Hành trình

bia1-1570949163-59.jpg

‘Thay da đổi thịt’

NHỜ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Tháng 12/2018, Việt Yên trở thành huyện đầu tiên của toàn tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn nông thôn mới – sớm 2 năm so với mục tiêu đã đặt ra trước đó. Với cách làm bài bản, khoa học, Việt Yên đã trở thành là điểm sáng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Việt Yên một chiều thu năm 2019.

Điều đầu tiên khiến những người khách lạ ngỡ ngàng là đâu đâu cũng gặp hình ảnh những luống hoa mười giờ, chiều tím… nở thắm hai bên đường. Những tuyến phố được quy hoạch khang trang, đường bê tông liên thôn thẳng tắp, gọn gàng. Trường học, nhà văn hoá, trụ sở làm việc, khu thể thao được sửa chữa, xây mới khang trang. Sau 1 năm hoàn thành về đích Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, diện mạo của huyện lỵ phía Tây tỉnh Bắc Giang đang không ngừng đổi thay.

Kể về những ngày đầu xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Việt Yên Nguyễn Đại Lượng không khỏi bồi hồi. Ông kể rằng, năm 2011, khi bắt đầu triển khai, Việt Yên có xuất phát điểm khá thấp. Bình quân mỗi xã mới hoàn thành 7/19 tiêu chí. Đa số tiêu chí chưa hoàn thành là về cơ sở hạ tầng và môi trường do cần nguồn lực lớn. Thu nhập ở khu vực nông thôn chỉ đạt mức 15,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 11,2%.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền trong giai đoạn này mới chỉ dừng ở mức sơ khai nên nhận thức của một bộ phận người dân hạn chế, tư tưởng vẫn trông chờ, ỷ lại vào cấp trên trong khi chính quyền còn lúng túng trong điều hành.

Sau khi rút kinh nghiệm, Việt Yên đã thực hiện một loạt các biện pháp đồng bộ như đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tạo các cơ chế, chính sách mở khuyến khích người dân và hệ thống chính quyền cùng chung tay vì mục tiêu chung. Cùng với đó, các tổ chức, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tích cực vận động nhân dân hiến đất mở đường, xây dựng hạ tầng nông thôn, đóng góp ngày công cứng hóa đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Chính quyền cũng vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, đường hoa, bóc gỡ biển quảng cáo, rao vặt…

“Chặng đường xây dựng nông thôn mới của huyện Việt Yên được chia làm 2 giai đoạn. Từ năm 2011 đến 2015 tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất; phát triển nông nghiệp hàng hoá. Giai đoạn tiếp theo kéo dài từ 2016-2019 tiếp tục hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra và về đích,” Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Việt Yên cho hay.

Xuyên suốt hai giai đoạn này, Việt Yên đã phát động hàng loạt phong trào, cuộc vận động: “Việt Yên chung tay xây dựng Nông thôn mới”, ‘‘Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Bên cạnh đó, huyện cũng ban hành cơ chế trích lại 100% phần vượt thu từ đấu giá quyền sử dụng đất cho các xã xây dựng nông thôn mới; trích thêm ngân sách huyện để khuyến khích các xã đầu tư ở lĩnh vực này; hay việc ban hành cơ chế hỗ trợ xi-măng để phát triển giao thông nông thôn.

Ngoài ra, huyện đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp để thực hiện. Tổng vốn huy động giai đoạn 2011 – 2018 đạt gần 3.000 tỷ đồng. Với nguồn lực này, huyện đã đầu tư xây dựng 940 công trình, mô hình sản xuất; cứng hóa hơn 360 km đường giao thông, 12 km kênh mương; xây mới hàng trăm phòng học, phòng chức năng, nhà văn hóa thôn và trạm y tế… mà không để nợ đọng vốn.

Thực hiện tiêu chí về môi trường, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập mỗi thôn một tổ vệ sinh môi trường và điểm thu gom rác thải (trừ thôn Nguyệt Đức vì sinh sống và làm ăn trên sông nước); hỗ trợ 100% phương tiện thu gom và thùng đựng rác cho các thôn, xã.

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, các mặt như y tế, giáo dục, văn hoá- xã hội cũng đặc biệt được chú trọng. Tính đến năm 2018, toàn huyện có 127/155 làng, khu phố văn hoá, hơn 40.000 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt gần 100%; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao.

Nhờ các giải pháp đồng bộ này, bộ mặt nông thôn tại huyện lỵ phía Tây Bắc Giang đã không ngừng đổi thay. Đây cũng chính là động lực cho việc Việt Yên về đích sớm vào cuối năm 2018.

Qua gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, Việt Yên đã thực sự thay da đổi thịt. Cuối năm 2018, Việt Yên trở thành địa phương đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Bắc Giang.

Đánh giá về quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên Nguyễn Đại Lượng cho biết, sau khi hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới và 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện đã thay đổi vượt bậc. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 39 triệu đồng/người/năm, tăng 2,3 lần so với trước khi xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 4,2%. Các phong trào xây dựng, bảo vệ làng quê sạch đẹp được phát huy tối đa.

Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất tập trung, thuận lợi đưa cơ giới hoá vào sản xuất, từ năm 2013, huyện đã triển khai thực hiện kế hoạch dồn điền đổi thửa gắn liền với xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Tới nay, trên địa bàn huyện đã thực hiện thành công dồn điền đổi thửa được gần 2.000 ha trên 30 thôn của 10 xã. Diện tích trung bình sau dồn đổi tăng gấp 2,5 lần diện tích trung bình trước đó. Việt Yên cũng xây dựng thành công 12 mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 423,8ha, cho giá trị kinh tế cao hơn từ 10-20%.

Đến nay, toàn bộ hệ thống đường xã, liên xã trên địa bàn huyện được cứng hóa; không còn đường thôn xóm lầy lội vào mùa mưa. Hệ thống thủy lợi bảo đảm phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai. 3/4 trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Hạ tầng thương mại nông thôn tại 17/17 xã được đảm bảo. Trên địa bàn huyện không có hộ ở nhà tạm, nhà dột nát. 100% số xã có nhà văn hóa đa năng, khu thể thao.

Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, Việt Yên xác định phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp dịch vụ là nội dung cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, huyện đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo trồng đến thu hoạch; xây dựng và hình thành các vùng sản xuất rau củ quả ứng dụng công nghệ cao. Nhờ nỗ lực này, tới nay trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao như: Xã Trung Sơn 20ha; xã Việt Tiến 50ha…

Với lợi thế là huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với 7 khu, cụm công nghiệp, Việt Yên đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông thôn.

Tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, Việt Yên đặt mục tiêu đến năm 2020 toàn huyện có 2-3 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 7-8 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, từng bước triển khai thực hiện các nội dung phấn đấu huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo ông Nguyễn Đại Lượng, để hoàn thành mục tiêu, thời gian tới, huyện Việt Yên sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Huyện sẽ tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn; phát triển các làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Ngoài ra, Việt Yên cũng sẽ đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa kết hợp với ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp, huyện tăng cường xã hội hóa trong giáo dục, y tế; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể./

Nhờ công nghệ cao

Năm 2017, anh Giáp Văn Trọng (xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, Bắc Giang) đã “đánh liều” khi đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà lưới trên diện tích đất rộng 5.000m2. Mặc dù chưa một ngày làm nông dân, nhưng ông chủ xưởng cơ khí vẫn quyết tâm sẽ làm giàu bằng nông nghiệp công nghệ cao trên chính quê hương mình.

Cũng giống như anh nông dân “nửa mùa” Giáp Văn Trọng, trong hơn 8 năm qua, nhiều hộ gia đình tại huyện Việt Yên, Bắc Giang đã thực sự đổi đời khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đây cũng chính là kết quả của chính sách đẩy mạnh mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới do huyện Việt Yên thực hiện trong suốt gần 10 năm qua.

Trọng “dưa” là cái tên không còn xa lạ với người dân xã Việt Tiến (Việt Yên, Bắc Giang). Biệt danh đặc biệt này đã gắn liền với ông chủ của hợp tác xã Đức Trọng vài năm trở lại đây theo cái cách rất… đặc biệt.

Dẫn chúng tôi vào thăm mô hình trồng dưa lưới của mình, Giáp Văn Trọng cười rổn rảng, bảo rằng: “Trước kia, có nằm mơ hai vợ chồng tôi cũng không dám nghĩ tới lúc mình sẽ làm nông, càng không nghĩ tới việc tên mình lại gắn với sản phẩm như thế này.”

Vốn là ông chủ của một xưởng cơ khí có tiếng trong xã, thế nhưng vào năm 2017, Giáp Văn Trọng bỗng… muốn làm nông nghiệp công nghệ cao.

“Lúc bấy giờ, đằng sau xưởng vợ chồng tôi còn có một mảnh đất rộng 5.000m2. Sau khi tham khảo nhiều mô hình, chúng tôi quyết định sẽ dồn sức đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới để trồng cây,” anh Trọng nhớ lại.

Nghĩ là làm, ông chủ xưởng cơ khí vốn chưa từng chân lấm tay bùn đã dốc vốn hơn 1 tỷ đồng cho thửa đất còn hoang hoải sau nhà. Những cột thép cao hơn chục mét bắt đầu được mọc lên. Sau vài tháng mướt mải, một dãy nhà màng được phủ kín nilon dần thành hình, bao phủ trọn vẹn khu đất.

Khi cơ sở hạ tầng đã có, bài toán khó tiếp theo là tìm giống cây trồng phù hợp. Ban đầu, vợ chồng anh tiến hành trồng rau sạch để cung cấp cho một số siêu thị và trường học quanh vùng. Tuy nhiên, giá đầu ra của sản phẩm lại không cao nên không đạt được hiệu quả. Sau 1 năm thử nghiệm, cặp nông dân tay ngang đã buộc phải chuyển hướng.

May mắn cho Trọng bởi vào năm 2018 đoàn cán bộ của Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang chọn trang trại của Hợp tác xã Đức Trọng để thử nghiệm mô hình trồng dưa lưới chất lượng cao. Ngày ngày, các kỹ sư nông nghiệp lúi húi cùng anh chị gieo trồng, theo dõi từng nhịp sinh trưởng của giống cây mới. Nhờ sự hỗ trợ này, cuối năm đó, vụ dưa đầu tiên đã được thu hoạch trong niềm vui vỡ oà của tất cả các thành viên.

“Cứ vừa làm, vừa học hỏi và xin chuyển giao công nghệ từ các cán bộ trường Nông lâm. Dần dần, chúng tôi quen được với tập tính của cây dưa lưới,” anh Trọng khoe.

Nói đoạn, anh vanh vách kể, trừ thời gian gieo hạt, cây dưa bình thường sẽ mất 65 ngày để thu quả. Đây là giống ưa nước nên hơn 1.200 cây đều được lắp đặt hệ thống tưới tự động tận gốc. Để đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh có hại, toàn bộ nguồn nước sử dụng đều được lọc rất tỉ mỉ từ hệ thống giếng khoan. Quy trình sản xuất áp dụng theo công nghệ của Israel đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, người trồng hầu như không phải sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hoá học.

“Ưu điểm của trồng dưa trong nhà màng là giúp kiểm soát tốt các yếu tố tác động đến cây trồng như thời tiết, sâu bệnh do đó có thể sản xuất được 3 vụ/năm, sản xuất trái vụ, giảm chi phí đầu tư, công lao động, tăng năng suất cây trồng gấp 3 – 4 lần so với phương pháp canh tác truyền thống,” anh Giáp giải thích.

Với sự nỗ lực, không ngừng học hỏi, sau 2 năm áp dụng mô hình mới, Hợp tác xã Đức Trọng đã thu hoạch trung bình 1-1,5 tấn dưa/1.000m2 với mức giá dao động từ 40-42.000 đồng/kg.

“Theo tính toán, chỉ cần 2-3 năm Hợp tác xã sẽ có thể hoàn vốn đầu tư và bắt đầu thu lãi. Do sản phẩm đạt chất lượng tốt lại hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên dưa lưới Đức Trọng rất được tin tưởng. Hiện nay, sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên và một số tỉnh thành khác,” anh Trọng cho hay.

Cũng giống như anh Trọng, anh Nguyễn Văn Công (Giám đốc Hợp tác xã Minh Tâm) cũng đã thực hiện việc chuyển đổi mô hình, áp dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng vào sản xuất nông nghiệp và đạt được hiệu quả khả quan. Hợp tác xã của anh có tới 10ha nhà lưới, nhà màng để trồng hành, măng tây và dưa chuột sạch.

“Nếu trước đây, một sào lúa chỉ cho lãi từ 300.000 – 400.000 đồng/vụ thì với cây hành, con số là 5 triệu đồng/vụ. Người làm cũng nhàn hơn khi ứng dụng được kỹ thuật mới vào sản xuất,” anh Công so sánh.

Tính tới tháng 10/2019, toàn địa bàn xã Việt Tiến có tổng số 101.000m2 nhà lưới trong đó có 5 nhà lưới công nghệ cao với diện tích 11.000m2, 2 nhà màng diện tích 5.000m2 và 86 nhà lưới đơn giản. Trong số này, có tới 76 nhà màng, nhà lưới được Uỷ ban nhân dân huyện trực tiếp hỗ trợ với tổng kinh phía 13,68 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp, chính quyền huyện Việt Yên luôn song hành cùng người nông dân.

Dẫn chúng tôi ra khu nhà lưới đã được quy hoạch khang trang, Giám đốc Nguyễn Văn Công cho hay các dự án nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới có quy m từ 2.000m2-5.000m2 đều được Ủy ban nhân dân huyện Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung hỗ trợ không hoàn lại từ 300-500 triệu đồng.

“Đây là nguồn hỗ trợ ban đầu hết sức quan trọng giúp cho chúng tôi có thể an tâm đầu tư sản xuất,” anh Công nhấn mạnh.

Ông Ngô Đăng Tuấn (Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Việt Yên) cho biết thêm bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, Uỷ ban nhân dân huyện cũng thường xuyên tổ chức các lớp để chuyển giao mô hình, kỹ thuật tân tiến mới cho người nông dân. Nhờ sự đồng hành này, trên địa bàn Việt Yên đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn như vùng trồng rau màu tại xã Việt Tiến, xã Trung Sơn; vùng nuôi trồng thuỷ sản 82ha tại xã Nghĩa Trung… Các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung này cho lợi nhuận bình quân trên 300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với sản xuất nhỏ lẻ. Đặc biệt, mô hình nhà lưới có nơi cho lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm.

Ở phía ngược lại, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân cũng luôn đồng hành vì mục tiêu chung. Họ sẵn sàng hiến đất mở đường một cách vô điều kiện. Tính trên địa bàn toàn huyện Việt Yên, người dân đã tự nguyện bỏ ra gần 350.000m2 đất, trong đó hơn 23.000m2 đất ở để làm đường. Bản thân Giám đốc Nguyễn Văn Công cũng dành ra 700m2 đất ruộng để mở rộng con đường liên thôn ngay gần trung tâm huyện.

Ông Ngô Đăng Tuấn (Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Việt Yên). Ảnh: Vietnam+

Bên cạnh đó, người dân cũng đã đóng góp gần 32.000 ngày công lao động, tự giác tháo dỡ 14.312m3 tường rào, đóng góp tiền, vật tư trị giá hơn 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Việt Yên cho hay chính sự đồng hành của người dân và chính quyền địa phương là một trong những động lực quan trọng giúp Việt Yên “cán đích nông thôn mới” vượt 2 năm so với kế hoạch đã đề ra.

Buổi sớm, nhìn nắng vàng bắt đầu trải dài trên những cánh đồng mẫu lớn đang trải dài tít tắp, những dãy nhà màng công nghệ cao gọn gàng, chúng tôi chợt nghĩ: Đang có một bình minh mới đang thực sự đến với mảnh đất phía Tây tỉnh Bắc Giang này./.

Những người “ăn cơm nhà, vác tù và…

Trong hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới tại Việt Yên, bài toán gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá cổ truyền, trong đó nổi bật là dân ca quan họ luôn khiến những người trong cuộc đau đáu. Làm thế nào để giữ lại những câu hát xưa? Sẽ truyền lưu và tôn vinh những điệu giao duyên bên dòng sông Cầu cho thế hệ trẻ thế nào?

Để giải nan đề ấy, từ nhiều năm trước, huyện Việt Yên đã chú trọng xây dựng, phát triển các câu lạc bộ, đào tạo thế hệ kế cận trong việc truyền dạy và bồi đắp tình yêu quan họ cho thế hệ trẻ.

Vừa ngưng điệu hát, chị Lê Thị Hiền (Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian huyện Việt Yên) đón đoàn khách lạ bằng nụ cười rạng rỡ. Nói về loại hình nghệ thuật này, người phụ nữ cả đời gắn bó với quan họ say sưa, mê mải. Dẫu vậy, chị vẫn không giấu được những ưu tư nơi đáy mắt; giọng đầy trăn trở khi nói về việc bảo tồn và phát huy giá trị của quan họ trên chính quê hương Kinh Bắc.

Hiện nay, Việt Yên là huyện duy nhất của tỉnh Bắc Giang có năm làng quan họ cổ nằm trong danh sách 49 làng quan họ Kinh Bắc được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Dân ca quan họ là một hình thức hát giao duyên giữa các liền anh (trong trang phục áo the, khăn xếp) và các liền chị (duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bảy, đầu đội nón thúng quai thao).

“Kỹ thuật hát ‘vang, rền, nền, nảy’ là đặc trưng của quan họ. Ngoài ra, theo lối truyền thống, hát quan họ không sử dụng nhạc đệm. Ấy vậy mà, quan họ vẫn đầy chất nhạc, mềm mại, uyển chuyển. Đó là nét tinh tế riêng có của loại hình này,” chị Lê Thị Hiền bày tỏ.

Bên cạnh ba lối hát chính (hát đối đáp, hát canh và hát hội), dân ca quan họ còn có một số lề lối khác như hát lễ thờ, hát cầu đảo, hát mừng, hát kết chạ…

Chị Lê Thị Hiền cho biết, hiện nay, Bắc Giang vẫn còn lưu giữ được khoảng 200 làn điệu. “Bên cạnh việc sưu tầm các làn điệu, bài ca cổ, chúng tôi cũng soạn, đặt lời mới cho phù hợp với lứa tuổi để truyền dạy các thế hệ trẻ,” Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian huyện Việt Yên cho biết.

Nói rồi, chị hướng về những bạn nhỏ đang say sưa tập hát quan họ. Nở nụ cười hiền hậu, chị bảo, mỗi tuần, câu lạc bộ sinh hoạt hai buổi (vào thứ Bảy, Chủ nhật). Gần 60 thành viên của câu lạc bộ trải thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau; trong đó, thành viên nhỏ nhất mới 7 tuổi và thành viên lớn nhất gần 60 tuổi. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Kinh Bắc nên tình yêu quan họ đến với các thành viên một cách tự nhiên.

“Khi học quan họ, các thành viên không phải đóng học phí. Bản thân tôi đi truyền dạy quan họ hơn một thập kỷ rồi cũng chưa hề nhận một khoản thù lao nào. Nhiều người gọi chúng tôi là rỗi hơi, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Nhưng chúng tôi vẫn cứ đến và gắn bó với nhau bằng tình yêu quan họ,” chị Lê Thị Hiền trải lòng.

“Ba quan một chiếc là chiếc thuyền nan… có về là về với hội có gái ngoan gái ngoan tìm chồng… Ô mấy dẫu tình rằng anh cả anh hai nay đấy ơi, cô cả cô hai nay đấy ơi…” Ngưng câu hát, chị Hiền bảo, quan họ đã thấm sâu vào tâm thức và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân nơi này.

Trong những năm gần đây, mặc dù có nhiều loại hình giải trí, nhiều sản phẩm âm nhạc theo xu hướng mới du nhập và phát triển trong đời sống nhưng người dân trong các làng, câu lạc bộ quan họ ở Việt Yên vẫn giữ được lề lối hát của cổ nhân truyền lại, để quan họ được bảo tồn đúng nguyên bản.

Ở câu lạc bộ, nếu như các bạn nhỏ thường tỏ ra thích thú mỗi khi được học một bài, làn điệu mới và thường nhớ lời rất nhanh thì những các thành viên lớn tuổi lại có thế mạnh trong việc truyền tải được “cái tình” sâu lắng của quan họ bằng chính sự trải nghiệm trong đời sống.

Tuy mới 10 tuổi nhưng Lê Như Quỳnh (học sinh trường Tiểu học Trung Sơn) đã học hát quan họ được gần 3 năm. Như Quỳnh kể, từ nhỏ, cô bé vẫn được nghe bà, nghe mẹ hát quan họ. Những làn điệu ngọt ngào ấy thấm vào em một cách tự nhiên. “Mỗi lần thấy nghệ nhân, liền anh, liền chị hát trong những dịp hội làng hay trong các chương trình giao lưu văn hóa-nghệ thuật phát sóng trên tivi, em lại thầm ước mình cũng được mặc những bộ trang phục truyền thống ấy, để cất lên những làn điệu quan họ của quê hương,” Như Quỳnh tâm sự.

Sau những buổi học chính khóa trên trường, Như Quỳnh lại cùng hơn 20 bạn nhỏ đến với lớp học quan họ của Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian huyện Việt Yên. “Không chỉ truyền dạy cách hát, các cô giáo của câu lạc bộ còn chỉ dẫn cho chúng em những thông tin, kiến thức về lịch sử hình thành, phát triển của quan họ cũng như ý nghĩa của các làn điệu,” thành viên nhí của câu lạc bộ chia sẻ.

Từ khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn phi vật thể của thế giới (năm 2009), quan họ được chú ý và “trở lại” mạnh mẽ hơn trong đời sống cộng đồng.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Việt Yên khẳng định, các cấp chính quyền địa phương luôn quan tâm, đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại.

“Việt Yên là một trong những cái nôi của quan họ cổ. Bởi vậy, ngay từ sớm, các cấp chính quyền địa phương đã xác định rõ trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể đối với hoạt động này và thực hiện bài bản theo lộ trình đã được đề ra,” ông Nguyễn Đức Hiền cho biết.

Nếu như ở thời điểm được UNESCO vinh danh, Việt Yên có 5 làng quan họ cổ thì đến nay, toàn huyện có 18 làng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có gần 30 câu lạc bộ hát quan họ. Hàng năm, huyện đều tổ chức liên hoan hát quan họ, với sự tham gia của t hàng trăm nghệ nhân và liền anh, liền chị đến từ các làng, câu lạc bộ quan họ ở cả trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Đức Hiền cho hay Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian huyện Việt Yên được xây dựng là câu lạc bộ nòng cốt để lan tỏa, kết nối với những câu lạc bộ khác trong huyện, từ đó nhân lên các lớp học, truyền dạy quan họ một cách bài bản.

Tiền thân của Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian huyện Việt Yên là Câu lạc bộ Nghệ thuật Bagico (được thành lập từ năm 2007, chuyên tổ chức truyền dạy quan họ miễn phí cho thế hệ trẻ). Chị Lê Thị Hiền cũng là người đồng hành, gắn bó với câu lạc bộ từ những ngày đầu thành lập tới nay.

Ngược dòng thời gian, nhớ về quá trình gây dựng, phát triển câu lạc bộ, chị Hiền kể trong khoảng 2, 3 năm đầu mới thành lập, Câu lạc bộ Nghệ thuật Bagico hoạt động khá sôi nổi. Số lượng thành viên tăng lên liên tục.

“Các bạn trẻ đến học rất say sưa, nhiều bạn có khả năng hát được những làn điệu cổ rất khó. Tuy nhiên, ‘cuộc sống không đùa với khách thơ.’ Vì những lo toan, bận rộn ngược-xuôi của cuộc sống thường nhật, câu lạc bộ thưa vắng dần. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn xác định, kể cả chỉ có một thành viên thì lớp học vẫn sẽ được duy trì. Nhìn cảnh lớp học thưa vắng, những người truyền dạy trĩu nặng ưu tư. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn luôn tin rằng, quan họ trải qua giai đoạn trầm lắng nhưng sẽ không thể mai một, mất đi trên chính nơi đã sản sinh ra nó,” dõi đôi mắt đầy vẻ ưu tư về phía con đường tấp nập xe cộ, người phụ nữ nặng lòng với quan họ tâm sự.

Với quyết tâm “vực dậy” phong trào học quan họ, từ năm 2017, Câu lạc bộ Nghệ thuật Bagico đã kết hợp cùng đội văn nghệ Sơn Ca (của Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Việt Yên) nhằm mở rộng quy mô, đổi mới hoạt động và lấy tên là Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian huyện Việt Yên.

Tính từ thời điểm thành lập đầu tiên (năm 2007) đến nay, câu lạc bộ đã thu hút khoảng 2.000 thành viên tham gia.

Theo ông Nguyễn Đức Hiền, thời gian gần đây, Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian huyện Việt Yên có nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa các địa phương trong cả nước nhằm giới thiệu những giá trị độc đáo của quan họ.

“Các thành viên trong câu lạc bộ được chia thành các nhóm theo từng độ tuổi để học quan họ. Trong các nhóm, chúng tôi lựa chọn ra những thành viên có năng khiếu làm hạt nhân chủ chốt để bồi dưỡng thêm. Đó là đội ngũ kế cận trong việc truyền dạy quan họ sau này,” đại diện Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian huyện Việt Yên cho biết.

Những nỗ lực của các cấp chính quyền, ban, ngành địa phương và những người tâm huyết với quan họ như chị Lê Thị Hiền đã góp phần quan trọng đưa quan họ trở về cộng đồng, gắn với không gian sinh hoạt văn hoá truyền thống, với môi trường đã sản sinh và nuôi dưỡng di sản văn hoá này trong lịch sử./.

Lễ hội “có một không hai” ở Việt Yên

Một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá bản địa. Vốn là “cái nôi” của văn hoá Kinh Bắc, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã đặc biệt chú trọng việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, tích cực khôi dựng lại các lễ hội cổ truyền, trong đó có lễ hội vật cầu bùn.

Lễ hội “có một không hai”

Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Việt Yên cho biết, đây là sinh hoạt văn hóa, thể thao đặc sắc, có tính “độc bản,” diễn ra hai năm một lần (vào các ngày 12,13 và 14/4 Âm lịch) tại thôn Yên Viên (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang).

Theo truyền thuyết, hội vật cầu bùn có từ thời Lý Bôn, Lý Bí đánh đuổi quân Lương xâm lược (thế kỷ 4-5). Việc hình thành lễ hội này gắn với sự tích bốn anh em (Trương Hống, Trương Hách, Trương Lừng, Trương Lẫy) chiến thắng lũ quỷ trong trận vật cầu ở đầm lầy khi đi qua làng.

Sau ngày bốn anh em tuẫn tiết, nhân dân làng Vân đã lập đền thờ. Người anh cả được sắc phong là Đức Thánh Tam Giang. Để tỏ lòng thương nhớ Đức Thánh Tam Giang, cứ vào ngày rằm tháng Tư và tháng Tám Âm lịch, thôn Yên Viên lại tổ chức lễ hội đánh cầu bùn và rước kiệu.

Người làng Vân nằm lòng câu ca: “Hội lệ tứ nguyệt, tiên giao diệt, hậu đả cầu” (Hội làng tháng tư, trước là đấu vật, sau là đánh cầu). Không khí sôi động của hội vật đã đi vào ca dao: “Làng ta mở hội cướp cầu/ Cầu cho lúa tốt sai cau/ Cầu cho làng xóm trước sau thuận hòa/ Cầu cho lúa tốt bông hoa/ Cầu cho trai gái trẻ già bình an.”

Đến hiện đại từ truyền thống

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Việt Yên cho biết, hội vật thể hiện nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, niềm khao khát của cư dân nông nghiệp mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Quả cầu tượng trưng cho Mặt Trời, cướp cầu cũng có nghĩa là “cướp” được năng lượng Mặt Trời, “cướp” ánh nắng cho lúa khoai tươi tốt.

Sau một thời gian gián đoạn (do các điều kiện lịch sử, xã hội…), từ năm 2002, hội vật được khôi phục và vẫn giữ được những nét truyền thống.

Sân thi đấu có diện tích khoảng 200m2, mặt sân được đổ đầy bùn nhão. Nước để trộn bùn phải là nước sông Cầu, do các cô gái mặc đồ truyền thống của làng quê Bắc Bộ gánh từ sông lên. Chiếc đòn gánh được chuốt kỹ và chỉ dùng mỗi khi có lễ hội. Vật dụng đựng nước phải là chum cất rượu của làng Thổ Hà.

Trước khi đưa xuống sân vật, quả cầu được đặt lên bàn thờ trước đình để làm lễ, cầu mong quả cầu không rơi xuống quân cầu (người tham gia thi đấu), tránh chấn thương khi tham gia thi đấu. Mỗi khi quả cầu rơi xuống sân, các quân cầu phải làm động tác nâng cầu lên rồi mới hạ xuống để tranh cầu.

Việc tuyển chọn quân cầu rất khắt khe. Tổng số quân cầu được chọn là 16 người. Đó phải là thanh niên trai tráng khỏe mạnh, không có can án, gia đình không có tang bụi… Những thanh niên tham gia hội vật được chia làm bốn giáp (mỗi giáp bốn người). Sau đó, bốn giáp lại được chia làm hai đội (mỗi bên tám người) gọi là giáp trên và giáp dưới. Trước khi vào hội vật cầu, các giáp làm lễ bái, sau đó ngồi giữa sân đình uống bát rượu lấy khí thế và ăn dưa hấu lấy may (theo quan niệm của cổ nhân).

Khoảng một tuần trước khi các trận cầu diễn ra, các bô lão trong làng sẽ tổ chức cho các trai đinh tập luyện “chiến thuật,” cách di chuyển, tranh cầu…

Lễ hội vật cầu bùn đã trở thành một lễ hội lớn ở vùng Bắc Bộ, thu hút rất đông du khách ở trong và ngoài tỉn Bắc Giang tham gia./.

Sững sờ trước vẻ đẹp cổ kính của Bổ Đà cổ tự

Tùng Lâm-Ngọc Sơn

Bổ Đà hay chùa Quán Âm núi Bổ Đà nằm ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng là một những nơi hiếm hoi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc Việt cổ.

Bổ Đà hay chùa Quán Âm núi Bổ Đà nằm ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang), là một trong những trung tâm Phật giáo của phái Trúc Lâm Tam tổ.

Trải qua dấu vết của thời gian, có thể nói Chùa Bổ Đà là một trong những nơi hiếm hoi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc Việt cổ.

Đặc biệt, chùa có khu vực vườn tháp được ghi nhận là một trong những vườn tháp lớn nhất cả nước với gần 100 ngôi tháp cổ được xây dựng và lưu giữ trong suốt 300 năm qua.

Chùa thiết kế theo lối 'nội thông ngoại bế' tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng.

Trong chùa hiện còn lưu giữ rất nhiều tư liệu quý hiếm về thời kỳ Phật giáo phát triển rực rỡ tại Việt Nam qua gần 2.000 bộ mộc bản.

Đây là bộ kinh được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, được điêu khắc trên gỗ cây thị mang những tư tưởng của hai dòng Phật giáo lớn nhất Châu Á xưa là Ấn Độ và Trung Hoa.

Bộ mộc bản được lưu giữ trong một gian nhà gỗ tại Tứ Ân Tự được công nhận là bảo vật quốc gia và là bộ mộc bản kinh phật lâu đời nhất trên thế giới.

Bộ mộc bản được lưu giữ trong một gian nhà gỗ tại Tứ Ân Tự được công nhận là bảo vật quốc gia và là bộ mộc bản kinh phật lâu đời nhất trên thế giới.

Toàn bộ khu chùa hiện nay gồm 16 toà nhà lớn nhỏ với tổng số gần 100 gian nối tiếp nhau.

Chùa thờ tam giáo đồng nguyên tức là ngoài thờ phật còn thờ nho giáo, đạo giáo và phối thờ tam tổ trúc lâm.

Toàn cảnh chùa nhìn từ trên cao.

Việt Yên

hướng đến phát triển nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững

Việt Yên là huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn nông thôn mới – sớm 2 năm so với mục tiêu đã đặt ra trước đó. Cùng với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp chính quyền và nhân dân huyện Việt Yên tiếp tục xây dựng mục tiêu phát triển nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững.

Nhân dịp nhìn lại những kết quả đạt được trên hành trình xây dựng nông thôn mới tại điểm sáng của tỉnh Bắc Giang, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đại Lượng – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên.

Người dân là chủ thể của nông thôn mới

– Trong quá trình xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, yếu tố con người luôn được đặt lên hàng đầu. Ông đánh giá thế nào về vai trò của người dân trong chương trình này?

Qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình, bộ mặt nông thôn huyện Việt Yên thay đổi rõ nét: kinh tế phát triển khá; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện; quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện tốt, an ninh trật tự xã hội được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn, trình độ sản xuất và đời sống của nông dân được nâng cao, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy, các hoạt động văn hóa truyền thống được khôi phục và phát huy.

Các xã đã xác định rõ cách làm, bước đi triển khai xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, phát huy tối đa vai trò của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chi bộ đảng, thôn, xóm và hộ gia đình trong xây dựng nông thôn mới; đã huy động được sự vào cuộc của các chức sắc tôn giáo trong vận động xây dựng nông thôn mới; xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả tại mỗi địa phương.

Huyện đã có 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%, nhiều tiêu chí đạt cao so với yêu cầu Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 như tiêu chí giao thông, trường học, nhà ở dân cư, hộ nghèo, lao động có việc làm, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; không có nợ đọng xây dựng cơ bản.

Thực hiện cứng hóa 290,48 km đường giao thông nông thôn; 50 km kênh mương; xây mới 567 phòng học, 136 phòng chức năng; cải tạo được 11 nhà văn hóa xã, 74 nhà văn hóa thôn, 12 khu thể thao xã và 63 khu thể thao thôn; xây dựng, chỉnh trang 155 nghĩa trang thôn, cải tạo 19 trạm bơm cục bộ……

Có thể khẳng định chương trình xây dựng nông thôn mới là “của dân, do dân, phục vụ lợi ích vì dân”. Người nông dân thực sự là chủ thể xây dựng nông thôn mới. Sự tham gia của người dân vào việc xây dựng nông thôn mới được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của chương trình.

Ông Nguyễn Đại Lượng – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên.

Khi tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân tại các cộng đồng dân cư nông gia của người dân trong các hoạt động trong phát triển nông thôn, vai trò của người dân ở đây được thể hiện: dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi.

Qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn huyện, vai trò của người dân càng được thể hiện rõ nét: người dân tham gia đóng góp đến 13% tổng nguồn lực thực hiện chương trình với 225 tỷ đồng, tự nguyện hiến 347.198m2 đất, tham gia 31.590 ngày công lao động, phá dỡ 14.312 m2 tường rào.

– Bên cạnh đó, vai trò định hướng, hoạch định của chính quyền địa phương cũng không thể thiếu. Vai trò của chính quyền trong xây dựng nông thôn mới được thể hiện thế nào, thưa ông?

Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của huyện đã tập trung trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ trong xây dựng Nông thôn mới.

Uỷ ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng Nông thôn mới tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia xây dựng đề án, xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện xây dựng Nông thôn mới. Để việc xây dựng Nông thôn mới phải là một công trình của tập thể, tự nguyện, tự giác của nông dân; qua đó có những điều chỉnh, bổ sung về thiết kế, phương thức, biện pháp tiến hành phù hợp với nguyện vọng của dân.

Các nguồn lực đóng góp của người dân cũng như nhà nước đầu tư đều được công khai cho người dân biết. Sự đóng góp của người dân đưa vào sử dụng đúng mục đích, không lãng phí đã làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền; mặt khác dân được biết để tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế, tài chính trong xây dựng Nông thôn mới.

Một nội dung rất quan trọng là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tự nguyện. Đây là một trong những nội dung khó nhất, tốn nhiều thời gian của xây dựng Nông thôn mới. Chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm là đúng đắn, nhưng huy động sức dân đến mức nào là hợp lý. Do đó, đặt ra cho tổ chức đảng, chính quyền cần căn cứ vào thực lực của các hộ dân, từng thôn mà xác định hình thức, mức trần đóng góp của dân sao cho hợp lý, lấy tự nguyện tự giác làm chính.

Chỉ đạo các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở tham gia xây dựng hương ước của thôn, gắn với xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, từng bước đẩy lùi các tập tục lạc hậu, xây dựng thôn văn hóa, sạch sẽ văn minh. Hương ước cũng đồng hành với luật pháp, hỗ trợ cho luật pháp để điều chỉnh các quan hệ dân sự của thôn, buộc mỗi người dân, hộ dân phải tôn trọng các quy định được thôn làng thông qua; tôn trọng thuần phong mỹ tục, đẩy lùi các tập tục lạc hậu, những phản văn hóa trì níu đời sống mới của bà con nông dân.

Việc huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới phải cân đối để vừa đảm bảo thực hiện được mục tiêu, vừa huy động được sức dân và nguồn lực khác của địa phương. Đồng thời đề cao trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng, chủ động lồng ghép các chương trình, lựa chọn những dự án cần ưu tiên, phù hợp với điều kiện thực tế.

Các địa phương xây dựng lại (hoặc bổ sung) các quy chế, hương ước phù hợp với tập quán từng vùng, làm căn cứ để nhân dân góp công, góp sức cùng xây dựng nông thôn mới. Từ đó nguồn kinh phí để thực hiện chương trình có tính thực tiễn và hiệu quả hơn, người dân thể hiện được vai trò làm chủ của mình trong xây dựng nông thôn mới. Cách làm này đã tạo được sự đồng thuận cao giữa chính quyền và người dân trong việc triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Huyện cũng có nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích các địa phương, người dân đẩy mạnh phát triển hạ tầng, phát triển nông nghiệp bền vững như: Hỗ trợ, khuyến khích nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2015; Hỗ trợ khuyến khích xây dựng hạ tầng các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã (hỗ trợ bằng xi măng) và các hướng dẫn sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách huyện; hỗ trợ cho mỗi xã thực hiện về đích nông thôn mới trong năm 1 tỷ đồng, các xã còn lại hỗ trợ, khuyến khích triển khai xây dựng các công trình xây dựng nông thôn mới nhằm hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.

Ngoài ra, huyện cũng ban hành quy định cơ chế tài chính khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Việt Yên; triển khai Đề án hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện….

Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân làm tốt công tác tuyên truyền các nội dung về xây dựng nông thôn mới cho đoàn viên, hội viên, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giao ước thi đua “Việt Yên chung tay xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới .”

Công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa cộng đồng được chú trọng, chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa từng bước được nâng lên, đời sống tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện. Các phong trào lao động sáng tạo, nêu gương người tốt việc tốt, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được quan tâm.

Cùng với việc xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa, các xã đã từng bước xây dựng, bổ sung các thiết chế văn hóa, đầu tư cơ sở vật chất cho nhà văn hóa, xây dựng các cổng làng phù hợp với truyền thống của địa phương.

Định hướng tương lai

– Định hướng của địa phương trong thời gian tới để phát huy kết quả đã đạt được là gì, thưa ông?

Quan điểm chỉ đạo nhất quán của các cấp lãnh đạo huyện Việt Yên là: Xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp uỷ chính quyền và nhân dân; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới; đảm bảo phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa, giữ vững an ninh trật tự xã hội, giảm thiểu và kiểm soát tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, cấp ủy chính quyền xác định, nhân dân là chủ thể, hưởng lợi trực tiếp trong xây dựng nông thôn mới với phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra;” xây dựng huyện nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đô thị văn minh.

Từ đó, chúng tôi xác định những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Với giai đoạn 2021-2025: Phấn đấu toàn huyện có 19 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. 12 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao (theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 09/8/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang) và 6 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu (theo Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5/6/2018).

Các chỉ tiêu tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân: Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 56 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,5%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 80%.

Trong giai đoạn 2025-2030, mục tiêu đặt ra là: Phấn đấu toàn huyện có thêm 25 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 5 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao (theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 09/8/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang) và 11 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu (theo Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5/6/2018).

Ngoài ra, các chỉ tiêu tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân: Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 70 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,2%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 95%.

– Bên cạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa cũng hết sức quan trọng. Hơn nữa, Việt Yên cũng là “cái nôi” của văn hóa Kinh Bắc. Trong lĩnh vực cụ thể này, Việt Yên đã và đang triển khai những kế hoạch gì, thưa ông?

Huyện Việt Yên là một miền quê giàu truyền thống lịch sử văn hóa, nơi hộ tụ của các giá trị di sản văn hóa với số lượng di tích lớn. Cụ thể, huyện có trên 331 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có hai di tích cấp quốc gia đặc biệt (di tích Đình Đông và di tích Chùa Bổ Đà), 20 di tích cấp quốc gia và 71 di tích cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, huyện còn có một bảo vật quốc gia – Bộ Mộc bản kinh phật Chùa Bổ Đà, hai lễ hội truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (lễ hội Thổ Hà và lễ hội Bổ Đà). Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể như chèo, tuồng cổ; đặc biệt, dân ca quan họ và ca trù đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2009.

Đây là niềm vinh dự, tự hào vô cùng to lớn đối với nhân dân trong toàn huyện Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa trên địa bàn, huyện Việt Yên đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung làm tốt một số nội dung: Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện nhận thức đầy đủ và hiểu rõ tầm quan trọng của các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể từ đó có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản qua đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương.

Huyện cũng chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch của huyện; xây dựng website, các tài khoản mạng xã hội giới thiệu về giá trị di tích trên địa bàn đến đông đảo người dân trong và ngoài nước biết về các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương (Xây dựng chuyên mục “Việt Yên Miền Di Sản” trên Công thông tin điện tử của huyện; phối hợp với Báo Bắc Giang xây dựng chuyên trang “Việt Yên Miền Quan họ”).

Ủy ban Nhân dân huyện cũng tập trung chỉ đạo và hướng dẫn các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý các di tích trên địa bàn; kiện toàn ban quản lý di tích cơ sở; xây dựng quy chế hoạt động của các Ban quản lý di tích theo quy định, phân công người trông coi di tích và gắn trách nhiệm việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích với phát triển du lịch. Việc xây dựng cơ chế hỗ trợ trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích trên địa bàn, góp phần chung tay bảo vệ các di tích và phát triển du lịch cũng được chú trọng.

Một trong những việc quan trọng là tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo vệ di vật, cổ vất để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người quản lý và nhân dân nơi có di tích được xếp hạng, thường xuyên tổ chức các lớp lớp truyền dạy hát quan họ, ca trù trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng luôn nỗ lực xây dựng chính sách hỗ trợ cho việc lắp đặt các trang thiết bị cần thiết để bảo vệ các di vật, cổ vật có giá trị tại các di tích. Chủ động nắm tình hình về số lượng cổ vật, giá trị của các cổ vật, đồ thờ tự tại các di tích trên địa bàn để có phương án bảo vệ thích hợp.

Từ đó, tôi tin tưởng mỗi người dân Việt Yên hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị của các giá trị di sản văn hóa truyền thống, từ đó cùng chung tay gìn giữ, phát huy những giá trị quý báu của địa phương.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Exit mobile version