dưới chế độ Pol Pot thực sự là quãng thời kỳ đen tối với chúng tôi.

– Ông nghĩ gì về Chiến thắng ngày 7/1/1979 của Quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng tiến bộ Campuchia?

Đất nước được giải phóng sau ngày 7/1/1979, cá nhân của tôi đã cùng sát cánh với bộ đội tình nguyện Việt Nam từ những ngày đầu chiến đấu chống quân Khmer Đỏ khát máu. Khi ấy chúng tôi không có nghi ngờ gì về ý nghĩa của cuộc chiến đấu này.

Trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ và được chứng kiến những ngày cùng Bộ đội Việt Nam xuống địa bàn ở nhiều địa phương, bản thân tôi thấy rằng, Bộ đội Việt Nam đã không ngại rời xa quê hương, hy sinh máu xương của mình đề giải phóng đất nước và người dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

– Một nền hòa bình của đất nước Campuchia phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của Bộ đội Việt Nam cùng lực lượng tiến bộ đất nước Chùa tháp, chứng kiến một giai đoạn lịch sử đau thương, ông muốn nhắn gửi bài học gì đến thế hệ trẻ Campuchia hôm nay?

Bản thân tôi đã qua nhiều giai đoạn khổ cực khác nhau nên khi đất nước có được sự ổn định và yên bình như ngày hôm nay, tôi mong muốn thế hệ trẻ sau này gồm cả thanh niên và con cháu của tôi, hãy cố gắng học tập, nâng cao năng lực của bản thân để góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Xin nhắn gửi đến thế hệ sau này đừng nên có tư tưởng bôi nhọ lẫn nhau, hãy ra sức nỗ lực học tập, tiếp thu các tinh hoa tiến bộ của thế giới đem về phục vụ đất nước mình để xứng đáng với những hy sinh của các bậc tiền nhân.

Là những người tiếp nhận những thành quả của cha ông đã khổ cực có được nên giới trẻ cần cố gắng trong việc hoàn thiện bản thân mình, cố sao tránh những sứt mẻ gây chia rẽ dân tộc vốn đã từng xảy ra ở thời Lon Nol, thời Khmer Đỏ. Tôi thấu hiểu những giá trị đó, giá trị của hòa bình và đoàn kết dân tộc.

Hàng vạn người dân thủ đô Phnom Penh đứng dọc 2 bên đường, lưu luyến tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước, tháng 6/1984. (Ảnh: TTXVN)
Hàng vạn người dân thủ đô Phnom Penh đứng dọc 2 bên đường, lưu luyến tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước, tháng 6/1984. (Ảnh: TTXVN)

Tiến về Phnom Penh

‘Nếu bộ đội Việt Nam không lên kịp, dân đã chết hết rồi’

Những làng mạc bị đốt phá trơ trụi, không một bóng người. Những hố bom nước trong vắt nhưng cứ lặn xuống tắm rửa lại tìm thấy xương người. Em bé Campuchia đen nhẻm, gầy trơ xương, không áo quần lết ven đường xin ăn…

Mặc dù đã 40 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh tang thương trên mảnh đất gió bụi Campuchia giai đoạn 1978-1979 vẫn còn hằn rõ trong ký ức những người lính Tây Nam. Đất nước chùa Tháp bấy giờ như một nấm mộ khổng lồ mà “nếu bộ đội Việt Nam không lên kịp thì dân đã chết hết rồi”.

BỮA CƠM BỘ ĐỘI VÀ NHỮNG CHIẾC ÁO TỪ MẢNH DÙ CUỐN XÁC

Cuối năm 1978, đầu năm 1979, Đại tá Huỳnh Trí (Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) đã cùng đồng đội hành quân sâu sang nước bạn trong nỗ lực giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Anh bộ đội Hai Trí ngày ấy giờ đã 69 tuổi nhưng khi được hỏi về chuyện chiến trường, ông lại hoạt bát hẳn.

Trầm ngâm một lúc, ông bảo: Điều ám ảnh ông nhiều hơn cả trong suốt những tháng ngày làm nhiệm vụ trên đất bạn không phải là trận chiến giữa hai bên mà là nỗi khốn khổ của người dân Chùa tháp.

Hành quân cùng đoàn 9905, mặt trận 779 từ biên giới An Giang, tiểu đoàn của Hai Trí nhận nhiệm vụ truy đuổi quân Pol Pot theo trục hướng thẳng về Phom Penh. Suốt vài kilomet đầu tiên từ vành đại vùng biên tới sâu nội địa, đi tới đâu, bộ đội cũng bắt gặp những làng mạc bị đốt phá tiêu điều và không một bóng dân. Nhà cửa đổ nát, chùa chiền liêu xiêu trong gió chiều. Đến cả tượng Phật cũng chỉ còn trơ mỗi thân mình khi toàn bộ đầu đều bị chặt hạ. Không còn bất kỳ một dấu hiệu nào của sự sống, những bom, sóc Campuchia giờ trở thành những ngôi làng chết.

Phải tới mãi khi đi sâu hơn, ông Hai Trí mới gặp được người bản địa đầu tiên. Đó là một ông lão đang nằm thoi thóp ven đường, trên người chỉ còn trơ ra những dẻ xương sườn phập phồng sau lớp da tái xám.

“Thấy bộ đội Việt Nam, ông ấy mới nói: Ông bỏ chạy khi quân Pol Pot đuổi, nhưng do đói quá nên gục lại đây,” ông Hai Trí kể.

Người thân của ông lão Campuchia khi ấy không ai thoát được. Tất cả đều nằm lại trong hố chôn tập thể nằm sâu trong rừng cao su cạnh bản làng. Ông lão sống dở, chết dở gặp bộ đội vừa khóc, vừa nhồm nhoàm nhai tép lương khô từ tay những người lính chiến mà bảo: “Đã mấy năm rồi, tôi mới được ăn ngon như thế này.”

Đói và khát cũng là thảm cảnh chung của tất cả các bản làng ngày ấy. Lần giở lại trí nhớ, ông Hai Trí kể lại: “Có lần, chúng tôi tìm được một bản hiếm hoi còn có người ở lại. Thấy quân tình nguyện sang, hơn 200 người cả già, trẻ, gái, trai chạy ra đón. Tất cả đều trông xơ xác, đói khổ do chịu cảnh lao động khổ sai lâu rồi. Hầu hết đều rách rưới và không đủ quần áo mặc. Họ vừa khóc vừa níu tay chúng tôi nói: Bộ đội lên rồi thì đừng về, nếu không Pol Pót sẽ giết hết dân mất. Bộ đội có đi, xin cho dân đi cùng với.”

Bữa ấy, dân làng Campuchia gom góp sạch tất cả các nhà đã… vét ra được 3 chén lúa để nấu cơm cho cả tiểu đoàn. Nhìn những hạt gạo đã xạm nâu, ngả màu mốc thếch, ông Hai Trí không sao cầm được nước mắt. Ngay lập tức, ông gọi về hậu phương, xin phép được lấy gạo và thực phẩm mang theo để nấu một bữa no cho dân. Một nồi cỡ lớn đã bày ra giữa sân làng. Lửa được nổi lên. Gạo những người lính mang theo từ Việt Nam được đổ ra, sùng sục sôi trong ánh mắt mong chờ của hơn 200 dân bản. Bộ đội còn hãm nước trà, mang lương khô và bánh kẹo ra chia cho mọi người. Cả ngôi làng đìu hiu và xơ xác trong phút chốc như trở thành ngày hội.

Mãi về sau này khi chiến tranh đã lùi lại rất xa phía sau, ông Hai Trí vẫn nhớ như in câu nói của trưởng bản ngày ấy: “Đã 5 năm rồi, dân không biết ăn một bữa no, không biết uống một ngụm trà.”

Chuyện ăn là thế, ngay cả đến chuyện mặc cũng là một giấc mơ xa xỉ đối với người dân Campuchia lúc bấy giờ.

Ông Hai kể lại: Những ngày trên đất Chùa tháp, ông và đồng đội đã từng rất ngạc nhiên khi thấy đồng bào các dân tộc bạn thi thoảng lại mặc những bộ quần áo rách tả tơi được làm từ võng dù của bộ đội Việt Nam những năm 1970. Hỏi ra mới biết, do quá thiếu thốn, họ đã phải đào hài cốt của bộ đội Việt Nam lên, nhặt từng mảnh võng còn nguyên vẹn để may thành áo quần.

Pol Pot khi đó với ngay cả dân bản địa giống như một con quỷ dữ, lê lưỡi hái tử thần khắp các bản làng. Khi rời đi, thứ duy nhất nó để lại là đói, khát và sự chết chóc, khổ đau.

GIẾNG CHỨA XÁC VÀ CUỘC HỒI SINH TRÊN MIỀN ĐẤT CHẾT

Cựu lính thông tin mặt trận Tây Nam Trần Đăng Trường lại lưu giữ cho mình những câu chuyện rùng rợn hơn về những giếng xác người trên đường tiến vào Campuchia.

Mắt nhìn ra xa xăm, ông bắt đầu kể bằng thứ giọng trầm buồn: “Năm 1977, khi đang là sinh viên, chúng tôi được tổng động viên tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến đấu chống lại Pol Pot. Tôi được đưa về Tiểu đoàn 86, Trung đoàn 132 của Bộ Tư lệnh thông tin.”

Ngày tiến vào Siem Reap, những chàng lính trẻ măng mới mười tám, đôi mươi đã mắt tròn, mắt dẹt khi lần đầu tiên đối mặt với những thành phố chết theo đúng nghĩa đen. Những xác người vất vưởng ngang vệ đường không ai chôn cất cứ lặng lẽ phơi nắng, phơi sương.

“Không có một bóng người. Không cả một tiếng gà gáy trưa. Tất cả chỉ còn cỏ dại. Chúng nó cướp hết, đốt hết, giết hết rồi,” ông nâng chén trà, nói như tiếng thở dài vọng về từ quá khứ.

Đáng sợ nhất phải kể đến những chiếc giếng chứa xác người. Đó là những hố lớn cỡ hố bom nhưng rất sâu, nước trong veo. Thấy nước sạch, lính trẻ ùa xuống tắm, rồi thách nhau lặn xuống đáy như để tìm về cảm giác đắm mình nơi con sông quê thanh bình. Nhưng vừa chạm xuống vùng sâu nhất, cả đám cuống cuồng bơi ngược trở lên. Bởi, phía dưới đáy nước trong vắt ấy là lổn nhổn xương người. Tất cả đều vỡ nát, chồng chất lên nhau và không một mảnh xương nào toàn vẹn. Những chàng lính trẻ vốn có thể cười nói ngay trong mưa bom bão đạn, coi cái chết nhẹ như lông hồng nhìn cảnh tượng ấy đã phải rùng mình, nôn thốc tháo.

“Nó như một địa ngục ngay dưới chân mình. Hai đồng đội của tôi khi đó đã bị tiêu chảy không sao cầm được vì uống nước từ hố này và phải đưa ngược về Long An cấp cứu. Dọc đường hành quân, những chiếc hố như thế là nỗi ám ảnh kinh hoàng với tất cả chúng tôi,” ông Trường đưa tay lên vuốt mặt, nén tiếng thở dài đang chực bật ra từ lồng ngực theo tiếng ho khan khe khẽ.

Ghê rợn hơn là lần lính thông tin vào rừng đào hang chuột để cải thiện bữa ăn. Khi những nhát cuốc cuối cùng mở tung cửa hang, tất cả tái mặt khi thấy bên trong lổn nhổn các lóng xương ngón tay, ngón chân trắng ởn.

“Đấy là một địa ngục thực sự khi con người cuối cùng lại phải trở thành bữa ăn cho thú vật,” ông Trường thở dài đánh sượt.

Sau ngày Phnom Penh giải phóng, những người sống sót lũ lượt trở về quê cũ. Họ trở về trên những đôi chân trần sứt sẹo, hay trên những chiếc xe đạp chỉ còn trơ lại vành sắt nhưng với họ đấy là cả một gia tài.

Trong tiếng cười hiếm hoi khi nghĩ về một thời đã xa, cựu lính thông tin rì rầm kể tiếp: “Hôm ấy, vừa giải phóng xong, tôi cùng đồng đội đi qua một vườn xoài vô chủ. Trời nắng, lại khát nước nên mấy anh em vào vườn, hái quả để ăn. Lúc này, có một ông lão gày nhẳng đi về phía bộ đội.”

– Xôm Nhăm Bai – người lính Việt Nam mời ông lão đối diện ăn bằng thứ tiếng Khmer ít ỏi.

Ông lão vui vẻ ăn xoài cùng bộ đội. Một lát sau, cánh lính mới buột miệng hỏi bằng tiếng Việt: “Ông ơi, vườn xoài này của nhà ai?” thì bất ngờ, ông lão cũng trả lời bằng tiếng Việt: “Của nhà tôi đấy. Nhưng các chú cứ ăn đi. Nhà tôi chết hết rồi. Nó giết hết rồi. Chỉ còn tôi chạy sang Việt Nam nên sống sót. Các chú cứ ăn, rồi lấy về cho cả anh em ở đơn vị nữa.”

Lại một lần khác, Tiểu đoàn của ông tiến vào một làng đã được giải phóng. Gần như ngay lập tức, người dân ùa ra đón. Trong số này có một cụ già cứ cúi lạy bộ đội. Bà vừa lạy, vừa bảo: “Tôi cám ơn bộ đội. Nếu không có bộ đội thì cả nhà tôi đã nằm chung trong những hố chôn người mất rồi.”

Với những người lính như ông, cái vái lạy ấy có giá trị hơn bất kỳ thứ tài sản nào. Nó là sự trân trọng, là tình cảm của người Campuchia gửi đến người lính Việt. Cái vái lạy ấy chứa đựng tất cả những gì tôn quý và yêu thương nhất.

Nhờ nỗ lực của đội quân tình nguyện Việt Nam như ông Hai Trí, Trần Đăng Trường… tới ngày 7/1/1979, tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary chính thức bị lật đổ và tháo chạy ra khỏi thủ đô Phnom Penh; đánh dấu cho sự tàn lụi có hệ thống của một trong những chế độ diệt chủng tàn khốc vào bậc nhất trong lịch sử loài người. Từ đây, những hạt giống của hòa bình và hạnh phúc đã bắt đầu vươn mình trên đất nước Campuchia./.

Hồi ức của những người lính “đội quân nhà Phật”

Sau 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, chúng tôi lần theo những lời kể của những người đã trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới phía Tây Nam tổ quốc và giải phóng nhân dân Campuchia để tìm hiểu về “đội quân nhà Phật” khi xưa.

Năm 1978, ông Lê Thanh Hiếu, ông Xuân Tùng đều tròn 18 tuổi. Hai ông nhập ngũ cùng năm và vào chiến trường Tây Nam. Ông Hiếu  ở Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Ông Tùng ở Trung đoàn 2, Sư đoàn 9.

Ông Tùng cho biết, ban đầu ông nghĩ vào Nam tăng gia sản xuất làm kinh tế mới. Chứng kiến giao tranh biên giới, ông vẫn chỉ nghĩ chỉ là xung đột biên giới thông thường. Nhưng, khi ông đọc tin quân Khmer Đỏ thảm sát ở Tân Biên (Tây Ninh), chúng giết cả trẻ em theo cách man rợ, ông và đồng đội biết, họ sẽ phải tham gia một cuộc chiến khốc liệt.

Còn theo ông Hiếu, những ngày đầu bảo vệ biên giới phía Tây Nam tương đối nhọc nhằn. Ông Hiếu kể: “Tôi chiến đấu ở biên giới 4 tháng. 4 tháng đó ta chỉ kìm giữ, bảo vệ lãnh thổ và tìm cách đàm phán hòa bình với Khmer Đỏ. Công cuộc này diễn ra từ trước đó khá lâu. Chúng ta đi ra khỏi những cuộc chiến chinh quá dài rồi, chúng ta không muốn mất mát thêm nữa.”

Nhưng đó là cuộc chiến bắt buộc vì kẻ thù không cho chúng ta lựa chọn. Quân đoàn 4 của ông Hiếu, ông Tùng cùng các đơn vị tham gia chiến đấu được lịch sử giao sứ mệnh giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Họ đi qua làng mạc, thành phố xơ xác không người. Và, họ phải đối mặt với kẻ thù ác độc bậc nhất trong lịch sử loài người. “Tôi nhớ mãi lần cứu xác tử sỹ của tiểu đoàn. Khi đến, đập vào mắt chúng tôi là cảnh những liệt sĩ đã bị băm nát mặt bằng xẻng bộ binh. Chúng tôi không còn nhận ra ai cả. Còn cả những tù binh bị chặt đầu hay hành quyết dã man, rất nhiều sự man rợ mà tôi không tiện kể,” Ông Tùng cho hay.

Phía Khmer Đỏ không bao giờ giữ tù binh. Chúng luôn dùng những phương pháp tra tấn, giết người tàn bạo khi bắt được lính đối phương hay chính người dân Campuchia bị cho là không ủng hộ chúng. Cũng bởi vậy, ông Tùng cùng đồng đội luôn giữ một quả lựu đạn trong người. Họ tự nhủ với nhau “không để bị chết hai lần”. Tức là, dù có hi sinh cũng không để chúng “hành quyết” xác của mình thêm một lần nữa. Quả lựu đạn sẵn sàng nổ trong trường hợp ta không thể chống lại địch. Ông Tùng và đồng đội đã luôn mang quả lựu đạn đi suốt cuộc chiến chinh. Đến tận năm 1983, khi được lệnh xuất ngũ, ông mới ‘hóa kiếp’ cho quả lựu đạn khi chạm tới biên giới quê hương.

Ngoài ra, bộ đội Việt Nam còn phải đối mặt với những lạ lẫm do thổ nhưỡng, địa hình nước bạn. Chưa kể, những người lính miền Bắc còn hoàn toàn xa lạ với hình thái khí hậu ở Campuchia.  “Ở Miền Bắc quen 4 mùa, vào Nam rồi sang Campuchia chỉ có mùa mưa và mùa khô.”- Ông Hiếu kể – “Mùa mưa tác chiến khó khăn vô cùng. Chúng tôi vừa tát nước ở hầm chiến đấu vừa đối mặt với kẻ thù”.

Họ đi qua làng mạc, thành phố xơ xác không người. Và, họ phải đối mặt với kẻ thù ác độc bậc nhất trong lịch sử loài người. (Nguồn: TTXVN)
Họ đi qua làng mạc, thành phố xơ xác không người. Và, họ phải đối mặt với kẻ thù ác độc bậc nhất trong lịch sử loài người. (Nguồn: TTXVN)

Còn mùa khô, theo các cựu binh, nước là vấn đề lớn. Nhiều người đã chết vì khát. Mọi chuyện thay đổi khi tiểu đoàn ông Hiếu bắt được một nhóm tù binh Khmer Đỏ. Khi bị bắt, đầu chúng ướt vì nước chứ không phải mồ hôi. Lúc ấy, tiểu đoàn cũng để chúng khát như bộ đội Việt Nam một buổi. Rồi quân ta vờ để chúng trốn thoát. Các trinh sát bám theo và biết được chúng tìm đến lòng suối cát vàng khô trơ đáy và đào mạch nước ngầm ở rất sâu.

“Trong cuộc chiến giải phóng nhân dân Campuchia, chúng tôi phải đối diện với một tâm lý khá đặc biệt. Đó là chiến đấu vì một người khác.”- Ông Hiếu nhấn mạnh- “Nếu như những cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, ta đánh để bảo vệ non sông ta, bảo vệ cha, mẹ, anh, chị em, đồng bào ta thì cuộc chiến này, chúng ta dùng cả sinh mạng để cứu một dân tộc khác. Nhưng chúng tôi không bao giờ do dự và không phút giây khoan nhượng với Khmer Đỏ. Nhất là khi nhìn sâu vào ánh mắt van lơn của người dân Campuchia. Không hiểu sao, tôi lại nghĩ tới người thân mình. Họ không đáng phải chịu một cuộc đầy ải như vậy!”.

Theo ông Tùng, Pol Pot bảo vệ quyền lực của mình bằng việc lùa người dân đi theo trong những cuộc rút chạy. Chúng có thể mất đất nhưng chúng cần dân để tiếp tục cuộc chiến. Và, những chúng sẵn sàng trút đạn vào những người già yếu, người chậm chân không theo kịp chúng. Bộ đội Việt Nam giải phóng đất đến đâu, người dân nô nức chạy về phía bộ đội Việt Nam để trở lại quê hương.

Ông Tùng kể: Tôi nhớ mãi trận đánh ở núi Aoral tại tỉnh Pursat. Khi quân Pol Pot bị đẩy lùi, chúng tôi bắt gặp những người dân thất thểu nơi núi rừng, lả đi vì đói. Chúng tôi đã chia gạo cho họ, dẫn họ ra đường lớn để họ hồi hương. Nhưng, tôi ám ảnh mãi hình ảnh một cánh tay người đã khô ở trong túi một người dân trong đoàn người đói khổ.

Theo lời kể của các cựu binh, họ hành quân qua những “cánh đồng chết”, những ngôi làng tiêu điều. Đơn vị ông Hiếu đã trồng lúa trên những cánh đồng hoang phế để “tự cung, tự cấp” trên đất bạn. Suốt nhiều tháng ròng, họ đã vun trồng, chăm bón cho cây lúa đến mùa vụ. Song, vì sợ bị hiểu nhầm, nhóm ông Hiếu phát lúa cho người dân mà không nhận lại một hạt thóc nào.

“Tình cảm giữa lính Việt Nam và dân Campuchia ở những vùng giải phóng cảm nhận rất rõ ràng. Có lần chúng tôi được dân biếu con gà nhưng nhìn cảnh tang thương của họ, chúng tôi không cho phép mình nhận bất cứ thứ gì. Chúng tôi trả lại và bảo để con gà lại để bà con làm giống dựng xây lại. Không phải biểu tượng, nhìn khung cảnh Campuchia lúc đó hoang tàn tới độ, tôi nghĩ gia súc gia cầm trên đất nước này cũng không còn nhiều.”- Ông Hiếu kể.

Không hỗ trợ được về vật chất, người dân Campuchia hỗ trợ bộ đội Việt Nam lợp doanh trại bằng lá thốt nốt. Họ mời người bộ đội uống nước thốt nốt. Ở chiều ngược lại, bộ đội cố san sẻ khẩu phần ăn không nhiều của mình để giúp đỡ trực tiếp những người dân đang quay quắt vì đói.

Ông Hiếu kể tiếp: Có lần, vào lúc nửa đêm, có một ông cụ vào doanh trại của chúng tôi. Nhìn cụ tiều tụy lắm. Cụ kể, Khmer Đỏ đã vắt kiệt người dân Campuchia. Người dân đói tới độ phải tìm quả thốt nốt ăn. Song chúng cũng giết hại ai ăn thốt nốt. Bởi chúng cho rằng tất cả những gì trên đất nước Campuchia là của Angkar (cách bè lũ Pol Pot tự gọi mình – PV). Cụ kể mà nước mắt ứa ra. Hình ảnh cụ già trong ánh đèn leo lét lúc ấy làm tôi nhớ mãi.

Người dân Campuchia chào đón những người lính tình nguyện Việt Nam (Nguồn: TTXVN)
Người dân Campuchia chào đón những người lính tình nguyện Việt Nam (Nguồn: TTXVN)

Có mặt trong đêm 7/1/1979, ngày “đội quân nhà Phật” cùng quân dân Campuchia giải phóng Thủ đô Pnom Penh, ông Hiếu cho biết ấn tượng đầu tiên là toàn thành phố xác xơ, không bóng người. “Tôi cảm giác lúc đó như đang đứng ở một thành phố chết chứ không còn là Thủ đô một nước. Cảnh vật đổ nát, xác người ở nhiều nơi. Thành phố tang thương tối thui đêm đó chỉ có bộ đội Việt Nam. Đêm về khuya, tôi thấy một khu nhà có ô văng chìa ra rất giống vỉa hè Hà Nội. Tôi ngả lưng đánh một giấc tới sáng. Sau tôi mới biết đó là chợ Orussey nổi tiếng của Pnom Penh.”

Theo các cựu binh, sau đó, họ đi chinh chiến ở các nơi cho đến gần một năm sau, họ trở lại Pnom Penh, Thành phố hồi sinh chóng mặt: Điện sáng nhiều nơi, đá bào giải khát đã được bán ở lòng phố, tiền Riel được lưu hành rộng rãi trở lại…

Ông Hiếu, ông Tùng cùng xuất ngũ năm 1983. Sau khi đã ‘hóa kiếp’ quả lựu đạn, việc đầu tiên ông Tùng làm là… ăn hủ tiếu và uống cafe. “Cảm giác về xứ sở sau nhiều năm chinh chiến đặc biệt lắm. Khung cảnh Việt, tô hủ tiếu Việt, ly cafe Việt sao mà thân thương đến thế. Tôi gọi liền 2 tô hủ tiếu. Xong tôi uống tiếp 4 ly cafe. Không cần phải về đến Sài Gòn, về ngay đến Tây Ninh đã phải ăn, phải uống, phải hít thở bầu không khí đất nước mình hòa bình cho nó thỏa.”

Tình cảm mà người dân Campuchia dành cho Bộ đội nhà Phật (Nguồn: TTXVN)
Tình cảm mà người dân Campuchia dành cho Bộ đội nhà Phật (Nguồn: TTXVN)

Sau khi đã ‘hóa kiếp’ quả lựu đạn, việc đầu tiên ông Tùng làm là… ăn hủ tiếu và uống cafe.

Còn ông Hiếu thì nhớ tiếng Việt. Về Tổ quốc, ông lắng nghe tiếng mẹ đẻ vang vang trong nhịp sống thường nhật mà xúc động. Ở chiến trường, cũng là tiếng Việt nhưng là âm thanh chiến tranh, mà cũng chỉ đơn thanh của những người lính thanh niên với nhau. Còn khi về Việt Nam, tiếng người già, tiếng trẻ em, tiếng phụ nữ… “Tôi nói cậu đừng cười, lúc ấy, nghe tiếng chửi thề mà lòng mình cũng hân hoan.”- Ông Hiếu nghẹn ngào nhớ lại.

40 thập kỷ đã trôi qua, chợ Orussey hoang tàn ngày nào ông Hiếu ngủ qua đêm đầu tiên trong ngày giải phóng Pnom Penh nay đã thành địa điểm du lịch nổi tiếng của nước bạn. Ông Tùng giờ đã thảnh thơi tận hưởng ly cafe giữa phố phường Hà Nội và kể chuyện chiến chinh. Khi cuộc trò chuyện với người viết gần kết thúc, ông Tùng nói:

“Nghĩ về Campuchia, tôi có nhiều kỷ niệm. Song, tôi nhớ mãi ngày 17/4/1979 ở tỉnh Pursat. Lúc đó, chúng tôi cận kề sinh tử nhất. Ban chỉ huy Đại đội 1 bị tấn công bất ngờ sau lưng. Anh Lẽ truyền đạt đang đi lấy nước cho anh em thương binh. Anh Sơn (thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn – PV) bị trái M.79 trinh sát địch bắn trúng đùi. Tôi đã chạy vào giật máy điện thoại để chuẩn bị rút. Mọi người sẵn sàng mang thương binh đi. Phảng phất, tôi nghĩ tới quả lựu đạn trong người. Nhưng thật may, chốt đã không “bay” khi anh em chiến đấu quả cảm.”

Ông Tùng ngậm ngùi hồi lâu khi nhớ lại trận đánh ác liệt ấy. Bất giác, ông nhắc: “À, cậu nhớ thêm thằng Điệp, liên lạc của anh Sơn khi đó vào bài viết. Trận đó, trong lúc hành quân bất ngờ gặp, nó đã bắn hai loạt đạn phủ đầu quá hay!”

Chuyện lính Tây Nam

May mắn hơn những người đồng đội khi được trở về lành lặn, người cựu binh già Xuân Tùng đã bắt tay vào viết cuốn hồi ức dày hơn 300 trang về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường K, gây tiếng vang với tựa “Chuyện lính Tây Nam.” Cuốn hồi ức đậm chất sử thi được nhiều người ví von như “quân sử” của quân đội cách mạng. Còn với Trung Sỹ, bút danh của Xuân Tùng, thì cuốn sách là cách để ông nhớ về phần máu thịt của đồng đội, gói trong hai từ thân yêu: “Đã từ lâu tôi đã có ý định viết về trung đoàn 2, sư đoàn 9 thân yêu của tôi…” như lời tựa ông viết trong ấn bản được Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành.

Người Campuchia: ‘Chúng tôi tin Việt Nam’

Ông Khieu Kola, Ủy viên Ban lãnh đạo Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia đã sống trong chiến tranh và trải qua chế độ diệt chủng khủng khiếp từ hơn 40 năm trước. Tâm sự với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia, ông Khieu Kola nói sẽ không quên, và sợ phải quên đi những kỷ niệm về một cuộc sống kinh khủng dưới thời Campuchia dân chủ khát máu, bè lũ Pol Pot đàn áp và giết hàng triệu người từ ngày 17 tháng Tư năm 1975 đến ngày 7 tháng Một năm 1979.

Từ giữa năm 1977 đến tháng 3 năm 1979, tôi sống tại huyện Moung Ruessei (tỉnh Battambang) cách Phnom Penh khoảng 250km về phía Tây. Đó là nơi tôi phải lao động nhọc, xa tỉnh Prey Veng quê nhà (giáp biên giới Việt Nam) sau khi bọn Pol Pot tiến vào Phnom Penh ngày 17/4/1975.

Vì tranh chấp ở nội bộ Angkar, bè lũ do Pol Pot và Nuon Chea cầm đầu coi người dân và cán bộ vùng Đông của đất nước là người ủng hộ Việt Nam, thậm chí còn gọi là tay sai của “kẻ thù Việt Nam” nên tôi thuộc một trong số hơn 1 triệu người bị đuổi khỏi quê nhà (giáp tỉnh Đồng Tháp của Việt Nam) ra đi tỉnh Battambang như kể trên.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Thời ấy, tôi sống một mình xa bố và gia đình (mẹ tôi đã mất vào thời đầu 1971) và 4 anh em trai. Một đêm đầu tháng Ba năm 1979, tôi đã nghe tiếng súng nổ và xích xe tăng sầm sập đổ về. Một bạn tôi cùng tổ thanh niên kín đáo bảo, ông đã nghe trường ấp của Khmer Đỏ nói rằng bộ đội Việt Nam vừa mới đánh chiếm trụ sở huyện của Khmer Đỏ tại thị trấn Moung Ruessei. Tôi đáp lại với bạn tôi rằng “thế thì tốt cho chúng ta rồi, nếu như bộ đội Việt Nam tới làng thì chúng ta sẽ sống và tất nhiên, nếu không thế thì trước sau chúng ta chỉ có chết. Hoặc bị chúng giết hoặc bị chết đói mà thôi.”

Bạn tôi và tôi bàn bạc. Chúng tôi tin nhau và không tin lời tuyên truyền của Khmer Đỏ, rằng quân đội Việt Nam tới Campuchia thì chẳng có cơm, chỉ ăn cám mà thôi.

Tiếng súng nổ ngày càng lớn, cảm giác chỉ cách làng tôi ở khoảng vài cây số về phía Nam thị trấn Moung Ruessei. Quân Khmer Đỏ sợ hãi tháo chạy khỏi làng, chúng khăng khăng lùa dân vào rừng sâu nhưng chẳng ai đi theo. Khmer Đỏ trốn cả, chúng còn phát tin bịa đặt rằng ai không chạy, Việt Nam sẽ giết nhưng tôi và dân làng không tin.

Thực tế, chúng mới chính là những kẻ giết người mà chúng tôi đã là nhân chứng cho điều đó. Tất cả đã trải qua những ngày đen tối và chứng kiến sự dã man của bọn Angkar áo đen. Tôi đã thấy tận mắt bộ đội Việt Nam vào làng, nhìn thấy xe tăng của bộ đội ai ai cũng mừng. “Phum soóc được giải phóng rồi, hoan hô bộ đội Việt Nam,” ai cũng hoan hỉ reo lên, mừng quá, mừng đến chảy nước mắt. Tôi coi đây là niềm vui vô hạn trong đời mình, “Ôi niềm vui biết bao vì được sống lại.”

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Tất nhiên, ở thời điểm đó, chẳng ai dám nói ra tin về ngày 7/1/1979 thủ đô Phnom Penh đã được giải phóng. Nó chỉ được người ta bí mật chuyền tai nhau. Đã có nhiều người bị Angkar bắt đi thủ tiêu nếu bị chúng phát hiện tung ra tin này.

Sau ngày Battambang được giải phóng, dân làng tôi ai ai cũng yêu thương bộ đội Việt Nam vì thấy tận mắt họ đã hy sinh xương máu để giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, chăm sóc người dân, phân phối lương thực, thuốc men. Tuyệt đối không có hành động nào làm mất lòng dân như lời xuyên tạc của bè lũ Khmer Đỏ.

Ngay sau ngày giải phóng 7/1/1979, suy nghĩ đầu tiên của tôi là phải đi học, tiếp tục học. Nhưng lòng căm thù chế độ diệt chủng đã thôi thúc tôi tham gia lực lượng Mặt trận Dân tộc thống nhất Cứu quốc Campuchia chiến đấu chống tàn quân Khmer Đỏ từ giữa năm 1979 đến giữa năm 1980 ở Battambang.

Sau đó, nhận được tin bố tôi và 3 anh trai nữa của tôi vẫn còn sống (em trai út của tôi bị giết thời Pol Pot), tôi quyết định xin xuất ngũ về Phnom Penh để gặp lại bố và anh trai cả làm việc tại Thông tấn xã Campuchia SPK.

Cuốn sách đổi đời

Tới Phnom Penh, tôi lại tiếp tục đi học trường phổ thông trung học rồi sau đó vào giữa năm 1981, tôi tham gia lớp học tiếng Việt 6 tháng tại Thông tấn xã Campuchia SPK.

Hồi đó, SPK do ông Chey Saphon người Campuchia làm Tổng Giám đốc, chính ông ấy là người sáng lập ra lớp học tiếng Việt. Tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm bà vợ ông Chey Saphon đã tặng tôi cuốn từ điển Việt-Khmer. Cuốn từ điển ấy mở mang kiến thức, hiểu biết, là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời tôi, từ một người nô lệ thành bộ đội, học sinh, cán bộ thanh niên của Đảng Nhân dân Campuchia, nhà báo, nhà văn, tất nhiên sau 40 năm phải trở thành một ông chồng, ông nội, ông ngoại của 4 đứa cháu, và tất nhiên có một cô con gái là MC nổi tiếng tại Vương quốc Campuchia, nàng Sansana. Tôi nghĩ rằng tục ngữ Việt Nam có câu “Con hơn cha là nhà có phúc” là rất đúng.

Thủ tướng Hun Sen đã từng nói “tôi tin Việt Nam” và khẳng định “không có Việt Nam (giải phóng) nhiều người Campuchia nữa sẽ chết, trong đó có thể có cả vợ và con tôi” (Báo Tuổi trẻ số ra ngày 22/6/2001).

Đối với tôi, lời cảm xúc của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia phản ánh chân lý sự thật từ 40 năm qua, rằng nếu không có ngày 7/1/1979 bộ đội Việt Nam giúp đỡ bộ đội Heng Samrin của Mặt trận Dân tộc thống nhất Cứu quốc Campuchia để giải phóng đất nước Chùa tháp thoát khỏi nạn diệt chủng, sẽ không có ngày nay và tất nhiên không có bài viết này.

Năm 2018, Vương quốc Campuchia đã trở thành một đất nước phát triển, chất lượng đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 7% giúp thu nhập bình quân tăng liên tục. Đời sống đã thay đổi từ khổ đau tới hòa bình và phát triển như ngày nay của đa số người dân làm tôi nhớ lại công lao to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, bộ đội tình nguyện Việt Nam trên đất nước của kỳ quan Angkor Wat.

Vận mệnh hai dân tộc Campuchia-Việt Nam là không thể tách rời nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã từng nói rằng, mối quan hệ đoàn kết Việt Nam-Campuchia là đoàn kết thật lòng, đoàn kết bằng hành động, không phải đoàn kết bằng miệng.” Đối với tôi Việt Nam là bạn, là thầy, là giải phóng quân.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã từng nói rằng, mối quan hệ đoàn kết Việt Nam-Campuchia là đoàn kết thật lòng. (Nguồn: TTXVN)
 Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã từng nói rằng, mối quan hệ đoàn kết Việt Nam-Campuchia là đoàn kết thật lòng. (Nguồn: TTXVN)

Vấn đề diệt chủng phải có sự can thiệp bằng quân sự

Nhà báo Trần Chí Hùng trò chuyện với ông Youk Chhang
Nhà báo Trần Chí Hùng trò chuyện với ông Youk Chhang

Ngày 7/1 là ngày hồi sinh của dân tộc Campuchia

Thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi

40 năm sau chiến thắng ở cuộc Chiến tranh Bảo vệ Biên giới Tây Nam và giúp đỡ Nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, Đại tướng Phạm Văn Trà (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) vẫn không thể quên được những tháng ngày đỏ lửa trên đất bạn. Ông gọi đó là quãng thời gian mà chính nghĩa đã chiến thắng hung tàn; quãng thời gian mà đoàn quân “bộ đội nhà Phật” theo cách gọi của nhân dân Campuchia đối với quân tình nguyện Việt Nam, nêu cao được tinh thần quốc tế cao cả.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/1979-7/1/2019), VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Đại tướng Phạm Văn Trà.

Trong cuộc chiến tranh Bảo vệ Biên giới Tây Nam, tướng Phạm Văn Trà giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, Quân khu 9. Sau đó, ông được bổ nhiệm chức Phó Tư lệnh Mặt trận 979.

– Thưa ông, xin ông chia sẻ về bối cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam cũng như cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pol Pot?

Đại tướng Phạm Văn Trà: Thực tế không phải tới tận năm 1977, Pol Pot mới bắt đầu tấn công chúng ta. Ngay từ tháng 4/1975, sau khi lên nắm quyền lãnh đạo Campuchia, Pol Pot đã thường xuyên xuyên tạc về Việt Nam, cho quân gây rối, xâm lấn lãnh thổ nước ta trên vùng biển biên giới Tây Nam. Thậm chí, chúng còn đánh chiếm đảo Thổ Chu và một số đảo khác, giết hại người dân hết sức dã man.

Vào thời điểm này, sau khi kết thức cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi được phân công tiếp tục ở lại Trung đoàn 1 U Minh; sau đó là Sư đoàn 4 của Quân khu 9 trực tiếp tham gia chiến đấu ngay từ những ngày đầu chống sự xâm lược của tập đoàn phản động Pol Pot – Ieng Sary; giành lại chủ quyền của các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà và bảo vệ tuyến biên giới từ Tịnh Biên (An Giang) đến Hà Tiên (Kiên Giang).

Tuy nhiên, tới cuối năm 1976, các cuộc tiến công của quân Pol Pot vào lãnh thổ nước ta ngày càng tăng, quy mô ngày càng lớn; có nơi vào sâu lãnh thổ nước ta tới 15km làm cho tình hình biên giới Tây Nam của nước ta hết sức căng thẳng. Những cuộc tiến công này không phải là hành động bộc phát mà có sự chỉ đạo mang tính hệ thống và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Và tới đêm 30/4/1977, quân Pol Pot đã sử dụng lược lượng cấp sư đoàn và lực lượng địa phương các tỉnh biên giới bất ngờ đồng loạt tiến công xâm lược toàn tuyến biên giới phía Tây Nam nước ta.

– Khi nhận được thông tin Pol Pot chính thức xâm lấn lãnh thổ Việt Nam, cảm giác của ông lúc đó như thế nào, thưa Đại tướng?

Đại tướng Phạm Văn Trà: Vào thời điểm đó, tôi đang là Trung đoàn trưởng của Trung đoàn U Minh 1. Đây là một giai đoạn hết sức đặc biệt khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa kết thúc. Anh em rất mừng vì vừa mới giải phóng đất nước, hòa bình rồi, sau bao nhiêu năm cuối cùng mới có thể về thăm lại quê hương.

Vì thế, khi nghe tin quân Pol Pot xâm lấn vào lãnh thổ Việt Nam, tôi rất bất ngờ và căm phẫn. Bộ Quốc phòng lúc này quyết định đưa chúng tôi ra ngoài biển để giải phóng các đảo như Thổ Chu, Phú Quốc…

Cần phải nói, đây là chúng ta đánh để bảo vệ Tổ quốc chứ không phải đánh với nhân dân Campuchia. Anh em chiến sỹ khi đó đều sẵn sàng hy sinh để giành lại những đảo mà Pol Pot chiếm đóng.

Vào thời điểm năm 1975, chỉ riêng đảo Thổ Chu, quân Pol Pot đã giết 500 thường dân Việt Nam. Nếu quân đội nhân dân Việt Nam không ra sớm thì ngay cả Phú Quốc cũng rơi vào cảnh tương tự. Chúng ta đã kịp thời giải phóng và bảo vệ được những đảo mà Pol Pot chưa chiếm kịp.

(Nguồn: Vietnam+)
(Nguồn: Vietnam+)

– Vào các năm tiếp theo, chiến sự tại khu vực biên giới Tây Nam tiếp tục leo thang khi quân Pol Pot mở đợt tiến công toàn diện trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta. Thời điểm đó, tinh thần chung của quân và dân ta như thế nào, thưa Đại tướng?

Đại tướng Phạm Văn Trà: Cuối tháng 4/1977, quân Pol Pot sử dụng lực lượng cấp sư đoàn và lực lượng địa phương các tỉnh biên giới đồng loạt tiến công xâm lược toàn bộ tuyến biên giới phía Tây Nam. Khi ấy, nhân dân ta, đặc biệt là người dân khu vực biên giới rất hoang mang. Riêng trên tuyến biên giới Quân khu 9, chúng sử dụng 7 tiểu đoàn cùng lực lượng địa phương 2 tỉnh Takeo và Kandan đánh vào 13 đồn Công an vũ trang và 14/16 xã từ Vĩnh Gia đến Vĩnh Xương (An Giang).

(Nguồn: Vietnam+)

Lúc ấy, nhân dân ta, đặc biệt là người dân khu vực biên giới rất hoang mang. Mặc dù vậy, gần như ngay lập tức, quân chủ lực từ các Sư đoàn đã được huy động, phối hợp tác chiến cùng với lực lượng vũ trang địa phương và các đồn Công an vũ trang đánh trả địch quyết liệt, bảo vệ dân, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, từng bước hất chúng về phía bên kia biên giới.

Nếu không đánh, người dân vùng biên sẽ còn bị giết hại, còn phải sống trong cảnh khốn khổ. Thấy lực lượng chúng ta đánh thắng như thế, nhân dân rất phấn khởi. Nhân dân ủng hộ nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ bộ đội, tiếp tế cho bộ đội mặc dù điều kiện chung còn rất khó khăn.

Thực ra, cuộc chiến tranh này là một cuộc chiến bắt buộc chứ không phải chúng ta chủ động. Bản thân chúng ta luôn muốn giữ mối quan hệ hòa bình mãi mãi với nhân dân Campuchia nhưng Pol Pot lại chủ động tấn công, xâm lấn lãnh thổ, buộc chúng ta phải cầm súng. Tất cả đều quyết tâm bảo vệ tới cùng từng thước đất của quê hương.

– Khi Quân đội nhân dân Việt Nam đẩy chiến tranh sang bên kia biên giới, xuất hiện nhiều luồng dư luận đánh giá chưa thực sự khách quan từ phía quốc tế. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này, thưa Đại tướng?

Đại tướng Phạm Văn Trà: Thực ra, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến tranh chống chế độ Pol Pot của chúng ta có 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới, biên cương Tổ quốc. Giai đoạn thứ hai là giải phóng cho nhân dân Campuchia. Giai đoạn cuối cùng từ năm 1980 tới 1985, do nước ngoài ủng hộ nên Pol Pot khôi phục lại lực lượng ở biên giới giáp với Thái Lan.

Riêng đối với giai đoạn chúng ta tiến hành giải phóng nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, một người Mỹ về sau có nói với tôi như thế này: “Khi quân đội Việt Nam tiến sang Campuchia, cả thế giới đã lên án, kể cả Mỹ, Thế nhưng, cho tới bây giờ, chúng tôi nghĩ thế giới phải cám ơn và ủng hộ Việt Nam vì đã sớm phát hiện và tiêu diệt sớm bọn khủng bố quốc tế.”

Ngay cả nhân dân Campuchia khi đó cũng rất ủng hộ quân tình nguyện Việt Nam. Họ gọi bộ đội Việt Nam là “bộ đội nhà Phật” vì chúng ta đã giải thoát cho hàng vạn người dân Campuchia ra khỏi các trại tập trung.

Đặc biệt, sau đợt đánh cảnh cáo đầu tiên trên đất bạn, khi bộ đội rút quân về nước, người dân Campuchia đã khóc. Họ nói với chúng tôi rằng: Nếu không có bộ đội Việt Nam sang thì họ đã bị giết hết. Họ muốn chúng tôi ở lại, nhưng lúc đó đã có lệnh của Bộ Quốc phòng. Đến khi chúng tôi đánh lần hai và ở lại, bà con người Campuchia rất phấn khởi.

Đại tướng Phạm Văn Trà. (Ảnh: Vietnam+)
Đại tướng Phạm Văn Trà. (Ảnh: Vietnam+)

– Cuộc chiến chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot trên đất bạn Campuchia của Quân tình nguyện Việt Nam cũng là một cuộc chiến tranh nhân dân, vì nhân dân và dựa vào nhân dân, thưa Đại tướng?

Đại tướng Phạm Văn Trà: Đúng vậy! Khi Quân tình nguyện tiến công sang bên kia biên giới, chúng tôi cũng phải dựa vào dân, phối hợp cùng với quân đội bạn để hình thành được chiến tranh nhân dân. Nhờ đó mới đẩy được lực lượng nằm vùng của Pol Pot trong nhân dân chạy ra. Nếu không được nhân dân ủng hộ thì sẽ khó để thực hiện được điều này vì bọn nằm vùng cũng là dân thôi.

Tôi có một kỷ niệm rất đáng nhớ. Đó là khi đơn vị tôi vào các xã, thôn của nước bạn thì thấy tất cả tượng Phật trong chùa đều bị quân Pol Pot chặt hết đầu. Chúng tôi đã đi nhặt từng bộ phận về lắp lại rồi mời những ông sư trước kia không dám nhận là sư trở về chùa. Nhân dân Campuchia bấy giờ liên tục cảm ơn bộ đội. Cái này chỉ có quân đội Việt Nam mới làm được thôi.

Khi giải phóng xong làng mạc, bộ đội lại xuống làm dân, cùng giúp đỡ dân, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống. Các sư đoàn đã rải quân xuống từng thôn; tìm được người đứng đầu để lập ra chính quyền cơ sở thì bộ đội mới rút. Chính vì vậy, nhân dân càng phấn khởi. Các đồng chí thuộc mặt trận [Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia – PV] cũng đồng tình với cách làm này.

Từ sau năm 1985, khi chúng ta giải phóng được các căn cứ của Pol Pot ở biên giới Thái Lan-Campuchia thì Quân tình nguyện vẫn tiếp tục giúp bạn ổn định tình hình rồi mới rút quân về vào năm 1989.

– Đại tướng đánh giá thế nào về toàn bộ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot 40 năm về trước?

Đại tướng Phạm Văn Trà: Thứ nhất, thực ra chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là một cuộc chiến của chính nghĩa. Cũng vì sự chính nghĩa mà toàn thể nhân dân đã ủng hộ. Đến khi chúng ta đánh sang Campuchia, yếu tố chính nghĩa tiếp tục thể hiện. Nếu không vì chính nghĩa, nhân dân Campuchia sẽ không bao giờ ủng hộ và cũng sẽ không tiêu diệt được Pol Pot.

Đất nước nào cũng thế thôi, quân đội nước ngoài đánh chiếm nước ấy mà không được nhân dân ủng hộ sẽ không bao giờ thành công. Toàn bộ cuộc chiến ấy là cuộc chiến của chính nghĩa và vì chính nghĩa.

– 40 năm sau chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot, Việt Nam và Campuchia tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc cùng xây dựng đường biên giới chung hòa bình và hữu nghị. Ông đánh giá thế nào về sự hợp tác này, thưa Đại tướng?

Đại tướng Phạm Văn Trà: Tôi rất mừng vì hiện nay việc cắm mốc đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã cơ bản hoàn thành. Bây giờ chỉ còn lại một vài đoạn thôi. Nhưng sớm muộn, chúng ta cũng sẽ thực hiện xong. Ta vẫn dựa vào bản đồ thời Pháp cũ đã quy hoạch rồi vì những đường [biên giới – PV] đó là chính xác nhất. Chúng ta cũng mời các chuyên gia của Pháp đến lấy bản đồ để cắm mốc.

– Xin cám ơn Đại tướng vì cuộc trò chuyện!

Vĩ thanh

Có một nghĩa trang Trường Sơn ở Tây Nam Tổ Quốc

Những người lính từ chiến trường Campuchia trở về gọi nghĩa trang Dốc Bà Đắc là nghĩa trang Trường Sơn của vùng Bảy Núi (Tịnh Biên, An Giang). Nơi đây đã quy tập được hơn 8.000 ngôi mộ của các chiến sỹ 3 miền Bắc – Trung – Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh; trong đó phần lớn là những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pol Pot.

Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc nằm trên địa bàn xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Trong những năm tháng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, nghĩa trang Dốc Bà Đắc được hình thành và trực thuộc Sư đoàn 330. Sau nhiều lần tôn tạo, hiện thuộc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Tịnh Biên trực tiếp quản lý.

Ai đã một lần đi qua nơi ấy, ngước nhìn lên bia đá nghĩa trang, đều sẽ có chung một cảm xúc tự hào và bi tráng. Hình ảnh người lính đá vọng kèn vào trời xanh như khắc sâu trông tâm can con người ta một khúc tráng ca về những người đã ngã xuống. Cây kèn rướn về phía nơi mộ chí các anh, nghe trong gió vẫn như vang vọng tiếng hò reo ồn ã, tiếng từng bước chân đi theo lời hiệu triệu non sông.

Nơi nghĩa trang ấy, chẳng bao giờ vắng mùi hương trầm thoảng bay trong gió. Thân nhân liệt sỹ tới thắp hương những cho ngôi mộ đã tìm về được về với gia đình, người hành hương hay đồng đội năm xưa đốt nén nhang thơm bên bia mộ khuyết danh.

Điều đặc biệt, những ngôi mộ liệt sĩ tại nghĩa trang này phần lớn là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất Campuchia. Và thời ấy, các anh còn rất trẻ…

Các anh trở về với đất mẹ, khi tuổi mới đôi mươi, người bỏ lại mẹ già nơi quê hương đang vào vụ gặt, người buông bút sách gác lại ước mơ tuổi trẻ lên đường đánh giác, có người là con thứ, con trưởng, con một, có người có vợ con, có người chưa…

Nơi các anh nằm xuống, người trên đất mẹ Việt Nam, người bỏ lại xác thân trên đất bạn Campuchia. Các anh trở về đây nhờ vòng tay những người đồng đội năm xưa. Khi chiến tranh cùng nhau xung phong ra mặt trận, ngày trở về lại dìu dắt nhau tìm lại những người đã anh dũng hy sinh.

Những đồng đội năm xưa dù không chung một đơn vị nay tập hợp bên nhau lập thành Đội Chuyên trách K90 Quân khu 9 và Đội Chuyên trách K93 An Giang tìm kiếm, cất bốc và hồi hương tại các tỉnh: Kandal, Kampong Chhnang, Koh Kong, Kampong Speu, Takeo, Kampot (Campuchia). Đến nay, Đội K93 đã tổ chức 30 đợt ra quân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; phát hiện, cất bốc được 2.827 hài cốt liệt sĩ bao gồm cả trong nước và trên đất bạn Campuchia.

(Nguồn: Vietnam+)

Ông Ngô Văn Định, quản trang tại Dốc Bà Đắc cho biết: Tính trong vòng hai năm 2017-2018, đã có hơn 160 bộ hài cốt từ Campuchia được quy tập. Tuy nhiên, việc đưa những người lính đã nằm xuống trên đất nước chùa Tháp trở về ngày càng một khó khăn hơn do địa hình thay đổi, cộng với việc các nhân chứng đều đã không còn.

Chiến tranh đã qua đi 40 năm. 40 năm các anh vẫn còn gửi thân nơi đất bạn. Và tại nghĩa trang này, hàng trăm đồng đội, đồng chí còn lại vẫn cứ xây sẵn những hộc mộ trống để chờ các anh trở về giữa vòng tay Tổ quốc.

Những ngày cuối năm, “nghĩa trang Trường Sơn” phía Tây Nam của Tổ quốc vẫn ngào ngạt hương trầm và lồng lộng gió.