Vũ Quần Phương: Hồn thơ lịch lãm của Hà Nội

vuquanphuo-1602294021-21.jpg

“Hà Nội là quê mẹ tôi. Tôi ra đời và lớn lên, già đi ở đất này….” câu chuyện của chúng tôi và nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ của “áo đỏ em đi giữa phố đông” đã bao thập kỷ đi vào lòng người được bắt đầu như vậy.

1. Quê cha ở Hải Hậu, Nam Định nhưng Vũ Quần Phương được sinh ra ở thị xã Xuân Phương, nay là quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Nhà thơ kể, không may mắn mồ côi bố khi mới 5 tuổi rưỡi, ông sống với mẹ và hai người em trai. Từ nhỏ, ông đã là một cậu bé rất ham học, có lẽ là nhờ mẹ – vốn là một cô giáo làng, ông giải thích. Chồng mất, bà phải ở góa nuôi ba con nhỏ, từ bỏ nghề giáo và dọn một sạp hàng nhỏ ở chợ Canh (nay thuộc Nam Từ Liêm) để nuôi con ăn học. Vì trường làng không mở lớp nhì, lớp nhất (tương ứng lớp 4, lớp 5 ngày nay), năm 11 tuổi (1951), mẹ đưa ông lên phố để ở trọ, theo học ở nội thành Hà Nội… Làng chỉ cách Hồ Gươm có 12 cây số, nhưng với chú bé 11 tuổi là bao nhiêu nước mắt nhớ mẹ, nhớ hai em.

Cứ như vậy, ông tốt nghiệp cấp ba ở Hội đồng thi Chu Văn An, trên bằng vinh dự ghi ‘Trúng tuyển hạng xuất sắc được Hội đồng thi khen.’ Ông thi đỗ đại học y dược (tiền thân của Đại học Y Hà Nội ngày nay), theo mách bảo của bài ‘ca dao học trò’: “Nhất y nhì dược, tạm được bách khoa.” Nhưng tình yêu thơ văn vẫn còn đó, cứ học xong bài vở trên lớp, ông lại tìm mượn giáo trình văn hay để đọc.

Khi ra trường năm 1965, ông đỗ điểm cao và là người duy nhất trong khóa 350 bác sĩ được chọn về Bộ Y tế. Hào hứng lắm nhưng công việc của ông lại không trực tiếp liên quan tới giường bệnh. Được 5 năm ông giật mình nhận ra bản thân đã quên hết nửa chuyên môn. Nhà thơ Chế Lan Viên khuyên ông về với ngành viết nhưng tiếc sáu năm bao nhiêu công phu với ngành y, ông đắn đo, cân nhắc tới hai năm. Cuối cùng, ông quyết định chuyển sang viết văn chuyên nghiệp rồi về làm trưởng ban biên tập cho buổi Tiếng Thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông bắt đầu viết phê bình thơ và đi nói chuyện thơ là từ giai đoạn này.

Nhà thơ Vũ Quần Phương (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trọn đời người thơ ấy đã gắn bó với mảnh đất ngàn năm văn hiến, nay bước qua ngưỡng bát tuần, hình ảnh của Hà Nội từng phố xá, nếp sinh hoạt… đã trở thành một phần của con người Vũ Quần Phương. Như ông nói ‘tất cả đã thành nền tảng cho kí ức, đã nhập vào hồn vía, vào tâm trí…’

Hà Nội với Vũ Quần Phương chỉ đẹp khi “người nào vật nào ở chỗ đó,” là những thảm có xanh mướt, là con đường Trúc Bạch quanh co, là rặng ổi Nghi Tàm… đã từng đi vào thơ của Xuân Diệu mà nay, “có lẽ vì vậy, tên thi sĩ đã được đặt cho con phố…”  đã thành tên của thi sĩ.

Ông trầm ngâm, “tôi nhớ như in đoạn đường từ Nghi Tàm lên Quảng Bá, thảm cỏ, những cành cây vươn lên, xà xuống đan vào nhau như những vòng ôm… và hương ổi, hương cỏ thanh mát, nồng nàn… một thứ hương thơm đầy quyến rũ trải dài trên mặt đê… giờ đây, mà đúng hơn đã từ lâu dấu tích của con đường đẹp như cổ tích đó đã không còn. Đành thôi, xây cái mới hiện đại to đẹp thì sẽ phải phá bỏ cái cũ…”

“Thơ của Vũ Quần Phương gọn ghẽ, chính xác, rõ ràng. Đó là một giọng thơ có một trường phủ sóng nhất định, góp phần vào sự phong phú giàu có của thi ca Việt” – Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

“Hà Nội giờ đã mất đi nhiều những dấu tích của Thăng Long, Hà Nội cũ… nhưng chúng ta không được buông xuôi, phải bằng mọi giá, mọi cách niu giữ, bởi lưu giữ chút hồn cốt của đất, của nước bởi đó là hồn thiêng sông núi, mà đã là hồn thiêng sông núi thì cần lưu dấu vào lịch sử để tồn tại mãi muôn sau,” nhà thơ trăn trở.

2. Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong một buổi nói chuyện đã nhận xét về nhà thơ Vũ Quần Phương là “một nhà thơ có tài, rất có tài nhưng gần như bị khuất lấp trong đám đông.” Lý giải điều này, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng vì trong những năm tháng đất nước đang ì ầm bom đạn thì Vũ Quần Phương lại chọn đi vào những góc bình yên của tâm hồn. Sự thiếu cộng hưởng của thời đại khiến ông bị chìm lấp ở thời điểm đó nhưng lại có sức neo bám sâu lắng và bền vững trong lòng người đọc.

Cảm hứng sáng tác của nhà thơ Vũ Quần Phương luôn chất chứa những chiêm nghiệm cá nhân, những dòng miên man suy nghĩ khi ông quan sát, lắng nghe cuộc sống xung quanh mình. Ông chọn những sự kiện nhỏ để chuyển tải những vấn đề lớn hơn.

Ở tuổi 80, nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn miệt mài cống hiến (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Người đọc luôn nhìn thấy ở thơ ông sự lấp lánh của tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình yêu với đất nước qua những đồ vật, hiện tượng cảnh sắc xung quanh vô cùng quen thuộc và gần gũi. Có thể nói, trong thơ Vũ Quần Phương không hề có sự phù phiếm, không có những xảo ngữ, ko làm xiếc với ngôn từ… Và đó, chính là điều mà thơ của ông có một vị trí đĩnh đạc trong dòng thơ ca Việt Nam, trong lòng độc giả yêu thơ.

Không chỉ nổi tiếng ở thi đàn, Vũ Quần Phương còn là một nhà phê bình thơ xuất chúng đặc biệt. Vào năm 2013, cùng với Tuyển tập thơ Vũ Quần Phương, ông cho ra mắt cuốn Vũ Quần Phương bình thơ – một tập hợp hơn 150 bài bình thơ dân gian, thơ cổ điển, thơ hiện đại và thơ nước ngoài. Cuốn sách của tâm hồn thơ vừa dào dạt tình cảm vừa lý trí này đã ngay lập tức được độc giả đón nhận nhiệt thành.

“Những giá trị của thơ Vũ Quần Phương là không thể phủ nhận, thơ Vũ Quần Phương và cách bình thơ của ông hình như cùng gặp nhau ở một điểm đó là giản dị, sâu mà hóm, khoa học, suy tưởng mà ăm ắp chữ tình. Vũ Quần Phương là một nhà thơ lịch lãm, một nhà thơ khi bước qua nhịp cầu tâm lý học và chạm đến tâm hồn bạn đọc bằng tầm vóc của một nhà tư tưởng.” – Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Trên diễn đàn, Vũ Quần Phương là một diễn giả thơ khá đặc biệt, ông có một sức lôi cuốn kỳ lạ khi nói chuyện. Vũ Quần Phương nói về thơ, bình thơ mà không diễn thuyết, phô diễn kiến thức. Ông không hùng biện, cũng không ‘say’ quá mức như một số diễn giả khác. Với giọng nói nhỏ nhẹ, rủ rỉ, cách đề cập của Vũ Quần Phương vô cùng hóm hỉnh, thông minh. Ông dùng những dẫn chứng phong phú, những ví von, liên tưởng thú vị và hài ước để chuyển tải đến người nghe những ý tưởng vô cùng sâu sắc. Đôi khi, trong câu chuyện của mình, Vũ Quần Phương lại chia sẻ những điều bản thân ‘còn chưa tỏ tường’ để độc giả cùng ngẫm… Sự dí dỏm và chân thành của nhà thơ đã khiến những cuộc nói chuyện thơ của ông vô cùng hấp dẫn, cuốn hút người nghe và cũng để lại trong lòng người nghe nhiều kiến thức, suy ngẫm…

3. Với tình yêu sâu sắc có lẽ đã ăn vào máu thịt của mình với Hà Nội, sau khi về hưu, nhà thơ vẫn miệt mài viết sách, viết báo mà ở đó những bài viết về Hà Nội chiếm một số lượng đáng kể.

Đọc sách là thú vui hàng ngày của nhà thơ Vũ Quần Phương (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Ông lấy bút danh là Vũ Công Dân, cái tên đã thể hiện thật rõ ràng về tính công dân của nhà thơ… trong hai thập kỷ qua.

Những điều ông đề cập, thường là gần gũi, dễ hiểu y như là ông đang nói chuyện thơ, một sở trường của Vũ Quần Phương. Ông chọn những câu chuyện đời thường để truyền đi những thông điệp thể hiện sự quan tâm của một trí thức, một người Hà Nội luôn đau đáu nỗi niềm xây dựng mảnh đất Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến phát triển trường tồn mà vẫn giữ được hồn cốt xa xưa.

Chất dí dỏm mà đầy biện chứng đã khiến những câu chuyện, những trăn trở, những ý kiến đóng góp của ông vô cùng thiết thực, gần gũi và không ít đã trở thành hiện thực. Ví dụ như đề xuất của ông về việc xã Xuân Phương nên được trả lại cái tên cũ Phương Canh (cánh đồng thơm). Sau này, khi huyện Từ Liêm được chia ra thành hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, xã Xuân Phương đã được tách thành hai phường Phương Canh và Xuân Phương.

Bộ sưu tập đĩa sứ của nhà thơ Vũ Quần Phương (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Hoặc như nỗ lực của nhà thơ mong muốn lưu lại dấu vết của Hà Nội xưa qua sắc đào Nhật Tân có một thời đã hầu như biến mất khi những cánh đồng đào được thay thế bằng những căn biệt thự to đẹp, những tòa cao ốc sừng sững xi măng… chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng nay, Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng Bá, Tây Hồ vẫn còn đó những công viên hoa bốn mùa đua sắc. Hạ thì có sen thơm, Thu về sắc cúc ươm vàng nắng, Đông sang Xuân đến là đào, mai, quất, violet… khoe sắc muôn màu để cho người trẻ lên chụp ảnh, người già về tìm ký ức…

Vào ngày đầu tháng 10 này, trong dịp kỷ niệm 66 năm Giải phóng Thủ đô, 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, nhà thơ của Hà Nội đã được Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” như một sự ghi nhận trân trọng những đóng góp của ông cho Hà Nội.

Chia sẻ về danh hiệu này, nhà thơ xúc động nói: “Đây không chỉ là một điều đáng tự hào mà còn chính là động lực với tôi.”  Chúng tôi nhận thấy trong mắt ông lấp lánh niềm vui và cả sự đau đáu tình yêu với Hà Nội. Và chúng tôi tin, người thơ lịch lãm của Hà Nội dẫu đã ngoài 80 tuổi này với niềm say mê thơ ca, với tình yêu và niềm đau đáu gìn giữ hồn cốt ngàn năm của Hà Nội-Thăng Long sẽ còn sáng tác, sẽ còn tiếp tục cống hiến cho Hà Nội, cho cuộc đời thêm nhiều áng thơ hay, thêm nhiều ý kiến xây dựng giá trị…

Bài hát Đợi,thơ Vũ Quần Phương, nhạc; Huy Thục

Nhà thơ Vũ Quần Phương tên thật là Vũ Ngọc Chúc.

Trước khi chuyển sang làm thơ, nhà phê bình văn học ông từng  tốt nghiệp Đại học Y khoa và có thời gian 7 năm công tác ở lĩnh vực y tế.

Ông từng giữ các vị trí Trưởng ban biên tập chương trình “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam; Trưởng ban Biên tập văn học hiện đại của Nhà xuất bản Văn học, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội; Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du; Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn chương Việt Nam (tiếng Pháp).

Nhà thơ Vũ Quần Phương là Đại biểu Quốc hội khóa IX, năm 2007 ông được tặng thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Các tác phẩm:

– Cỏ mùa xuân (1966)

– Hoa trong cây (1977)

– Những điều cùng đến (tập thơ, 1983)

– Đợi (1988)

– Vầng trăng trong xe bò (tập thơ, 1988)

– Vết thời gian (tập thơ, 1996)

– Quên chữ… quên câu (tập thơ, 2000)

– Giấy mênh mông trắng (tập thơ, 2003)

– Chỗ ấy sóng… (tập thơ, 2008).

Nhà thơ Vũ Quần Phương và vợ (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Đi trong phố cổ Hà Nội

Chân đi trong phố, hồn trên mái xưaMái rêu âm dương nắng chiều ngả bóngMùi thơm hoa mộc hay hoa móng rồngMùi thơm bâng khuâng thơm từ trí nhớ

Hàng Đường, hàng Ngang cái thời voi ngựaXa đã rất xa gần lại rất gầnChân đi trong phố hồn trên mái xưa

Những cửa bức bàn những đèn dầu lạcMái tóc đuôi gà trên vai lụa bạchNgười như trong tranh ta như trong mơHồn trên mái xưa những căn nhà cổLòng ta vẫn ở tai ta vẫn ngheHỡi em váy đầm tóc xoăn mắt tímCó về xa thẳm nón thúng quai thaoThời nảo thời nao tiếng gà giữa ngọMá em thì hồng môi em thì lửaCha mẹ thì già nắng ngả cành dâu

Hồn ta là nhà thân ta đến ởĐi đâu về đâu hỡi vầng ngói cổPhố thành giấc ngủ cho ta nằm mê.

Tháng 12/2008

Bất chợt với Thăng Long

Bút nghển mực lên trời để viếtRồng cũng thăng về phía mây bayNgười đi cúi mặt trên đường bụiQuả trong vườn chín quá tầm tay

Tuổi tên tiến sĩ thành bia đáThóc gạo chưa thành cơm nông dânKiêu hãnh đội bia co rụt cổNhững cụ rùa Văn miếu nghìn năm

Muốn gọi rồng bay về với đấtĐất thành lúa chín với rừng xanhGióng ơi đừng vội lên trời thếHãy dọi mái nhà cho mẹ Anh.

24/9/2004

Exit mobile version