ASEAN 2020

ttxvn2406as-1592986587-15.jpg

Trải qua hơn 5 thế kỷ xây dựng và phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một cộng đồng, một nền kinh tế lớn trên thế giới, hợp tác an ninh-chính trị, văn hóa-xã hội ngày càng sâu rộng.

Và trong suốt quá trình ấy, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, để lại dấu ấn sâu đậm, đặc biệt trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 với bối cảnh thế giới đang chịu nhiều tác động từ dịch bệnh COVID-19.

Bảo đảm hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực

ASEAN được thành lập ngày 8/8/1967 với 5 thành viên ban đầu (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) sau đó dần phát triển thành một tổ chức hợp tác toàn diện và chặt chẽ, bao gồm 10 nước thành viên là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia.

Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, để lại dấu ấn sâu đậm, đặc biệt trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 với bối cảnh thế giới đang chịu nhiều tác động từ dịch bệnh COVID-19.

Từ dân số khoảng 260 triệu người khi mới thành lập, ASEAN giờ là ngôi nhà chung của hơn 630 triệu người dân. Kể từ khi ra đời, dù còn có sự khác biệt về tôn giáo, về trình độ phát triển, về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin… song 10 nước ASEAN đã hỗ trợ, giúp đỡ và cùng nhau phát triển về mọi mặt.

Nền tảng cho các thành tựu trong hơn 5 thập kỷ qua chính là những cơ chế hợp tác nội khối của ASEAN được triển khai thông qua các hiệp ước, diễn đàn, hội nghị, dự án, chương trình phát triển, việc xây dựng Khu vực tự do thương mại ASEAN và các hoạt động văn hóa thể thao khu vực.

(Nguồn: thcasean.org)

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã từng bước xây dựng và vận dụng những cơ chế này nhằm đảm bảo các mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và tiến bộ xã hội của các nước thành viên; xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình ổn định, có nền kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển.

Về chính trị-an ninh, trong những thập kỷ qua, trật tự khu vực tương đối ổn định nhờ các cơ chế hợp tác an ninh, đối thoại, các nguyên tắc của Phương cách ASEAN: Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Về kinh tế, sau hơn 5 thập kỷ, ASEAN đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một khu vực kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh, có quy mô lớn thứ 5 trên toàn cầu, với tổng GDP khoảng 3.000 tỷ USD (so với con số chưa đầy 30 tỷ USD ban đầu).

ASEAN đã ký 6 Hiệp định thương mại tự do với 7 đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới. Dự báo, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050.

Kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân ASEAN cũng ngày một nâng cao, từ mức thu nhập bình quân đầu người chỉ 130 USD thời điểm mới thành lập, nay đã tăng lên 4.700 USD với sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu.

Chiều 14/4/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Về văn hóa-xã hội, giá trị và bản sắc chung của khu vực đã được xây dựng thông qua các hoạt động hợp tác ASEAN trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, qua đó đã từng bước tăng cường hiểu biết và tình đoàn kết giữa nhân dân các nước Đông Nam Á, giữa các nước trong khu vực với các nước ngoài khu vực.

Nhờ các hoạt động giao lưu thể thao, kết nối văn hóa, giáo dục, các giá trị và bản sắc chung của khu vực đã được củng cố và ý thức cộng đồng của các nước ASEAN đã được tăng cường. Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản được thúc đẩy và bảo vệ.

Một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ASEAN là sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 với 3 trụ cột gồm Chính trị-An ninh (APSC), Kinh tế (AEC) và Văn hóa-Xã hội (ASCC).

Đây là dấu mốc quan trọng, nâng hợp tác ASEAN lên một tầm cao mới – xây dựng một cộng đồng trong đó hơn 630 triệu người trong Đông Nam Á được sống trong môi trường hòa bình, hữu nghị, các dân tộc đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và được hỗ trợ phát triển đồng đều.

Không chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên, sự phát triển và hợp tác vững chắc của ASEAN đã góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của thế giới.

Cụ thể, ASEAN đóng vai trò là động lực chính trong việc thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực ở Đông Á, nhất là về kinh tế-thương mại, thông qua cơ chế và khuôn khổ khác nhau ở khu vực. ASEAN đã trở thành đối tác quan trọng của nhiều nước và tổ chức khu vực/quốc tế.

Các đối tác đều coi trọng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả về đa phương và song phương. ASEAN đã khẳng định vai trò chủ đạo trong việc xác định các ưu tiên, chương trình nghị sự, định hướng phát triển của các tiến trình hợp tác.

Đồng thời, ASEAN thể hiện vai trò dẫn dắt, định hướng, điều hòa các lợi ích khác biệt của các nước, nhất là các nước lớn, phù hợp với đặc thù, ưu tiên và lợi ích của ASEAN.

Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của ASEAN

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội. Đây là một dấu mốc lớn đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả khu vực.

Là thành viên có dân số lớn thứ 3 và diện tích đứng thứ 4 trong ASEAN, với vị trí địa chiến lược và kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á, Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN và được các nước thành viên khác đặt nhiều kỳ vọng.

Những đóng góp của Việt Nam trong suốt 25 năm qua đã không phụ lòng kỳ vọng của các nước thành viên.

Nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm

Thực tế đã chứng minh, 25 năm tham gia ASEAN, dù là thành viên đến sau, trình độ phát triển còn khoảng cách với nhiều nước, nhưng Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN.

Ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy kết nạp các nước Campuchia, Lào và Myanmar vào ASEAN, hoàn thành ý tưởng về một ASEAN bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á, tạo ra sự chuyển biến mới về chất đối với ASEAN và tình hình khu vực.

Sáng ngày 18/5/2020, cuộc họp các Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN, cấp Thứ trưởng Ngoại giao, đã diễn ra bằng hình thức họp trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Nguyễn Quốc Dũng tham dự Cuộc họp trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam cũng đóng vai trò nòng cốt trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN, như Tầm nhìn 2020 và các kế hoạch triển khai Tầm nhìn, Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và nhiều thỏa thuận quan trọng khác, trong đó có kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Việt Nam cũng đã tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, minh họa rõ nét nhất về sự tham gia tích cực của Việt Nam là Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước thành viên có tỷ lệ thực thi cao nhất các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Việt Nam cũng đã hoàn thành tốt trách nhiệm của một nước thành viên thông qua việc đăng cai nhiều hội nghị lớn. Có thể kể đến như việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (tháng 12/1998) với những kết quả quan trọng, trong đó có Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần định hướng phát triển của Hiệp hội và vượt qua khủng hoảng tài chính khu vực khi đó.

Tiếp đó, các Bộ, ngành liên quan cũng như Quốc hội và các tổ chức nhân dân cũng đã chủ trì đăng cai tổ chức thành công nhiều Hội nghị/hoạt động quan trọng của ASEAN ở các cấp và các lĩnh vực khác nhau, góp phần đẩy mạnh hợp tác ASEAN.

Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 với những kết quả to lớn và thực chất, góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi” và cụ thể hoá một bước quan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 cũng như nâng cao vai trò của ASEAN.

Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã thành công trong các nhiệm kỳ điều phối quan hệ đối tác với các đối tác lớn và quan trọng của ASEAN như Trung Quốc, EU, Ấn Độ; đạt nhiều kết quả trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021; hợp tác chặt chẽ với Thái Lan và các nước thành viên nhằm đạt được các ưu tiên đề ra cho năm 2019, đồng thời tiếp tục tập trung nguồn lực cho triển khai các kế hoạch xây dựng Cộng đồng trên cả 3 trụ cột; tham gia tích cực và đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư thông qua hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA), xây dựng lộ trình cho cắt hàng rào giảm phi thuế quan và thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Gắn kết và chủ động thích ứng

Năm 2020 tiếp tục ghi một dấu mốc quan trọng khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Sự kiện này càng đặc biệt hơn khi thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng từ đầu năm đến nay phải đương đầu với một cuộc chiến cam go và chưa có hồi kết, đó là đại dịch COVID-19.

Việt Nam bắt tay vào chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 từ năm 2019, khi dịch bệnh COVID-19 chưa xảy ra. Do đó, tất cả những gì Việt Nam chuẩn bị đều bị đảo lộn.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu bế mạc Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng, kịp thời chuyển chương trình lẫn trọng tâm của ASEAN trong năm 2020 sang chống dịch COVID-19 và được sự hưởng ứng của các nước.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN và với tinh thần của chủ đề ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng,” Việt Nam đã tích cực, chủ động dẫn dắt và điều phối các nỗ lực chung của ASEAN và hợp tác với các Đối tác nhằm kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan và giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh.

Cụ thể, Việt Nam đã phối hợp với các nước ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch COVID-19 (ngày 14/2) vừa cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vừa khẳng định quyết tâm hợp tác khu vực, quốc tế trong chống dịch; tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19; phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và các tổ chức quốc tế nhằm cùng nhau sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh…

Việt Nam cũng đã thúc đẩy việc thành lập và tổ chức hai cuộc họp bằng hình thức trực tuyến của Nhóm công tác liên ngành Hội đồng điều phối ASEAN về ứng phó các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp vào ngày 31/3 và 22/6 để bàn giải pháp ứng phó với dịch bệnh COVID-19, đồng thời nâng cao năng lực dự phòng để có thể ứng phó hữu hiệu hơn với các tình hướng y tế khẩn cấp trong tương lai.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng, Việt Nam đã chủ động tổ chức các cuộc họp theo hình thức trực tuyến. Điều này cho thấy sự linh hoạt và phù hợp, góp phần giúp ASEAN phản ứng nhanh và kịp thời trước đại dịch COVID-19.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra vào ngày 26/6/2020 bằng hình thức trực tuyến.

Đây là Hội nghị Cấp cao chính thức đầu tiên trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Việt Nam và các nước thành viên ASEAN sẽ trao đổi, thảo luận các biện pháp xây dựng Cộng đồng, củng cố đoàn kết, thống nhất, tăng cường tương trợ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả hợp tác, tập trung triển khai các ưu tiên, sáng kiến trong năm 2020, nâng cao sự chủ động của ASEAN trước các thách thức khu vực và quốc tế hiện nay trong đó có dịch COVID-19.

Nửa chặng đường đã qua, ASEAN phải tập trung khá nhiều công sức cho việc ứng phó với dịch COVID-19 nhưng cũng không quên triển khai những kế hoạch, những sáng kiến đề ra ngay từ đầu năm.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng, trong 6 tháng còn lại, công việc còn rất nhiều và sẽ phải tập trung COVID-19 và phục hồi lại nền kinh tế, các mặt xã hội của ASEAN vừa phải triển khai được những gì ASEAN đã đặt ra trong năm để xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như đẩy mạnh quan hệ hợp tác của ASEAN với các nước khác./.

Chiều 14/4/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Exit mobile version