Sạt lở ‘bủa vây’ Đồng bằng sông Cửu Long

ttxvnsatlo-1569811891-40.jpg

Thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự khai thác tài nguyên nước và cát quá mức, cùng với sự tác động của con người đang khiến Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng sạt lở bờ sông, xói mòn bờ biển.

Hiện tượng này đang diễn ra ngày càng phức tạp và gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản người dân, ảnh hưởng đến sản xuất, cơ sở hạ tầng vùng ven biển, ven sông cũng như làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển…

Ghi nhận từ thực tế ở một số địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng của hiện tượng này, phóng viên TTXVN thực hiện loạt 5 bài viết phản ánh những vấn đề liên quan đến tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển mà các tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long đang phải gánh chịu cùng với những hệ lụy, nguyên nhân và các giải pháp cấp bách, lâu dài.

‘Hà bá’ rình rập cả vùng

Đối với bao thế hệ người dân gắn bó với vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long, có lẽ chưa bao giờ có tình trạng bất an, lo sợ như lúc này, khi tính mạng cũng như tài sản, nhà cửa có thể bị “hà bá” nuốt chửng bất cứ lúc nào. Cùng với đó, lãnh đạo Trung ương, chính quyền địa phương cũng đang tích cực chỉ đạo, tìm giải pháp ứng phó hiệu quả nhằm hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra.

Nhà cửa, đất đai “rủ nhau” trôi sông

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình sạt lở đất bờ sông, bờ biển có diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng, không ngừng mở rộng quy mô và cường độ, cuốn theo bao nhiêu đất đai, nhà cửa, tài sản của người dân, uy hiếp trực tiếp đến nhiều công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện lưới…

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang liên tục xảy ra các vụ sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, đẩy hàng trăm gia đình phải tháo dỡ nhà cửa “chạy” sạt lở. Sông Vàm Cái Hố (nhánh trái của sông Hậu) đoạn chảy qua ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang xưa vốn hiền hòa nay bỗng nhiên trở mình hung dữ, kéo đất đai, nhà cửa của hàng chục hộ dân trôi tuột xuống sông.

Đứng bần thần trước căn nhà khóa trái cửa ở phía trong khu vực được cảnh báo sạt lở nguy hiểm, ông Ngô Văn Khâu ở ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới (An Giang) lau vội những giọt nước mắt trên gương mặt đen sạm. Nơi đây, chỉ hơn 2 tuần trước, gia đình ông Khâu còn sum vầy trong căn nhà của mình – căn nhà mà ông và cả gia đình đã gom góp bao nhiêu năm mới cất xong. Chỉ chớp mắt, cả nhà phải dắt nhau đi qua nhà người thân xin ở nhờ vì nhà có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Sông Vàm Cái Hố (nhánh trái của sông Hậu) xưa vốn hiền hòa nay bỗng nhiên trở mình hung dữ, kéo đất đai, nhà cửa của hàng chục hộ dân trôi tuột xuống sông

Ông Khâu cho biết: “Gia đình tôi ở đây gần 60 năm rồi nhưng đây là lần đầu tôi thấy cảnh sạt lở nguy hiểm như thế này.” Nhà ông nằm cách bờ sông hơn 30m nhưng hiện tường và nền nhà đã xuất hiện nhiều vết rạn nứt lớn hơn ngón tay cái nên cả nhà không ai dám ở hay ngủ lại mà phải qua tá túc nhà người thân.

“Năm 2017, thấy cảnh tượng sạt lở khủng khiếp ở Vàm Nao rồi nên giờ chính quyền cảnh báo là bà con di dời ngay, không ai dám mạo hiểm với với ‘thủy thần,” chỉ cần một vạt đất lở ùm xuống sông là có thể nhấn chìm người và nhà cửa,” ông Khâu tâm sự.

Trước đó, vào ngày 9 và 19/7, tại khu vực ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã xảy ra hai vụ sạt lở đất bờ sông Vàm Cái Hố (nhánh trái của sông Hậu) với tổng chiều dài hơn 160m, đe dọa 64 hộ dân, trong đó có 27 hộ dân có nhà cặp ven sông Vàm Cái Hố phải di dời khẩn cấp.

Tương tự, tại tỉnh Kiên Giang, tình trạng sạt lở đất, xói lở bờ biển cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân sinh sống quanh khu vực này.

Nhiều đoạn đê ven biển Kiên Giang bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN)

Ông Thái Văn Bích, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang cho biết thời gian gần đây, tình hình sạt lở bờ biển khu vực Vàm Kim Quy rất nghiêm trọng, sóng đánh vỡ đứt đoạn đê quốc phòng, tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hơn 20 hộ dân tại đây. Do tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp, xã đã vận động, di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến ở tạm nhà người thân để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, hàng trăm hộ dân đang sinh sống trên tuyến đê biển này cũng bị ảnh hưởng, bất lợi. Dự báo khi vào cao điểm của mùa mưa bão, tình hình sạt lở diễn biến rất khó lường. Khó khăn hiện nay của xã  là không có đất để di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tại hiện trường, một số nhà của các hộ dân đã bị sụp lở xuống biển và hiện còn một số hộ nền nhà trong tình trạng sạt lở nhưng chưa di dời. Bà con cất nhà sàn bằng gỗ, cách bờ 20-50m và đường dẫn từ bờ ra nhà bằng cầu cây gỗ tạm rất nguy hiểm trong mùa mưa bão đang tới.

Ông Trương Quốc Thắng, ấp Kim Quy, xã Vân Khánh lo ngại bởi mỗi khi trời mưa lớn, giông gió, sóng to nổi lên, bà con ở đây rất sợ nhưng bây giờ không biết di dời đi đâu, không đất đai sản xuất, không tiền bạc.

“Mỗi khi trời mưa lớn, giông gió, sóng to nổi lên, bà con ở đây rất sợ nhưng bây giờ không biết di dời đi đâu, không đất đai sản xuất, không tiền bạc”

“Nhà tôi hồi đó cất cách biển hơn 200m nhưng hiện nay đã lở đến chân nền nhà. Nếu tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến nghiêm trọng thì nguy cơ nhà đổ sụp xuống biển khó tránh khỏi, nhất là vào cao điểm của mùa mưa bão,” ông Trương Quốc Thắng chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khu vực bị ảnh hưởng, cơ quan chức năng các địa phương đã liên tục đưa ra những cảnh báo, tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng. Thế nhưng, rất nhiều người dân vì kế sinh nhai đã bất chấp nguy hiểm, bám trụ lại nơi ở cũ, chấp nhận đối mặt với nguy hiểm rình rập hàng ngày.

Bà Nguyễn Thị Hầu (sinh năm 1953), một trong 27 hộ dân trong vùng cảnh báo sạt lở nguy hiểm phải di dời khẩn cấp ở ấp An Thị, xã An Thạnh Trung (An Giang) thở dài nói: “Nhà ven sông thì luôn sống trong nỗi lo sợ sạt lở, biết vậy mà không tránh được vì nghèo, vì đây là quê hương với mồ mả ông, bà, tổ tiên nên không bỏ đi đâu được.”

Sinh sống lâu năm ở khu vực sông Vàm Cái Hố, ông Trần Văn Căn (sinh năm 1954) cho biết ngày trước, nếu có sạt lở thì cũng chỉ sạt vài mỏm đất nhỏ nằm phía ngoài mép sông thôi nhưng lần này, sạt lở ăn sâu vào cả mấy chục mét, vết nứt chạy dài cả trăm mét; đất ven sông cứ sụp ầm ầm xuống sông.

“Sạt lở đất xảy ra nhanh như chớp nhưng dư âm của nó thì dai dẳng cứ như nhát dao cứa vào da thịt những người dân vùng sạt lở,” ông Căn chia sẻ.

Những điểm “nóng”

Trước diễn biến phức tạp của hiện tượng này, nhất là các tháng 9 và 10 hằng năm được xem là cao điểm của tình trạng sạt lở đất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ đầu tháng 9/2019 đến nay, các địa phương trong vùng như An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Long An… đã phải ban hành các quyết định về tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn.

Cụ thể, tại tỉnh Cà Mau, khu vực bị sạt sở cần áp dụng tình huống khẩn cấp để xử lý gồm gần 25km cửa biển, bờ biển và hơn 1,5km bờ sông, trong đó một số khu vực đặc biệt nguy hiểm như xói lở khu vực cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) với chiều dài 4,5km; khu vực xói lở cửa biển Rạch Gốc (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển), với chiều dài 1,5km; sạt lở tại khu vực bờ kè khu dân cư trị trấn Năm Căn…

Các khu vực sạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan làm việc của các địa phương, trường học, trạm y tế, Quốc lộ 1 (đường Hồ Chí Minh).

Ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn không cho phương tiện có tải trọng lớn, người không có trách nhiệm vào khu vực sạt lở; bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.

Sạt lở trên đoạn kênh Rạch Vọp, tại khu vực chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng làm toàn bộ 7 căn nhà bán kiên cố ven sông bị nhấn chìm. (Ảnh: TTXVN)

Tại Sóc Trăng, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã có các quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm trên địa bàn. Sóc Trăng có 7 đoạn sạt lở nguy hiểm trên địa bàn 7 huyện, thị, thành phố, trong đó huyện Mỹ Xuyên có đoạn bờ kênh Thạnh Mỹ thuộc ấp Hòa Tần, xã Ngọc Tố; huyện Long Phú có đoạn sạt lở bờ sông Rạch Mọp, rạch Mương Điều, rạch Củi, xã Song Phụng; sông Saintard, xã Long Đức; rạch Mây Hắt, xã Phú Hữu; rạch Vàm Thép, rạch Mây Hắt thuộc xã Hậu Thạnh.

Tỉnh Bến Tre có 4 khu vực bờ sông, bờ biển với chiều dài gần 7km bị sạt lở cần khẩn cấp xử lý. Đó là xói lở bờ biển khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri) chiều dài 1,2km; xói lở bờ biển khu vực Cồn Lợi, xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) chiều dài 1,5km; xói lở bờ biển khu vực xã Thừa Đức (huyện Bình Đại) chiều dài 3km; sạt lở bờ sông Bến Tre khu vực xã Nhơn Thạnh (thành phố Bến Tre) với chiều dài 1,2km.

Theo các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre, hiện toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 138km, trong đó sạt lở bờ biển có 8 điểm, tổng chiều dài khoảng 19km. Dù tỉnh Bến Tre đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để xử lý sạt lở nhưng do sự tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thay đổi dòng chảy, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp diễn gây ảnh hưởng đến sản xuất, nơi ở của người dân.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển.

Gần đây nhất, ngày 23/9, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tiếp theo đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn cùng với lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo địa phương khẩn trương kiểm tra đánh giá về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, công tác khắc phục và bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân tại các khu vực bị sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trên cơ sở kết quả kiểm tra và các nghiên cứu đánh giá về thực trạng, nguyên nhân, dự báo nguy cơ sạt lở (đã và đang được thực hiện), các địa phương, ngành chức năng đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài để xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở ven sông, ven biển nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của người dân./.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát điểm sạt lở tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sạt lở từ sông ra biển

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km. Cụ thể, sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566km, trong đó chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch; sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268km.

Ngày càng phức tạp, nghiêm trọng

Trong số các điểm sạt lở nêu trên, theo tiêu chí về phân loại sạt lở bờ sông, bờ biển quy định tại Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 4/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng), tổng chiều dài 170km, bao gồm bờ sông 39 điểm với tổng chiều dài 85km, bờ biển 18 điểm với tổng chiều dài 85km.

Ông Tô Hoàng Môn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho biết từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 17 vụ sạt lở, chủ yếu trên sông Hậu và kênh xáng Tân An.

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 17 vụ sạt lở, chủ yếu trên sông Hậu và kênh xáng Tân An

Qua khảo sát, toàn tỉnh có 52 đoạn sạt lở, trong đó 6 đoạn đặc biệt nguy hiểm, 32 đoạn nguy hiểm…; có 21.000 hộ nằm trong trong vùng sạt lở mức độ nguy hiểm tới trung bình. Vừa qua, tỉnh đã đề xuất với Chính phủ hỗ trợ xây dựng 7 khu dân cư để di dời cho các hộ dân nằm trong diện đặc biệt nguy hiểm.

“Hiện đang bước vào mùa mưa, cộng với tình hình lũ về muộn, thiếu phù sa bồi đắp cho nên đất ven sông bị ‘hổng chân’ dẫn đến nguy cơ sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao… tăng cao,” ông Tô Hoàng Môn lo ngại.

Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cũng cho biết tại nhiều bờ sông thuộc các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất, Giồng Riềng, U Minh Thượng, Châu Thành, Giang Thành và thành phố Rạch Giá, hiện tượng sạt lở, nguy cơ sạt lở rất đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến công trình và cuộc sống của người dân.

Nhiều đoạn đê ven biển Kiên Giang bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN)

Theo thống kê ban đầu, tổng chiều dài sạt lở bờ sông gần 200km, trong đó khoảng 25km sạt lở hết sức nguy hiểm và con số này đang tiếp tục tăng lên do chưa có những giải pháp ngăn chặn, khắc phục.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng thành phố Cần Thơ, hiện tại trên toàn thành phố có khoảng 200 điểm sạt lở, trong đó 50 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Diễn biến của sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố Cần Thơ ngày một nghiêm trọng và phức tạp, tăng cả về cường độ và số lượng.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, các điểm sạt lở thuộc các đoạn sông, kênh, rạch chảy qua các khu vực đông dân cư, các kênh rạch có mật độ giao thông thủy lớn, những đoạn sông uốn khúc, các cửa phân lưu, nơi giao thoa giữa dòng chảy sông và dòng triều… gây thiệt hại lớn về sinh mạng, mất đất, nhà cửa, tài sản, cơ sở hạ tầng xây dựng hai bên bờ sông, kênh, rạch. Một số vụ sạt lở lớn như tại khu vực đang thi công bờ kè chống sạt lở sông Ô Môn khu vực vàm Thới An; sạt lở trên kênh Cái Sắn dọc tuyến Quốc lộ 80 qua địa bàn xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, nhấn chìm bốn căn nhà của người dân…

Cùng với sạt lở bờ sông trong nội địa, các tỉnh vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bị tổn thương nghiêm trọng do hiện tượng xói lở bờ biển gây ra, hàng chục km đê biển ngày đêm bị uy hiếp và những vạt rừng phòng hộ ven biển cũng bị cuốn phăng.

Cùng với sạt lở bờ sông trong nội địa, các tỉnh vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bị tổn thương nghiêm trọng do hiện tượng xói lở bờ biển

Điển hình như tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, kéo dài từ biển Đông sang biển Tây với bờ biển dài 254km, phần lớn diện tích của tỉnh thuộc vùng đất ngập nước ven biển, có nhiều cửa sông, cửa biển (tổng chiều dài trên 8.000km, có 87 cửa sông thông ra biển) nên bị ảnh hưởng nặng nề trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, việc bảo vệ sản xuất, cung cấp nước ngọt, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn, tốn kém.

Chỉ tính riêng khu vực cửa biển Vàm Xoáy, huyện Ngọc Hiển, trung bình mỗi năm đai rừng phòng hộ mất từ 80-100m.

Với đường bờ biển dài khoảng 200km, tỉnh Kiên Giang đang phải gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đặc biệt là vấn đề sạt lở bờ biển ngày càng khó lường, nghiêm trọng. Tác động của sóng biển đã làm cho một số đoạn bờ biển xảy ra hiện tượng xói lở với tổng chiều dài hơn 86km, tập trung trên địa bàn 4 huyện là An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân. Trong số đó, hơn 30km xói lở đặc biệt nguy hiểm, trên 11km xói lở nguy hiểm.

Theo dõi diễn biến của hiện tượng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết từ năm 2010 tới nay, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven biển và làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển.

Những hệ lụy nhãn tiền

Tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở nhiều tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài đến môi trường tự nhiên và sinh kế của người dân trong khu vực.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình mỗi năm, xói lở đã làm mất khoảng 300ha đất, rừng ngập mặn ven biển. Tình hình sạt lở không những diễn ra trong mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô; ở các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm, điểm nguy hiểm nhất thuộc tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 14km.

Từ xã Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), dải bờ biển dài 200km qua Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang cũng bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của tỉnh Kiên Giang, từ năm 2009 đến nay, bãi bồi ven biển không ổn định và thay đổi theo từng năm hiện tượng bồi, lở bờ biển theo mùa, theo điều kiện thời tiết cũng như dòng chảy các kênh thoát lũ ra biển. Dù có những đoạn được bồi đắp nhưng vẫn không đáng kể, tình hình xói lở vẫn nhiều hơn là bồi tụ. Bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của khoảng 250 hộ dân. Diện tích bãi bồi bị sạt lở trong 10 năm qua khoảng 500ha, chiều rộng bị sạt lở, mất đi đai rừng ven biển từ 60-300m.

Ghi nhận thực tế tại khu vực bờ biển Tiểu Dừa giáp tỉnh Cà Mau thuộc ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Kiên Giang) cho thấy rừng phòng hộ ven biển gần như bị xóa sổ do sạt lở, sóng biển đánh trực tiếp vào tận chân đê quốc phòng, uy hiếp nhà ở của dân.

Đoạn sạt lở có chiều dài gần 30m, ăn sâu vào đất liền hơn 3,5m thuộc ấp Thới Mỹ 2, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Bà Trần Thị Lắm, một người sinh sống tại đây cho biết: “Hàng chục công đất rừng của tôi bây giờ không còn, sóng biển cuốn trôi hết. Ngôi nhà tôi đang ở có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào khi xuất hiện sóng to, gió lớn.” Nhiều hộ dân khác ở đây cũng lâm vào tình cảnh tương tự như bà Lắm.

Tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang có đoạn bờ biển hơn 8km, trong đó nhiều điểm bị sạt lở, xói lở nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm với chiều dài khoảng 4km. Những nơi sạt lở, xói lở nghiêm trọng gần như không còn rừng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ.

Ông Đặng Thanh Hải, ấp Bình Hòa, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất cho biết khoảng 4-5 năm trở lại đây xói lở nghiêm trọng, biển ăn sâu vào bờ, mất rừng, mất đất sản xuất nhưng không có cách gì khắc phục, ngăn chặn xói lở. Không những mất đất sản xuất, người dân sinh sống ven biển gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bấp bênh, kém hiệu quả, mất mùa.

Ông Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, cho biết do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sự xâm thực của biển trong thời gian gần đây nên xói lở ngày càng tăng mạnh hơn, diễn biến phức tạp, khó lường, mức độ rất nguy hiểm. Nếu không có các giải pháp kịp thời và tích cực để phòng, chống xói lở bờ biển thì các tác động xấu sẽ ngày càng ảnh hưởng trực tiếp, nguy hiểm đến đời sống người dân và các công trình trong khu vực, đặc biệt là đe dọa đến an toàn đê biển trên địa bàn huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương.

Đầu tháng 8/2019, hơn 1/2 mặt đường nhựa Quốc lộ 91 với chiều dài 85m bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu

Sạt lở bờ sông, xói mòn bờ biển đã gây thiệt hại, uy hiếp trực tiếp đến nhiều công trình, hạ tầng giao thông trong khu vực. Đầu tháng 8/2019, tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bị sạt lở nghiêm trọng, hơn 1/2 mặt đường nhựa Quốc lộ 91 với chiều dài 85m bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu; sạt lở tiếp tục đe dọa đến 26 hộ dân, trong đó 15 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang phải ban bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng Quốc lộ 91 đoạn xã xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú.

Theo nhận định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, trên đoạn cửa biển Vàm Xoáy tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, đai rừng phòng hộ trung bình mỗi năm mất từ 80-100m, một số vị trí sạt lở đã khoét sâu vào bờ.

Theo thống kê, trong 10 năm qua, diện tích rừng của khu vực này đã mất khoảng 300ha. Hiện nay tình trạng sạt lở tại khu vực trên diễn biến đặc biệt nguy hiểm, nhất là vào cao điểm của mùa mưa bão, gây nguy hiểm trực tiếp đến khu dân cư tập trung tại khu vực xã Đất Mũi, trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Đất Mũi, Đồn Biên phòng Đất Mũi; có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống điện cao và trung thế, trạm y tế, trường học trong khu vực…

Ghi nhận tại các địa phương bị ảnh hưởng của sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, cho thấy khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng xói lở bờ biển có nhiều đoạn càng đi sâu vào đất liền, sóng biển đã cuốn đi nhiều dãy rừng ngập mặn đang xanh tốt. Song song với đó, hệ quả của hiện tượng này đã làm ảnh hưởng rất lớn cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân trong khu vực cũng như tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của nhân dân. Đáng chú ý, hiện tượng này chưa có dấu hiệu dừng lại và đang lan rộng ra với quy mô ngày càng lớn./.

Tình trạng sạt lở bờ sông ven thị trấn Năm Căn đang trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân trong khu vực. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Vì đâu đất cứ ‘trôi sông, đổ biển?’

Kết quả khảo sát của các cơ quan chuyên môn và một số nghiên cứu khác đã sơ bộ nhận định nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đáng chú ý, ngoài các yếu tố tự nhiên, các nguyên nhân xuất phát từ yếu tố chủ quan, sự tác động của con người cũng góp phần thúc đẩy quá trình sạt lở đất diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn.

“Nước đói” cát và phù sa

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng khai thác cát vượt quá khối lượng cho phép, khai thác không theo đúng quy hoạch đang diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân nhiều xã ven sông. Lượng cát khai thác vượt quá lượng cát từ thượng nguồn chuyển về sẽ gây ra hiện tượng xói lòng sông hoặc lở bờ, hay cả hai hiện tượng xảy ra cùng lúc.

Hoạt động khai thác cát, kể cả được cấp phép và khai thác trái phép trên tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên… đã bào mòn lòng sông. Đi qua nhiều con sông lớn trong khu vực, chúng ta dễ dàng nhận thấy hàng chục, thậm chí hàng trăm máy hút cát với công suất lớn hoạt động ngày đêm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 40 vị trí khai thác cát trong vùng, trong đó gồm 12 vị trí dọc sông Mekong, với tổng lượng khai thác khoảng 10 triệu tấn.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết Đồng bằng sông Cửu Long là do phù sa, cát sông Mekong miệt mài bồi đắp. Quá trình bồi đắp đó có lở có bồi nhưng bồi luôn nhiều hơn lở. Tuy nhiên, từ năm 1992 trở lại đây, sạt lở ngày càng gia tăng, bồi đắp ngày càng giảm. Nguyên nhân chính của việc sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mekong, tức là sự thiếu cát và phù sa.

Phân tích cụ thể hơn về thực trạng này, thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện cho biết điều này là do các đập thủy điện chặn cát và việc khai thác cát trên sông Mekong ở tất cả các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Sạt lở đe dọa đến nhiều công trình ven cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau). (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Theo số liệu của Ủy hội Mekong quốc tế, so sánh giữa năm 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mekong đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm. Sau này, nếu có thêm 11 đập dòng chính ở Lào và Campuchia thì tải lượng phù sa mịn sẽ giảm còn 42 triệu tấn/năm. Về cát, sau này nếu có thêm 11 đập dòng chính ở Lào và Campuchia thì 100% cát sẽ bị chặn lại, tức là sẽ không còn một hạt cát, viên sỏi nào về Đồng bằng sông Cửu Long nữa.

Một nguyên nhân khác cũng được nhắc đến trong thời gian qua là việc phát triển các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong tác động đến môi trường tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, hệ quả tác động diễn ra nhanh chóng và phức tạp. Các đập thượng nguồn giữ lại bùn cát nên dòng chảy hạ lưu “bị đói” bùn cát, để cân bằng năng lượng dư thừa, dòng nước buộc phải bào xói bờ.

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết theo “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong,” do tác động của các công trình thủy điện của Trung Quốc, tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm từ Trung Quốc về tới Tân Châu, Châu Đốc (vị trí sông Mekong chảy vào Đồng bằng sông Cửu Long) giảm từ 73 triệu tấn xuống còn 42 triệu tấn, trong đó lượng phù sa lơ lửng chỉ còn khoảng 30 triệu tấn/năm (giảm 35%), lượng bùn cát đáy chỉ còn khoảng 12 triệu tấn/năm (giảm 54%).

Khi dòng nước bị thiếu phù sa sẽ nhẹ hơn, chảy mạnh hơn, khoa học gọi là ‘nước đói,’ có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực

Nếu tính thêm tác động của bậc thang 11 công trình thủy điện dòng chính ở hạ lưu sông Mekong và của các công trình thủy điện dòng nhánh sông Mekong hiện có thì tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm tại Tân Châu và Châu Đốc giảm còn khoảng 15 triệu tấn (giảm 80%).

“Khi dòng nước bị thiếu phù sa sẽ nhẹ hơn, chảy mạnh hơn, khoa học gọi là ‘nước đói,’ có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực. Khi khai thác cát làm cho đáy sông sâu hơn thì bờ sông sẽ sụp đổ. Nếu chúng ta quan sát các vụ sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thấy các vụ sạt lở có một đặc điểm chung. Đó là trước khi sạt lở khoảng 1-2 ngày, thường có một vết nứt cách bờ sông khoảng 5m, chạy dài 80-100m. Sau đó, toàn bộ đoạn bờ sông bị nứt bị trượt đổ ụp xuống sông. Điều này chứng tỏ sạt lở là do đất bị mất chân bên dưới, phần đất ở trên trượt cả khối xuống,” chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện phân tích.

Trong bối cảnh thiếu hụt cát và phù sa thì tại mỗi điểm sạt lở lại có thêm đặc điểm dễ bị tổn thương riêng.

Theo thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, tại điểm sạt lở ở Quốc lộ 91 vừa qua, đoạn sông có chiều ngang hẹp hơn đoạn phía trên, do đó để cân bằng năng lượng, dòng chảy buộc phải chảy nhanh hơn, đào sâu đáy sông hoặc ăn vào bờ. Tại đoạn sông cong, dòng chảy từ trên xuống có quán tính đi thẳng nhưng buộc phải đổi hướng nên lực ly tâm làm đường tim sông (đường sâu nhất) không đi giữa sông mà dịch vào gần bờ bên lõm.

‘Dấu ấn’ của biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cùng với việc tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới về phía Nam dẫn đến tăng năng lượng sóng, tác động đến bờ và gây ra xói lở, nước dâng trong bão cũng làm xói lở bờ trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, nước biển dâng, hạn hán…, từ đó gây ra tình trạng sạt lở ven sông, xói lở ven biển, xâm nhập mặn sâu vào nội địa… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Hiện trường vụ sạt lở đất làm hư hỏng nhà trên tuyến sông Cà Mau-Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất xảy ra thường xuyên ảnh hưởng của lũ lớn, hạn hán làm gia tăng sạt lở. Lũ cao, nước chảy xiết gây sạt lở lấn vào đất liền gia tăng. Sự chênh lệch mực nước lớn hơn trước đây giữa mùa lũ và mùa kiệt cũng là tác nhân làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông.

Phân tích cụ thể hơn, thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long thường xảy ra vào đầu mùa lũ vì dòng chảy bắt đầu mạnh ăn đứt chân bên dưới và mực nước còn thấp không đỡ được trọng lực khối bờ sông bên trên. Sạt lở theo quy luật thường xảy ra ở các đoạn sông cong, cửa phân lưu, nhập lưu, các cửa sông phân lạch – nơi dòng chảy không ổn định, vận tốc dòng chảy lớn hơn sức chịu của bùn cát lòng sông.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng phù sa non trẻ, có kết cấu địa tầng yếu, nhất là kết cấu địa chất khối mặt nền. Tầng đất mặt là đất sét xám pha nhiều chất mùn hữu cơ nên có độ kết dính thấp, dễ bị xâm thực và bào mòn nhanh, kết hợp với tác động do sóng nước, dòng chảy, biên độ chênh lệch của đỉnh triều.

Việc gia tăng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là tất yếu nếu con người cứ tiếp tục khai thác cát tràn lan, không có giải pháp phù hợp 

Thêm vào đó, đặc điểm địa hình trũng thấp với độ cao trung bình từ 1-1,2m nên khu vực này dễ bị xâm thực, nhất là khi triều cường, mưa lớn và dao động mực nước trong sông, do đó dễ gây ra tình trạng sạt lở.

Theo các chuyên gia địa chất, khi nền đất bị sụt lún, lớp đất mặt vốn có độ cố kết thấp sẽ bị ép xuống, tiếp xúc với dòng chảy sông ngòi và dòng biển. Kết quả là quá trình xói lở, trượt đất trở nên dễ dàng hơn và có xu hướng xảy ra theo hiệu ứng “domino,” một khu vực bị sạt lở, nước sẽ mau chóng tràn ngấm vào vùng lân cận và tiếp tục tạo ra các hố sạt lở tiếp theo.

Trong bối cảnh thiếu cát và phù sa cùng với sự tác động nhanh, mạnh hơn của biến đổi khí hậu, việc gia tăng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là tất yếu nếu con người cứ tiếp tục khai thác cát tràn lan, không có giải pháp phù hợp. Bài toán hiện nay là so sánh và đánh đổi: đánh đổi giữa lợi nhuận khai thác cát và tổn thất do sạt lở cùng với chi phí ứng phó; đánh đổi giữa bờ này và bờ kia, bên nào cần bảo vệ hơn; so sánh chi phí giữa phương án bảo vệ và phương án rút lui, tái định cư, làm đường tránh./.

Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường Quốc lộ 91 đoạn đi qua xã Bình Mỹ, An Giang. (Ảnh: TTXVN)

Khi các địa phương chưa ‘bắt đúng bệnh,’ ‘bốc đúng thuốc’

Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra trên diện rộng và ngày càng nghiêm trọng. Nhằm hạn chế và khắc phục sự cố, Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã quan tâm, triển khai nhiều giải pháp, công trình phòng chống; các địa phương thường xuyên quan trắc để cảnh báo, di dời dân, tài sản… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng một số địa phương chưa “bắt đúng bệnh” và “bốc đúng thuốc,” dẫn đến công tác khắc phục chưa mang lại hiệu quả, gây lãng phí.

Thừa “chống,” thiếu “phòng”

Trước tình trạng sạt lở ven biển, ven sông ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, khó lường, các địa phương trong khu vực cũng đã chủ động triển khai các hoạt động nhằm ứng phó, trong đó, đã tập trung nguồn lực triển khai các dự án cấp bách ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển như xây kè chống sạt lở kiên cố ở các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm; kè phá sóng và trồng rừng phòng hộ chắn sóng để phòng chống sạt lở; di dời, ổn định sinh kế người dân vùng bị sạt lở, sụt lún.

Tỉnh Cà Mau đã áp dụng cả giải pháp công trình và phi công trình, qua đó đã xử lý khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với chiều dài gần 29km; các đoạn kè gây bồi tạo bãi đã tạo được bãi bồi ven biển phía bên trong kè, khôi phục hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân, cơ chế gây ra sạt lở để có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả chưa được làm rõ. Một số giải pháp công trình gây bồi tạo bãi có hiệu quả nhưng suất đầu tư còn rất cao, bình quân 20 tỷ đồng/km, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.

Để ngăn ngừa sạt lở, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư xây dựng, gia cố các vị trí sạt lở bằng các giải pháp dân gian, truyền thống như cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tràm kết hợp rọ đá… tại các khu vực nông thôn, khu vực không tập trung đông dân cư. Đồng thời, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cộng đồng trong phòng chống sạt lở bờ sông, không xây cất nhà cửa lấn chiếm lòng sông, không khai thác đất, cát ven sông.

Tỉnh Cà Mau đã áp dụng cả giải pháp công trình và phi công trình, qua đó đã xử lý khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với chiều dài gần 29km

Năm 2017, trước tình trạng sạt lở vàm Kim Quy, huyện An Minh, Kiên Giang đã gia cố bằng cừ tràm, cừ dừa và đắp đất để hạn chế, ngăn sạt lở. Tuy nhiên, giải pháp tạm thời này không mang lại hiệu quả trước sự tác động của sóng biển và tiếp tục sạt lở nghiêm trọng như hiện nay.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết trên đoạn đê biển Kim Quy-Tiểu Dừa, các cơ quan chức năng đã tiến hành cắm 20 biển báo tại các điểm sạt lở nguy hiểm và có nhiều người dân thường xuyên hoạt động; tiến hành hộ đê khẩn cấp các điểm sạt lở nghiêm trọng, nguy hiểm.

Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở đất trên địa bàn, theo ông Mai Anh Nhịn, tỉnh tiếp tục nâng cao công tác cảnh báo, dự báo sạt lở vùng nguy hiểm để chủ động ứng phó hạn chế thấp nhất thiệt hại người và tài sản của nhân dân. Tỉnh đã hoàn thành tuyến đê biển với 30/51 cống; trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển từ Bình Sơn đến Bình Giang (Hòn Đất) và xã Nam Thái (An Biên); khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên Giang, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống xói lở bờ biển và hỗ trợ nuôi trồng thủy sản ở huyện An Minh, An Biên…

Để giải quyết vấn đề này, thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều dự án có quy mô từ nhỏ đến lớn, từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Điển hình là các công trình kè sông Cần Thơ, kè chống sạt lở sông Ô Môn, bờ kè Xóm Chài, phường Hưng Phú.

Công trình chống sạt lở cho khu vực chợ Đất Mũi đã bị sạt lở. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Cùng lúc đó, tại các địa phương cũng triển khai các dự án kè bờ sông khác như Kè chống sạt lở chợ Rạch Cam (quận Bình Thủy); kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn (quận Bình Thủy, Ninh Kiều); kè sông Bò Ót (quận Thốt Nốt); kè chống sạt lở bờ sông kênh Thốt Nốt (quận Thốt Nốt)…

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương triển khai một số hoạt động nhằm xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển như điều tra, đánh giá, đề xuất giải pháp bảo vệ, củng cố, nâng cấp đê biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về phòng chống xói lở bờ biển; hướng dẫn về giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, Bộ hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh cắm 357 biển cảnh báo những khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển; nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới để giảm sóng, gây bồi trong xử lý xói lở bờ biển như áp dụng cấu kiện bê tông cốt phi kim, khối bêtông trụ rỗng…

Ghi nhận tại các địa phương các giải pháp công trình và phi công trình hiện nay chưa đạt hiệu quả, một phần là do hoạt động khai thác cát dọc các sông chính diễn ra phức tạp, khó kiểm soát, các chế tài đối với các hoạt động khai thác cát trái phép còn có kẽ hở, chưa đủ răn đe. Cùng với đó, hệ thống đê biển và hệ thống giao thông bộ, giao thông thủy thiếu đồng bộ, tính kết nối thấp. Triều cường, thiên tai đã làm ngập, sụt lún nhiều tuyến đường giao thông, nhất là các huyện ven biển, làm phát sinh nhu cầu vốn sửa chữa, nâng cấp rất lớn.

Nan giải bài toán “vốn”

Công tác phòng chống sạt lở bờ sông, xói mòn bờ biển thời gian qua đã được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương quan tâm, ban hành nhiều chính sách cũng như đầu tư các dự án, công trình phòng chống sạt lở đất, nhất là Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017. Tuy nhiên, việc xử lý các điểm sạt lở cấp bách chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách nhà nước, chưa có cơ chế hiệu quả huy động được nguồn vốn tư nhân, xã hội hóa dẫn đến nhiều khu vực sạt lở chưa được đầu tư xử lý triệt để hoặc chưa được đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2010 đến 2020, Bộ đã bố trí và có kế hoạch bố trí từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 8.707 tỷ đồng cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển với 169 công trình. Vốn ngân sách Trung ương là 7.928 tỷ đồng với 155 công trình; vốn ODA, Chương trình SP-RCC là 779 tỷ đồng với 14 công trình.

hà của người dân ven cửa biển Vàm Xoáy đang trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng vì sạt lở. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho 29 dự án xử lý cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các hoạt động xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển, hướng dẫn thực hiện các giải pháp kỹ thuật, xử lý khẩn cấp những đoạn sụt lún, sạt lở trọng điểm; chỉ đạo cắm biển cảnh báo, xây dựng bản đồ sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bố trí ngân sách xây dựng công trình phòng chống sạt lở, ưu tiên 36 dự án xử lý cấp bách với tổng kinh phí là 2.500 tỷ đồng.

Theo ông Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, dù được Trung ương hỗ trợ, nỗ lực của địa phương trong việc phòng chống, ngăn chặn sạt lở, nhiều dự án, công trình được triển khai thực hiện, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các công trình phòng chống sạt lở bờ biển còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế cấp bách đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.

“Việc đầu tư xây dựng các công trình ngăn chặn, khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, đê biển vượt khả năng của địa phương,” ông Mai Anh Nhịn cho biết.

Liên quan đến vấn đề vốn đầu tư, theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, hiện nhiều khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng nhưng thiếu vốn đầu tư khắc phục, di dời dân. Một số cơ chế, chính sách không còn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, chậm được tháo gỡ.

Tương tự, thành phố Cần Thơ kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư một số công trình thủy lợi, kè chống sạt lở bờ sông và các dự án trọng điểm của thành phố. Cụ thể, Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn-khu vực Thới Lợi, phường Thới An, Quận Ô Môn (phía bờ phải); Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (đoạn từ cầu Ô Môn đến vàm Ba Rích); Dự án Cụm dân cư tập trung Phước Thới nhằm bố trí di dời ổn định các hộ dân trong vùng thiên tai. Tổng kinh phí các dự án này gần 500 tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ nghiên cứu hỗ trợ 7.078 tỷ đồng để tiếp tục xử lý 46 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm

Để bảo vệ bờ biển, củng cố hệ thống đê biển, phòng chống sói lở bờ biển; tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn xói lở, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ nghiên cứu hỗ trợ 7.078 tỷ đồng để tiếp tục xử lý 46 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư các dự án nhiều, số vốn đầu tư rất lớn, vẫn còn nhiều công trình đã triển khai, đã bố trí vốn lại thực hiện rất chậm. Ví dụ như dự án đầu tư nâng cấp đê biển từ Mũi Nai (Kiên Giang) có tổng vốn 2.083 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần như còn ở điểm xuất phát. Trong khi đó, tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, nạn sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Rừng phòng hộ ven biển ngày càng mất đi chức năng phòng hộ, bảo vệ bờ biển trước diễn biến ngày càng khó lường của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đề cập đến việc triển khai các công trình, dự án phòng chống sạt lở trong khu vực tại hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2019 tổ chức ở Cà Mau vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý: “Các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bố trí vốn; củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, cầu, cống, đập ngăn mặn, đê bao chống ngập và kênh trục thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó, xác định các trọng điểm để sẵn sàng ứng phó khi tình huống xảy ra”./.

Sạt lở nghiêm trọng tuyến đường trên Quốc lộ 91 đoạn đi qua xã Bình Mỹ, An Giang. (Ảnh: TTXVN)

Khắc chế và thích ứng

Diễn biến của tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Để từng bước hạn chế tình trạng này, bên cạnh các giải pháp xử lý tình huống, cần phải có những giải pháp căn cơ, bài bản hơn, trong đó các địa phương cần chú trọng đến việc xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép, nâng cao hiệu quả các công trình, dự án đầu tư, trồng rừng cũng như nâng cao công tác dự báo, xây dựng quy hoạch, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Bố trí lại dân cư

Cùng với đầu tư các giải pháp công trình nhằm ứng phó với các điểm sạt lở cấp bách và triển khai đồng thời biện pháp ứng phó bền vững, dài hạn, vấn đề di dân, tái định cư cho người dân khỏi các vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Để chủ động ứng phó với sạt lở đất bờ sông, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Trần An Thư cho rằng người dân cần thay đổi tập quán sinh sống ven sông hoặc kênh rạch, để hạn chế tải trọng đường bờ, tránh nguy cơ sạt lở. Các địa phương cũng cần quy hoạch lại dân cư, sắp xếp di dời dân vùng cảnh báo sạt lở vào các khu dân cư mới ở những vị trí có nền đất ổn định để tránh sạt lở; quản lý chặt các hoạt động xây dựng của người dân sống ven sông, kênh rạch, các hoạt động giao thông thủy bộ…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cần chủ động di dân, sơ tán dân ra khỏi khu vực sạt lở thông qua các dự án thuộc Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ và Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di dân tự do, khu rừng đặc dụng; tuyên truyền pháp luật, ngăn chặn xây dựng nhà ở, công trình ở bờ sông, lòng sông, ven biển.

Một vụ sạt lở bờ sông Hậu. (Nguồn: TTXVN)

Các địa phương cũng cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông, kênh rạch theo đúng quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước và phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tiếp tục bố trí, sắp xếp di dời dân ra khỏi hành lang và phạm vi bảo vệ bờ sông, kênh, rạch; ưu tiên những nơi có nguy cơ cao về sạt lở, quản lý tổng hợp vùng bờ theo hình thức xã hội hoá, gắn trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, Chính phủ nên khởi động lại và đầu tư nhiều hơn cho Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai… theo Quyết định số 1776 của Thủ tướng Chính phủ; các dự án vay vốn ưu đãi ODA cần tập trung hỗ trợ nhiều hơn cho chuyển đổi, đảm bảo sinh kế người dân sau tái định cư.

Ông Ousamane Dione – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá để sống chung tích cực với nước, cần phải giải quyết các vấn đề về lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và xem xét lại các kế hoạch đê bao, kè và cống để tạo dòng chảy tự nhiên và chức năng của vùng lũ. Sống chung với nước cần có các giải pháp khác như sản xuất lúa gạo bền vững, chuyển đổi hệ thống sản xuất và quản lý hiệu quả rủi ro về lũ lụt, hạn hán, xói lở bờ sông và bờ biển, ô nhiễm nước và khai thác tài sản tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo các chuyên gia, vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cần bố trí lại dân cư, chuyển từ bố trí dân cư theo tuyến kênh, rạch sang bố trí theo cụm, có tính đến việc dịch chuyển các cụm dân cư ven biển vào phía trong để phòng tránh thiên tai.

Nghiên cứu quy luật, tăng cường dự báo

Để có thể khắc chế hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trước mắt cũng như lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần nghiên cứu xác định quy luật biến đổi lòng sông và các quy luật tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông; quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở bờ sông, bờ biển; đồng thời khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi trên sông để phòng, chống sạt lở bờ sông.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, chỉ cấp phép khai thác cát với khối lượng hợp lý đảm bảo sự cân bằng tương đối trên cả tuyến sông; có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hoạt động khai thác cát trái phép và làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Từ thực tế tại địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Trần An Thư cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai nhanh dự án nghiên cứu địa hình, thủy văn 3 sông chính trên địa bàn tỉnh là sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao, từ đó làm cơ sở đánh giá sạt lở và quy hoạch lại hoạt động khai thác cát sông; tăng cường giám sát, đánh giá tác động các dự án nạo vét thông luồng, điều chỉnh bố trí lại hoạt động khai thác cát khi có kết quả nghiên cứu dự án 3 sông chính.

Dưới góc độ quy hoạch, cần triển khai lập các quy hoạch phòng chống thiên tai, thủy lợi; quy hoạch tỉnh; các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan, trong đó thể hiện đầy đủ nội dung (hợp phần) chỉnh trị sông làm cơ sở để xác định giải pháp tổng thể, bao gồm công trình và phi công trình đảm bảo ổn định biền vững trước mắt cũng như lâu dài.

Sạt lở tuyến đê từ Vàm Đá Bạc đến Vàm Kinh Mới, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: TTXVN)

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra sạt lở nhiều nơi, chi phí khắc phục sạt lở, đặc biệt là sạt lở ven biển rất lớn. Vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu xác định chính xác nguyên nhân, cơ chế gây sạt lở… để từ đó xác định các giải pháp công trình, phi công trình cho phù hợp với nguồn lực đầu tư. Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư tham gia bảo vệ bờ biển thông qua việc đầu tư các dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng bị sạt lở.

Chia sẻ tại Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng Sáu vừa qua, ông Ousamane Dione cho rằng cần có các biện pháp can thiệp có sự phối hợp để khôi phục trầm tích ở Đồng bằng sông Cửu Long và giảm tốc độ sụt lún đất đang diễn ra với tỷ lệ từ 2-5cm mỗi năm và giải quyết vấn đề xói lở bờ sông, bờ biển. Để làm được điều này, cần áp dụng những biện pháp và công nghệ sáng tạo để quản lý và giám sát tốt hơn hoạt động khai thác nước ngầm, bao gồm giá nước và ngăn chặn khai thác cát trái phép.

“Chính phủ Việt Nam cần tích cực tham gia vào các mối quan hệ ngoại giao xuyên biên giới về nước để giảm mất mát trầm tích và chất dinh dưỡng ở đồng bằng này. Các giải pháp và đầu tư sáng tạo có thể bao gồm từ việc tăng khả năng giữ nước đến sử dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên như bảo vệ và phục hồi các vùng đất ngập nước và rừng ngập mặn,” ông Ousamane Dione khuyến nghị.

Các chuyên gia môi trường cho rằng cần triển khai điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cần tập trung đầu tư và phát triển hạ tầng, bảo vệ bờ biển, củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, phòng chống xói lở bờ biển; tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn xói lở, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng.

Cụ thể, đầu tư, nâng cấp hệ thống đê biển kết hợp với xây dựng hệ thống cầu, cống, đập ngăn mặn, đê bao chống ngập và kênh trục thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng thí điểm công trình thân thiện với môi trường, giá thành thấp, vật liệu địa phương để chống sạt lở bờ biển, phát triển vùng bãi kết hợp với bảo vệ môi trường một số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với giải pháp kỹ thuật, các chuyên gia môi trường cho rằng cần triển khai điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở Đồng bằng sông Cửu Long; khảo sát, đánh giá về sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau; nghiên cứu khảo sát, đánh giá một số nguyên nhân sạt lở bờ sông, bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất các giải pháp phòng chống sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt đối với các điểm sạt lở cấp bách, nguy hiểm.

Trong bối cảnh của hiện trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, phương hướng ứng phó cần thiết là phải đánh giá đồng bộ các nguyên nhân, đồng thời có các cơ chế huy động nguồn lực xã hội để ứng phó hiệu quả. Việc đầu tư xây dựng, duy tu, bảo vệ vùng ven sông, ven biển cần gắn kết với phát triển sinh kế cho cộng đồng.

Mặt khác, các địa phương phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cũng như mở rộng hợp tác quốc tế để ứng phó, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp chỉnh trị sông và tái tạo bờ biển một cách phù hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long./.

Điểm sạt lở trên kênh 28 thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Exit mobile version