Lao động châu Á tại Nhật Bản

ttxvntokyo-1598569583-86.jpg

Lao động di cư ra nước ngoài làm việc đã trở thành một trong những xu thế tất yếu của toàn cầu hóa. Đặc biệt, tại các nước có cơ cấu dân số không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong nước, việc thu hút lao động từ nước ngoài đang trở thành một biện pháp cần thiết. Nhật Bản là một trong những quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ biện pháp này trong bối cảnh dân số già hóa dẫn tới nguy cơ thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động trong tương lai gần.

Lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động từ các nước châu Á, trong đó Việt Nam chiếm một tỷ lệ lớn, đã trở thành nguồn nhân lực chủ chốt giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề này.

Là người từng có nhiều năm học tập và công tác tại Nhật Bản với vai trò phóng viên Cơ quan thường trú TTXVN, nhà báo Nguyễn Tuyến đã có cơ hội tìm hiểu kỹ vấn đề này.

Chùm bài “Lao động châu Á tại Nhật Bản” với 6 bài viết chuyên sâu, cung cấp bức tranh vừa tổng quát vừa chi tiết về tình hình thực tế, những cơ hội và thách thức đối với người lao động nước ngoài, đặc biệt là châu Á, tại Nhật Bản, thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam hiện nay.

Đông Nam Á – nguồn cung lao động quan trọng

Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 11 thế giới về quy mô dân số với 126.860.301 dân năm 2019, giảm 0,27% so với năm 2018. Điều đáng lo ngại là cơ cấu dân số của Nhật Bản đang đi theo xu hướng già hóa.

Từ “bài toán” thiếu hụt lao động…

Theo phân tích của Cơ quan Nghiên cứu dân số, đến năm 2050, dân số Nhật Bản sẽ giảm xuống còn 90 triệu người, trong đó số người trên 65 tuổi dự kiến chiếm khoảng 40% và số người dưới 15 tuổi chỉ chiếm khoảng 8,5%. Trước xu thế này, một ủy ban của Nhật Bản về vấn đề xã hội lão hóa đã đề xuất định nghĩa lại khái niệm người già bằng cách nâng tuổi được công nhận là người già lên mức từ 75 tuổi trở lên.

Nhật Bản được coi là một quốc gia có nền văn hóa đóng, không cởi mở với người nước ngoài. Trung Quốc và Triều Tiên là hai cộng đồng nước ngoài lớn nhất và lâu đời nhất, đến nay đã có thế hệ thứ ba hoặc thứ tư sinh sống tại Nhật Bản. Tuy nhiên, kể từ sau thời kỳ năm 1980 đến nay, nhóm di dân từ một số nơi khác cũng đến Nhật Bản. Có thể tạm chia làm hai nhóm gồm người gốc Nhật sống tại Mỹ Latinh muốn trở về quê hương và nhóm di dân các nước và vùng lãnh thổ đến Nhật Bản để học tập, làm việc. Trong nhóm thứ hai, ngoài người Trung Quốc và Hàn Quốc, nổi bật có nhóm Đông Nam Á với các nước như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan, và ngoài Đông Nam Á là Brazil, Đài Loan (Trung Quốc), Nepal.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Nhập cư Nhật Bản, tính đến hết năm 2018, có 2.731.093 người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản. Trong số đó, người Trung Quốc chiếm 28%, người Triều Tiên chiếm 16,5%. Việt Nam đứng thứ ba với 330.835 người, chiếm 12,1%. Philippines ở vị trí thứ tư chiếm 9,9%, Brazil thứ năm với 7,4% và Nepal thứ sáu, chiếm 3,3% cộng đồng người nước ngoài tại Nhật Bản. Như vậy, có thể thấy, số người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản hiện nay vẫn chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu dân số nước này.

Lao động Indonesia tại một nông trại trồng dâu ở Nhật Bản. (Ảnh: Nguyễn Tuyến)

Tuy nhiên, trong bối cảnh dân số già hóa trở thành nỗi lo lớn vì thiếu hụt lao động chính là một yếu tố cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản trong vài năm trở lại đây đã bắt đầu xúc tiến các biện pháp cần thiết để thu hút lao động nước ngoài.

Khoảng 10 năm về trước, lao động nước ngoài đã xuất hiện tại Nhật Bản nhưng số lượng đi theo visa làm việc (working visa) không đáng kể, hầu hết là vào Nhật Bản với visa du học (student visa). Những du học sinh này sau khi nhập cảnh Nhật Bản, vừa đi học, vừa đi làm, trở thành một lực lượng lao động quan trọng của loại hình công việc bán thời gian (part-time).

Một chương trình quan trọng khác đưa lượng lớn lao động nước ngoài đến Nhật Bản thời gian vừa qua là Chương trình đào tạo kỹ thuật cho thực tập sinh nước ngoài (TITP), tạm gọi là chương trình tu nghiệp sinh.

Về mặt chính thức, đây là chương trình hỗ trợ của Nhật Bản dành cho các nước đang phát triển, với mục đích đào tạo kỹ thuật công nghệ cho các thực tập sinh nước ngoài để về ứng dụng tại quê hương. Tuy nhiên, TITP đã bị một số chuyên gia đánh giá là chương trình đưa lao động bậc thấp vào Nhật Bản.

Trong những năm qua, có thể nói du học sinh và TITP đã bù đắp đáng kể cho tình trạng thiếu hụt lao động bậc thấp và lao động bán thời gian. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt này giờ đây không chỉ giới hạn ở những công việc đơn giản mà đã lan sang cả những ngành nghề đòi hỏi lao động có tay nghề cao hơn.

Từ năm 2019, Chính phủ Nhật Bản đã xem xét điều chỉnh và bổ sung nhiều chính sách, biện pháp mới nhằm xây dựng một đất nước Nhật Bản thân thiện với người nước ngoài

Bên cạnh đó, những bất cập trong hai loại hình trên cũng đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết nếu như Nhật Bản mong muốn lao động nước ngoài phát huy tốt nhất năng lực của mình. Chính vì vậy, từ năm 2019, Chính phủ Nhật Bản đã xem xét điều chỉnh và bổ sung nhiều chính sách, biện pháp mới nhằm xây dựng một đất nước Nhật Bản thân thiện với người nước ngoài để thu hút nhiều hơn nữa lao động nước ngoài đến với “Xứ sở Hoa Anh đào.”

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng công bố kế hoạch thu hút 500.000 lao động nước ngoài đến Nhật Bản để bù đắp tình trạng khủng hoảng nhân lực nghiêm trọng trong các ngành như nông nghiệp, xây dựng, dưỡng lão…

… đến nguồn cung lao động chính

Nhật Bản dự kiến đến năm 2030 sẽ bị giảm 7,9 triệu lao động trong khi ngân sách cho an sinh xã hội sẽ tăng cao do người già tăng. Để duy trì dân số ở mức 100 triệu người, về mặt lý thuyết, Nhật Bản phải nhận 200.000 người nhập cư mỗi năm, nâng tỷ lệ sinh từ 1,43 lên 2,07 vào năm 2030.

Với mục tiêu 500.000 lao động nước ngoài tới Nhật Bản đến năm 2025, nước này phải nhận trung bình 71.430 lao động mỗi năm trong vòng 7 năm, tính từ năm 2018. Chính vì vậy, Nhật Bản đã tăng tốc việc tiếp nhận tu nghiệp sinh, lao động nước ngoài từ các nước Đông Nam Á. Tính đến cuối tháng 10/2018, trong tổng số 1.460.463 lao động nước ngoài tại Nhật Bản, Đông Nam Á đang nổi lên là một trong những khu vực cung cấp nguồn lao động lớn.

Các nước Đông Nam Á được đánh giá là có nguồn lao động dồi dào. Lao động tại các quốc gia này cũng hào hứng với việc sang Nhật Bản làm việc để có nguồn thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng là quan hệ của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á đang phát triển rất tốt đẹp với đa số người dân tại các quốc gia khu vực này đánh giá tích cực về Nhật Bản.

Việt Nam có 326.840 lao động tại Nhật Bản, đứng đầu trong nhóm Đông Nam Á. Tiếp theo là Philippines với 164.006 người. Indonesia và Thái Lan cũng nằm trong nhóm các quốc gia có số lượng lao động lớn tại Nhật Bản. Các nước còn lại như Campuchia, Myanmar, Malaysia cũng đang thúc đẩy việc tăng cường đưa lao động đến “đất nước Mặt Trời mọc.”

Lao động Việt Nam đang chăm sóc cây giống xà lách. (Ảnh: Nguyễn Tuyến)

Đặc biệt, việc Chính phủ Nhật Bản ban hành chế độ visa mới với hai loại visa gồm Kỹ năng đặc định 1 và Kỹ năng đặc định 2 có hiệu lực từ ngày 1/4/2019, được cho là chủ yếu hướng tới nguồn lao động tại các nước Đông Nam Á.

Tính đến nay, đã có 6 nước Đông Nam Á ký bản ghi nhớ hợp tác với Nhật Bản để đưa lao động sang quốc gia này theo chế độ visa mới, gồm Việt Nam, Philippines, Campuchia, Myamar, Indonesia và Thái Lan. Biên bản ghi nhớ này sẽ mở đường cho việc đưa công nhân “cổ cồn xanh” của các nước Đông Nam Á sang Nhật Bản làm việc, đặc biệt trong các ngành thâm dụng lao động như xây dựng, nông nghiệp, đóng tàu.

Song song với nỗ lực của chính phủ, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đẩy mạnh hoạt động thu hút lao động tại Đông Nam Á. Theo Nikkei Asian Review, Watami, chuỗi nhà hàng Nhật Bản đã lập một công ty liên doanh tại Singapore để hỗ trợ những người muốn tham gia các kỳ thi kỹ năng của chương trình visa mới tại Nhật Bản. Công ty liên doanh này sẽ phối hợp với những trường dạy tiếng Nhật và các doanh nghiệp khác ở các nước láng giềng, không chỉ tìm kiếm lao động cho Watami mà còn cung cấp lao động cho những hệ thống nhà hàng khác tại Nhật Bản. Bằng việc nhanh chóng lập một cơ sở đào tạo cấp khu vực, Watami hy vọng sẽ giành lợi thế trong nỗ lực thu hút lao động từ Đông Nam Á.

Đại diện của hệ thống cửa hàng tiện lợi Lawson cũng xác nhận đã mở trung tâm đào tạo ở nước ngoài với 3 trung tâm tại Việt Nam và 1 tại Hàn Quốc. Các trung tâm này đào tạo nội dung công việc tại các cửa hàng tiện lợi và phong tục tập quán của người Nhật Bản cho những sinh viên đã được nhận vào học tại các trường ở Nhật Bản.

Tại nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ lao động đến từ các nước Đông Nam Á đang tăng mạnh.

Tại nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ lao động đến từ các nước Đông Nam Á đang tăng mạnh. Theo đại diện của Lawson, hệ thống này có tổng cộng 11.000 nhân viên bán thời gian là người nước ngoài, trong đó có 3.200 người Việt Nam.

Hiện Trung Quốc vẫn là đang là quốc gia có số lượng lao động nhiều nhất tại Nhật Bản với tổng số 389.117 người tính đến hết tháng 10/2018. Tuy nhiên, tốc độ tăng số lao động Trung Quốc phái cử đến Nhật Bản đang giảm trong khi con số này lại đang tăng ở các nước Đông Nam Á.

Theo Nippon.com, tốc độ tăng lao động Trung Quốc của Nhật Bản là 26,6%, thấp hơn so với Việt Nam ở mức 31,9% và không cao hơn nhiều so với Indonesia ở mức 21,7%. Nguyên nhân của xu thế này là do mức lương của lao động Trung Quốc đang tăng lên, cạnh tranh giữa doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp Trung Quốc trong việc tuyển dụng lao động ngày càng trở nên gay gắt hơn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hướng dần sang các nước Đông Nam Á.

Giới chuyên gia dự đoán với xu thế này, số lao động Đông Nam Á tại Nhật Bản sẽ vượt Trung Quốc trong thời gian tới và khu vực này sẽ trở thành một trong những nguồn cung lao động chính cho Nhật Bản./.

Những chương trình tuyển dụng chủ yếu

Lao động nước ngoài sang Nhật Bản thông qua nhiều hình thức, trong đó có ba chương trình đưa số lượng lớn lao động gồm TITP; chế độ visa kỹ năng đặc định 1 và 2; và du học sinh.

TITP – những bất cập và lợi ích

Trong khi thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh thu hút lao động nhập cư, Nhật Bản cũng cần tìm cách cải thiện những bất cập còn tồn tại trong các chương trình tuyển dụng lao động nước ngoài hiện tại, trong đó đáng chú ý nhất là TITP.

Tính đến tháng 6/2019, trong số 14 nước ký bản ghi nhớ hợp tác với Nhật Bản về TITP, có tới 7 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Campuchia, Philippines, Lào, Myanmar, Thái Lan và Indonesia.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến cuối năm 2018, tổng cộng có 328.360 lao động nước ngoài đến Nhật Bản theo diện TITP, trong đó đứng đầu là Việt Nam với 164.499 người. Trung Quốc đứng thứ hai với 77.806 người. Tiếp đến là ba nước Đông Nam Á gồm Philippines (30.321), Indonesia (26.914) và Thái Lan (19.181).

Số lao động nước ngoài đến Nhật Bản theo diện TITP tăng mạnh, song cũng xuất hiện không ít những chỉ trích về việc thực chất của chương trình là cung cấp lao động giá rẻ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước này.

Theo Giáo sư Asato Wako của Đại học Kyoto, thường xuyên xảy ra các vụ vi phạm luật lao động trong chương trình TITP. Nguyên nhân có thể là do hầu hết các doanh nghiệp tiếp nhận lao động là những doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ, rất khó khăn để tồn tại nếu không vi phạm. Một nửa trong số các doanh nghiệp sử dụng lao động là doanh nghiệp có quy mô dưới 10 người.

Giáo sư Asato Wako nêu một trong những thách thức của TITP là số vụ bỏ trốn đang tăng nhanh chóng và 70% số vụ bỏ trốn là do lương thấp, trong khi trước đó tu nghiệp sinh đã trả một khoản tiền lớn để được sang Nhật Bản làm việc. TITP còn bị chỉ trích là tu nghiệp sinh hầu như không được làm các công việc có tính chất kỹ thuật nên không có kỹ năng gì sau khi hoàn thành một chương trình kéo dài ba năm.

Một trong những thách thức của TITP là số vụ bỏ trốn đang tăng nhanh chóng và 70% số vụ bỏ trốn là do lương thấp

Giáo sư Toru Shinoda thuộc Đại học Waseda cho rằng việc tiếp nhận lao động tay nghề thấp với những điều kiện cứng nhắc sẽ khiến cho lao động nhập cư không đánh giá Nhật Bản là một điểm đến làm việc hấp dẫn, có thể khiến lao động nước ngoài trở nên không mặn mà với Nhật Bản bằng các thị trường khác.

Bên cạnh đó, mặc dù TITP là chương trình đưa lao động nước ngoài sang Nhật Bản nhiều nhất hiện nay, song đây là chương trình được thiết kế với mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển, theo đó lao động sang Nhật Bản với tư cách học viên học việc, tiếp thu các kỹ thuật công nghệ của Nhật Bản để về ứng dụng trong nước. Vì vậy, về mặt chính thức, đây không phải là chương trình tuyển dụng lao động nước ngoài mà là chương trình đào tạo với các điều kiện ràng buộc đối với học viên.

Theo Giáo sư Asato Wako, mặc dù bị chỉ trích nhiều, song TITP vẫn được giới doanh nghiệp Nhật Bản ủng hộ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một trong những điều khoản của TITP là không cho phép tu nghiệp sinh chuyển việc, điều này giúp doanh nghiệp đảm bảo được sự ổn định của nguồn nhân lực.

Lao động Myanmar tại Lawson. (Ảnh: Nguyễn Tuyến)

Ngày 1/11/2017, Nhật Bản ban hành luật thực tập sinh kỹ năng, thành lập Cơ quan Quản lý thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản (OTIT) với mục tiêu hỗ trợ đảm bảo quyền lợi và phát triển nguồn nhân lực theo diện thực tập sinh. Trước đó, thực hiện vai trò này là Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO), là một tổ chức tư nhân, có chức năng thanh sát các đơn vị tuyển dụng tu nghiệp sinh song lại không có quyền hạn pháp lý.

OTIT ra đời theo Luật thực tập sinh kỹ năng với vai trò là tổ chức có pháp lý, có quyền hạn để thực thi những quy định trong luật này.

OTIT có văn phòng tại 13 thành phố Nhật Bản gồm Tokyo, Sapporo (tỉnh Hokkaido), Miyagi (Sendai), Mito (Ibaraki), Nagano (Nagano), Aichi (Nagoya), Toyama (Toyama), Osaka, Hiroshima, Takamatsu (Kagawa), Matsuyama (Ehime), Fukuoka và Kumamoto, là những địa điểm tin cậy để rà soát năng lực của các nghiệp đoàn, công ty, giải quyết các vướng mắc giữa chủ lao động và tu nghiệp sinh, cũng như hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của thực tập sinh.

Chương trình kỹ năng đặc định – thu hút lao động có tay nghề

Ngày 1/4/2019, Nhật Bản ban hành luật giới thiệu tư cách lưu trú mới gồm hai tư cách lưu trú  “kỹ năng đặc định 1” và “kỹ năng đặc định 2.”

Tư cách lưu trú “kỹ năng đặc định 1” yêu cầu lao động phải có trình độ hoặc kinh nghiệm nghề nghiệp cần thiết trong lĩnh vực được tuyển dụng và phải đỗ kỳ thi do các cơ quan sở, bộ, ban, ngành chức năng quy định. Yêu cầu thứ hai là phải có trình độ tiếng Nhật nhất định, đủ giao tiếp cơ bản cho cuộc sống tại Nhật Bản, trình độ tiếng Nhật sẽ được xác định bằng kết quả tham gia kỳ thi năng lực tiếng Nhật. Thời hạn của loại visa này tối đa là 5 năm. Visa này không được gia hạn và không được phép đưa thân nhân sang Nhật Bản cùng sinh sống. Visa này dành cho 14 ngành nghề gồm: xây dựng; đóng tàu và công nghiệp cơ khí máy móc tàu thuyền; sửa chữa bảo dưỡng ôtô; hàng không; lưu trú khách sạn; điều dưỡng; bảo dưỡng cao ốc; nông nghiệp; ngư nghiệp; công nghiệp chế biến đồ uống và thực phẩm; dịch vụ ăn uống; ngành công nghiệp gia công cơ khí; ngành chế tạo máy công nghiệp; ngành công nghiệp điện và điện tử.

Tư cách lưu trú “kỹ năng đặc định 2” là sự nâng cấp của loại 1. Loại 2 quy định kỹ năng nghề phải đạt mức thành thạo trong lĩnh vực được tuyển dụng, được xác nhận thông qua kỳ thi do các cơ quan sở, bộ, ban, ngành chức năng quy định. Số ngành được tuyển dụng giảm từ 14 trong visa “kỹ năng đặc định 1” xuống còn 5 ngành trong visa “kỹ năng đặc định 2,” gồm xây dựng, đóng tàu và công nghiệp cơ khí máy móc tàu thuyền, sửa chữa bảo dưỡng ôtô, hàng không, lưu trú khách sạn. Tư cách lưu trú này được phép đưa gia đình sang Nhật Bản cùng sinh sống và không bị quy định thời gian lưu trú tối đa.

Lao động Việt Nam đang ươm hạt giống xà lách tại làng Kawakami. (Ảnh: Nguyễn Tuyến)

Luật mới cho phép lao động nước ngoài được cấp visa “kỹ năng đặc định 1” có thể xin đổi sang visa “kỹ năng đặc định 2” nếu như trình độ chuyên môn tay nghề đạt yêu cầu. Năng lực tay nghề sẽ được xác nhận bằng kỳ thi do sở, ban, ngành hoặc bộ quy định.

Ngoài ra, lao động có visa “kỹ năng đặc định 2”, nếu đáp ứng đủ điều kiện, có thể xin chuyển sang tư cách “vĩnh trú” – tức là cư trú không xác định thời hạn. Visa “kỹ năng đặc định 2” được đánh giá là gần giống với visa “vĩnh trú” với tính chất không hạn chế thời gian lưu trú. Điều khác biệt lớn nhất giữa hai loại visa này là visa “kỹ năng đặc định 2” quy định ngành được tuyển dụng, không để mở như visa “vĩnh trú.”

Giáo sư Asato Wako cho rằng chế độ visa mới là cách tiếp cận dựa trên quyền lợi của người lao động với các đặc điểm gồm tuyển dụng trực tiếp, không thông qua đơn vị trung gian; sát hạch năng lực ngôn ngữ được tiến hành trên máy vi tính; không phải là nguồn cung lao động giá rẻ vì mức lương và quyền lợi tương đương với lao động Nhật Bản và người lao động được quyền tự do chuyển việc. Nhật Bản đặt mục tiêu thu hút 340.000 người lao động tay nghề cao trong vòng 5 năm với chương trình kỹ năng đặc định 1 và 2.

Kỹ năng đặc định 1 và Kỹ năng đặc định 2 được giới chuyên môn Nhật Bản đánh giá là cách tiếp cận đúng đắn để hướng đến việc thu hút lao động có tay nghề từ nước ngoài đến Nhật Bản.

Từ tháng 4/2019 đến hết tháng 12/2019, Nhật Bản đã ký kết với 9 nước phái cử để thực hiện chương trình kỹ năng đặc định gồm: Việt Nam, Phillippines, Campuchia, Myanmar, Srilanka, Nepal, Mông Cổ, Indonesia và Uzbekistan.

Du học sinh – sự sống của các hệ thống cửa hàng tiện lợi

Hình thức thứ ba được đánh giá là hỗ trợ nguồn lao động bán thời gian cho Nhật Bản là visa du học dành cho sinh viên nước ngoài.

Các sinh viên nước ngoài đi theo hai cách. Sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học, nộp đơn xin học các trường dạy tiếng Nhật tại Nhật Bản, sau khi hoàn thành 2 năm trường tiếng sẽ nộp đơn xin việc, chuyển sang visa đi làm. Cách thứ hai là các học sinh cấp 3 và những người chưa có bằng tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, nộp đơn học trường tiếng tại Nhật Bản, sau khi hoàn thành trường tiếng sẽ học tiếp lên cao đẳng hoặc đại học tại Nhật Bản. Hoàn thành cấp học đại học hoặc cao đẳng, các sinh viên này sẽ nộp đơn xin việc để chuyển sang visa làm việc.

Du học sinh chỉ được làm việc 28 giờ/tuần trong thời gian đi học vì vậy công việc làm thêm mà họ tìm đến chắc chắn là bán thời gian, điều này dẫn đến xu thế số lượng du học sinh làm việc tại các nhà hàng, hệ thống cửa hàng tiện lợi tăng mạnh.

Các lao động Việt Nam đang làm việc tại Công ty TNHH Koganei Seiki, tỉnh Gunma. (Ảnh: Đào Tùng/TTXVN)

Người Nhật dường như không muốn làm việc tại cửa hàng tiện lợi vì tính chất làm ca đêm, công việc nhiều nhưng lương thấp. Tuy nhiên, người nước ngoài, đặc biệt là du học sinh, không có nhiều lựa chọn. Các cửa hàng của hệ thống Lawson, Seven-Eleven, Family Mart, Ministop… có rất nhiều sinh viên nước ngoài làm việc. Chẳng hạn với Lawson, hệ thống có tới 15.000 cửa hàng trên toàn quốc, chủ yếu chọn du học sinh cho các công việc bán thời gian. Hệ thống này tuyển dụng theo phương thức du học sinh muốn tìm việc, thông báo với trường. Sau đó, trường sẽ thông báo với Lawson và hệ thống này tổ chức buổi gặp gỡ giới thiệu.

Làm việc tại các cửa hàng tiện lợi là công việc phổ biến với sinh viên nước ngoài còn vì lý do sẽ giúp du học sinh rèn luyện năng lực tiếng Nhật và cho họ thêm cơ hội tương tác với người Nhật Bản. Số lao động nước ngoài làm việc trong các cửa hàng tiện lợi tăng nhanh và những người này thường giới thiệu thêm bạn bè vào làm việc.

Giới chuyên gia nhận định chính các du học sinh đã giúp cho ngành kinh doanh nhà hàng, bán lẻ của Nhật Bản vượt qua được cuộc khủng hoảng nhân lực, đặc biệt các hệ thống cửa hàng tiện lợi, nơi tuyển dụng nhiều lao động nước ngoài làm bán thời gian nhiều hơn lao động Nhật Bản./.

Một Nhật Bản thân thiện với người nước ngoài

Khoảng 10 năm trở trước, Nhật Bản không phải là điểm đến được ưa thích và quen thuộc của lao động nước ngoài. Đây là quốc gia có nền văn hóa và sắc dân đồng nhất với 98% là người Nhật Bản. Cộng đồng ngoại kiều có lịch sử lâu hơn ở Nhật Bản chỉ có người Hoa và người Triều Tiên, nhưng họ sống trong những khu phố thường là biệt lập với người bản xứ. Người Nhật Bản được đánh giá có lối sống khép kín, dè dặt, không muốn có sự xáo trộn trong nếp sống và văn hóa của mình, vì vậy họ không tích cực với việc đón nhận người nước ngoài.

Bên cạnh rào cản về văn hóa, một trở ngại nữa là ngôn ngữ. Tiếng Nhật được đánh giá là một trong những ngôn ngữ khó học, vì vậy hầu như chỉ một số ít những nhân lực chuyên môn cao trong một số ngành nghề đặc thù có sử dụng tiếng Anh mới đến Nhật Bản làm việc trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, cùng với xu thế toàn cầu hóa, tình trạng dân số lão hóa đã khiến nước Nhật bắt đầu mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt lao động. Dường như để tránh tạo cú sốc, Chính phủ Nhật Bản thực hiện việc mở cửa từng bước, nâng dần số lượng visa hằng năm cấp cho lao động nước ngoài. Người dân Nhật bắt đầu làm quen với việc ngày càng có nhiều người nước ngoài xuất hiện tại nơi họ sinh sống và dần dần có thái độ cởi mở hơn.

Việc tiếp nhận lao động nước ngoài bắt đầu được tăng tốc trong khoảng 5 năm trở lại đây do nhu cấp cấp thiết của doanh nghiệp Nhật Bản trước tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Số người nước ngoài đến Nhật Bản tăng mạnh đem lại đóng góp kinh tế lớn cho quốc gia này. Tuy nhiên, sự tăng tốc này cũng làm nảy sinh những bất cập vì Nhật Bản chưa có đủ những hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật, pháp lý thiết yếu cho một xã hội có người nước ngoài cùng sinh sống. Những lỗ hổng pháp lý bị lợi dụng, những rào cản ngôn ngữ và văn hóa, khiến cho không chỉ những lao động nước ngoài mà cả người Nhật Bản rơi vào những tình thế rắc rối.

Các lao động Việt Nam thưởng thức món mỳ truyền thống của Nhật Bản tại lễ hội dành cho các thực tập sinh và kỹ sư Việt Nam năm 2019. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Có nhiều người nước ngoài vì không biết tiếng Nhật nên đã vấp phải khó khăn rất lớn khi bắt đầu làm việc tại Nhật Bản. Từ việc làm các thủ tục cấp thẻ ngoại kiều, đến mở tài khoản ngân hàng, thuê nhà, đóng bảo hiểm y tế… Việc không biết tiếng Nhật và không biết tìm sự trợ giúp từ đâu đã khiến nhiều người trong số này vô tình đánh mất những quyền lợi mà họ đáng ra được hưởng.

Những kẻ xấu đã lợi dụng việc người nước ngoài không biết tiếng Nhật để lừa họ ký vào những hợp đồng phi pháp hoặc những văn bản mà sự bất lợi rơi vào những người nước ngoài. Họ bị lừa vào những công việc nặng nhọc với mức lương rất thấp hoặc không được đảm bảo đầy đủ quyền lợi của một người lao động. Đối với gia đình, đã có không ít phụ nữ nước ngoài bị chồng Nhật lừa ký đơn ly hôn với những điều khoản bất lợi mà không hề hay biết.

Không chỉ như vậy, những chế tài pháp lý trong việc tuyển và sử dụng lao động nước ngoài chưa hoàn thiện đã tạo ra nhiều kẽ hở, làm tăng số lao động nước ngoài bất hợp pháp tại Nhật Bản, khiến cho người bản xứ lo ngại.

Rõ ràng lao động nước ngoài tại Nhật Bản tăng mạnh trong thời gian ngắn đã làm nảy sinh những tiêu cực, song không thể phủ nhận sự đóng góp lớn mà họ mang đến cho nền kinh tế. Đó là lý do để Nhật Bản buộc phải tìm ra những biện pháp và chính sách hoàn thiện, phù hợp hơn nhằm đưa quốc gia này trở thành một điểm đến an toàn và ưa thích của lao động nước ngoài.

Nỗ lực từ trung ương…

Để mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản chủ trương xây dựng xã hội cộng sinh với nhiều chính sách mới được dự thảo và ban hành nhằm giúp lao động nước ngoài sống thuận lợi hơn tại Nhật Bản, giảm thiểu hoặc hạn chế những ảnh hưởng của sự khác biệt về văn hóa và giảm sự tập trung quá mức vào các đô thị, thành phố lớn như: xây dựng và cấp ngân sách hoạt động cho các trung tâm hỗ trợ cho người nước ngoài ở các địa phương; tăng cường việc dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài, xây dựng cơ chế giới thiệu việc làm cho người nước ngoài…

Khung biện pháp và chính sách dành cho việc tiếp nhận và chung sống thân thiện với người nước ngoài đã được Cơ quan Nhập cư Nhật Bản công bố trong tài liệu “Những nỗ lực để tiếp nhận và chung sống hài hòa với người nước ngoài,” với tổng kinh phí lên tới 21,1 tỷ yen (khoảng hơn 200 triệu USD).

Các biện pháp mang tính toàn diện được xác định gồm xây dựng các cộng đồng địa phương mà người Nhật Bản và người nước ngoài cùng chung sống; cải thiện việc cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội; hỗ trợ sinh viên nước ngoài tìm việc làm tại Nhật Bản; thúc đẩy sự tiếp nhận phù hợp và thuận lợi dành cho người nước ngoài, thực hiện các đợt kiểm tra năng lực tiếng Nhật, củng cố các cơ sở dạy tiếng Nhật ở nước ngoài…

Thông báo được dịch ra nhiều thứ tiếng với nội dung hỗ trợ những cô dâu người nước ngoài tại Nhật Bản.

Có rất nhiều biện pháp được nêu trong văn bản trên, trong đó đáng chú ý là việc lập một đơn vị cấp toàn quốc để hỗ trợ các chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ tư vấn bằng nhiều ngôn ngữ. Dự kiến sẽ có khoảng 100 điểm được mở ra trên toàn Nhật Bản, thực hiện tư vấn bằng 11 ngôn ngữ, bao gồm các dịch vụ tư vấn và cung cấp thông tin, điều phối phiên dịch và sử dụng các ứng dụng phiên dịch đa ngôn ngữ. Các điểm hỗ trợ này còn được sử dụng như là một điểm tương tác cộng đồng và là một nơi để học tiếng Nhật, là nơi mà người nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin cần thiết.

Trong khuôn khổ kế hoạch trên, chính phủ dự kiến hỗ trợ tài chính cho các địa phương và khu vực để xây dựng một môi trường sống phù hợp thuận lợi cho việc tiếp nhận lao động nước ngoài.

Cải thiện các dịch vụ an sinh xã hội là một trong những lĩnh vực quan trọng để xây dựng một xã hội thuận tiện cho người nước ngoài, gồm các biện pháp tạo cho bệnh nhân người nước ngoài điều kiện thuận lợi để tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trên khắp Nhật Bản (1,7 tỷ yen); thúc đẩy việc tuyên truyền bằng 11 ngôn ngữ thông tin thời tiết và thảm họa để các thông tin trở nên dễ hiểu hơn đối với người nước ngoài; hỗ trợ đảm bảo nơi ở, mở tài khoản ngân hàng và thúc đẩy các dịch vụ đa ngôn ngữ.

Song song với việc thúc đẩy các điểm hỗ trợ đa ngôn ngữ, hoạt động dạy tiếng Nhật tại địa phương cho người nước ngoài cũng được chú trọng cải thiện. Biện pháp này được thực hiện dựa trên chương trình dạy tiếng Nhật tiêu chuẩn cho cuộc sống hàng ngày và trên quy mô toàn quốc (600 triệu yen).

… đến địa phương

Việc thúc đẩy một xã hội cùng chung sống thân thiện với người nước ngoài đã trở thành xu thế ở nhiều địa phương Nhật Bản, trong bối cảnh chính các địa phương này đang tăng cường thu hút lao động nước ngoài.

Không chỉ giới hạn trong phạm vi các hoạt động hỗ trợ người nước ngoài do chính quyền thực hiện, chính cộng đồng cư dân tại các địa phương đã trở thành những nhân tố tích cực trong nỗ lực này.

Tại thành phố Toyonaka, Osaka, Hiệp hội giao lưu quốc tế Toyonaka (ATOMS) được thành lập năm 1993, với tiêu chí xây dựng một địa phương chung sống thân thiện với người nước ngoài.

Theo ông Yamanoue Takashi, giám đốc Trung tâm giao lưu quốc tế Toyonaka thuộc ATOMS, trung tâm chỉ có 12 nhân viên cố định. Chính vì vậy, tình nguyện viên là lực lượng quan trọng của trung tâm trong việc hỗ trợ cho người nước ngoài tại đây từ việc dạy tiếng Nhật cho người lớn, trẻ em, hỗ trợ phiên dịch, hỗ trợ các vấn đề thủ tục giấy tờ, tổ chức các sự kiện giao lưu, các hoạt động văn hóa cộng đồng. Mỗi tuần có khoảng 100 tình nguyện viên đến trung tâm.

Kobe là một trong những địa phương đang tiếp nhận ngày càng nhiều người nước ngoài đến sinh sống. Hiện tại có gần 50.000 người nước ngoài sống tại Kobe, trong đó đông nhất là người Hàn Quốc và Trung Quốc. Cộng đồng người Việt đứng thứ ba với 7.470 người.

Trung tâm cộng đồng Takatori ở quận Nagata, tỉnh Kobe, là địa điểm quy tụ 10 tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ, cùng chung mục tiêu xây dựng một cộng đồng mà các cư dân từ các nền văn hóa, quốc tịch, độ tuổi có thể hiểu nhau, có một cuộc sống gắn kết, dễ chịu với tư cách là thành viên cùng trong một cộng đồng. Với 10% dân số tại đây là người nước ngoài, mục tiêu mà Trung tâm cộng đồng Takatori hướng tới là xây dựng một xã hội đa văn hóa tại Nhật Bản.

Vào thời điểm xảy ra thảm họa động đất năm 1995, người nước ngoài sinh sống Kobe gặp khó khăn rất lớn trong việc nắm được các thông tin liên quan đến ứng phó, hỗ trợ sau thảm họa. Từ nhu cầu này, Trung tâm truyền thông cộng đồng phi lợi nhuận với sự khởi đầu là Đài phát thanh cộng đồng FMYY đã được thành lập để hỗ trợ thông tin địa phương cho người nước ngoài cũng như cư dân địa phương sau thảm họa 1995. Hiện nay, FMYY không chỉ giới hạn hoạt động ở phạm vi trong thời điểm xảy ra khủng hoảng, mà mở rộng sang mục tiêu tăng cường sự kết nối, chia sẻ trong cộng đồng. FMYY hiện phát thành 6 ngôn ngữ trong đó có cả tiếng Việt.

Dương Quỳnh Trang (đứng giữa), tình nguyện viên người Việt Nam tại Trung tâm hữu nghị Kobe dành cho người nước ngoài. (Ảnh: Nguyễn Tuyến)

Trung tâm Hữu nghị Kobe dành cho người nước ngoài (KFC) cũng là một tổ chức phi lợi nhuận nữa tại thành phố này hoạt động với tiêu chí xây dựng một xã hội mà cư dân từ những nền văn hóa khác nhau, cùng chung sống thân thiện và đoàn kết. KFC quan niệm rằng những người nước ngoài định cư tại Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày tại Nhật Bản, là thành viên của xã hội Nhật Bản. Vì vậy, KFC xúc tiến các hoạt động để xóa bỏ định kiến và tình trạng phân biệt đối xử, nhằm xây dựng một xã hội thân thiện đa văn hóa. Một trong những hoạt động đó là dạy tiếng Nhật và hỗ trợ các môn học chính khóa khác cho trẻ em nước ngoài.

Dương Quỳnh Trang, 22 tuổi, sinh viên khoa Ngoại ngữ tiếng Anh tại Đại học Kobe là một tình nguyện viên của KFC. Trang theo bố đến Nhật Bản từ năm 12 tuổi.

Trang kể lại rằng vào những ngày đầu đến Kobe, em không hề bị phân biệt đối xử mà thậm chí còn được các bạn thích thú vì là học sinh nước ngoài duy nhất của trường. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bản thân về những khó khăn ban đầu của một trẻ em nước ngoài khi hòa nhập vào xã hội Nhật Bản, đặc biệt là ngôn ngữ, Trang đã trở thành một tình nguyện viên dạy tiếng Nhật cũng như các môn học khác cho trẻ em nước ngoài tại KFC. Xa Việt Nam đã 10 năm, Trang giờ đây nói tiếng Nhật lưu loát không khác gì người Nhật. Thế nhưng em vẫn giữ gìn được tiếng Việt. Đối với Trang, giờ đây Việt Nam và Nhật Bản đều là quê hương./.

Lao động Việt Nam

nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường

Trong số các quốc gia phái cử lao động sang Nhật Bản, Việt Nam đang nổi lên là quốc gia có mức tăng nhanh nhất. Các chương trình đưa số lượng lớn lao động nước ngoài sang Nhật Bản như TITP, du học sinh, kỹ năng đặc định đều có sự đóng góp đáng kể của lao động Việt Nam.

TITP – chương trình hợp tác lao động lớn nhất

Trong chương trình TITP, Việt Nam là quốc gia có số lao động tăng nhanh nhất với tốc độ tăng 31,9%. Theo số liệu thống kê mới nhất, Việt Nam có 326.840 lao động tại Nhật Bản, đứng đầu trong nhóm Đông Nam Á.

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và cư trú, đến hết tháng 11/2019 đã có 84.817 thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh mới Nhật Bản, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước (số này chưa bao gồm 11.392 thực tập sinh năm thứ tư nhập cảnh), nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam thực tập tại Nhật Bản đến thời điểm tháng 10/2019 lên 193.912 người, chiếm 50,5% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản. Tiếp theo là Trung Quốc với 86.982 người, chiếm 22,6%, Philippines 34.965 người, chiếm 9,1% và Indonesia 32.489 người, chiếm 8,5%. Thực tập sinh Việt Nam làm việc chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo (gồm cả sản xuất đồ ăn, uống), xây dựng và nông nghiệp.

Các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục có đánh giá tích cực đối với thực tập sinh Việt Nam, nhất là những thực tập sinh năm thứ tư và năm thứ năm về tay nghề. Một số công ty tiếp nhận giao cho thực tập sinh năm tư hoặc năm phụ trách việc sản xuất của xưởng, của dây chuyền. Nhiều công ty tiếp tục có nhu cầu cao trong tiếp nhận lao động, nhất là trong ngành nghề hộ lý, sản xuất chế tạo, sản xuất đồ ăn uống, xây dựng, nông nghiệp.

Trụ sở của Lead Giken – một doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản tuyển dụng tu nghiệp sinh Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Tuyến)

Lead Giken là một doanh nghiệp nhỏ về gia công cơ khí và khuôn mẫu chính xác có trụ sở đặt tại tỉnh Kanagawa. Giám đốc đại diện công ty cổ phần Lead Giken, ông Minoru Ogawa, thừa nhận thực trạng dân số giảm đã khiến cho các doanh nghiệp nhỏ như Lead Giken rất khó tuyển lao động Nhật Bản.

Giám đốc Ogawa cho biết Lead Giken Nhật Bản có 7 thực tập sinh nước ngoài đang làm việc, tất cả đều là người Việt Nam. Các thực tập sinh Việt Nam đều học hành và làm việc chăm chỉ, vui vẻ. Ông mong muốn các thực tập sinh sau khi kết thúc thời gian ở Nhật Bản sẽ về nước và làm việc tại Lead Giken Việt Nam.

Doanh nghiệp xây dựng Real Kensetsu cũng đối mặt với tình trạng khó tuyển dụng lao động Nhật Bản. Đó là lý do chính để doanh nghiệp này quyết định tiếp cận thị trường tuyển dụng lao động tại Việt Nam từ năm 2014. Hiện nay, tại Real Kensetsu có tổng cộng 20 lao động Việt Nam và được phân công tại nhiều công trình xây dựng mà doanh nghiệp thực hiện tại vùng Kanto.

Du học sinh

Theo số liệu của Tổng cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản, tính đến cuối tháng 6/2019, có 82.266 du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Đây là loại visa được đánh giá đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp làm giáo dục tại Nhật Bản. Không chỉ đóng góp doanh thu cho ngành giáo dục Nhật Bản, du học sinh còn là nguồn cung cấp lao động bán thời gian, đặc biệt quan trọng đối với ngành dịch vụ Nhật Bản như nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khách sạn…

Du học sinh Việt Nam được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động của ngành dịch vụ. Đại diện hệ thống Ten Allied, sở hữu hệ thống Tengu Sakaba và nhiều quán rượu khác, đánh giá du học sinh Việt Nam làm việc chăm chỉ và cẩn thận. Ten Allied cho rằng các du học sinh Việt Nam sẽ là lựa chọn tốt nhất nếu họ trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp tiếng Nhật.

Lao động Việt Nam là nhóm lao động nước ngoài đông nhất tại Ten Allied tính đến tháng 7/2017 với tổng cộng 480 nhân viên. Chimney, sở hữu hệ thống quán rượu Hana no Mai, cũng tăng cường tuyển dụng lao động Việt Nam. Tính đến tháng 6/2017, doanh nghiệp này tuyển dụng 214 nhân viên Việt Nam, chiếm 42% trên tổng số 512 nhân viên bán thời gian. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch nâng cấp các nhân viên Việt Nam làm bán thời gian lên nhân viên chính thức.

Kỹ năng đặc định và lao động có trình độ chuyên môn cao

Về lao động kỹ năng đặc định, kể từ tháng 5/2019, lao động đặc định nước ngoài đầu tiên nhập cảnh Nhật Bản là người Việt Nam. Theo số liệu chính thức, đến hết tháng 11/2019, đã có tổng cộng 544 lao động đặc định nước ngoài nhập cảnh Nhật Bản, trong đó, Việt Nam chiếm số đông nhất với 280 người.

Anh Nguyễn Hoàng Phương Đông – tu nghiệp sinh Việt Nam tại Lead Giken. (Ảnh: Nguyễn Tuyến)

Đối với lao động có trình độ chuyên môn cao, hiện có gần 5.000 lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên đang làm việc tại Nhật Bản theo visa kỹ thuật, nhân văn … Trong số này, nhiều lao động là du học sinh tốt nghiệp trường cao đẳng nghề, đại học rồi ở lại làm việc nhưng cũng ngày càng nhiều lao động được tuyển trực tiếp từ Việt Nam sang theo hợp đồng cá nhân. Lao động là kỹ sư, kỹ thuật viên trong lĩnh vực cơ khí tập trung đông ở tỉnh Aichi, Shizuoka, Osaka và các tỉnh vùng Kanto. Nhiều lao động trong số này do các công ty haken (cung ứng nhân lực) tuyển dụng.

Lao động Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về trình độ, năng lực. Tại nhà máy Maebashi của Công ty Koganei Seiki ở Gunma, nơi chuyên sản xuất các linh kiện công nghệ cao cho động cơ máy bay phản lực, xe đua công thức 1, ôtô xe máy đặc chủng với độ sai số gần như bằng không, có 39 kỹ sư Việt Nam đang làm việc. Hầu hết những kỹ sư này tốt nghiệp Đại học Công nghệ-Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội làm việc ở đây khoảng 3 đến 5 năm, có người được 11 năm. Công ty đã tiếp cận thị trường lao động Việt Nam từ rất sớm thông qua việc tìm đến các trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam và tiến hành các đợt tuyển dụng trực tiếp.

Thực tập sinh Việt Nam và đồng nghiệp Nhật Bản trong giờ giải lao tại nơi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Tuyến)

Chủ tịch Koganei Seiki Co.,Ltd, ông Yusuke Kamoshita cho biết công ty bắt đầu tuyển dụng lao động Việt Nam từ hơn 10 năm trước với nội dung công việc hoàn toàn giống với các nhân viên Nhật Bản. Koganei Seiki là doanh nghiệp gia công, nhân viên Việt Nam sẽ phụ trách gia công máy móc, thiết kế chương trình. Doanh nghiệp chỉ có duy nhất một người Việt Nam làm công việc hành chính, đó là “vợ của một nhân viên Việt Nam tại nhà máy.”

Ban lãnh đạo công ty khẳng định nhân viên Việt Nam có đóng góp rất lớn cho sự thịnh vượng của nhà máy, đặc biệt là những sáng kiến cải tiến về mặt kỹ thuật đã đem lại lợi nhuận lớn, trong đó có anh Vũ Lê Bình, kỹ sư lập trình máy gia công và trực tiếp tham gia sản xuất. Anh Bình sang làm việc tại Koganei Seiki từ năm 2007, được đồng nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về cải tiến kỹ thuật do anh đề xuất.

Các chương trình tuyển dụng thực tập sinh hộ lý và điều dưỡng

Trong khuôn khổ chương trình tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý EPA, năm 2019 là năm thứ hai hộ lý EPA Việt Nam tham gia kỳ thi quốc gia Nhật Bản theo quy định. Trong số 106 người tham gia thì có 93 người đỗ, đạt tỷ lệ 87,7%, cao hơn mức đỗ bình quân và cao hơn nhiều so với tỷ lệ đỗ của một số nước Đông Nam Á. Đối với điều dưỡng, năm 2019, có 48 điều dưỡng Việt Nam tham gia thi và có 23 người đỗ, đạt tỷ lệ 47,9%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ đỗ của điều dưỡng EPA Indonesia và Philippines. EPA là chương trình xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng và hộ lý sang Nhật Bản, kết quả của Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) Việt Nam–Nhật Bản ký năm 2012.

Về thực tập sinh hộ lý, đến nay, thực tập sinh hộ lý Việt Nam vẫn chiếm số lượng đông nhất với khoảng 1.000 người. Mặc dù số lượng công ty được đưa thực tập sinh hộ lý tăng lên nhưng số lượng nhập cảnh không tăng nhiều do nguồn ứng viên hạn chế, lại thêm thời gian đào tạo dài. Các cơ sở tiếp nhận đánh giá cao thực tập sinh hộ lý Việt Nam và có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn.

Việt Nam đang nổi lên là một trong những nguồn cung chủ chốt cho thị trường lao động Nhật Bản. Bài toán hiện nay là làm thế nào để Việt Nam duy trì được ưu thế đó, tiếp tục được đánh giá là một trong những nguồn tuyển dụng ưa thích của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản./.

Thách thức và giải pháp đối với lao động Việt Nam

Thực tập sinh đi theo chương trình TITP chiếm phần lớn số lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đây cũng là chương trình nảy sinh nhiều vấn đề bất cập nhất.

Theo Giáo sư Asato Wako của Đại học Kyoto, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nhất trong số các nước thực hiện TITP với Nhật Bản. Lý giải điều này, Giáo sư Asato Wako cho rằng những lao động bỏ trốn là do lương thấp trong khi họ muốn kiếm được nhiều tiền để bù đắp lại khoản tiền nộp cho các công ty trung gian tại quê nhà trước khi sang Nhật Bản.

Theo số liệu chính thức, trong số các nước ký TITP với Nhật Bản, Việt Nam và Myanmar có khoản phí dịch vụ, trong đó số tiền phía Việt Nam thu là 3.600 USD (tương đương với 3 tháng lương cơ bản của lao động tại Nhật Bản).

Giải thích về khoản phí này, ông Phan Tiến Hoàng, Bí thư thứ nhất, Trưởng ban quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết khoản phí dịch vụ trên được thu theo luật định của Việt Nam, với mục tiêu doanh nghiệp phái cử hỗ trợ cho người lao động Việt Nam trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Ông Hoàng cho rằng vấn đề là ngoài khoản phí trên, có thực trạng doanh nghiệp phái cử tại Việt Nam thu từ lao động nhiều khoản tiền khác, khiến cho tổng mức tiền mà lao động phải trả trước khi sang Nhật có khi lên đến từ 150-200 triệu đồng.

Để giải quyết thực trạng này, hiện nay Chính phủ Việt Nam cũng như phía Nhật Bản đang thực hiện những biện pháp kiên quyết. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam niêm yết công khai danh sách những doanh nghiệp phái cử bị cấm đưa lao động sang Nhật Bản. Về phía Việt Nam, chính phủ thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp phái cử để có hình thức xử lý kịp thời.

Tu nghiệp sinh Việt Nam cùng đồng nghiệp Nhật Bản tại nơi làm việc ở tinh Iwate. (Ảnh: Nguyễn Tuyến)

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đã triển khai Dự án xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Một số điểm đáng chú ý trong dự án sửa đổi luật xuất khẩu lao động là tập trung vào việc minh bạch hóa quy định và chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động.

Ngoài ra, dự án còn tập trung vào các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đối với chương trình kỹ năng đặc định, theo nhận định của ông Phan Tiến Hoàng, đây là chương trình nhằm thu hút lao động nước ngoài có trình độ tiếng Nhật và tay nghề nhất định đến làm việc. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai, số lượng người tham dự kiểm tra tiếng, tay nghề và số người được cấp tư cách lưu trú đặc định quá ít so với kỳ vọng. Đến hết tháng 10/2019, chỉ có tổng cộng 895 lao động nước ngoài nhận được tư cách lưu trú kỹ năng đặc định số 1.

Theo Giáo sư Asato Wako, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nhất trong số các nước thực hiện TITP với Nhật Bản

Cuối tháng 12 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi phương châm mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài và xây dựng xã hội cộng sinh. Theo đó, từ ngày 1/1/2020, lao động nước ngoài nhập cảnh Nhật Bản có thời hạn dưới 3 tháng có quyền tham dự kiểm tra tay nghề và tiếng. Tuy nhiên, tiếng Nhật khó và yêu cầu cao về tay nghề khiến cho không có nhiều lao động có đủ khả năng đáp ứng các tiêu chí của chương trình Kỹ năng đặc định 1.

Ông Phan Tiến Hoàng nhận định đối tượng mà chương trình kỹ năng đặc định nhắm đến chủ yếu là thực tập sinh và du học sinh nước ngoài đã về nước có mong muốn quay lại Nhật Bản. Trong số này, với số lượng thực tập sinh và du học sinh về nước ngày càng tăng trong thời gian gần đây, lao động Việt Nam là một trong những đối tượng thu hút mà chương trình này hướng đến.

Hiện tại, thời hạn làm việc của một tu nghiệp sinh  Việt Nam tại Nhật Bản theo chương trình TITP có thể được kéo dài lên 5 năm thay vì chỉ 3 năm như trước kia. Để có thể được làm việc tại Nhật Bản 5 năm theo TITP, các thực tập sinh phải tham gia các kỳ kiểm tra tay nghề và tiếng trong từng năm gồm từ năm thứ nhất đến năm thứ ba. Thực tập sinh sau khi vượt qua kỳ kiểm tra của năm thứ ba sẽ được làm việc tại Nhật Bản thêm hai năm.

Lao động Việt Nam thu hoạch xà lách vào lúc 3h sáng tại làng Kawakami. (Ảnh: Nguyễn Tuyến)

Đặc biệt, đối với những thực tập sinh năm thứ tư và thứ năm, sau khi nhận thấy rõ cơ hội được làm việc lâu dài tại Nhật Bản, nhiều người đã cố gắng học tập, trau dồi tay nghề và tiếng Nhật và tham gia kiểm tra, đạt các trình độ cao về tay nghề và tiếng Nhật. Riêng trong năm 2019, đã có 3 thực tập sinh đỗ trình độ tiếng Nhật N1 (trình độ cao nhất trong kỳ thi năng lực tiếng Nhật), hơn 10 người đỗ N2 và nhiều tu nghiệp sinh Việt Nam đỗ N3.

Ông Phan Tiến Hoàng cho biết nhìn chung, đại bộ phận thực tập sinh Việt Nam có công việc và thu nhập ổn định, thu nhập cầm tay bình quân khoảng 1.000-1.200 USD/tháng (22 đến 24 triệu đồng/tháng). Hầu hết lao động Việt Nam sau khi làm việc tại Nhật Bản đều hài lòng vì những kết quả đạt được sau một thời gian dài nỗ lực. Đại đa số đều tích lũy được một khoản tiết kiệm, có thêm tay nghề và vốn tiếng Nhật, đủ để họ có thể mở riêng một doanh nghiệp nhỏ cho mình hoặc xin vào làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam.

Lao động Việt Nam được đánh giá là chăm chỉ, cầu tiến, có khả năng nắm bắt nhanh kỹ thuật, công nghệ, đang ngày càng được các doanh nghiệp Nhật Bản ưa chuộng. Để phát huy được ưu thế của lao động Việt Nam tại Nhật Bản, hai nước đang phối hợp chặt chẽ, nỗ lực nghiên cứu, tham vấn nhằm đưa ra những quyết sách phù hợp, phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong lĩnh vực lao động./.

Những ‘chú ong thợ’ Việt Nam đầy nghị lực

Vẫn còn một số bất cập, song không thể phủ nhận những kết quả đáng khích lệ mà chương trình TITP đem lại cho các tu nghiệp sinh Việt Nam cũng như doanh nghiệp Nhật Bản. Không ít tu nghiệp sinh Việt Nam sau những năm chăm chỉ, nỗ lực tại xứ người đã trở thành những lao động nòng cốt của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Đầu năm nay, Nguyễn Lộc Hải Đăng và Võ Văn Chiến, hai tu nghiệp sinh Việt Nam tại tỉnh Saga đã xuất sắc giành chứng chỉ tay nghề cấp N2, chuyên ngành lắp đặt cốt thép.

Ba tháng sau, Vũ Sĩ Luân, thực tập sinh Việt Nam tại công ty Shanshin Kogyo ở tỉnh Gunma, đã đỗ chứng chỉ cấp N2 trong kỳ thi tay nghề ngành đúc nhựa tổ chức ngày 7/4.

Các cuộc thi tay nghề của công nhân trên nhiều lĩnh vực khác nhau được tổ chức theo định kỳ 2 lần/năm. Cấp 2 và cấp 1, trong đó cấp 1 là cấp cao nhất, là một điều kiện tay nghề cần thiết để đủ tư cách đảm nhận vai trò quản đốc. Cấp N2 là một trình độ khó về tay nghề kể cả đối với lao động Nhật Bản. Đối với người nước ngoài, việc đạt được chứng chỉ N2 không chỉ đòi hỏi hỏi kỹ năng chuyên môn tốt mà còn yêu cầu cao về tiếng Nhật.

Anh Vũ Sĩ Luân đạt chứng chỉ tay nghề N2 chuyên ngành đúc nhựa. (Ảnh: Nguyễn Tuyến)

Chính vì những khó khăn này, nên việc lao động nước ngoài đạt được trình độ N2 đã trở thành một sự kiện đáng chú ý tại Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu lao động tay nghề cao của các doanh nghiệp nước này đang tăng mạnh. Sự kiện Đăng và Chiến đỗ chứng chỉ tay nghề N2 đã được báo Mainichi, một trong những nhật báo hàng đầu của Nhật Bản, đăng tải chi tiết ngày 19/6. Nhật báo Mainichi nhấn mạnh rằng Đăng và Chiến là hai người nước ngoài đầu tiên đỗ chứng chỉ tay nghề cấp 2 trong một kỳ thi chỉ dành cho người Nhật Bản.

“Cố gắng thì sẽ đạt được thôi ạ.” Đó là câu Nguyễn Lộc Hải Đăng trả lời khi tôi hỏi về những khó khăn mà Đăng phải vượt qua để được như ngày hôm nay. Hải Đăng quê ở Bình Thuận, đến Nhật Bản tháng 10/2014 theo diện tu nghiệp sinh ngành xây dựng. Đăng đảm nhận công việc gia công và lắp đặt cốt thép tại Công ty gia công cốt thép Fukuda ở tỉnh Saga. Đây là công việc hoàn toàn khác với chuyên môn công nghệ ôtô mà Đăng đã học tại Việt Nam.

Trước khi sang Nhật Bản, Đăng có 8 tháng học tiếng Nhật tại Hà Nội. Trong thời gian này, ngay khi nhận định khó có khả năng được sang Nhật làm việc đúng với chuyên ngành ôtô, Đăng đã tự tìm hiểu trước về ngành xây dựng sau khi xác định sẽ làm việc trong chuyên ngành này tại Nhật Bản.

Đã có sự chuẩn bị chút ít về ngôn ngữ cũng như kiến thức công việc, song khi sang đến Nhật Bản, Đăng mới thực sự hiểu những thử thách mà mình phải đối mặt. Khó khăn đầu tiên của Đăng là tiếng Nhật. Tám tháng học ở Việt Nam không đủ để chàng thanh niên Bình Thuận giao tiếp thuận lợi trong cuộc sống cũng như công việc.

Tại công ty, Hải Đăng là lao động Việt Nam đầu tiên. Đây quả thực là trở ngại đối với Đăng khi làm việc trong một chuyên ngành chưa được đào tạo bài bản, không có người Việt Nam nào đã vào làm việc trước để có thể hỏi kinh nghiệm hoặc được hướng dẫn. Đăng buộc phải học hỏi từ đồng nghiệp Nhật Bản bằng vốn tiếng Nhật ít ỏi của mình.

Nguyễn Lộc Hải Đăng, một trong những tu nghiệp sinh nước ngoài đầu tiên được nhận visa kỹ năng đặc định 1.

Khó khăn trong công việc, trong những ngày đầu bỡ ngỡ với cuộc sống mới không làm Đăng chùn bước. Như một chú ong thợ cần mẫn và nghị lực, kiên trì học hỏi, trau dồi cả tiếng Nhật lẫn tay nghề, sau khoảng một năm, Đăng bắt đầu có sự tự tin trong giao tiếp tiếng Nhật và sau khoản một năm rưỡi, Hải Đăng đã bắt nhịp tốt với tiến độ công việc.

Hải Đăng đi theo chương trình tu nghiệp sinh 3 năm và đã trở về nước tháng 10/2017, sau khi thời hạn làm việc theo hợp đồng kết thúc. Vào thời điểm đó, Chính phủ Nhật Bản đã có những thay đổi đối với chương trình tu nghiệp sinh, trong đó có việc kéo dài thời gian tu nghiệp tại Nhật Bản cho các lao động nước ngoài lên 5 năm.  Hải Đăng kể lại: “Khi em vừa kết thúc chương trình tu nghiệp sinh 3 năm, nắm bắt được những chuyển đổi chính sách đối với chương trình TITP của Chính phủ Nhật Bản, giám đốc công ty Fukuda đã chủ động trao đổi với em về việc  muốn tuyển dụng em làm thêm 2 năm nữa cho công ty theo chính sách mới. Vì vậy, sau khi về nước theo thời hạn trong hợp đồng ký đầu tiên, 4 tháng sau em đã trở lại Nhật Bản làm việc thêm 2 năm nữa.”

Lần thứ hai sang Nhật làm công việc đã có kinh nghiệm, trong môi trường làm việc quen thuộc, tâm lý của Đăng thoải mái và tự tin. Thái độ cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc đã giúp Đăng nhận được sự tín nhiệm của ban giám đốc và đồng nghiệp trong công ty. Chính vì vậy, ngay khi chương trình visa Kỹ năng đặc định 1 dành cho lao động tay nghề cao chính thức có hiệu lực tại Nhật Bản từ ngày 1/4/2019, Hải Đăng đã trở thành một trong những lao động nước ngoài đầu tiên đủ tư cách để được cấp loại visa này.

Đánh giá về Hải Đăng, Giám đốc công ty Fukuda, ông Fukuda Nobuyuki, cho biết ông hoàn toàn tin tưởng giao phó cho Hải Đăng đảm đương vai trò chủ chốt tại công trường vì năng lực chuyên môn của Đăng rất vững. Sự tin tưởng vào tay nghề của Đăng đã trở thành động lực để giám đốc công ty Fukuda khuyến khích chàng thanh niên này tham gia kỳ thi xếp hạng tay nghề của chuyên ngành xây dựng cốt thép dành cho người Nhật Bản.

Trả lời báo Mainichi, Hải Đăng thật thà nói rằng Đăng không quá căng thẳng khi làm bài thi. Đăng vui vì đã vượt qua thử thách, đạt được thành tích tốt sau thời gian dài nỗ lực trong công việc. Tuy nhiên, với Đăng, đây chỉ là một bước ngoặt nhỏ trong quá trình nâng cao tay nghề. Mục tiêu tiếp theo của Đăng là thi đỗ tay nghề cấp 1, cấp cao nhất. Anh đang tiếp tục nâng cao tay nghề để hướng tới mục tiêu được trở thành quản đốc.

Hiện tại, công ty Fukuda có khoảng 20 lao động, trong đó có 8 người Việt. Hải Đăng đang là người có kinh nghiệm lâu nhất, được công ty tin tưởng giao phó công việc dạy tiếng Nhật và công việc cho các công nhân khác.

Khi được khen vì đã đỗ tay nghề cấp 2, Hải Đăng trả lời một cách giản dị: “Nếu bất cứ ai với khoảng thời gian sang Nhật và làm việc như em, chỉ cần cố gắng, em tin họ sẽ đạt được kết quả này.”

“Em đến Nhật làm việc vì muốn học hỏi kỹ thuật công nghệ của Nhật Bản,” Võ Văn Chiến, đã trả lời như vậy với báo chí Nhật Bản sau khi đỗ tay nghề cấp N2 trong kỳ thi tay nghề chuyên ngành xây dựng cốt thép tại tỉnh Saga.

Giám đốc công ty nơi Chiến làm việc đã đánh giá trình độ nghề cấp 2 của chuyên ngành này như sau: “Phải nhớ rất nhiều thứ, trình độ này rất khó ngay cả với người Nhật và Chiến đã vượt qua được thử thách này.”

Cũng gặp khó khăn về ngoại ngữ trong những ngày đầu sang Nhật, Chiến vẫn cố gắng từng ngày học hỏi, tích lũy kinh nghiệm với sự trợ giúp của các đồng nghiệp Nhật Bản. Mục tiêu tiếp theo của Chiến là đỗ tay nghề cấp N1 và được thử sức làm việc với những công trình lớn hơn.

Chưa bao giờ cơ hội cho lao động nước ngoài tại thị trường Nhật Bản lại nhiều như hiện nay. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Nhật Bản là một thị trường lao động dễ dãi. Lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam, sang Nhật Bản dưới bất kỳ hình thức nào, đều cần phải có ý thức về một thái độ làm việc nghiêm túc, chăm chỉ, tinh thần học hỏi và sự tuân thủ luật pháp của nước sở tại.

Đăng, Chiến và Luân, những chàng thanh niên từ những địa phương khác nhau trên đất nước Việt Nam, đến Nhật Bản làm việc theo chương trình TITP. Cả ba chàng thanh niên Việt Nam đều cùng đối mặt với những khó khăn, thử thách của những ngày đầu đến Nhật Bản. Với sự cần cù, trách nhiệm và nghị lực, cả ba đều đã tạo dựng được bước phát triển tốt đẹp cho câu chuyện làm việc tại Nhật Bản của những lao động Việt Nam./.

Exit mobile version