Đại dịch COVID-19

Quy mô của cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 đang khiến nhiều người chống vắcxin càng tin chắc hơn vào quan điểm của họ, nhưng cũng làm xói mòn sự phản đối ở những người khác.

Theo các chuyên gia, đại dịch COVID-19 có thể khiến một bộ phận những người chống vắcxin hoài nghi quan điểm của họ, nhưng cũng khiến những người khác càng chắc chắn hơn với niềm tin đó. Ngoài ra, sự do dự với việc tiêm vắcxin, được ủng hộ bởi một số người nổi tiếng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới một chương trình tiêm chủng trong tương lai.

COVID-19 có thể khiến một bộ phận những người chống vắcxin hoài nghi quan điểm của họ, nhưng cũng khiến những người khác càng chắc chắn hơn với niềm tin đó.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện đang có 70 mẫu vắcxin chống virus SARS-CoV-2 đang được phát triển, trong đó có 3 mẫu đã sẵn sàng để thử nghiệm lâm sàng. Trong khi đó, phản ứng từ cộng đồng những người chống vắcxin lại đang có sự chia rẽ.

“Những người có quan điểm cực đoan, những nhóm phản đối vắcxin xuất phát từ niềm tin của họ, với mục tiêu là ngăn cản và gây phân cực không hề có sự chuyển biến nào – thực tế là họ đang lợi dụng tình hình hiện nay,” Heidi Larson, giám đốc Dự án Niềm tin vào Vắcxin (VCP) tại London chia sẻ.

Một số nhân vật nổi tiếng với lượng người theo dõi đông đảo trên các mạng xã hội cũng đã bày tỏ sự hoài nghi của mình. Trên Facebook, Novak Djokovic, tay vợt số 1 thế giới cho biết thái độ phản đối của anh với vắcxin có thể ngăn cản anh trở lại thi đấu quần vợt, và nói rằng anh “không muốn bị ai ép phải tiêm vắcxin” để được đi lại tự do.

Rapper người Anh M.I.A. cũng bị nhiều người chỉ trích khi đăng dòng tweet: “Nếu phải chọn giữa vắcxin hoặc gắn chip, tôi thà chọn cái chết còn hơn.”

Trong một diễn biến khác, diễn viên người Australia Isabel Lucas đã bị cách chức khỏi vị trí đại sứ của một tổ chức từ thiện cho các bé gái sau khi phát ngôn rằng cô “không tin vào con đường tiêm chủng.”

Tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic cho biết thái độ phản đối vắcxin của anh có thể ngăn cản anh trở lại thi đấu quần vợt. (Nguồn: Getty Images)

Tuy nhiên, Larson cho biết cũng có những bằng chứng cho thấy những người “từng không chắc chắn vì một số lý do, hoặc đã gặp vấn đề với một loại vắcxin cụ thể – vắcxin MMR mà con họ được tiêm chẳng hạn – có thể sẽ hành xử khác đi trong bối cảnh đại dịch.”

VCP đã tiến hành một nghiên cứu dài 18 tháng với các đối tác tại địa phương trên toàn cầu, thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến cấp quốc gia và xem xét các cuộc đối thoại trực tuyến về virus corona để đo lường thái độ với vắc xin trong tương lai.

Larson cho biết sau khi phân tích hơn 3 triệu bài đăng trên mạng xã hội mỗi ngày từ tháng 1 đến tháng 3, bà tự tin rằng đa số người dân “rất trông chờ vào vắcxin chống virus corona, và mong nó được đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt.”

Quy mô và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19 toàn cầu có thể làm xói mòn sự phản đối với vắcxin.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có những sự phản đối. Phong trào chống vắcxin đã phát triển trên toàn cầu trong những năm gần đây, được thúc đẩy một phần bởi một nghiên cứu dài mà chưa được kiểm chứng từ Andrew Wakefield – một bác sỹ người Anh với luận điệu sai trái về mối liên hệ giữa vắc xin phòng sởi, quai bị và rubella (MMR) và chứng tự kỷ ở trẻ em.

Theo WHO, cơ quan đã xếp “sự do dự với việc tiêm vắcxin” vào một trong 10 mối đe dọa sức khỏe hàng đầu thế giới hồi năm ngoái, tùy vào tình hình dịch bệnh, khoảng 75-95% dân số thế giới cần được tiêm vắc xin để bảo đảm miễn dịch cộng đồng.

Khảo sát năm 2018 của tổ chức Wellcome Trust về thái độ với vắcxin của người dân trên toàn cầu cho thấy cứ 10 người thì có 8 người (79%) phần nào hoặc hoàn toàn đồng ý rằng vắcxin là an toàn, trong khi có 7% phần nào hoặc hoàn toàn không đồng ý với quan điểm đó.

Các con số cũng có sự khác biệt tùy theo khu vực địa lý: 72% người dân ở Bắc Mỹ và 73% ở Bắc Âu đồng ý rằng vắc xin an toàn, nhưng ở Tây Âu và Đông Âu, các con số chỉ là 59% và 40%.

Số người dân Anh từ chối tiêm vắc xin giảm sau ki dịch COVID-19 bùng phát. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, quy mô và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19 toàn cầu có thể làm xói mòn sự phản đối với vắcxin. Một cuộc khảo sát gần đây của VCP tại Pháp, quốc gia có sự phản đối tiêm chủng mạnh mẽ nhất với 33% dân số không cho rằng vắc xin là an toàn, cho thấy chỉ có 18% số người được hỏi từ chối tiêm vắc xin chống virus corona.

Một cuộc thăm dò tại Vương quốc Anh hồi giữa tháng 3 cho thấy có khoảng 7% người dân sẽ từ chối tiêm vắcxin phòng ngừa virus corona, trong khi cuộc khảo sát thứ hai diễn ra hồi đầu tháng 4 – thời điểm số người chết vì COVID-19 bắt đầu tăng nhanh – cho thấy tỷ lệ này đã giảm xuống còn 5%.

Tại Nga – nơi chỉ có 62% người dân tin vào hiệu quả của vắcxin, theo số liệu của Wellcome Trust – đang có những dấu hiệu cho thấy những quan ngại với cuộc khủng hoảng virus corona đã gây ra những mâu thuẫn trong cộng đồng những người chống vắcxin và hoài nghi y tế.

Quản trị viên của The Truth about Vaccines (tạm dịch: Sự thật về vắcxin), một trong những nhóm chống vắcxin lớn nhất trên mạng xã hội, đã tỏ ra thất vọng với sự lung lay của 100.000 thành viên trong nhóm này.

“Biết điều gì làm tôi ngạc nhiên không?” quản trị viên này viết. “Tôi ngạc nhiên với phản ứng của những người chống vắcxin trong nhóm này. Nhiều người tin rằng đại dịch COVID-19 đang diễn ra ở Nga, rằng mọi người đang mắc bệnh và chết vì virus.”

Quản trị viên của The Truth about Vaccines tỏ ra thất vọng với sự lung lay của 100.000 thành viên trong nhóm này.

Ở Italy, Claudio Simion, thủ lĩnh nhóm chống vắcxin Comilva nói rằng vắcxin không phải là giải pháp duy nhất và “có thể chỉ là một cách để giúp mọi người bình tĩnh.” Nhưng ông cũng nói: “Chúng tôi không có thái độ thù địch với vắcxin.”

Tuy nhiên, ở những nơi khác, đại dịch dường như đã tăng cường thái độ của những người chống vắcxin. Ở Mỹ, nhiều nhân vật nổi tiếng đã chớp lấy cơ hội từ COVID-19 để củng cố những lập luận của họ và thúc đẩy các thuyết âm mưu.

Nhiều người cho rằng COVID-19 đang là cơ hội làm giàu cho ngành dược phẩm. (Nguồn: AFP)

Del Bigtree, nhà sản xuất của Vaxxed, một “phim tài liệu” năm 2016 do Wakefield viết kịch bản, đã có một bài thuyết trình dài một tiếng đồng hồ nói rằng COVID-19 là một âm mưu làm giàu của ngành dược phẩm.

Robert Kennedy Jr, con trai của cựu tổng thống John Kennedy thì lên Twitter buộc tội Bill Gates và các quan chức y tế cấp cao đang ủ mưu sản xuất một loại vắcxin “nguy hiểm và đáng sợ.”

Scott Ratzan, một thành viên của khoa y tế công cộng thuộc Đại học thành phố New York cho biết các kết quả của một cuộc thăm dò dư luận ở New York, với chỉ 53% người dân chắc chắn sẽ đồng ý tiêm vắcxin ngừa virus corona và 29% sẽ từ chối, là rất đáng báo động.

“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có nhiều người quyết định không tiêm vắcxin cho mình hay cho con cái của họ?” Ratzan đặt câu hỏi. “Ngay lúc này, gần một nửa dân số New York nói rằng họ sẽ làm điều đó. Nếu chuyện đó xảy ra, chúng ta sẽ không thể bảo vệ cộng đồng khỏi một làn sóng bệnh dịch mới.”

Larson cho biết thời điểm công bố vắcxin, được dự đoán là trong năm 2021, đóng vai trò cực kỳ quan trọng, vì nhiều mẫu thử nghiệm có thể sẽ bị từ chối bởi bất kỳ lý do nào đã bị đẩy nhanh tiến độ và không được thử nghiệm chỉn chu.

“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có nhiều người quyết định không tiêm vắcxin cho mình hay cho con cái của họ?”

Larson cũng cho rằng bà không tin virus corona sẽ có tác động trực tiếp tới quan điểm chống vắcxin. Tuy nhiên bà đã dự đoán về tác động gián tiếp, khi những lo sợ về dịch bệnh dẫn tới việc trì hoãn tiêm vắcxin phòng sởi tại 24 quốc gia và sự hủy bỏ tại 13 quốc gia khác, làm dấy lên sự lo ngại từ cả WHO và UNICEF.

Nếu sự do dự với vắcxin không giảm xuống sau cuộc khủng hoảng COVID-19, Larson cho rằng đó có thể là kết quả của “những đợt bùng phát các bệnh khác như sởi tăng lên vì các bậc phụ huynh không dám đưa con cái của họ đến các trung tâm y tế giữa tình hình đại dịch.”

Dịch bệnh có thể sẽ bùng phát nếu người dân tiếp tục do dự với vắcxin. (Nguồn: AFP)
Exit mobile version