Đảng viên trẻ

vnp9594-1580629891-62.jpg

                           Lời tòa soạn

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Vai trò của thanh niên, đặc biệt là các Đảng viên trẻ vẫn luôn được đánh giá cao và là một trong những động lực quan trọng để trẻ hóa cũng như tăng cường sức chiến đấu của Đảng.

Trên tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau,” các đảng viên trẻ khắp cả nước, dù ở vùng biên viễn xa xôi hay ở các thành thị lớn trong nhiều năm qua vẫn luôn mạnh dạn đi đầu để thay đổi tư duy, đổi mới mô hình sản xuất, phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Kế thừa giá trị của các thế hệ trước, tới lượt mình, các đảng viên trẻ tiếp tục phát huy vai trò cốt lõi của mình công tác xây dựng và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), VietnamPlus xin gửi tới bạn đọc chùm bài Đảng viên trẻ: Những lời thề bừng cháy sức thanh xuân.

“Chúng tôi đến với Đảng bằng cả tấm lòng trong sáng”

Năm nay đã 94 tuổi nhưng cụ Nguyễn Hữu Phúc (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức Đào tạo-Bộ Văn hóa và Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vẫn chưa thể quên được ngày ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

75 năm trước: Những ký ức không quên

Ông rưng rung nhớ lại: “Năm ấy, khi còn là một cậu thanh niên 16 tuổi đang học tại trường Bưởi, tôi đã bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng tại Thủ đô. Một năm sau, tôi được đồng chí Lê Quang Đạo [Nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng thành phố Hà Nội giai đoạn 1943-1944-PV] cho đi học lớp huấn luyện đào tạo Đảng viên tại Cẩm Giàng, Hải Hưng cũ.”

Lặng đi chừng vài phút, ông giải thích, lớp học khi đó mang tên Hoàng Văn Thụ – người chiến sỹ vừa hy sinh. Cái tên ấy luôn nhắc nhở những chàng trai mười tám, đôi mươi rằng: Một người đảng viên ngã xuống thì sẽ có thêm một lớp đảng viên trẻ khác sẵn sàng nối bước đi lên.

Ông Nguyễn Hữu Phúc – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức Đào tạo-Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trải qua rèn luyện, năm 1944, cậu trai 17 tuổi Nguyễn Hữu Phúc đã chính thức đứng dưới lá cờ Đảng, thuộc chi bộ thanh niên (gồm năm người). Cùng với hơn 20 đồng chí khác của Hà Nội và Trung ương, nhóm đảng viên ấy lại lao mình vào chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 lịch sử diễn ra chỉ hơn 1 năm sau đó.

75 năm trôi đã trôi qua, chàng thanh niên ấy nay đã lưng còng, tóc bạc. Thế nhưng, bằng trí nhớ mẫn tiệp, ông vẫn kể rành rọt những tháng ngày đỏ lửa để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám.

Trước yêu cầu của lịch sử, nửa cuối năm 1944, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập với nòng cốt là các Đảng viên vừa được kết nạp từ lớp học Hoàng Văn Thụ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy Hà Nội, các thành viên đã in phát truyền đơn, công khai tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở các khu vực đông người, tổ chức mít-tinh, diễn thuyết… khích lệ mạnh mẽ tinh thần yêu nước trong thế hệ thanh niên cũng như các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

“Chúng tôi đã tìm nhiều cách để đưa những bó truyền đơn đi xa nhất có thể; khi thì trực tiếp đi rải, lúc lại buộc hờ ở một nơi nào đó đợi gió mang đi. Bên cạnh đó, anh em cũng tổ chức các cuộc diễn thuyết chớp nhoáng ngay trên đường phố hay những khu đông người ngay trước mũi cảnh sát. Những cuộc diễn thuyết ấy chỉ kéo dài chớp nhoáng vài ba phút; rồi người nói sẽ nhanh chóng biến đi để lại lá cờ đỏ sao vàng lại,” ông Phúc hồi tưởng.

Đến trước ngày Tổng khởi nghĩa, hàng nghìn thanh niên đã được tập hợp, đứng vào trận tuyến cách mạng. Ngọn lửa lý tưởng đã rừng rực cháy trong tim mỗi người.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, đội ngũ thanh niên cách mạng Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh. Đến trước ngày Tổng khởi nghĩa, hàng nghìn thanh niên đã được tập hợp, đứng vào trận tuyến cách mạng. Ngọn lửa lý tưởng đã rừng rực cháy trong tim mỗi người.

Đoàn viên thanh niên cứu quốc của ông đã tham gia và đi đầu trong hầu hết các cuộc đấu tranh, các hình thức đấu tranh, tác động đến sự phát triển của các tổ chức cứu quốc khác trong Mặt trận Việt Minh. Đây cũng đồng thời là lực lượng xung kích của các khối quần chúng tham gia tuần hành vũ trang chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Trại Bảo an binh ngày 19/8… đưa cuộc khởi nghĩa của nhân dân Hà Nội đến thắng lợi.

Ông Nguyễn Hữu Phúc nhấn mạnh: “Thanh xuân của mình cũng chính là thanh xuân của Đảng và thế hệ của ông đã đến với Đảng bằng tấm lòng trong trắng nhất.” (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhìn lại những năm tháng đã qua, ông bảo: “Thanh xuân của mình cũng chính là thanh xuân của Đảng và thế hệ của ông đã đến với Đảng bằng tấm lòng trong trắng nhất.”

“Ngày ấy, chúng tôi luôn nghĩ trách nhiệm của thanh niên (đặc biệt là đảng viên trẻ) là phải góp phần mang lại độc lập cho Tổ quốc. Trong chúng tôi, không ai màng tới quyền lợi hay danh vị mà chỉ cố gắng bằng mọi cách hoàn thành nhiệm vụ được giao,” ông tâm sự.

Lễ kết nạp đặc biệt tháng Hai lịch sử

75 năm sau ngày cụ Nguyễn Hữu Phúc vinh dự được đứng dưới cờ Đảng, một lễ kết nạp đặc biệt lại được tổ chức ngay giữa lòng Thủ đô.

Sáng 1/2, tại hai địa điểm lịch sử Nhà lưu niệm 90 Thợ Nhuộm và di tích Nhà số 5D Hàm Long, hai quần chúng tiêu biểu đại diện cho Đoàn viên, thanh niên Hà Nội đã được kết nạp vào đội ngũ của Đảng.

Đảng viên trẻ Nguyễn Mai Anh tuyên thệ trước ngọn cờ Đảng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đứng trang nghiêm tuyên thệ trước ngôi nhà số 90 Thợ Nhuộm, nơi đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng viết bản dự thảo Luận cương chính trị, đảng viên trẻ Nguyễn Mai Anh không giấu nổi niềm xúc động xen lẫn tự hào.

Đảng viên trẻ sẽ đóng vai trò là thế hệ kế thừa và phát huy di sản cha anh đi trước để lại.

Chia sẻ cảm xúc ngay sau lễ kết nạp Mai Anh, cán bộ Ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội tâm sự: “Đây là một dấu ấn lớn trong cuộc đời tôi. Bản thân tôi nhận thấy trách nhiệm của một tân đảng viên cần luôn luôn trau dồi đạo đức, rèn luyện, phát triển bản thân mình, để trở thành tấm gương cho đoàn viên, thanh niên Thủ đô tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện bản thân trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Nguyễn Mai Anh là cựu sinh viên Học viện Thanh Thiếu niên, được Thành phố Hà Nội tuyên dương là thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp năm 2018.

Nguyễn Mai Anh chia sẻ sau lễ kết nạp Đảng viên mới. (Video: Tùng Lâm/Vietnam+)

Mai Anh nhận công tác tại Ban Tuyên giáo Thành Đoàn Hà Nội từ năm 2018. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của bản thân Mai Anh, cũng như sự hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển của Thành đoàn Hà Nội.

Mai Anh cho biết thêm, mỗi đảng viên đều đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước theo những cách khác nhau, trong đó, đảng viên trẻ sẽ đóng vai trò là thế hệ kế thừa và phát huy di sản cha anh đi trước để lại.

“Việc được kết nạp tại một địa danh lịch sử – nơi đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng viết bản dự thảo Luận cương chính trị càng cho tôi ý thức rõ hơn về trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng tôi trong việc xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,” Mai Anh tâm sự.

Thanh niên và đặc biệt là các Đảng viên trẻ luôn tạo nên sức bật mới cho tổ chức Đảng

Nhấn mạnh việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn, vừa mang tính trước mắt, thường xuyên, vừa mang tính chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân ta, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt khẳng định đội ngũ đảng viên trẻ phải là lực lượng nòng cốt, tiên phong, gương mẫu đi đầu tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thực tế lịch sử suốt 90 năm qua đã chứng minh, thanh niên và đặc biệt là các Đảng viên trẻ luôn tạo nên sức bật mới cho tổ chức Đảng. Đây vừa là nguồn sức mạnh bổ sung, vừa là động lực cho sự phát triển không ngừng của Đảng.

Nguyễn Mai Anh là cựu sinh viên Học viện Thanh Thiếu niên, được Thành phố Hà Nội tuyên dương là thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp năm 2018. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Có cùng quan điểm trên, người Đảng viên kỳ cựu Nguyễn Hữu Phúc đưa ra lời khuyên: “Thế hệ thanh niên, Đảng viên ngày nay đã có nhiều thuận lợi hơn chúng tôi ngày trước khi đã được học tập, giáo dục và trang bị đầy đủ và toàn diện hơn. Nhưng sẽ có một điều bất biến không thể thay đổi là chính thế hệ đôi mươi này sẽ tiếp tục là thanh xuân của Đảng. Đất nước đã cho mình nhiều thứ, đến lượt mình, các Đảng viên sẽ luôn phải cháy hết mình để báo đáp lại cho Tổ quốc, non sông.”

“Điều quan trọng là người Đảng viên phải luôn xác định được mình đứng ở đâu, thực hiện đường lối của Đảng như thế nào để Đảng viên luôn là người đi đầu, đứng mũi chịu sào trong cuộc sống,” ông Phúc nhấn mạnh./.

Bí thư 9X

Người mở đường chuyển đổi cây trồng ở vùng biên Tả Cổ Thàng

5 giờ sáng ở Tà Cổ Thàng (thôn xa nhất của xã biên giới Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai), ánh sáng bắt đầu loang lổ nhưng sương trắng vẫn dày đặc, cuộn đầy trên những dãy cây dại còi cọc. Dù đã khoác chiếc áo dày sụ nhưng hơi lạnh sáng sớm vẫn khiến Vừ A Các không khỏi rùng mình.

Từ căn nhà mới dựng trên một mỏm núi cheo leo, chàng trai Mông sinh năm 1994 xoa hai bàn tay vào nhau để tạo hơi ấm, dõi đôi mắt đầy ưu tư về phía con đường núi cheo leo. Cả thôn bao gồm 54 hộ thì có tới 24 hộ nghèo. Nén tiếng thở dài, Bí thư chi bộ thôn Tả Cổ Thàng Vừ A Các khoác gùi lên vai, vội vã leo dốc, men theo con đường mòn để lên nương, tiếp tục hành trình chuyển đổi mô hình cây trồng với mong muốn cùng đồng bào nơi biên viễn cải thiện đời sống.

Tiên phong mở đường

“Nếu tôi không đi trước, thí điểm thành công thì sẽ không thể khuyến khích, động viên đồng bào cùng làm theo,” Bí thư Vừ A Các chia sẻ. Ở Tả Cổ Thàng, cái nghèo vẫn hiện hữu rõ trong những căn nhà trống hoác được quây tạm bằng những tấm bạt sờn cũ hay những bức tường đất nứt toác…

Bí thư chi bộ thôn Tả Cổ Thàng bảo, ở nơi địa hình hiểm trở, ít đất canh tác, thời tiết khắc nghiệt này, nếu chỉ trông chờ vào cây ngô thì cái đói vẫn cứ mãi bám riết lấy cuộc sống của người dân.

Chân dung Bí thư chi bộ thôn Tả Cổ Thàng Vừ A Các. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Bởi vậy, Bí thư Vừ A Các đã mạnh dạn đi tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng, thay thế cây ngô bằng cây dược liệu. Bên bếp lửa bập bùng cháy để xua bớt cái lạnh tê tái của miền biên viễn, Vừ A Các nhớ lại: “Đó là thời điểm giữa tháng 8/2016, trong một buổi họp chi bộ, tôi đã đề xuất ý tưởng trồng cây đương quy và kêu gọi các đảng viên khác cùng triển khai.”

Thế nhưng, ở thời điểm đó, đồng bào Mông ở Tả Cổ Thàng vẫn chỉ quen với cây ngô, cây sắn nên những đảng viên còn lại trong chi bộ tỏ ra hồ nghi trước ý tưởng “kỳ lạ” này. Đến bây giờ, Vừ A Các vẫn nhớ như in ánh mắt nghi ngại câu nói của các thành viên trong buổi họp hôm đó: “Nếu Bí thư làm thành công trước thì chúng tôi mới làm theo!”

Dù có phần hụt hẫng nhưng Bí thư Vừ A Các vẫn quyết tâm hiện thực hóa ý tưởng. Anh kể, thời điểm đó, hạt giống đương quy có giá 4 triệu/kg. Với người Mông ở Tả Cổ Thàng – nơi mà đến bây giờ vẫn chưa có điện lưới quốc gia, đó là một khoản tiền không hề nhỏ. Sau khi đắn đo, cân nhắc, Vừ A Các chỉ dám mua hai lạng hạt giống về trồng thử.

Ngoài tiền giống, anh đầu tư thêm 1 triệu đồng để mua nilon phủ chống sương. “Thú thực, vì chưa học qua trường lớp đào tạo bài bản về nông nghiệp nên tôi cũng chỉ vừa làm vừa học, tự mày mò, tìm đọc các loại tài liệu, sách báo về đặc tính, yêu cầu kỹ thuật của giống cây để áp dụng. Ví dụ, tôi đào luống sâu hơn, bắc nước từ các khe núi về xung quanh để ngăn chuột vào phá cây,” Bí thư Vừ A Các cho hay.

Năm đó, sau quãng thời gian vừa hồ nghi vừa hồi hộp chờ đợi kết quả, gia đình Vừ A Các thu được 17 triệu đồng sau khi bán sản phẩm (cao gấp khoảng hai đến ba lần so với việc trồng sắn).

Nhận thấy tín hiệu khả quan từ mô hình mới, nhiều hộ gia đình ở Tả Cổ Thàng đã tìm tới Bí thư chi bộ thôn để học hỏi kinh nghiệm, cách làm.

Ở Tả Cổ Thàng, không phải ai cũng biết chữ và hiểu tiếng Kinh. Bởi thế, Bí thư Vừ A Các đã đến tận nương, ruộng của các hộ gia đình để chỉ dẫn trực tiếp kỹ thuật, tự phiên dịch thông tin trong sách, báo sang ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số để truyền đạt. Không chỉ có vậy, anh còn mạnh dạn đề nghị xã hỗ trợ, cấp giống để đồng bào trong thôn trồng.

Khát vọng đổi thay

Sau những phút hồi tưởng về thời gian đầu mạnh dạn đi “một mình một hướng,” Bí thư Vừ A Các bỗng lặng đi, hướng ánh nhìn về phía những mỏm núi phía xa xăm, giọng đầy ưu tư: “Con đường thoát nghèo của đồng bào vẫn chông chênh như những con đường bám núi nơi này.”

Con đường thoát nghèo của đồng bào vẫn chông chênh như những con đường bám núi nơi này

Thời tiết ở Tả Cổ Thàng mưa nhiều nên một lượng không nhỏ cây đương quy bị thối củ. Hơn nữa, với cây đương quy, người dân trong thôn không có sự hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật, ví dụ như chưa biết cách đánh luống hợp lý để ngăn chặn sự phá hoại (đào rễ) của chuột. Bởi vậy, quá trình trồng, thu hoạch gặp nhiều trở ngại.

Điều này khiến vị Bí thư chi bộ trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết một lần nữa phải “đau đầu,” trăn trở tìm một hướng đi khác. Trong một lần tới xã Ngải Thầu (Bát Xát) vào năm 2018, Vừ A Các được biết tới cây sâm đất – một loại cây không tốn phân bón, không có nhiều sâu bệnh, được các thương lái chủ động tìm đến thu mua.

“Lần này, tôi lại mạnh dạn một mình rẽ hướng mới. Tôi sử dụng số tiền phụ cấp của bản thân (3 triệu đồng/tháng) để đầu tư trồng sâm đất. Rất may mắn, từ đó đến nay, thu nhập của gia đình tôi từ việc trồng sâm đất (trên diện tích khoảng 1ha) đạt từ 50-70 triệu đồng/năm, cao hơn mức thu nhập trung bình của thôn khoảng hai lần,” Bí thư Vừ A Các kể.

Đặc biệt, hiện nay, cây sâm đất có đầu ra ổn định khi các thương lái, đơn vị sản xuất trực tiếp về Tả Cổ Thàng thu mua. Nhờ vậy, một lần nữa, Bí thư chi bộ 9X động viên, khuyến khích được các hộ dân làm theo một mô hình mới để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Vừ A Các từng có 2 năm đảm nhận vai trò Bí thư chi đoàn thôn Tả Cổ Thàng. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Từ đó, uy tín của vị Bí thư trẻ tuổi trong cộng đồng người Mông ở Tả Cồ Thàng không ngừng được nâng cao. Với “lửa” nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự năng nổ trong các hoạt động đoàn thể, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Vừ A Các là một trong số ít đoàn viên được cử đi học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng. Vừ A Các từng có 2 năm đảm nhận vai trò Bí thư chi đoàn thôn Tả Cổ Thàng. “Điều này giúp tôi có những kinh nghiệm trong việc vận động đồng bào từ bỏ hủ tục, cho con em tới trường, sắp xếp và tổ chức những công việc của tập thể,” Vừ A Các nhớ lại.

Anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng từ năm 2015. Dẫu vậy, khi chính thức đảm nhận vai trò Bí thư chi bộ thôn (từ tháng 5/2016), Vừ A Các không tránh được sự hoài nghi, những câu hỏi thắc mắc từ nhiều người.

Khi chính thức đảm nhận vai trò Bí thư chi bộ thôn, Vừ A Các không tránh được sự hoài nghi, những câu hỏi thắc mắc từ nhiều người.

“Sự nghi ngại ấy kéo dài trong khoảng nửa năm. Vấn đề này cũng không phải là điều khó hiểu bởi khi đó, tôi là đảng viên trẻ nhất trong chi bộ,” Bí thư Vừ A Các kể lại.

Thế nhưng, bằng việc đề xuất, đi đầu triển khai và thu được những thành công nhất định trong việc chuyển đổi mô hình cây trồng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, anh đã xóa tan được những nghi ngại ban đầu, nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của các đảng viên trong chi bộ nói riêng và của đồng bào Mông ở Tả Cổ Thàng nói chung.

“Không chỉ hỏi về kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm chọn mua cây giống…, nhiều người dân còn tìm tới tôi để kể, chia sẻ và xin ý kiến góp ý về cách xử lý những mâu thuẫn, việc riêng trong gia đình,” Bí thư chi bộ 9X hào hứng kể.

Vừ A Các cho biết từ khi đảm nhận cương vị này, anh và chi bộ đã giới thiệu kết nạp Đảng được cho hai đoàn viên ưu tú, đều là những người trẻ tuổi (sinh năm 1992, 1989). Hiện nay, chi bộ thôn Tả Cổ Thàng có sáu đảng viên, trong đó, đảng viên lớn tuổi nhất 57 tuổi.

“Do điều kiện địa hình nên 54 hộ của thôn sinh sống rải rác. Mặc dù ở cùng một thôn nhưng việc di chuyển từ hộ này sang hộ kia có khi mất hàng giờ đi bộ, trèo đèo, vượt núi,” Bí thư Vừ A Các cho hay.

(Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Bởi vậy, chi bộ chia tổng số hộ thành các nhóm nhỏ, sau đó, phân công mỗi đảng viên phụ trách một nhóm trong việc vận động đồng bào cho con em tới trường, xóa bỏ hủ tục, tập trung phát triển kinh tế để nâng cao đời sống…

“Chúng tôi vận động thanh niên tích cực tham gia các phong trào đoàn thể, mặt trận; từ đó lựa chọn những gương mặt ưu tú giới thiệu đi học lớp cảm tình Đảng và kết nạp Đảng. Tuy nhiên, việc tìm kiếm, bồi dưỡng thế hệ đảng viên trẻ khá khó khăn bởi nhiều thanh niên rời quê hương đi làm việc ở nơi xa. Từ nay đến hết năm 2020, chi bộ đặt mục tiêu kết nạp thêm hai đảng viên mới,” Bí thư Vừ A Các cho biết./.

Những hạt giống đỏ trên biên cương Tổ quốc

Tính đến thời điểm đầu năm 2020, mô hình nuôi cá hồi, cá tầm nước lạnh do các Đảng viên trẻ người Dao khởi xướng tại Dền Sáng (Bát Xát, Lào Cai) đã đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sự chuyển mình của vùng đất cằn cỗi trên đỉnh trời Tây Bắc gắn chặt với vai trò của những hạt giống đỏ đã được gieo trên miền phên dậu biên cương Tổ quốc.

Ao cá hồi đổi đời của Đảng viên 9x

Từ thành phố Lào Cai, phải mất gần 2 giờ đồng hồ, chiếc xe cà tàng mới có thể đưa chúng tôi lên tới xã Dền Sáng, huyện Bát Xát. Con đường độc đạo duy nhất nối với mảnh đất nằm ở lưng chừng trời đã xuống cấp nghiêm trọng sau nhiều đợt mưa lũ kéo dài.

Nằm ở trung tâm Dền Sáng, thôn Ngải Chồ vắt mình trên lưng chừng đèo. Chiều cuối năm, những dải mây trắng đục sà sát xuống mặt đường chốc lở khiến cái lạnh càng trở nên căm căm hơn.

Biết có khách từ dưới xuôi lên thăm, Hoàng Kim Tả – người Đảng viên trẻ măng mới 27 tuổi xăm xắm ra đón chúng tôi từ ngay chân đèo. Nhìn cậu trai người Dao gầy nhẳng, dong dỏng cao, quần áo lấm bẩn, không ai nghĩ đây lại là ông chủ của mô hình nuôi cá nước lạnh đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Dẫn chúng tôi men theo con đường đá gồ ghề để vào khu trang trại được xây dựng khang trang nằm sâu dưới hẻm núi, Tả kể: “Thôn Ngải Chồ có 100% hộ là người Dao đỏ. Trước đây, bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng cấy. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên năng suất thường không cao.”

Chỉ tay lên ngọn núi cao chót vót án ngữ trước mặt, Tả bảo: Địa hình quá cao và dốc khiến cho đất Ngải Chồ không giữ được chất màu. Thêm vào đó, lũ ống, lũ quét bất thình lình lại đổ xuống khiến cho việc canh tác hết sức khó khăn. Người Dao lại có thói quen độc canh cây lúa nên trong suốt nhiều năm, đời sống của Ngải Chồ nói riêng và Dền Sáng nói chung vẫn còn vất vả.

Nhận thức được điều ấy, chi bộ Đảng do cho Tả – bí thư Hoàng Kim Siểu (sinh năm 1972) đứng đầu đã nhóm họp lại với nhau. Phải tìm ra cách để Ngải Chồ thoát nghèo. Phải nghĩ ra hướng đi mới cho cộng đồng Dao đỏ nơi đây. Tại những buổi sinh hoạt chi bộ hàng tháng, 13 Đảng viên thôn Ngải Chồ lại bóp đầu, nhăn trán tính kế thoát nghèo cho địa phương mình.

Tại những buổi sinh hoạt chi bộ hàng tháng, 13 Đảng viên thôn Ngải Chồ lại bóp đầu, nhăn trán tính kế thoát nghèo cho địa phương mình

“Chúng tôi chia nhau đi tới các địa phương có điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tương tự với Dền Sáng để tìm hiểu và học hỏi các mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi mới. Sau mỗi chuyến đi, mọi người lại ngồi với nhau để cùng nên ra ý kiến của mình về mỗi cách làm liệu có phù hợp với địa phương hay không,” Tả nhớ lại.

Đến đầu năm 2018, Tả quyết tâm bắt tay vào làm mô hình nuôi cá nước lạnh sau chuyến tham quan học hỏi tại Sa Pa.

Nhớ lại quyết định của mình khi ấy, Tả bảo đến tận bây giờ, anh cũng không dám nghĩ mình lại có thể “liều” đến mức độ ấy. Cả bản còn chưa biết con cá tầm, cá hồi hình dáng ra sao, sống như thế nào; ấy vậy mà Tả lại cùng 3 Đảng viên trẻ khác trong chi bộ dám vay mượn cả trăm triệu để đầu tư tiền giống và xây chuồng trại.

“Lúc đó, tôi cũng chỉ nghĩ tới lời dạy của Bác: Cán bộ, Đảng viên phải xông xáo, nhiệt tình, gương mẫu. Nếu mình không mạnh dạn làm trước thì người dân sao dám tin và làm theo,” Tả thành thật kể.

Dốc hết vốn liếng trong nhà, Tả cùng bố cũng là bí thư chi bộ thôn ngày ngày tự tay xây bể chứa, rồi lại mua ống, bắc đường dẫn nước sạch từ trên đỉnh núi cao về bể. Những sự nghi ngại cho “hai gã khùng” không lo trồng lúa mà đi nuôi cá viển vông vẫn cứ xì xầm bên tai. Nhưng cậu trai trẻ bản Ngải Chồ vẫn cứ lầm lũi làm.

Sau vài tháng, nhờ sức người và lòng kiên trì, 4 bể xi măng lớn đã được dựng lên giữa khoảng đất nhỏ nép mình bên thung lũng Dền Sáng. Nước lạnh buốt và trong vắt theo hệ thống đường ống được dẫn trực tiếp từ đỉnh núi về, chảy róc rách đêm ngày. Lứa cá hồi, cá tầm đầu tiên cũng được thả trong sự hồi hộp và lo lắng của hai thế hệ Đảng viên trong gia đình nhỏ ấy.

“Tổng số tiền cả của nhà, cả vay mượn ngân hàng ban đầu bỏ ra lên tới 300 triệu đồng. Đó thực sự là một gánh nặng rất lớn thời điểm mới bắt đầu. Nhưng nhìn hiệu quả của các mô hình tương tự, tôi vẫn quyết tâm làm và phải làm cho bằng được,” Tả quả quyết.

Trời không phụ lòng người. Dòng nước núi mẹ Bát Xát lại hợp với con cá Tả nuôi. Bầy cá ít bị dịch bệnh, cứ lớn dần lên theo những giọt mồ hôi Tả đổ xuống. Vừa nuôi, vừa mày mò học hỏi, thử nghiệm và mở rộng dần, tới cuối năm đó, vụ cá đầu tiên đã mang về cho Tả gần 200 triệu đồng.

“Khi ấy, tôi cứ nghĩ mình nằm mơ. Ở Ngải Chồ chưa từng có ai có thể thu được chừng ấy tiền từ làm nông nghiệp. 3 người khác trong chi bộ thôn cũng có thành quả tương tự càng khiến cho bà con tin hơn vào hướng đi mới này,” người Đảng viên trẻ tự hào.

Tính đến thời điểm hiện tại, thôn Ngải Chồ đã có hơn 10 hộ phát triển mô hình cá nước lạnh, đem lại thu nhập hàng năm từ 200-400 triệu đồng. Riêng gia đình bố con Đảng viên Hoàng Kim Siểu và Hoàng Kim Tả đang tiếp tục mở rộng đầu tư, xây mới thêm các bể nuôi mới.

“Cá tầm và cá hồi nuôi 1 năm sẽ được đánh bắt. Giá vào thời điểm thấp nhất cũng rơi vào khoảng 250.000 đồng/kg. Hơn nữa, do nhu cầu cao, thương lái sẽ tới tận bản để thu mua nên bà con sẽ không phải quá lo về đầu ra cũng như khâu vận chuyển. Chi bộ thôn Ngải Chồ hiện đang vận động những bà con có điều kiện chuyển đổi sang mô hình kinh tế có hiệu quả cao này,” Tả cho hay.

Đảng viên đi trước, làng nước theo sau

Đối với vùng biên cương, phên giậu Tổ quốc như Dền Sáng, vai trò đi đầu của Đảng viên, đặc biệt là các Đảng viên trẻ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nói như Tả, nếu Đảng viên không đi đầu, người dân sẽ không tin và không làm theo.

Quán triệt tinh thần ấy, từ nhiều năm qua, 13 Đảng viên trong chi bộ luôn là những người tiên phong. Trong phong trào vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới, gia đình bí thư Hoàng Kim Siểu và Hoàng Kim Tả đã hiến 185m2 đất, đóng góp 115 ngày công lao động để mở rộng và đổ bê tông xi măng 3,6km đường trục thôn.

Sự gương mẫu của các đảng viên trong chi bộ đã cuốn hút người dân trong thôn tích cực hưởng ứng, làm theo. Nhờ đó, từ năm 2012 đến năm 2018, người dân thôn Ngải Chồ đã hiến 5.000 m2 đất, góp hơn 3.600 ngày công để làm đường giao thông, công trình thủy lợi, nhà văn hóa.

Quan trọng nhất là đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 86% (năm 2000) xuống còn 38% (năm 2017), thu nhập bình quân đầu người đạt gần 14 triệu đồng/năm.

Thôn Ngải Chồ luôn là thôn đi đầu về phát triển kinh tế, văn hóa, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Chi bộ thôn Ngải Chồ cũng là chi bộ điển hình của xã trong việc phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội.

Những ngày cuối năm, khi đến với Ngải Chồ, chúng tôi vô cùng ấn tượng với những nếp nhà gọn ghẽ nằm nép mình bên con đường bê tông được trải thẳng tắp, uốn mình bên những triền núi mờ sương. Đâu đó, bên những hàng rào đá, đào rừng đã nở bung, chuẩn bị đón Xuân về.

Ngải Chồ nói riêng, và cả một vùng Tây Bắc Tổ quốc nói chung đang cựa mình, bừng lên sức sống mới từ chính những hạt giống đỏ được gieo trên đất rừng biên cương.

Ngải Chồ nói riêng, và cả một vùng Tây Bắc Tổ quốc nói chung đang cựa mình, bừng lên sức sống mới từ chính những hạt giống đỏ được gieo trên đất rừng biên cương.

Câu chuyện về những đảng viên trẻ tìm hướng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đã mở ra một hướng đi trong việc phát triển đời sống kinh tế-xã hội ở vùng biên giới như Bát Xát (Lào Cai).

Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều năm trở lại đây, Bát Xát đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành “điểm sáng” của tỉnh Lào Cai về phát triển kinh tế-xã hội. Bà Giàng Thị Dung – Bí thư Huyện ủy Bát Xát cho biết tốc độ tăng trưởng bình quân trên địa bàn huyện đạt 14,7%/năm, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 37 triệu đồng/người/năm (tăng 11,1 triệu đồng so với năm 2015), trung bình mỗi năm giảm từ 6-7% hộ nghèo trên toàn huyện…

Kết quả này có sự đóng góp tích cực từ các đảng viên, đặc biệt là các đảng viên trẻ tiên phong trong việc tiên phong chuyển đổi mô hình kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Mô hình kinh tế mới của các đảng viên ở độ tuổi đôi mươi nằm trong quá trình vận động, phát triển chung của kinh tế nông nghiệp địa phương theo hướng hàng hóa, hình thành một số vùng, chuỗi sản xuất có giá trị kinh tế cao như cá nước lạnh, rau an toàn, rau trái vụ khu vực Ý Tý, Cốc San, Quang Kim…

Đi đôi với phát triển kinh tế xã hội, Đảng bộ huyện Bát Xát luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, trong đó, công tác cán bộ được coi là then chốt bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là gốc của mọi việc,” “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.”

Cụ thể, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân huyện Bát Xát luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc lịch sử: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.”

Công tác kết nạp Đảng viên, củng cố chi bộ được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Năm 2005, huyện đã xóa thôn bản chưa có Đảng viên, tăng số lượng đảng viên từ 727 người (năm 1991) lên 3.189 đảng viên (hiện nay).

Ngoài ra, hiện nay, 100% thôn bản có chi bộ độc lập, công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ được huyện quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh các địa phương đang ráo riết chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, công tác xây dựng, phát triển Đảng ở Bát Xát càng được tập trung chú trọng.

Câu chuyện ở những Ngải Chồ, Tả Cổ Thàng… là một ví dụ điển hình cho thấy sức bật trong phát triển kinh tế, xã hội tại khu vực biên giới từ động lực chính là thế hệ những Đảng viên 9x giàu khát vọng./.

“Phát triển Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt”

Với tư cách là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc tự giác, thường xuyên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong thời gian qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên.

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Ngọc Việt, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Thành đoàn Hà Nội về vai trò của đảng viên trẻ trong việc nâng cao sức chiến đấu, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đặc biệt quan tâm tới chất lượng đảng viên

– Vai trò của đảng viên trẻ, đoàn viên, thanh niên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa anh?

Anh Nguyễn Ngọc Việt: Thế hệ trẻ chúng tôi rất tự hào sống trong những ngày cả nước kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi đã phát động đợt thi đua “Tuổi trẻ Việt Nam sắt son niềm tin với Đảng,” qua đó giáo dục đoàn viên, thanh niên về lịch sử và quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng.

Thông qua những sinh hoạt chính trị đó, với vai trò là tổ chức chính trị xã hội của thanh niên, tổ chức Đoàn sẽ bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin cho thế hệ trẻ, thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên trẻ, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Anh Nguyễn Ngọc Việt, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Thành đoàn Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

Mỗi đoàn viên, thanh niên cũng như tổ chức đoàn cơ sở có trách nhiệm tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong bối cảnh hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đấu tranh trên không gian mạng. Tổ chức đoàn phải tiên phong, làm chủ, xây dựng cho các đảng viên trẻ, đoàn viên, thanh niên có “sức đề kháng” và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch đồng thời tuyên truyền những thành tựu trên nhiều mặt của công cuộc Đổi mới đất nước.

– Với riêng thành đoàn Hà Nội, công tác phát triển đảng viên trẻ có đặc thù thế nào, thưa anh?

Anh Nguyễn Ngọc Việt: Hà Nội có lợi thế là nơi tập trung đông đảo đoàn viên, thanh niên là tri thức trẻ. Với vai trò tổ chức đoàn thanh niên của thành phố, chúng tôi thường xuyên tổ chức các phong trào hành động cách mạng để tạo môi trường thực tiễn sinh động cho đoàn viên, thanh niên ở các khối (đặc biệt là khối các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô) rèn luyện, phát huy năng lực, sức sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Đảng không chỉ quan tâm phát triển số lượng đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ mà còn đặc biệt chú ý đến việc nâng cao chất lượng đảng viên. Tổ chức Đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu những đoàn viên, thanh niên ưu tú để phát triển lực lượng đảng viên trẻ.

Tổ chức Đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu những đoàn viên, thanh niên ưu tú để phát triển lực lượng đảng viên trẻ.

Thành đoàn Hà Nội tập trung xây dựng các phong trào hoạt động cho đoàn viên, thanh niên khối các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, các bạn cần được giáo dục đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị để luôn tự hào về sự lãnh đạo của Đảng và con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả dân tộc đã chọn.

Đoàn Thanh niên thành phố luôn quan tâm công tác phát triển Đảng trong đoàn viên, thanh niên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đoàn, tham gia xây dựng Đảng nhằm bổ sung lực lượng đảng viên mới, đảm bảo sự kế thừa, phát triển, tạo điều kiện rèn luyện và phát huy hơn nữa vai trò, sức mạnh của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

– Anh có thể cho biết những dấu mốc đáng tự hào của đảng viên trẻ Thủ đô trong suốt 90 năm lịch sử này?

Anh Nguyễn Ngọc Việt: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh được xác định là đội hậu bị, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Các đoàn viên, thanh niên luôn tự hào tiến bước dưới cờ Đảng, là đội hậu bị, sẵn sàng cùng Đảng, cùng khối đại đoàn kết toàn dân tộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Trong quá trình lịch sử, tuổi trẻ Thủ đô luôn là lực lượng tiên phong gương mẫu dẫn dắt phong trào thanh niên cả nước thực hiện theo tiếng gọi của Đảng. Từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, tuổi trẻ Thủ đô có phong trào “Ba sẵn sàng,” “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”…

(Video: Tùng Lâm/Vietnam+)

Trong công cuộc Đổi mới hiện nay, tuổi trẻ Thủ đô đi đầu trong việc phát triển kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên được tổ chức hiệu quả gắn với việc tuyên truyền về các ngày lễ kỷ niệm lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung với các đợt sinh hoạt chính trị cao điểm như: “Tuổi trẻ Thủ đô nhớ lời Di chúc theo chân Bác” kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Các phong trào hành động cách mạng (trong đó trọng tâm là phong trào thanh niên tình nguyện) đã được triển khai đa dạng, hiệu quả, thiết thực với nhiều mô hình mới, công trình sáng tạo, góp phần quan trọng vào việc xây dựng con người Hà Nội văn minh, Thủ đô xanh-sạch-đẹp-văn minh-văn hiến-hiện đại.

Thời gian qua, có 185 công trình thanh niên cấp huyện, 685 công trình thanh niên cấp xã với tổng giá trị thực hiện ước tính hơn 15 tỷ đồng. Nhiều mô hình tiêu biểu, hiệu quả được thực hiện như xây dựng thêm 270 tuyến “Đường hoa thanh niên,” triển khai khoảng 6.120m2 tranh tường bích họa với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ đồng…

Đặc biệt, trong năm 2019 vừa qua, công trình thanh niên cấp thành phố sửa chữa, nâng cấp, xây mới được 579 nhà vệ sinh thân thiện có tổng giá trị hơn 12 tỷ đồng…

Đảng viên trẻ phấn đấu để trở thành những chiến binh

– Quá trình hội nhập sâu rộng và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những thách thức, đòi hỏi gì đối với việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trẻ, thưa anh?

Anh Nguyễn Ngọc Việt: Đảng viên trẻ luôn có niềm tự hào về truyền thống cách mạng, lịch sử anh hùng của dân tộc. Mỗi giai đoạn lịch sử đặt ra những nhiệm vụ riêng cho các đảng viên trẻ.

Hiện nay, Đảng đang quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới, chỉnh đốn Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh đó, mỗi đảng viên trẻ càng ý thức sâu sắc trách nhiệm của bản thân, không ngừng học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn và bản lĩnh chính trị.

Đảng viên trẻ phải là những chiến binh về khởi nghiệp

Đảng viên trẻ phải là người đi đầu, tiên phong trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, chủ động áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế. Đó phải là những chiến binh về khởi nghiệp, lập nghiệp. Ở các khu vực đô thị, nông thôn, những đảng viên trẻ cần tích cực tham gia xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới.

– Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, có một số cán bộ, Đảng viên trẻ có biểu hiện suy thoái tư tưởng, đạo đức, bị xử lý kỷ luật. Ngoài ra, dư luận cũng đặt ra vấn đề phai nhạt lý tưởng Đảng, lý tưởng cách mạng trong một bố phận thanh niên. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

Anh Nguyễn Ngọc Việt: Trước những tác động từ sự thay đổi của của đời sống xã hội, một bộ phận nhỏ đảng viên trẻ, đoàn viên, thanh niên có những biểu hiện suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ ra vấn đề “nhạt Đảng, khô Đoàn” trong một bộ phận đảng viên trẻ, đoàn viên, thanh niên hiện nay.

Thực tế này đặt ra đòi hỏi tổ chức đoàn phải thay đổi phương thức hoạt động để tập hợp đoàn viên, thanh niên, giáo dục chính trị, tư tưởng để thanh niên nhận ra những tồn tại, khuyết điểm của mình.

Đảng luôn quan tâm, dành cơ hội cho cán bộ, đảng viên trẻ có điều kiện học tập, phát huy khả năng, trao cho họ những vị trí lãnh đạo trong các tổ chức. Người trẻ có lợi thế về trình độ, nhiệt huyết nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tế.

Đảng viên trẻ phải phấn đấu không ngừng học tập, trau đồi kiến thức, sẵn sàng đi đến những vùng khó khăn để thử thách, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm

Bởi vậy, tôi cho rằng, đảng viên trẻ phải phấn đấu không ngừng học tập, trau đồi kiến thức, sẵn sàng đi đến những vùng khó khăn để thử thách, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm; tránh tình trạng sớm thỏa mãn, dẫn đến chủ quan, mắc sai lầm.

– Vậy, Đoàn thanh niên thành phố đã có những chương trình hành động cụ thể nào để đưa nghị quyết vào cuộc sống, để việc giáo dục chính trị cho đoàn viên, thanh niên không bị khô cứng, giáo điều?

Anh Nguyễn Ngọc Việt: Trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, chúng tôi đã tập hợp các đảng viên trẻ để tham gia Câu lạc bộ lý luận trẻ. Các thành viên tổ chức hoạt động tuyên truyền, ứng xử văn minh trên mạng xã hội, có thể trực tiếp đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Trong năm 2020, các hoạt động sẽ được nâng tầm, đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức, tập trung vào các mô hình mới, cách làm sáng tạo. Các hoạt động tình nguyện phải thực chất, gắn với chuyên môn, đảm bảo cả về chất lượng và số lượng; không chỉ dừng lại trên địa bàn Thủ đô mà còn hướng tới triển khai tại các tỉnh miền núi, vùng khó khăn, thiên tai bão lũ.

Đặc biệt, Đoàn Thanh niên thành phố đặc biệt tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các đề án dài hạn như: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi Thủ đô,” “Phòng chống ma túy cho thanh thiếu niên Thủ đô,” “Tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho thanh thiếu niên Thủ đô”…

– Trân trọng cảm ơn anh!

Exit mobile version