Việt Nam

ttxvnvungb-1565836696-86.jpg

Là một quốc gia ven biển, Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán rộng khoảng 1 triệu km2, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa án ngữ trên tuyến đường hàng hải quốc tế, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh và phát triển kinh tế-xã hội.

Vùng biển là cửa ngõ giao lưu giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, vấn đề bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở Biển Đông ngày càng trở nên cấp thiết.

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nhấn mạnh quan điểm biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.

TTXVN trân trọng giới thiệu chùm 5 bài viết “Vì một Việt Nam mạnh về biển, giàu từ biển.”  

Chủ quyền biển, đảo Việt Nam: Đậm trong sử liệu

Chu Thanh Vân

Việt Nam nằm trong bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á, với toàn bộ phần phía Đông và phía Nam giáp Biển Đông. Biển Đông là vùng biển nằm ở rìa lục địa, thuộc Thái Bình Dương, có diện tích bao phủ khoảng 3,5 triệu km2, lớn thứ tư thế giới. Người Việt Nam xưa nay vẫn thường gọi là Biển Đông bởi xuất phát từ ý nghĩa là vùng biển nằm ở phía Đông đất nước. Bờ biển Việt Nam chiếm tới 35% chu vi Biển Đông với hàng nghìn đảo lớn, nhỏ, trong đó, hai quần đảo lớn và có vị trí chiến lược quan trọng nhất là Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ Mộc bản triều Nguyễn…

Lượn theo hình chữ S, phần đất liền Việt Nam giáp biển trải dài qua 28 tỉnh, thành phố, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Tính trung bình tỷ lệ diện tích theo số km bờ biển, cứ 100km2 Việt Nam có 1km bờ biển (so với trung bình thế giới là 600 km2 đất liền/1km bờ biển). Do những chấn tạo địa chất trải qua nhiều thiên niên kỷ, vùng biển Việt Nam có khoảng 4.000 hòn đảo lớn, nhỏ khác nhau, trong đó một số đảo có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước, như: Cát Hải, Cát Bà, Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng), Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng), Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)…

Nằm ở trung tâm của Biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những khu vực có nhiều tuyến đường biển giao thương nhất thế giới. Từ xa xưa, các cuộc vượt biển hướng về Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác sản vật biển, tìm kiếm kho báu do các tàu thuyền qua lại bị đắm, lưu trú lại trên các đảo như một công việc tự nhiên tất yếu bao đời nay của người Việt. Rất nhiều tư liệu, thư tịch Hán Nôm cổ của Việt Nam, Trung Quốc và tư liệu khảo sát thực địa, bản đồ phương Tây, chủ yếu của các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha… đã ghi chép rất rõ về điều này.

Các học giả Việt Nam, trong đó có cả học giả người Việt ở hải ngoại, và nhiều học giả quốc tế đã có nhiều công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Sử sách của Việt Nam trước đây đã nhiều lần đề cập đến các quần đảo này như một phần không thể thiếu của lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam, như Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú và các bộ quốc sử, địa chí chính thống do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam địa dư chí… Đặc biệt, quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ còn được thể hiện rất rõ trong nguồn tài liệu lưu trữ gốc và các di sản tư liệu thế giới hiện đang bảo quản tại các Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam.

Một bản khắc mộc bản về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. (Ảnh: TTXVN)

Triều đình Nguyễn đã để lại cho thế hệ mai sau nhiều tư liệu quý giá về việc mở mang bờ cõi, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó tiêu biểu là hai khối tài liệu đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu cấp quốc tế, đó là Mộc bản và Châu bản.

Ghi chép các sự kiện lịch sử đời chúa Nguyễn từ đời chúa Nguyễn Hoàng đến đời chúa Nguyễn Phúc Thuần, tương đương giai đoạn 1558-1777, mặt khắc 24, quyển 10 sách “Đại Nam thực lục tiền biên” miêu tả về Hoàng Sa: “ở ngoài biển thuộc về xã Vĩnh An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 130 bãi cát cách nhau một ngày đường hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa-bãi cát vàng vặn dặm. Trên bãi cát có nguồn nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba… Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm đến tháng ba thì đi thuyền ra, đi độ 3 ngày đêm thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để tìm lượm hóa vật, đội này cũng do đội Hoàng Sa cai quản.”

Mộc bản triều Nguyễn khắc sách Đại Nam nhất thống chí – sách địa lý chính thức của triều Nguyễn do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ năm 1865 đến năm 1910 mô tả cụ thể hơn: Phía Đông tỉnh Quảng Ngãi có đảo Hoàng Sa, liền cát với biển làm thành trì… Đảo Hoàng Sa ở phía Đông đảo Lý (cù lao Ré). Từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra, thuận gió thì độ 3 đến 4 ngày đêm có thể đến nơi…

Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng, đội Hoàng Sa được thành lập dưới thời các chúa Nguyễn là sự sáng tạo độc đáo của phương thức xác lập và thực thi chủ quyền của nước nhà đối với quần đảo Hoàng Sa. Hoạt động của đội Hoàng Sa đi thuyền ra Vạn lý Hoàng Sa khai thác hóa vật và sản vật, hải vật quý ngoài hải đảo về dâng nạp vào tháng 8 đã trở thành thông lệ hằng năm.

Mộc bản Triều Nguyễn được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt). (Ảnh: TTXVN)  

Đến thời các vua nhà Nguyễn, Nguyễn Ánh sau khi thống nhất đất nước lên ngôi vua (1802), lấy niên hiệu là Gia Long, hơn ai hết ông là người có ý thức sâu sắc về giá trị và tầm quan trọng của biển đảo, nên đã để tâm ngay đến việc tái lập đội Hoàng Sa. Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ chép: Năm Quý Hợi-Gia Long thứ 2 (1803), tháng 7 lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa.

Đặc biệt, năm 1816, vua Gia Long cho dựng mốc cắm cờ xác định chủ quyền tại Hoàng Sa. Tài liệu Châu bản đã ghi chép việc các vua nhà Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông, đặc biệt đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những đảo gần đất liền như Côn Đảo, Phú Quốc… Tất cả đã được thể hiện thông qua việc nhà Nguyễn liên tục cử người ra khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ; thực hiện công tác cứu hộ đối với thuyền bè của Việt Nam cũng như thuyền bè của các nước khác gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời có những chính sách khen thưởng, xử phạt nghiêm minh đối với những người được triều đình cử đi công vụ tại Hoàng Sa. Hoàng Sa, Trường Sa là nơi hiểm yếu, nằm trên con đường giao thương trên biển, nhiều tàu thuyền nước ngoài đã bị gặp nạn.

Xuất phát từ truyền thống nhân ái của dân tộc, đồng thời thực thi trách nhiệm và nghĩa vụ của nước có chủ quyền trên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, triều đình cũng như ngư dân vùng biển đã nhiều lần cứu hộ tàu, thuyền nước ngoài gặp nạn ở Hoàng Sa.

Mộc bản khắc sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, cho biết: “Năm Bính Thân, Minh Mệnh thứ 17 (1836), mùa Đông, tháng 12, thuyền buôn Anh Cát Lợi đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm, hơn 90 người đi thuyền sam bản đến bờ biển Bình Định. Vua được tin, dụ cho các dinh thần lựa nơi cho họ trú ngụ, hậu cấp tiền và gạo. Lại phái thị vệ thông ngôn đến phiên dịch để gửi lời thăm hỏi, tuyên chỉ ban cấp. Bọn họ đều quỳ dài, khấu đầu không thôi.”

… đến An Nam đại quốc họa đồ

Cùng với những tư liệu lịch sử đang được lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ trong nước, nhiều bản đồ của phương Tây cũng thể hiện rõ bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điển hình trong số đó là An Nam đại quốc họa đồ – một bản đồ về Việt Nam vào thế kỷ 19, một trong những dẫn chứng cho thấy chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.

Tờ bản đồ có kích thước 84x45cm, là phụ bản của cuốn Dictionarium latino-anamiticum (Từ điển Latin-An Nam), do Oriental Lith. Press xuất bản ở Calcutta (Ấn Độ) vào năm 1838. Tác giả cuốn từ điển này là Jean Louis Taberd (1794-1840), giám mục đại diện Tông tòa ở Nam kỳ dưới triều vua Minh Mạng (1820-1841).

Năm 1838, Giám mục Jean Louis Taberd vẽ tờ bản đồ này, trên đó có hình một cụm đảo ở giữa Biển Đông, trong đó có ghi dòng chữ Latin: Paracel seu Cát Vàng, nghĩa là “Paracel hoặc là Cát Vàng.” Bản gốc của bản đồ này hiện đang lưu giữ tại Thư viện quốc gia Pháp Richelieu tại Paris.

Trong bài viết Ghi chép về địa lý Nam Kỳ in trên The Journal of the Asiatic Society of Bengal, xuất bản tại Calcutta vào năm 1837, Giám mục Jean Louis Taberd đã viết: “Chúng tôi không đi vào kê khai những hòn đảo chính yếu của xứ Cochin China Đàng Trong. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, đảo Paracel mà người Việt gọi là Cát Vàng-Hoàng Sa gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những người đi biển rất e ngại, đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong… Năm 1816, vua (Gia Long) đã (cho người) đến long trọng cắm cờ và chính thức tuyên bố chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông.”

Một bản khắc mộc bản về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. (Ảnh: TTXVN)

Dòng chữ “Paracel seu Cát Vàng” ghi trên An Nam đại quốc họa đồ cùng với những chú giải trong bài nghiên cứu của Giám mục Jean Louis Taberd là bằng chứng chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trước An Nam đại quốc họa đồ, bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613, thể hiện quần đảo Pracel (Hoàng Sa), bao gồm tất cả các đảo của Việt Nam từ nam vịnh Bắc Bộ cho đến hết vùng biển phía nam của Việt Nam, trừ Pulo Condor (Côn Đảo) và Pulo Cici (đảo Phú Quốc) được vẽ riêng.

Tập san Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China do John Crawfurd biên soạn, xuất bản tại London (Anh) năm 1830, có đoạn viết: Năm 1816, vua Cochin China đã chiếm một quần đảo không có người ở và hiểm trở bao gồm nhiều đá, đảo nhỏ, bãi cát… gọi là Paracel. Theo đó, nhà vua tuyên bố quần đảo này thuộc chủ quyền nước này, mà hầu như không bị tranh chấp.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Những nghiên cứu của bà Monique Chemillier-Gendreau, giáo sư công pháp quốc tế và khoa học chính trị-Đại học Paris VII-Denis Diderot (Pháp), nguyên Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Pháp cho thấy, Việt Nam có bằng chứng rõ ràng về chủ quyền đối với hai quần đảo này. Hội nghị San Francisco được tổ chức từ ngày 4-8/9/1951, để bàn về việc ký hòa ước hòa bình với Nhật Bản với sự tham dự của đại diện 51 nước. Với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, phái đoàn Quốc gia Việt Nam đại diện cho Nhà nước Việt Nam do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu thuộc Chính phủ Bảo Đại làm trưởng đoàn đã tham gia hội nghị.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao, trong đó nhấn mạnh “để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam.” Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và không gặp phải sự bảo lưu hay phản đối nào của đại diện các nước tham dự Hội nghị./.

Tấm mộc bản lớn nhất có khổ 150x30x2,5cm tại chùa Bổ Đà. (Ảnh: TTXVN)

Thượng tôn pháp luật và thiện chí hòa bình

Hồng Điệp-Thu Phương

Biển Đông luôn có vị trí chiến lược quan trọng trong đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Từ xa xưa trong lịch sử cho đến ngày nay, Việt Nam luôn kiên trì, nhất quán thực thi và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, với mong muốn duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác trên biển, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả các bên liên quan.

Xác lập và thực thi chủ quyền trên biển một cách hòa bình

Ngay từ rất sớm, Việt Nam đã ý thức sâu sắc tầm quan trọng của biển, đảo và việc xác lập, thực thi chủ quyền đối với các vùng, đảo một cách hòa bình. Tài liệu Châu bản đã ghi chép việc các vua nhà Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông, đặc biệt đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những đảo gần đất liền như Côn Đảo, Phú Quốc… thông qua việc nhà Nguyễn liên tục cử người ra khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ; thực hiện công tác cứu hộ đối với thuyền bè của Việt Nam cũng như thuyền bè của các nước khác gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngay từ thời các chúa Nguyễn, đội Hoàng Sa được thành lập để đi ra Vạn lý Hoàng Sa khai thác hải vật quý và hoạt động này của đội Hoàng Sa đã trở thành thông lệ hàng năm. Đến thời Nguyễn Ánh, ngay sau khi thống nhất đất nước, lên ngôi vua (1802), hiệu là Gia Long, ông đã tái lập đội Hoàng Sa; năm 1816 cho dựng mốc cắm cờ xác định chủ quyền tại Hoàng Sa…

Trải qua các thời kỳ lịch sử, biển đảo luôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xác định mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.

Vùng Cảnh sát biển 1 phối hợp với các đơn vị liên quan kết hợp, triển khai thực hiện mô hình ‘Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân’ tại huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Việc ra đời Chiến lược biển Việt Nam là một bước tiến quan trọng, đề ra những định hướng đúng đắn, vừa giúp đất nước tranh thủ được nguồn tài nguyên để phát triển các ngành nghề kinh tế biển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo. Nhờ có Chiến lược biển, Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình hành động, Đề án cụ thể nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên, phát triển kinh tế biển và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp, bất đồng giữa các quốc gia ven biển gia tăng. Ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn biển trở thành xu thế chủ đạo. Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học-công nghệ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức.

Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhất trí ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.”

Tôn trọng luật pháp quốc tế

Biển Đông có vai trò, vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam, đồng thời liên quan lợi ích nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Những diễn biến tại khu vực này cũng ngày càng phức tạp, gia tăng căng thẳng.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 34 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan tháng 6/2019 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm cần nhìn nhận thẳng thắn những diễn biến trên thực địa như cải tạo đất trái phép, quân sự hóa, cản trở khai thác hợp pháp tài nguyên biển, thậm chí đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân… Việt Nam luôn khuyến khích đối thoại và hợp tác, thẳng thắn và trách nhiệm trước những diễn biến có thể tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Mới đây, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan “tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.” Phát biểu trên của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã được nhận sự chia sẻ và ủng hộ của nhiều quốc gia trong khu vực.

Tàu Cảnh sát biển 8001 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) lớn nhất Việt Nam với nhiều trang thiết bị hiện đại, hoạt động trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Về các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam luôn kiên trì, nhất quán giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Cùng với UNCLOS 1982, Việt Nam nghiêm túc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nỗ lực hướng tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Trước những hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”; đồng thời nêu rõ “Chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.” Với tinh thần thượng tôn pháp luật và thiện chí hòa bình, Việt Nam đề nghị các bên ở khu vực Biển Ðông cần tôn trọng chủ quyền và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, châu Âu-châu Á, Trung Đông-châu Á, Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa chiến lược, an ninh, giao thông, đường biển và kinh tế. Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và nghĩa vụ của Việt Nam, của tất cả các nước trong khu vực và nhiều nước khác. Bởi vậy, các quốc gia có lợi ích liên quan cần tăng cường hợp tác trên biển, góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế biển trong khu vực và trên thế giới, vì lợi ích chung của các bên liên quan./.

Chiến sỹ đảo Trường Sa thường xuyên nâng cao cảnh giác, ngày đêm tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. (Nguồn: TTXVN)

UNCLOS 1982: Hiến chương xanh trên biển của loài người

Hồng Điệp-Thu Phương

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) được thông qua ngày 30/4/1982 đánh dấu kết quả 9 năm (1973-1982) đàm phán của Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên hợp quốc, nhằm xây dựng một văn kiện pháp lý quốc tế mới về biển và đại dương, phù hợp với lợi ích chung của các quốc gia.

Việt Nam là một quốc gia ven biển có đường bờ biển dài khoảng 3.260 km với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, đảo, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng Công ước Luật Biển năm 1982; luôn đề cao tôn chỉ, mục tiêu của Công ước, đồng thời có những hành động thiết thực đóng góp vào việc thực hiện Công ước.

UNCLOS 1982: Khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện

UNCLOS 1982 ra đời đánh dấu sự hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong sử dụng, quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển; đồng thời đặt ra cơ sở để xác định các vùng biển, là căn cứ cho các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển.

Cho biết về tiến trình Việt Nam phê chuẩn và trở thành thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, người đầu tiên ở châu Á dịch UNCLOS 1982 nêu rõ ngày 23/6/1994, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Qua thực tiễn vận dụng Công ước này trong thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông, Việt Nam đã gặt hái rất nhiều thành công cả trên phương diện pháp lý cũng như trong quá trình thực thi và bảo vệ các quyền của mình.

UNCLOS 1982 được coi là một Hiến chương xanh trên biển của loài người. Đó là thành quả vĩ đại của nhân loại trong quá trình xây dựng, đưa ra các định chế, nội dung quy phạm pháp luật để điều chỉnh mọi mối quan hệ về các mặt: kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng trên các vùng biển.

Với tính chất, giá trị to lớn của UNCLOS 1982, ngay từ những ngày đầu xây dựng Công ước, Việt Nam đã có những chuyên gia, đại diện tham gia quá trình xây dựng nội dung.

Lực lượng hải quân bảo vệ quần đảo Trường Sa được trang bị phương tiện tuần tra hiện đại, luôn đề cao cảnh giác, tuần tra theo dõi, nắm chắc tình hình trên biển, dự báo đúng tình hình để có kế hoạch và chủ động ứng phó với mọi diễn biến. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trước khi UNCLOS 1982 ra đời, Việt Nam đã tích cực vận dụng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế để xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật trong nước về biển; và đã ban hành Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển Việt Nam.

Năm 1982, UNCLOS được ký kết tại Montego Bay, Jamaica. Việt Nam đã vận dụng và công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng ven bờ lục địa Việt Nam. Với việc phê chuẩn tham gia Công ước ngày 23/6/1994, Việt Nam thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm một thành viên tích cực.

Để cụ thể hóa các nội dung của UNCLOS 1982, Việt Nam đã xây dựng và công bố Luật biển Việt Nam năm 2012

Đặc biệt, theo tiến sỹ Trần Công Trục, để cụ thể hóa các nội dung của UNCLOS 1982, Việt Nam đã xây dựng và công bố Luật biển Việt Nam năm 2012. Văn bản Luật trên ra đời hoàn toàn dựa vào nội dung, nguyên tắc của UNCLOS 1982, trong đó Việt Nam đã có những quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn, phù hợp với tình hình và chính sách, chiến lược biển Việt Nam.

Việc nội luật hóa UNCLOS 1982 bằng Luật Biển 2012 giúp Việt Nam có cơ sở pháp lý vững chắc trong xử lý mọi tranh chấp, hoạt động trên biển có liên quan đến các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.

Nỗ lực thực thi UNCLOS 1982, thúc đẩy hợp tác về biển

Đánh giá những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi UNCLOS 1982, thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển, tiến sỹ Phạm Lan Dung, Tổng Thư ký Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) cho biết trước hết, Việt Nam đã chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia trên cơ sở các quy định của UNCLOS 1982; ban hành hơn 10 luật và các văn bản dưới luật liên quan đến lĩnh vực này, đặc biệt là Luật Biển Việt Nam năm 2012 được xây dựng hài hòa với các quy định của UNCLOS 1982. Với những cố gắng này, các vùng biển của Việt Nam được xác định trong các văn bản pháp luật của quốc gia phù hợp với Công ước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi Công ước, cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Cùng với đó, Việt Nam đã nỗ lực tiến hành phân định biển với các quốc gia trong khu vực dựa trên các nguyên tắc được quy định trong Công ước. Đây chính là một nội dung quan trọng của việc thực thi Công ước, góp phần tạo ra môi trường hòa bình và ổn định giữa các quốc gia, đảm bảo để các quốc gia có được các vùng biển theo quy định của Công ước và có thể tiến hành khai thác, bảo tồn tài nguyên ở các vùng biển đó.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 triển khai mô hình ‘Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân.’ (Nguồn: TTXVN)

Cũng theo tiến sỹ Phạm Lan Dung, Việt Nam luôn cố gắng thực hiện nghiêm túc các quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo quy định của Công ước. Năm 2009, Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa trên cơ sở khoa học và pháp lý phạm vi thềm lục địa mở rộng của Việt Nam ở Biển Đông và đệ trình lên Ủy ban Thềm lục địa Liên hợp quốc.

Việt Nam cũng đã thành lập Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn năm 1996; là thành viên của Công ước về Tìm kiếm Cứu nạn. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước. Điều đó thể hiện ở việc Việt Nam là thành viên của Hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương và đã từng được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương.

Việt Nam còn tích cực tham gia xây dựng nhiều văn kiện pháp lý quốc tế và khu vực liên quan đến biển như Công ước quốc tế về Tổ chức Vệ tinh Hàng hải (INMARSAT), Hệ thống An toàn và Cứu nạn Hàng hải toàn cầu (GMDSS)…

Giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế – biện pháp văn minh

Theo tiến sỹ Phạm Lan Dung, việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp trên biển giữa các quốc gia ở các cơ quan xét xử quốc tế được coi là một biện pháp văn minh, phù hợp với tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo cho các nước dù lớn, dù nhỏ cũng có cơ hội bình đẳng trước tòa, bình đẳng trước luật pháp quốc tế.

Tiến sỹ Phạm Lan Dung cho biết khi tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia, đàm phán là biện pháp đầu tiên mà các nước nên làm và cần phải làm theo quy định của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Trong quá trình đàm phán và trao đổi quan điểm, bên cạnh các yếu tố từ góc độ chính trị, ngoại giao…, các nước luôn cần sử dụng đến luật pháp quốc tế như cơ sở không thể thiếu cho lập trường, quan điểm chính nghĩa của mình. Vai trò quan trọng của luật pháp quốc tế ở giai đoạn này chính là giúp cho các nước trên thế giới, giới học giả, giới truyền thông và dư luận tiến bộ của cộng đồng quốc tế có được cái nhìn khách quan, trên cơ sở của luật pháp quốc tế, về bản chất của vụ việc và có được những đánh giá đầu tiên về bên đúng, bên sai. Qua đó, dư luận tiến bộ sẽ có những tác động nhất định lên các bên, kiềm chế bên vi phạm luật, hoặc cao hơn là lên án, ngăn chặn…

Ở mức độ cao hơn, khi đàm phán, trao đổi quan điểm không có kết quả, các bên có thể quyết định sử dụng đến các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp. Đây là một trong các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và nhiều văn bản pháp lý quốc tế khác./.

Các chiến sỹ tân binh Tiểu đoàn 158 Hải quân luyện tập điều lệnh. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chinh phục khát vọng trở thành quốc gia mạnh về biển

Thu Phương

Việt Nam, dải đất hình chữ S với bờ biển trải dài khoảng 3.260km, được xếp thứ 27/157 quốc gia ven biển trên toàn thế giới. Tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam nổi bật trên cả 5 lĩnh vực chính: tài nguyên, vận tải, khai thác và chế biến hải sản, du lịch và các khu kinh tế ven biển. Bởi vậy, Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XII đã xác định mục tiêu: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển.” Đây cùng là khát vọng cháy bỏng của người dân Việt Nam, vươn lên trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Tiềm năng kinh tế biển nổi bật

Vùng ven bờ nước ta có tổng số 48 vũng, vịnh với tổng diện tích khoảng 4.000 km2, phân bố từ Bắc vào Nam. Trong đó, vùng Nam Trung Bộ có nhiều nhất (31 vũng, vịnh), chiếm 64,6% tổng số vũng, vịnh cả nước. Tiếp đến là vùng Bắc Bộ (7 vũng vịnh), chiếm 14,6%, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ cùng có 5 vũng, vịnh, chiếm 10,4%. Nhiều vũng, vịnh tương đối sâu và kín, thuận lợi cho việc xây dựng các cảng nước sâu và cho việc trú ngụ của tàu thuyền. Biển Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai thế giới, với hơn 45% lượng vận tải thương mại đường biển toàn cầu phải đi qua.

Về nguồn lợi hải sản, Việt Nam là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và là một trong 20 vùng biển có lợi ích kinh tế lớn nhất toàn cầu. Đến nay, vùng biển Việt Nam đã phát hiện được khoảng 12.000 loài sinh vật với trên 2.000 loài cá, trong đó khoảng 130 loài cá có giá trị kinh tế. Trữ lượng cá biển của toàn vùng khoảng 4,2 triệu tấn. Sản lượng cho phép khai thác khoảng 1,7 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, biển Việt Nam còn nhiều nguồn lợi hải sản khác với khoảng 1.600 loài giáp xác, sản lượng cho phép khai thác 50-60 nghìn tấn/năm, trong đó hải sản có giá trị cao là tôm biển, tôm hùm, tôm mũ ni, cua, ghẹ; khoảng 2.500 loài động vật thân mềm, trong đó có các loài có giá trị kinh tế cao nhất là mực và bạch tuộc (cho phép khai thác 60.000-70.000 tấn/năm)…

Tàu vỏ sắt công suất lớn của ngư dân Quảng Nam cập cảng cá An Hòa sau chuyến biển dài ngày. (Ảnh: Hữu Trung/TTXVN)

Về du lịch, không những sở hữu bờ biển dài tới 3.260km, cùng hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ và hàng trăm bãi tắm cát trắng trải dài từ Bắc vào Nam, Việt Nam còn có những bãi biển, vịnh đẹp nổi tiếng thế giới, như: Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng…  Vì thế, chỉ riêng 28 tỉnh, thành phố giáp biển luôn chiếm tỷ trọng trên 70% doanh thu du lịch lữ hành của cả nước.

Dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn, hạt nhân phát triển kinh tế ven biển, hàng năm đóng góp từ 10-13% GDP cả nước, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Theo tổng kết 10 năm (2008-2017) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển tăng trưởng bình quân 7,5%/năm, cao hơn so với nhịp tăng trưởng chung của cả nước. Năm 2017, GRDP của các địa phương ven biển chiếm 60,5% GDP cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt 64,9 triệu đồng, cao hơn so với mức bình quân cả nước là 53,5 triệu đồng. Trong đó, một số địa phương có mức GRDP bình quân đầu người đạt cao như Bà Rịa-Vũng Tàu (hơn 225 triệu đồng), Quảng Ninh (hơn 90 triệu đồng), Đà Nẵng (hơn 70 triệu đồng).

Đưa Việt Nam thành quốc gia biển mạnh

Mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh được xác định rõ tại Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó ghi rõ: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.”

Đề xuất giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển, phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề cập tới vai trò của quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Theo ông, tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên cùng một vùng biển.

Hiện cả nước có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước biển gần 845.000ha

Do đó, “phương thức quản lý tổng hợp có vai trò điều chỉnh hoạt động của con người để bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái, qua đó, bảo đảm tài nguyên biển được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, môi trường biển được bảo vệ, hài hòa được lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển,” phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Với cách tiếp cận cả từ lợi thế và hạn chế của kinh tế biển, một số chuyên gia cho rằng cần xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế hướng tới nền kinh tế biển xanh, bằng cách xây dựng và thực hiện các quy định pháp luật để đảm bảo tối ưu hóa các lợi ích.

Trên thực tế, những năm gần đây, các địa phương ven biển đều tích cực thu hút đầu tư xây dựng và phát triển nhiều khu, điểm du lịch ven biển mới và hiện đại, thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước, quốc tế. Nhiều dự án đầu tư khu du lịch biển, đảo cao cấp, khu du lịch thể thao, giải trí ven biển có số vốn từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD. Hiện cả nước có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước biển gần 845.000ha.

Đến cuối năm 2017, các khu kinh tế ven biển đã thu hút hơn 390 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 45,5 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 26,5 tỷ USD và 1.240 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 805.000 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 323,6 nghìn tỷ đồng.

Bốc xếp hàng tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Một số khu kinh tế như Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai, Dung Quất… đã thu hút được những dự án đầu tư lớn, có vai trò quan trọng tăng cường năng lực sản xuất ngành công nghiệp cả nước, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy nhiều ngành khác phát triển.

Cùng với các chính sách về hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản, đóng tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác hải sản hàng năm tăng nhanh và liên tục. Từ năm 2006 đến 2017, sản lượng tăng từ 1,8 triệu tấn lên 3,2 triệu tấn. Năm 2018, theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 3,59 triệu tấn, trong đó khai thác biển đạt trên 3,37 triệu tấn. 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 1,88 triệu tấn (tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó khai thác biển đạt trên 1,79 triệu tấn. Đến nay, toàn quốc có gần 96,6 nghìn tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên. Các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản tăng lên nhanh cả về số lượng và chất lượng sản phẩm. Cả nước có hơn 620 cơ sở chế biến thủy, hải sản có quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm (Nhật Bản, Mỹ, EU…).

Theo mục tiêu Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XII đã đề ra, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65%-70% GDP cả nước. Để hoàn thành mục tiêu đó, Nghị quyết xác định 3 khâu đột phá và 7 giải pháp chủ yếu, nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển; hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng an ninh, thực thi pháp luật trên biển; tăng cường hợp tác quốc tế về biển; huy động các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh…

Truyền thuyết Cha Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển đã phản ánh không gian sinh tồn của người Việt từ ngàn đời. Biển là nguồn sống của các thế hệ người Việt Nam. Với quyết tâm lớn và tầm nhìn chiến lược, sự đồng sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam sẽ từng bước vươn lên trở thành quốc gia biển mạnh giàu, bền vững, thịnh vượng./.

Chuẩn bị vật tư, nhiên liệu cho chuyến đi biển dài ngày. (Ảnh: Hữu Trung/TTXVN)

Điểm tựa để ngư dân vươn khơi bám biển

Thu Phương

Liên tục trong nhiều năm qua, các lực lượng chức năng trên biển đã có nhiều chương trình hoạt động thiết thực, ý nghĩa, làm “điểm tựa” vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Đó là các chương trình: “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”; “Cảnh sát Biển đồng hành với ngư dân”; các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ); hay chương trình tặng cờ Tổ quốc, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân… của Bộ đội Biên phòng.

“Điểm tựa” vững chắc cho ngư dân

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân cho biết việc triển khai Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ và phát huy vai trò của ngư dân khai thác hải sản an toàn, đúng pháp luật; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là chủ trương lớn, được tiến hành thường xuyên, liên tục trong năm 2019 và những năm tiếp theo, gắn với các phong trào, cuộc vận động khác của Quân chủng và địa phương.

Chương trình tập trung vào 4 nhóm hoạt động chính gồm: tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, ý thức chấp hành pháp luật trong đánh bắt hải sản, củng cố niềm tin cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển; hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ ngư dân khi đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc…

Cảnh sát biển chuyển hàng lên đảo tặng ngư dân đảo Lý Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Theo Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững, Quân chủng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân phối hợp với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai, rút kinh nghiệm trước khi triển khai đồng loạt trong toàn Quân chủng. Đồng thời, Quân chủng chỉ đạo Bộ Tư lệnh các Vùng Hải quân và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn chủ trì phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động, cụ thể hóa 4 nội dung lớn của chương trình.

Chương trình bước đầu đã đạt những kết quả tích cực, có sức lan tỏa, được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố ven biển đồng tình hưởng ứng. Bà con ngư dân rất phấn khởi trước việc làm thiết thực, cụ thể của Hải quân.

Các đơn vị trong Quân chủng đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với 24/28 tỉnh, thành phố ven biển; vận động, phối hợp ủng hộ gần 1.000 áo phao, 1.500 phao cứu sinh, 3.700 cờ Tổ quốc, khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho trên 1.000 lượt người; thăm, tặng quà ngư dân, hỗ trợ hàng ngàn lít dầu, tổ chức 1.500 ngày công làm sạch môi trường biển…

Đồng hành cùng ngư dân

Mô hình “Cảnh sát Biển đồng hành với ngư dân” của Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển đến nay đã triển khai được hơn hai năm tại 13 xã, huyện đảo, thuộc 11 tỉnh, thành phố ven biển. Quá trình triển khai thực hiện mô hình luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, các bệnh viện trong và ngoài Quân đội tổ chức khám và cấp phát thuốc miễn phí cho 1.874 lượt ngư dân; tặng 500 cuốn sổ tay hướng dẫn cấp cứu thông thường trên biển; 340 tủ thuốc quân y cho các tàu cá, hướng dẫn sơ cứu thương, cấp cứu người bị đuối nước cho 1.500 lượt ngư dân.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 triển khai mô hình ‘Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân’ tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương các xã (huyện) đảo tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 2.500 lượt cán bộ, ngư dân; tập huấn cho trên 800 ngư dân về công tác bảo đảm an toàn trên biển, tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản, Luật Cảnh sát biển…

Thông qua các hoạt động thiết thực, cụ thể, mô hình góp phần tăng cường tình đoàn kết quân-dân, giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình chính sách, gia đình ngư dân và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi; tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế gia đình, tham gia phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, củng cố và phát huy lòng yêu nước, yêu biển, đảo quê hương, xây dựng hình ảnh đẹp của Cảnh sát biển Việt Nam.

Phương châm “4 tại chỗ”

Công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn được Quân đội nhân dân Việt Nam xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, đặc biệt là công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

15 năm qua kể từ ngày thành lập (9/8/2004-9/8/2019), Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng, trực tiếp chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị chuyên trách và bán chuyên trách về tìm kiếm cứu nạn thuộc các lực lượng; đã tìm kiếm cứu nạn được hàng nghìn tàu thuyền và hàng nghìn ngư dân, thuyền viên, công nhân viên… khi hoạt động trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Hàng trăm người đã được cứu sống kịp thời từ các đảo xa về đất liền.

Riêng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, máy bay của Quân chủng Phòng không-Không quân, Hải quân, Binh đoàn 18 đã cấp cứu 18 người từ huyện đảo Trường Sa. Các tàu hải quân, cảnh sát biển, biên phòng đã cấp cứu hàng trăm người, trong đó có hàng chục người nước ngoài từ các vùng biển xa về đất liền.

Giữa biển khơi, ngư dân luôn cần sự hỗ trợ kịp thời của các lực lượng chức năng đang nhiệm vụ trên biển để họ an lòng vượt qua những con sóng cả

Ngoài ra, lực lượng cứu hộ cứu nạn còn tổ chức tiếp nhận, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước ngọt, thuốc men và bố trí nơi ăn, nghỉ cho hàng nghìn ngư dân cùng hàng trăm ghe, thuyền gặp nạn trên biển, qua đó khẳng định truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, củng cố niềm tin yêu của nhân dân.

Theo Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, đối với hoạt động tìm kiếm cứu nạn, phương châm “4 tại chỗ” (gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) luôn được áp dụng triệt để. Trên biển, lực lượng tại chỗ chính là các tàu, thuyền đang hoạt động gần khu vực bị nạn, khi nhận được tín hiệu báo nạn, hoặc thấy có người bị nạn, đều phải có trách nhiệm tham gia tìm kiếm cứu nạn. Vì vậy, tàu cá của ngư dân được xác định là lực lượng quan trọng trong “4 tại chỗ” trên biển.

Ngư dân treo cờ Tổ quốc vừa do Cảnh sát biển trao tặng. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, cần không ngừng kiện toàn hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh-gọn-hiệu quả; tăng cường xây dựng và huấn luyện lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo đảm có chuyên môn, nghiệp vụ, đủ khả năng xử lý tình huống khi xảy ra các sự cố trên biển.

Cùng các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, cứu hộ cứu nạn, trong nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng luôn là một lực lượng nòng cốt trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn; tuyên truyền chính sách, pháp luật; tích cực hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Một trong những hoạt động thiết thực và ý nghĩa của Bộ đội Biên phòng thời gian gần đây là việc tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Theo Trung tá Trương Lâm Tới, Trưởng ban Thanh niên Bộ đội Biên phòng, hoạt động này giúp cho ngư dân nhận thức rõ hơn về chủ quyền biển, đảo; khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tăng cường tình đoàn kết quân, dân trên địa bàn đóng quân.

Vươn khơi bám biển, làm giàu cho gia đình và đất nước, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là hoạt động thường nhật của ngư dân. Giữa biển khơi, ngư dân luôn cần sự hỗ trợ kịp thời của các lực lượng chức năng đang nhiệm vụ trên biển để họ an lòng vượt qua những con sóng cả.

Thực tế những năm qua, hành trình của mỗi ngư dân nơi khơi xa, luôn có sự dõi theo của đất liền và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển. Mỗi khi không may gặp sự cố, tai nạn giữa mênh mông biển trời, mỗi khi cần hỗ trợ về hậu cần, kỹ thuật, các ngư dân luôn có được chỗ dựa vững chắc từ các lực lượng chức năng trên biển, để họ vững vàng tiếp tục vươn khơi./.

Exit mobile version