Việt Nam ghi dấu ấn mới trên bản đồ y khoa ghép tạng của thế giới

img20200225-1582737611-81.jpg

9 giờ sáng ngày 22/1 (tức 28 Tết), trong căn phòng hậu phẫu vắng lặng được cách ly đặc biệt, Vương choàng mở mắt. Anh tỉnh dậy sau gần 9 tiếng chìm trong giấc ngủ của cuộc phẫu thuật. 

Hết cảm giác mê man buồn ngủ, mắt không còn nằng nặng sụp xuống, Vương ngơ ngác nhìn lên trần phòng bệnh rồi lại nhìn xuống tay. Cảm giác có một cái gì đó vương vướng, một chút cảm giác tê tê, nằng nặng mà đã mấy năm rồi anh không cảm nhận được nay lại hiện hữu như một phép màu thực sự làm anh vui sướng.

Khẽ cựa mình gượng dậy, Vương thấy bàn tay của mình không còn cụt lủn như trước nữa, những chiếc nẹp xung quanh và tay của Vương đang nguyên một khối đầy đủ, có cả bàn tay, cổ tay…

“Nhìn thấy có bàn tay mới từ phần tay cụt của mình, tôi bị “đứng hình” mất cả chục giây, rồi chỉ muốn hét lên vì vui sướng. Tôi muốn gọi điện ngay về cho vợ con, cha mẹ để thông báo là mình đã có tay rồi, con không còn cụt nữa,” Vương nhớ lại.

Khẽ cựa mình gượng dậy, Vương thấy bàn tay mình không còn cụt lủn như trước nữa, những chiếc nẹp xung quanh và tay Vương đang nguyên một khối đầy đủ, có cả bàn tay, cổ tay…

Tuy nhiên, khi đó điện thoại anh vẫn chưa được sử dụng, trong sâu thẳm, Vương thầm cảm ơn số phận, cảm ơn người chú hơn mình 20 tuổi đã bao dung, đã đồng ý để  “tặng” phần tay không còn thể đồng hành cùng chú, để có thể ghép thành bàn tay mới của mình, giúp mình có lại một cuộc sống bình thường.

Chuyện bây giờ mới kể

Ngay sau phẫu thuật, Vương đã có thể tự vận động nhúc nhích được các ngón tay của bàn tay ghép. Cho đến nay, chỉ hơn 1 tháng sau ghép, tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại được tưới máu đầy đủ giống như tay bên lành. Hiện Vương đã có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số các đồ vật thô như quả bóng bàn.

Ca  phẫu thuật ghép chi thể đầu tiên từ người cho sống được các y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiến hành thành công ngày 22/1 cho bệnh nhân Phạm Văn Vương, 31 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) chính là ca ghép chi thể đầu tiên ở ở khu vực Đông Nam Á cũng là ca ghép chi thể lấy từ người cho sống đầu tiên trên thế giới.

Niềm vui khó tả siết, Vương nhiều khi vẫn cảm giác như mình đang trong một giấc mơ nào đó, bởi đến chính anh nhiều khi cũng cảm thấy khó tin khi mình đã được lành lặn trở lại, có được bàn tay trái đầy đủ bằng da, bằng thịt, với những cử động…

Bốn năm trước, Vương là công nhân của Nhà máy Pin Văn Điển (có cơ sở tại Khoái Châu, Hưng Yên). Hôm đó, ngày 11/7/2016, Vương vẫn đứng canh máy như thường lệ.

Đến gần 14 giờ chiều, khi đang chạy máy đột dập thì một tai nạn không may đã xảy đến với anh. Chiếc máy đột dập đã nghiến vào tay Vương khiến toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái gây dập nát, biến dạng hoàn toàn. Hai khuôn máy dập vào và ép cánh tay anh ở giữa, không nhả ra.

“Phút giây máy chèn lên bàn tay của mình, tôi cảm giác như chết lặng, hoảng hốt. Ít phút sau tôi phải lấy lại bình tĩnh để gọi người vì trong nhà máy, tiếng máy chạy rất to, mọi người lại đứng xa nhau, mình hoảng hốt quá ngất ra đó không ai biết còn nguy hiểm hơn,” Vương kể.

Niềm vui khó tả siết, Vương nhiều khi vẫn cảm giác như mình đang trong một giấc mơ nào đó, bởi đến chính anh nhiều khi cũng cảm thấy khó tin khi mình đã được lành lặn trở lại với những cử động…

Rồi sau đó, đội cơ khí của nhà máy đến tháo từng bộ phận của máy mới lấy được tay Vương ra. Những người đồng nghiệp của anh đã cầm cả miếng tôn có bàn tay của anh trên đó mang đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào cuối giờ chiều.

19 giờ 30 phút tối hôm đó, các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phẫu thuật cho Vương. Tuy nhiên, do vết thương dập nát quá nặng nề và hoàn toàn không còn khả năng bảo tồn, các bác sỹ đã buộc phải đưa ra chỉ định cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay trái cho anh.

Dù vết thương mỏm cụt liền sẹo kỳ đầu và anh được xuất viện sau 2 tuần điều trị, song cảm nhận được sự thiếu hụt của bộ phận cơ thể của mình, Vương thấy rất buồn và có chút gì đó chán nản.

Sau tai nạn ấy, cuộc sống cũng như công việc của anh gặp nhiều khó khăn. Rồi có những lúc anh cũng không khỏi chạnh lòng khi con trai hỏi tay bố sao lại không có bàn tay… Những lúc đó, anh chỉ ậm ừ rồi cho qua. Song, nỗi đau tinh thần vì sự mất mát khi một bên tay bị cụt lủn ngay từ khi vẫn còn trẻ khiến anh luôn bị ám ảnh, tự ti…

Tại thời điểm năm 2016, được sự động viên của các bác sỹ tại bệnh viện, gia đình đã đăng ký cho anh vào danh sách chờ hiến chi thể.

Các bác sỹ tiến hành ca phẫu thuật cho Vương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một quyết định bản lĩnh

Cầm quả bóng bàn trên bàn tay trái tập vân vê, duỗi ngón tay ra rồi co vào, thi thoảng bàn tay giật liên hồi, Vương cười và cho biết các bác sỹ bảo đó là bình thường, là phản ứng nhạy của bàn tay.

Vương kể, có lẽ điều bất ngờ này đến với anh là lần thứ hai và nó thật tuyệt vời.

“Cách đây vài tháng, tôi cũng được gọi đến vì gia đình một người cho chết não đồng ý hiến. Hôm đó, Vương đến bệnh viện và làm xong xuôi các thủ tục cần thiết để các bác sỹ thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép bàn tay. Tuy nhiên, đến phút cuối, họ lại thay đổi nên không thể thực hiện được ca ghép. Khi đó tôi buồn và thất vọng. Rồi lại lủi thủi về nhà,” Vương nhớ lại.

Khoảng 22 giờ tối 26 Tết, vợ chồng anh nhận được điện thoại của giáo sư Nguyễn Thế Hoàng – Phó Giám đốc Bệnh viện 108 thông báo đã có người tình nguyện hiến bàn tay cho anh và các chỉ số giữa hai người rất tương thích.

Nghe thông báo từ bác sỹ Hoàng, Vương nhận lời ngay. Sau đó, anh hồi hộp cả đêm không ngủ, 5 giờ sáng đã “bắt” xe đi đến viện để làm các thủ tục.

Người tình nguyện hiến tay cho Vương là một bệnh nhân 51 tuổi bị chấn thương phức tạp vào ngày 3/1 do băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay cho đến sát nách. Các bác sĩ đã nỗ lực điều trị cho bệnh nhân trên trong 3 tuần, trải qua 3 lần phẫu thuật với mong muốn cứu được cánh tay cho bệnh nhân, nhưng tình trạng hoại tử vùng khuỷu tay và cơ, nhiễm trùng không cứu vãn được và đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Bàn tay của Vương được các bác sỹ ghép lại thành công. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giáo sư Mai Hồng Bàng – giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay tại thời điểm đó, tình trạng hoại tử vùng cơ của bệnh nhân rất trầm trọng, bốc mùi hôi trong phòng bệnh, không còn cơ hội để giữ cánh tay do 3 dây thần kinh đều đã đứt. Sau khi hội chẩn toàn viện nhiều lần, nhận định giữ lại cánh tay, tính mạng người bệnh bị đe doạ, các bác sĩ đã quyết định cắt bỏ phần chi thể ngang mức 1/3 trên cánh tay. Trước tình hình đó, người nhà bệnh nhân cũng đề nghị cắt bỏ cánh tay đang thối rữa để đảm bảo mạng sống cho bệnh nhân.

“Khi thăm khám bệnh nhân, các bác sỹ nhận thấy phần thừa của chi thể sẽ bị cắt cụt (đoạn từ 1/3 dưới cẳng tay đến bàn tay) còn tương đối bình thường và có thể sử dụng để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng. Bệnh nhân và gia đình đã đồng ý và tự nguyện “hiến” một phần chi thể của mình cho anh Vương như một nghĩa cử nhân văn và vô cùng cao đẹp,” giáo sư Bàng cho biết.

Sau nhiều xét nghiệm, anh Vương là người phù hợp về nhóm máu, các chỉ số hoà hợp rất cao, Hội đồng y đức của Bệnh viện đã quyết định đồng ý cho ca ghép này.

“Khi quyết định thực hiện ca ghép, Giám đốc bệnh viện chỉ đạo: Đây là quyết định vô cùng bản lĩnh, chúng ta phải chịu trách nhiệm rất lớn. Nếu khi phẫu thuật, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng cao, các bác sĩ có thể dừng lại. Các kíp trực theo dõi sát từng giờ, từng ngày, nếu tình trạng nhiễm trùng xuất hiện sẵn sàng cắt bỏ bàn tay để cứu bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng, toàn bộ kíp mổ do các bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện, với gần 20 y bác sỹ. Ngay khi vết khâu cuối cùng hoàn thành, chúng tôi nhận thấy tay được ghép đã tưới máu đều, hồng hào,” Giáo sư Hoàng vui mừng chia sẻ.

“Đây là quyết định vô cùng bản lĩnh, chúng ta phải chịu trách nhiệm rất lớn. Nếu khi phẫu thuật, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng cao, các bác sĩ có thể dừng lại. Các kíp trực theo dõi sát từng giờ, nếu tình trạng nhiễm trùng xuất hiện sẵn sàng cắt bỏ bàn tay để cứu bệnh nhân.

Diễn biến ca mổ thuận lợi, 1 tháng sau ghép bệnh nhân không hề sốt. Bên bệnh nhân luôn có kíp trực kiểm soát 24/24 phòng diễn biến xấu xảy ra.

Trước câu hỏi, việc ghép chi từ người cho chết não và người còn sống có gì khác biệt nhau? Giáo sư Hoàng nhấn mạnh việc phẫu thuật ghép chi từ người cho còn sống như ca bệnh này còn đòi hỏi bác sĩ phải chạy đua với thời gian. Bởi phần chi tặng nếu không được ghép kịp thời có thể bị nhiễm trùng, hoại tử… Nếu ghép chi của người hiến chết não, thì các bác sỹ sẽ có thời gian chuẩn bị nhiều hơn, bởi mặc dù người hiến đã chết não, nhưng bác sỹ vẫn có thể dùng các kỹ thuật nhằm giúp phần chi thể được tưới máu đều và chi không bị hư hỏng.

Giáo sư Hoàng và bệnh nhân Vương vui mừng vì ca phẫu thuật thành công. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mở ra những cơ hội mới cho bệnh nhân

Trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật, giáo sư Nguyễn Thế Hoàng cho hay ca ghép này có nhiều khó khăn từ người cho, người nhận, kỹ thuật đến chăm sóc sau mổ, chống thải ghép, chống nhiễm khuẩn và phục hồi chức năng. Trước khi phẫu thuật, bản thân bệnh nhân và bác sĩ cũng phải cân nhắc rất nhiều do cẳng tay người hiến tặng bị hoại tử rất nặng, khi ghép vào không loại trừ nguy cơ nhiễm trùng máu, nguy hiểm tính mạng. Trường hợp chi thể ghép sống nhưng không phục hồi được chức năng cũng không có tác dụng. Ngoài ra, bệnh nhân đã cụt cẳng tay 4 năm, khối cơ chằng chịt không hoạt động là một khó khăn lớn với các thầy thuốc.

“Kỹ thuật ghép tay khó hơn nhiều các ca ghép khác với tổng cộng 43 cơ ở vùng cẳng tay, bàn tay kèm theo cấu trúc da, mạch, gân, cơ, khớp, sụn, dây thần kinh. Khi ghép, bác sĩ phải kết nối tỉ mỉ toàn bộ để đảm bảo chức năng cho bệnh nhân sau ghép,” giáo sư Hoàng cho biết thêm.

“Để đánh giá kết quả của trường hợp này, tôi chỉ nói một câu: Thật tuyệt vời. Tại sao lại tuyệt vời? Bởi đây là một kỹ thuật rất phức tạp và Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới đi trước trong khi những nước có trình độ khoa học tiên tiến họ đi trước ta hàng chục năm.”

So với ghép tạng, bệnh nhân ghép chi thể phải dùng thuốc thải ghép phức tạp hơn rất nhiều: 10 ngày đầu dùng thuốc ức chế miễn dịch, sau đó bệnh nhân sẽ tiếp tục dùng thuốc thải ghép suốt đời nhưng liều giảm dần.

Giáo sư Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y, ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết có ý kiến nêu lên việc đánh giá kết quả này so với thế giới là điều rất khó, bởi nhiều nước trên thế giới họ chưa làm được ca phẫu thuật như thế này nên chúng ta không thể so sánh được cái đã làm và chưa làm.

“Để đánh giá kết quả của trường hợp này, tôi chỉ nói một câu: Thật tuyệt vời. Tại sao lại tuyệt vời? Bởi đây là một kỹ thuật rất phức tạp và Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới đi trước trong khi những nước có trình độ khoa học tiên tiến họ đi trước ta hàng chục năm,” giáo sư Khánh nhấn mạnh.

Giáo sư Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó là những thành tựu trong kết quả cấy ghép, tại sao các nước chưa làm trong khi họ cũng mong muốn thực hiện? Để làm được việc này thì cần có cơ hội có một nạn nhân chấn thương một chi và chi đó không thể ghép lại được cho bệnh nhân đó, phải bỏ đi thì cơ hội đó rất hiếm. Hiếm có trường hợp nào bị chấn thương đứt rời chi phải bỏ đi nhưng lại đủ điều kiện ghép lại cho một bệnh nhân khác.

Thứ hai là giả sử gặp trường hợp có một chi mà không ghép được cho nạn nhân mà chỉ ghép được cho người khác thì không phải cơ sở nào cũng làm được. Bởi khi bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nặng, người thầy thuốc sẽ ưu tiên cứu chữa cho bệnh nhân đó, trước khi nghĩ đến việc ghép cho bệnh nhân khác.

“Việc đánh giá kết quả này so với thế giới là điều rất khó, bởi nhiều nước trên thế giới họ chưa làm được ca phẫu thuật như thế này nên chúng ta không thể so sánh được cái đã làm và chưa làm.”

Trường hợp thứ ba, nạn nhân đó đến trong trường hợp chi đã dập nát, không thể hồi phục lại được. Muốn ghép, có ý tưởng ghép cũng không ghép được nếu như không xử lý kịp trong vài giờ đồng hồ mà cần phải có sự chuẩn bị từ rất lâu. Điều này cho thấy, để làm được việc này thì cơ sở y tế đó cần một sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu mới chớp được thời cơ. Đó là ba lý do vì sao ít nước làm được và Việt Nam đã làm được một “kỳ tích” như vậy, điều đó chứng tỏ trình độ y học của Việt Nam rất tốt”.

Vị Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam nhấn mạnh thêm rằng khó khăn nhất của ghép chi là vấn đề chống thải ghép. Đây là trường hợp ghép đầu tiên và rất mới, các bác sỹ của bệnh viện đã làm thành công dựa vào kinh nghiệm của thế giới 89 trường hợp đã được ghép chi. Kinh nghiệm đó rất quý, nhưng không phải là giá trị quyết định mà nội hàm ở thành công đó chính là kiến thức cơ bản của các phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm. Có thể nói rằng, các bác sỹ của bệnh viện có kinh nghiệm để điều trị thành công cho bệnh nhân này trong hơn 1 tháng qua, điều này thể hiện được trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam cao và đáng tự hào.

Vương tập vận động bàn tay với quả bóng bàn. (Ảnh: T.G/Vietnam+_

“Trước đây chúng ta chưa làm được kỹ thuật này, phần lớn chân, tay bị tai nạn không may bị hỏng sẽ bị cắt, chôn hoặc thiêu trong khi những phần thừa này hoàn toàn có thể ghép được cho người khác, Đây là nguồn cho chi hiến tặng rất lớn. Bản thân người hiến tặng cẳng tay cho anh Vương cũng đã được đưa vào danh sách chờ ghép khi có người hiến tặng cánh tay. Vì vậy, khi thực hiện ca phãu thuật này một câu hỏi được đặt ra rất lớn và trăn trở, nếu mình không ghép thì không biết đến bao giờ mới thực hiện được, ghép ra, mô, gân, cơ…,” giáo sư Bàng chia sẻ.

Chính vì vậy, thành công của ca ghép này sẽ mở ra nhiều cơ hội được nối lại cơ thể hoàn thiện cho những bệnh nhân không may bị cụt chi thể do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, do chiến tranh.

Sau hơn 1 tháng ghép tay, cho đến nay, bàn tay trái của bệnh nhân Vương đã có thể cử động, cầm nắm khá thuận lợi. Hai tay cầm chặt chiếc mico, Vương nghẹn ngào chia sẻ: “Đây như là một điều kỳ diệu mà tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi xin gửi tới các thầy thuốc của Bệnh viện 108, người hiến tạng và gia đình của người đã hiến tặng bàn tay một lời cảm ơn sâu sắc nhất. Chính họ đã giúp tôi có được bàn tay có thể cử động, cầm nắm mọi thứ như ngày hôm nay”./.

Anh Vương chia sẻ tại cuộc họp công bố. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Exit mobile version