Venezuela

Chính quyền Venezuela một lần nữa trải qua những giờ phút thử thách thực sự khi Tổng thống Nicolas Maduro trở thành mục tiêu của một vụ tấn công quy mô bằng thiết bị bay không người lái có gắn chất nổ trong buổi lễ kỷ niệm 81 năm ngày thành lập lực lượng Phòng vệ Quốc gia diễn ra hôm 4/8.

Việc sử dụng tới 2 thiết bị bay không người lái được gắn chất nổ và được điều khiển từ xa để tấn công nhằm vào một sự kiện có mặt toàn bộ ban lãnh đạo Venezuela và các thành viên lực lượng Phòng vệ Quốc gia cho thấy đây là kế hoạch đã được tính toán kỹ lưỡng, bài bản và chi tiết.

Vụ tấn công sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn về an ninh, chính trị, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải đương đầu với những khó khăn chồng chất.

Rất may, lực lượng an ninh Venezuela đã phát hiện kịp thời và bắn hạ trước khi các thiết bị này tiếp cận “mục tiêu”, bởi nếu không hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Không chỉ liên quan tới tính mạng của Tổng thống Maduro và ban lãnh đạo Venezuela có mặt tại buổi lễ, vụ tấn công sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn về an ninh, chính trị, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải đương đầu với những khó khăn chồng chất.

Đây cũng là “kịch bản” mà các thế lực thù địch cả trong và ngoài Venezuela lâu nay vẫn tìm mọi cách và bằng mọi hình thức với ý đồ lật đổ chính quyền cách mạng Bolivar.

Hỗ trợ binh sỹ Venezuela bị thương tại hiện trường vụ nổ nhằm vào Lễ kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Lực lượng Phòng vệ quốc gia ở Caracas ngày 4/8. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Maduro đã xuất hiện trên sóng truyền hình thông báo việc cơ quan an ninh Venezuela đã bắt giữ được một số đối tượng tham gia âm mưu đen tối này, đồng thời tố cáo các nhóm cực hữu trong nước đứng ra thực hiện kế hoạch tấn công với sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch ở nước ngoài hòng gây bất ổn tình hình tại Venezuela.

Đây không phải là lần đầu tiên Venezuela phải đối mặt với những âm mưu gây bất ổn của các thế lực thù địch. Trong suốt gần 20 năm theo đuổi con đường cách mạng theo tư tưởng của vị anh hùng giải phóng Simon Bolivar, kể từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền năm 1999, đất nước Venezuela đã phải đối mặt với rất nhiều âm mưu phá hoại tác động mạnh mẽ tới đời sống chính trị và xã hội, trong đó có vụ đảo chính và bắt giam nhà lãnh đạo Hugo Chavez vào tháng 4/2002.

Đây không phải là lần đầu tiên Venezuela phải đối mặt với những âm mưu gây bất ổn của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, nhờ có sức mạnh của nhân dân và lực lượng quân đội trung thành nên nhà lãnh đạo cánh tả đã được giải thoát và trở lại nắm quyền chỉ sau đó 48 giờ.

Trong suốt thời gian ông nắm quyền cho tới khi ngã bệnh và qua đời vào đầu năm 2013, chính quyền của Tổng thống Chavez cũng phải đối mặt với hàng loạt vụ phá hoại ngành dầu khí, một mũi nhọn của nền kinh tế Venezuela, cũng như các vụ bạo loạn, gây bất ổn định xã hội do phe đối lập phát động.

Kể từ khi Tổng thống Maduro đắc cử lần đầu tiên năm 2013 và kế tục di sản mà nhà lãnh đạo cánh tả Chavez để lại, các hoạt động chống phá hòng lật đổ chính quyền, phá hoại công cuộc cách mạng Bolivar cũng không ngừng gia tăng.

Biểu tình bạo động của phe đối lập ở Venezuela. (Nguồn: adn40.mx)

Ngay thời gian đầu sau cuộc bầu cử năm 2013, khi không thể thực hiện ý đồ phá hoại “con tàu” cách mạng bằng con đường bầu cử dân chủ, phe cánh hữu ở Venezuela, với sự kích động từ bên ngoài, đã phát động hàng loạt cuộc biểu tình bạo động, khiến tình hình xã hội ở quốc gia Nam Mỹ này rơi vào tình trạng bất ổn trong nhiều tháng.

Không chỉ có vậy, các thế lực thù địch sau đó đã tiến hành hàng loạt chiến dịch phá hoại nền kinh tế và ổn định xã hội, từ hoạt động như phá hoại các nhà máy và hệ thống phân phối điện; đầu cơ, tích trữ quy mô lớn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường, cho tới tuồn trái phép đồng nội tệ Bolivar với số lượng lớn ra nước ngoài, gây khan hiếm tiền mặt ở trong nước hòng gây hỗn loạn thị trường tài chính tiền tệ.

Âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong nước, kết hợp với các biện pháp đe dọa, gây sức ép từ bên ngoài, là một trong những nguyên nhân đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Mặc dù cơ quan chức năng Venezuela đã đấu tranh quyết liệt với những âm mưu phá hoại này, song cuộc chiến kinh tế mà các thế lực thù địch tiến hành đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Venezuela, vốn đã lâm vào khủng hoảng do giá dầu mỏ – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này – giảm mạnh. Âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong nước, kết hợp với các biện pháp đe dọa, gây sức ép từ bên ngoài, là một trong những nguyên nhân đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Một số chuyên gia cho rằng những âm mưu chống phá liên tục suốt nhiều năm qua đã không đem lại kết quả, chính quyền cách mạng Bolivar vẫn trụ vững và đó cũng là lý do khiến các thế lực thù địch bắt đầu tính đến những chiến lược mới, kể cả thực hiện ý đồ ám sát lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Venezuela, trong bối cảnh nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Maduro mới chỉ bắt đầu.

https://atavist-migration-2.newspackstaging.com/wp-content/uploads/2018/08/ammuuamsa-1533658394-76.mp4.mp4
Video khoảnh khắc Tổng thống Venezuela Maduro bị mưu sát.

Khi Chính phủ Venezuela đang phải giải quyết những “bài toán hóc búa” do tình trạng bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, những vụ tấn công như vụ việc ngày 4/8 là minh chứng cho thấy các thế lực thù địch chưa chịu từ bỏ âm mưu phá hoại những thành quả của cuộc cách mạng Bolivar do cố Tổng thống Hugo Chavez khởi xướng.

Tuy nhiên, như chính Tổng thống Maduro đã khẳng định, dù thế nào đi nữa thì những âm mưu đen tối cũng sẽ không bao giờ có thể khuất phục được ý chí của nhân dân Venezuela.

Việc nhân dân Venezuela, trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa qua, một lần nữa bầu cho ứng cử viên của liên minh cánh tả Mặt trận Tổ quốc mở rộng, đương kim Tổng thống Nicolas Maduro tiếp tục làm người lãnh đạo cao nhất đất nước trong 6 năm tới, đã thể hiện rõ niềm tin của người dân vào tiến trình cách mạng mà cả dân tộc đã theo đuổi trong nhiều năm qua. Đây sẽ là sức mạnh để Chính phủ Venezuela tiếp tục vượt qua thử thách, giữ vững thành quả cách mạng./.

Cánh đồng muối trên núi mặn đắng lòng vùng quê nghèo

Cả vùng quê đang yên bình bỗng chốc bị chìm dưới biển nước mặn mênh mông. Từ trên cao, nước muối như cơn lũ đổ xuống khu dân cư, trong tích tắc đã làm ngập hàng trăm ngôi nhà cấp bốn, khu vườn, giếng nước, làm đảo lộn cuộc sống của gần 1.000 hộ dân xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Sự cố nước muối nhuốm mặn khu dân cư ấy xảy ra từ năm 2010, nhưng đến nay nơi đây vẫn đang là một vùng “đất chết” do đất đai bị nhiễm mặn khủng khiếp, nhà cửa của người dân bị muối “ăn” nát tường, hàng trăm giếng nước phải bỏ hoang, môi trường đặc quánh không khí mặn chát, thiếu đất sản xuất, đói nghèo…

Về xã Phước Minh vào những ngày tháng Sáu, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những vườn cây chết đứng, đất nông nghiệp khô cằn hệt như vùng sa mạc. Trong khu dân cư, hàng trăm ngôi nhà cấp bốn đang chờ đổ sập do bị muối “ăn” nát tường, nhiều nhà sửa đi sửa lại nhiều lần vẫn còn dấu tích của muối.

Dưới cái nắng như đổ lửa ở thôn Quán Thẻ 1 (khu vực bị nhiễm mặn nặng nề nhất xã Phước Minh), bà Mai Thị Trang và cậu con trai đang cạo những mảng tường bị bong rộp do muối ăn mòn, sau đó dùng vữa xi măng trám lên thành từng mảnh vá.

Nhà của gia đình bà Trang mới xây cách đây vài năm nên vẫn còn “cơ hội” trám trét lại tường. Còn với những ngôi nhà xây từ lâu như của gia đình bà Nguyễn Thị Khuyên ở kế bên thì đã quá dột nát, chỉ còn cách đập đi xây lại hoàn toàn.

Hiện tại, sau gần thập kỷ bị nước biển xâm thực, toàn bộ nền, tường, mái ngôi nhà cấp bốn của cụ bà 67 tuổi đang mủn ra do bị muối “ăn” nát, một số mảng tường đã bị đổ sập hoàn toàn. Giếng nước nhiễm mặn không thể dùng. Toàn bộ khu vườn ở trước sân cũng trống hoác, cằn cỗi.

Chia sẻ với phóng viên, bà Khuyên kể, gia đình trước có hơn 600 m2 đất trồng rau, ngày trước quanh năm xanh tốt, thu nhập từ bán rau và trái cây cũng đủ nuôi sống gia đình. Thế nhưng, từ khi xuất hiện Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ, cuộc sống gia đình bà đã rơi vào tình cảnh trắng tay.

Theo lời bà Khuyên, xảy ra sự cố nhiễm mặn trên là do doanh nghiệp bơm nước biển lên các hồ chứa trên lưng chừng núi để sản xuất muối, sau đó nước mặn đã thẩm thấu vào làng, gây ra tình trạng nhiễm mặn không khí, đất, nguồn nước ngầm ở thôn Quán Thẻ và các thôn lân cận của xã Phước Minh.

“Đấy chú xem, ở đây cách biển tới gần 20km mà muối cứ phủ trắng khắp nơi như thế này có vô lý không? Có nơi nào làm muối ở trên đồi núi, còn dân ở dưới trũng như ở vùng này không? Sống ở đây mất hết nước ngọt, đất đai nhiễm mặn không trồng gì được, nhà cửa thì sắp đổ rồi, khổ lắm,” bà Khuyên rầu rĩ nói.

Sự cố nước muối nhuốm mặn khu dân cư tại xã Phước Minh xảy ra từ năm 2010, nhưng đến nay nơi đây vẫn đang là một vùng “đất chết” do đất đai bị nhiễm mặn khủng khiếp, nhà cửa của người dân bị muối “ăn” nát tường, hàng trăm giếng nước phải bỏ hoang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ với quy mô lớn nhất trong ngành sản xuất muối công nghiệp ở Việt Nam (diện tích 2.510 ha, công suất hơn 300.000 tấn muối/năm, tổng mức đầu tư hơn 1.344 tỷ đồng) bắt đầu được triển khai từ năm 2000, do Tổng công ty Muối Việt Nam làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài triển khai ì ạch do nhà đầu tư chưa thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động môi trường và chậm đền bù, năm 2008, dự án muối lớn nhất Việt Nam đã được chuyển giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long tiếp tục đầu tư, triển khai các hạng mục còn dang dở.

Chỉ sau một thời gian ngắn tiếp nhận dự án, đầu năm 2009, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long đã chính thức cho ra mẻ muối đầu tiên, đây cũng là thời điểm xảy ra tình trạng nhiễm mặn ở trên địa bàn xã Phước Minh, và sau đó ngày càng trở nên trầm trọng và nhiễm mặn trên diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Bính, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính-Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc triển khai dự án muối ở xã Phước Minh là do khu vực này không đủ nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Vì thế, dự án muối được coi là giải pháp để thay đổi mô hình sản xuất, đảm bảo an ninh muối quốc gia, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cho địa phương.

Để công tác quản lý cũng như khắc phục các hệ lụy do dự án muối gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chuyển giao dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ về Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận quản lý. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Tuy nhiên sau khi dự án được triển khai, vùng đất xã Phước Minh đã phát sinh tình trạng nhiễm mặn, nhiều diện tích đất đai không thể sử dụng,” ông Bính nói.

Kết quả quan trắc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước và Môi trường Bình Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, độ mặn nước mặt tại các thôn bị nhiễm mặn ở xã Phước Minh đã vượt so với tiêu chuẩn quy định từ 36,2 đến 42,7 lần; độ mặn nước ngầm vượt từ 40,7 đến 71,4 lần.

Còn theo khảo sát, đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, thì từ sau sự cố nước muối nhuốm mặn khu dân cư xã Phước Minh, phần lớn giếng nước ngọt trong vùng ảnh hưởng đã bị nhiễm mặn vượt tiêu chuẩn gấp 24-30 lần.

Số liệu thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Phước Minh cho thấy, dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ đã khiến 4 thôn (gồm Quán Thẻ 1, Quán Thẻ 2, Quán Thẻ 3 và Lạc Tiến) bị nhiễm mặn, gần 600 giếng nước không thể sử dụng; cây cối bị chết; các công trình dân sinh, công cộng như nhà cửa, đường sá, trường tiểu học, cột điện bị xuống cấp, hư hỏng nặng.

Ngoài ra, hơn 300 ha đất sản xuất nông nghiệp ở ngoài vùng dự án cũng bị nhiễm mặn không thể sản xuất, trồng trọt, nay đang bị hoang hóa.

Vậy tại sao đất đai, nguồn nước ngầm trong và ngoài vùng Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ tại xã Phương Minh lại bị nhiễm mặn nặng nề và lan tỏa trên diện rộng như vậy?

Theo lý giải của ông Trần Mạnh Cương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Minh, nguyên nhân gây ra sự cố nhiễm mặn trên địa bàn là do cánh đồng muối cao hơn khu dân cư từ 5 đến 10m, địa chất trong vùng chủ yếu là đất cát pha. Trong quá trình xây dựng các ruộng muối, đơn vị sản xuất chỉ chống thấm bờ bao mà không chống thấm nền ruộng. Vì thế, khi nước biển được bơm vào đồng, một phần nước đã thấm xuống lòng đất, chảy về khu dân cư gây nhiễm mặn.

Hơn nữa, Ninh Thuận là địa phương có khí hậu khô hạn nhất nước và Quán Thẻ là vùng khô hạn nhất Ninh Thuận. Nắng nóng làm nước bốc hơi nhanh nên khi nước mặn tràn vào khu dân cư, cả vùng giống như một lò hơi “khổng lồ” khiến cây cối chết, nhà cửa đều bị muối kết trắng xóa, không khí ngột ngạt, mặn chát.

Người dân thôn Quán Thẻ ” với tình trạng khát nước ngọt. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngoài khả năng thẩm thấu nước mặn xuống lòng đất, theo ông Cương, dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ còn để xảy ra sự cố vỡ bờ đê bao chứa nước mặn, khiến nước muối tràn thẳng vào khu dân cư, làm ngập hàng trăm hécta đất nông nghiệp, giếng nước và các hồ chứa nước ngọt trên địa bàn.

Điều đáng nói là, sau khi xảy ra sự cố nước muối nhuốm mặn” khu dân cư, hơn 90% số hộ dân trong xã đã bị thu hồi đất, số còn lại cũng bị nhiễm mặn không thể sản xuất. “Thực trạng này đã khiến Phước Minh trở thành xã ‘trắng’ về nông nghiệp, thiếu đất sản xuất,” ông Cương buồn rầu nói.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Minh cũng cho biết, từ khi dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ đi vào hoạt động đến nay, thôn Quán Thẻ 1 đã có 292 hộ dân bị ảnh hưởng do đất vườn, đất nông nghiệp và nguồn nước nhiễm mặn, nhà cửa hư hỏng nặng nề.

“Đến nay, sau 18 năm dự án muối được triển khai và gây nhiễm mặn, toàn xã vẫn còn 220 ha đất phải bỏ hoang, người dân không thể sản xuất, nhưng hiện tại vẫn chưa được hỗ trợ, đền bù, khiến người dân vô cùng bức xúc. Lý do của việc chậm đền bù ở đây là vì số tiền quá lớn, vào khoảng 140 tỷ đồng,” ông Cương nói thêm.

Hướng ánh mắt xa xăm về phía cánh đồng đã bỏ hoang nhiều năm trời vì nhiễm mặn, bà Trần Thị Huê, trưởng thôn Quán Thẻ 1, buồn rầu nói: “Bao năm qua, chúng tôi phải chịu cảnh ‘khát’ nước sạch, đất đai nhiễm mặn bỏ hoang, nhà cửa bị hư hỏng nặng nề do bị muối ‘ăn’ mòn phải sửa đi sửa lại quanh năm. Thế mà tiền đền bù đến nay vẫn chưa chi trả xong, khiến dân phải sống khốn khổ thế này.”

Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Muối Cà Ná-Ninh Thuận thừa nhận sự cố nhiễm mặn trên đã để lại hậu quả nặng nề. Nguyên nhân là do chủ đầu tư trước đây chưa có đánh giá tác động môi trường nghiêm túc. Tuy nhiên, những năm qua, công ty cũng đã khắc phục thiệt hại, tạo việc làm cho người dân…

“Vừa qua, công ty cũng đã thuê đơn vị tư vấn về đánh giá lại tác động môi trường, cũng như triển khai một số giải pháp để giảm thiểu độ nhiễm mặn. Hiện công việc hỗ trợ và khắc phục thiệt hại vẫn đang tiếp tục được triển khai,” vị đại diện Công ty Cổ phần Muối Cà Ná-Ninh Thuận nhấn mạnh.

Muối “ăn” nát tường nhà của người dân tại thôn Quán Thẻ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về dự án nói trên, ông Lê Tiến Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, viêc sản xuất muối là cần thiết cho việc phát triển kinh tế địa phương. Thế nhưng, từ khi đi vào hoạt động đến nay, dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ vẫn còn để lại nhiều “khoảng tối” chưa được giải quyết đứt điểm.

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ gây nhiễm mặn đất đai, nguồn nước ngầm, ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay việc hỗ trợ đền bù đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Thông báo Kết luận số 420-TB/TU của Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận, do ông Nguyễn Bắc Việt ký ngày 8/5/2017, cũng khẳng định: Dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia về muối và phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đến nay đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, việc làm, đời sống của nhân dân trong vùng dự án.

Muối “ăn” nát tường nhà của người dân tại thôn Quán Thẻ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đặc biệt là việc triển khai thực hiện các giải pháp ngăn chặn và hỗ trợ nhiễm mặn; đầu tư hạ tầng di dân, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu tái định cư thôn quán thẻ 2; phương án hoàn trả ngân sách đã đầu tư trực tiếp cho dự án…

Về mức độ thiệt hại, thống kê của cơ quan chức năng địa phương cho thấy, hệ lụy từ việc sản xuất muối không khoa học trên đã làm toàn bộ 600 giếng nước ngọt và các hồ chứa nước ngọt ở Phước Minh trở thành nơi chứa nước mặn, nhà cửa hư hỏng, cây cối chết khô, đất nông nghiệp đối diện dự án muối đang dần bị phủ trắng bởi muối.

Nhằm hỗ trợ người dân bị thiệt hại do tình trạng nhiễm mặn gây ra, từ năm 2013 đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long đã tiến hành thống kê và chi trả cho hơn 1.000 hộ dân với tổng số tiền hơn 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ giúp người dân giải quyết một số khó khăn trước mắt.

Ngoài ra, một kế hoạch tái định cư cho 200 hộ dân trong vùng bị nhiễm mặn nặng cũng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tính tới, tuy nhiên, do không có vốn nên dự án vẫn chưa thể thực hiện. Vì vậy, người dân nơi đây vẫn phải tự loay hoay đối phó với tình trạng nhiễm mặn, với nhiều vườn cây chết khô, nhà cửa bị muối “ăn” nát, hàng trăm giếng nước bị nhiễm mặn không thể sử dụng.

Để công tác quản lý, thực hiện dự án hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực, cũng như khắc phục các hệ lụy do dự án muối gây ra, tại Công văn số 1998/TTg-NN ngày 28/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và các Bộ liên quan về việc chuyển giao dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận quản lý.”

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, thống nhất với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận về nội dung điều chuyển, thủ tục thanh quyết toán các hạng mục đã thực hiện của dự án, giải pháp xử lý triệt để những tồn tại trong quá trình bàn giao đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, tại Công văn số 980/TTg-KTN ngày 8/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh dự án theo đúng quy định pháp luật; chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long đề xuất kế hoạch hoàn trả phân vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư trực tiếp cho dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…

Tuy nhiên, theo báo cáo số 1704/UBND-TCD ngày 26/4/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho rằng: “Tiến độ bàn giao dự án theo kế hoạch phải hoàn thành trước ngày 31/3/2018 là không khả thi, với lý do dự án còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm.”

Cánh đồng muối tại thôn Quán Thẻ có diện tích 2.510 ha, công suất hơn 300.000 tấn muối/năm, tổng mức đầu tư hơn 1.344 tỷ đồng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Do đó, để có thời gian nghiên cứu tổng thể các nội dung liên quan đến công tác bàn giao, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đồng ý lùi thời gian bàn giao dự án để có thời gian tập trung xử lý cơ bản các vấn đề còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc.

Hơn nữa, “đây là nhiệm vụ rất quan trọng, phức tạp cần phải bàn bạc thống nhất giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãnh đạo tỉnh trong việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm xử lý lý, giải quyết các vấn đề phát sinh tại dự án sau khi bàn giao,” báo cáo nhấn mạnh.

Sau một thời gian lùi thời gian bàn giao vì lý do chưa thống nhất phương án đề bù, cũng như khả năng giải ngân vốn dự án, ngày 19/4/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Nam và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có đất trong vùng dự án.

Sự cố nước mặn của cánh đồng muối tràn vào khu dân cư đã khiến tường rào của người dân bị phá hỏng nặng nề. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng giao Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Nam phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (nay là Công ty Cổ phần Muối Cà Ná-Ninh Thuận) và các đơn vị liên quan thông báo tới người dân việc bàn giao dự án, sau đó tiến hành các thủ tục giải ngân kế hoạch vốn năm 2018 cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định.

Trong khi chờ đợi một giải pháp mang tính tổng thể, lâu dài, vấn đề cấp bách đối với chủ đầu tư và chính quyền địa phương hiện nay là phải quy hoạch lại vùng sản xuất, thu hẹp bớt diện tích đồng muối, đặc biệt là một số cánh đồng gần khu dân cư.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các đơn vị liên quan lên phương án tổ chức tiến hành chống thấm cho các ruộng muối, nạo vét và khơi thông các tuyến kênh, mương nhằm “rút bớt” nước mặn ra khỏi khu vực, hạn chế tình trạng nhiễm mặn lan rộng; nhanh chóng bố trí tái định cư và giải quyết tốt công ăn việc làm cho người dân trong vùng dự án./.

(Vietnam+)

Theo báo cáo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Phước Minh, từ khi Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ đi vào sản xuất và “bức tử” môi trường sống của nhân dân đến nay, người dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo cũng theo đó tăng lên do thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm…

Nếu giai đoạn 2004-2007, toàn xã có 5% số hộ đói nghèo, thì sau sự cố nhiễm mặn đã tăng lên 15% (năm 2010), và đến năm 2014 số hô đói nghèo đã tăng hơn 19%.

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà

Kinh tế Mỹ

Giới chức Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 1/8 đã kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày với một tuyên bố nêu bật sức mạnh của thị trường lao động và nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Những đánh giá tích cực này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới đón nhận nhiều tín hiệu tươi sáng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngớt lời tung hô.

Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng nền kinh tế Mỹ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới, khi triển vọng kinh tế đang bị “phủ bóng” bởi những căng thẳng thương mại giữa Washington với nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngân hàng trung ương Mỹ đã mô tả “hoạt động kinh tế đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ,” thay vì “vững chắc” như trong thông báo được đưa ra sau cuộc họp hồi tháng 6 vừa qua

Theo tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, ngân hàng trung ương Mỹ đã mô tả “hoạt động kinh tế đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ,” thay vì “vững chắc” như trong thông báo được đưa ra sau cuộc họp hồi tháng 6 vừa qua, thời điểm Fed tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm nay. Các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng nhất trí với nhận định chi tiêu hộ gia đình đã “gia tăng mạnh mẽ,” chứ không chỉ “khởi sắc” như mô tả trong thông báo lần trước.

Một điểm tích cực nữa là Fed đánh giá tỷ lệ lạm phát “duy trì gần” mức mục tiêu 2%, thay cho cụm từ “tiến gần tới” mức 2% trong báo cáo trước đó. Mặc dù quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,75-2% hiện nay tại cuộc họp lần này, song Fed để ngỏ khả năng tiến hành 2 đợt điều chỉnh lãi suất từ nay đến cuối năm, có thể vào tháng 9 và tháng 12 tới.

Quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này là kết quả đồng thuận tuyệt đối của các thành viên FOMC. Kết quả này như một sự thừa nhận những tín hiệu tích cực của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong thời gian gần đây dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với cam kết “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại.”

Theo một báo cáo của Chính phủ Mỹ, quy mô nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đã vượt qua con số 20.000 tỷ USD. Tăng trưởng GDP đạt 4,1% trong quý 2 đã giúp Mỹ trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, dù Tổng thống Trump đã khẳng định rằng việc kinh tế Mỹ đạt tăng trưởng nhanh nhất trong gần 4 năm qua là minh chứng thành công cho chính sách kinh tế của ông, song các chuyên gia kinh tế cảnh báo niềm vui này “ngắn chẳng tày gang” khi các chỉ số quý 2 cũng phản ánh sự vội vã trong động thái tăng nguồn cung và di chuyển hàng hóa tồn kho phòng trường hợp chiến tranh thương mại kéo giá thành đi lên.

Những gì tốt đẹp ở quý 2 có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chúng tôi nghĩ 6 tháng còn lại sẽ cho thấy một cục diện khác, với tốc độ tăng trưởng giảm dần và lạm phát tăng trong một số lĩnh vực trọng điểm.(Chiến lược gia Andrew Sheets của Công ty chứng khoán Morgan Stanley)

Chiến lược gia Andrew Sheets của Công ty chứng khoán Morgan Stanley nhận định: “Những gì tốt đẹp ở quý 2 có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chúng tôi nghĩ 6 tháng còn lại sẽ cho thấy một cục diện khác, với tốc độ tăng trưởng giảm dần và lạm phát tăng trong một số lĩnh vực trọng điểm.”

Thực tế cho thấy bên cạnh lý do chính phủ tăng chi tiêu và người tiêu dùng bắt đầu mạnh tay chi các khoản tiền có được từ gói cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD của chính phủ, một yếu tố giúp nền kinh tế Mỹ đạt được mức tăng trưởng nhảy vọt trong quý 2, là hiệu ứng của những chính sách áp thuế của Washington đối với các mặt hàng nhập khẩu từ nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, và kéo theo các biện pháp trả đũa từ các đối tác của Mỹ.

Nỗi lo ngại về nguy cơ bùng phát “cuộc chiến” áp thuế giữa Mỹ và nhiều quốc gia đã khiến các nhà xuất khẩu nỗ lực cung ứng sản phẩm, qua đó góp phần đáng kể cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra, còn có các bằng chứng khác cho thấy các doanh nghiệp đang dự trữ hàng hóa để đối phó với giá nhập khẩu cao nếu phải chịu tác động do các hành động trả đũa đối với các mức thuế quan mà Mỹ đưa ra.

Xếp dỡ hàng hóa tại cảng ở Mỹ. (Nguồn: EPA-EFE/TTXVN)

Ông Neal Dutta, nhà kinh tế trưởng của Renaissance Macro Research, nhận định: “Thật mỉa mai khi phần lớn các nhà kinh tế cho rằng căng thẳng thương mại hiện nay tạo đà cho sự tăng trưởng mặc dù nó có tác động tới mức tăng trưởng ở quý 2. Tuy nhiên, những tác động này chỉ là tạm thời.”

Do vậy, một câu hỏi lớn đặt ra là liệu nền kinh tế của Mỹ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng này hay không. Đa số các chuyên gia kinh tế dự đoán trong thời gian còn lại của năm nay, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không duy trì được mức tăng trưởng cao của quý 2.

Việc đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhờ vào gói cắt giảm thuế được đánh giá sẽ chỉ duy trì ngắn hạn, khi chính sách giảm thuế cùng dự luật chi tiêu tổng thể cho chính phủ, có vai trò kích thích sự tăng trưởng, sẽ bắt đầu hết tác dụng vào năm tới. Trong khi đó, lộ trình tăng lãi suất của Fed được dự báo cũng sẽ tạo thêm một rào cản nữa cho tăng trưởng.

Việc nhiều người Mỹ thiếu sự an toàn về mặt tài chính vẫn là một mối lo ngại, dù bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới có vẻ khá khả quan.(Người đứng đầu chi nhánh Fed ở New York John Williams)

Mặt khác, thể trạng tài chính của nền kinh tế Mỹ cũng xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại khi chi tiêu tiêu dùng tăng trái ngược với tốc độ tăng trưởng “ì ạch” của tiền lương, đặc biệt ở nhóm người có thu nhập thấp và nhóm tầng lớp trung lưu.

Kết quả là chỉ trong một năm qua, những dấu hiệu bộc lộ khả năng dễ bị tổn thương về mặt tài chính của nền kinh tế Mỹ đã gia tăng theo cấp số nhân, khi các khoản nợ quá hạn qua thẻ tín dụng và tiền vay mua ôtô của người dân đang trên đà leo thang, còn tiết kiệm lại sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005.

Người đứng đầu chi nhánh Fed ở New York John Williams nhận định rằng việc nhiều người Mỹ thiếu sự an toàn về mặt tài chính vẫn là một mối lo ngại, dù bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới có vẻ khá khả quan.

Trong khi đó, mối đe dọa hàng đầu đối với mục tiêu tăng trưởng tối đa của Tổng thống Trump lại là chính sách thương mại mà ông đang theo đuổi.

Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thực tế các nhà đầu tư vẫn lo ngại về “bóng ma” của một cuộc chiến thương mại tổng lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cận kề, trong bối cảnh Tổng thống Trump xem xét khả năng áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, thay cho mức thuế 10% như thông báo trước đây, kéo theo nguy cơ Bắc Kinh có động thái trả đũa tương tự.

Một cuộc chiến thương mại bùng phát sẽ đe dọa tốc độ tăng trưởng không chỉ của hai quốc gia này mà cả nền kinh tế toàn cầu. Đây cũng được xem là nguyên nhân khiến các chỉ số chủ lực trên thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới đồng loạt sụt giảm trong ngày 1/8, bất chấp những ngôn từ tích cực trong tuyên bố của Fed.

Như nhận định của ông Jim O’Sullivan, chuyên gia kinh tế trưởng của Mỹ tại High Frequency Economics: “Một cuộc chiến thương mại leo thang trong giai đoạn sắp tới sẽ tiếp tục là một rủi ro lớn nhất khiến kinh tế Mỹ đi xuống”./.

Hiện thực hóa giấc mơ Mỹ

Vào giữa tháng Bảy, Tập đoàn FPT chính thức sở hữu 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet), một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.

Đây là lần đầu tiên 1 công ty công nghệ thông tin Việt Nam mua 1 công ty tư vấn của Mỹ. Việc mua bán, sáp nhập (M&A) được xem là một trong những bước đi chiến lược của FPT Software để hiện thực hóa tham vọng 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.

Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã trao đổi với Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến về vấn đề này.

“MẮT XÍCH” HOÀN THIỆN DỊCH VỤ

– Thưa ông, đâu là lý do FPT mua lại Intellinet? FPT đã phải trả bao nhiêu tiền cho thương vụ này?

Ông Hoàng Nam Tiến: Chúng tôi tin rằng, Intellinet sẽ giúp FPT nâng tầm vị thế, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số…

Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mua lại 90% vì bản thân Intellinet cũng muốn tham gia cùng “gia đình” FPT để hướng tới chiến lược cung cấp các giá trị cao hơn trong bối cảnh chuyển đổi số đang rất hot.

Về giá trị thương vụ thì tương đối linh hoạt. Tại thời điểm này, FPT trả 30 triệu USD, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Do đó, tổng giá trị thương vụ có thể khoảng 45-50 triệu USD.

– Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình nói rằng:”Intellinet chính là giải pháp để FPT cung cấp giải pháp chuyển đổi số tổng thể,” xin ông nói rõ về vấn đề này? Sự kết hợp này liệu có giúp FPT “săn” được nhiều khách hàng trong danh sách Fortune 500 hay không?

Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi muốn nói thế này, thực tế FPT Software đã có 19 năm hoạt động trên thị trường toàn cầu. Chúng tôi đang cung cấp dịch vụ cho hàng trăm khách hàng là các tập đoàn lớn ở những nước giàu nhất trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Singapore…

Chúng tôi cũng đã đầu tư nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, IoT (Internet of things), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, xe tự hành… tạo ra các dịch vụ mới như chuyển đổi số (digital transformation). Và, những nghiên cứu này đã giúp chúng tôi có một vị thế khác khi nói chuyện với các tập đoàn lớn.

Trên thực tế, đã có những tập đoàn lớn chọn chúng tôi là đối tác cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho họ và thậm chí là cùng họ nghiên cứu, phát triển một số giải pháp, ứng dụng trên nền tảng công nghệ IoT như Airbus, GE, Siemen, Microsoft, AWS, Daiwa Institute of Research (DIR), Toppan, Toshiba…

Tuy nhiên, cũng phải nói một cách công bằng là chúng tôi chưa có những chuyên gia hàng đầu với 20-30 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực tư vấn giải pháp quản trị hạ tầng thông tin cho doanh nghiệp, cho các thành phố và cho cao hơn nữa là cho các quốc gia.

Do đó, Intellinet là một lựa chọn của chúng tôi và từ nay chúng tôi có đủ năng lực để có thể thực hiện các dự án End – to – End (dự án hoàn chỉnh cho khách hàng từ khâu tư vấn, xây dựng dự án, tổ chức triển khai, vận hành nâng cấp…) cho khách hàng.

Khi kết hợp thế mạnh của Intellinet và FPT Software, tôi tin rằng tập khách hàng trong danh sách Fortune 500 của hai công ty sẽ tiếp tục được mở rộng, vượt xa con số 100 khách hàng như hiện nay. (FPT Software đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 80 khách hàng trong danh sách Fortune 500 và con số này của Intellinet là 20).

DẪN ĐẦU VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

– Xin ông tiết lộ con số kỳ vọng khi Intellinet về với FPT?

Ông Hoàng Nam Tiến: Thị trường dịch vụ chuyển đổi số thế giới được IDC dự báo sẽ đạt con số 2.000 tỷ USD vào năm 2020. Đây là cơ hội không giới hạn cho các doanh nghiệp phần mềm như FPT Software.

Bên cạnh cơ hội quy mô thị trường, chúng ta còn đang có cơ hội từ các xu hướng công nghệ mới. Nếu trong các lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thống như hệ thống quản trị nguồn lực ERP, hệ thống sản xuất… khoảng cách công nghệ thông tin của Việt Nam với các nước phát triển khoảng 20-30 năm, thì trong lĩnh vực tiên tiến nhất bây giờ như IoT, AI, BigData, Cloud Computing, khoảng cách chỉ là là 2-3 năm. Thậm chí, trong một số lĩnh vực FPT đứng trong hàng ngũ đối tác hàng đầu của các hãng lớn thế giới như AWS, GE Predix, Siemens Mindsphere…

Chúng tôi kỳ vọng với những cơ hội trên và sự kết hợp giữa thế mạnh của FPT và Intellinet, đây sẽ là đòn bẩy để chúng tôi vươn lên nhóm dẫn đầu trên thế giới trong lĩnh vực chuyên đổi số và công nghệ mới.

Doanh thu chuyển đổi số của FPT Software đang tăng trưởng khoảng 50%. Và, với sự tham gia của Intellinet, con số này được kỳ vọng có thể tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi.

– Với kinh nghiệm của hai bên, FPT Software sẽ hoàn thiện dịch vụ của mình như thế nào?

Ông Hoàng Nam Tiến: Đối với khách hàng hiện có và trong tương lai của FPT Software, cùng với chuyên gia của Intellinet chúng tôi sẽ mang đến cho họ những chuyên gia tư vấn đẳng cấp quốc tế với 20-30 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực chuyên sâu như hàng không vũ trụ, y tế, ngân hàng – tài chính, viễn thông, ôtô…

Còn đối với khách hàng hiện có và trong tương lai của Intellinet, với thế mạnh về nguồn nhân lực, kinh nghiệm triển khai dự án, năng lực công nghệ đặc biệt là các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, IoT (Internet of things), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, xe tự hành…, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ cho họ với chi phí cạnh tranh hơn hẳn.

GIẤC MƠ 1 TỶ USD

– Trước đây, FPT Software từng đặt ra mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2020. Với việc mua Intellinet, kế hoạch này liệu có cán đích được không, thưa ông?

Ông Hoàng Nam Tiến: Hiện nay, số lượng các công ty phần mềm có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên trên thế giới có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ấn Độ – một quốc gia hùng mạnh về dịch vụ phần mềm, chỉ có 6 công ty đạt doanh thu trên 1 tỷ USD.

Tại thời điểm này, với doanh thu khoảng 300 triệu USD của FPT Software, chúng tôi đứng thứ 12 nếu ở Ấn Độ và đứng thứ 8 nếu ở Trung Quốc. Đây hoàn toàn là con số không tệ.

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu năm 2018 của FPT Software sẽ đạt 400 triệu USD. Dựa trên tốc độ tăng trưởng cao của FPT Software là trung bình khoảng 25-30% trong nhiều năm qua thì chúng tôi sẽ đạt khoảng 70% mục tiêu 1 tỷ USD nhờ tăng trưởng tự thân (Organic growth), 30% còn lại sẽ đến từ các hợp đồng mua bán, sáp nhập (Inorganic growth).

Trước đó, chúng tôi đã thực hiện vụ mua bán sáp nhập (M&A) đầu tiên với một công ty tại châu Âu. Thương vụ đã mang về cho chúng tôi một hợp đồng lịch sử có trị giá 100 triệu USD với Innogy SE. Với thương vụ với Intellinet lần này, chúng tôi kỳ vọng sẽ FPT Software sẽ sớm hoàn thành mục tiêu 1 tỷ USD.

– Ngoài ý nghĩa nâng cao năng lực tư vấn chiến lược, năng lực cung cấp dịch vụ công nghệ tổng thể, thúc đẩy tăng trưởng doanh số như ông đã nói ở trên, thương vụ này còn có ý nghĩa nào khác nữa với FPT Software, chẳng hạn như về cơ hội việc làm…?

Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi muốn nhấn mạnh, đây là thời đại của chuyển đổi số, là thời đại của những công nghệ 4.0. Do đó, việc học và nắm bắt nhanh các công nghệ mới là một ưu thế của các bạn trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi rất khắt khe vì vậy sau khi qua thử thách số các bạn không đáp ứng được cũng rất lớn.

Năm 2018, chúng tôi dự kiến tuyển 6.500 người, trong 6 tháng đầu năm chúng tôi đã tuyển được khoảng 3.000 người. Dự kiến, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các dự án với khách hàng, năm 2020 chúng tôi cần tuyển khoảng 10.000 người.

Và rõ ràng, những bạn trẻ có năng lực hoàn toàn có cơ hội đầu quân cho FPT Software, khai phá các thị trường trong và ngoài nước.

Hơn 3.000 nhân viên FPT đi bộ gây quỹ vì cộng đồng trong Ngày hội tình nguyện 2018. (Ảnh: FPT)

– Xin cảm ơn ông!

FPT Software thành lập năm 1999, là công ty thành viên của FPT – Tập đoàn Công nghệ hàng đầu của Việt Nam. Sau 19 năm thành lập, FPT Software hiện đang là công ty phần mềm lớn nhất của Việt Nam và đứng trong Top 100 Nhà cung cấp dịch vụ Outsourcing toàn cầu do International Association of Outsourcing Professionals (IAOP) đánh giá.

FPT Software cung cấp các dịch vụ phát triển phần mềm và bảo trì, triển khai ERP, kiểm thử, chuyển đổi ứng dụng, hệ thống nhúng, điện toán di động, điện toán đám mây… trong nhiều lĩnh vực như: Tài chính ngân hàng, Viễn thông, Y tế, Chế tạo, Công nghiệp xe hơi, Dịch vụ công…

Doanh nghiệp này hiện đã và đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 550 khách hàng là các tập đoàn lớn trên phạm vi toàn cầu, trong đó có khoảng 80 khách hàng nằm trong danh sách Fortune Global 500.

Anh-Trung Quốc

Tân Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã chọn Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài quan trọng đầu tiên trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao.

Chuyến đi này thể hiện một cách rõ nét và cũng được đánh giá là một bước đi quan trọng để Anh đẩy mạnh những nỗ lực cố gắng đổi mới bản thân thành một quốc gia thương mại toàn cầu sau quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) năm 2016. Đây cũng là bước kế tiếp trong một lộ trình mới đã được định hình sau chuyến thăm của Thủ tướng Anh Theresa May tới Bắc Kinh hồi đầu năm nay, với mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ đối tác mới Anh-Trung Quốc trở nên vững chắc hơn nhằm hướng tới một tương lai mà hai nước có thể hợp tác cùng nhau.

Với Anh, thương mại hậu Brexit là một trong những vấn đề chính cần giải quyết thỏa đáng để có thể “an toàn” vượt ra khỏi cái bóng EU sau gần nửa thế kỷ tất cả các hoạt động trao đổi mậu dịch của quốc gia này đều được định hình theo EU. Trong tình hình hiện tại, khi khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại với EU sau khi rời khỏi khối vẫn chưa rõ ràng thì London thực sự cần những thỏa thuận thương mại trực tiếp với các đối tác ngoài khối.

Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong EU, trong khi Trung Quốc cũng là đối tác thương mại ngoài EU lớn thứ hai của Anh

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là thị trường tiêu thụ giàu tiềm năng mà hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn hướng tới, không khó hiểu khi Trung Quốc luôn là một trong những đối tác quan trọng mà London muốn ký kết thỏa thuận thương mại tự do để củng cố hành trang rời khỏi EU.

Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong EU, trong khi Trung Quốc cũng là đối tác thương mại ngoài EU lớn thứ hai của Anh với kim ngạch thương mại năm ngoái đạt 79 tỷ USD, tăng gần 6,2% so với năm 2016. Hơn 500 doanh nghiệp Trung Quốc đã mở văn phòng tại Anh, với tổng vốn đầu tư 21,8 tỷ USD vào các dự án, từ các lĩnh vực truyền thống như thương mại, tài chính và viễn thông đến các lĩnh vực mới nổi như năng lượng mới, sản xuất hàng hóa cao cấp, cơ sở hạ tầng.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã chọn Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài quan trọng đầu tiên trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu trước chuyến thăm, Ngoại trưởng Hunt khẳng định Anh và Trung Quốc là hai cường quốc lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu, vì vậy trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời khỏi EU và đón nhận nhiều cơ hội vươn xa hợp tác hơn bao giờ hết, London cam kết nỗ lực tăng cường quan hệ song phương cho thế kỷ 21. Ông nêu rõ: “Đối thoại chiến lược Anh-Trung Quốc là một cơ hội quan trọng để đẩy mạnh hợp tác song phương theo khuôn khổ quan hệ đối tác toàn cầu và ‘Kỷ nguyên vàng’ trong quan hệ Anh-Trung.”

Những phát biểu của tân Ngoại trưởng Jeremy Hunt cũng nhất quán với chủ trương của Chính phủ Anh, coi mối quan hệ với Trung Quốc là điểm nhấn trong chính sách ngoại giao thời kỳ hậu Brexit. Khi thăm Trung Quốc hồi đầu năm, Thủ tướng Theresa May cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước sau Brexit, trong đó tính tới mọi cơ hội cho các mối quan hệ thương mại tương lai.

Việc ông Hunt chọn Trung Quốc là điểm đến trong chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức cũng cho thấy tầm quan trọng của Bắc Kinh

Việc ông Hunt chọn Trung Quốc là điểm đến trong chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức cũng cho thấy tầm quan trọng của Bắc Kinh. Vốn là một chính trị gia có quan điểm thắt chặt quan hệ Anh-Trung Quốc, chuyến thăm của ông Hunt lần này rõ ràng là một nỗ lực khác mà Chính phủ Anh thực hiện để đẩy mạnh cam kết và cũng để đối tác nhận thấy sự “nghiêm túc” của London.

Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh, ông Hunt đã dồn trọng tâm thảo luận về hợp tác giữa hai nước. Phát biểu sau cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định hai bên đã nhất trí đẩy mạnh trao đổi thương mại và đầu tư song phương.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh cho biết phía Trung Quốc đã đề nghị “triển khai các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại song phương” thời kỳ hậu Brexit. Và tất nhiên, lời đề nghị trên được phía Anh “hoan nghênh” và khẳng định sẽ khai thác khả năng này.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược Trung-Anh lần thứ 9 tại Bắc Kinh ngày 30/7. (Ảnh: THX/TTXVN)

Về phía Trung Quốc, đặt trong hoàn cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ đang ngày càng gia tăng thì việc có thêm được một “đồng minh” mạnh như Anh cũng là một nước cờ mang lại lợi thế lớn. Ý này được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lồng ghép rất rõ trong buổi họp báo với người đồng cấp Anh. Ông Vương Nghị khẳng định rằng “Trung Quốc và Anh cần coi sự phát triển của mỗi bên là cơ hội chứ không phải mối đe dọa.”

Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh Trung Quốc và Anh, với vai trò là các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cần nêu cao trách nhiệm và có nghĩa vụ phải duy trì chặt chẽ chủ nghĩa đa phương, cơ chế thương mại tự do và các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ.

Trung Quốc và Anh cần coi sự phát triển của mỗi bên là cơ hội chứ không phải mối đe dọa (Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị)

Đáp lại lời kêu gọi này, Đại sứ Anh tại Trung Quốc Barbara Woodward khẳng định Anh sẽ hợp tác với Trung Quốc để đảm bảo WTO sẽ là một phần quan trọng trong các quá trình giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

Có thể nói, đặt trong bối cảnh hiện tại của cả hai bên thì việc hợp tác là chiến thắng quan trọng cho cả hai chính phủ. Với Anh, nhu cầu càng cấp thiết hơn khi Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, đã tỏ ra e dè với kế hoạch Brexit mà chính phủ của bà May công bố hồi đầu tháng, trong đó thể hiện mong muốn duy trì quan hệ thương mại mật thiết nhất có thể với EU thời kỳ hậu Brexit.

Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận thương mại song phương, với Trung Quốc vẫn còn là vấn đề thời gian, bởi Bắc Kinh sẽ chỉ ký kết một thỏa thuận như vậy sau khi London hoàn tất các quy trình chia tay EU, sau đó là ít nhất vài năm đàm phán.

(Nguồn: CNN Money)

Theo chính trị gia và cũng là chuyên gia tư vấn của Beaconfeild có trụ sở tại Anh Jackson Ng, việc ông Hunt trở thành Ngoại trưởng Anh và được cử tới Trung Quốc là một tin tốt lành với một nước Anh toàn cầu hậu Brexit, bởi ông là một người có nhiều kinh nghiệm hoạt động tại các thị trường châu Á, kết hôn với người vợ Trung Quốc và ông là chính trị gia dẫn đầu nhóm ủng hộ quan hệ hợp tác Anh-Trung trong quốc hội đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh.

Ông Jeremy Hunt là “chất xúc tác cần có” để thúc đẩy kế hoạch xây dựng “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Anh-Trung

Chuyên gia Yu Jie, trưởng bộ phận đánh giá quan hệ Trung Quốc tại LSE AIDEAS, phòng nghiên cứu chiến lược chính sách ngoại giao thuộc Trường Kinh tế London, cho rằng ông Jeremy Hunt là “chất xúc tác cần có” để thúc đẩy kế hoạch xây dựng “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Anh-Trung, song Bắc Kinh phải cân nhắc thận trọng về khả năng ký kết thỏa thuận thương mại với Anh khi tương lai chính phủ đương nhiệm đang phụ thuộc rất nhiều vào tiến trình Brexit.

Trong trường hợp một Brexit cứng xảy ra, hoặc một Brexit không có thỏa thuận rõ ràng, thì Chính phủ Trung Quốc sẽ không chính thức khởi động tiến trình đàm phán này.

Bên cạnh đó, việc bà May vẫn tỏ thái độ “lạnh nhạt” với dự án “Vành đai và con đường” của Trung Quốc, bất chấp người tiền nhiệm của bà năm 2015 đã đưa Anh trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), cũng khiến tham vọng “mở chương mới” trong “kỷ nguyên vàng” quan hệ Anh-Trung Quốc không dễ trở thành hiện thực./.

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond (thứ 8, trái, hàng đầu) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Mã Khải chụp ảnh chung với các đại biểu tại Đối thoại Tài chính Anh- Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 16/12/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

westlife

Những câu hát kinh điển trong ca khúc “My love“ làm mưa làm gió khắp thế giới những năm đầu thế kỷ 21 của boyband Ireland Westlife có lẽ sẽ khái quát được nỗi lòng những người hâm mộ, với bao nhớ nhung và chờ đợi ngày tái xuất của các thần tượng nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập nhóm, và đặc biệt là trong buổi offline vào ngày 4/8 tới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ những “gã nhà quê“ miền Tây Ireland, cho tới hơn 44 triệu album được bán ra trên khắp thế giới; từ những giây phút thử tập hát “Quit Playing Games“ của Backstreetboys trong buổi tuyển giọng mà ông bầu Louis Walsh và “thầy phù thủy“ làng nhạc Simon Cowell giám sát, cho tới kỷ lục Guiness và kỷ lục 14 đĩa đơn đứng đầu Vương quốc Anh; từ buổi chia tay đầy nước mắt với thành viên cốt cán Brian Mcfadden năm 2004 cho tới bữa tiệc tạm biệt đầy xúc cảm ở Croke Park năm 2012 là những hành trình thật dài, thật xúc động mà người hâm mộ thế giới và đặc biệt là Việt Nam đã đi cùng Westlife, boyband thành công nhất trong lịch sử Ireland.

Từ những „gã nhà quê“ miền Tây Ireland, cho tới hơn 44 triệu album được bán ra trên khắp thế giới…

Westlife được thành lập vào tháng 7 năm 1998 sau những buổi tập luyện, thử giọng được kiểm tra ngặt nghèo do Louis và Simon giám sát. Đấy những cái tên được nể trọng bậc nhất trong làng âm nhạc Anh quốc cũng như thế giới, “cha đẻ“ của các chương trình tạp kỹ gây sốt cả thập kỷ qua. Kian Egan trưởng nhóm, Mark Feehily nam cao, Shane Filan hát chính là ba cái tên tới từ vùng quê yên bình Sligo đã đi cùng nhau từ ban nhạc tiền thân IOYOU. Nicky Byrne bè trầm, Brian Mcfadden – nam trung đến từ thủ đô Dublin là hai thành viên được tuyển chọn sau các vòng kiểm tra gay gắt. Họ tụ hợp lại vào một ngày hè cách đây 20 năm để rồi cùng nhau tạo nên liên tiếp những kỷ lục và cơn sốt toàn cầu.

Chắc khi bàn bạc về việc sẽ chọn hát “Quit Playing Games“ trong buổi thử giọng, Nicky và Brian cũng không thể nào tưởng tượng tới ngày chỉ một năm sau đó, họ là một hiện tượng của Anh quốc khi trở thành nghệ sĩ đầu tiên có 2 đĩa đơn đầu tiên trong sự nghiệp đều đứng thứ 1 trên BXH UK: Swear it Again, If I let you go.

Tổng cộng, Westlife đã có 14 đĩa đơn đạt vị trí #1 trong bảng xếp hạng Anh quốc (tính từ năm 1999 đến năm 2006), xếp thứ 3 trong số những nghệ sĩ và ban nhạc có nhiều đĩa đơn #1 nhất tại Anh (chỉ sau Elvis Presley và The Beatles, xếp ngang với Cliff Richard), là ban nhạc duy nhất trong lịch sử bảng xếp hạng Anh có 7 đĩa đơn liên tiếp đạt vị trí #1 và giành giải “Ghi Âm của Năm” tại Anh 4 lần. Không chỉ có thế, 7 đĩa đơn đạt hạng đầu đó còn là 7 đĩa đơn đầu tiên của nhóm và chỉ trong vòng vỏn vẹn hơn 1 năm. Một cơn sốt chưa từng có trong lịch sử âm nhạc Anh quốc.

Thời kỳ đỉnh cao nhất của Westlife có lẽ là năm mà album “Coast to Coast” ra đời, album thứ 2 của họ. Theo mô tả của Kian, khi “Coast to Coast” ra mắt, sự hâm mộ Westlife đã trở thành một cơn điên rồ ở Anh, khi họ thậm chí không thể bước xuống phố một cách bình thường. Họ bán được 1,5 triệu đĩa sau album đầu tay chỉ tính riêng ở thị trường Anh quốc. Điều này đã khiến ông chủ hãng đĩa Sony của họ – tức Simon Cowell yêu cầu một chuyến lưu diễn trước khi “Coast to Coast” được chính thức phát hành. Chuyến lưu diễn quốc tế đầu tiên của Westlife cũng là tên của DVD bán chạy nhất nhóm: “Where Dreams Come True” và vé thì được bán hết sạch chỉ sau vài phút.

Giống như “tiền nhiệm“ Boyzone, Westlife chỉ hát ballad, nhưng âm nhạc của họ gần gũi, dễ nghe hơn. Westlife cover rất nhiều nhưng khi nghe họ hát thì người ta gần như quên luôn bản gốc. “Hậu bối“ của Westlife là One Direction thì đạt thành công lớn hơn khi chinh phục được thị trường Mỹ nhưng lại không gắn bó với nhau như chặng đường dài 14 năm của Westlife. Bởi vậy, cơn sốt mà Westlife tạo nên là sự tổng hòa về nhiều mặt, từ ngoại hình, giọng hát, cho đến lối sống với tình cảm của các thành viên dành cho nhau.

Cơn sốt mà Westlife tạo nên là sự tổng hòa về nhiều mặt, từ ngoại hình, giọng hát, cho đến lối sống với tình cảm của các thành viên dành cho nhau.(Nguồn: nickybyrne.org)

Westlife là một ban nhạc kỳ lạ. Không nhảy, không đồ hiệu, không scandal, không đánh bóng tên tuổi, không rượu, không gái gú, không ma túy. Chỉ biết hát. Thế mà cũng đủ tạo nên những kỷ lục chưa từng có trong lịch sử Anh quốc lúc bấy giờ. Và thế cũng đủ để trở thành boyband sở hữu lượng fan khủng nhất mọi thời đại, bán được hàng chục triệu album.

Khi chưa nghe họ hát, người ta phán họ là một sản phẩm điển hình của nền công nghiệp âm nhạc thời ấy, một boyband toàn những cậu trai bắt mắt với thứ nhạc dễ nghe. Khi nghe họ hát rồi, người ta thấy những chất giọng đẹp đến kỳ lạ, của Shane Filan, của Mark Feehily và họ có thể hát Live tới cả chục bài mà vẫn giữ được tiếng hát đẹp. Khi đi tour, Westlife nói không với lip-sync, luôn đi cùng với dàn nhạc hoặc là sẽ không diễn. Nghe Westlife hát rồi, người ta lại ồ lên về đời tư của các thành viên. Ba trong số bốn thành viên lớn lên cùng nhau trong một thị trấn nhỏ xinh phía Tây Ireland, Sligo. Trước 20 năm Westlife, họ đã có một quãng thời gian dài là những người bạn thân nhất của nhau.

Nổi tiếng, đẹp trai, giàu có nhưng Westlife lại đặc biệt chung thủy. Nicky Byrne là con rể thủ tướng Ireland, vợ anh là mối tình đầu kể từ khi họ quen nhau năm 12 tuổi. Shane Filan cũng kết hôn với cô vợ là bạn từ thời thanh mai trúc mã, cô em họ của trưởng nhóm Kian Egan. Còn Kian thì cũng yêu Jodie Albert rất lâu trước khi lập gia đình và có với nhau ba nhóc tì đáng yêu.

Hiểu chút về họ rồi mới thấy Westlife thật gần gũi khi có những điều rất “người”: Shane vỡ nợ dù Westlife từng đứng thứ hai trong top những nghệ sĩ giàu nhất Ireland (sau U2), Mark thừa nhận là người đồng tính ngay khi ban nhạc đang ở trên đỉnh cao, Nicky khủng hoảng tâm lý vì sự ra đi của người thân, mà trong đó, có một người…

Brian

Sau đĩa đơn “Obvious” nằm trong album phòng thu thứ 4 của nhóm “Turn around”, Westlife đón nhận tin sốc: thành viên cốt cán Brian muốn rời nhóm vì muốn dành thời gian cho gia đình.

Brian dứt áo ra đi khỏi Westlife một cách dứt khoát, không để cho bất kỳ thành viên nào có cơ hội thuyết phục. (Nguồn: last.fm)

Shane kể lại rằng khi nghe vậy, anh nghĩ là cậu bạn mình chỉ đang đùa. Nicky thì thậm chí đã lục soát người Brian để tìm micro vì tưởng mình đang bị đoàn quay phim trêu chọc. Nhưng Brian đã nghiêm túc, khác với tất cả những trò đùa trước đấy của anh sau sáu năm gắn bó. Ban nhạc đang thành công, Brian là một trong những thành viên có lượng fan đông đảo nhất, vai trò của anh trong nhóm quan trọng.

Nhưng cũng như tính cách bồng bột có phần nông nổi của mình, Brian dứt áo ra đi khỏi Westlife một cách dứt khoát, không để cho bất kỳ thành viên nào có cơ hội thuyết phục, sự ra đi đã khiến cho Nicky hoảng loạn đến mức đi lạc đường trong đêm nghe tin sét đánh hay thừa nhận rằng mình đã rất đau khổ một thời gian. Còn điều đầu tiên mà trưởng nhóm Kian nghĩ tới lúc đó là kết thúc. “Ban nhạc kết thúc rồi, kết thúc thật rồi,”…

Nhưng sau đó là một hành trình còn kéo dài gần như gấp đôi quãng thời gian có Brian. Westlife không kết thúc. Westlife không thể sụp đổ, như chính tên một album, đĩa đơn của họ “Unbreakable”. Chính sự ra đi của Brian lại khiến Westlife càng thêm gắn kết hơn. Không đi theo vết xe đổ của những ban nhạc có thành viên rời nhóm hoặc lục đục nội bộ, cả bốn người còn lại của Westlife tiếp tục đi cùng nhau tới cuối con đường, miệt mài ra thêm sáu album khác trong tám năm sau đó và chỉ thực sự dừng lại khi họ đã đủ mệt, với 14 năm luôn xa nhà, stress, lịch làm việc dày đặc và mệt mỏi. Và họ xứng đáng được nghỉ ngơi, sau tất cả những gì đã tận hiến.

Westlife không kết thúc. Westlife không thể sụp đổ, như chính tên một album, đĩa đơn của họ “Unbreakable”.

Những ông hoàng Ballad không cần hát chuyện tình

Trong những năm 2000, chắc chẳng có mấy ai là không cảm thấy quen thuộc khi giai điệu của “My love”, “Soledad”, “Flying Without Wings”, “You Raise me up”, “Uptown Girl”, “I have a dream”… Khi những cửa hàng bán CD “lậu” vẫn là địa chỉ duy nhất mà người Việt có thể tìm tới để thưởng thức âm nhạc lúc bấy giờ, bạn dễ dàng được nghe thấy nhạc Westlife được bật cả ngày mỗi khi ghé tới đó tìm đĩa. Nhạc của Westlife chứa chan cảm xúc, tình yêu thương, nhưng không chỉ giữa nam và nữ như bản chất vốn dĩ của những bản ballad.

Ca khúc nổi tiếng nhất của Westlife có lẽ là “My love” nhưng cũng là hiểu lầm lớn nhất của người nghe về ban nhạc. Ca khúc này dù ăn sâu vào ký ức của nhiều thế hệ nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa bài hát. “My love” tiếng Việt có nghĩa là “Tình yêu của tôi” nhưng lại không phải một bài hát về tình yêu nam nữ. Vì tiếng Anh chỉ có 2 ngôi xưng “You”, “I” thay vì nhiều đại từ xưng hô như Việt Nam nên việc hiểu nhầm hoặc việc dịch lời bài hát là của một chàng trai dành cho người thương là hoàn toàn dễ hiểu.

Nhưng “My love” là ca khúc nói về tình yêu quê hương Ireland của ban nhạc. Sự nổi tiếng của Westlife kể từ năm 1998 khiến cho họ phải liên tục xa nhà đi lưu diễn và “My love” được viết lên để bộc bạch nỗi nhớ nhà.

“So I say a little prayer.

And hope my dreams will take me there.

Where the skies are blue.

To see you once again, my love.

Overseas from coast to coast.

To find a place I love the most.

Where the fields are green.

To see you once again my love”.

Trong đoạn này, Westlife đã miêu tả những hình ảnh tiêu biểu nhất của thiên nhiên Ireland (cũng được khắc họa rõ nét trong MV này), từ những bãi biển, cánh đồng xanh trải dài bất tận. Ngay trong đoạn mở đầu MV có loạt hình ảnh các thành viên đang ở Rome nhưng chuyến bay của họ bị hoãn vì thời tiết xấu, là ẩn dụ về một kỷ niệm khi Westlife có chuyến về thăm nhà hiếm hoi nhưng lại bị trễ.

(Nguồn: Amazon UK)

Trong cuốn hồi ký “Our Story” của Westlife xuất bản năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập của họ, các thành viên cũng dành những chương đầu tiên quan trọng để nói về quê hương, gia đình mà đặc biệt là cha mẹ mình. Không cần là người hâm mộ Westlife, không cần phải sống ở Ireland, ta vẫn thấy phảng phất những ký ức tuổi thơ của mình trong đó.

Mark, chàng trai nông thôn sống trong trang trại cùng cha mẹ hay xấu hổ và tự ti về cân nặng của mình. Kian từng là cậu nhóc bị bắt nạt học đường và câu chuyện “lột xác” một ngày khi đánh lại những kẻ hay chòng ghẹo mình, bảo vệ anh trai của mình. Shane và nỗi chán nản ở trường học khi không cảm thấy hứng thú với bất kỳ môn học gì ngoài âm nhạc. Nicky, chàng trai thủ đô có điều kiện cuộc sống sung túc hơn nhưng lại thất bại với đam mê theo nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp sau những tháng ngày bắt bóng cho đội trẻ Leeds United. Westlife viết rất nhiều về cha mẹ mình, về sự hy sinh của họ để luôn mang lại cho con cái mọi thứ chúng muốn dù phần lớn các thành viên đều sinh ra trong gia đình có tới 6, 7 anh chị em.

Sau “My Love”, Westlife còn có những hit đình đám khác nói về nỗi nhớ quê hương, gia đình của mình, đặc biệt là album thứ 9 của họ: “Back Home.” Lúc này, hầu hết các thành viên trong nhóm đều đã kết hôn và có con. Đối với họ, không có gì dai dẳng bằng nỗi nhớ tổ ấm nhỏ bé của mình. Những lời hát chứa chan của những đôi tình nhân phải xa cách nhau về địa lý…

“Another summer day is come and gone away.

In Paris and Rome.

But I want to go home.

Maybe surrounded by a million people I still feel all alone.

I just want to go home.

Oh I miss you, you know…”

-Home-

“Lại một ngày hè nữa tới rồi trôi qua.

Ở Paris hay Rome.

Nhưng anh chỉ muốn được về nhà.

Dù có được vây quanh bởi cả triệu người nhưng anh vẫn cảm thấy thật cô quạnh.

Anh chỉ muốn về nhà.

Anh nhớ em, em biết không…”

Hay những lời lẽ đầy xúc cảm của “I am already there” mà có vài lần khi hát, Nicky hay Shane đều rớm nước mắt.

“He called her on the road from a lonely cold hotel room.

Just to hear her say I love you one more time.

But when he heard the sound of the kids laughing in the background.

He had to wipe away a tear from his eye.

A little voice came on the phone said daddy when you coming home.

He said the first thing that came to his mind: I am already there”

-I am already there-

“Anh ấy gọi cho cô ấy từ một căn phòng khách sạn lạnh lẽo

Chỉ để được nghe cô ấy nói em yêu anh một lần nữa.

Nhưng khi nghe thấy tiếng cười của bọn trẻ

Anh ấy đã phải gạt nước mắt đang rơi.

Một giọng nói bé xinh vang lên trên điện thoại hỏi rằng: Bố à, khi nào thì bố về nhà?

Và điều đầu tiên anh ấy nghĩ đến là nói với con gái rằng: Bố đang ở bên con đây.”

Ở Việt Nam, có lẽ Westlife là nghệ sĩ nước ngoài có lực lượng fan trung thành nhất khi cho tới tận bây giờ…

Hoài niệm đẹp của 8X, 9X

Âm nhạc của Westlife là một trời kỷ niệm của thế hệ 8x, đầu 9x, khi Internet vẫn là một thứ xa xỉ, hiếm hoi và thú vui của  những người trẻ ngày đó là nghe nhạc qua đầu đĩa VCD, qua đài cassette, qua những chương trình quà tặng âm nhạc trên tivi, radio, cặp đôi Quick&Snow, đọc tin tức trên Hoa Học trò, 2! Hay tạp chí Thế giới Âm nhạc…

Ở Việt Nam, có lẽ Westlife là nghệ sĩ nước ngoài có lực lượng fan trung thành nhất khi cho tới tận bây giờ, sáu năm sau khi nhóm đã tan rã, các group, fan page vẫn đăng tải các câu chuyện quá khứ của ban nhạc, vẫn dõi theo bước chân từng thành viên mà đặc biệt là Shane Filan đang theo đuổi sự nghiệp solo và đặc biệt là nhân lễ kỷ niệm 20 năm này, một chương trình offline đã được rục rịch mở bán vé suốt một tháng qua.

Năm 2011, sự kiện Westlife đến Việt Nam cũng là một cơn địa chấn gây bất ngờ cho cả ban nhạc lẫn những nhà tổ chức. Lần đầu tiên có một nghệ sĩ quốc tế tới Việt Nam mà cháy vé từ rất sớm và trong suốt buổi biểu diễn của Westlife trên sân vận động Mỹ Đình, những khán giả không may mắn mua được vé vẫn đứng chờ đợi mong một vận may suốt vài tiếng đồng hồ ngoài cổng sân. Bản thân các thành viên thì chia sẻ rằng họ cảm thấy thật hối hận khi đã tới Việt Nam quá muộn và ước gì họ biết sớm hơn, rằng người hâm mộ ở đây đã yêu mến họ tới thế nào.

Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của show diễn “Gravity” đó mãi mãi được khắc cốt ghi tâm trong tim người viết khi nhạc dạo của “You Raise Me Up” vang lên, cả sân vận động chìm trong ánh đèn flash từ hàng ngàn chiếc điện thoại, tạo nên một cảnh tượng thật lung linh mà đầy xúc động khi Shane Filan cất tiếng hát.

Họ đã nâng đỡ tâm hồn cho thế hệ chúng tôi bằng cách dễ thương và ngọt ngào như thế đấy.

Cử tri Campuchia

Chủ tịch Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) Sik Bun Hok tại cuộc họp báo chiều 29/7 tuyên bố cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI đã thành công nhờ ý nguyện và sự tham gia đông đảo của người dân vào một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Việc tỷ lệ cử tri tham gia cuộc bầu cử lần này lên tới 82,17%, vượt xa so với mức 69,60% của cuộc bầu cử quốc hội khóa trước, cho thấy người dân Campuchia ngày càng ý thức được quyền Hiến định của mình trong việc lựa chọn người đại diện tại cơ quan lập pháp tối cao nhất của đất nước. Người dân Campuchia đã đi bỏ phiếu đông đảo vì sự ổn định, phát triển của đất nước và họ đã quyết định vận mệnh của mình thông qua lá phiếu.

Nhà chức trách Campuchia cũng tuyên bố cuộc bầu cử đã diễn ra một cách hòa bình, không có bất kỳ hành động bạo lực nào. Các tổ chức quan sát bầu cử đều nhận định cuộc bầu cử đã diễn ra suôn sẻ, không có trường hợp vi phạm luật bầu cử nghiêm trọng nào và kết luận cuộc bầu cử đã diễn ra một cách dân chủ, tự do và công bằng.

Cuộc bầu cử Quốc hội ở Campuchia diễn ra thuận lợi và hợp lệ

Tờ Jakarta Post dẫn lời quan sát viên Jimly Asshiddiqie của Indonesia nhận định cuộc bầu cử diễn ra thuận lợi và hợp lệ, cho thấy tiến bộ quan trọng trong tiến trình dân chủ ở Campuchia.

Việc cuộc bầu cử diễn ra thành công cũng cho thấy âm mưu phá hoại bầu cử đã thất bại. Hầu hết cử tri Campuchia đã phớt lờ lời kêu gọi tẩy chay bầu cử của các cựu lãnh đạo đảng “Cứu nguy dân tộc Campuchia” (CNRP) đối lập, đã bị giải tán vì vi phạm luật các đảng phái chính trị.

Theo các kết quả sơ bộ sau bầu cử, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã giành chiến thắng áp đảo với hơn 76% số phiếu bầu. Với tỷ lệ ủng hộ này, CPP có thể sẽ giành được 114/125 ghế Quốc hội mới, tăng hàng chục ghế so với 68/123 ghế khóa trước. Đảng FUNCINPC có thể giành được 6 ghế, 5 ghế còn lại thuộc về đảng Liên minh vì dân chủ (LDP), 17 đảng còn lại không giành được ghế nào. Kết quả này không nằm ngoài dự đoán của dư luận cả trong và ngoài nước.

Với chiến thắng này, CPP sẽ tiếp tục cầm quyền trong 5 năm tới và đây có thể coi là bước tạo đà cho các nhiệm kỳ tiếp theo.

Cử tri tại một điểm bầu cử ở Kandal, Campuchia ngày 29/7. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chiến thắng của CPP cho thấy đảng này tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân Campuchia. Các cử tri của Campuchia lựa chọn đảng đã đem lại hòa bình và phát triển cho đất nước. Sự lựa chọn của cử tri là hoàn toàn đúng đắn bởi trong lịch sử của mình, CPP đã có những cống hiến to lớn vào hòa bình và phát triển của Campuchia. Như phát biểu của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, đồng thời là Chủ tịch CPP, Chính phủ Hoàng gia Campuchia do CPP lãnh đạo đã đưa đất nước “vượt qua nhiều tình huống nguy hiểm, duy trì được hòa bình, ổn định, an ninh và trật tự xã hội.”

Uy tín của CPP cũng được củng cố thời gian qua nhờ việc Chính phủ Hoàng gia thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế đối với công cuộc duy trì hòa bình và phát triển, trong đó có việc thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

CPP đã tiến hành chiến dịch tranh cử một cách bài bản và thuyết phục với cương lĩnh 11 điểm

CPP đã tiến hành chiến dịch tranh cử một cách bài bản và thuyết phục với cương lĩnh 11 điểm, trong đó nhấn mạnh việc củng cố đoàn kết dân tộc, tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ chế độ Quân chủ, đồng thời chú trọng đến việc phát triển kinh tế bền vững.

Mặt khác, CPP cũng ưu tiên quan tâm đến quyền lợi của mọi thành phần trong xã hội như nông dân, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, tiểu thương; đề cao vai trò của thanh niên, học sinh, sinh viên, nhất là đào tạo giải quyết việc làm cho nguồn nhân lực này cũng như cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao… Rút kinh nghiệm từ những kết quả bầu cử gần đây, cùng với chiến lược tranh cử toàn diện, CPP đã có chiến thuật năng động với những mục tiêu hợp lý.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (giữa) bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Phnom Penh ngày 29/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không chỉ trong chiến dịch tranh cử mà cả thời gian dài trước ngày bầu cử, các cán bộ CPP từ mọi cấp đều định kỳ xuống cơ sở để làm công tác vận động quần chúng. Đích thân Thủ tướng Hun Sen đã xuống nhiều địa phương trong cả nước, thực hiện 48 cuộc tiếp xúc với hơn 654.000 công nhân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những yêu cầu bức thiết của họ. Nhờ vậy, CPP đã tập hợp được lực lượng đông đảo cử tri ủng hộ ngay trong chiến dịch tranh cử, huy động được hàng chục nghìn người tham gia tập hợp tuần hành ngay trong ngày khởi động chiến dịch tranh cử, thậm chí hàng trăm nghìn người trong ngày kết thúc.

Với chiến thắng tại cuộc bầu cử lần này, CPP tiếp tục giữ thế thượng phong trên chính trường Campuchia. Ngay sau khi NEC tuyên bố kết quả cử tri đi bầu tăng mạnh, Thủ tướng Hun Sen, qua Facebook cá nhân, đã bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến mọi tầng lớp nhân dân đã thực thi quyền Hiến định để lựa chọn đảng CPP làm người lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới. CPP cũng ra thông cáo báo chí hoan nghênh sự tham gia đông đảo cũng như sự ủng hộ của người dân trong cuộc bầu cử lần này.

Việc biến cương lĩnh tranh cử thành hiện thực là một nhiệm vụ cấp bách của CPP trong thời gian trước mắt cũng như trong suốt nhiệm kỳ 5 năm tới

CPP đã giành chiến thắng nhờ đường lối lãnh đạo vì hòa bình và phát triển ở Campuchia, đem lại sự phát triển kinh tế ấn tượng và phúc lợi cho người dân và có chiến lược, chiến thuật tranh cử hợp lý. Tuy nhiên, con đường lãnh đạo nhân dân đất nước Chùa Tháp ở phía trước vẫn còn nhiều chông gai, thách thức. Những mặt trái vẫn tồn tại trong xã hội Campuchia hiện nay như chênh lệch giàu nghèo, môi trường bị tàn phá, thất nghiệp tăng và tham nhũng… Chưa kể, đảng đối lập CNRP dù đã bị giải tán nhưng vẫn nuôi ý đồ trở lại, với sự hậu thuẫn của một số thế lực thiếu thiện chí hoặc thù địch nước ngoài, vốn tìm cách phá hoại cuộc bầu cử khi đe dọa không công nhận kết quả bầu cử.

Do đó, việc biến cương lĩnh tranh cử thành hiện thực là một nhiệm vụ cấp bách của CPP trong thời gian trước mắt cũng như trong suốt nhiệm kỳ 5 năm tới. Một trong những luận điểm trong chiến dịch tranh cử vừa qua của CPP là nhấn mạnh đến ưu thế của đảng “đã nói là làm,” qua những thành tựu cụ thể đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Vì vậy, các cử tri đã bầu cho CPP đang trông đợi Chính phủ Hoàng gia mới do CPP lãnh đạo sẽ có những biện pháp cụ thể để duy trì, phát huy những thành tựu đã đạt được, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế, cũng như có các chính sách an sinh xã hội phù hợp, đáp ứng kỳ vọng của người dân./.

Lợi nhuận ngân hàng

Mặc dù đến thời điểm này chưa tới một nửa số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nhưng các ngân hàng đều cho biết lợi nhuận trước thuế tăng trưởng rất tốt, thậm chí có ngân hàng còn “bứt phá” tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, không ngạc nhiên khi Vietcombank vẫn là ngân hàng dẫn đầu với mức lợi nhuận trước thuế đạt 8.016 tỷ đồng, tăng tới 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, động lực tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank tiếp tục là mảng tín dụng – đầu tư khi đem về 12.997 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 19%. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.732 tỷ đồng, tăng 32%; lãi thuần từ hoạt động ngoại hối đạt 1.039 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,3%; lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 486 tỷ đồng, tăng 91%.

Các hoạt động khác, chủ yếu là hoàn nhập dự phòng, đem về cho Vietcombank tới 2.382 tỷ đồng, gấp 2,6 lần nửa đầu năm 2017.

Tại hội nghị sơ kết, lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết nhiều khả năng lợi nhuận năm nay sẽ còn cao hơn mức 14.000 tỷ đồng chỉ tiêu đề ra và vượt 15.000 tỷ đồng. Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Techcombank vừa công bố con số lợi nhuận trước thuế tới 5.196 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ 2017. Đây thực sự là một con số không tưởng khi mà vài năm trước, mức lợi nhuận của ngân hàng này chỉ lẹt đẹt ở những con số rất “cầm chừng”. Tạm tính đến thời điểm này Techcombank là ngân hàng có con số lợi nhuận cao nhất trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, dư nợ cho vay đạt 166.000 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Cho vay khách hàng cá nhân chiếm 50%, doanh nghiệp nhỏ và vừa 25%, phần còn lại là nhóm khách hàng khác. Nhóm khách hàng cá nhân đã mang lại yếu tố bền vững trong cấu trúc lợi nhuận ngân hàng.

Một số ngân hàng khác có tốc độ phát triển nhanh trong 2 năm trở lại đây là do do tiếp tục tăng cường áp dụng các giải pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến, đưa các ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động vận hành, nhờ đó đã đưa mức lợi nhuận trước thuế của những ngân hàng này lên khá cao.

Điển hình là VPBank trong nửa đầu năm nay tăng 34%, từ 3.264 tỷ đồng nửa đầu năm 2017 lên 4.375 tỷ đồng. Mức lợi nhuận cao đã đưa VPBank trở thành một trong những ngân hàng đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước. Tổng số thuế VPBank đã đóng trong năm 2017 đạt xấp xỉ 2.100 tỷ đồng.

Các nhà băng cho biết, lợi nhuận chủ yếu thu được là từ cho vay, dịch vụ bán lẻ,khách hàng cá nhân, bancasuarrance …

HDBank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất với lợi nhuận trước thuế đạt 2.063 tỷ đồng, tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ. Thu nhập từ các hoạt động kinh doanh của HDBank đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt bên cạnh thu nhập từ lãi và các khoản thu nhập tương tự có tăng trưởng ổn định (14%). Riêng thu nhập từ lãi thuần tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thu nhập khác đều tăng mạnh với nguồn thu đa dạng hóa. Đặc biệt, trong tổng lợi nhuận tăng mạnh của ngân hàng này, công ty tài chính HD SAISON đóng góp 400 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ.

Còn TPBank sau khi trích lập đầy đủ dự phòng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt mức 1.024 tỷ đồng, tăng 541 tỷ đồng, tương đương 212% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số ngân hàng khác cũng có mức lợi nhuận tăng rất tốt là VIB đạt tới 1.151 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2017. Đây là kết quả của việc doanh thu ròng đạt 2.701 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ, trong khi chi phí hoạt động chỉ ở mức 1.316 tỷ đồng, tăng 16%. Mặt khác, với chất lượng tín dụng liên tục được cải thiện, chi phí dự phòng được duy trì ở mức thấp là 234 tỷ đồng.

Không chỉ các ngân hàng lớn công bố lợi nhuận tăng mạnh, một số ngân hàng vừa và nhỏ cũng có mức lãi ấn tượng, tăng trưởng cao. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của VietBank đã tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ, đạt 201 tỷ đồng. Kết quả này là nhờ nhiều mảng kinh doanh đều có tăng trưởng khả quan trong khi chi phí hoạt động thu hẹp lại.

Đánh giá về con số lợi nhuận tăng mạnh của các ngân hàng đạt được trong nửa đầu năm nay, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực nhận định, ngoài hoạt động chính là tín dụng, lợi nhuận mà các ngân hàng thu về còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chi phí hoạt động, dịch vụ bán lẻ…

Ông Lực phân tích, trong 2 năm trở lại đây, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ tại đề án 1058, nhằm đảm bảo tính ổn định bền vững và lâu dài trong việc tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng cũng như tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân và doanh nghiệp.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia đến từ Công ty chứng khoán HSC, thời gian qua các dòng thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng cũng rất tốt nhờ lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối trong môi trường biến động tỷ giá, phí dịch vụ tăng và thị trường chứng khoán khởi sắc trong quý 1 cũng như việc bán một phần danh mục trái phiếu Chính phủ để hiện thực hóa lợi nhuận.

Hiện nhiều lãi dự thu là nợ xấu, doanh nghiệp chưa trả được tiền nhưng ngân hàng vẫn tính và như vậy sẽ làm ‘phồng’ tài sản có của các ngân hàng lên, chính vì vậy sổ sách của các ngân hàng cần phải minh bạch để có thể thẩm định được chính xác mức lợi nhuận.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, lợi nhuận cao của các ngân hàng còn có đóng góp từ gia tăng nguồn thu thanh lý các tài sản đảm bảo ngoại bảng đã được trích lập đầy đủ và xóa nợ. Và theo đó, lợi nhuận của họ tăng lên.

Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng đang đến mùa thu “quả ngọt” từ mảng bancasuarrance, vốn tập trung phát triển trong những năm gần đây như VPBank, Techcombank, MB, VIB. Điển hình là mô hình kinh doanh bảo hiểm chuyên biệt đã giúp VIB tăng doanh số bán mới bảo hiểm 151% so với cùng kỳ năm 2017 và là một trong ba ngân hàng có thị phần bán bảo hiểm nhân thọ cao nhất thị trường.

Một nguồn lợi nhuận không nhỏ của các ngân hàng là đến từ cho vay tiêu dùng. (Nguồn: TTXVN)

Tuy nhiên, đánh giá cao kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nhưng chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, dù lợi nhuận đạt kết quả tích cực nhưng việc có hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm 2018 hay không vẫn chưa có gì chắc chắn, nhất là khi nhiều ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng rất cao. Trong khi đó, môi trường kinh doanh trong 6 tháng cuối năm có thể sẽ có những thay đổi và biến động khó lường kể cả trong nước và thế giới.

Ông Hiếu phân tích, đây mới chỉ là kết quả của nửa năm chứ chưa phải cả năm. Trong quá trình hoạt động, ngân hàng có nhiều khoản trích lập dự phòng, có một số ngân hàng có quỹ trích lập mỗi tháng nhưng cũng có ngân hàng trích lập dự phòng mỗi quý, có ngân hàng đến hết năm mới trích lập dự phòng. Do đó, kết quả lợi nhuận đạt được trong 2 quý đầu có thể là dấu hiệu đáng mừng nhưng chưa phải là tiêu biểu cho cả năm.

Còn một chuyên gia khác thì đưa ra lời khuyên với các ngân hàng cần minh bạch hơn trong vấn đề sổ sách vì một số ngân hang đã đưa lãi dự thu để tính vào phần lợi nhuận.

“Hiện nhiều lãi dự thu là nợ xấu, họ chưa trả được tiền nhưng ngân hàng vẫn tính, khi hạch toán lãi đó thì lại trở thành tài sản của ngân hàng và làm ‘phồng’ tài sản có của các ngân hàng lên và như vậy thì đương nhiên lợi nhuận cũng sẽ được phồng lên theo như thế. Chính vì vậy, sổ sách của các ngân hàng cần phải minh bạch để có thể thẩm định được chính xác mức lợi nhuận,” vị chuyên gia trên nhấn mạnh./.

HDBank là ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm nay. (Nguồn: HDBank)

Con tàu VNR ‘oằn mình’ cõng di sản hơn 100 năm

Những di sản của hơn 100 năm lịch sử ngành đường sắt đến nay vẫn đang được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vận hành, khai thác từ đường ray, cầu hầm, các đường ngang dân sinh hay các thao tác thủ công như gác chắn đường ngang, tuần đường, duy tu…

VNR được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố từ Bắc-Nam, với 2.548km đường chính tuyến, 503km đường ga, 2.232 bộ ghi, 4.259m cầu các loại được đầu tư xây dựng từ thế kỷ trước với công nghệ lỗi thời, hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu; hệ thống đầu máy, toa xe cũ kỹ, nhiều chủng loại với tuổi đời bình quân hơn 30 năm; công nghệ khai thác vận hành, sửa chữa… đường sắt đều lạc hậu, chủ yếu là thủ công.

Thống kê VNR cho thấy, hạ tầng tuyến đường sắt còn nhiều chủng loại tà vẹt trên một tuyến đường và trong một khu gian, đã khai thác từ rất lâu nên đã bị gãy, rỉ, rạn nứt, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng kết cấu tầng trên đường sắt, số lượng tà vẹt cần phải thay thế bằng tà vẹt bê tông dự ứng lực khoảng gần 4 triệu thanh.

Sau thời gian dài khai thác, nhiều thanh đã bị mòn, tật, rỗ mặt lăn và mối bị gục nặng… làm tốc độ chạy tầu và sức kéo của đầu máy giảm. Trên tuyến đường sắt số lượng ray các tuyến cần phải thay bằng ray khổ P50 (chiều dài 50m) là 206.924 thanh.

Hệ thống đường ray đường sắt có lịch sử hàng trăm năm và không có sự thay đổi nhiều. (Ảnh: VNR cung cấp)

Một thực tế đáng buồn đó là, đa số hệ thống đường sắt đang sử dụng hệ thống ray khổ P38 và 43 (dài 12,5m) có từ thời Pháp thuộc để lại trong khi các nước trên thế giời đều đã dùng ray P50 (ray hàn liền) loại to và dài 600m có một mối nối hàn.

Đơn cử như tuyến Sài Gòn-Nha Trang có khoảng 170km đường ray hàng trăm năm nay chưa được duy tu bảo dưỡng, dẫn đến ray bị bào mòn hết mép bên trong lại phải xoay ray ngược vào (kiểu lộn săm xe đạp) để cho tàu chạy. Chính việc này làm cho tiết diện ray ngày càng nhỏ, tiếp xúc ma sát càng thấp dẫn đến tàu chạy rung lắc, trượt và dễ bị văng.

Một thực tế đáng buồn đó là, đa số hệ thống đường sắt đang sử dụng hệ thống ray khổ P38 và 43 (dài 12,5m) có từ thời Pháp thuộc để lại trong khi các nước trên thế giời đều đã dùng ray P50 (ray hàn liền) loại to và dài 600m có một mối nối hàn.

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), ray P50 Việt Nam đang dùng phổ cập nhập ray từ Áo, Nga và Trung Quốc và mới thử nghiệm được 20km tàu chạy rất êm thuận, cải tạo sóc lắc bởi 600m mới có tiếng động va quệt giữa bánh tàu với ray (mối nối chuyển ray) so với 12,5m như ray đang hiện hữu. Loại ray mới này có sự êm thuận tốt hơn tốc độ cải thiện hơn, cải thiện sóc lắc, giúp người đi dễ chịu, chất lượng phương tiện được đảm bảo, tuổi thọ tàu được kéo dài.

Tuy nhiên, ông Minh thừa nhận, nếu làm ray P50 mức đầu tư lên đến khoảng 8-9 tỷ đồng/km và phải đồng thời cải tạo nền đường, đá balat phải dày, vật liệu phải đồng bộ từ tavet đến ray, cải tạo hàn liền thì bán kính cong phải lớn. VNR đã tính đoạn Nha Trang-Sài Gòn làm ray P50 thì khoảng 4.700-5.000 tỷ đồng cho 411km bao gồm xử lý cả bán kính cong để mở rộng, bên cạnh cải tạo kết cấu nền đường.

Mặc dù công nghệ đúc ray P50 không quá phức tạp nhưng trở ngại lớn nhất mà phía ngành đường sắt lý giải đó là tìm được đầu ra cho sản phẩm. Chỉ làm một phép tính đơn giản, trong vòng một năm nếu bán 1.000 thanh ray thì không đủ đầu tư thu hồi vốn, xuất khẩu thì không có thị trường bởi khó có thể cạnh tranh với các nước tiên tiến nên không nhà đầu tư nào muốn làm.

Tuyến đường sắt còn nhiều chủng loại tà vẹt trên một tuyến đường và trong một khu gian. (Ảnh:VNR cung cấp)

Báo cáo VNR chỉ rõ, nền đường được đưa vào khai thác từ thời Pháp, thiết kế cho tải trọng nhỏ (<400 tấn so với 1.200 tấn hiện tại), mật độ chạy tàu thấp. Qua hai cuộc chiến tranh, bão lụt tàn phá càng tăng thêm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền đường. Đến nay, hầu hết (99%) nền đường chưa được cải tạo nâng cấp nên không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và vận tải đường sắt hiện tại…

Trong những năm vừa qua, khi các phương thức vận tải khác như đường không, đường bộ, đường biển được Nhà nước ưu tiên đầu tư, phát triển và đem lại mức tăng trưởng bùng nổ thì ngành đường sắt lại chưa được quan tâm phát triển tương xứng với tiềm năng.

Nếu như giai đoạn 2001-2010, tổng số vốn đầu tư cho ngành giao thông là 140.870 tỷ đồng thì vốn đầu tư cho đường sắt chỉ 4.802 tỷ đồng (chiếm 2,9%), trong khi tổng số vốn cho đường bộ 140.870 tỷ đồng (chiếm 88%). Giai đoạn 2010-2015, vốn đầu tư cho giao thông tăng gấp đôi là 330.000 tỷ đồng thì đường sắt chỉ được phân bổ có 9.203 tỷ đồng (chiếm 3%), đầu tư cho đường bộ 299.000 tỷ đồng (chiếm 90%).

Trong những năm vừa qua, khi các phương thức vận tải khác như đường không, đường bộ, đường biển được Nhà nước ưu tiên đầu tư, phát triển và đem lại mức tăng trưởng bùng nổ thì ngành đường sắt lại chưa được quan tâm phát triển tương xứng với tiềm năng.

Hơn nữa, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế được cấp hàng năm để duy tu bảo trì hệ thống đường sắt cũng rất hạn chế, chỉ đạt 30% mức nhu cầu thực tế. Chính vì vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt ngày càng xuống cấp và bị thu hẹp. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ đường sắt kém, công nghệ khai thác lạc hậu… đã làm sức cạnh tranh của vận tải đường sắt ngày càng thấp.

Với nguồn vốn bảo trì hạn hẹp, ngành đường sắt phải chắt chiu, “liệu cơm gắp mắm” để đảm bảo an toàn chạy tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hàng năm, ngành đường sắt cần duy tu, bảo dưỡng theo định mức cần 6.000 tỷ đồng nhưng chỉ cấp được có 30% nên hạng mục đầu tư bảo dưỡng không thường xuyên tích tụ lại sẽ làm chi phí đội lên cao.

Trong nguồn ngân sách cấp 2.000 tỷ đồng đó thì khoảng 1.200 tỷ đồng chi phí cho nhân công hệ tuần gác như nhân viên gác chắn, tuần đường, tuần hầm, bảo hiểm, quản lý… Chi phí vật tư cho bảo trì, duy tu chỉ chiếm khoảng 25% số vốn 2.000 tỷ đồng bao gồm cả đường ray, thông tin tín hiệu, ghi, nhà ga, đường ngang… Đó là chưa kể nhiều công trình sửa chữa lớn, khẩn cấp hay sửa chữa, gia cố đảm bảo an toàn cũng trích ra từ khoản vốn này. Và, theo tốc độ bảo trì hiện nay phải quay vòng 70 năm mới hết một vòng bảo trì vì kinh phí được cấp rất thấp.

Với nguồn vốn phân bổ quá hạn hẹp và nhỏ giọt này đó, đường sắt phải chắt chiu, “liệu cơm gắp mắm” rất kỹ lưỡng để lựa chọn những hạng mục cấp thiết nhất, đảm bảo an toàn chạy tàu chứ không dư để nâng cấp hay phát triển ngành.

Trong khi các ngành đường bộ, hàng không phát triển “nóng” trong vài năm trở lại đây đã khiến đường sắt bị “bóp nghẹt” cả về sản lượng và doanh thu khi từ năm 2014 đến hết quý 2/2017 vừa qua, kết quả sản xuất kinh doanh ngành đường sắt bị sụt giảm, nếu không có giải pháp đẩy mạnh thì một vài năm sẽ lỗ vốn. Và có quan điểm cho rằng, đường sắt nên cảm ơn đối thủ đã tự “kích hoạt” sự thay đổi tư duy. Tư duy ở đây không phải chỉ ở người làm đường sắt mà là cả chính phủ, xã hội.

Vậy câu hỏi đặt ra, phải chăng chúng ta đã bỏ rơi hạ tầng đường sắt trong thời gian dài?

Ngành đường sắt sẽ tăng mức lương cho công nhân gác chắn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, nếu nói bỏ rơi thì không dám dùng “thuật ngữ đó” mà phải thấy rằng yếu tố lợi ích của khoản đầu tư trong khi nguồn lực đất nước ít thì lựa chọn khoản đầu tư cho lĩnh vực vận tải nào trước tiên để mang lại lợi ích trước mắt nhanh và đồng thời kết hợp xã hội hóa để giảm chi phí đầu tư cho Nhà nước, đó là lý do đường bộ và hàng không liên tục được “rót vốn” ồ ạt thời gian qua.

Theo ông Minh, đầu tư cho đường sắt ít nhất phải là 300km bởi chỉ với tốc độ 200km/giờ thì đường sắt sẽ ưu việt trong cự ly từ 200-1.000km nhưng số vốn lớn trong khi khả năng thu hồi lâu nên không thể thu hút xã hội hóa nhà đầu tư. Sau 2.000km, người dân sẽ lựa chọn hàng không.

“Chúng ta đầu tư có bị lệch ở chỗ đường bộ quy hoạch có 5 tuyến có nhất thiết phải 5 tuyến hay không hay chỉ cần 2-3 tuyến và thay vào đó dồn tiền vào đầu tư để đường sắt có tuyến đôi thì sẽ phát huy hiệu quả rất nhiều nhờ vận tải khối lượng lớn. Đường sắt an toàn gấp 10 lần so với ôtô, chưa kể cự ly dài chi phí sẽ thấp hơn… Để Nhà nước đầu tư thì phải phụ thuộc vào nguồn lực và trông chờ vào sự điều tiết vốn của Nhà nước cho mỗi loại hình vận tải,” ông Minh nhấn mạnh.

Công tác sửa chữa đường ray vẫn bằng những thao tác thủ công, lạc hậu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Năm 2018, VNR được Bộ Giao thông Vận tải giao kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt với kinh phí 2.500 tỷ đồng (tăng 14,1 % so với năm trước đó), còn thiếu so với đề nghị của Tống công ty là 15,9%, tương đương 347 tỷ đồng). Trong đó, có 100 tỷ đồng cấp ray từ dự án Yên Viên-Lào Cai.

VNR đã lập kế hoạch chi ngân sách nhà nước nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2019 theo định mức kinh tế kỹ thuật và các quy định hiện hành, với các hạng mục và chi phí lên tới 6.829 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với khả năng nguồn vốn Nhà nước còn hạn chế không thể đáp ứng kinh phí nhu cầu tính đủ định mức kinh tế kỹ thuật và sự cần thiết tối thiểu, do đó VNR lập phương án kế hoạch theo sự cần thiết tối thiểu là 3.501 tỷ đồng.

Mục tiêu việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2019 được lãnh đạo VNR đưa ra là sẽ tập trung vào duy trì, củng cố chất lượng kỹ thuật kết cấu hạ tầng trên tất cả các tuyến; giữ vững tốc độ, tải trọng đáp ứng yêu cầu vận tải đường sắt; trọng tâm là duy trì trạng thái kỹ thuật, chất lượng, tốc độ, tải trọng chạy tàu, giảm tỷ lệ xóc lắc ưu tiên các tuyến đường sắt Thống Nhất, Yên Viên-Lào Cai và Gia Lâm-Hải Phòng.

VNR đã lập kế hoạch chi ngân sách nhà nước nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2019 theo định mức kinh tế kỹ thuật và các quy định hiện hành, với các hạng mục và chi phí lên tới 6.829 tỷ đồng.

Với kinh phí bảo dưỡng thường xuyên tăng gần 900 tỷ đồng so với năm nay, lương công nhân gác chắn, tuần đường tăng thêm so với năm 2018 khoảng 330 tỷ đồng, dự kiến tăng mức lương cơ sở từ 1,25 triệu đồng tăng lên 1,39 triệu đồng; tăng đơn giá ngày công hiện tại (trong phương án giá năm 2018 được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt) do nguồn vốn hạn hẹp mới đạt bình quân 241.000 đồng/ngày công lên 331.000 đồng/ngày công (tăng 330,7 tỷ đồng).

Để đảm bảo an toàn cho hoạt động vận tải đường sắt, duy trì trạng thái kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia, VNR đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính xem xét chấp thuận báo cáo Chính phủ bố trí kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia theo định mức kinh tế kỹ thuật (phương án tính đủ).

“Trường hợp ngân sách hạn hẹp, ngành đường sắt đề nghị xem xét cân đối bố trí kinh phí cần thiết tối thiểu theo đề nghị của Tổng công ty là 3.501 tỷ đồng,” lãnh đạo VNR nhấn mạnh.

Trong khi chờ đường sắt trở lại thời kỳ “át chủ bài” của ngành giao thông, những khổ đường ray hàng trăm năm vẫn phải “oằn mình” cõng hàng chục lượt tàu chạy qua. Bộ Giao thông Vận tải cũng cố gắng đặt mục tiêu đến 2020 báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt Bắc Nam tốc độ cao. Như nhiều lãnh đạo ngành giao thông thừa nhận, ngành vẫn còn “nợ” đất nước và nhân dân một tuyến đường sắt hiện đại, vì không thể để đường sắt cũ kỹ lạc hậu mãi./.

Lương của công nhân tuần đường sẽ được tăng thêm so với năm 2018 nếu được rót đúng kinh phí định mức bảo trì. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bầu cử Quốc hội Campuchia

Chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia đã kết thúc ngày 27/7, hai ngày trước khi hơn 8,3 triệu cử tri Campuchia đi bỏ phiếu để bầu ra 125 nghị sỹ cơ quan lập pháp tối cao của đất nước Chùa Tháp. Đây là cuộc bầu cử quốc hội khóa VI kể từ khi Campuchia tiến hành bầu cử đa đảng vào năm 1993 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Lá phiếu của người dân Campuchia trong cuộc bầu cử ngày 29/7 tới sẽ quyết định tương lai ổn định và phát triển của đất nước sau gần 40 năm hồi sinh kể từ sự kiện lịch sử ngày 7/1/1979, khi dân tộc Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh sau nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội khóa V, người dân Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), đã duy trì được hòa bình và phát triển tại đất nước Chùa Tháp.

Campuchia là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế ổn định trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng bền vững 7%/năm

Đặc biệt, trên lĩnh vực kinh tế, Chính phủ Hoàng gia, do Chủ tịch CPP Samdech Techo Hun Sen làm Thủ tướng, đã thu được những thành tựu ấn tượng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Campuchia là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế ổn định trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng bền vững 7%/năm trong những năm gần đây và dự báo sẽ được duy trì trong những năm tới. Thu nhập bình quân đầu người từ 1.042 USD năm 2013 tăng lên 1.563 USD năm 2018, góp phần đáng kể nâng cao mức sống của người dân. Tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh từ 53,5% năm 2004 xuống còn 13% trong năm 2016 và còn tiếp tục giảm.

Quang cảnh đoàn tuần hành của đảng Nhân dân (CPP) cầm quyền tại thủ đô Phnom Penh. (Ảnh: TTXVN)

Campuchia đã đạt dấu mốc quan trọng từ một quốc gia có thu nhập thấp trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và đang tiếp tục tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Nhờ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng, vốn dự trữ ngoại hối của Campuchia đã tăng từ 3,64 tỷ USD trong năm 2013 lên hơn 9 tỷ USD trong năm 2017.

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, tình hình chính trị ổn định và an ninh được bảo đảm cùng với việc triển khai Cương lĩnh chính trị và Chiến lược tứ giác phát triển giai đoạn 3 của Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ V là những yếu tố giúp Campuchia giành được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện đời sống nhân dân…

Cuộc bầu cử lần này được đánh giá là cuộc đua khá quyết liệt, thử thách thế thượng phong của CPP trên chính trường Campuchia 

Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhân dân Campuchia sẽ lựa chọn chính đảng và tầng lớp chính trị đủ năng lực lãnh đạo để đưa đất nước tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.

Với 20 chính đảng tham gia tranh cử, cuộc bầu cử lần này được đánh giá là cuộc đua khá quyết liệt, thử thách thế thượng phong của CPP trên chính trường Campuchia. Trước cuộc bầu cử, các cựu lãnh của đảng “Cứu nguy dân tộc Campuchia” (CNRP) đối lập, đã bị giải thể tháng 11/2017 theo một phán quyết của Tòa án tối cao Campuchia do vi phạm luật về các đảng phái chính trị, đã tiến hành nhiều hoạt động chống phá cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI.

Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia(CPP) cầm quyền, Thủ tướng Samdec Techo Hun Sen phát biểu tại buổi kết thúc chiến dịch vận động tranh cử Quốc hội ở Phnom Penh ngày 27/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một trong những cựu thủ lĩnh của đảng này, ông Sam Rainsy, hiện đang lưu vong ở nước ngoài, đã thông qua các mạng truyền thông xã hội kêu gọi các cử tri Campuchia tẩy chay cuộc bầu cử bằng cách “ngồi nhà trong ngày bầu cử” 29/7 hoặc “giữ ngón tay sạch” khi buộc phải đến phòng phiếu nhưng không nhúng ngón tay vào mực để xác nhận đã bỏ phiếu.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi của ông Sam Rainsy và các cựu lãnh đạo của một đảng không còn hợp pháp đã trở nên lạc lõng khi bị cử tri trong nước hầu như phớt lờ. Việc các đảng như CPP, Dân chủ cơ sở (GDP), Liên minh dân chủ Campuchia (LDP), FUNCINPEC… tập hợp được vài nghìn hoặc vài chục nghìn người tham gia diễu hành vận động tranh cử tại thủ đô cho thấy người dân Campuchia quan tâm tới sự kiện này.

Chiến dịch tranh cử diễn ra một cách hòa bình, không có bất kỳ hành động bạo lực nào xảy ra

Chỉ riêng trong ngày kết thúc chiến dịch tranh cử, trên 300.000 người ủng hộ 7 đảng trong số 20 đảng tham gia tranh cử đã tập trung tại Trung tâm triển lãm thương mại Koh Pich và Quảng trường Dân chủ, sau đó diễu hành trên nhiều đại lộ chính ở thủ đô Phnom Penh.

Các đảng nhỏ khác không có điều kiện tổ chức tập họp, diễu hành,.. đã có các hình thức vận động như phát cương lĩnh tranh cử trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, hoặc phát loa trên các xe lưu động trên đường phố.

Theo đánh giá của Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC), chiến dịch tranh cử diễn ra một cách hòa bình, không có bất kỳ hành động bạo lực nào xảy ra.

Các lực lượng vũ trang Campuchia tham gia cuộc tổng duyệt an ninh tại Sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh  ngày 25/7 trước thềm bầu cử Quốc hội. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với những diễn biến của chiến dịch tranh cử, cùng với lời kêu gọi công dân đi bầu cử của Quốc vương Norodom Sihamoni, hầu hết lãnh đạo các đảng cũng như nhiều nhà phân tích chính trị Campuchia đều cho rằng khả năng cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này sẽ không thấp như ý đồ của các cựu lãnh đạo đảng đối lập đã bị giải tán.

Thậm chí, một số ý kiến lạc quan cho rằng nhiều khả năng số cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử lần này sẽ tương đương cuộc bầu cử Quốc hội khóa V năm 2013, vốn đã thu hút được 61% cử tri đi bầu.

Với lợi thế của một đảng cầm quyền kể từ năm 1979, sau khi lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và tiến hành công cuộc xây dựng xã hội mới ở Campuchia đến nay, cùng với những thành tựu nổi bật trong 5 năm của nhiệm kỳ qua, cũng như với một cương lĩnh tranh cử nhấn mạnh đến việc giữ vững hòa bình và duy trì mức tăng trưởng bền vững, chú trọng đến phúc lợi của mọi tầng lớp nhân dân, CPP đang được đánh giá có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc chạy đua lần này.

Nhân dân Campuchia, với vị thế của người làm chủ vận mệnh bản thân từ sau chiến thắng 7/1/1979, sẽ quyết định tương lai cho dân tộc vào ngày 29/7

Tuy nhiên, người phát ngôn CPP, ông Sok Eysan bày tỏ thận trọng khi cho rằng: “Chúng tôi không chắc sẽ giành được một chiến thắng với 2/3 số phiếu, nhưng chúng tôi sẽ thắng với tỷ lệ trên 50%. Và sau khi giành chiến thắng, chúng tôi sẽ thành lập chính phủ mới.”

Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa V, CPP giành được 68/123 ghế. Một số nhà phân tích tình hình tại Phnom Penh cho rằng trong số 19 đảng còn lại, có 3 đảng gồm đảng Ý chí Khmer (KWP), đảng Liên đoàn Dân chủ (LDP) và đảng Dân chủ Cơ sở (GDP) có thể giành ghế trong quốc hội kỳ này.

Câu trả lời sẽ được cụ thể hơn vào ngày 29/7 khi cử tri đất nước Chùa Tháp tới các điểm bỏ phòng trong cả nước để thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Nhân dân Campuchia, với vị thế của người làm chủ vận mệnh bản thân từ sau chiến thắng 7/1/1979, sẽ quyết định tương lai cho dân tộc Campuchia./.

Quang cảnh đoàn tuần hành của đảng Nhân dân (CPP) cầm quyền tại thủ đô Phnom Penh. (Ảnh: TTXVN)
Exit mobile version