Giải phóng mặt bằng ở Hà Nội

ttxvngiaip-1600844449-3.jpg

Chính sách thiếu đồng nhất

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, giải phóng mặt bằng luôn được các bộ, ngành, địa phương xác định là việc khó. Song với thành phố Hà Nội, việc này lại càng khó khăn hơn bởi đặc thù ở đây “tấc đất là tấc vàng.”

Do giá trị của đất cao, cũng như vấn đề phức tạp nên thống kê cho thấy có trên 70% số đơn thư khiếu nại, kiến nghị tại Hà Nội liên quan đến đất đai và giải phóng mặt bằng.

Có thể thấy chính sách giải phóng mặt bằng giống nhau nhưng việc thực thi, “cầm cân nảy mực” ở một số nơi còn tùy tiện, tư lợi, tham nhũng nên không cho ra mẫu số chung, dẫn đến việc người chây ì giải phóng mặt bằng lại được hưởng đền bù giá cao, gây bức xúc không chỉ ở Hà Nội hiện nay.

Do mất lòng tin từ “kẽ hở” trong giải phóng mặt bằng nên nhiều người, nhiều nơi có những hành vi cản trở quá trình thu hồi đất.

Do mất lòng tin từ “kẽ hở” trong giải phóng mặt bằng nên nhiều người, nhiều nơi có những hành vi cản trở quá trình thu hồi đất.

Trong quá trình hoàn thiện, phát triển của mỗi địa phương sẽ không tránh khỏi việc giải phóng mặt bằng, khiến nhiều hộ dân phải rời xa nơi “chôn rau cắt rốn” của mình để dành đất cho công trình. Đó là tất yếu của một xã hội.

Nhưng với tính chất phức tạp của việc giải phóng mặt bằng nên tại Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành khác trên cả nước, việc này thường kéo dài, vắt qua nhiều thời kỳ.

Trong khi đó, chính sách giải phóng mặt bằng liên tục thay đổi, dẫn tới việc chính quyền áp giá đền bù, hỗ trợ cho người bị mất đất không đồng nhất. Thế nên có thực tế, một thửa ruộng, mảnh vườn áp dụng hai giá đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Điều này làm cho người dân bị mất đất rất tâm tư, dùng dằng khi bàn giao đất cho chủ đầu tư, tạo ra hệ lụy lâu dài cho xã hội.

Mỏi mòn đi tìm công bằng

Năm nay hơn 60 tuổi, ông Nguyễn Tiến Dũng ở xóm Đình, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) đã nếm đủ ngọt đắng trong đời nhưng khi nhắc đến đền bù giải phóng mặt bằng dự án Tây Nam Kim Giang giai đoạn 1, ông lại cảm thấy cay mắt như chực khóc.

Nhớ lại thời điểm bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng vào năm 2007, khi đó gia đình ông đã dành 680m2 đất nông nghiệp trồng lúa, rau màu cho dự án với giá đền bù là 162.000/m2, cùng tiền hỗ trợ khác nữa.

Cũng thời điểm đó, ông Dũng đăng ký nhận 60m2 đất tái định cư theo quy định. Nhưng từ đó đến nay, gia đình ông chưa được nhận tiền đền bù đất và suất đất tái định cư.

Để ổn định cuộc sống sau khi mất đất cho dự án, gia đình ông đã xoay sang nghề bán đồ ăn sáng, kiếm thu nhập qua ngày.

Ông Nguyễn Tiến Dũng ở xóm Đình, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ về việc 13 năm chưa nhận được đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Tây Nam Kim Giang. (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Trong ngôi nhà cấp 4 của mình, ông Dũng thở dài và hướng ánh nhìn về phía các tòa nhà cao tầng ở khu Tây Nam Kim Giang, mọc lên trên chính mảnh ruộng của mình than thở: “Mong Nhà nước sớm trả tiền đền bù và đất tái định cho người dân để ổn định cuộc sống, yên tâm khi về già.”

Ông Dũng nói thêm cùng thời điểm trên, cụ Nguyễn Huy Tiệc – bố đẻ của ông – đã bàn giao 170m2 đất nông nghiệp cho dự án Tây Nam Kim Giang. Đồng thời, nhận tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cùng 60m2 đất tái định cư.

Dự án Tây Nam Kim Giang được hình thành cách đây 13 năm theo Quyết định số 4272 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 26/10/2007, về việc thu hồi 357.910m2 đất tại xã Tân Triều (Thanh Trì) để làm quỹ nhà tái định cư cho thành phố.

Lúc bấy giờ, thành phố giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố thực hiện giải phóng mặt bằng.

Vốn là một khu ruộng màu mỡ, khu Tây Nam Kim Giang đã mọc lên những khối nhà cao hơn 20 tầng với dáng vẻ một khu đô thị mới đang hình thành. Song dưới chân tòa nhà cao tầng ấy, còn có những ruộng, khu đất được quây tôn, cỏ mọc um tùm cho thấy khu Tây Nam Kim Giang vẫn đang dở dang giải phóng mặt bằng.

Dự án Tây Nam Kim Giang sau 13 năm triển khai vẫn đang dang dở giải phóng mặt bằng. (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Triều Đặng Ngọc Quyền, sở dĩ công tác giải phóng mặt bằng bị tắc là do thay đổi chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng bị thay đổi.

Cụ thể, ngày 29/9/2008 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 18/2008/QD-UBND; trong đó quy định hỗ trợ, chuyển đổi việc làm cho các hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao 60m2 đất ở hoặc nhà ở.

Tuy nhiên, ngày 29/9/2009, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội lại ban hành Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND nhằm thay thế Quyết định số 18 kể trên.

Theo Quyết định số 108 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng đối với cá nhân bị thu hồi đất được tính bằng 5 lần giá đất nông nghiệp, không còn quy định hỗ trợ bằng đất như Quyết định số 18.

Nhưng khi áp dụng chính sách đền bù mới vào thực tế lại vấp phải sự phản đối của đa số các hộ dân. Phần lớn các hộ dân Tân Triều vẫn muốn nhận 60m2 đất ở vì cho rằng như thế có lợi hơn nhận hỗ trợ bằng tiền.

Do chính sách thay đổi như vậy nên trong cùng một dự án chỉ có 161/414 hộ được bố trí tái định cư, số hộ còn lại áp dụng giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng bằng tiền

Vẫn theo ông Quyền, do chính sách thay đổi như vậy nên trong cùng một dự án chỉ có 161/414 hộ được bố trí tái định cư, số hộ còn lại áp dụng giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng bằng tiền là 810.000 đồng/m2.

Cùng một dự án nhưng tại xã Tân Triều đã có hai chính sách được áp dụng nên nhiều ngày nay người dân Tân Triều vẫn gửi đơn đi nhiều nơi để tìm sự công bằng.

Trao đổi về vấn đề nói trên, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì, cho biết nguyên nhân của việc 253 hộ còn lại không được nhận hỗ trợ bằng đất mà phải nhận bồi thường bằng tiền là do không có đơn đăng ký nguyện vọng lấy đất. Hơn nữa những hộ được hỗ trợ bằng đất ở là chính sách đền bù từ trước năm 2014.

Còn sau mốc thời gian đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn chính sách hỗ trợ bằng đất khi thu hồi đất nông nghiệp nên phía Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì dù muốn cũng không thể giao đất dịch vụ cho người dân tại dự án Tây Nam Kim Giang.

“Hiện tại Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì cũng đang rất cố gắng báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố và các Sở, ban, ngành liên quan xem xét tháo gỡ, đáp ứng nguyện vọng của người dân,” ông Hoàng thông tin thêm.

Dùng dằng đi-ở

Những ngày Hè năm 2020, tâm trạng của nhiều hộ dân thôn 2, xã Hồng Kỳ (tiếp giáp cổng chính của bãi rác Nam Sơn) càng chộn rộn hơn.

Họ đang bị vận động, yêu cầu phải di dời khỏi mảnh đất “chôn rau cắt rốn” của mình để dành đất mở rộng bãi rác Nam Sơn thêm 500m tính từ chân tường rào của bãi.

Thôn 2 có 255 hộ dân thuộc diện di dời, song đến nay chưa ai nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng về đất ở. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện thành phố Hà Nội đang áp dụng giá đền bù đối với đất thổ cư tại thôn 2 là 4,08 triệu đồng/m2. Còn đất vườn liền kề có giá đền bù là 500.000 đồng/m2. Hiện, người dân bày tỏ băn khoăn về đơn giá đền bù trên.

Bí thư Chi bộ thôn 2 Nguyễn Thanh Kỳ cho biết phần lớn người dân ở đây đều có diện tích đất thổ cư lớn. Nhiều gia đình được cấp “sổ đỏ” tới 2.000m2 đất thổ cư.

Bí thư Chi bộ thôn 2 (xã Hồng Kỳ) Nguyễn Thanh Kỳ chia sẻ về giải phóng mặt bằng bãi rác Nam Sơn bán kính 500 mét. (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Trong khi đó, chính quyền thành phố chỉ tính đền bù cho người dân có 400m2 (hạn mức đất ở tối đa cho phép), số diện tích còn lại tính giá đất vườn liền kể, trồng cây lâu năm.

“Nếu tách bạch rạch ròi ra như vậy thì đa số dân chúng tôi dành hết cả tiền đền bù đất thổ cư, ruộng vườn cũng chưa đủ mua một suất tái định cư. Vậy sau giải phóng mặt bằng chúng tôi sống thế nào?” Bí thư Chi bộ thôn 2 trăn trở.

Theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, có hơn 1.100 hộ dân thuộc diện di dời giải phóng mặt bằng dành đất mở rộng bãi rác. Đến nay, huyện Sóc Sơn đã chi trả tiền đền bù, hỗ trợ hoa màu và đất nông nghiệp được hơn 90% số hộ.

Còn về đất thổ cư, mới chỉ dừng ở bước lập và công khai phương án đền bù chứ chưa chi trả được cho hộ dân nào. Trong khi đó, thành phố Hà Nội đặt ra yêu cầu với huyện Sóc Sơn là đến thời điểm tháng 7 năm nay hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng bãi rác.

Theo Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, dự án giải phóng mặt bằng bãi rác Nam Sơn thuộc diện được thành phố Hà Nội dùng ngân sách để đền bù cho các hộ dân của ba xã Nam Sơn, Hồng Kỳ và Bắc Sơn.

Đến hết năm 2019, các ngành chức năng của thành phố mới chỉ giải ngân được 500 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng bãi rác lớn nhất Thủ đô này. Do không đảm bảo tiến độ giải ngân giải phóng mặt bằng bãi rác nên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chung của cả thành phố.

Chính phủ nhận định, giải phóng mặt bằng đang là thủ phạm “bóp nghẹt” việc giải ngân vốn đầu tư công không chỉ ở Hà Nội mà đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Vì chưa có mặt bằng “sạch” nên nhiều dự án, công trình chưa thể thi công khiến phát sinh nhiều hệ lụy từ đội vốn đầu tư, ách tắc giải ngân vốn, giảm hiệu lực, hiệu quả của nguồn vốn đầu tư./.

Chị Đinh Thị Cảnh – người dân thôn 2, xã Hồng Kỳ dùng dằng chưa muốn di dời giải phóng mặt bằng mở rộng bãi rác Nam Sơn vì giá đền bù chưa thỏa đáng. (Ảnh: Mạnh Khánh/Vietnam+)

Dự án bị ‘ngâm’ nên ứ vốn đầu tư công

Với thành phố Hà Nội, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ rất quan trọng, bởi nguồn vốn này của thành phố giai đoạn 2016-2020 chiếm tỷ trọng 10% vốn đầu tư công của cả nước.

Tuy nhiên, điểm nghẽn hiện nay ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước xung quanh việc giải ngân vốn đầu tư công được nhận diện chính là khâu giải phóng mặt bằng.

Điều này khiến nhiều công trình giao thông “đắp chiếu,” kéo dài cả chục năm; vốn đội lên gấp nhiều lần so với ban đầu, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực Nhà nước.

Tiền có mà đường chưa thông

Giải ngân vốn đầu tư công đang là câu chuyện thời sự của nhiều Bộ, ngành, tỉnh, thành phố lúc này. Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, năm 2020, thành phố bố trí kế hoạch vốn đầu tư công khoảng 28.000 tỷ đồng cho 581 dự án.

Khối lượng công việc khổng lồ như vậy nhưng qua số liệu của Kho bạc Nhà nước Hà Nội, trong 8 tháng năm 2020, ước tính thành phố giải ngân được khoảng 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt trên 50% kế hoạch. Trong số đó, có nhiều dự án đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Về điều này đã được ông Lương Thanh Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố thừa nhận, đến tháng 9/2020, Ban mới thực hiện giải ngân đạt 38% kế hoạch.

Riêng về dự án trụ sở Thành ủy, hiện đang hoàn thiện hồ sơ nên giải ngân đến tháng 1/2020 mới đạt 18,9%. Về dự án Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau (Cà Mau), đã đưa vào sử dụng từ tháng 10/2019, mới giải ngân đạt 6%.

Còn ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết dự án đường sắt đô thị Hà Nội đến ngày 10/9 mới giải ngân được khoảng hơn 13.000 tỷ đồng, bằng 40,87% tổng nguồn vốn. Nguyên nhân là vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, mặt bằng xen kẹt khiến việc thực hiện bị ngắt quãng, kéo dài.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội đến ngày 10/9 mới giải ngân được khoảng hơn 13.000 tỷ đồng, bằng 40,87% tổng nguồn vốn 

Một số dự án khác cũng trong cảnh “rùa bò” dẫn đến giải ngân thấp dưới 5% như: đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục trong dự án đường Vành đai 1 thuộc địa bàn 2 quận Đống Đa, Ba Đình được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ cuối năm 2017, với kế hoạch hoàn thành vào năm 2020. Nhưng sau 3 năm dự án chưa được triển khai do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Hay dự án Quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận Thanh Trì cũng đang dở dang sau hàng chục năm ì ạch… Mặt bằng sạch để thi công đang là yêu cầu cấp bách đối với các dự án này.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, các dự án đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách của thành phố đều là các dự án thuộc những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu có ý nghĩa dân sinh với Thủ đô như: xây dựng, giao thông, văn hóa, môi trường, cấp thoát nước…

Cưỡng chế giải phóng mặt bằng tại thôn Đoài và thôn Đông, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Kết quả giải ngân chậm ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội. Nguyên nhân dẫn tới giải ngân vốn đầu tư chậm, ngoài năng lực của cán bộ thì mẫu số chung là do vướng mặt bằng sạch để thi công dự án.

Trước thực trạng trên, ngày 31/8, tại phiên giải trình về đầu tư công của thành phố, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu các dự án không vướng mắc mà giải ngân chỉ đạt 41% thì cần làm rõ lý do vì sao không giải ngân được, từ đó đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố cần phân loại, phân công, phân nhiệm, nghe báo cáo về từng dự án và làm việc với các quận, huyện để tháo gỡ; nếu có khó khăn về cơ chế, chính sách thì đề xuất Hội đồng Nhân dân thành phố.

Cơ chế bồi thường còn nhiều bất cập

Theo bà Hồ Vân Ngân, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, qua nhiều lần giám sát tại các dự án chậm triển khai do vướng mặt bằng nhận thấy, cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay còn nhiều bất cập. Đó là chủ đầu tư, đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, quy định về giá đất thay đổi, khiến cho một số người có tâm lý kéo dài việc giải phóng mặt bằng để được tăng giá đền bù.

Còn về nguyên nhân chủ quan, việc tuyên truyền đến người dân về chính sách giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ. Cùng với đó, tình trạng chưa minh bạch và công bằng trong lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng cũng gây tâm lý không tin tưởng trong người dân, từ đó, tạo cơ sở cho việc chây ì hoặc khiếu kiện vượt cấp để mong muốn được hưởng thêm quyền lợi trong đền bù giải phóng mặt bằng.

Giải phóng mặt bằng vốn là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Qua tìm hiểu, chỉ cần người thực thi công vụ tư lợi, có thể Nhà nước bị thất thoát hàng tỷ đồng ngân sách. Thực tế tại Hà Nội đã có những vụ việc cán bộ tư túi, khiến ngân sách bị thất thoát, lòng tin của người dân bị hao mòn, công tác giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng.

Phương tiện cơ giới được huy động để tiến hành cưỡng chế giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Đơn cử là năm 2007, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có quyết định thu hồi 1.173.030 m2 đất tại xã Cổ Nhuế và Xuân Đỉnh (nay là phường Xuân Tảo và phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm). Khi đó, Ủy ban Nhân dân huyện Từ Liêm (cũ) ra quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình để bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo quy định.

Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng theo dự toán là 337,1 tỷ đồng. Nguồn tiền này do Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển THT ứng trước và sau này được đối trừ vào tiền thuê đất.

Trong quá trình giải phóng mặt bằng, Thanh tra thành phố Hà Nội phát hiện tổ công tác xã Xuân Đỉnh và Ủy ban Nhân dân xã Xuân Đỉnh không thực hiện đúng quy trình dẫn đến sai phạm về kê khai hiện trạng, xác nhận, thẩm định nguồn gốc đất gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 26,9 tỷ đồng. Đã có 8 bị can đi tù vì tham ô trong giải phóng mặt bằng nêu trên.

Hay như những sai phạm trong đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau nhiều năm được làm rõ với việc cán bộ xã, huyện ở Thạch Thất đã lập hồ sơ khống rút ruột nhà nước hơn 3 tỷ đồng.

Trước hành vi trên, ngày 25/11/2016, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm và tuyên phạt 8 bị cáo với hai tội danh “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” Tổng hình phạt của các bị cáo là 55 năm tù.

Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện có một bộ phận cán bộ làm giải phóng mặt bằng năng lực còn hạn chế và thiếu chuyên nghiệp. Họ chưa làm tốt tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật.

Mặt khác, khi triển khai giải phóng mặt bằng lại quá thiên về biện pháp hành chính, áp đặt hoặc né tránh, thiếu cương quyết, không giải quyết dứt điểm.

Các thông tin về giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phương án giải quyết việc làm mới, chuyển đổi nghề cho người có đất bị thu hồi ở một số dự án được đưa ra nhỏ giọt, thiếu công khai, dân chủ, chưa đảm bảo đúng lợi ích mọi mặt của những người bị thu hồi đất. Điều này dẫn đến người dân chưa tin tưởng bàn giao đất và tài sản, hoa màu… trên đất cho chủ đầu tư…/.

Khu vực cưỡng chế giải phóng mặt bằng thuộc ô đất số 3 phường Phương Liên (Đống Đa). (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

‘Gỡ nghẽn’ chính sách

Trong thời gian qua, do đô thị hóa nhanh, nhu cầu phát triển hạ tầng đô thị mạnh mẽ dẫn tới mỗi năm khối lượng giải phóng mặt bằng tại Hà Nội và cả nước nói chung rất lớn.

Riêng tại Hà Nội, theo số liệu của Ủy ban Nhân dân thành phố, thời gian tới, thành phố cần phải giải phóng mặt bằng khoảng 2.700 dự án với diện tích thu hồi đất gần 6.000ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng.

Thành phố cần bố trí tái định cư cho khoảng 19.000 hộ dân sau khi giải phóng mặt bằng. Vì vậy, Hà Nội xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã cùng ban ngành tập trung thực thi.

Doanh nghiệp loay hoay mắc kẹt

Ngoài bất cập như ở xã Tân Triều (Thanh Trì) có hai chính sách đền bù cho dự án khu Tây Nam Kim Giang, ở một số nơi khác, cũng xảy ra trường hợp không thống nhất về cách tính giá đền bù đối với vị trí thu hồi.

Điển hình như trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Liên ở thôn 7, xã Đông Dư (Gia Lâm) có 1 thửa đất ở bị thu hồi để thực hiện 2 dự án. Trong đó, dự án đường hành lang chân đê áp mức bồi thường với đất ở vị trí 2; còn dự án đường Đông Dư-Dương Xá lại áp dụng vị trí 3.

Chưa hết, trên cùng rẻo đất cạnh nhà ông Liên, có 9 hộ khác bị thu hồi đất để phục vụ dự án xây dựng Bộ Tư lệnh Hải quân và đơn vị vệ tinh, lại được áp dụng vị trí 2.

Do đó, gia đình ông Liên và 6 hộ khác đang bị áp vị trí 3 đang chưa đồng thuận, kiến nghị với huyện Gia Lâm để được áp giá bồi thường ở vị trí 2, nhằm đảm bảo quyền lợi cho mình.

Ngoài ra, Luật Đất đai vẫn đang cho tồn tại hai hình thức thu hồi, đền bù trong giải phóng mặt bằng. Đó là dự án do Nhà nước thu hồi đất (bắt buộc) và dự án doanh nghiệp tự thỏa thuận (tự nguyện) đền bù với người dân có quyền sở hữu đất.

Do có hai cơ chế giải phóng mặt bằng như kể trên đã tạo sự chênh lệch bất bình đẳng về giá bồi thường giải phóng mặt bằng ngay trên cùng một cánh đồng, một địa phương, gây nên nhiều tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.

Thực tế đang diễn ra cho thấy, cơ chế doanh nghiệp phải tự thỏa thuận khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện dự án có mục đích kinh doanh đang đẩy doanh nghiệp lâm vào thế “niềm đau dai dẳng” khi “ôm” đất 10 năm mà chưa thể nhận được cái “bắt tay” từ phía người dân.

Câu chuyện của dự án nhà ở, văn phòng Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì) của Công ty cổ phần Đầu tư Đồng Phát cho thấy một thực tế “mặn chát” về tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng.

Trong vòng 2 tháng năm 2019, xã Minh Tân (Sóc Sơn) đã hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 700 ngôi mộ của hơn 200 hộ dân để dành đất mở trường đua ngựa trong tương lai. (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Từ năm 2014, chủ đầu tư đã được thành phố chấp thuận chuyển đổi hơn 1.000m2 đất nông nghiệp phù hợp quy hoạch để làm khu nhà ở.

Theo đó, chủ đầu tư đã mua quyền sở hữu đất nông nghiệp của người dân từ năm 2015 đến nay với nhiều mức giá khác nhau.

Song, doanh nghiệp đang bế tắc khi thời điểm này chưa thể thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng với 7 hộ dân cuối cùng nằm trong dự án có diện tích khoảng 550m2, dù đã trả giá khá cao so với mặt bằng quanh khu vực. Điều này làm cho dự án bị chậm thời gian khởi công nhiều năm so với kế hoạch ban đầu.

“Doanh nghiệp đang mong muốn huyện Thanh Trì có hướng dẫn cụ thể về cách giải quyết đối với những hộ không đồng tình phương án thỏa thuận mà công ty đưa ra, sau khi đã căn cứ các quy định của pháp luật. Chứ cứ dây dưa kéo dài thì sẽ rất khó khăn, phá vỡ hết kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp,” ông Tô Nhật Phương – Trưởng phòng Đầu tư dự án Công ty cổ phần Đầu tư Đồng Phát đề xuất.

 Toàn thành phố Hà Nội có tới 383 dự án, chiếm 80% dự án tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng đang “đắp chiếu” để hoang hóa 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, toàn thành phố có tới 383 dự án, chiếm 80% dự án tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng đang “đắp chiếu” để hoang hóa. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên liên quan đến việc không thể giải phóng mặt bằng.

Còn theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặc dù, các quy định về mức bồi thường, hỗ trợ đã được quy định trong các văn bản pháp luật của Nhà nước và địa phương nhưng không ít hộ dân có những đòi hỏi vượt quá mức quy định chung.

Khi chủ đầu tư không đồng ý thì họ không chịu di dời, gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của cả chủ đầu tư và những hộ dân khác. Bất cập trên đang khiến nhiều doanh nghiệp loay hoay mắc kẹt trong xử lý chính sách về đất đai, đọng vốn dẫn đến khả năng phá sản dự án.

Khó-dễ là do cách làm

Cùng một chính sách giải phóng mặt bằng giống nhau nhưng chỉ có khác về cách thực thi đã cho ra kết quả khác nhau trong công tác này. Trên thực tiễn tại Hà Nội đã xuất hiện cách làm hay, sáng tạo không gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Giải phóng mặt bằng đã là động lực cho kinh tế-xã hội địa phương phát triển.

Như vẫn còn nguyên cảm xúc ngổn ngang và trăn trở khi chia sẻ về những ngày làm dân vận giải phóng mặt bằng dự án mở rộng, nâng cấp ngõ Chùa Liên Phái (Cầu Dền-Hai Bà Trưng), Bí thư Chi bộ 5 phường Cầu Dền Đỗ Thị Sáng cho biết, năm 2017, ban đầu một số người dân còn bị tác động bởi sự xúi giục của người ngoài nên nhất định không hợp tác với chính quyền và những người làm dân vận giải phóng mặt bằng.

Ngõ chùa Liên phái Cầu Dền (Hai Bà Trưng) được mở rộng sau khi chính quyền vận động người dân bàn giao giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Mạnh Khánh/Vietnam+)

Hiểu được tâm lý “tiếc của” của người dân khi đất đai, nhà cửa có giá trị sử dụng lớn nên muốn Nhà nước áp giá đền bù cao nên bà Sáng khéo léo vận động và đến gặp các hộ dân kể cả buổi tối, hay khi thời tiết không thuận lợi như mưa to, gió lớn. Từ đó, người dân thấy được sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ dân vận với công việc chung mà tích cực hợp tác.

“Tuy khổ cực một chút mà thành công. Nhờ làm tốt công tác dân vận, ngõ Chùa Liên Phái được mở rộng 6m, trải bê tông nhựa phẳng lì, hai bên đường nhà cửa khang trang, sạch đẹp,” bà Sáng chia sẻ.

Ở thời điểm năm 2019-2020 quận Hai Bà Trưng có 40 dự án đang tiến hành xây dựng liên quan đến giải phóng mặt bằng; trong đó, một dự án trọng điểm của thành phố là đường Vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Vọng), đi qua nhiều phường, ảnh hưởng tới hơn 4.000 hộ dân trên địa bàn.

Với số lượng người dân bị ảnh hưởng từ giải phóng mặt bằng “khủng” nhất thành phố, quận này đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực tuyên truyền vận động, bám sát chỉ đạo.

“Điểm khác biệt là quận phân công công việc trên tinh thần rõ người, rõ việc và có sự kiểm tra chéo lẫn nhau trong quá trình làm việc, trên cơ sở đảm bảo đúng quy trình. Quan điểm của quận, tập trung tuyên truyền, đối thoại từ cấp cơ sở; hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, không tạo điểm “nóng” gây mất trật tự an toàn xã hội,” ông Nguyễn Quang Trung, Phó Bí thư quận ủy Hai Bà Trưng nêu kinh nghiệm.

Đường vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở. (Nguồn: TTXVN)

Còn tại huyện Đông Anh, trong 3 năm trở lại đây đã giải phóng mặt bằng xong hơn 200 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội… bàn giao hơn 430 ha đất, liên quan hơn 7.300 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, với số tiền đền bù là 2.500 tỷ đồng.

Theo đó, có nhiều dự án quan trọng tầm cỡ quốc gia như: Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường nối cầu Nhật Tân đi Sân bay quốc tế Nội Bài, Quốc lộ 3 mới, đường 5 kéo dài, Thành phố thông minh, Công viên Kim Quy, Trung tâm triển lãm quốc gia…

Dù khối lượng công việc giải phóng mặt bằng đồ sộ như vậy nhưng huyện đã hoàn thành và bàn giao đất đúng tiến độ, được thành phố đánh giá cao.

Theo ông Lê Trung Kiên, Bí thư huyện ủy Đông Anh, ngoài công khai minh bạch, đơn giá đền bù hỗ trợ, huyện còn tổ chức nhiều hội nghị, đối thoại để tuyên truyền, phổ biến các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tới gần 10.000 hộ dân nhằm giải đáp các khó khăn, vướng mắc…

Ngoài ra, huyện còn ban hành quy trình giải phóng mặt bằng với 18 bước, cụ thể hóa các văn bản của cấp trên để người dân và doanh nghiệp nắm được. Nhờ đó, hầu hết nhân dân đồng thuận chủ trương của Đảng, chấp hành quy định pháp luật của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bàn giao đất cho chủ đầu tư.

Hay vấn đề giải phóng mặt bằng nghĩa trang để dành đất cho công trình luôn khiến nhiều địa phương e ngại, đụng chạm đến vấn đề tâm linh của mỗi hộ gia đình. Thế nhưng ở xã Tân Minh (Sóc Sơn), trong vòng 2 tháng năm 2019 đã hoàn thành giải phóng mặt bằng  hơn 700 ngôi mộ của hơn 200 hộ dân để dành đất mở trường đua ngựa trong tương lai.

“Chúng tôi chọn thời điểm cuối năm để vận động người dân bàn giao mộ cho dự án. Cách làm là vận động từ trưởng các dòng họ, đến gia đình cán bộ đảng viên thực hiện trước và đến các hộ dân trong thôn,” Chủ tịch xã Tân Minh, Đàm Khắc Trường cởi mở thông tin./.

Trung tâm văn hóa thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh được xây dựng sau khi chính quyền vận động người dân bàn giao mặt bằng. (Ảnh: Mạnh Khánh/Vietnam+)   

Vì mục tiêu tạo quỹ đất sạch

Giải phóng mặt bằng luôn được các cấp chính quyền xác định là việc phức tạp, nhạy cảm có thể “sai một li, đi một dặm” gây thất thoát tiền của Nhà nước và mất lòng tin trong nhân dân. Do vậy, nhiều cán bộ ở Hà Nội nói riêng đã tìm cách “né” hoặc đùn đẩy cả việc chỉ đạo cũng như thực thi giải phóng mặt bằng để giữ an toàn cho bản thân. Vì trên thực tế, chưa có khung chế tài và cũng chưa có cán bộ nào bị xử lý vì để chậm giải phóng mặt bằng khiến cho xã hội phải gánh chịu hậu quả.

Thế nên, phải tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này trong thời gian tới, hướng tới cách làm đồng bộ để giải phóng mặt bằng không còn là lực cản mà trở thành động lực cho sự phát triển của mỗi địa phương.

Không thể trách nhiệm chung chung

Tại Hà Nội, thời gian qua có thể kể tên hàng chục dự án chậm giải phóng mặt bằng nhưdự án Tây Nam Kim Giang, đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Thanh Trì, dự án Hoàng Cầu-Voi Phục, đường 5 kéo dài… gây đội vốn; ách tắc giải ngân vốn đầu tư công, giảm hiệu quả đầu tư… khiến dư luận bức xúc. Hậu quả từ việc giải phóng mặt bằng chậm không chỉ nhìn thấy bằng mắt thường mà còn để lại hệ lụy lâu dài cho xã hội.

Song theo một số chuyên gia về pháp luật, trên thực tế không có ai chịu trách nhiệm về việc chậm giải phóng mặt bằng ở các dự án trên.

Nhận thấy tình trạng “cha chung” trong giải phóng mặt bằng sẽ khiến người cán bộ không đeo bám, quyết liệt và sáng tạo trong chỉ đạo nên Thành ủy Hà Nội đã ban hành văn bản quy trách nhiệm người đứng đầu trong lĩnh vực này.

Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đối thoại với người dân bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Nghị quyết số 08-NQ/TU mới đây của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 và những năm tiếp theo” chỉ rõ thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp xây dựng kế hoạch thực hiện cho cơ quan mình. Trong đó nhấn mạnh, chủ tịch các quận, huyện thị xã rà soát lại quy trình và phương pháp thực hiện của địa phương, lấy tiến độ hiệu quả, đúng pháp luật là phương châm chỉ đạo.

“Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã phải trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, không được ủy quyền lại cho cấp phó,” Nghị quyết trên của Thành ủy Hà Nội yêu cầu.

Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo, đưa việc giải phóng mặt bằng vào chương trình công tác hằng năm của cấp ủy, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Bí thư Chi bộ thôn 2 xã Hồng Kỳ (Sóc Sơn) cho biết, chi bộ cũng đã phân công tuyên truyền giải thích cho người dân. Bà con trong thôn cũng nhận thấy cái sai khi thực hiện ngăn chặn xe rác. Nhưng sở dĩ họ chặn xe rác là do tiến độ di dân khỏi vùng bán kính 500 m và việc đền bù, giải phóng mặt bằng quá chậm. Bên cạnh đó, giá đất tái định cư hiện có sự chênh lệch lớn với giá đất đền bù khiến việc ổn định đời sống của người dân sau di dời gặp khó khăn.

Khu vực giải phóng mặt bằng mở rộng bãi rác Nam Sơn vùng bán kính 500 mét tính từ chân tường rào bãi rác. (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Đến nay, riêng tại hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ vẫn còn nhiều hộ dân chưa nhận được đền bù đất nông nghiệp, đất ở. Người dân trải qua thời gian dài không có tư liệu sản xuất nên rất bức xúc.

Về chậm trễ giải phóng mặt bằng bãi rác Nam Sơn bán kính 500m, trong buổi đối thoại với người dân ngày 17/7, ông Phạm Văn Minh – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn thừa nhận, việc chậm đền bù đất nông nghiệp có trách nhiệm chủ yếu của huyện. Việc kiểm đếm các trường hợp thuộc diện đền bù hiện đã được huyện thực hiện xong. Tuy nhiên, việc lên phương án cần thời gian.

“Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ là do một số công trình xây dựng trong khu dân cư thuộc diện di dời khó xác định thời điểm nên phải họp thôn, xóm để xác minh,” ông Phạm Văn Minh giãi bày và cho biết thêm, thời gian tới sẽ nâng cao vai trò của người đứng đầu địa phương theo chỉ đạo của Thành ủy, từ đó, triển khai nhanh hơn nữa các bước để thực hiện dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bãi rác Nam Sơn.

Luật Đất đai năm 2013 đã chỉ ra, đất đai là tài nguyên của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển và là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Song, đất đai luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân.

Do đó, tại một số địa phương của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, việc thi hành Luật Đất đai năm 2013 còn nhiều bất cập. Dẫn tới nhiều hộ dân không đồng ý với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, khiếu kiện kéo dài, gây mất trật tự xã hội tại địa phương.

Giải quyết công khai

Cùng với việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, đơn vị về giải phóng mặt bằng như nêu ở trên thì nhiều ý kiến cho rằng cần phải nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo hướng để chính quyền, người dân và doanh nghiệp dễ thực hiện. Còn nếu cứ để doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân sẽ rất khó đi đến “chung kết” cho một dự án có sinh lời như kiểu xây dựng khu nhà ở.

Về nội dung trên, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong trường hợp để doanh nghiệp tự giải phóng mặt bằng như hiện nay, khiến cho nhiều dự án bị chậm triển khai, do không thể tìm tiếng nói chung với người dân.

“Đối với dự án giải phóng mặt bằng được 70%, còn lại 30% nếu người dân không chấp nhận, Nhà nước sẽ là “trọng tài” để tiến hành giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư, chứ không thể doanh nghiệp “tự bơi” như hiện nay được,” vị chuyên gia đề xuất.

Còn cán bộ địa chính xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) Nguyễn Hữu Tâm nêu kiến nghị, cơ quan chức năng cần nhất quán một chính sách cho một dự án. Vì nếu cứ áp dụng nhiều chính sách như ở Tây Nam Kim Giang sẽ rất khó cho cấp dưới triển khai công việc.

Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đối thoại với người dân bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Qua tìm hiểu tại Hà Nội, nhiều địa phương như Hoài Đức, Ba Vì, Gia Lâm, Mê Linh… cũng có tình trạng một dự án nhưng được áp dụng nhiều chính sách trong đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Có thể cùng một cánh đồng nhưng người có đất phải thu hồi cho các dự án mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng thì nhận được chế độ bồi thường theo mức giá ấn định của Nhà nước.

Trong khi đó, người có đất thu hồi cho các dự án của doanh nghiệp được chủ đầu tư thỏa thuận bồi thường theo giá thị trường thì được hỗ trợ, đền bù thậm chí cao hơn hàng chục lần so với mức của Nhà nước. Điều này khiến cho cán bộ địa chính của nhiều địa phương rất khó tuyên truyền giải thích với người dân, dẫn đến ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng chung trên địa bàn.

Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa 14-đoàn Quốc hội thành phố Hà Nội, ở tất cả các dự án, chỉ nên có một chủ thể duy nhất là Nhà nước, tiến hành thu hồi giải phóng mặt bằng theo một quy định chung, sau đó ô đất đó sẽ mang ra đấu thầu công khai, sẽ giảm được tình trạng so bì như hiện nay.

Còn có ý kiến khác cho rằng hiện nay, nhiều dự án vốn nằm chờ giải phóng mặt bằng, rất lãng phí nguồn lực đầu tư. Về nội dung này, ông Nguyễn Lê Hiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh kiến nghị Chính phủ nên cho phép địa phương chủ động giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất “sạch” theo quy hoạch sử dụng đất, tầm nhìn gần đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 1/500, đối với những dự án đã có chủ trương đầu tư và bố trí vốn. Như vậy mới khắc phục được tình trạng kéo dài dự án.

Theo Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, Trung ương cũng cần sớm hoàn thiện hệ thống hồ sơ dữ liệu về quản lý đất đai; tăng cường quản lý, chống lấn chiếm, xây dựng trái phép, kịp thời giải tỏa các vi phạm về đất đai… Bởi lẽ đây là những nội dung chính ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở pháp lý thực hiện giải phóng mặt bằng và tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện phức tạp sau này.

Ngoài ra, một số chuyên gia khác nêu quan điểm chính quyền cần đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp tạo quỹ “đất sạch” và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để nhà đầu tư chủ động về mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đầu tư, giải quyết kịp thời những vướng mắc về chính sách đối với bồi thường, giải phóng mặt bằng./.

Exit mobile version