Từ cơ duyên đến sự gắn bó máu thịt với Thủ đô Hà Nội

d59dfd13557c-1602240538-72.jpg

Một buổi trưa mùa Thu ấm áp, từng vạt nắng vàng óng ánh trên những bức tường của Hoàng thành Thăng Long, tôi đi dạo cùng giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc. Ông say sưa nói về lịch sử, về di sản, về cuốn sách ông đang biên soạn để kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội. Ban đầu, ông đến với môn Sử như một cái duyên, để rồi những năm tháng sau này, ông dành trọn cuộc đời cho nghiên cứu lịch sử.

Không chỉ là một giáo sư đầu ngành, hiện nay ông là Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô, Phó Chủ tịch hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khi đang là sinh viên khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1972, Nguyễn Quang Ngọc gác bút nghiên để đi bộ đội. Đến năm 1976, hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, ông trở về tiếp tục học tập. Năm 1977, tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy khoa Lịch sử, rồi lần lượt trở thành Chủ nhiệm Bộ môn, Phó Chủ nhiệm Khoa và Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.

Cuốn giáo trình “Tiến trình Lịch sử Việt Nam” do ông làm chủ biên xuất bản lần đầu vào năm 2000 và đến nay tái bản 16 lần, trở thành tài liệu không thể thiếu trong giảng dạy. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.

Trong những năm công tác, ông đã có nhiều đề tài nghiên cứu về Hà Nội, xuất bản 10 đầu sách và hàng chục bài báo khoa học về Hà Nội, xây dựng thành công ngành Hà Nội học phục vụ cho các chiến lược phát triển Thủ đô. Ông cũng là người trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thành Di sản Văn hóa Thế giới.

Ngày 3/10/2020, tại Đại hội thi đua yêu nước yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025, ông đã được trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020 cho những đóng góp đặc biệt của mình.

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc xúc động khi được tôn vinh. Ông nói dù gắn bó và có nhiều công trình nghiên cứu về Hà Nội, ông không nghĩ mình có thể nhận được danh hiệu này, bởi ông vốn không phải người Hà Nội.

Cơ duyên đến với ngành Sử học

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc sinh năm 1952 tại một làng quê nghèo vùng ven biển Hải Phòng. Khi còn học phổ thông, ông rất yêu thích toán học. Năm 1969, tình cờ nghe đài nói về giáo sư Ngụy Như Kon Tum, Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, một nhà khoa học hàng đầu của đất nước, cậu học trò Nguyễn Quang Ngọc bấy giờ rất ngưỡng mộ và quyết định nộp đơn xin vào khoa Toán của trường.

Giáo sư Ngọc đang say sưa nói về lịch sử, về di sản, về cuốn sách ông đang biên soạn để kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội của mình. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)

Sau đó, không hiểu vì lý do gì mà hồ sơ của ông lại bị chuyển nhầm sang khoa Lịch sử. Trong lúc chờ nhà trường giải quyết, cậu tân sinh viên vẫn phải tạm thời tập trung tại khoa Lịch sử. Ngay trong buổi học đầu tiên đó, những câu chuyện trên trời, dưới biển, vốn kiến thức uyên bác và cách giảng bài cuốn hút của thầy giáo đã khiến Nguyễn Quang Ngọc say mê. Chàng sinh viên trẻ cứ thế học và quyết định không chuyển khoa nữa. Những câu nói của người thầy khiến Nguyễn Quang Ngọc nhớ mãi, thầy nói muốn các học trò “biết lật từng trang sách đất để đọc trang sách đời,” “biết bắt hòn đá câm phải nói lên tiếng nói hùng hồn của cuộc sống.” Người thầy đầu tiên ấy là giáo sư Trần Quốc Vượng. Sau này, những nhà giáo như Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn,… đã tiếp tục truyền cảm hứng và tình yêu với lịch sử, với Hà Nội và di sản văn hóa cho Nguyễn Quang Ngọc.

Hoàng Sa, Trường Sa – Chủ quyền của Việt Nam: Tư liệu và sự thật lịch sử là một công trình nghiên cứu rất công phu và có hệ thống nhất từ trước đến nay. (Giáo sư sử học Phan Huy Lê)

“Tôi may mắn vì gặp được những người thầy không chỉ có trình độ chuyên môn uyên thâm mà còn có phương pháp giảng dạy cuốn hút kỳ lạ khiến học trò mê mẩn,” ông nói.

“Họ đều là những nhà sử học lừng danh, những người thầy yêu quý, gắn bó học trò, thậm chí đến tận nhà để giảng bài, hướng dẫn. Tôi thích học sử là vì tình cảm với các thầy, vì ngưỡng mộ tầm hiểu biết của các thầy, không chỉ dạy tôi về sử học mà còn về muôn mặt cuộc sống.”

Một trong những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của giáo sư Nguyễn Quang Ngọc chính là luận án tốt nghiệp về nơi phát tích phong trào Tây Sơn do giáo sư Phan Huy Lê hướng dẫn. Nguyễn Quang Ngọc đã nằm vùng nhiều tháng trời ở An Khê, Bình Định (nay là thị xã An Khê, Gia Lai) để tìm tòi nghiên cứu.

“Bạn khó mà có thể hình dung ra điều kiện nghiên cứu lúc ấy khó khăn như thế nào, thậm chí còn nguy hiểm nữa vì đất nước vừa mới giải phóng,” ông nói.

(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Để khảo sát các vết tích lịch sử, Nguyễn Quang Ngọc đã trèo lên núi Ông Bình là nơi Nguyễn Huệ đóng quân (Bình là tên chữ của Nguyễn Huệ), tìm kiếm dọc đèo An Khê, lần vào núi rừng nơi có hang Tối Trời, hang Cọp,… những cái tên chỉ nghe cũng đã thấy ái ngại. Thời điểm đó (năm 1977) vô cùng khó khăn, đất nước vừa giải phóng nên tình hình an ninh và địa hình đi lại rất phức tạp, nguy hiểm.

Đổi lại sau đó là nghiên cứu được các thầy đánh giá rất cao, nhiều ghi chép bây giờ trở nên quý giá vì nhiều dấu tích hiện không còn nữa.

Nghiên cứu đáng nhớ và công phu nhất trong sự nghiệp của ông là công trình tìm kiếm tư liệu khẳng định chủ quyền tại Trường Sa, Hoàng Sa. Dù lúc đó đã 40 tuổi, có nhiều đề tài nghiên cứu giá trị, đã đi tu nghiệp tiến sỹ ở nước ngoài nhưng với ông, đề tài này vẫn là quá lớn.

Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc đã dành nhiều thời gian công sức tra cứu không biết bao nhiêu tài liệu, thư tịch cổ trong nước và nước ngoài, đi thực địa, tra cứu sách vở… để hoàn thành công trình của mình.

“Thời điểm đó, tìm được tài liệu là vô cùng khó, đặc biệt là tài liệu lưu trữ, nhưng khi công trình hoàn thành thì vì nhiều lý do, không đơn vị nào nhận in cả,” ông Ngọc nhớ lại.

Đau đáu với vấn đề chủ quyền lãnh thổ, ông Ngọc vẫn không ngừng nghiên cứu, tiếp tục bổ sung cho công trình, dù bao tâm huyết vẫn chỉ ở dạng bản thảo.

Mãi đến năm 2017, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thực hiện một số sách tham khảo đặc biệt và đề nghị in cuốn sách của ông. Lại một lần nữa, ông tổng hợp, hệ thống lại tư liệu và hoàn thành cuốn sách “Hoàng Sa, Trường Sa – Chủ quyền của Việt Nam: Tư liệu và sự thật lịch sử.”

Cuốn sách được giáo sư Phan Huy Lê đánh giá là “một công trình nghiên cứu rất công phu và có hệ thống nhất từ trước đến nay.” Bộ Thông tin và Truyền thông sau đó cũng tổ chức dịch, xuất bản bằng tiếng Anh và các công ty sách cũng đã tái bản nhiều lần.

Có thể nói rằng cuốn sách là nỗ lực lâu dài đến một phần tư thế kỷ và cũng là tâm nguyện lớn của giáo sư Nguyễn Quang Ngọc.

Gắn bó bền chặt với Thủ đô ngàn năm văn hiến

Sau nhiều đề tài nghiên cứu về Hà Nội, đặc biệt là dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được đánh giá cao, ông lại tiếp tục làm chủ biên cuốn sách “Định đô Thăng Long – Tầm nhìn thiên niên kỷ,” là ấn phẩm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội.

Những ngày này, dù bận rộn tham gia nhiều hội nghị, hội thảo, ông vẫn tập trung chỉnh sửa nội dung, chuẩn bị để ra mắt cuốn sách này vào ngày 15/10. Qua 10 chương, độc giả sẽ nhìn lại tiến trình hình thành và phát triển của Thủ đô từ đời Lý đến nay.

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc là một trong những người đón nhận danh hiệu cao quý của Hà Nội – Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Là người được vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý của Hà Nội – Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020, tôi càng thấy mình phải cố gắng hơn nữa, và tôi tin chắc rằng, Thăng Long-Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng vô tận để chúng ta cống hiến, để cùng thành phố phát huy truyền thống Thủ đô văn hiến, Anh hùng, thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo…,” ông chia sẻ.

Vị giáo sư đáng kính say sưa nói về lịch sử, về các dự án nghiên cứu của mình, mọi mốc thời gian, mọi sự kiện đều được ông ghi nhớ và kể lại rành mạch, chính xác. Khi được hỏi về đời thường, ông cười hiền và nói thú vui giải trí của ông cũng chỉ là sách, xoay quanh việc đọc sách và tra cứu thông tin trên mạng mà thôi.

“Tôi vẫn đang thực hiện nhiều nghiên cứu và giữ vai trò quản lý tại Trung tâm, tại trường Đại học… nhưng tôi may mắn có các học trò, các cộng sự, những người trẻ nhiệt huyết hỗ trợ tôi rất nhiều,” ông bày tỏ.

“Tôi vẫn đang thực hiện nhiều nghiên cứu và giữ vai trò quản lý tại Trung tâm, tại trường Đại học… nhưng tôi may mắn có các học trò, các cộng sự, những người trẻ nhiệt huyết hỗ trợ tôi rất nhiều.”

“Tôi đã dành tuổi trẻ của mình để học hỏi,” ông nói. “Để bổ trợ cho môn Sử, tôi đã nghiên cứu thêm cả ngôn ngữ học, địa danh học, ngoại ngữ, Hán Nôm… Có lẽ những kiến thức tích lũy từ thời trẻ đã giúp tôi xử lý rất nhiều công việc khi về già.”

Rời bàn làm việc, giáo sư Nguyễn Quang Ngọc cũng có niềm hạnh phúc rất đời thường ấy là chơi với cháu. Cháu nội ông năm nay mới 1 tuổi, tên gọi thân mật là Vịt. Nhắc đến cháu, ánh mắt ông lại lấp lánh niềm vui và dường như mọi trăn trở với lịch sử, với di sản được tạm gác sang một bên, ông vui vẻ đi “chăn vịt” như cách mà ông hóm hỉnh nói về việc chăm cháu./.

Exit mobile version