Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

cover-1607068216-41.png

Hơn 10 năm trước, tôi đã có may mắn được biết nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhiều lần đến quấy quả ông tại văn phòng Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trên con phố Nguyễn Đình Chiểu. Căn phòng của ông lúc nào cũng đầy sách, nhưng thật kỳ lạ, ông luôn tìm được chính xác một cuốn sách nào đó được nhắc tới trong câu chuyện của mình, hoặc khi tôi hỏi về một nhà văn nào đó, ông cũng cung cấp thông tin được ngay.

Năm 2017, ông được bổ nhiệm là Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Dù vẫn kiêm nhiệm công việc của Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Giám đốc Trung tâm Dịch thuật của hội, ông vẫn phải rời văn phòng của mình sang nhà xuất bản tại Nguyễn Du.

Những ngày cuối năm 2020, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. Ông bảo: “Chắc tôi lại phải dọn về Nguyễn Đình Chiểu rồi, bên ấy nhiều việc phải làm lắm.”

Kết thúc đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X diễn ra 23-25/11 tại Hà Nội, gần 600 đại biểu đã nhất trí với kết quả bầu Ban chấp hành mới. Sau khi chèo lái con thuyền văn chương nước nhà trong suốt 20 năm, nhà thơ Hữu Thỉnh đã bàn giao trọng trách Chủ tịch hội cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Công cuộc chuyển giao thế hệ đã được thực hiện một cách nghiêm túc, trong sự phấn khởi của đông đảo hội viên.

Nhận nhiệm vụ mới, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự xúc động trước niềm tin và sự tín nhiệm của Đảng và Nhà nước cũng như toàn thể hội viên. Sau khi nhận sự chúc mừng của hội viên, bạn bè gần xa, ông trầm ngâm trong căn phòng đầy sách: “Ngay trước đại hội, tôi đã nghĩ nếu được lựa chọn, thì đó là niềm vui, vinh dự nhưng cũng là thách thức cực lớn. Sau khi Ban chấp hành họp phiên đầu tiên chọn ra danh sách để bầu cử thì tôi đã nhận được sự tín nhiệm rất lớn. Kể từ đó, trước mặt tôi đã hiện lên một vách tường rất cao.”

Ông xác định, đó là trách nhiệm rất lớn, phải đưa cả một hội nhà văn hơn 1.000 thành viên tới một thời đại mới mẻ, ý nghĩa hơn, năng động hơn.

“Khi nhận trách nhiệm này, niềm vui chỉ đến trong một ngày, ngay sau đó lập tức là khối lượng công việc khổng lồ trước mắt mình,” ông nói.

Nhà thơ Hữu Thỉnh và những nhà văn, nhà thơ trước đó đã hình thành một đội ngũ đông đảo các tác giả Việt Nam. Họ đã tạo dựng một nền tảng quan trọng để thực hiện những công việc như kết nạp hội viên, trao giải thưởng khích lệ, quảng bá văn học, tuyên truyền chính sách, đối nội, đối ngoại và những hoạt động khác.

Ở cương vị của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xác định rằng ông sẽ cần tạo ra nhiều điều mới mẻ, trên một con đường đã trở nên quen thuộc.

Ở cương vị của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xác định rằng ông sẽ cần tạo ra nhiều điều mới mẻ, trên một con đường đã trở nên quen thuộc. Dù viết văn là việc của cá nhân, nhưng Hội sẽ đánh thức họ, tôn vinh họ và đồng hành cùng họ trong những sáng tạo âm thầm.

“Trong một giai đoạn mới, chúng ta cần những tác phẩm mạnh mẽ hơn về nội dung, đề tài, sự đối mặt thẳng thắn với các vấn đề của xã hội,” ông nói.

“Ngoài sáng tạo riêng của mình, những người viết phải thổi vào tác phẩm hơi thở thời đại, phải song hành với những tâm tư tình cảm của con người thời đại này, những vấn đề của xã hội hiện nay. Đó không chỉ là những vấn đề lớn lao, mà còn phải bao gồm cả những điều nhỏ bé, nỗi niềm của những sinh linh nhỏ bé, những người không ai biết đến, hoặc đang gặp khó khăn bất hạnh, nhà văn thì phải chia sẻ những điều đó, cất lên tiếng nói vì những điều đó,” ông nói thêm.

Vậy là ngay khi nhận trọng trách, tân chủ tịch đã hoạch định trong đầu mình những đầu việc rất cụ thể: mở rộng đa chiều của sáng tác, có chiến lược hoạt động cụ thể để quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, gắn kết tất cả những tác giả trong nước (dù họ chưa phải hội viên hội nhà văn) và chú trọng phát triển văn học thiếu nhi.

Là một người quảng giao, thông thạo ngoại ngữ, nên rất tự nhiên, ông đã trở thành cây cầu nối các tác giả Việt Nam với các tác giả nước ngoài và từng tổ chức nhiều sự kiện văn học quốc tế tại Việt Nam.

Nhờ cơ hội tiếp xúc với nhiều tác giả nước ngoài trên khắp các châu lục, ông tự hào khi cái tên Việt Nam đã vang lên trên thế giới bởi nền văn hóa đặc sắc lâu đời, bởi cả dân tộc đã đi qua những cuộc chiến tranh ác liệt và chiến đấu kiên cường vì độc lập, tự do của mình. Ngay sau chiến tranh, dân tộc ấy đã tái thiết đất nước nhanh chóng. Quan trọng hơn là Việt Nam đã kết bạn với cả thế giới, kể cả những kẻ thù cũ. Nhiều người đã bày tỏ sự tò mò với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, họ muốn biết người Việt Nam đang sinh sống và phát triển đất nước ra sao, đang suy nghĩ gì, nền văn học Việt Nam đang phát triển thế nào. Mối quan tâm này lại càng tăng lên khi những trang viết của các nhà văn, nhà thơ như Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Mai Văn Phấn xuất hiện trên thế giới và giành giải thưởng.

“Họ đã hỏi tôi rằng ngoài những tác giả đó, Việt Nam còn ai đáng đọc không, vì sao lại ít tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài như vậy. Tôi có nói với họ về các nhà văn khác, nhưng tôi biết họ cũng sẽ quên ngay những cái tên đó,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết.

Một trong những điều khiến ông trăn trở nhất là có quá ít tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản trên thế giới. Ông coi đó là việc phải làm ngay trên cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn. Ông sẽ cùng Ban chấp hành xây dựng một chiến lược cho văn học dịch, tiến hành chọn ngay những tác phẩm chất lượng nhất, có bản sắc nhất, có thể đại diện cho văn học Việt Nam để dịch. Trước mắt, những tác phẩm đó sẽ được giới thiệu trong khu vực, rồi sau đó là thế giới. Bởi theo ông, chúng ta không thể tuyên truyền suông, cần phải có một cuốn sách cụ thể, để độc giả trên thế giới có thể tiếp cận được ngay.

Tất nhiên, chiến lược này cần có sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Xuất bản, Cục Hợp tác Quốc tế… để những tác phẩm Việt Nam có thể xuất hiện ở các hội chợ sách lớn trên thế giới ở Frankfurt (Đức), Bologna (Ý), London (Anh) hay Helsinki (Hà Lan).

“Chúng tôi đã nghĩ đến việc thành lập một trang web giới thiệu văn chương Việt Nam bằng tiếng Anh, xuất bản một tờ tạp chí về văn học bằng tiếng Anh…”

Các nhà quản lý sẽ chọn lựa những tác phẩm hay thật sự, được thế giới quan tâm, có khả năng đại diện cho văn học Việt Nam để dịch và mang đi giới thiệu. Ông tự tin rằng điều này hoàn toàn khả thi vì chúng ta có những người dịch tiếng Anh rất tốt trong nước, có những người bạn là những nhà thơ, nhà văn danh tiếng trên thế giới sẵn sàng giúp đỡ, đóng góp ý kiến cho bản dịch.

“Chúng tôi đã nghĩ đến việc thành lập một trang web giới thiệu văn chương Việt Nam bằng tiếng Anh, xuất bản một tờ tạp chí về văn học bằng tiếng Anh. Ở đó, chúng ta giới thiệu truyện ngắn, trích đoạn tác phẩm, chân dung tác giả. Từ đó, các đơn vị có thể liên hệ trực tiếp với tác gỉa để trao đổi thông tin về bản quyền, đặt vấn đề dịch thuật, rồi tác phẩm đó có thể được xuất bản tại nước ngoài,” ông nói.

“Dịch COVID-19 đã khiến nhiều hoạt động văn hóa phải chuyển sang nền tảng trực tuyến, đây là dịp thuận lợi để nghĩ đến việc xây dựng kênh thông tin này. Kể cả không có dịch, thì đây cũng là việc cần làm bởi chúng ta đang ở một thời đại bùng nổ thông tin rồi,” ông nói thêm.

Bên cạnh việc quảng bá văn học Việt Nam, ông cũng tìm cách nâng cao vị thế của Hội Nhà văn Việt Nam trên cộng đồng văn chương thế giới thông qua Hội Nhà văn Á-Phi-Mỹ Latinh, nơi ông đã từng đóng vai trò Phó Tổng Thư ký; Hội Văn học Việt-Hàn Vì hòa bình, do ông đồng sáng lập; và giải thưởng văn học Mekong, thành lập năm 2006 do Hội Nhà văn Việt Nam khởi xướng.

“Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tham dự các sự kiện quốc tế với một vị thế tốt hơn nữa sau những gì chúng ta đã làm được trong dịch bệnh. Tôi muốn Hội sẽ đăng cai tổ chức trao những giải thưởng quốc tế, điều này sẽ tác động mạnh mẽ hơn nữa đến cảm hứng sáng tạo và hoạt động văn chương tại nước ta,” ông chia sẻ.

Hai đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đã trình bày đề án đăng cai giải thưởng Hoa sen của Hội Nhà văn Á-Phi-Mỹ Latinh. Kế hoạch này đang dần dần đi vào thực tiễn. Khi đó, rất nhiều các tác giả khắp nơi trên thế giới sẽ hội tụ về Việt Nam. Những tác phẩm tốt nhất, đại diện cho nhiều nền văn hóa sẽ được giới thiệu tại Việt Nam.

Bên cạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, tân chủ tịch Hội Nhà văn cũng tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng các tác phẩm văn học dịch. Ông cho rằng chưa bao giờ các tác phẩm văn học nước ngoài được dịch và xuất bản tại Việt Nam nhiều như bây giờ. Người đọc đang được hưởng thụ những tác phẩm lớn từ những nền văn học lớn qua nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp, Ba Lan, Trung Quốc,… được dịch sang tiếng Việt.

“Nhiều đơn vị như Nhã Nam, Đông A,… đang rất tích cực trong việc chọn lựa các tác phẩm văn học nước ngoài. Bên cạnh những tác phẩm ăn khách, họ cũng cân nhắc chọn dịch những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, dù biết rằng có thể khó bán. Ngoài chất lượng nội dung, họ cũng chú trong đầu tư đến hình thức trình bày để phục vụ nhu cầu của những người yêu sách, chơi sách,” ông nói.

Với nhiều ấp ủ, dự định, mọi người lo lắng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sẽ không thể toàn tâm toàn ý sống trong thế giới nghệ thuật của mình nữa, mà sẽ bận rộn hơn nhiều.

Đáp lại sự quan tâm ấy, ông cho biết dù làm công tác quản lý, sáng tác thơ văn hay vẽ tranh, thì tâm hồn ông cũng sẽ vang lên những thanh âm tươi đẹp, ông vẫn tận hưởng trọn vẹn cuộc sống.

“Điều đáng tiếc nhất của con người không phải những vẻ đẹp bị mất đi, mà là chúng ta không nhận ra được những vẻ đẹp, dù chúng vẫn đang ở đấy,” ông nói.

Trăn trở lớn nhất trong cuộc đời của ông là sự giá lạnh, vô cảm của con người. Chúng ta ngày càng ích kỷ, ngờ vực nhau nhiều hơn, suy tính lợi ích nhiều hơn. Ông cho rằng có 3 ngôi nhà, là 3 thành trì vững vàng nhất bảo vệ lương tâm nhân loại: Nhà mình, nhà trường, nhà chùa, vậy mà những gì xấu xa, đen tối nhất đều đã xảy ra ở đó. Nhiệm vụ của nhà văn là đánh thức lương tâm con người, ông nói.

Quả thực, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã bền bỉ truyền tải những thông điệp về cái đẹp và lòng trắc ẩn qua những trang viết của mình và ông sẽ còn tiếp tục kể những câu chuyện giản dị mà sâu sắc được ông góp nhặt trong những chuyến đi.

Trong chuyến đi đến Boston, Mỹ, ông tới thăm một trường tiểu học. Sáng hôm ấy, các em học sinh phát hiện một tổ chim non, những con chim đã chết. Các em buồn bã, chôn chúng trong góc vườn. Các thầy cô giáo cũng tham gia buổi lễ mặc niệm ấy.

Giải thưởng văn học quốc tế Changwon KC. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Tôi đã ngỡ ngàng trước một nghi lễ của nhân tính, đó là dấu hiệu tốt nhất của lòng trắc ẩn. Khi trẻ em biết yêu một cái cây, một con thú nhỏ, thì chúng sẽ biết yêu toàn thế giới,” ông nói.

Với mục tiêu dùng văn học để đánh thức nhân tính và lòng trắc ẩn, ông cho rằng việc cần làm chính là phát triển văn học thiếu nhi, bởi đó là thánh đường của những gì thánh thiện, trong sáng nhất.

Khi một đứa trẻ sinh ra, người lớn sẽ thay đổi. Đứa trẻ là thiên thần xuống mặt đất để nhắc nhở chúng ta không được phép làm điều gì đó phi nhân tính trước mặt chúng, bên cạnh chúng hay sau lưng chúng.

Đó chính là trải nghiệm của cá nhân nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi hai đứa cháu Mem và Kya được sinh ra và trở thành cảm hứng để ông sáng tác. Ông tâm sự rằng những đứa trẻ làm cho ông phải suy nghĩ lại cách làm người, nắn nót lại những trang viết của mình.

“Khi một em bé sinh ra, những thờ ơ bị dập tắt. Trước sinh linh bé bỏng tuyệt vời kia, mọi người xích lại gần nhau hơn, tự biến mình thành những người bảo vệ cho chúng, dẫn đường cho chúng, nên người lớn cũng trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn chính họ trước kia,” ông nói.

Khi nhắc đến các cháu, những trầm ngâm, trăn trở trên gương mặt ông giãn ra, đôi mắt ánh lên niềm vui. Cuốn sách đầu tiên về những mẩu chuyện của Mem và Kya hiện đang được dịch sang tiếng Hàn Quốc. Đây là sẽ là khởi điểm cho những sáng tác dành riêng cho thiếu nhi của ông, trong giai đoạn này.

Văn học thiếu nhi hiện nay đã phong phú và chất lượng hơn so với 20-30 năm trước. Nhiều lần, những người hàng xóm, kể cả người chạy xe ôm, đã hỏi nhà thơ dạo này có cuốn sách nào hay, để họ mua cho con cháu. Từ đó, ông nhận thấy ngày càng nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến sách thiếu nhi. Tuy nhiên, ông đánh giá dòng văn học này vẫn thiếu sự kỳ ảo, tính nghệ thuật dành riêng cho độc giả nhỏ tuổi.

“Chúng ta vẫn đang sa vào những gì thông thường, khuôn sáo, chứa đựng nhiều thông điệp khiến cho cuốn sách bị đạo đức hóa, giáo dục hóa. Theo tôi, tác giả cần thấu hiểu tâm lý trẻ em, tạo dựng một thế giới của trẻ em, nói ngôn ngữ của trẻ em. Khi đó, những câu chuyện sẽ dễ dàng được tiếp nhận.”

Sau khi kết thúc công việc, sự háo hức lớn nhất trong ngày của nhà thơ là đi đón cháu. Nhìn bàn tay bé nhỏ vẫy ông, mọi mệt mỏi, phiền muộn tan biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra điều đó. Nếu chúng ta tìm thấy niềm vui từ những điều giản dị nhất thì chúng ta mới có được hạnh phúc lớn lao./.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957 tại Ứng Hòa (Hà Nội), học ngoại ngữ ở Cuba rồi làm báo Văn Nghệ và hiện đang là Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Ông đã in gần 30 tác phẩm: Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ dịch và đoạt nhiều giải thưởng thơ và truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn được biết đến như một nghệ sỹ tài hoa trong âm nhạc và mỹ thuật.

Exit mobile version