Ra đi, hẹn một ngày về:

giaiphongt-1570608147-16.jpg

“Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố/ Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời/ Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui về đây…” (trích “Tiến về Hà Nội” – Văn Cao).

Ngày 10/10/1954 trở thành mốc son, mở ra thời kỳ mới của lịch sử Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Từ đó đến nay, Hà Nội đã đi qua một chặng đường nhiều mất mát, đau thương nhưng cũng không ít vinh quang, kiêu hãnh.

65 năm đã qua nhưng kỷ niệm, ký ức của một thời tuổi trẻ hòa mình cùng khí thế sục sôi của quân dân Hà Nội ngày tiếp quản Thủ đô vẫn vẹn nguyên trong tâm thức những người trong cuộc.

Giữ trọn lời thề

Lật giở từng trang báo, bức ảnh cũ kỹ đã xỉn màu theo năm tháng, Trung tướng Phạm Hồng Cư – nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bồi hồi nhớ lại khung cảnh Thủ đô trong mùa Thu 1954.

Cánh bộ binh của Trung đoàn Thủ đô tiến vào khu vực Cửa Nam sang 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đôi bàn tay nắm chặt, vị tướng già hồi tưởng quãng đời binh nghiệp. Đi dọc hai cuộc trường chinh của dân tộc, ông đã có mặt, chứng kiến nhiều thời khắc thiêng liêng của lịch sử. Ông bảo: “Số phận của tôi và thế hệ tôi gắn với vận mệnh dân tộc từ những năm tháng chiến đấu kiên cường để có được thắng lợi trong mùa Thu cách mạng 1945. Chúng tôi luôn tự hào thuộc thế hệ Lời thề độc lập; luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành lời thề ấy.”

65 năm trước, Trung tướng Phạm Hồng Cư có mặt trong đoàn quân cách mạng tiến về tiếp quản Hà Nội. “Với đồng bào cả nước, đó là Ngày giải phóng Thủ đô. Với chúng tôi, đó còn là ngày trở về lịch sử, ngày hoàn thành lời thề nguyện: ‘Ra đi, hẹn một ngày về’,” ông chia sẻ.

Trên hành trình vạn dặm của cuộc trường chinh chống thực dân Pháp, chúng tôi vẫn luôn mơ tới ngày về Hà Nội, tưởng tượng tới ngày trở lại với tâm thế của những người chiến thắng.

Ký ức ùa về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt người chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong 308 năm xưa khung cảnh Hà Nội một thời đạn bom. Ngày 17/2/1947, sau 60 ngày đêm chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh,” Trung đoàn Thủ đô rút lui khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Trong tâm tưởng mỗi cán bộ, chiến sỹ đều đau đáu, khắc khoải nỗi nhớ Hà Nội. “Trên hành trình vạn dặm của cuộc trường chinh chống thực dân Pháp, chúng tôi vẫn luôn mơ tới ngày về Hà Nội, tưởng tượng tới ngày trở lại với tâm thế của những người chiến thắng,” vị Tướng già kể trong niềm xúc động.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông là chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca, Phó chính uỷ Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thắng lợi của quân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Geneve (21/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước (Việt Nam, Lào, Campuchia) và rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Theo các điều khoản của hiệp định này, Hà Nội thuộc khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. “Đề phòng âm mưu của thực dân Pháp (lợi dụng khoảng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội…), công tác tiếp quản Thủ đô được lên kế hoạch nhanh chóng, chuẩn bị chu đáo. Ngày 17/9/1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập,” Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại.

Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ, với đồng bào cả nước, 10/10/1954 là Ngày giải phóng Thủ đô. Còn với ông và đồng đội, đó còn là ngày trở về lịch sử, ngày hoàn thành lời thề nguyện: “Ra đi, hẹn một ngày về.” (Ảnh: Vietnam+)

Tháng 9/1954, các trung đoàn thuộc Đại đoàn 308 hành quân về tập kết gần Hà Nội. Ông kể: “Khoảng giữa tháng Chín năm ấy, tôi nhận được lệnh triệu tập, quay ngược lại hướng đoàn quân đang tiến bước để nhận chỉ thị của cấp trên. Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng (Phú Thọ), tôi vinh dự là một trong số cán bộ, chiến sỹ được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Người trực tiếp căn dặn, giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.”

Lặng đi chừng vài phút, vị tướng già bồi hồi bảo rằng ông vẫn nhớ như in khung cảnh ngày hôm ấy. Bác ngồi trên bậc thềm ở Đền Giếng, ân cần dặn dò, cán bộ, chiến sỹ vào tiếp quản Thủ đô phải đoàn kết, giữ nghiêm kỷ luật, đảm bảo trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, kiên quyết chống mọi hành động phá hoại của kẻ địch…

“Đặc biệt, Bác dặn chúng tôi phải gần gũi, gắn bó với nhân dân, để người dân từ cụ già đến em nhỏ đều hiểu, tin tưởng và yêu quý bộ đội. Bác nói, ‘các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.’ Lời căn dặn ấy mang ý nghĩa của lời hịch non sông, vang vọng trong tâm thức người dân đất Việt,” Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại.

Đoàn xe chở các chiến sỹ Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308 – Sư đoàn Quân tiên phong) tiến qua phố Hàng Đào sang 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Vinh quang ngày trở về

Mạch chuyện nối dài, người chiến sỹ cách mạng tham gia đoàn quân tiếp quản Thủ đô năm xưa bảo rằng sự trùng hợp đặc biệt của lịch sử đã mang đến cho cuộc đời binh nghiệp của ông nhiều vinh dự, may mắn.

Ông kể: “Tôi từng là chính trị viên của Tiểu đoàn Bình Ca, thuộc thế hệ đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô. Tiểu đoàn Bình Ca là đơn vị đầu tiên rút khỏi Hà Nội năm 1947 và cũng là đơn vị đầu tiên tiến vào tiếp quản Thủ đô năm 1954. Những nhân chứng của cả hai sự kiện ‘ra đi’ và ‘trở về’ như chúng tôi mang trong mình cảm xúc đặc biệt: vừa hân hoan vui sướng, vừa xúc động nghẹn ngào, tim như thắt lại bởi không ít máu xương đồng đội, đồng bào đã phải đổ xuống trong hành trình mang vinh quang trở về.”

Ngày 8/10/1954, Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308) tiến vào Cầu Đuống, trở thành đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào Hà Nội với nhiệm vụ tiếp nhận bàn giao các vị trí đóng quân của Pháp, đảm bảo an toàn cho đại quân sẽ tiến vào tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954.

Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Thời điểm đó Tiểu đoàn Bình Ca chia thành 35 tổ tiếp quản 35 vị trí có quân Pháp chiếm đóng. Tại Ban Liên hiệp đình chiến (đóng tại Nhà thương Đồn Thủy, nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), trong tư thế của người chiến thắng, quân ta hô vang khẩu hiệu “Hòa bình muôn năm!” đồng thời chủ động tuyên truyền, thể hiện thiện chí hòa bình bằng việc cài hoa ở đầu súng…

Đến 5 giờ sáng 10/10/1954, khi lệnh giới nghiêm kết thúc, cả thành phố rộn rã, náo nhiệt. Niềm vui vỡ òa, hàng vạn nhân dân Thủ đô hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng. Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội (bao gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới…) chia làm nhiều cánh, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.

5 giờ sáng 10/10/1954, khi lệnh giới nghiêm kết thúc, cả thành phố rộn rã, náo nhiệt. Niềm vui vỡ òa, hàng vạn nhân dân Thủ đô hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng

“Ngày hôm ấy, phố xá tưng bừng, rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ. Dường như, mỗi người đều chọn bộ quần áo đẹp đẽ, tươm tất nhất để chào đón ngày trọng đại. Đến khoảng 8 giờ, các chiến sỹ cách mạng quân phục chỉnh tề, ngực áo cài huy hiệu ‘Chiến sỹ Điện Biên Phủ’ trở về giữa lòng Hà Nội trong sự chào đón nồng nhiệt, hân hoan của nhân dân. Các chiến sỹ đi đến đâu, tiếng hò reo nổi lên như sóng dậy đến đó. Những nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt, những cái siết tay thật chặt, ánh mắt rạng rỡ của người dân Thủ đô đón chào đoàn quân cách mạng,” Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại.

Nếu “đêm ra đi đất trời bốc lửa/ Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng” thì ngày trở về, đường phố rực rỡ cờ hoa.

Nhân dân Thủ đô hân hoan đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Lễ chào cờ lịch sử

Ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân thù. Một trong những thời khắc thiêng liêng nhất là lễ chào cờ đầu tiên sau khi giải phóng Thủ đô do Ủy ban Quân chính Thành phố tổ chức.

Hướng đôi mắt về phía xa xăm, Trung tướng Phạm Hồng Cư hồi tưởng lễ chào cờ lịch sử. Đúng 15 giờ ngày 10/10/1954, kèn Nhà hát lớn vang một hồi dài. Quốc kỳ tung bay trên cột cờ Hà Nội. Trên sân Cột Cờ (nay thuộc Khu di tích Hoàng thành Thăng Long), đội hình bộ binh, xe cơ giới, pháo binh tập hợp nghiêm trang.

Toàn cảnh lễ chào cờ lịch sử chiều 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong ký ức của vị Tướng già, khi đó, ở vòng ngoài (đường Hoàng Diệu, đường Điện Biên Phủ hiện nay), nhân dân tập trung chật kín cả khu vực, ánh mắt rưng rưng, xúc động hướng về lá cờ tung bay trên nền trời xanh thẳm. Cả thành phố hướng về buổi lễ.

Đúng 15 giờ ngày 10/10/1954, kèn Nhà hát lớn vang một hồi dài. Quốc kỳ tung bay trên cột cờ Hà Nội.

Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại, sau khi tiếng nhạc hào hùng, tất cả chiến sỹ, đồng bào… cùng chăm chú lắng nghe Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Hà Nội: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết!”

Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự lễ chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng Thủ đô. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

“Sau lễ chào cờ, những dòng người tỏa đi khắp các phố phường. Lời Bác dặn vẫn vang vọng trong tâm thức người dân Hà Nội: ‘Sau cuộc biến đổi, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn hơn. Chính phủ cố gắng quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nôi đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ thì nhất định chúng ta vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh…’,” Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ.

Hà Nội, ngày trở về (10/10/1954) cũng là ngày mở ra trang sử mới, thời kỳ mới với ước vọng về sự đổi thay, hòa bình, vươn mình theo thế “rồng bay” cùng dân tộc./.

Hà Nội đang trong hành trình trở thành đô thị sáng tạo. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Exit mobile version