Cái kết cô độc cho nhiệm kỳ tổng thống của Trump

trumpmega-1610162375-20.jpg

Hôm 6/1 là một ngày rối bời của Tổng thống Mỹ Donald Trump bên trong Nhà Trắng, mà theo ví von của tạp chí Time là nó gắn với cảm giác bị cô lập như bất kỳ thời điểm nào trong nhiệm kỳ tổng thống đầy sóng gió của ông.

Các nghị sỹ Dân chủ đang gây sức ép để kích hoạt Tu chính án 25 nhằm phế truất tổng thống vì vai trò của ông trong vụ đám đông tràn vào tòa nhà Quốc hội ở Đồi Capitol, khiến các quan chức Nhà Trắng và chính quyền phải chật vật ra ngoài theo các lối thoát hiểm.

Hôm 6/1 là một ngày rối bời của Tổng thống Mỹ Donald Trump bên trong Nhà Trắng, mà theo ví von của tạp chí Time là nó gắn với cảm giác bị cô lập.

24 giờ sau sự kiện chấn động đó, hơn nửa tá nhân viên Nhà Trắng đã từ chức, gồm cả những cộng sự thân tín nhất của ông Trump. Nhiều nghị sỹ Cộng hòa đã đổ lỗi cho ông về việc mất hai ghế thượng nghị sỹ tại bang Georgia, dẫn đến đảng này mất quyền kiểm soát Thượng viện.

Đột nhiên, vị Tổng thống từng thống trị đảng phái mà ông đã chiếm quyền kiểm soát cách đây năm năm giờ chỉ có thể đứng nhìn, trong khi các đảng viên Cộng hòa, bao gồm nhiều đồng minh cũ, tự hỏi những ngày ông còn tại nhiệm có phải là một viễn cảnh không thể chấp nhận được hay không.

Những cuộc tháo chạy khỏi Nhà Trắng

Đó là một lý do khiến ông Trump cuối cùng buộc phải đưa ra bài phát biểu nhượng bộ của mình: một đoạn video dài 2 phút 41 giây đăng trên Twitter vào tối thứ 7/1 với nội dung chỉ trích hành động bạo lực tại Đồi Capitol, thừa nhận một chính quyền mới sẽ được thiết lập vào ngày 20/1 tới và nói rằng “trọng tâm bây giờ sẽ chuyển sang bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, có trật tự và liền mạch. Khoảnh khắc này kêu gọi sự hàn gắn và hòa giải.”

Chính bản thân ông cũng không thể ngó lơ những dấu hiệu sụp đổ đã rõ ràng nữa. Vòng tròn những thành viên thân cận của Trump giờ chỉ còn lại một số ít những người trung thành với ông: Chánh văn phòng Mark Meadows, luật sư cá nhân Rudy Giuliani, cố vấn thương mại Peter Navarro, giám đốc truyền thông xã hội Dan Scavino, con rể Jared Kushner và con gái Ivanka. “Chỉ còn vậy thôi. Họ đang nhảy khỏi con tàu sắp chìm,” một cố vấn của ông Trump tiết lộ với tờ Time.

Hàng loạt quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump nộp đơn từ chức. 

Gần như cứ mỗi giờ lại có một lá đơn từ chức mới, từ Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao – vợ của lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell – tới phó cố vấn an ninh quốc gia Matt Pottinger và đặc phái viên tại Bắc Ireland Mick Mulvaney, cựu quyền chánh văn phòng của ông Trump.

Sự ra đi của Stephanie Grisham, chánh văn phòng của bà Melania Trump, là một cú sốc lớn; cựu giám đốc truyền thông của Trump là người thân cận với tổng thống sắp mãn nhiệm và đệ nhất phu nhân, cũng là người đồng hành của ông gần như từ khi ông khởi động chiến dịch tranh cử hồi năm 2015.

Trong những giờ phút căng thẳng khi Đồi Capitol bị bao vây, ông Trump đã đánh mất sự ủng hộ của rất nhiều người đang làm việc cho ông bên trong Nhà Trắng. “Hầu hết mọi người đều hết sức kinh hoàng, và không khí thực sự căng thẳng” ở Cánh Tây, một nguồn thạo tin cho hay. “Rất nhiều người chỉ giữ im lặng, ngồi đó và xem tin tức trong văn phòng của mình.”

Sự tổn thất lòng trung thành tương tự cũng được thể hiện rõ ở Đồi Capitol, nơi mà suốt gần nửa thập kỷ qua, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa chủ yếu giữ im lặng vì lợi ích của một chương trình nghị sự bảo thủ, cũng như vì lo sợ rằng một dòng tweet có thể đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của họ.

24 giờ sau sự kiện chấn động đó, hơn nửa tá nhân viên Nhà Trắng đã từ chức, gồm cả những cộng sự thân tín nhất của ông Trump.

Điều đó đột nhiên đã thay đổi. Những đồng minh quyền lực nhất của Trump, từ lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell tới thượng nghị sỹ bang Nam Carolina Lindsey Graham, đều tỏ rõ rằng lòng trung thành của họ với Tổng thống đã đạt tới giới hạn.

Đến tối hôm 6/1 vừa qua, những người bình thường luôn lên tiếng ủng hộ Trump đã công khai chỉ trích vai trò của ông trong vụ bạo lực. “Tôi thực sự cho rằng Tổng thống phải chịu một vài trách nhiệm,” Kevin Cramer, Thượng nghị sỹ Cộng hòa của băng Bắc Dakota trả lời các phóng viên tại Đồi Capitol. “Mọi chuyện thật tồi tệ. Chẳng khác gì thêm dầu vào lửa vậy.”

Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump xung đột với cảnh sát khi cố gắng đột nhập vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về phần ông Trump, không chỉ có sự nghiệp chính trị của ông sụp đổ. Đám đông bị ông kích động không chỉ không gây được áp lực khiến Phó Tổng thống Mike Pence và các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện phủ quyết kết quả kiểm phiếu của các bang và trì hoãn việc công nhận như ông hy vọng. Họ còn phá hoại một số tham vọng của ông sau khi rời nhiệm sở. Một cố vấn không chính thức củaông  Trump cho biết triển vọng của ông với các thương vụ truyền hình và kinh doanh béo bở có thể đã vỡ tan tành như những khung cửa sổ của tòa nhà Quốc hội.

Chỉ một tuần trước, Trump ít nhất vẫn là một gương mặt lớn trên truyền thông và là một người có quyền lực mang tầm ảnh hưởng sau khi rời nhiệm sở – nếu không phải là ứng cử viên của đảng Cộng hòa vào năm 2024. Nhưng giờ đây, ảnh hưởng chính trị của ông sau khi rời ghế tổng thống lại là một câu hỏi.

“Sự xâm phạm tới Điện Capitol sẽ không bị lãng quên. Ông ta đã khiến thượng nghị sĩ McConnell mất đi vị trí lãnh đạo, và giờ thì ông ta đang làm bậy khắp Capitol – tôi cho rằng đó là một tuyên bố khá mạnh mẽ về cảm xúc của tổng thống Trump với đảng Cộng hòa,” Dan Eberhart, nhà tài trợ đảng Cộng hòa cho hay. “Mọi người đang bị sốc nặng. Đây không phải là lời nói phóng đại.”

Nhưng sẽ khó bị phế truất

Sự kìm kẹp của Trump với đảng Cộng hòa vẫn chưa hoàn toàn nới lỏng. Vẫn có hơn 130 đảng viên Cộng hòa – bao gồm lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy và tám thượng nghị sỹ – đã phản đối việc công nhận chiến thắng của ông Biden ở một số bang dao động.

Và các đảng viên Cộng hòa vẫn chưa cùng các đảng viên Dân chủ kêu gọi luận tội hay viện dẫn Tu chính án thứ 25 – những kịch bản vẫn khó mà xảy ra. Các trợ lý và chiến lược gia của đảng Cộng hòa nói rằng những tuyên bố này không hơn một chiến dịch truyền thông điệp.

Theo tờ Business Insider, Phó tổng thống Pence đã từ chối viện dẫn Tu chính án thứ 25, và khó mà tưởng tượng nội các sẽ ủng hộ điều đó. Quốc hội lúc này thậm chí còn chưa mở phiên họp để bắt đầu các thủ tục luận tội.

“Chúng tôi không trong trạng thái trừng phạt tổng thống. Tôi không nghĩ mọi người sẽ cố gắng hạ bệ ông ấy,” một phụ tá cấp cao của đảng Cộng hòa tại Thượng viện cho hay.

Nhưng những rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện khi các đảng viên Cộng hòa đối mặt với cuộc sống không có sự kiểm soát của Nhà Trắng và Thượng viện. “Chúng ta cần phải tiếp tục,” vị phụ tá nói. “Nhìn chung, đảng đã sang trang.”

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (phải) trao giấy chứng nhận kết quả bầu cử bang Arizona cho Thượng nghị sỹ Amy Klobuchar, ngày 6/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi các đảng viên Dân chủ và các chuyên gia đã nhiều lần nói về tính thiết thực chính trị của việc loại bỏ Trump, thì trong nội bộ đảng Cộng hòa, ý kiến đang ngày càng lan rộng là những cái giá cho việc đối phó với ông Trump thời kỳ hậu tổng thống lớn hơn bất kỳ lợi ích nào.

Các nguồn tin cho biết, với một số đảng viên Cộng hòa công khai từ bỏ Tổng thống, khả năng được tuyển dụng sau khi làm việc cho chính quyền của ông Biden là một yếu tố thúc đẩy.

Một cựu quan chức Nhà Trắng từng thân cận với Trump tin rằng Tổng thống đã khiến đám đông bị kích động và rồi mất kiểm soát với những hành động của họ.

“Dù sao thì nhiều người cũng đang tìm kiếm một lối thoát nhẹ nhàng,” một cựu quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, và nói thêm rằng một số nhân viên Nhà Trắng “gần như không còn đó nữa” và “đã chuyển đi.” Từ chức sau vụ bạo lực “có thể giúp một số người được xem như là đã làm việc tốt.”

Một cựu quan chức Nhà Trắng từng thân cận với Trump tin rằng Tổng thống đã khiến đám đông bị kích động và rồi mất kiểm soát với những hành động của họ. “Tôi không thể tin là ông ấy muốn chuyện này xảy ra. Tôi nghĩ rằng ông ấy có thể chỉ muốn có một sự đe dọa và nhiều người làm ầm ĩ lên xung quanh mình,” vị cựu quan chức nói.

Ông cho rằng Trump đã hy vọng rằng đám đông sẽ chứng minh được sự nổi tiếng của ông, thay ông gửi một thông điệp đến cho các đảng viên Cộng hòa rằng họ nên gắn bó với ông hoặc phải đối mặt với với cơn giận dữ của những người ủng hộ trung thành, và cảnh cáo các đảng viên Dân chủ rằng nếu ông bị điều tra sau khi kết thúc nhiệm kỳ, tình trạng bất ổn có thể xảy ra.

“Đừng truy tố tôi khi tôi đi và đừng giở trò với tôi, vì tôi có thể khiến một đống người làm những chuyện cực kỳ điên rồ,” vị cựu quan chức tóm tắt lại thông điệp mà ông tin là ông Trump muốn truyền đạt.

Đây không phải lần đầu tiên ông Trump chìm trong những tranh cãi về sự nghiệp chính trị của mình. Một trong những điểm nổi bật trong nhiệm kỳ tổng thống của ông là khả năng chọc vào những vết thương đau đớn nhất trong xã hội Hoa Kỳ và thách thức các giới hạn của nền dân chủ.

Một nguồn tin thân cận với Trump cho biết: “Tôi nghĩ ông ấy đã học được nhiều bài học sai lầm bằng cách đẩy các giới hạn đi quá xa mà không thực sự trả giá. Tôi nghĩ lần này ông ấy đã phải trả giá rồi.”

(Nguồn: Getty Images)
Exit mobile version