Chuyện về những ‘chiến binh áo trắng’

ttxvnchien-1614393558-76.jpg

Những ‘chiến sỹ áo trắng’

nơi tâm dịch Hải Dương

Kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay là ngày đáng nhớ nhất không chỉ với đội ngũ bác sỹ, y tá, nhân viên y tế tỉnh Hải Dương mà còn là kỷ niệm không thể quên đối với các sinh viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Trong cuộc chiến đầy cam go với dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua, có được kết quả như hôm nay là sự góp sức không nhỏ của đội ngũ 1.000 cán bộ y, bác sỹ và sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương.

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, họ – những chiến sỹ áo trắng đã làm việc không kể ngày đêm, tham gia công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm…

Niềm vui lớn nhất đối với họ bây giờ có lẽ là những lần công bố khỏi bệnh và trao giấy ra viện cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Huy động tổng lực

Chỉ sau 22 giờ kể từ khi nhận được lệnh từ Bộ Y tế, với sự phối hợp của đoàn công tác từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện dã chiến số 2 điều trị bệnh nhân COVID-19 đã được thiết lập tại Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương với quy mô ban đầu 260 giường, 26 giường hồi sức tích cực, 2 phòng mổ hoàn chỉnh.

Chiều 29/1, Bệnh viện đã tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên. Đến nay, Bệnh viện dã chiến 2 đã nâng công suất lên 660 giường bệnh.

Với sự hướng dẫn của chuyên gia Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai, đến nay Bệnh viện trường đã xây dựng xong quy trình điều trị, chăm sóc, kiểm soát nhiễm khuẩn… Trường cũng gắn thực hiện nhiệm vụ chống dịch và nghiên cứu khoa học, đảm bảo hoạt động phòng chống dịch theo tính chuyên nghiệp và khoa học hơn.

Phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Thị Diệu Hằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết, xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng và khẩn trương nên Trường đã huy động tổng lực cán bộ, các thầy thuốc của trường, bệnh viện trường để cùng đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai vận hành Bệnh viện dã chiến.

Lực lượng sinh viên tình nguyện đã tích cực tham gia hỗ trợ khử trùng, khử khuẩn, vệ sinh buồng bệnh phục vụ công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Các thầy thuốc và y bác sỹ đã làm việc không ngừng nghỉ để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Bệnh viện dã chiến thứ hai đặt tại Bệnh viện Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương (thành phố Hải Dương). (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Suốt gần 1 tháng qua, Bệnh viện dã chiến số 2 đã tiếp nhận 359 bệnh nhân, trong đó, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất là 1 tháng tuổi và lớn tuổi nhất là 93 tuổi. Có 88 bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện. Trong số 11 bệnh nhân nặng, có bệnh nhân phải thở máy, lọc máu nhưng đến nay các bệnh nhân đều đã qua cơn nguy kịch, đang chuyển biến tốt.

Bên cạnh lực lượng phục vụ công tác điều trị tại Bệnh viện dã chiến, giảng viên và sinh viên, trường còn tham gia hỗ trợ điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, có trên 600 sinh viên tình nguyện hăng hái tham gia phòng chống dịch.

Em Đồng Thị Thư, sinh viên năm thứ ba, khoa điều dưỡng, hiện đang tham gia công việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bệnh viện dã chiến số 2 nhớ lại: “Hôm 27 Tết, khi trường họp và thông báo tình hình dịch tại tỉnh, em đã không ngần ngại viết đơn đăng ký và khi đăng ký xong mới gọi điện báo cho bố mẹ.”

Làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao nhưng nhờ các thầy cô tập huấn và hướng dẫn từ trước, Thư đã nhanh chóng vượt qua lo sợ ban đầu, trong suốt quá trình làm việc, luôn cẩn trọng để bảo vệ sức khỏe để không bị lây nhiễm.

Theo Phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Thị Diệu Hằng, Ban lãnh đạo Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương thường xuyên động viên, khuyến khích và nhắc nhở các sinh viên thực hiện tốt các biện pháp phòng hộ cá nhân để không xảy ra lây nhiễm trong khi tham gia các công việc phòng, chống dịch. Cùng với đó, Trường đã triển khai tập huấn trực tuyến cho lực lượng sinh viên chưa tham gia để sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được huy động.

Công nhân ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương được lấy mẫu xét nghiệm trước khi đi làm lại. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Trước yêu cầu truy vết thần tốc, xét nghiệm thần tốc, được đề nghị từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương, Trường đã cử một cán bộ lãnh đạo và 40 cán bộ xét nghiệm thay phiên nhau hỗ trợ chuyên môn cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương.

Tiến sỹ-bác sỹ Trần Quang Cảnh, Chủ tịch Hội đồng Trường là người trực tiếp hỗ trợ chuyên môn công tác xét nghiệm tại CDC Hải Dương chia s những ngày qua, mất ngủ là điều thường xuyên với tất cả cán bộ, nhân viên làm xét nghiệm. Còn với sinh viên đi lấy mẫu bệnh phẩm, các em làm liên tục từ sáng, nhiều đêm tới 1-2h sáng.”

“Những ngày qua, mất ngủ là điều thường xuyên với tất cả cán bộ, nhân viên làm xét nghiệm. Còn với sinh viên đi lấy mẫu bệnh phẩm, các em làm liên tục từ sáng, nhiều đêm tới 1-2h sáng.”

Công tác xét nghiệm chạy đua với dịch cùng sự tham gia hỗ trợ tích cực từ Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, công suất xét nghiệm tại CDC Hải Dương đã tăng từ 3.000 mẫu/ngày lên 13.000 mẫu/ngày.

Bên cạnh đó, phòng xét nghiệm tại Bệnh viện của Trường có năng lực xét nghiệm và công suất xét nghiệm hiện đạt khoảng 500 mẫu đơn/ngày, mẫu gộp có thể đạt 2.500 mẫu. Đến nay, Bệnh viện trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã xét nghiệm 3.900 mẫu cho bệnh nhân và nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến.

Trọng trách, niềm vui và tự hào

Cũng như bao thầy thuốc trên khắp mọi miền của Tổ quốc Việt Nam, khi đã chọn khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, các y bác sỹ và sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã sẵn sàng đón nhận những áp lực, vất vả mà nghề y mang lại và dịp 27/2 với họ, niềm vui và món quà lớn nhất chính là nụ cười của người bệnh khi được chữa khỏi và trở về nhà an toàn cùng với gia đình.

Ngày 26/2, trong số 27 bệnh nhân khỏi bệnh và xuất viện, bệnh nhân V.Q.H, trú tại phố Ngọc Uyên, phường Ngọc Châu, thành phố Hải Dương xúc động bày tỏ: “Lúc đầu khi mới vào viện, tôi rất lo lắng. Suốt hơn 20 ngày qua, nhất là những ngày nằm ở phòng hồi sức, tôi được các y bác sỹ điều trị, chăm sóc không kể ngày đêm, kể cả ngày Tết. Đến nay, khỏi bệnh và được ra viện, tôi rất mừng và xúc động, không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn các bác sỹ, những người đã vất vả điều trị cho tôi.”

Trao tặng lẵng hoa của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các chiến sỹ áo trắng đang chống dịch COVID-19 tại Hải Dương. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Phó Giáo sư-tiến sỹ Đinh Thị Diệu Hằng chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định mang trên mình trọng trách của người thầy thuốc và người thầy giáo, khi có dịch xảy ra thì thầy và trò trường y là lực lượng xung kích. Vì vậy, năm nay do dịch, không có lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam nhưng chúng tôi cũng thấy rất vui và tự hào vì đã đóng góp một phần cùng chung tay chung sức để điều trị các bệnh nhân COVID-19. Mỗi khi có một bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là một niềm vui rất to lớn đối với các y bác sỹ. Sự ghi nhận của bệnh nhân, của cộng đồng đối với những nhân viên y tế là sự động viên, khuyến khích lớn lao đối với những người thầy thuốc.”

Theo Phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Thị Diệu Hằng, việc giáo dục rèn luyện tay nghề và y đức cho thế hệ thầy thuốc tương lai cũng là nội dung được Trường thường xuyên chú trọng để thực hiện được sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Song song với việc cố gắng học tập để giỏi về chuyên môn thì còn phải có cái tâm và luôn coi bệnh nhân như người thân, giúp người bệnh giảm bớt nỗi đau bệnh tật và nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Chung vui và chúc mừng các y bác sỹ trước những thành công trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, thạc sỹ-bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá Bệnh viện dã chiến số 2 là một trong những cơ sở điều trị số lượng bệnh nhân COVID-19 nhiều nhất của cả nước tính đến thời điểm này.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, đến nay, Bệnh viện dã chiến số 2 đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân, trong đó có những bệnh nhân nặng phải hồi sức tích cực cũng đã khỏi hoặc có tiến triển tốt. Với thành công này của đội ngũ các thầy thuốc, nhân dân có thể yên tâm về năng lực điều trị của ngành y tế./.

Ông Trần Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế trao giấy ra viện cho bệnh nhân ra viện. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

‘Lá chắn’

nơi tuyến đầu chống dịch

Nhận điện thoại là lên đường không quản ngày đêm. Mệt rã rời nhưng vẫn phải tranh thủ từng giây phút để truy vết, xét nghiệm nhanh bởi thời gian trong phòng chống dịch còn quý hơn vàng. Đó là công việc hàng ngày của các bác sỹ, cán bộ y tế làm việc tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ăn nhanh, ngủ vội

Thời điểm nào tại Việt Nam xuất hiện các ổ dịch, vùng dịch là thời điểm đó, Khoa Bệnh Truyền nhiễm và Khoa Xét nghiệm làm việc thần tốc để truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm các mẫu liên quan.

Thạc sỹ, bác sỹ Vũ Thị Yến Minh, Phó Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm chia sẻ Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm thực hiện nhiệm vụ truy vết, điều tra các trường hợp bệnh nghi ngờ cũng như các trường hợp đã được xác định là F0, F1, F2 để đưa ra ý kiến tham mưu cho việc khoanh vùng, cách ly các trường hợp nguy cơ.

Do đặc thù công việc, khi nào có thông báo về một ca bệnh mới liên quan đến thành phố, cán bộ khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm đều nhận lệnh lên đường, trong đó không thể không kể đến ngày Hải Phòng ghi nhận chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Giao thông Vận tải.

Thạc sỹ, bác sỹ Vũ Thị Yến Minh cho biết đêm 22/2, các mũi điều tra dịch tễ Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng tỏa đi khắp nơi để nhanh chóng truy vết các đầu mối, nguồn gốc dẫn đến ca bệnh này. Với sự nỗ lực hết mình, ngay trong đêm lực lượng y tế đã tìm ra nguồn bệnh, phong tỏa các yếu tố nguy cơ, các đối tượng nguy cơ cao để ngăn cách nguồn lây này đối với cộng đồng.

Bác sỹ Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng kiểm tra thông tin truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Nếu khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm là “lắ chắn” khoanh vùng nguồn lây thì Khoa Xét nghiệm là nơi giúp “truy tìm” chính xác các trường hợp mắc bệnh.

Tranh thủ nghỉ ngơi giữa 2 đợt xét nghiệm, bác sỹ Cao Hải Anh, Phó trưởng Khoa Xét nghiệm nói vui: “Từ Tết tới giờ, mình giảm 10kg theo phương pháp hoàn toàn tự nhiên là ít ăn, ít ngủ…”

Bác sỹ Cao Hải Anh, Phó trưởng Khoa Xét nghiệm nói vui: “Từ Tết tới giờ, mình giảm 10kg theo phương pháp hoàn toàn tự nhiên là ít ăn, ít ngủ…”

Tại khoa này, cán bộ y tế làm việc theo ca. Mỗi ca kéo dài từ 6-8 tiếng thì xong một mẻ xét nghiệm. Hết ca, anh chị em tranh thủ ra ngoài. Giai đoạn ít mẫu bệnh phẩm, mọi người có thời gian nghỉ ngơi tại cơ quan hoặc về nhà. Giai đoạn dịch bệnh ở Hải Dương, Quảng Ninh – hai địa phương lân cận Hải Phòng diễn biến phức tạp, tại thành phố xuất hiện 4 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có chùm ba ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Giao thông Vận tải, công việc của Khoa Xét nghiệm càng chồng chất.

Mỗi ngày có tới hàng nghìn mẫu xét nghiệm cần kết quả ngay, trong khi nhân lực của khoa chỉ có 8 người, trang thiết bị còn thiếu, một số khâu cán bộ của khoa vẫn phải làm thủ công. Để đảm bảo tiến độ, anh chị em tranh thủ ăn, ngủ trong khoảng 1-2 tiếng giữa thời gian thay ca rồi lại tiếp tục guồng làm việc.

Từ Tết Nguyên đán Tân Sửu đến thời điểm này, hầu hết cán bộ của khoa làm việc trong phòng xét nghiệm từ 16-18 giờ mỗi ngày và chỉ ai có con nhỏ mới tranh thủ về nhà một vài tiếng buổi tối.

Dù vất vả vẫn mạnh mẽ, lạc quan

Bác sỹ chuyên khoa II Đồng Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng, cho biết do số người thực hiện công tác giám sát chỉ có 8 cán bộ, viên chức cùng với tổ công tác xét nghiệm chỉ có 8 đến 9 người, nên Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng phải chịu gánh nặng rất lớn về việc tổ chức giám sát phân luồng cũng như vấn đề lấy mẫu và làm xét nghiệm. Trong những thời điểm cao điểm, tất cả cán bộ, bác sỹ, nhân viên của Trung tâm đều được tăng cường tham gia phòng, chống dịch.

Sau hơn một năm triển khai nhiệm vụ là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế của Trung tâm đều hết sức nỗ lực điều tra, truy vết, khoanh vùng, đưa ra kết quả xét nghiệm nhanh nhất để tham mưu cho Sở Y tế, thành phố phương án phòng, chống dịch hiệu quả.

Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm liên quan đến virus SARS-CoV-2 tại Trung tâm Y tế dựu phòng Hải Phòng. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Tính từ thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện đến ngày 26/2/2021, Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng đã thực hiện điều tra dịch tễ và chỉ định xét nghiệm 586 trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, trong đó 205 mẫu được thực hiện tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và 381 mẫu được thực hiện tại Trung tâm.

Từ các mẫu này đã xác định bốn trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là bệnh nhân số 1561, 2385, 2391, 2392. Bên cạnh đó, để phục vụ công tác phòng, chống dịch, Trung tâm đã thực hiện xét nghiệm 47.735 mẫu sàng lọc cho các trường hợp theo chỉ đạo của thành phố và ngành y tế.

Đến thời điểm này, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở hỗ trợ Trung tâm Y tế Dự phòng lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc để giảm tải cho đơn vị.

Thay mặt cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế của Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng, bác sỹ Chuyên khoa II Đồng Trung Kiên chia sẻ mong muốn, thành phố quan tâm, động viên cán bộ đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn phòng, chống dịch cũng như thời gian tiếp theo.

Trong câu chuyện ngắt quãng và rất vội với chúng tôi, cán bộ của Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng không ai nói tới cụm từ “áp lực, vất vả.”

Các anh, chị đều gửi lời cảm ơn đến những người thân trong gia đình đã gồng gánh, sẻ chia mọi công việc trong giai đoạn bản thân vắng nhà. Mong muốn của những bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch chỉ tập trung vào một việc duy nhất: Hải Phòng kiểm soát tốt dịch bệnh, không có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới./.

Thay trang phục bảo hộ sau khi kết thúc lấy mẫu để đảm bảo an toàn phòng dịch. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Những người gieo ‘mầm sống’

cho bệnh nhân phong

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền,” hàng chục năm qua, đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế tại Khoa Điều trị phong Ea Na (Trung tâm Da liễu tỉnh Đắk Lắk) không chỉ chữa trị các tổn thương về thể chất mà còn trở thành điểm tựa tinh thần, giúp những người bị bệnh phong tìm lại niềm vui và hy vọng trong cuộc sống.

Nụ cười lan tỏa hạnh phúc

Hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân phong, bác sỹ Trần Sỹ Tố, Trưởng khoa Khoa Điều trị phong Ea Na, là người chứng kiến nhiều mảnh đời bệnh nhân từ quá trình tiếp nhận, điều trị và sinh sống trong Khoa Điều trị phong Ea Na.

Theo bác sỹ Trần Sỹ Tố, trước đây bệnh phong vẫn bị xã hội kỳ thị, bệnh nhân bị cộng đồng xa lánh cũng trở nên tự ti, khó giao tiếp, không tiếp nhận sự điều trị. Từ thập niên 90, việc điều trị bệnh phong có những chuyển biến tích cực khi có thuốc điều trị, cơ sở vật chất đảm bảo, đời sống của người mắc bệnh phong cũng dần được nâng cao.

Mỗi bệnh nhân đến với khoa không chỉ mang trên mình những tàn tật do di chứng bệnh phong mà còn gánh chịu những tổn thương về mặt tinh thần khi bị xã hội kỳ thị, xa lánh.

Hiện tại Khoa Điều trị phong Ea Na có 30 bệnh nhân nội trú và 30 bệnh nhân ngoại trú. Mỗi bệnh nhân đến với khoa không chỉ mang trên mình những tàn tật do di chứng bệnh phong mà còn gánh chịu những tổn thương về mặt tinh thần khi bị xã hội kỳ thị, xa lánh.

Bác sỹ Trần Sỹ Tố chia sẻ bệnh phong là căn bệnh mà di chứng tàn tật sẽ gắn bó suốt đời với người bệnh, gây tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần nên phải dùng cái tâm của người thầy thuốc để chữa bệnh, động viên tinh thần, chia sẻ từng niềm vui, nỗi buồn, từ đó vực dậy nghị lực sống cho người bệnh.

Xác định được đặc thù của căn bệnh nên đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế của Khoa Điều trị phong Ea Na luôn gần gũi bệnh nhân, nắm bắt tâm tư, tình cảm của người bệnh và trở thành những người tri kỷ để cùng giải quyết khó khăn trong cuộc sống, xoa dịu nỗi đau về tinh thần cho bệnh nhân.

Bệnh nhân phong được chu cấp ăn uống đầy đủ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

“Đối với đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế của Khoa Điều trị phong Ea Na thì nụ cười của bệnh nhân là hạnh phúc của thầy thuốc. Chính nụ cười ấy đã lan tỏa niềm hạnh phúc, trở thành nguồn động lực to lớn để họ ngày càng tận tụy, tâm huyết với sứ mệnh chăm sóc bệnh nhân. Có như vậy thì bệnh nhân mới yên tâm gửi gắm và sống vui vẻ trong Khoa Điều trị phong Ea Na đến hết đời,” bác sỹ Trần Sỹ Tố nói.

Trong đội ngũ y tế công tác tại Khoa Điều trị phong Ea Na, điều dưỡng viên H Rít Êban (sinh năm 1989) là một trong những người có sự đồng cảm sâu sắc và thấu hiểu nỗi khổ của người mắc bệnh phong.

Do trong gia đình có người mắc bệnh phong nên từ nhỏ, H Rít Êban đã sinh sống và lớn lên tại Khoa Điều trị phong Ea Na. Từng chứng kiến những di chứng tàn tật nặng nề và tinh thần suy sụp của nhiều bệnh nhân phong nên lớn lên, H Rít Êban đã quyết tâm theo nghề y và viết đơn tình nguyện vào công tác tại Khoa Điều trị phong Ea Na từ năm 2016, để được chăm sóc, động viên và gắn bó với bệnh nhân phong.

H Rít Êban chia sẻ: “Căn bệnh đặc thù này cần sự chăm sóc đặc biệt nên tôi luôn tâm niệm và đối xử với bệnh nhân phong như những người trong gia đình. Lấy nụ cười của người bệnh làm niềm vui của bản thân mình, từ đó tôi không chỉ làm tròn trách nhiệm chuyên môn mà còn dồn tâm huyết chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần tốt nhất cho người bệnh.”

Gieo “mầm sống”

Với sự tận tình trong điều trị, chăm sóc của đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế Khoa Điều trị phong Ea Na, nhiều bệnh nhân phong đã tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm,” có thêm nghị lực và tìm lại ý nghĩa của cuộc sống.

Hơn 30 năm điều trị và sinh sống trong Khoa Điều trị phong Ea Na, bà H Ứ Ênuôl (44 tuổi) xác định đây chính là ngôi nhà thứ hai của mình.

Bà H Ứ Ênuôl mắc bệnh phong từ lúc hơn 10 tuổi. Thời gian đầu, thấy căn bệnh “ăn mòn” các bộ phận trên cơ thể, bà rất sợ hãi và suy sụp. Sau hơn 30 năm gắn bó với Khoa Điều trị phong Ea Na, nhận được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sỹ, nên bà đã dần lấy lại được niềm vui của cuộc sống và quyết định sẽ sinh sống đến hết cuộc đời tại đây.

Bệnh nhân phong trồng các loại thực phẩm ngay trong Khoa điều trị phong Ea Na. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

“Tại đây tôi được chăm lo về đời sống, thuốc thang và lại được bác sỹ, y tá quan tâm, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi buổi sáng thức dậy tôi có niềm vui là chăm sóc cây cảnh, tập thể dục trong khuôn viên của khoa, nhận được sự động viên của những người cùng mắc bệnh phong,” bà H Ứ Ênuôl cho biết.

Anh Y Nheo Rchăm – bệnh nhân được điều trị tại đây suốt 20 năm chia sẻ, anh may mắn không chỉ được các bác sỹ quan tâm điều trị, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống mà ở ngôi nhà chung “Trại phong Ea Na” mọi bệnh nhân đều tìm được niềm vui và cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.

“Riêng bản thân tôi, mặc dù mang di chứng tàn tật của bệnh phong nhưng sức khỏe còn ổn định và lao động được nên hiện phân công canh tác, chăm sóc vườn rau sạch của trại phong. Thấy vườn rau do mình trồng trở thành món ăn ngon cho các bệnh nhân phong, tôi cảm giác rất vui mừng vì bản thân đã làm được những điều có ích,” anh Y Nheo Rchăm tâm sự.

Theo bác sỹ Trần Sỹ Tố, dù sự kỳ thị của xã hội đối với bệnh phong hiện đã giảm đi nhiều nhưng những di chứng tàn tật sẽ luôn hiện hữu cùng người bệnh đến hết cuộc đời. 

Theo bác sỹ Trần Sỹ Tố, dù sự kỳ thị của xã hội đối với bệnh phong hiện đã giảm đi nhiều nhưng những di chứng tàn tật sẽ luôn hiện hữu cùng người bệnh đến hết cuộc đời. Tuy nhiên, không vì vậy mà cuộc sống của bệnh nhân rơi vào bế tắc. Sự chăm sóc của đội ngũ thầy thuốc cùng sự đồng cảm, chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ đã đem lại năng lượng sống tích cực cho người mắc bệnh này.

Có nhiều bệnh nhân mang theo cả gia đình đến sinh sống tại Khoa Điều trị phong Ea Na, con cái sinh ra được nuôi dưỡng đầy đủ, học hành căn bản. Thậm chí, tại Khoa Điều trị phong Ea Na đã có một tình yêu “kết trái” khi hai bệnh nhân mong muốn gắn bó với nhau trong phần đời còn lại. Đó là ông Y Tloh Niê, sinh năm 1933 và bà H Chíp Niê, sinh năm 1945. Hai ông, bà đã tìm được tiếng nói chung tại Khoa điều trị bệnh phong và được bác sỹ Trần Sỹ Tố tác hợp, về chung một nhà./.

Bác sỹ thăm hỏi, kiểm tra di chứng tàn tật cho bệnh nhân phong. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Người ‘dò đường’ cho y học gia đình

Không chỉ được biết đến là một trong những Phó Giáo sư y khoa trẻ nhất Việt Nam, anh còn được “nhớ mặt biết tên” bởi những đóng góp không mệt mỏi trong việc xây dựng mô hình bác sỹ gia đình tại Việt Nam. Đó là Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh, người đã dành trọn đam mê cho công tác đào tạo nhân lực y tế và nghiên cứu, phát triển y học gia đình.

Phải tạo ra nhiều bác sỹ để cứu người

Sinh ra vào thời điểm cả nước đều khó khăn, thiếu thốn trong những ngày cả nước vừa thoát khỏi chiến tranh, thuở nhỏ, Nguyễn Thanh Hiệp là một cậu bé ham học và học rất giỏi. Anh ước mơ trở thành bác sỹ, khoác lên mình chiếc áo blouse trắng để cứu người. Với nhiều nỗ lực, anh thi đỗ vào ngành y, trở thành bác sỹ và công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhận được học bổng du học ở Pháp, anh bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ y học chuyên ngành dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Bordeaux (Pháp), trở thành tiến sỹ y khoa trẻ nhất Việt Nam vào năm 2005.

Đến năm 2015, Nguyễn Thanh Hiệp được phong học hàm phó giáo sư, là một trong những phó giáo sư y học trẻ nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Năm 2015, Nguyễn Thanh Hiệp được phong học hàm phó giáo sư, là một trong những phó giáo sư y học trẻ nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Vào thời điểm cầm tấm bằng tiến sỹ y khoa trong tay, Nguyễn Thanh Hiệp được mời ở lại Pháp làm việc trong môi trường y học phát triển bậc nhất châu Âu nhưng anh đã từ chối, quyết định về nước phục vụ đồng bào.

Trở lại Việt Nam, anh vừa công tác tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa làm bác sỹ điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Sau một thời gian Nguyễn Thanh Hiệp nhận thấy nếu chỉ làm bác sỹ đơn thuần thì chỉ cứu được một số lượng bệnh nhân nhất định. Bởi vậy, anh tập trung hơn vào công tác đào tạo nhân lực cho ngành y tế tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

“Làm một người bác sỹ để chữa bệnh cứu người đã là đáng quý nhưng nếu mình tạo ra được hàng trăm, hàng ngàn bác sỹ thì chắc chắn sẽ càng có nhiều người bệnh hơn được cứu chữa; điều này càng đáng quý gấp bội,” bác sỹ Nguyễn Thanh Hiệp tâm niệm.

Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp thăm trẻ em mồ côi tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật-mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Từ các vị trí quản lý khoa, phòng, nhờ tài năng và những cống hiến có giá trị, Nguyễn Thanh Hiệp được bổ nhiệm làm lãnh đạo nhà trường. Trên cương vị Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch anh luôn nỗ lực để tạo ra môi trường học tập hướng đến tính chuyên nghiệp, từ đó đào tạo nên nhiều thế hệ nhân viên y tế “vừa hồng vừa chuyên” không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cả khu vực phía Nam.

Trong quá trình công tác, Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy. Tiêu biểu là sáng kiến “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp giảng dạy suy luận lâm sàng (ARC) cho sinh viên y khoa năm thứ 5 và lượng giá khách quan có cấu trúc (OSCE) cho học viên sau đại học học phần Y học gia đình”; “Cải tiến chương trình giảng dạy tiền lâm sàng cho sinh viên Y2”…

Từng du học ở Pháp nên Nguyễn Thanh Hiệp luôn nỗ lực thúc đẩy việc mở rộng hợp tác đào tạo, quan hệ quốc tế với các nước có nền y tế hiện đại như Pháp, Đức, Bỉ… Những năm gần đây, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch liên tục gửi sinh viên y khoa năm cuối sang Đức để thực tập lâm sàng trong một năm. Đây cũng là lần đầu tiên một trường đại học y khoa tại Việt Nam gửi sinh viên y khoa năm cuối đến một quốc gia có nền y học tiên tiến tại châu Âu. Điều này mở ra cơ hội cho sinh viên y khoa Việt Nam được tiếp cận sớm với công nghệ đào tạo bài bản của các nền y học tiên tiến.

“Dò đường” cho y học gia đình

Không chỉ chuyên tâm giảng dạy, một lần tình cờ tham dự hội thảo về mô hình phòng khám theo nguyên lý y học gia đình của Đại học Liège (Vương quốc Bỉ), Nguyễn Thanh Hiệp đã tìm ra “chân lý” mới cho cuộc đời mình. Từ đó, anh bắt đầu tìm tài liệu, nghiên cứu về lĩnh vực này. Nhận thấy hệ thống bác sỹ gia đình chính là xu thế, là tương lai phát triển, với nhiệm vụ vừa dự phòng vừa điều trị, giúp người dân phòng tránh bệnh tật, xử lý ban đầu tình trạng bệnh tật và là cầu nối giữa người bệnh với bệnh viện tuyến trên, bác sỹ Nguyễn Thanh Hiệp quyết tâm đưa mô hình này về Việt Nam.

Sau đó, Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp và các cộng sự được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tại thành phố. Để triển khai thực hiện, anh đã đi đến nhiều nước trên thế giới tìm hiểu về mô hình phòng khám bác sỹ gia đình và tìm ra những điểm tương đồng để áp dụng vào thực tế tại Việt Nam.

Với sự tham mưu của bác sỹ Nguyễn Thanh Hiệp, Sở Y tế TP.HCM đã nhân rộng mô hình bác sỹ gia đình tại các bệnh viện quận, huyện và sau đó nhân rộng ra tại các trạm y tế và cả các phòng khám tư nhân.

Năm 2012, phòng khám bác sỹ gia đình đầu tiên được thành lập tại Bệnh viện Quận 10 và ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của người dân. Chỉ trong thời gian ngắn, nơi đây tiếp nhận hàng nghìn lượt khám bệnh mỗi ngày.

Sau thành công ban đầu này, với sự tham mưu của bác sỹ Nguyễn Thanh Hiệp, Sở Y tế thành phố đã nhân rộng mô hình tại các bệnh viện quận, huyện và sau đó nhân rộng ra tại các trạm y tế và cả các phòng khám tư nhân.

Từ cơ sở đó, năm 2013, Bộ Y tế bắt đầu triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020.” Đến nay, trên cả nước đã có hàng trăm phòng khám bác sỹ gia đình, sau đó các trạm y tế phường, xã trên toàn quốc cũng được đổi mới theo nguyên lý y học gia đình, trở thành cơ sở y tế gần dân nhất, cung cấp các dịch vụ y tế ban đầu cho người dân. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp.

Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp tặng quà cho Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật-mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Không nhận công lao về mình, Phó Giáo sư Phan Thanh Hiệp nhìn nhận con đường phát triển y học gia đình tại Việt Nam đang đi đúng hướng nhưng tốc độ vẫn còn khá chậm. Với kiến thức và tầm nhìn của mình, anh đã nhiều lần tham mưu cho Sở Y tế và cả Bộ Y tế về các phương án “cởi trói” cơ chế để phát triển y học gia đình trên toàn quốc. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp, nhanh và hiệu quả nhất vẫn là tận dụng hệ thống các trạm y tế phường, xã và các phòng khám tư nhân sẵn có.

“Chỉ cần cởi trói về cơ chế tài chính, giải phóng bác sỹ khỏi các thủ tục hành chính, thanh toán bảo hiểm y tế và đầu tư có chọn lọc tùy mô hình bệnh tật từng khu vực thì đây sẽ chính là những phòng khám bác sỹ gia đình hoạt động hiệu quả và gần dân nhất,” anh chia sẻ.

Để giải quyết bài toán nhân lực cho các phòng khám bác sỹ gia đình, Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp có sáng kiến “Đào tạo online bác sỹ gia đình và các lớp đào tạo sau đại học về y học gia đình.”

Sáng kiến được triển khai thành công cho hơn 500 bác sỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành trong nước. Phương thức đào tạo này được Bộ Y tế đánh giá cao và đặt hàng đào tạo cho một số địa phương. Anh cũng xây dựng thành công chương trình cấp quốc gia đào tạo về chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình cho bác sỹ công tác tại trạm y tế xã; tham gia xây dựng thành công mạng lưới Phòng khám bác sỹ gia đình quy mô quốc gia.

Gần đây nhất, Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp đã tham gia xây dựng Phòng khám bác sỹ gia đình thuộc Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Đây trở thành trung tâm huấn luyện và đào tạo y học gia đình cho Thành phố Hồ Chí Minh.

“Kể từ khi biết đến y học gia đình, tôi chưa từng thôi nghĩ về nó. Tôi mong các phòng khám bác sỹ gia đình phủ rộng khắp đất nước, đến gần hơn với người dân để mỗi người đều có một hồ sơ sức khỏe của riêng mình, được kiểm tra, dự phòng sức khỏe hàng tháng, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật cho họ, giảm quá tải cho bệnh viện, cho nhân viên y tế.”

Đây là ước nguyện lớn nhất của Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp và anh vẫn kiên định đi trên con đường đã chọn dù chắc chắn còn rất dài với nhiều khó khăn, thách thức.

Bằng niềm tin của mình về một hệ thống y tế cơ sở trọn vẹn trong tương lai, Nguyễn Thanh Hiệp vẫn mỗi ngày cần mẫn truyền lửa về y học gia đình, nỗ lực đào tạo nhiều hơn bác sỹ y học gia đình với mục tiêu làm sao để nâng cao việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng sống của người dân Việt Nam./.

Những ‘bông hoa’

cho ngày thầy thuốc

Những ngày qua, liên tiếp nhiều bệnh viện, cơ sở y tế thông báo không tổ chức lễ, không nhận hoa, quà vào dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Đây là năm thứ 2 nhiều đơn vị y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt hủy bỏ các nghi thức kỷ niệm ngày tôn vinh chính họ, thay vào đó, các chiến sỹ áo trắng âm thầm lên tuyến đầu, vào tâm dịch, đẩy lùi dịch bệnh…

Với họ, nụ cười của người dân, khúc khải hoàn của dân tộc khi chiến thắng dịch COVID-19 mới là bó hoa đẹp, trân quý nhất trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Quả thật như vậy, suốt 365 ngày của năm 2020 các thầy thuốc, nhân viên y tế, nhất là những người trên tuyến đầu đã sống và làm việc như những chiến binh quả cảm khi dịch COVID-19 xâm nhập và gây ra sự xáo trộn chưa từng có. Những ngày đầu năm 2021, một lần nữa dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước khiến cho nhiều nhân viên y tế phải tạm xa gia đình lên đường làm nhiệm vụ. Không cần bất cứ lời hiệu triệu nào, nhiều người đã xung phong lên tuyến đầu, tiến vào tâm dịch.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm bác sỹ khắp các bệnh viện đã luân phiên nhau thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ, các khu cách ly tập trung…

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân quận Gò Vấp tối 30 Tết. (Ảnh: TTXVN phát)

Đến khi dịch bệnh lây lan mạnh tại một số địa phương khác như Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh…, thì khắp các bệnh viện từ Nam chí Bắc như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhiệt đới, Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh… hàng trăm y, bác sỹ không ngần ngại xung phong lên đường, “chia lửa” với các đồng nghiệp ở vùng dịch.

“Chỉ cần có lệnh là chúng tôi lên đường” là tâm sự của không riêng tiến sỹ, bác sỹ Phùng Mạnh Thắng, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy trước khi lên đường tiến vào tâm dịch mà cũng là quyết tâm của rất nhiều y, bác sỹ trên khắp cả nước. Có người đã phải hoãn lại đám cưới, có người không thể trở về khi người thân trong cơn “thập tử nhất sinh,” họ lựa chọn ở lại chiến đấu cùng đồng đội nơi tâm dịch với lời hứa “bao giờ hết dịch mới trở về.” Họ lên đường và chiến đấu trong tâm thế của một “chiến binh” như cách mà thế hệ cha anh từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thuở nào.

Trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cán bộ y vẫn lặng lẽ đi lấy mẫu xét nghiệm “thần tốc” trong đêm, điều tra, truy vết. 

Không chỉ sẵn sàng lên tuyến đầu, cứu chữa cho người mắc COVID-19, những cán bộ y tế dự phòng đã rong ruổi khắp các “hang cùng ngõ hẻm” truy vết, điều tra dịch tễ để không bỏ sót, bỏ lọt bất cứ một nguy cơ dịch bệnh nào, dù là nhỏ nhất.

Trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ở các địa phương có dịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai…, cán bộ y vẫn lặng lẽ đi lấy mẫu xét nghiệm “thần tốc” trong đêm, điều tra, truy vết. Khi cởi bỏ được bộ đồ bảo hộ cũng là lúc mặt trời đã ló dạng, năm mới đã bắt đầu. Nhờ thế, dịch bệnh đã được chặn đứng tại nhiều địa phương. Dù bỏ lỡ phút giây đón Năm mới thiêng liêng bên gia đình người thân nhưng họ lại có một niềm vui khác cao cả hơn – đó là mang đến sự bình an cho hàng triệu gia đình.

Nhân viên Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức lấy mẫu xét nghiệm cho tiểu thương chợ đầu mối Thủ Đức tối Mùng 1 Tết. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau những vất vả, hy sinh, thứ mà những chiến binh áo trắng nhận lại là cảm xúc đẹp khi được trở lại một thời dấn thân của tuổi trẻ ở thời điểm đất nước còn khó khăn với nhiều hoạt động xung kích, tình nguyện thiết thực vì cộng đồng. Đó là cảm xúc hạnh phúc khi chứng kiến niềm vui vỡ òa của người bệnh và thân nhân nhận kết quả xét nghiệm âm tính, đủ tiêu chuẩn để xuất viện sau những ngày cách ly, điều trị. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc tuôn rơi, vỡ òa trong khoảnh khắc lá cờ Tổ quốc tung bay trong niềm hân hoan của người dân khu vực được dỡ bỏ phong tỏa.

Chia sẻ về nỗi niềm của những người trong cuộc, Phó giáo sư, tiến sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng ở mỗi người thầy thuốc, dù ở các vị trí công tác khác nhau sẽ không còn cảm giác “lạ,” hẫng hụt khi không tổ chức ngày lễ tôn vinh chính mình nhưng nhưng bù lại họ có đến 365 ngày của năm 2021 để cả thế giới tôn vinh những chiến sỹ áo trắng không mệt mỏi trong cuộc chiến với COVID-19.

Bởi lẽ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chọn năm 2021 là “Năm Quốc tế của nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc.” Do đó, năm 2021 chính là năm tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của lực lượng thầy thuốc trên toàn cầu thời gian qua và tưởng niệm những chiến sỹ áo trắng đã ra đi mãi mãi trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Ngày tôn vinh những người thầy thuốc, một bác sỹ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã ước ao chỉ cần được tắt điện thoại và yên tâm ngủ một giấc thật ngon sau chuỗi ngày truy vết, điều tra, xét nghiệm. Có lẽ món quà ý nghĩa nhất đối với họ ngay lúc này là dịch bệnh được đẩy lùi, tất cả người dân được an toàn, cả thế giới cùng nắm tay nhau bước qua đại dịch.

Nhân viên Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm tại Bến xe Miền Đông đêm 30 Tết. (Ảnh: TTXVN phát)

Tôn vinh ngày thầy thuốc, những buổi lễ tri ân, bó hoa tươi thắm xin được gác lại, mà thay vào đó, cộng đồng hãy hướng về họ bằng những hành động thiết thực, đó là tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch của chính quyền địa phương, thực hiện nguyên tắc 5K mà Bộ Y tế khuyến cáo.

Xin hãy tri ân họ bằng cách khai báo y tế trung thực, bớt đi những chuyến đi không cấp thiết, giảm đi những cuộc họp mặt, vui chơi, tụ tập không cần thiết để các em thơ được đến trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hóa, giải trí được tiếp diễn trong trạng thái bình thường mới.

Và hơn thế nữa là để cho đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế có được một giấc ngủ ngon hay vài phút giây quây quần đầm ấm bên gia đình, người thân. Đó là những “bông hoa” thiết thực nhất, ý nghĩa nhất cho Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay./.

Exit mobile version