Nước Mỹ ở ngã tư đường

trumpvsbid-1591258030-92.jpg

Đại diện của đảng Cộng hòa thề sẽ không “thổi bùng ngọn lửa của sự căm ghét” trong bối cảnh tổng thống dùng Kinh thánh như một thanh gươm và khoe khoang việc huy động một “lực lượng áp đảo” để chống lại người biểu tình.

Lựa chọn sống còn mà nước Mỹ đang phải đối mặt đã được bày ra hôm thứ Ba vừa qua, khi Donald Trump và Joe Biden thể hiện những quan điểm đối lập cho một quốc gia đang rối loạn với những cuộc biểu tình chống lại sự tàn bạo của cảnh sát và sự bất công chủng tộc suốt bảy ngày qua.

Donald Trump và Joe Biden thể hiện những quan điểm đối lập cho một quốc gia đang rối loạn với những cuộc biểu tình chống lại sự tàn bạo của cảnh sát…

Đương kim tổng thống Trump đã đến thăm Đền thờ thánh John Paul II ở Washington sau khi đe dọa sẽ huy động quân đội Mỹ chống lại người Mỹ và bị những người đứng đầu nhà thờ lên án vì sử dụng Kinh thành như một công cụ chính trị.

Biden, cựu phó tổng thống, người được cho là ứng viên của đảng Dân chủ sẽ ra tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới, đã có một bài phát biểu ảm đạm tại tòa thị chính thành phố Philadelphia, ở đó ông cho rằng nước Mỹ đang đứng trước một trong những ngã tư đường quan trọng nhất trong lịch sử.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra dày đặc trong suốt một tuần sau khi George Floyd, một người Mỹ gốc Phi thiệt mạng do bị một cảnh sát người da trắng ở Minneapolis chẹt đầu gối vào cổ suốt nhiều phút đồng hồ, ngay cả khi Floyd đã không còn chống cự và khẩn khoản nói rằng “Tôi không thở được.”

Joe Biden nói về tình trạng bất ổn trên toàn quốc. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Những lời đó vẫn “đang vang vọng trên khắp đất nước này,” Biden phát biểu trong lần xuất hiện công khai quan trọng nhất của mình từ khi đại dịch virus corona buộc ông phải vận động tranh cử tại nhà.

“Chúng lên tiếng với một quốc gia mà ở đó màu da có thể khiến cuộc sống của bạn gặp rủi ro,” ông nói. “Chúng lên tiếng với một quốc gia mà ở đó, hơn 100.000 người đã thiệt mạng do virus và 40 triệu người đã phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp – mà số lượng người chết và thất nghiệp đó lại tập trung trong cộng đồng người da màu và thiểu số.”

Ông nói thêm: “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho đất nước chúng ta. Cho tất cả chúng ta.”

Ông Biden hứa sẽ cải cách lực lượng cảnh sát để đối phó với hiện tượng phân biệt chủng tộc có hệ thống. Ông cũng lên án mạnh mẽ ông Trump, người từ lâu đã nổi tiếng với việc reo rắc sự chia rẽ chủng tộc.

“Chúng ta có thể được tha thứ vì tin rằng tổng thống quan tâm đến quyền lực nhiều hơn là nguyên tắc,” ông nói, và nhận định thêm rằng Trump “là một phần của vấn đề, và là nhân tố thúc đẩy nó trở nên nghiêm trọng hơn.”

Ông so sánh vị tổng thống với những quan chức phân biệt chủng tộc khét tiếng của thập niên 60 và nói rằng: “Tôi hứa với các bạn điều này. Tôi sẽ không đi lên bằng sự sợ hãi và chia rẽ. Tôi sẽ không thổi bùng ngọn lửa của sự căm ghét. Tôi sẽ tìm cách chữa lành những vết thương chủng tộc từ lâu đã gặm nhấm đất nước này – thay vì dùng chúng cho mục đích chính trị.”

Hơn 5.600 người trên khắp nước Mỹ đã bị bắt giữ trong tuần qua với các tội danh như trộm cắp, chặn đường cao tốc và không tuân thủ lệnh giới nghiêm.

Những phát ngôn chỉ trích của ông Biden được đưa ra một ngày sau khi ông Trump đe dọa các thống đốc bang rằng ông sẽ huy động quân đội nếu họ không dập tắt được các cuộc biểu tình. Nếu các thống đốc không sử dụng lực lượng vệ binh quốc gia với số lượng phù hợp để “khống chế đường phố,” quân đội sẽ ra tay để “nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ” – vị tổng thống cảnh báo.

Những người theo đảng Dân chủ gọi đó là ngôn ngữ của một “nhà độc tài” và “phátxít.”

Trong khi ông Trump có bài phát biểu tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng tối thứ Hai vừa qua, lực lượng vệ binh quốc gia và cảnh sát Hoa Kỳ đã dùng hơi cay và lựu đạn gây choáng để đuổi những người biểu tình ôn hòa và các nhà báo đang tập trung bên ngoài. Tất cả những điều này là để mở đường cho tổng thống đi bộ từ Nhà Trắng tới nhà thờ St John lịch sử, nơi đã bị phá hoại bởi lửa và những hình vẽ grafiti.

“Tổng thống cầm lên một cuốn Kinh thánh,” ông Biden nói. “Tôi chỉ ước sao ông ta mở nó ra một lần thay vì khua khoắng nó như một thanh gươm.”

Các bức ảnh chụp tổng thống với cuốn Kinh thánh cũng khiến các nhà lãnh đạo tôn giáo tức giận. Mariann Edgar Budde, giám mục của Giáo phận Tân giáo Washington chia sẻ với hãng tin CNN: “Tôi cảm thấy phẫn nộ. Tổng thống không hề cầu nguyện khi tới St John… cũng không thừa nhận nỗi đau mà đất nước chúng ta đang trải qua.”

Tổng thống Donald Trump đi bộ từ Nhà Trắng qua Công viên Lafayette để thăm nhà thờ St John hôm thứ Hai vừa qua. (Ảnh: Reuters)

Theo thống kê của Associated Press, hơn 5.600 người trên khắp nước Mỹ đã bị bắt giữ trong tuần qua với các tội danh như trộm cắp, chặn đường cao tốc và không tuân thủ lệnh giới nghiêm, và số người tử vong là ít nhất là 9 người.

Đêm thứ Hai vừa rồi đã chứng kiến thêm nhiều cuộc biểu tình ôn hòa chấm dứt trong bạo lực ở Atlanta, Nashville, New York, Philadelphia và các thành phố khác.

Một chiếc xe SUV đã cán qua một nhóm sỹ quan tại một cuộc biểu tình ở Buffalo, làm ba người bị thương, trong đó có một cảnh sát chính phủ bị gãy chân và vỡ xương chậu. Cửa hàng trưng bày sản phẩm của hãng Macy ở Manhattan cũng nằm trong số nhiều cửa hàng bị cướp phá.

Tình hình tại Minneapolis dường như đã chùng xuống sau khi em trai của Floyd tha thiết kêu gọi hòa bình tại chính nơi anh trai mình qua đời. Cựu sỹ quan Derek Chauvin, người chẹt đầu gối vào cổ Floyd, đã bị buộc tội giết người.

Tại Washington, Tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, tướng Mark Milley, và Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã xuống đường trong khi trực thăng quân đội bay trên bầu trời thành phố. Hôm thứ Ba, ông Trump đã đăng lên Twitter như sau: “DC không có vấn đề gì đêm qua. Nhiều vụ bắt giữ. Tất cả mọi người đều đã làm rất tốt. Lực lượng áp đảo. Thống trị. Tương tự, Minneapolis cũng rất tuyệt vời (cảm ơn Tổng thống Trump!).”

Ông tự nhận mình là một người mạnh mẽ và là vị “tổng thống vì pháp luật và trật tự của các bạn”, như báo trước về một chiến lược bầu cử tương tự nhằm mô tả hình ảnh của ông Biden là người dễ mềm lòng với các vấn đề tội phạm.

Tình hình tại Minneapolis dường như đã chùng xuống sau khi em trai của Floyd tha thiết kêu gọi hòa bình tại chính nơi anh trai mình qua đời.

Năm 1968, Richard Nixon đã ra tranh cử với tư cách ứng viên vì pháp luật và trật tự sau hậu quả của những cuộc bạo loạn kéo theo vụ ám sát Martin Luther King Jr., và đánh bại Hubert Humphrey trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Dùng chữ in hoa, ông Trump đã đăng một cụm từ được Nixon sử dụng phổ biến: “ĐA SỐ IM LẶNG!” (SILENT MAJORITY!).

Tổng thống Trump đã nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh Cộng hòa. Thượng nghị sỹ Tom Cotton ở Arkansas đăng dòng tweet: “Tình trạng vô chính phủ, bạo loạn và cướp bóc phải chấm dứt đêm nay. Nếu lực lượng thực thi pháp luật tại địa phương bị áp đảo và cần được hỗ trợ, hãy xem những kẻ khủng bố chống phát xít này cứng đầu được đến đâu khi đối mặt với Sư đoàn phòng không 101. Chúng ta không được có bất cứ sự khoan nhượng nào với sự hủy diệt này.”

Ở thủ đô Washington đang bị phân cực sâu sắc, những người theo đảng Dân chủ đã cảnh báo về một khoảng trống trong đạo đức lãnh đạo. Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện, phát biểu hôm thứ Ba vừa qua: “Chúng tôi hy vọng rằng tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ tiếp bước nhiều tổng thống tiền nhiệm để trở thành một người hàn gắn, thay vì một kẻ thêm dầu vào lửa.”

Những sự náo động xuất phát từ cái chết của Floyd đã làm rung chuyển đất nước vốn đang lâm vào khủng hoảng do sự bùng phát đại dich virus corona và nền kinh tế bị đóng cửa khiến 105.000 người thiệt mạng và hơn 41 triệu người phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Người biểu tình tuần hành trên quảng trường Foley, bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd. (Ảnh: THX/TTXVN)
Exit mobile version