Hành trình 10 năm

ttxvnavaha-1557284295-52.jpg

Chắp cánh cho hàng Việt

Giai đoạn đầu, Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam gặp không ít khó khăn do tâm lý người tiêu dùng sính ngoại và thích sử dụng hàng trôi nổi giá rẻ. Người dân thiếu thông tin về hàng Việt nên việc thay đổi thói quen rất khó. Thế nhưng, hành trình 10 năm của cuộc vận động ý nghĩa này đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và tiêu dùng của người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh, sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” cơ cấu hàng Việt đa dạng, hoạt động tiếp thị được doanh nghiệp Việt chú trọng cả ở kênh phân phối hiện đại lẫn mạng lưới chợ truyền thống. Đặc biệt, hiện tâm lý người tiêu dùng rất tự nhiên đón nhận hàng Việt như một nhu cầu thiết yếu trong mua sắm hàng ngày.

Từ thói quen đến ưu tiên tiêu dùng

Nhiều người nội trợ cho rằng 10 năm trở về trước, hàng Việt chưa phong phú chủng loại, đa dạng mẫu mã nên người dân có xu hướng tìm đến hàng ngoại để bù đắp. Nhưng hiện nay, hàng Việt đã phát triển, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Với nhiều người, việc mua sắm, sử dụng hàng Việt không còn là lời kêu gọi mà dần trở thành thói quen. Nhiều thương hiệu hàng Việt chất lượng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Nghệ sỹ Hạnh Thúy, đại diện Câu lạc bộ Đại sứ Hàng Việt chia sẻ trước khi có Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” gia đình chị sử dụng hàng Việt như thói quen và chỉ chọn hàng hóa phù hợp, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, từ khi có cuộc vận động thì các thành viên trong gia đình nhận thức rõ hơn về việc sử dụng và ưu tiên lựa chọn hàng Việt.

Với nhiều người, việc mua sắm, sử dụng hàng Việt không còn là lời kêu gọi mà dần trở thành thói quen

Thậm chí, nhiều người dân ủng hộ hàng Việt còn vận động lẫn nhau cùng sử dụng. Điều này khẳng định Cuộc vận động đã phát huy được hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận người dân cảm thấy chưa có thông tin để nhận diện thương hiệu, họ không phân biệt được hàng giả-hàng thật. Đây là thiệt thòi đối với người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa và cũng là thách thức đối với cả đơn vị sản xuất kinh doanh lẫn cơ quan quản lý Nhà nước trong nỗ lực hỗ trợ hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng.

Ngoài siêu thị, mạng lưới chợ truyền thống là kênh người tiêu dùng không thể bỏ vì thói quen tiêu dùng và có sự tương tác. Do đó, để người dân nhận diện thương hiệu hàng Việt, phân biệt được hàng giả-hàng thật, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, đòi hỏi phải có hoạt động thiết thực trong tiếp cận người tiêu dùng. Trước bối cảnh này, Ban quản lý các chợ truyền thống tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá hàng Việt và tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống lưu thông hàng hóa trên thị trường.

Đơn cử như với tình trạng cân thiếu, lừa dối nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, gây mất lòng tin của người tiêu dùng…, Ban quản lý các chợ tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã bố trí cân đối chứng; nâng cao nhận thức không thách giá và cách thức phục vụ lịch sự cho thương nhân, tiểu thương; thường xuyên tổ chức cập nhật kiến thức cho thương nhân, tiểu thương trong tư vấn hàng Việt, doanh nghiệp, nhãn hàng…

Theo bà Hà Hiền, tiểu thương chợ Bà Chiểu, tuy những hoạt động này chỉ góp một phần rất nhỏ nhưng lại tạo ra sự thay đổi lớn, hỗ trợ tiểu thương nâng cao nhận thức về hàng Việt, xu hướng kinh doanh văn minh và hiện đại để giữ vị thế của mạng lưới chợ truyền thống. Hiện nay, chợ truyền thống thấy khá sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, hàng hóa đa dạng, đem lại nhiều trải nghiệm cho khách hàng.

Người dân tham quan, mua sắm tại các gian hàng Việt Nam chất lượng cao. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Cánh tay nối dài của doanh nghiệp

Trong 10 năm qua, kể từ khi Bộ Chính trị công bố Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã là đối tác chính thức của Bộ Công Thương với 2 chương trình lớn: “Đưa hàng Việt về nông thôn” và “đưa hàng Việt phục vụ công nhân.”

Tuy nhiên, muốn hội nhập hiệu quả hơn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thâm nhập sâu hơn, bền vững hơn với thị trường thế giới, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã khởi động xây dựng Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao-chuẩn hội nhập song song với Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Bộ tiêu chuẩn với sự đồng hành từ đầu của Bộ Khoa học và Công nghệ (quản lý nhà nước về tiêu chuẩn) nhằm khuyến khích doanh nghiệp chọn, xây dựng cho mình các tiêu chuẩn Việt Nam và cả quốc tế.

Bà Trần Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 5, cho biết xác định cuộc vận động là hoạt động thiết thực và quan trọng đối với đời sống an sinh xã hội, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tại quận 5 đã thực hiện phân loại đối tượng để tuyên truyền hiệu quả. Giải pháp tuyên truyền, cung cấp thông tin linh động đã và đang góp phần đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, thúc đẩy thực hiện cuộc vận động đi vào chiều sâu, lan tỏa khắp các địa bàn dân cư.

Do đặc thù địa bàn quận 5 có nhiều người Hoa làm ăn, sinh sống nên Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã biên soạn văn bản tiếng Hoa và chuyển ngữ những chương trình hành động trong tuyên truyền; tập trung triển khai các hội thi, sân chơi văn hóa, văn nghệ… gắn với hàng Việt; kết nối nhiều tổ chức, cá nhân đồng hành cùng doanh nghiệp đưa sản phẩm đến tại địa phương như các phường, khu dân cư đông…, bà Hương dẫn chứng.

Nông sản Việt liên tục thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Tương tự, tại các quận, huyện khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài hoạt động tuyên truyền triển khai cuộc vận động, nhiều đơn vị còn sáng kiến ra tổ chức những chương trình hành động thiết thực như phát phiếu quà tặng, đổi rác sinh hoạt lấy quà… nhằm khuyến khích người dân cập nhật thông tin, tiếp cận, tiêu dùng hàng Việt. Đặc biệt, một số ban chỉ đạo tại các quận, huyện còn tổ chức cho người dân tham quan quy trình sản xuất kinh doanh hàng Việt, tiếp sức doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận người tiêu dùng.

Chợ vải Soái Kình Lâm thuộc Thương xá Đồng Khánh là một ví dụ. Nếu trước đây, ở lĩnh vực vải sợi, thị phần hàng Việt còn rất khiêm tốn thì cuộc khảo sát mới đây của Ban ngành cho thấy hàng Việt đã chiếm khoảng 75% mặt hàng kinh doanh. Kết quả này đã chỉ ra rằng qua hành trình 10 năm tuyên truyền, vận động thương nhân, tiểu thương thành lập cửa hàng liên kết, hợp tác thúc đẩy quảng bá hàng Việt đã phát huy hiệu quả.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết trước nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng cao của doanh nghiệp, hoạt động kết nối cung cấp thông tin ngày càng được các tổ chức xúc tiến tăng cường.

Trong giai đoạn 5 năm (2014-2019), các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã tổ chức thực hiện gần 2.450 sự kiện xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, dịch vụ, hàng Việt

Cụ thể, Trung tâm xúc tiến các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã kết nối thông tin thông qua việc liên kết trang website, thường xuyên đăng tải báo cáo về nghiên cứu thị trường, chương trình hoạt động, sự kiện của các tỉnh, thành phố để giới thiệu cho doanh nghiệp tại địa phương và trong khu vực tiếp cận thị trường.

Mặt khác, báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) với vai trò Trưởng Ban điều phối “Chương trình hợp tác trên lĩnh vực xúc tiến thương mại-đầu tư giữa các đơn vị xúc tiến thương mại-đầu tư các tỉnh, thành phố phía Nam” cũng cho thấy, trong giai đoạn 5 năm (2014-2019), các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã tổ chức thực hiện gần 2.450 sự kiện xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, dịch vụ, hàng Việt tại thị trường trong nước và quốc tế./.

Người dân đến mua sắm tại Hội chợ kích cầu mua sắm hàng Việt. (Ảnh: Hải Âu/TTXVN)

Hàng Việt trước yêu cầu chuyển đổi

Hiện nay, sản phẩm trong nước vẫn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng tương ứng 89% và 93%. Chất lượng và tính an toàn khi sử dụng là hai yếu tố được người tiêu dùng quan tâm hơn cả. Tuy nhiên, việc vẫn có nhiều người tiêu dùng yêu thích sản phẩm ngoại nhập đang đặt ra thách thức, đòi hỏi hàng Việt phải cải thiện năng lực cạnh tranh và hội nhập tốt hơn.

Yêu cầu hàng hóa tiêu chuẩn

Kết quả khảo sát Cuộc điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện cho thấy, người tiêu dùng ngày nay đặc biệt quan tâm đến các yếu tố thông tin sản phẩm rõ ràng, có thể truy xuất nguồn gốc, dễ tìm mua hay thương hiệu nổi tiếng. Bên cạnh đó, yếu tố giá cả, khuyến mãi chỉ còn sức hút với một bộ phận nhỏ người tiêu dùng và không phải là lựa chọn tiên quyết.

Không ít trường hợp hàng Việt không có tiêu chuẩn hoặc thiếu chứng nhận tiêu chuẩn nên dù chất lượng tốt vẫn phải chịu cảnh “rớt từ vòng gửi xe” khi tìm đường hội nhập

Cụ thể, có khoảng 88% người tiêu dùng nhận biết logo Hàng Việt Nam chất lượng cao, kế đến là chứng nhận ISO, VietGAP, Hàng Việt Nam chất lượng cao-Chuẩn hội nhập… Gần 90% người tiêu dùng tham gia khảo sát đồng tình với quan điểm “sản phẩm đạt các chứng nhận tiêu chuẩn làm tôi yên tâm khi mua dùng.”

Không ít trường hợp hàng Việt không có tiêu chuẩn hoặc thiếu chứng nhận tiêu chuẩn nên dù chất lượng tốt vẫn phải chịu cảnh “rớt từ vòng gửi xe” khi tìm đường hội nhập. Bên cạnh đó, tình trạng sản phẩm tốt mà không có bất kỳ chứng nhận tiêu chuẩn nào cũng bị các nhà phân phối trong nước lẫn đối tác nước ngoài từ chối vẫn diễn ra phổ biến.

Người dân tham quan, mua sắm tại các gian hàng Việt Nam chất lượng cao. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Trong bối cảnh hội nhập, vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, chất lượng rất quan trọng đối với sản phẩm, hàng hóa, nhất là để hàng Việt có thể chinh phục người tiêu dùng trong nước. Do vậy, muốn cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp cận, làm theo tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng toàn cầu.

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, dự báo người tiêu dùng tương lai quan tâm đến các yếu tố mua trải nghiệm hơn là mua sản phẩm, tìm giải pháp để đơn giản cuộc sống. Họ sẵn sàng bỏ tiền để mua thời gian, việc mua sắm góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Doanh nghiệp buộc phải tư duy lại bản đồ phát triển thị trường, chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, sức khỏe và trách nhiệm môi trường, công nghệ… Đây còn là những yêu cầu chuyển động đương nhiên doanh nghiệp phải tự vượt qua mà không có sự bảo hộ và hỗ trợ.

Có hơn 1 triệu tiêu chuẩn (quốc tế, khu vực, quốc gia, cơ sở) được xây dựng, công bố và áp dụng trên thế giới

Hàng hóa ngày nay muốn bán được, muốn đi xa và lên được kệ hàng thế giới bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn với sự hỗ trợ mang tính quyết định của công nghệ. Thống kê những năm gần đây cho thấy hơn 80% giá trị, lượng giao dịch thương mại quốc tế chịu sự tác động của tiêu chuẩn. Ngoài ra, có 84% tổ chức thương mại sử dụng tiêu chuẩn trong các chiến lược, hoạt động xuất khẩu của mình.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay có hơn 1 triệu tiêu chuẩn (quốc tế, khu vực, quốc gia, cơ sở) được xây dựng, công bố và áp dụng trên thế giới; trong đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình và thủ tục đánh giá sự phù hợp có thể trở thành rào cản kỹ thuật đối với hàng hoá trong nhiều trường hợp xuất nhập khẩu. Tiêu chuẩn mang lại lợi ích cho tất cả các bên gồm: người tiêu dùng, doanh nghiệp, Chính phủ, nhất là tạo ra lòng tin thị trường thương mại tự do.

Cải tiến mô hình kinh doanh

Theo thống kê, kênh siêu thị là nơi được người tiêu dùng ưu tiên đến nhất khi chọn mua nhu yếu phẩm, văn phòng phẩm, đồ gia dụng, kế đến là hệ thống cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi (gồm tạp phẩm của hộ gia đình). Chợ truyền thống tuy có giảm vị thế ở một số mặt hàng nhưng vẫn chiếm ưu thế ở ngành hàng thực phẩm tươi sống. Kênh trực tuyến dù đứng cuối bảng nhưng vẫn cho thấy xu hướng mua sắm online ngày càng khởi sắc, nhất là hàng may mặc, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, điện tử… hầu hết phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trẻ.

Tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chủ tiệm tạp hóa (trực tiếp và trực tuyến) bắt đầu hiểu vai trò của dữ liệu khách hàng, giá trị thương hiệu và khả năng kiểm soát giá trị doanh nghiệp. Mô hình “tiệm tạp hóa” ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung có xu hướng thay đổi, bắt đầu quan tâm đến việc tối ưu hóa kinh doanh như: không còn giữ nhiều vốn lưu động để tăng tồn kho; cân đối dòng tiền ra–vào hiệu quả; cẩn thận hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp; chú ý chọn sản phẩm có tính thanh khoản…

Nhiều đơn vị kinh doanh mô hình “tiệm tạp hóa” đã từng bước chú trọng tìm nguồn cung cấp rẻ, ổn định và cơ hội mua bán trên mạng để tăng doanh số.

Người dân mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Với mạng lưới chợ truyền thống, bà Nguyễn Thị Huyền Trân, Phó Ban quản lý chợ nguyễn Tri Phương, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, người tiêu dùng tìm đến sản phẩm chất lượng và đảm đảm an toàn. Ban quản lý chợ đã hình thành khu vực chuyên kinh doanh hàng hóa đạt chuẩn để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Khu vực này chuyên kinh doanh các mặt hàng thịt lợn, trứng, rau… có bao bì, nhãn mác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được người tiêu dùng ủng hộ.

Cụ thể, đối với mặt hàng rau xanh, ngày thường đạt sức tiêu thụ từ 200-300 kg/ngày; riêng dịp lễ, Tết thì hơn 500 kg/ngày. Bên cạnh đó, khảo sát của Ban quản lý chợ cũng cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền để ưu tiên mua sắm sản phẩm chất lượng và đảm bảo an toàn.

Theo nghiên cứu khảo sát thị trường năm 2018 tại các hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), hàng Việt được đánh giá ba khía cạnh. Khoảng 94% người tiêu dùng cho rằng hàng Việt kinh doanh tại Saigon Co.op đã thay đổi mẫu mã, hình thức; khoảng 91% cho rằng hàng Việt cải tiến chất lượng tốt hơn theo xu hướng thị trường và xu hướng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; khoảng 88% hàng việt có hàm lượng sáng tạo công nghệ cao và thành công khi thâm nhập vào thị trường ngách.

Ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng giám đốc thường trực Liên hiệp Thương mại Hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) chia sẻ kết quả trên đạt được là nhờ vào các chương trình hành động thiết thực; trong đó có thể kể đến việc Saigon Co.op tập trung kết nối nguồn cung tận nơi – phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng.

Trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp cần có chiến lược kết nối thị hiếu tiêu dùng

Giải pháp này không chỉ góp phần giải quyết đầu ra, xóa bỏ tình trạng “giải cứu.” Saigon Co.op không ngừng phát triển đa dạng mô hình bán lẻ khác nhau để tạo “sân chơi” hàng Việt thông qua triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; xuất khẩu hàng Việt ra thị trường toàn cầu qua các hợp tác quốc tế…

Hiện đơn vị này còn trở thành “bà đỡ” cho nhiều mặt hàng đang từng bước xây dựng thương hiệu và đứng vững trên thị trường, nhất là sản phẩm nông sản và đặc sản Việt.

Trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp cần có chiến lược kết nối thị hiếu tiêu dùng, nhất là khi ngày càng nhiều người dân ưu tiên sử dụng sản phẩm tự nhiên, bản địa, an toàn thực phẩm, organic… Doanh nghiệp cần tạo ra những trải nghiệm đáp ứng nhu cầu tiện ích cho người tiêu dùng hơn là chỉ nghĩ về việc bán sản phẩm, dịch vụ.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần tham gia hành trình số hóa thúc đẩy thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, hướng đến những giải pháp kết nối người tiêu dùng hiệu quả, dù online hay offline./.

Người dân mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Cơ hội trong nền kinh tế số

Khi môi trường thay đổi, chỉ những doanh nghiệp có nội lực mới trụ vững và phát triển. Để phát triển và vượt qua những khó khăn phía trước, doanh nghiệp Việt không có con đường nào khác ngoài việc phải nâng cao năng lực nội tại và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nắm bắt tín hiệu thị trường

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam, hay nói cách khác là nền sản xuất công nghiệp-thương mại Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường nội địa và quốc tế. Mặc dù vậy, một số mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam lại vẫn gặp nhiều thách thức như nông-đặc sản. Mục tiêu đề ra là đưa hàng Việt chinh phục người Việt và vươn xa thị trường xuất khẩu.

Muốn vậy, hệ thống hệ thống phân phối, bán lẻ cần phát tín hiệu thị trường cho các đơn vị sản xuất kinh doanh về thông tin, tiêu chuẩn, xu hướng tiêu dùng…

Ông Nishitohge Yasuo, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, kiêm Tổng Giám Đốc Công ty Aeon Việt Nam, cho biết nhà bán lẻ này rất quan tâm đến việc tìm kiếm nhà cung ứng và thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp nội địa để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa. Song song với đó, doanh nghiệp này mong muốn ngày càng có nhiều sản phẩm Việt hiện diện trên kệ hàng của Aeon tại Việt Nam cũng như thế giới.

Thời gian qua, Aeon Việt Nam không ngừng nỗ lực cung cấp những thông tin về xu hướng của người tiêu dùng Nhật Bản và một số lưu ý cho các doanh nghiệp Việt để nâng cao sức cạnh tranh; đồng thời, chia sẻ thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa để đáp ứng điều kiện được đưa vào chuỗi siêu thị Aeon Nhật Bản.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Big C. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tương tự, đại diện Central Group Việt Nam và Big C cho hay chương trình thu mua tại địa phương được nhà bán lẻ này triển khai ở khu vực miền Bắc khoảng hơn một năm trước, còn miền Trung và miền Nam được thực hiện ngay sau đó khoảng vài tháng, tạo được cơ hội cho các nhà cung cấp địa phương tiếp cận khu vực phân phối hiện đại, trong đó, nông dân giao hàng trực tiếp đến hệ thống siêu thị Big C tại địa phương, trước tiên đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng bản địa.

Tiếp theo, Big C liên kết với các hộ nông dân để sản xuất sản phẩm cung ứng tại địa phương và những vùng lân cận. Đặc biệt, cùng với sở, ngành địa phương, Big C tham gia hỗ trợ nông dân, đơn vị sản xuất kỹ thuật sản xuất, đào tạo, hướng dẫn quy trình sản xuất và cam kết bao tiêu sản phẩm.

Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần nắm bắt được “khe hở” của thị trường, thị hiếu khách hàng để tung ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp cả về chất lượng lẫn tiêu chuẩn (Tiến sỹ Lê Thẩm Dương)

Trong bối cảnh thị trường thương mại tự do và nền kinh tế Việt Nam nằm trong top mở cửa sâu rộng, tiến sỹ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh phân tích doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần nắm bắt được “khe hở” của thị trường, thị hiếu khách hàng để tung ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp cả về chất lượng lẫn tiêu chuẩn. Ngoài ra, để khắc phục điểm yếu về năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt cần xây dựng hạ tầng như nguồn nhân lực, công nghệ và tài sản văn hóa công ty, thương hiệu…

Cơ hội từ chuyển đổi số

Nền kinh tế thế giới đang thay đổi mạnh mẽ dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là lĩnh vực công nghệ đang chuyển đổi với tốc độ “vũ bão,” tạo động lực và cơ hội để cải thiện hiệu suất kinh tế vượt trội. Việc xuất hiện những mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số hóa mang lại những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu trải nghiệm tiện ích cho người tiêu dùng.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về kinh tế số, bà Kelly Ommundsen – Trưởng nhóm cộng đồng, Sáng kiến Kinh tế số và Hệ thống xã hội WEF cho rằng phát triển kinh tế số không dừng lại ở từng doanh nghiệp, ngành nghề hay từng quốc gia mà cần được nhìn nhận trên tổng thể vai trò của cả khu vực và đặt trong tương quan với thị trường toàn cầu. Đối với Việt Nam, cần xem xét trong xu thế chung của ASEAN về phát triển kinh tế số, từ đó có những chiến lược phát triển phù hợp.

Các cơ sở làng nghề tư vấn người tiêu dùng cách thức phân biệt sản phẩm nông sản thật–giả. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Công nghệ số không chỉ mang đến cơ hội kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn kể trên, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng khởi nghiệp. Cụ thể, hiện có những hệ thống, nền tảng công nghệ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể áp dụng hay khai thác mà không tốn kém chi phí hoặc chi phí rất thấp. Chuyển đổi số là sân chơi và công cụ mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện; trong đó, quy mô công ty không phải là vấn đề quan trọng mà trên thực tế, doanh nghiệp phải nhận thức được khuynh hướng chuyển đổi, xây dựng được năng lực ứng dụng công nghệ hiệu quả.

Mô hình phát triển bền vững cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao chuẩn mực kinh doanh, để có thể thâm nhập thị trường hiện hữu, cũng như mở ra cơ hội thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Khảo sát thực tế cho thấy những mô hình kinh doanh bền vững là công cụ giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội, đồng thời đang là một xu thế và là điều mà ngay cả các công ty toàn cầu chứ không phải chỉ có doanh nghiệp Việt Nam luôn tìm kiếm.

Việt Nam hiện có khoảng 90% doanh nghiệp sản xuất tư nhân được thành lập và phát triển bởi những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Doanh nghiệp muốn đứng vững trong nền kinh tế và phát triển bền vững, lâu dài thì cần phải quan tâm đến thương hiệu sản phẩm, bởi thương hiệu là giá trị vô hình nhưng tỷ trọng lớn trong việc tạo lợi nhuận và giá trị cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, không kể đến quy mô đều phải quan tâm đổi mới sáng tạo và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nếu muốn doanh nghiệp mình phát triển bền vững, nhất là trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhiều doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh để tồn tại, phát triển và cạnh tranh

Từ kinh nghiệm thực tế ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I, cho rằng doanh nghiệp muốn quản trị công ty theo xu hướng tự động hóa phải có giải pháp kỹ thuật phù hợp, nếu không sẽ rất rủi ro vì chi phí đầu tư rất cao. Sự đột phá trong sản xuất mang lại hiệu quả lớn nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp khi phải tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoạch định tài chính…

Với những công nghệ đột phá làm thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp như IoT (Internet vạn vật), AR/VR (thực tế ảo/thực tế tăng cường), Blockchain (công nghệ tài chính số), Big Data (dữ liệu lớn…), nhiều doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh để tồn tại, phát triển và cạnh tranh.

Quản trị tài chính là một trong những vấn đề cốt lõi. Doanh nghiệp phải xác định không chỉ đầu tư công nghệ vào công ty là đủ mà phải tận dụng công nghệ hiệu quả và trở thành lợi thế cạnh tranh mới thành công./.

Người dân đến mua sắm tại Hội chợ kích cầu mua sắm hàng Việt. (Nguồn: TTXVN)
Exit mobile version