Nữ Phó Tổng Giám đốc đầu tiên

vuviettrang-1592660501-39.png

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nằm trong dòng chảy thông tin thế giới, bắt kịp sự phát triển của truyền thông thế giới về sản xuất các loại hình thông tin hiện đại đồng thời không ngừng mở rộng kênh phát hành, được Chính phủ ghi nhận là cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực quốc gia.

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với nhà báo Vũ Việt Trang, Phó Tổng Giám đốc TTXVN, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo TTXVN, về những hướng đi tiếp theo để TTXVN giữ vững vai trò xung kích trên mặt trận thông tin-tư tưởng, bảo đảm thông tin thông tấn là dòng thông tin chủ lưu, liên tục và chuẩn xác.

Bên cạnh những câu chuyện nghề, nữ nhà báo đầu tiên được giao chức trách Phó Tổng Giám đốc TTXVN trong lịch sử 75 năm xây dựng và phát triển của ngành cũng có nhiều chia sẻ về chuyện đời, “bí quyết” cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

CẢI TIẾN QUY TRÌNHxử lý thông tin

– Trong bối cảnh mạng xã hội và đặc biệt là vấn nạn “tin giả” (fake news) bùng phát, TTXVN có những biện pháp gì để giữ vững, phát huy vai trò định hướng thông tin nhằm phục vụ đắc lực hơn nữa công cuộc Đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của độc giả, thưa bà?

Tôi cho rằng các cơ quan báo chí, trong đó có TTXVN, phải kiên định với những nguyên tắc làm báo, thẩm định nguồn tin trước khi đăng tải để đảm bảo thông tin đến với bạn đọc một cách chính xác, toàn diện.

Bên cạnh đó, TTXVN đã, đang và sẽ tiếp tục cải tiến quy trình xử lý thông tin, phương thức làm việc để thông tin đến với công chúng kịp thời, nhanh chóng. Thông tin tiếp nhận đầu tiên sẽ tác động mạnh, để lại ấn tượng sâu sắc nhất với công chúng.

Một biện pháp quan trọng để đẩy lùi vấn nạn tin giả là phải tạo ra những bộ công cụ, phương thức nhận diện tin giả, cung cấp đến độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ. Năm 2019, TTXVN đã triển khai dự án “Nói không với Fake News” trong trường học, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng nhận diện thông tin thật, tin giả trong môi trường số hiện nay; chia sẻ các tình huống và cách thức xử lý trong trường học và ngoài xã hội khi tiếp nhận thông tin giả cho học sinh…

Ngoài ra, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần hoàn thiện những chế tài, quy định pháp luật để xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe những trường hợp tung tin giả.

– Chính phủ cũng như công chúng đều nhìn nhận rằng trong “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19, TTXVN đã khẳng định vai trò tiên phong trên mặt trận thông tin. Vậy bà có thể chia sẻ với độc giả về công tác tham gia tổ chức và chỉ đạo thông tin đã được triển khai cụ thể như thế nào để mang lại kết quả trên?

Với chức năng của một cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, thành viên của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, quán triệt tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước “chống dịch như chống giặc,” TTXVN đã tổ chức triển khai tuyến thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 một cách bài bản và chuyên nghiệp với sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thông tin trong toàn ngành mà đặc biệt là hệ thống 93 cơ quan thường trú trong và ngoài nước.

Ngay từ cuối tháng 1/2020, TTXVN đã xây dựng kế hoạch tổng thể về tuyến tin này. Trong quá trình triển khai, lãnh đạo ngành đã có sự chuyển dịch trọng tâm phù hợp với diễn biến dịch và uyển chuyển trong việc điều chỉnh liều lượng và mức độ thông tin để công chúng nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng lại không hoảng hốt, hoang mang.

Có thể nói rằng trong giai đoạn đầu, thông tin TTXVN chú trọng vào việc cung cấp thông tin về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, dấu hiệu nhận biết, biện pháp phòng, chống dịch.

Ở giai đoạn thứ hai, TTXVN tập trung thông tin nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện giãn cách xã hội và hiệu quả của các biện pháp giãn cách xã hội đối với việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Đến nay, khi Đảng và Chính phủ xác định cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, vừa tiếp tục phòng, chống dịch vừa khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, TTXVN tập trung phản ánh thực tế các ngành, địa phương và nhân dân vừa nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội vừa đảm bảo thực hiện các quy định về phòng chống dịch xâm nhập từ bên ngoài.

Thông tin của TTXVN cũng kịp thời phản ánh và phê phán những hành động không phù hợp, thậm chí vi phạm pháp luật trong công tác chống dịch và triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ.

Nhìn lại, qua hơn 100 ngày chống dịch, TTXVN đã cung cấp tới hệ thống các cơ quan báo chí cũng như công chúng trong và ngoài nước khoảng 100.000 thông tin các loại hình văn bản bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số, ảnh, video, đồ họa.

Thông tin của TTXVN được đăng phát trên nhiều nền tảng như báo in, báo điện tử, phát sóng truyền hình, các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, các sản phẩm đồ họa của TTXVN còn được Bộ Y tế sử dụng rộng rãi trên nhiều tờ rơi phát tới người dân.

Tôi cho rằng công tác truyền thông của các cơ quan báo chí chủ lực, trong đó có TTXVN, đã đóng góp thiết thực vào thành công kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam thời gian qua.

– Một thế mạnh của TTXVN mà không cơ quan báo chí trong nước nào có được là lực lượng phóng viên thường trú tại 63 tỉnh, thành trong cả nước và 28 quốc gia trên thế giới cùng gần 20 đơn vị thông tin trong toàn ngành. Xin bà cho biết thời gian tới, ngành sẽ có những giải pháp như thế nào để phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp này?

Thông tin của TTXVN cũng kịp thời phản ánh và phê phán những hành động không phù hợp, thậm chí vi phạm pháp luật trong công tác chống dịch và triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ.

Trong thời gian qua, việc phối hợp giữa các đơn vị thông tin trong ngành đã diễn ra khá nhuần nhuyễn; từ đó, tạo ra những sản phẩm báo chí có chất lượng cao, tạo ấn tượng cả về giá trị nội dung, hình thức thể hiện, mang lại hiệu quả thông tin rõ rệt và tích cực, cho thấy sự sáng tạo cũng như đổi mới của các phóng viên, biên tập viên.

Đơn cử, tuyến thông tin về vụ việc 39 người Việt Nam tử vong ở Anh là ví dụ tiêu biểu về sự phối hợp giữa các đơn vị thông tin trong ngành. Ngay khi sự việc xảy ra, các cơ quan thường trú của TTXVN tại London (Anh), Paris (Pháp), Brussels (Bỉ) đã cùng vào cuộc, cập nhật thông tin vụ việc.

Bên cạnh diễn biến vụ việc, các cơ quan thường trú nói trên đã cùng thực hiện nhiều bài viết, phóng sự để kể câu chuyện về cuộc sống bấp bênh, những nguy hiểm rình rập mà người di cư bất hợp pháp vào châu Âu phải đối mặt, kể cả khi đã đặt chân được đến vùng đất này.

Trong khi đó, ở Việt Nam, phóng viên cơ quan thường trú ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã trực tiếp đến gia đình các nạn nhân để tìm hiểu về cuộc sống, những hệ lụy phía sau mà họ phải gánh chịu. Ngoài ra, Ban Biên tập Tin Trong nước tích cực triển khai những tin, bài về các chính sách liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động, bảo hộ công dân…

Từ đó, TTXVN đã có loạt bài vừa mang tính phản ánh, vừa mang tính cảnh báo nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề xuất khẩu lao động, nhập cư.

Một khía cạnh quan trọng khác mà tôi muốn nói đến là sự phối hợp giữa các cơ quan thường trú và các tòa soạn (như Báo Điện tử VietnamPlus) không chỉ thúc đẩy chất lượng thông tin mà còn góp phần quan trọng khích lệ tinh thần phóng viên, biên tập viên. Cụ thể, sự phối hợp này đã tạo ra những sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng nội dung vừa được thể hiện, trình bày một cách trang trọng, đẹp đẽ bằng những hình thức mới mẻ, sáng tạo như Mega Story… Khi thấy sản phẩm của mình được thể hiện trang trọng, ấn tượng, có lượng truy cập lớn, phóng viên cũng có thêm động lực, năng lượng làm việc.

TTXVN có mạng lưới phóng viên thường trú tại nhiều địa bàn, có các ban biên tập tin với lượng thông tin lớn, chuẩn xác, có khối tòa soạn cung cấp trực tiếp thông tin tới bạn đọc. Vì vậy, trong thời gian tới, TTXVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp giữa các đơn vị.

Vai trò của các nữ nhà báo LÀ RẤT NỔI BẬT…

– Trong lịch sử 75 năm xây dựng và phát triển của ngành, bà là nữ nhà báo đầu tiên được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám TTXVN. Bà có thể “bật mí” quá trình làm báo trước đó đã mang đến những kinh nghiệm thực tế gì cho bà trên cương vị công tác hiện nay?

Việc lần đầu tiên có một nữ nhà báo được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo ngành không đơn thuần là kết quả quá trình công tác, phấn đấu của cá nhân mà là sự ghi nhận những đóng góp của nhiều thế hệ nữ phóng viên, biên tập viên của TTXVN trong hơn bảy thập kỷ xây dựng và phát triển.

Vai trò của các nữ nhà báo TTXVN rất nổi bật. Họ luôn song hành cùng các nam đồng nghiệp, có mặt ở chiến trường, trên mặt trận ngoại giao, nơi đầu sóng ngọn gió hay hiện trường các sự việc thời sự (cháy nổ, thiên tai…). Bên cạnh đó, nhiều nhà báo, đặc biệt là những người làm thông tin đối ngoại hay quốc tế đối nội, âm thầm cống hiến để thông tin về Việt Nam lan tỏa trên toàn cầu hay những thông tin về Việt Nam do các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài sản xuất được biên dịch, biên tập kịp thời và chuẩn xác.

Tôi cũng rất tự hào khi khẳng định TTXVN cũng là một hình mẫu về trao quyền cho phụ nữ. Hiện nay, ở các ban biên tập, tòa soạn thuộc TTXVN, số lượng nữ nhà báo giữ vai trò quản lý có tỷ lệ tương đồng với nam đồng nghiệp.

Việc trở thành một thành viên của ban lãnh đạo cơ quan là sự ghi nhận của ngành đối với các thế hệ nữ nhà báo TTXVN. Tôi may mắn là người ở thời điểm đó được lựa chọn. Đó là vinh dự cho bản thân. Do vậy, tôi càng ý thức hơn việc phải nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành tốt công việc được giao, đóng góp vào sự phát triển của ngành.

Quá trình gần 30 năm làm việc tại TTXVN đã giúp tôi hiểu rõ được giá trị cốt lõi và truyền thống vẻ vang của ngành, cơ cấu tổ chức và cả những câu chuyện “bếp núc” như cách thức phối hợp giữa phóng viên và biên tập viên, giữa các đơn vị thông tin và đơn vị xuất bản, mối quan hệ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại, lựa chọn ưu tiên trong những trường hợp cụ thể (khi nào phát tin văn bản, khi nào phát tin ảnh, khi nào phát video…), niềm vui khi thông tin có lượng truy cập lớn và cả nỗi lòng khi thông tin không được xuất bản.

Những trải nghiệm đó giúp tôi hiểu được những góc cạnh của vấn đề, đưa ra các quyết định phù hợp và kịp thời trong công tác chỉ đạo thông tin. Khi ở vị trí lãnh đạo, tôi phải có cái nhìn toàn diện hơn, giải quyết hài hòa các mối quan hệ để thúc đẩy sự phát triển, để thông tin đến với bạn đọc một cách nhanh nhất.

Quá trình hơn 10 năm công tác tại Ban Thư ký Biên tập và Quan hệ Đối ngoại giúp tôi học hỏi được từ các thế hệ lãnh đạo đi trước và các anh trong Ban lãnh đạo hiện nay về phương pháp làm việc, tổ chức thông tin, kỹ năng đưa ra quyết định và từ các đồng nghiệp đi trước phương pháp tư duy tổng hợp. Tôi vẫn nói với các bạn đồng nghiệp trẻ đại ý rằng người làm công việc tổng hợp không trực tiếp đi ra thực tế nhưng lại phải biết cách làm nổi bật được kết quả của đồng nghiệp ở thực địa.

– Trên cương vị Phó Tổng Giám TTXVN, bà đã tham gia chỉ đạo tổ chức và triển khai thành công nhiều tuyến thông tin lớn của ngành, góp phần quan trọng duy trì vị thế và lan tỏa thương hiệu TTXVN. Xin bà chia sẻ những kinh nghiệm và những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình này?

Mỗi chiến dịch thông tin mang đến cho tôi những trải nghiệm khác nhau. Khi công việc kết thúc với kết quả tốt, tôi và các đồng nghiệp sẽ rất nhẹ nhõm và cảm thấy có thêm nhiều năng lượng, động lực bắt tay vào nhiệm vụ mới. Bên cạnh đó, có những chiến dịch mang đến cho mình nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu.

Trước Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội (năm 2019), TTXVN đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tính nhiều phương án. Tuy nhiên, chúng tôi đã không lường được trước là cuộc gặp đó không có kết quả khả quan như mong đợi ban đầu.

Trước diễn biến bất ngờ đó, bản thân tôi khá sốc. Tuy nhiên, tôi chỉ cho phép trạng thái đó kéo dài trong vài phút. Sau đó, tôi phải trấn tĩnh lại để xử lý công việc, điều phối phóng viên, thực hiện theo các diễn biến mới của sự kiện.

Với người chỉ đạo thông tin, khả năng phản xạ nhanh và kết nối các đơn vị thông tin là yêu cầu vô cùng cần thiết.

– Nghề báo vốn dĩ đã phải đối mặt với nhiều áp lực, đặc biệt ở cương vị tham gia lãnh đạo quản lý của cơ quan báo chí lớn như bà, thì áp lực đó càng lớn hơn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt như hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò ở cơ quan, bà cũng là người vợ, người mẹ trong gia đình. Vậy bà làm cách nào để cân bằng giữa cuộc sống và công việc?

Mỗi ngành nghề đều có đặc thù, vất vả riêng. Ai đã chọn lựa và theo đuổi nghề báo thì đều cần có đam mê, nhiệt huyết.

Tốc độ xử lý thông tin hiện nay đòi hỏi những người làm báo luôn luôn ở tư thế sẵn sàng: phóng viên sẵn sàng lên đường tác nghiệp, biên tập viên sẵn sàng hỗ trợ xử lý thông tin từ hiện trường. Khi mọi người nghỉ ngơi bên gia đình, bạn bè lại là lúc người làm báo vẫn phải duy trì hoạt động tác nghiệp bởi dòng chảy của thông tin, đặc biệt là thông tin thông tấn, không bao giờ được phép ngừng. Bên cạnh sự chủ động của các đơn vị, người chỉ đạo cấp ngành cần hình dung dòng chảy của sự kiện một cách tổng thể để giao nhiệm vụ, gợi mở vấn đề cho các đơn vị thông tin, đặc biệt là chỉ ra những hướng tiếp cận trong các tình huống mới và khó.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày của TTXVN tại Hội báo toàn quốc 2019. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Từ khi vào nghề, tôi đã quen với guồng quay công việc, trực theo ca kíp và chỉ về nhà khi hoàn thành nhiệm vụ. Khi bắt đầu có gia đình riêng, mọi chuyện cũng không dễ dàng. Để cân bằng cuộc sống, công việc, tôi phải liên tục học hỏi: học từ những người đi trước về cách thức làm việc, kinh nghiệm sắp xếp thời gian biểu, học từ các bạn trẻ cách tập luyện thể dục, thể thao và thư giãn.

Tuy vậy, yếu tố quan trọng là có sự thấu hiểu, chia sẻ trong gia đình. Muốn người thân hiểu mình thì mình cũng cần hiểu suy nghĩ của họ để từ đó tìm ra tiếng nói chung nhằm tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống. Nếu không có được sự chia sẻ, cuộc sống sẽ rất áp lực. Trong gia đình tôi, chồng và các con tôi đã quen và rất chia sẻ với nghề nghiệp của mẹ, từ chuyện ít khi có các kỳ nghỉ dài đến việc thường xuyên xử lý công việc tới khuya… Ngược lại, nghề làm báo giúp tôi luôn có ý thức tiếp thu thông tin, hạ nhiệt “xung đột” bằng các giải pháp hòa đàm. Trong gia đình, chúng tôi cũng luôn lắng nghe ý kiến, kể cả ý kiến “phê bình” của các con. Quá trình nuôi dạy con cái cũng giúp vợ chồng tôi chia sẻ với nhau nhiều hơn, và thực sự tôi cũng trưởng thành hơn khi cùng các con lớn lên.

Mặt khác, khi áp lực thông tin, công việc giảm bớt thì tôi lại “trở về” đúng nghĩa của một người phụ nữ toàn tâm toàn ý cho gia đình. Tôi cũng là mẫu phụ nữ thích bếp núc, nấu ăn…

– Lực lượng phóng viên, biên tập viên thuộc TTXVN đang ngày càng được trẻ hóa với nhiều thế mạnh về sức trẻ, sự sáng tạo, trình độ công nghệ hiện đại… nhưng cũng thiếu hụt nhiều kinh nghiệm làm nghề. Với tư cách là người đứng đầu tổ chức nghề nghiệp lớn nhất của ngành là Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TTXVN, bà có thể chia sẻ những dự định, kế hoạch trong công tác đào tạo để phát huy thế mạnh về lực lượng nhà báo trẻ của TTXVN, cũng như đưa ra những lời khuyên gì đối với những người làm báo trẻ để họ giữ vững nhiệt huyết, bản lĩnh trước những áp lực, khó khăn hiện nay?

Người trẻ có cách tiếp cận riêng, người có kinh nghiệm có cách tiếp cận khác. Trong quá trình làm việc, hai thế hệ cần có sự trao đổi với nhau để cùng hoàn thiện.

Tôi cho rằng trong công việc, có những thứ thuộc về giá trị cốt lõi, chúng ta không được phá vỡ. Tuy nhiên, trong nghề báo, việc làm mới các giá trị này là điều cần thiết. Lâu nay, lãnh đạo ngành luôn khuyến khích điều này, tạo điều kiện để các bạn trẻ thể hiện năng lực, góc nhìn riêng, mới mẻ. Đảng ủy TTXVN có nghị quyết về thanh niên, trong đó nhấn mạnh việc các tổ chức Đảng cần tạo điều kiện cho phóng viên, biên tập viên trẻ rèn luyện thực tế để trưởng thành. Điều này còn thể hiện qua việc trao các giải báo chí TTXVN hàng năm. Các tác phẩm có góc nhìn mới của người trẻ luôn được ghi nhận và có cả một hạng mục cho phóng viên trẻ triển vọng.

Thành công thường không đến một cách dễ dàng. Hào quang của sự thành công luôn tỏa sáng và có sức cuốn hút. Để có được những thành công đó, người làm báo đã dành nhiều công sức, tâm huyết để tạo ra những tác phẩm báo chí có dấu ấn trong lòng công chúng. Ví dụ như khi chụp gương mặt của người lính cứu hỏa, phóng viên cũng phải tác nghiệp rất gần nơi người lính đó làm việc. Nói một cách khác, phóng viên cũng phải đối mặt với nguy hiểm của hỏa hoạn. Khi viết về bão lũ, để có được những dòng tin lay động lòng người, các phóng viên cũng phải vượt qua địa hình lầy lội, tiếp cận với các nhân vật đang phải vật lộn với thiên tai.

Với nghề báo, cọ xát thực tế là cách trưởng thành nhanh nhất. Cùng với lý thuyết được đào tạo, thực tiễn sẽ giúp người làm báo có phản xạ nghề nghiệp và thích ứng kịp thời trong xử lý công việc.

Nói đến tuổi trẻ là nói đến nguồn năng lượng dồi dào và nhiệt huyết. Khi còn trẻ, chúng ta hãy thử sức mình, chọn những lĩnh vực mới và khó. Thử thách sẽ mang lại cơ hội để chúng ta trưởng thành.

Các bạn trẻ đã có bước đầu thành công hãy để “vòng nguyệt quế” làm điểm tựa để bước tiếp lên phía trước. Với các bạn chưa có được sự ghi nhận rộng rãi, hãy tự ghi nhận chính mình và nỗ lực hơn nữa để đạt được các mục tiêu đề ra trong thời gian tới.

Cá nhân tôi cũng như tập thể ban lãnh đạo TTXVN luôn đặt niềm tin vào đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ.

Chiều 16/6/2020, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống COVID-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

– Như chúng ta đã đề cập ban đầu, mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, song song và tác động rất lớn tới báo chí, tới người làm báo. Theo bà, làm cách nào để việc áp dụng “Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo” do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả?

Trước tiên, chúng ta phải xác định mỗi nhà báo là một công dân. Khoảng một thập kỷ trước, vấn đề trách nhiệm xã hội của một nhà báo thường xuyên được nhấn mạnh.

Người làm báo khác những người làm nghề nghiệp khác vì thông tin đưa ra có tác động rất lớn đến xã hội. Với các nhà báo, tôi cho rằng cần có sự thống nhất trong thông tin, thông điệp giữa các sản phẩm báo chí của họ đã đăng, phát trên các kênh chính thống với các phát ngôn, cách ứng xử trên mạng xã hội.

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội thời gian qua, việc xây dựng bộ quy tắc nói trên là cần thiết để mỗi người làm báo tự nhìn nhận bản thân. Ban đầu, chúng ta nghĩ mạng xã hội là một thế giới ảo nhưng thực chất, nó rất thật. Những phát ngôn, hình ảnh đăng tải, cách ứng xử trên mạng xã hội… thể hiện nhiều khía cạnh về con người.

Khi tham gia mạng xã hội là tham gia vào việc lan tỏa thông tin, ý thức tự thân là quan trọng nhất. Trong quá trình trao đổi, sinh hoạt nghiệp vụ, mỗi tổ chức, cơ quan báo chí cần cập nhật thông tin, lắng nghe ý kiến chia sẻ, phản hồi của phóng viên, biên tập viên.

– Trân trọng cảm ơn nhà báo về những chia sẻ rất có ý nghĩa!

“Người làm báo khác những người làm nghề nghiệp khác vì thông tin đưa ra có tác động rất lớn đến xã hội.”

Tác giả: Phạm Phương Mai

Ảnh: Lê Minh Sơn

Thiết kế đồ họa: Thanh Trà

Exit mobile version