Indonesia sau bầu cử

5e69d9ca7b5-1558585488-61.jpg

Sau hơn 1 tháng kể từ khi Indonesia tổ chức cuộc bầu cử trực tiếp lớn nhất thế giới diễn ra trong 1 ngày, với việc bầu tổng thống, phó tổng thống và đại biểu quốc hội, quá trình kiểm phiếu đã chính thức khép lại sớm hơn dự kiến 1 ngày.

84% trong tổng số 193 triệu cử tri đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu tại hơn 800.000 điểm bỏ phiếu trên khắp quần đảo, đây được cho là tỷ lệ cao và là một thành công của quá trình bầu cử và tiến trình này đã được thực hiện suôn sẻ trong hòa bình.

Không nằm ngoài dự đoán

Kết quả kiểm phiếu cuối cùng cho thấy Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo đã giành chiến thắng với tỷ lệ 55,5 % số phiếu bầu, vượt 10% so với đối thủ của ông là Prabowo Subianto.

Điều này cũng giống với những dự đoán và thăm dò trước đó. Sự cách biệt tỷ lệ ủng hộ lần này lớn hơn so với kết quả bầu cử trong cuộc đối đầu trước đó giữa họ vào năm 2014.

Đương kim Tổng thống đã giành lợi thế nhờ đa số cử tri Indonesia hài lòng với những “cái được” trong chính sách của ông Jokowi như cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội và tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, cuộc đua được đánh giá như là một cuộc trưng cầu ý dân về nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Jokowi. Đương kim Tổng thống đã giành lợi thế nhờ đa số cử tri Indonesia hài lòng với những “cái được” trong chính sách của ông Jokowi như cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội và tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên số 02 Prabowo và liên minh của ông gồm những người Hồi giáo cứng rắn hướng về một Chính phủ Indonesia sùng đạo hơn, ít dung thứ hơn cho các nhóm tôn giáo thiểu số và các quyền tự do dân sự.

Tổng thống Jokowi đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hồi tháng 4/2019.(Nguồn: Reuters)

Cuộc bầu cử Tổng thống và lập pháp Indonesia 2019 được coi là cuộc bầu cử phức tạp nhất trong lịch sử Indonesia và cả trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình này nhìn chung đã diễn ra suôn sẻ và thành công, đảm bảo hòa bình, công bằng và minh bạch. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng và quyết định tới phương hướng, đường lối xây dựng và phát triển Indonesia trong thời gian tới.

Kết quả kiểm phiếu cuối cùng được Ủy ban bầu cử quốc gia (KPU) tuyên bố sớm hơn 1 ngày so với dự kiến, ứng viên Prabowo đã tuyên bố không chấp nhận kết quả này và cáo buộc có những gian lận “trên diện rộng” và sẽ đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp. Tuy nhiên, Cơ quan Giám sát Bầu cử (Bawaslu) đã bác bỏ thông tin có gian lận trong quá trình bầu cử.

Cuộc bầu cử Tổng thống và lập pháp Indonesia 2019 được coi là cuộc bầu cử phức tạp nhất trong lịch sử Indonesia và cả trên thế giới.

Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm Jokowi tự tin bày tỏ khuyến khích đối thủ của mình theo đuổi các khiếu nại pháp lý như một sự đảm bảo dân chủ. Tòa án Hiến pháp đã đưa thời hạn 3 ngày để các bên không chấp nhận kết quả bầu cử có thể đệ trình khiếu kiện.

Nếu không có tranh chấp thì ngày 24/5, Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU) sẽ chính thức tuyên bố người thắng cử. Trong trường hợp có khiếu nại thì kết quả sẽ được công bố sau khi có kết luận của Tòa án Hiến pháp.

Hướng đến một nền kinh tế độc lập và ổn định

Đường hướng phát triển kinh tế đất nước là mối quan tâm hàng đầu của người dân Indonesia cũng như giới quan sát sau khi kết quả bầu cử gần như đã được ngã ngũ.

Các nhà phân tích cho rằng, với việc thắng cử một nhiệm kỳ tiếp theo, Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo trong nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục chủ trương xây dựng một nền kinh tế độc lập, nỗ lực đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng, đảm bảo cân bằng giữa các vùng miền, nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) và ông Ma’ruf Amen (phải) xuất hiện trước người dân ở Jakarta ngày 21/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mục tiêu đưa kinh tế đất nước tiếp tục tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bất ổn cũng sẽ là một nỗ lực với việc thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập khẩu, thực hiện các chính sách bảo hộ và phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.

Dự báo chính phủ tương lai sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm về việc ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối, góp phần mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế xã hội.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có chiều hướng gia tăng trên thế giới, thì việc thúc đẩy hoàn thành các Hiệp định thương mại tự do với các nước và các tổ chức quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Indonesia.

Bất chấp vẫn còn một số ý kiến trái chiều về tính hiệu quả và các khoản nợ, dự báo chính phủ tương lai sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm về việc ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối, góp phần mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế xã hội.

Trên cơ sở chủ trương phát triển đất nước trở thành “Trục hàng hải của thế giới” trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Jokowi sẽ “kế thừa” và tiếp tục tận dụng thế mạnh trong nước kết hợp với nguồn lực bên ngoài để phát triển hành lang kinh tế hàng hải.

Người dân tiếp tục là trung tâm

Để giành được chiến thắng trong cuộc tái tranh cử lần này, một trong điểm mạnh của ông Jokowi là những chính sách hướng đến người dân và đời sống của họ. Vì vậy, đây vẫn được cho là xu hướng chủ đạo trong chính sách đối nội của chính phủ mới với việc ưu tiên cho các lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp và cải thiện đời sống người dân, nâng cao phúc lợi xã hội.

Tổng thống Joko Widodo chụp ảnh chung với những người ủng hộ. (Nguồn: Reuters)

Bên cạnh đó, công cuộc cải cách nền dân chủ, chống tham nhũng cũng sẽ là những trọng tâm trong chính sách đối nội cùng với việc xây dựng cơ chế thực thi pháp luật ưu việt hơn, nhằm đảm bảo sự minh bạch và công bằng.

Trong khi đó, chính sách đối ngoại của chính phủ mới được dự báo cũng sẽ cơ bản bám sát các mục tiêu xuyên suốt với 4 ưu tiên: Duy trì chủ quyền; Bảo vệ công dân và pháp nhân Indonesia ở nước ngoài; Tăng cường ngoại giao kinh tế; Chú trọng vai trò trong khu vực và toàn cầu của Indonesia.

Để giành được chiến thắng trong cuộc tái tranh cử lần này, một trong điểm mạnh của ông Jokowi là những chính sách hướng đến người dân và đời sống của họ.

Tầm quan trọng của an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam Á tiếp tục được Indonesia theo đuổi bởi an ninh tại Đông Nam Á và khu vực lân cận cũng bao gồm lợi ích của Indonesia. ASEAN là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Indonesia, điều này cũng đã xuyên suốt chính sách ngoại giao của Indonesia thời gian qua. Indonesia cũng sẽ chú trọng phát triển khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia trên nhiều lĩnh vực…

https://atavist-migration-2.newspackstaging.com/wp-content/uploads/2019/05/btts8h215-1558586556-81.mp4.mp4
(Nguồn: Vnews)

Mặc dù có những bất đồng, khác biệt về ý kiến, các cuộc biểu tình có dấu hiệu lan rộng để phản đối kết quả trước kết quả mà Ủy ban bầu cử quốc gia đưa ra, nhiều phần tử quá khích gây bạo loạn, an ninh của Thủ đô phải siết chặt… nhưng thắng lợi của đương kim tổng thống Jokowi đã gần như cầm chắc, chỉ còn đợi công bố chính thức việc công nhận kết quả hợp pháp mà thôi, và hiển nhiên ông sẽ tiếp tục duy trì và theo đuổi những đường hướng hiện tại với những thành công đưa ông đến thắng lợi một lần nữa trong cuộc chạy đua cho nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai 2019-2014.

Còn người dân Indonesia thì kỳ vọng vào một giai đoạn phát triển mới mang đến sự thịnh vượng cho đất nước và một cuộc sống sung túc hơn cho nhân dân./.

Exit mobile version