Người Việt ở nơi băng giá nhất nước Nga

Những cây thông bị băng phủ kín. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Bầu trời chỉ sáng vài tiếng mỗi ngày, người dân lác đác đi bộ trên phố hay đứng đợi ở bến xe cộng cộng trong cái giá lạnh tới -45 độ C. Đó là hình ảnh thường thấy của Yakutsk – thành phố lớn nhất nước Nga nằm trên băng vĩnh cửu, thủ phủ của Cộng hòa Sakha thuộc Liên bang Nga.

Với dân số chỉ hơn 300.000 người, Yakutsk vào mùa Đông rất ảm đạm. Đường phố lác đác xe qua lại, đồng thời người sử dụng ôtô cũng phải thường xuyên nổ máy vì nếu động cơ dừng quá lâu trong băng giá thì sẽ không nổ lại được.

Những đám khói quẩn từ ống xả ôtô vì thế cứ tỏa ra, không thể bốc lên, khiến cho các xe trùm kín trong làn khói và thậm chí rất khó quan sát nếu chạy sau một chiếc xe tải lớn. Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy, khó có thể tưởng tượng vẫn có những người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ổn định đã từ lâu tại thành phố ở miền Đông Siberia này.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Nguyễn Văn Thọ, sinh năm 1968, quê ở Thường Tín, Hà Nội. Anh sang Nga từ cuối năm 1996 để làm ăn. Anh tâm sự khi đó “anh em rủ đâu thì mình đi làm ở đấy.”

Anh Nguyễn Văn Thọ, quê Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: Duy Trinh/Vietnam+)

Ban đầu, anh và những người Việt Nam đầu tiên đến Yakutsk để kinh doanh hàng quần áo ở chợ ngoài trời. Nhớ lại thời còn đứng bán hàng ngoài trời, anh Thọ cho biết: “Bây giờ thời tiết không lạnh bằng ngày trước. Trước mình đi ra chợ bán hàng vào lúc khoảng 12 giờ đứng ngoài trời, không điện đóm gì cả.”

Anh kể “nếu không có sương mù thì 3-4 giờ dọn hàng về, nếu sương mù thì 1-2 tiếng là phải về vì không nhìn thấy gì. Bây giờ làm nghề này là sướng rồi vì được ngồi trong nhà chứ trước toàn phải đứng ngoài trời.”

Anh cho biết thời mới đến Yakutsk, anh phải đứng ngoài trời bán hàng, có lúc nhiệt độ giảm xuống -57 độ C. “Hai anh em đứng, khi nào lạnh thì nhảy chân cho đỡ lạnh, bình thường là 2 tiếng, ngày nào thứ Bảy, Chủ nhật đứng 4 tiếng, có lúc chân tê không nhấc lên được.”

Từ năm 2000, anh Thọ đã chuyển sang làm nghề đánh chìa khóa và thay khóa kéo quần áo và giày. Anh Thọ cho biết: “Mình đã 21 năm làm nghề này, dân ở đây biết là mình làm thế nào.”

Rừng ở ngoại ô Yakutsk trong băng giá. (Thực hiện: Anh Nam)

Nhờ đức tính cần cù và chăm chỉ, người Việt ở đây vẫn có cuộc sống ổn định và phát triển nhờ vào việc làm có vẻ như đơn giản trên. Gia đình anh Thọ, với 4 con, con nhỏ nhất mới khoảng 1 tuổi, đã mua được căn nhà rộng rãi.

Anh Thọ cũng cũng đưa em và cháu mình sang đây sinh sống, làm ăn và các gia đình này đều sống bằng nghề giống như anh Thọ. Họ cũng đều sắm được nhà, mua ôtô, có một cuộc sống ổn định.

Ông Kim Peredonov, một khách hàng đến thay khóa kéo áo khoác ở cửa hàng anh Thọ, cho biết: “Chúng tôi thường thay khóa kéo ở đây, họ làm rất nhanh, rất giỏi. Họ làm rất tốt, họ đặt cái khóa kéo vào ủng và làm nhoáng một cái là xong, rất nhanh. Chúng tôi rất thích.”

Điểm mạnh của các thợ Việt ở Yakutsk là họ có thể nhanh chóng đánh chìa khóa hay thay khóa kéo. Khách hàng chỉ cần đợi một lúc là có thể nhận lại món đồ đã thay khóa của mình.

Anh Thọ cho biết hiện ở Yakutsk có 5 gia đình người Việt, trong đó có 3 gia đình thuần Việt vốn là họ hàng với anh, và 2 gia đình nửa Việt, nửa Nga. Theo anh, do cộng đồng người Việt ở đây ít nên các gia đình 1 tuần thường tụ họp vào 2 ngày, thứ Sáu với thứ Bảy “cứ hôm nay ăn ở nhà này thì tuần sau ăn ở nhà khác.”

Người Việt ở đây rất thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, điều này có thể nhận thấy không chỉ qua những bữa tụ họp, ăn uống vui vẻ. Trong thời gian ở tại nhà anh Thọ-chị Phương, anh chị còn cho một gia đình người Trung Quốc làm cùng chợ đến ở nhờ, do nhà của gia đình đó phải sửa chữa.

Chị Đinh Thị Hoài, quê Quảng Bình, cũng sống ở Yakutsk. Năm 2013, chị Hoài theo chồng người Nga là anh Sergey sang Yakutsk. Nay gia đình chị đã có 2 con, một trai và một gái.

Chị Hoài cho biết khi mới sang, suốt 4-5 năm, chị không làm quen được với người Việt Nam nào, “buồn, khóc, nhớ quê hương, nhớ nhà.” Nhưng khi gặp được bà con người Việt Nam, cuộc sống đã thay đổi.

“Các anh chị đã mang lại tình thương cho em. Em cảm thấy cuộc sống thú vị và tình cảm hơn rất nhiều,” chị Hoài nói.

Anton – con lớn của anh Sergei và chị Hoài nói khá sõi tiếng Việt, tuy nhiên nửa năm nay, chị Hoài cho Anton học thêm tiếng Việt trực tuyến 2 lần một tuần vào thứ Bảy và Chủ nhật.

(Ảnh: Duy Trinh/Vietnam+)

Hiện chị Hoài đang mở một cửa hàng nhỏ ở khu chợ gần sân bay Yakutsk để kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Nhân dịp Năm mới, chị bày tỏ mong muốn  công việc kinh doanh sẽ thuận lợi để chị có thể mở một cửa hàng lớn hơn, tích lũy được thêm tiền gửi về cho bố mẹ. Chị cũng mong mọi người ở đây sẽ làm ăn phát đạt, yêu thương quý trọng nhau hơn.

Chia tay Yakutsk, tôi cảm thấy bồi hồi trước tình cảm của những người Việt bình dị, sống xa quê hương. Họ là một cộng đồng nhỏ bé song đùm bọc và thương yêu nhau. Xuân đã về rực rỡ, ấm áp trên khắp các phố phường Việt Nam. Còn ở Yakutsk xa xôi, nơi thường xuyên phải đối mặt với tiết trời băng giá vào dịp Năm mới, người Việt ở đây vẫn đầy ắp tình người, vẫn hướng về quê hương đất nước, giữ gìn bản sắc tiếng Việt cho thế hệ sau.

Duy Trinh
Duy Trinh

Phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga