‘Không có bộ đội Việt Nam, chúng tôi sẽ chết’

Hai tác giả cuốn sách về Hun Sen là một cặp vợ chồng, ông Harish Chandra Mehta là một giảng viên đại học và nhà nghiên cứu lịch sử người Mỹ, còn bà Julie là giảng viên về văn chương và Nam Á học tại đại học Toronto, Canada. Hai người hoàn thành cuốn tiểu sử dày hơn 450 trang vào tháng 8 năm 1999 sau nhiều cuộc phỏng vấn trực tiếp Thủ tướng Hun Sen và hàng chục nhân vật có liên quan đến Hun Sen.

Với hai năm bỏ công thu thập tư liệu với rất nhiều cuộc gặp gỡ các yếu nhân và nhân chứng, đi qua rất nhiều vùng đất, hai tác giả Harish Mehta và Julie Mehta của cuốn “Hun Sen nhân vật xuất chúng của Campuchia” đã lần đầu tiên hoàn thành cuốn sách viết về tiểu sử của một nhà lãnh đạo với câu chuyện đời tư nhiều hấp dẫn mà chắc chắn là vẫn còn nhiều bí ẩn chưa thể khai thác hết.

Khi nhà báo đặt câu hỏi về việc quân đội Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, Thủ tướng Hun Sen đã kiên trì giải thích, đó là hành động giải phóng.

Hình ảnh các nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot tại Nhà tù Toul Sleng (Ảnh: AFP)
Hình ảnh các nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot tại Nhà tù Toul Sleng (Ảnh: AFP)

Các tác giả phương Tây đã viết nhiều sách về tiểu sử thủ tướng Campuchia Hun Sen, nhưng cuốn “Hun Sen nhân vật xuất chúng của Campuchia” (Hun Sen: Strongman of Cambodia) của hai tác giả Harish Mehta và Julie Mehta được giới nghiên cứu chính trị, lịch sử đánh giá cao.

Ngay ở chương mở đầu, kể về cuộc phỏng vấn đầu tiên với thủ tướng Campuchia năm 1997, các tác giả kể lại:

Cuộc phỏng vấn đã diễn ra êm xuôi cho tới khi chúng tôi hỏi ông một câu, trong đó chúng tôi đã nhắc đến hành động quân sự của Việt Nam để lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot như là một “sự xâm chiếm.”

Điều này đã khiến cho ông Hun Sen đưa ra câu trả lời đầy sôi nổi, phẫn nộ. Ông đã nhanh chóng sửa lối giải thích lịch sử của chúng tôi, ông nói điều đó không bao giờ là một sự xâm chiếm, mà là một hành động giải phóng khỏi chế độ diệt chủng.

Hàng vạn người dân thủ đô Phnom Penh đứng dọc 2 bên đường, lưu luyến tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước, tháng 6/1984. Ảnh: TTXVN
Hàng vạn người dân thủ đô Phnom Penh đứng dọc 2 bên đường, lưu luyến tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước, tháng 6/1984. Ảnh: TTXVN

Ông hỏi lại bằng tiếng Anh với giọng phải cố uốn ép lên xuống, một ngoại ngữ mà ông thấy khó và chưa bao giờ cảm thấy cần phải thành thạo “Làm thế nào tôi, một người Campuchia lại xâm chiếm đất nước của chính mình?”

Khi nhà báo đặt câu hỏi về việc quân đội Việt Nam lật đổ Khmer Đỏ, Thủ tướng Hun Sen đã kiên trì giải thích, đó là một hành động giải phóng.

Trong cuốn sách, Hun Sen đã kể cho vợ chồng Mehta về tuổi thơ của ông, quá trình học tập tại Phnom Penh cho đến khi gia nhập lực lượng du kích của Khmer Đỏ (Campuchia Dân chủ) để chống lại chế độ độc tài Lon Nol, trở thành lãnh đạo quân sự ở cấp tham mưu trưởng trung đoàn đặc công, cho đến khi nhận ra sự tàn bạo của Pol Pot và đào thoát sang Việt Nam tháng 5/1977, để thành lập Mặt trận Thống nhất Cứu nguy, Đoàn kết và Giải phóng Campuchia.

Sau khi được bộ đội Việt Nam tiếp nhận, ông đã yêu cầu phía Việt Nam giúp đỡ để lật đổ chế độ Pol Pot. “Tôi đã bị từ chối,” ông thất vọng kể.

“Việt Nam cho biết nếu họ đồng ý yêu cầu của tôi xin giúp đỡ, họ sẽ bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia Dân chủ. Khi ấy chính phủ Việt Nam sẽ cố gắng đàm phán với Campuchia Dân chủ để làm dịu các căng thẳng quân sự trên biên giới chung,” ông kể với vợ chồng nhà báo Mehta.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (giữa) nhìn bức phù điêu khắc hình của ông trên tường Đài tưởng niệm Thắng-Thắng trong lễ khánh thành tại làng Prek Ta Sek, ngoại ô Phnom Penh, Campuchia, vào ngày 29/12/2018. (Nguồn: AP)
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (giữa) nhìn bức phù điêu khắc hình của ông trên tường Đài tưởng niệm Thắng-Thắng trong lễ khánh thành tại làng Prek Ta Sek, ngoại ô Phnom Penh, Campuchia, vào ngày 29/12/2018. (Nguồn: AP)

Ông Hun Sen khẳng định: “Việt Nam luôn luôn tôn trọng sự độc lập và chủ quyền của Campuchia, các vị lãnh đạo của Việt Nam đã từ chối lời thỉnh cầu giúp đỡ của tôi và nói điều đó có thể làm phương hại đến mối quan hệ giữa hai nước.”

Ông Hun Sen nói, một cơ hội “vàng” đã xuất hiện khi Pol Pot tấn công Việt Nam vào năm 1977. Thái độ gây hấn của Pol Pot đã đánh dấu thời kỳ bắt đầu thay đổi chính sách của Việt Nam.

Thủ tướng Campuchia kể lại: “Nếu Pol Pot không tấn công Việt Nam, tôi nghĩ chúng tôi sẽ không có được sự ủng hộ của Việt Nam để lật đổ chế độ Campuchia Dân chủ. Pol Pot đã vướng phải sai lầm là đã giết người dân của chính ông ta (kể cả những người gốc Việt) và phát động các cuộc tấn công vào Việt Nam.”

Pol Pot đã vướng phải sai lầm là đã giết người dân của chính ông ta (kể cả những người gốc Việt) và phát động các cuộc tấn công vào Việt Nam.” (Thủ tướng Hun Sen)

Phân tích từ các dữ liệu, vợ chồng Mehta xác nhận, các sự kiện chính trị lúc đó bắt đầu nhanh chóng diễn ra theo chiều hướng có lợi cho Hun Sen.

Sau khi bị Pol Pot tấn công, Việt Nam xét lại thái độ trung lập của họ đối với người láng giềng bặm trợn. Khi Pol Pot tái bố trí các lực lượng của ông ta từ Tây Nam Campuchia tới phía đông Campuchia để sẵn sàng tấn công Việt Nam, điều đó đã buộc một số lớn người dân Campuchia trốn sang Việt Nam.

  • 931279resi-1546489186-57.jpg
  • an792resiz-1546489346-58.jpg
  • an793resiz-1546489493-17.jpg
  • an1424resi-1546489565-19.jpg
  • an755resiz-1546489739-22.jpg
  • ae13164res-1546489895-27.jpg
  • ae13130res-1546489975-58.jpg
  • ae13139res-1546490077-66.jpg
  • an1126resi-1546490210-54.jpg
  • an1405resi-1546490352-35.jpg

Ông kể “Đó là một cơ hội bằng vàng cho tôi. Đến khi ấy Việt Nam đã quyết định giúp Campuchia. Đó là cơ hội cho chúng tôi tuyển mộ các lực lượng vũ trang của mình từ những người lánh nạn Campuchia đã chạy sang Việt Nam. Chính bản thân tôi đã không thể thuyết phục được Việt Nam. Nhưng khi Pol Pot tấn công thì Việt Nam phải đứng lên tự vệ chính đáng. Họ cảm thấy bị xúc phạm và đã quyết định giúp chúng tôi.“

Lúc đó, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, với sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam, đã cùng tham gia quá trình giải phóng đất nước, tiến vào giải phóng Phnom Penh tháng 1/1979.

Hun Sen cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu giải phóng đất nước bằng cách mở ra Mặt trận Thống nhất với quân số giới hạn, nhưng khi chúng tôi chiến đấu xong, quân số đã tăng lên gấp nhiều lần, ngày càng có nhiều người gia nhập. Khi cuộc chiến chấm dứt, với lực lượng 2 vạn quân chiến đấu mạnh lúc bắt đầu cho tới khi chế độ Pol Pot bị sụp đổ trước các lực lượng quân đội nhân dân, quân số đã lên tới 4 vạn.”

Chủ tịch Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia Heng Samrin (bên phải) trao lá cờ của Mặt trận cho một đơn vị lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia. Ảnh: Nguyễn Dĩnh – TTXVN
Chủ tịch Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia Heng Samrin (bên phải) trao lá cờ của Mặt trận cho một đơn vị lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia. Ảnh: Nguyễn Dĩnh – TTXVN

Sau khi giải phóng Phnom Penh, Hun Sen được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Năm 1981, ông được bổ nhiệm làm phó Thủ tướng Chính phủ, và đến năm 1985 được bổ nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ.

Khẳng định về công lao to lớn của bộ đội Việt Nam với đất nước, nhân dân Campuchia, ông nói “Không có bộ đội Việt Nam, chúng tôi sẽ chết“.

Khẳng định về công lao to lớn của bộ đội Việt Nam với đất nước, nhân dân Campuchia, ông Hun Sen nói “Không có bộ đội Việt Nam, chúng tôi sẽ chết.“

Về việc quân đội Việt Nam ở lại Campuchia sau khi đánh đuổi quân Khmer Đỏ về vùng biên giới, Hun Sen giải thích: “Chính tôi đã nói với Lê Đức Thọ (Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam) và những người khác rằng nếu họ rút quân và Pol Pot quay trở lại được, thì càng nhiều người sẽ bị giết. Vào thời điểm đó, các lực lượng của Campuchia không đủ sức chống lại Pol Pot và chúng tôi cần thời gian để củng cố các lực lượng và nền kinh tế của mình.”

Ông nói thêm: “Chính phủ Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi yêu cầu họ như thế. Sau đó chúng tôi đồng ý họ sẽ thử giảm bớt các lực lượng của họ vào năm 1982. Chính phủ Việt Nam giảm quân số, còn chúng tôi sẽ tăng lực lượng của mình lên. Ngay cả khi là một Bộ trưởng Ngoại giao, tôi vẫn can dự vào một chiến lược như thế.”

“Tôi vẫn còn nhớ cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao gồm Campuchia, Lào và Việt Nam ở Hà Nội vào năm 1985, chúng tôi đã đồng ý là các lực lượng bộ đội Việt Nam sẽ rút quân từ 10 tới 15 năm nữa. Nhưng do sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng vũ trang Campuchia, và các cuộc đàm phán (hòa bình) giữa Sihanouk và tôi, chúng tôi đã rút các lực lượng bộ đội Việt Nam sớm hơn”.

Trưa 7/1/1979, quân đội Cách mạng Campuchia tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh. (Nguồn: TTXVN)
Trưa 7/1/1979, quân đội Cách mạng Campuchia tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh. (Nguồn: TTXVN)

Cố quốc vương Norodom Shihanouk

viết về tội ác của Khmer Đỏ

Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk (1922-2012) là một người rất yêu văn học nghệ thuật, ông đã viết sáu cuốn sách có tính chất hồi ký kể lại nhiều thăng trầm trong cuộc đời hoạt động gắn bó với lịch sử Vương quốc Campuchia.

Đặc biệt, hai cuốn sách viết bằng tiếng Pháp năm 1986 tựa đề “CIA chống Campuchia” và “Người tù của Khmer Đỏ” thuật lại những biên cố to lớn xảy ra trên đất Campuchia từ 1970 đến 1979, mở đầu bằng cuộc đảo chính do Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) chủ mưu và kết thúc bằng sự sụp đổ của chế độ Pol Pot.

Hai cuốn sách này đã được Nhà xuất bản Công an Nhân dân gộp lại và dịch sang tiếng Việt mang tên “Từ cuộc chiến chống CIA đến người tù của Khmer Đỏ.”

Trong cuốn sách, Cựu vương kể lại chi tiết lịch sử hơn 100 năm của Vương quốc Campuchia, từ khi thực dân Pháp bắt đầu áp đặt chế độ cai trị đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, phần lớn nội dung cuốn sách nhấn mạnh giai đoạn đầy biến động của đất nước này trong thập kỷ 1970.

‘Qua báo chí và đài phát thanh nước ngoài mà tôi rất háo hức theo dõi ở Bắc Kinh, tôi được biết tình cảnh thảm khốc của việc lùa dân ra khỏi thành phố.’ (Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk)

Ông viết: “Ngày 17/4/1975, quân Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh. Ngay sau hôm chiến thắng tôi đã đề nghị ban lãnh đạo Khmer Đỏ cho tôi được về nước. Vài ngày sau, Angkar, tức tổ chức lãnh đạo của chế độ Pol Pot và chính phủ mới, thông qua ông Khieu Samphan lúc đó đang giữ chức Phó Thủ tướng, đề nghị tôi “kiên nhẫn” chờ đợi vì trước mắt đang còn phải truy quét “những tên tay sai của địch đang còn nhung nhúc ở Phnom Penh” đe doạ tính mạng tôi. Họ nói thêm, những điều kiện vệ sinh trong thủ đô hãy còn tồi tệ, đang có “bệnh dịch hạch và dịch tả.”

Thật ra, Pol Pot lúc đó đã xua đuổi toàn bộ dân chúng ra khỏi thành phố rồi. Liền sau đó, qua báo chí và đài phát thanh nước ngoài mà tôi rất háo hức theo dõi ở Bắc Kinh, tôi được biết tình cảnh thảm khốc của việc lùa dân ra khỏi thành phố.”

Pol Pot, Nuon Chea, Ieng Sary và Son Sen tại Phnom Penh trong khoảng thời gian từ 1975 and 1979. (Ảnh: Frederic Amat/Sygma via Getty Images)
Pol Pot, Nuon Chea, Ieng Sary và Son Sen tại Phnom Penh trong khoảng thời gian từ 1975 and 1979. (Ảnh: Frederic Amat/Sygma via Getty Images)

Ông bổ sung: “Nhiều đồng bào của tôi chạy trốn sang Pháp, viết thư kể chuyện cho tôi rõ, Khmer Đỏ đã lần lượt thanh toán những người thuộc phe cánh của Lon Nol và của cả Sihanouk. Ngay đến dân chúng Campuchia, những người chờ đón Khmer Đỏ tiến vào như những người giải phóng cho họ, cũng bị đuổi khỏi thành phố, hàng ngàn người chết gục trên các nẻo đường.

Tháng 9/1975 các ông Ieng Sary, Khieu Samphan, Son Sen đã tiết lộ với tôi, họ không thể để cho hai triệu người dân Campuchia sống tại thủ đô Phnom Penh được bởi vì chính quyền của họ mới được thiết lập có lẽ đang bị uy hiếp bởi nhiều gián điệp của Mỹ, Liên Xô, Pháp… thâm nhập vào Phnom Penh. Thành phố này đang biến thành một mê hồn trận” có nhiều gián điệp và phá hoại mà chưa thủ tiêu được. (Họ nói đúng nguyên văn như thế đó!)

Ngay đến dân chúng Campuchia, những người chờ đón Khmer Đỏ tiến vào như những người giải phóng cho họ, cũng bị đuổi khỏi thành phố, hàng ngàn người chết gục trên các nẻo đường. (Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk)

Hiển nhiên cái gọi là “sự cần thiết” phải lùa dân đô thị về nông thôn để “có thức ăn” và tránh khỏi “máy bay Mỹ ném bom” chỉ là một cái cớ giả tạo nẩy sinh từ một chính sách chủ trương quái gở, mất gốc, trái với những lời răn dạy của đức Phật.

Về cái gọi là “có thức ăn” thì thật sự dân chúng bị đuổi khỏi Phnom Penh đã hoàn toàn bị bỏ đói vì không được chuẩn bị một chút gì về lương thực cũng như tiếp tế lương thực. Còn về chuyện “máy bay Mỹ ném bom” thì rõ ràng đã không bao giờ xảy ra. Hậu quả của những sự lừa dối kinh khủng đó đã làm không biết cơ man nào là người chết.”

Cựu quốc vương, người từng làm vua Vương quốc Campuchia hai lần, lần đầu từ 1941-1955, lần thứ hai từ 1993-2004, và nhiều lần giữ chức vụ Quốc trưởng, Thủ tướng quốc gia này, nói về tội ác phá hủy văn hóa của Khmer Đỏ: “Khmer Đỏ không thoả mãn với việc giết hại một hoàng tử, công chúa, hoàng thân, những nhân vật bảo hoàng, những tín đồ đạo Phật, đạo Hồi, đạo Thiên Chúa…, bọn cực đoan này còn “tàn sát” cả tượng Phật, san bằng đền chùa thiêu huỷ các bản Kinh Phật, những báu vật của văn minh, văn hoá và triết học Phật giáo.”

Một phụ nữ khóc bên cạnh một thi thể người thân sau khi quân Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh, tháng 4/1975. (Nguồn: Getty Images)
Một phụ nữ khóc bên cạnh một thi thể người thân sau khi quân Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh, tháng 4/1975. (Nguồn: Getty Images)

Cựu vương miêu tả cách Khmer Đỏ đày đọa nhân dân Campuchia như nô lệ trên các công trường lao động lớn: “Những “nô lệ” lao động trên công trường này được điều động từ các nơi xa tới. Phần lớn đều là thanh niên, thiếu niên, cả nam lẫn nữ. Theo lệnh Angkar, họ phải đảm đương những công việc nặng nhọc nhất “bởi vì họ trẻ và khỏe,” và phải liên tục lao động từ công trường này đến công trường khác không được nghỉ.

Ví dụ: một đội lưu động vừa đào xong một con sống dài mấy trăm cây số trong khu vực Puasat – Battambang thì ngay tối hôm đó Angkar ra lệnh phải hành quân cấp tốc tới một công trường mới ở Siem Reap, bên kia Biển Hồ. Angkar không dung thứ cho bất cứ một lời kêu ca phàn nàn nào. Mọi ý kiến chống đối hoặc đề nghị cho nghỉ giải lao hai mươi bốn giờ để lấy sức tiếp tục đi bộ đều bị thủ tiêu ngay.”

Chế độ Pol Pot bị dư luận quốc tế buộc tội đã gây ra tội ác diệt chủng, khiến 2 triệu người dân Campuchia thiệt mạng.

“Đó là những câu chuyện mà năm 1980, một người trốn thoát khỏi Campuchia đã viết thư kể lại cho tôi biết,” ông viết trong hồi ký.

Chế độ Pol Pot bị dư luận quốc tế buộc tội đã gây ra tội ác diệt chủng, khiến 2 triệu người dân Campuchia thiệt mạng.

Cựu vương Sihanouk ghi lại lời kể của bà Bua Tan, em họ Thái hậu, bị đưa đi một công xã thuộc tỉnh Battambang khi được trở về nhà thường thì thầm kể lại: “Trong công xã mà chúng tôi lao động có gài mật vụ của Angkar theo dõi chặt chẽ tất cả mọi người thế mà vẫn không ngăn được mỗi đêm có vài “nô lệ” chạy trốn. Người ta còn lôi kéo mua chuộc trong đám nô lệ một số người trở thành đao phủ của Angkar. Một mụ đàn bà không hề giấu giếm mình là một trong những tên đao phủ đó. Mụ khoe đã giết được vô khối tên phản cách mạng bằng cách đập gậy vào đầu cho đến chết.”

Các học sinh tái hiện tội ác của chế độ diệt chủng Pol Pot trong “Ngày giận dữ” hàng năm tại đài tưởng niệm ở “cánh đồng chết” Choeung Ek, Phnom Penh, Campuchia vào ngày 20 tháng 5. (Nguồn: AFP)
Các học sinh tái hiện tội ác của chế độ diệt chủng Pol Pot trong “Ngày giận dữ” hàng năm tại đài tưởng niệm ở “cánh đồng chết” Choeung Ek, Phnom Penh, Campuchia vào ngày 20 tháng 5. (Nguồn: AFP)

Norodom Shihanouk hết sức đau lòng khi chứng kiến Khmer Đỏ giết hại rất nhiều trẻ em: “Nhiều trẻ nhỏ đã bị giết chỉ vì đi lạc. Trời tối, đáng lẽ phải trở về công xã này thì các em lại đi nhầm sang công xã khác. Thế là người ta phải thanh toán những tên “gián điệp” đó, mặc dù kẻ bị tình nghi chỉ là những trẻ nhỏ sáu, bảy tuổi.

Những hình phạt đối với trẻ em phạm mỗi ở mức “trung bình” chưa tới tội tử hình cũng cực kỳ độc ác, tức là bắt nhịn ăn, bắt phơi nắng hàng giờ không cho uống nước vụt bằng roi, đánh bằng gậy. Nếu đứa trẻ trót nhặt một trái cây đã thối một nửa, rụng từ trên cây xuống đất mấy ngày rồi cũng bị ghép vào tội ăn cắp tài sản của tập thể. Ngay cả con cái của binh lính Khmer Đỏ khi đau ốm cũng không được chăm sóc, thuốc men.”

‘Nhiều trẻ nhỏ đã bị giết chỉ vì đi lạc. Trời tối, đáng lẽ phải trở về công xã này thì các em lại đi nhầm sang công xã khác. Thế là người ta phải thanh toán những tên “gián điệp” đó, mặc dù kẻ bị tình nghi chỉ là những trẻ nhỏ sáu, bảy tuổi.’

“Trước kia, tôi đã từng đi thăm một khu nuôi cá sấu của người Việt Nam ở Kamphong Chhnang. Ở đây, Khmer Đỏ nói với tôi thực đơn nuôi cá sáu là chó, mèo, khỉ. Sau này, khi thoát khỏi địa ngục của Pol Pot, tôi đọc báo phương Tây mới biết đôi lúc Khmer Đỏ vứt cả trẻ em “khó bảo” cho cá sấu ăn thịt. Thật là một tội ác không sao tả xiết”, ông đau đớn kể lại.

Về gia đình riêng, cựu quốc vương cho biết, tổng cộng có tới gần hai chục người, các con, cháu của ông đã bị Khmer Đỏ đưa ra khỏi Phnom Penh và mất tích.

“Lúc này chỉ còn lại có Sihamoni và Narindrapong tiếp tục sống cùng với vợ chồng chúng tôi, những người tù của Pol Pot, cho tới khi những người lính thiện chiến của Hà Nội mở cuộc chiến tranh chớp nhoáng đánh vào Phnom Penh tháng 1/1979. Cuộc tiến công chớp nhoáng này đã có hiệu quả là giải phóng được một bộ phận trong gia đình đông đảo con cháu của tôi,” ông vui mừng kể lại.

Nhân dân Campuchia tham dự Lễ mừng chiến thắng 7/1/1979, được tổ chức ngày 25/1/1979 tại sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh. (Nguồn: TTXVN)
Nhân dân Campuchia tham dự Lễ mừng chiến thắng 7/1/1979, được tổ chức ngày 25/1/1979 tại sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh. (Nguồn: TTXVN)

“Sau khi nhận rõ Pol Pot đã dìm nhân dân Campuchia vào tình trạng thảm hại như thế nào, tôi nhất quyết rời bỏ mọi chức vụ”, ông viết. Tuy nhiên Khmer Đỏ muốn giữ ông lại để làm một thứ bình phong cho chế độ diệt chủng của chúng.

Ông được Pol Pot đưa lên máy bay bay sang Bắc Kinh ngày 6/1, ngay trước khi quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh. Pol Pot còn ép buộc cựu vương làm đại diện cho chúng tại diễn đàn của Đại hội đồng Liên Hợp quốc họp tại New York, Mỹ. Tại đây, ông đã tìm cách nhờ cảnh sát Mỹ giải thoát khỏi sự khống chế của nhân viên an ninh Campuchia Dân chủ, sau đó sang sống lưu vong tại Trung Quốc.