Sức mạnh của tượng đài

2columbus-1592278700-39.jpg

Những bức tượng được dựng lên để làm gì? Nhiều vụ phá hủy các tượng đài ở Anh và Mỹ xảy ra trong thời gian gần đây – bao gồm vụ bức tượng đồng của Edward Colston, một thương nhân người Anh chuyên buôn nô lệ vào thế kỷ 18 bị kéo đổ ở Bristol (Anh); vụ phá hủy phần đầu tượng Christopher Columbus và các lãnh đạo Liên minh ở Boston, Miami và Virginia hồi tuần trước – đã làm dấy lên những câu hỏi về mục đích của những bức tượng ở nơi công cộng.

Tại sao chúng ta buộc phải tạo ra những bức tượng như vậy?

Phong trào phá hoại tượng đài đã nổ ra sau sự việc George Floyd – một người Mỹ gốc Phi – bị một sỹ quan cảnh sát da trắng sát hại ở Minneapolis, Minnesota hồi tháng trước bằng cách dùng đầu gối ghì chặt vào cổ. Vụ việc đã làm dấy lên phong trào Black Lives Matter (tạm dịch: Mạng sống của người da đen cũng đáng giá) lan từ Mỹ sang Australia và châu Âu. Những người biểu tình đã kéo đổ tượng của Colston, sau đó kéo lê bức tượng khắp thành phố trước khi ném nó xuống một bến cảng.

Cái chết của Floyd đã thổi bùng những cuộc biểu tình trên khắp thế giới, kéo theo những chiến dịch dỡ bỏ các bức tượng tôn vinh những nhân vật danh tiếng

Colston, cũng như các nhân vật được dựng tượng khác đều là những người đã gầy dựng danh tiếng (và tiền tài) bằng cách giẫm đạp lên người da màu và bóp nghẹt các nền văn hóa bản địa.

Trong những năm gần đây, một số tượng đài ở Mỹ được dựng để tưởng niệm các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Liên minh miền Nam Hoa Kỳ (lực lượng chiến đấu nhằm bảo tồn chế độ nô lệ và bị đánh bại trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ những năm 1860) đã bị tháo dỡ hoặc di dời xa khỏi tầm mắt của công chúng.

Sự việc kéo đổ bức tượng Colston ở Anh là một phần trong một làn sóng mới mẻ đang quét qua khắp phương Tây.

Người biểu tình kéo đổ bức tượng của Edward Colston và ném nó xuống cảng Bristol nhằm ủng hộ phong trào Black Lives Matter (Ảnh: PA Wire).

Hồi đầu tuần trước, tượng Columbus – nhà thám hiểm nổi tiếng thế kỷ 15 – không những đã bị chặt đầu ở Boston, mà còn bị kéo đổ bằng dây thừng ở Minneapolis, Minnesota và ở Richmond, Virginia, sau đó bị kéo tới một cái ao gần đó và dìm xuống, giống như những gì đã xảy ra với tượng Colston. Một tấm bia mộ tạm bợ với dòng chữ “Sự phân biệt chủng tộc sẽ không được ai nhớ đến” được đặt ngay bên mép nước.

Lo sợ các cuộc thanh trừng tương tự sẽ gia tăng ở Anh, các nhà lãnh đạo chính trị đã đua nhau lên án việc phá hủy bức tượng Colston và cảnh cáo người dân không được thực hiện hành động tương tự.

Bức tượng của Rhodes, được bọc xung quanh bằng một tấm lưới bảo vệ khiến nó trông như một con thú bị sập bẫy… gợi cho cả thế giới suy nghĩ về số phận phù hợp cho những di tích về sự cướp bóc của chủ nghĩa đế quốc.

Trong một dịp hiếm hoi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Priti Patel và lãnh đạo đảng Lao động đối lập, Sir Keir Starmer, đều đồng ý rằng các cuộc tấn công nên bị lên án, sau sự kiện hàng ngàn người đổ về Oxford yêu cầu dỡ bỏ bức tượng đá của Cecil Rhodes – một người Anh ủng hộ chủ nghĩa thượng đẳng và làm giàu bằng cách khai thác tài nguyên và con người ở châu Phi – khỏi khuôn viên Cao đẳng Oriel.

Bức tượng của Rhodes, được bọc xung quanh bằng một tấm lưới bảo vệ khiến nó trông như một con thú bị sập bẫy, vẫn đang ở trong tư thế bấp bênh – một hình ảnh gợi cho cả thế giới suy nghĩ về số phận phù hợp cho những di tích về sự cướp bóc của chủ nghĩa đế quốc.

Để trả lời câu hỏi đó, có lẽ nên xem xét lý do vì sao các bức tượng được tạo ra, và chúng ta kết nối với chúng như thế nào.

Sự mô phỏng hữu hình một con người được biết đến sớm nhất – một bức tượng nhỏ tạc hình cơ thể phụ nữ được phát hiện trong một hang động ở rừng Swabian, Đức năm 2008, có thể sẽ cung cấp manh mối về bản chất của sự thôi thúc khiến chúng ta tạo ra những vật như vậy.

Tượng Venus ở Hohle Fels được làm từ ngà voi ma mút và là ví dụ sớm nhất được biết đến về cách mô tả con người trong nghệ thuật tiền sử (Ảnh: Alamy).

Chỉ cao 6cm và được tạc từ ngà voi ma mút lông dài cách đây 40.000 năm, bức tượng được gọi là Venus của Hohle Fels này mô tả những đặc điểm của cơ thể phụ nữ một cách thô ráp, và có thể đã được dùng như một vật biểu trưng cho khả năng sinh sản.

Nhưng điểm đáng chú ý của bức tượng nhỏ đòi hỏi hàng trăm giờ kiên nhẫn để tạc nên này không phải là những chi tiết lộ liễu mà nó mô tả, mà là thứ nó đã bỏ qua.

Người thợ thủ công tiền sử chậm rãi điêu khắc chiếc ngà voi thành hình đã đưa ra một quyết định thẩm mỹ phi thường: không tạc phần đầu của bức tượng. Ở chỗ đáng ra là chiếc cổ là một vòng móc nhỏ, có thể luồn được một sợi dây da qua, và được điêu khắc một cách tỉ mỉ.

Khi đeo bức tượng này trên cổ, phần đầu của bức tượng chính là đầu của người đeo nó, tức là bức tượng được hoàn thành bằng cách hợp nhất với người đeo. Nói cách khác, theo quan điểm của người xưa, những bức tượng mang tính khái niệm nhiều không kém tính vật chất của chúng – và chúng mô tả cách chúng ta nhìn nhận bản thân thay vì những cá nhân được lấy làm hình mẫu cho chúng.

Bản năng nhận thức một khía cạnh của bản thân thông qua hình ảnh của một người khác đã ăn sâu bám rễ đến mức không thể đo đếm được. Một sự thôi thúc như vậy có thể sẽ giải thích được vì sao thật khó để chịu đựng sự tồn tại dai dẳng của những tượng đài tưởng niệm những kẻ đã gây ra đau khổ trong quá khứ.

Tượng đài Tổng thống phe miền Nam thời nội chiến Mỹ Jefferson Davis bị kéo đổ ở Richmond.

Những bức tượng ấy nặng nề đến nghẹt thở. Sự phẫn nộ mà nhiều người cảm thấy khi phải chia sẻ đường phố với những bóng ma áp bức khổng lồ ấy là vô cùng sâu sắc và chân thật.

Những bức tượng mang tính khái niệm nhiều không kém tính vật chất của chúng – và chúng mô tả cách chúng ta nhìn nhận bản thân thay vì những cá nhân được lấy làm hình mẫu cho chúng.

Để giải quyết vấn đề gai góc về cách tốt nhất để xử lý những di tích tỏa ra không khí mà phần đông công chúng cho là độc hại, các quốc gia đã bắt đầu áp dụng nhiều chiến lược khác nhau.

Ở London, thị trưởng thành phố, ông Sadiq Khan, đã tuyên bố thành lập một ủy ban đặc biệt để tranh luận về việc tháo dỡ (và lắp dựng) các bức tượng trong thành phố.

Thứ Tư tuần trước tại Mỹ, Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi đã kêu gọi nhanh chóng loại bỏ 11 bức tượng tôn vinh các nhà lãnh đạo Liên minh nhằm ngăn chặn một vụ cướp bóc dữ dội xảy ra ở đồi Capitol.

“Những bức tượng ở Capitol nên thể hiện những lý tưởng cao đẹp nhất của người Mỹ, thể hiện chúng ta là ai và con người mà chúng ta khao khát trở thành với tư cách một dân tộc,” bà nói trong bài phát biểu giải thích lý do đưa ra quyết định này.

“Tượng đài của những người ủng hộ sự tàn ác và man rợ để đạt được mục đích mang tính phân biệt chủng tộc là một sự sỉ nhục với những lý tưởng này. Những bức tượng của họ bày tỏ lòng tôn kính với sự thù ghét thay vì những di sản. Chúng phải bị loại bỏ.”

Bức tượng thương nhân sở hữu nô lệ Robert Milligan bị các nhà hoạt động của phong trào Black Lives Matter phủ vải che; bức tượng sau đó đã được tổ chức Canal and River Trust di dời (Ảnh: Getty Images).

“Đoạn chi” có phải là cách chữa trị tốt nhất cho căn bệnh này? Tất nhiên, vấn đề của việc nhấn chìm những vật gợi nhắc một quá khứ đau đớn xuống vùng nước gần nhất nằm ở chỗ, nhiều điều, đặc biệt là những điều gây đau đớn, có xu hướng trỗi dậy lại từ nơi sâu thẳm.

Nghệ sỹ đường phố người Anh Banksy, với những tác phẩm thường xuyên xoáy sâu vào sự nông cạn của xã hội và buộc chúng ta phải đối mặt với những hình thù khó chịu của sự đạo đức giả và bất bình đẳng, đã đề xuất một giải pháp khéo léo cho tình trạng khó khăn mà xã hội đang gặp phải.

“Chúng ta nên làm gì với một bệ đỡ trống không ở giữa Bristol?” Banksy đặt câu hỏi trên một bài đăng Instagram. “Đây là ý tưởng dành cho cả những người nhớ bức tượng Colston và những người không nhớ nó. Chúng ta kéo ông ta ra khỏi nước, đặt ông ta lại lên bệ, buộc dây cáp quanh cổ ông ta và đặt thêm vài bức tượng đồng hình người biểu tình có kích thước như người thật đang làm động tác kéo ông ta xuống. Thế là ai cũng hài lòng. Một ngày nổi tiếng đã được tưởng nhớ.”

Ở Đức, khi phải đưa ra quyết định về việc khắc sâu những ký ức về thời kỳ phátxít, người ta đã nhận ra rằng xóa bỏ quá khứ không phải là một lựa chọn.

Như bức vẽ đi kèm của Banksy (tưởng tượng một cách thông minh và hài hước về cảnh bức tượng Colston được đặt lại lên bệ nhưng luôn trong trạng thái bấp bênh chỉ chờ bị kéo đổ), cái khó là tìm ra sự cân bằng phù hợp khi cân nhắc những quan điểm khác biệt của mọi người trong xã hội, những người phải gánh sức nặng của một bức tượng.

Ở Đức, khi phải đưa ra quyết định về việc khắc sâu những ký ức về thời kỳ phátxít trên các đường phố và quảng trường trong nước, người ta đã nhận ra rằng xóa bỏ quá khứ không phải là một lựa chọn.

Thay vì làm “ô nhiễm không khí thành phố” bằng tượng đài của những kẻ gây ra đau đớn, các nỗ lực đã được thực hiện để bảo tồn những đài tưởng niệm tôn vinh sự kiên cường của các nạn nhân của Hitler.

Có lẽ chúng ta nên coi những bức tượng như những cái cây. Khi một cái cây bị biến dạng vì bệnh tật, chúng ta nên quyết tâm trồng một bụi cây mới có thể làm sạch bầu không khí và không khiến chúng ta nghẹt thở.

Tranh vẽ của Banksy về sự kiện kéo đổ tượng tại Anh.
Exit mobile version