Uli Hoeness

ulihoeness-1556694818-32.jpg

Sự lớn mạnh của FC Bayern trở thành số 1 của nước Đức và đóng vai trò “Global Player” trong làng bóng đá thế giới gắn liền với tên tuổi của một người, thường được gọi là “Bố già” của bóng đá Đức đó là: Ulrich “Uli” Hoeness.

Cách đây 40 năm, ngày 1/5/1979, ở tuổi 27, Hoeness đảm nhận chức vụ Giám đốc điều hành FC Bayern – vị Giám đốc trẻ nhất trong lịch sử bóng đá Đức thời đó.

Năm nay, kỷ niệm 40 năm ngày ông nhận chức ở Bayern, Thông tấn xã Đức (DPA) đã gặp và trò chuyện với ông về cả một quá trình phục vụ cho FC Bayern trong 40 năm qua.

Tôi chưa từng muốn làm giám đốc hay huấn luyện viên

– Ông Hoeness, ông còn nhớ những gì vào ngày 1/5/1979 – Ngày làm việc đầu tiên của ông thế nào? Ông có cảm gì sau ngày làm việc đầu tiên ở FC Bayern trên cương vị Giám đốc điều hành?

Uli Hoeness: Ngày đó tôi hoạt bát và đầy nhiệt huyết khi khoác lên mình chiếc áo West mầu xám và kẹp trong tay một tập giấy ghi chép. Tôi nhận lại phòng làm việc cũ của Robert Schwan. Trong phòng chỉ có một chiếc bàn làm việc, bên cạnh là một chiếc tủ nhỏ trên đó có đặt điện thoại – thế là hết. Tôi không có thư ký. Hàng ngày, tôi gọi điện đi một vài nơi khoảng chừng 2 tiếng, sau đó tôi về nhà…

– Trong tập ghi chép của ông toàn những ý tưởng tuyệt vời?

Uli Hoeness: Không, trong đó không ghi gì cả. Sau đó một thời gian, mọi chuyện mới bắt đầu. Tôi có một người quen, ông ấy có quan hệ buôn bán với Kuwait. Tôi đã cùng ông ấy bay tới đó. Hồi đó một trận đấu giao hữu trong nước Đức chúng tôi được khoảng 10.000 đến 20.000 Mark (tiền Đức cũ). Và tôi nghĩ, không thể thế được, FC Bayern đi khắp nơi thi đấu mà chỉ có được kiếm ngần đó! Hồi đó doanh thu của chúng tôi là 12 triệu Mark và có 20 người làm việc, bây giờ là hơn 1000.

– Dịch vụ, buôn bán và nhà tài trợ khi đó đã có?

Uli Hoeness: Không! Chẳng hề có một dịch vụ, buôn bán nào. Chúng tôi có một quầy giao tiếp giống như Bưu điện. Ở đó bày bán vài cái khăn, dăm ba chiếc bưu thiếp bầy bán. Đó là tất cả “Fanshop” của Bayern.

– Ở tuổi 27, ông kết thúc sự nghiệp sớm như vậy để trở thành giám đốc, ông đã nghĩ gì khi nhận một trọng trách lớn như vậy?

Uli Hoeness: Lần đầu tiên tôi bị chấn thương đầu gối vào năm 1975 khi 23 tuổi trong trận chung kết Cup châu Âu ở Paris gặp Leeds United. Chấn thương bánh chè hồi đó không phải là chuyện nhỏ. Bây giờ người ta chỉ cần mổ một vết bé tý và 14 ngày sau cầu thủ khỏe mạnh bình thường. Nhưng thời đó y học không được như hiện nay. Tôi đã có rất nhiều thời gian để suy nghĩ… nhưng thực sự là tôi chưa từng muốn trở thành Huấn luyện viên hay là Giám đốc thể thao…

Ở tuổi 27, Hoeneß đảm nhận chức vụ Giám đốc điều hành FC Bayern. (Ảnh: Imago)

– Tại sao?

Uli Hoeness: Tôi có một hứng thú đặc biệt với mảng kinh tế trong bóng đá. Tôi luôn quan sát giám đốc thời đó của Bayern là Robert Schwan. Ông ấy coi tôi như một trợ lý từ hồi tôi còn là cầu thủ, ông thường mang tôi theo trong các chuyến công cán của mình.

– Bayern đã thương mại hóa và trở thành một “Global Player,” đây là công sức không nhỏ và quan trọng nhất của ông?

Uli Hoeness: Tôi coi một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là thế này: FC Bayern không bị phụ thuộc vào tiền vé thu từ khán giả. Ngày tôi nhận chức tiền vé đó chiếm khoảng 85% doanh thu (12 triệu Mark). Hiện nay, nó chiếm 18-20% của doanh thu 700 triệu euro.

‘Anh tưởng tượng ra, một ngày nào đó không chỉ có fan của FC Bayern mà cả ông chủ nhà Bank hay thương gia cũng mang theo con mỗi sáng thứ Hai đến FC Bayern Shop mua đồ – lúc đó anh đã thành công!’

– Ông đã làm điều đó như thế nào?

Uli Hoeness: Tôi đã đi khắp nơi. Tôi đến tất cả những chỗ mà người ta đang làm thương mại và kiếm tiền, sang Anh, Mỹ…

Tôi đã đến “49ers” ở San Francisco, một đội bóng bầu dục Mỹ. Tiếp xúc với San Francisco Giants, một đội bóng chày nổi tiếng thời đó. Khi đó, tôi đã đến cả Manchester United, một đội bóng làm dịch vụ tốt nhất châu Âu thời bấy giờ. Khi đó họ đã có cả một “Fanshop” và một cơ sở phân phối riêng chỉ để chuyển phát đồ lưu niệm đến tay người hâm mộ. Tôi vừa học vừa làm và hoàn thiện từng ngày.

– Chính xác là ông đã học được từ thực tế điều gì?

Uli Hoeness: Hôm đến San Francisco và tôi phải mua mang về cho con trai tôi một chiếc áo da của Joe Montana (Quarterback). Khi đến một cửa hàng của “49ers” trong thành phố tôi có nói với vợ tôi rằng: “Anh tưởng tượng ra, một ngày nào đó không chỉ có fan của FC Bayern mà cả ông chủ nhà Bank hay thương gia cũng mang theo con mỗi sáng thứ Hai đến FC Bayern Shop mua đồ – lúc đó anh đã thành công!”

– Ngày đó ông đã nghĩ đến, rằng truyền hình là một nguồn thu lớn chưa? Ý tưởng Pay-TV đã có trong đầu ông?

Uli Hoeness: Hồi đó người ta chế nhạo tôi, khi tôi cùng với Gerhard Mayer-Vorfelder chủ tịch VfB Stuttgart thành lập một ban vận động có tên là “Hành động cho 50 triệu.” Cả Bundesliga lúc đó nhận được 20tr Mark mỗi mùa, còn chúng tôi muốn có 50 triệu tiền bản quyền (cười), người ta đã lên án tôi vô cùng gay gắt.

– Truyền hình trực tiếp một trận đấu ngày xưa còn là một chuyện hiếm có.

Uli Hoeness: Khi đó, nếu có một trận đấu quốc tế nào đó không bán hết vé, vào đúng ngày thi đấu câu lạc bộ mới quyết định có cho phép truyền hình trực tiếp hay không. Đó là một cuộc mặc cả quyết liệt giữa ARD và ZDF với các câu lạc bộ – nghĩ lại tuyệt thật! (Cười sằng sặc)

Uli Hoeness thời đó ngổ ngáo hơn bây giờ, tôi có thể ‘chiến đấu’ bằng cùi trỏ

– Với kinh nghiệm của tuổi 67, chàng trai 27 tuổi Uli Hoeneß năm xưa sẽ làm khác đi điều gì?

Uli Hoeness: Tôi quá ngổ ngáo. Những trận khẩu chiến của tôi với Giám đốc Gladbach Helmut Grashoff hay Bremen-Willi Lemke và những người khác đã trở thành huyền thoại. Tôi đã chiến cả bằng cùi trỏ. Khi người ta đứng ở vị trí cao nhất, người ta có thể dậy đời. Nhưng trên con đường đến đó người ta phải chiến đấu bằng tất cả.

Bây giờ tôi bình tĩnh hơn khi có bất đồng. Mục đích cuối cùng đó là tôi muốn cùng với FC Bayern lớn mạnh.

– Những tranh chấp mang cả tính cá nhân với Lemke hay huấn luyện viên Christoph Daum sau này ông đã sử dụng nó như động lực để tiến bước?

Uli Hoeness: Cũng chính nhờ những xung đột này mà nó đã làm cho FC Bayern có sức cuốn hút hơn rất nhiều so với các câu lạc bộ còn lại. Trong khi có rất nhiều câu lạc bộ khác ở những thành phố lớn cũng có cơ hội như FC Bayern, tôi muốn nói đến Hamburg, Köln, Stuttgart, Frankfurt, Berlin. Hay là Munich 1860, những năm 60 họ là một câu lạc bộ lớn.

 Hoeneß trong màu áo tuyển Đức tại World Cup 1974. (Ảnh: Imago)

– Vậy tại sao không một câu lạc bộ nào có thể cạnh tranh lâu dài với Bayern? Kể cả Borussia Dortmund mùa bóng này cũng giống như cách đây 6 năm… cũng chỉ là tạm thời.

Uli Hoeness: Nhưng giờ đây họ thực sự đã trở thành một đối thủ đáng lưu tâm. Nguyên nhân nằm ở chỗ, họ có Hans-Joachim Watzke và Reinhard Rauball lãnh đạo phát triển mang tính kế thừa một cách liên tục cũng như chúng tôi luôn có ở FC Bayern.

Tôi đã ở đây 40 năm, rồi còn có Franz Beckenbauer và Karl-Heinz Rummenigge. Thêm vào đó chúng tôi luôn cố gắng không để có quá nhiều biến động ở hai vị trí Giám đốc và huấn luyện viên.

– Phát triển bền vững liên tục mang tính kế thừa là chìa khóa thành công của FC Bayern?

Uli Hoeness: Những năm tồi tệ của Bayern luôn là những năm mà chúng tôi có những biến động lớn ở vị trí Huấn luyện viên. Tôi nghĩ, rất nhiều câu lạc bộ nhìn về Munich xem người đang dẫn đầu thị trường này đang làm gì để học hỏi những điều hay nhất.

– Beckenbauer, Rummenigge… tại sao đối với ông lại quan trong đến vậy khi đưa những người có quá khứ Bayern vào những vị trí then chốt của câu lạc bộ?

Uli Hoeness: Điều đó rất có lợi, nếu như anh có thể đưa vào những vị trí chủ chốt những người đã quen thuộc với nơi đây, họ là những cầu thủ đã ngấm DNA của Bayern. Không nhất định bắt buộc nhưng nó rất có lợi.

Còn có một chuyện nữa rõ ràng như thế này: một ngày nào đó Karl-Heinz và tôi cũng phải ra đi. Kể cả tôi khi khởi đầu với tuổi 27, tôi cũng đâu biết phải làm như thế nào. Đó quả thật là ‘một tay mơ!’

Cơ hội này hiện nay cũng dành cho những cựu cầu thủ lớp sau ví dụ như Hasan Salihamidzic đang làm khá tốt công việc của mình trên cương vị Giám đốc thể thao.

Những năm tồi tệ của Bayern luôn là những năm mà chúng tôi có những biến động lớn ở vị trí Huấn luyện viên.

– Một khi đã nói đến thế hệ lãnh đạo kế cận ở Bayern, người ta nhớ đến cái tên Oliver Kahn…

Uli Hoeness: Chúng tôi đã nhiều lần nói chuyện rất cụ thể với Oliver. Chúng tôi không vội, vì Karl-Heinz đã gia hạn hợp đồng đến cuối năm 2021.

– Kahn có khả năng gì?

Uli Hoeness: Tôi rất hài lòng với sự phát triển của cậu ấy sau khi kết thúc sự nghiệp cầu thủ. Cậu ấy đã trở thành một chuyên gia bình luận trên truyền hình, đã tốt nghiệp Đại học hàm thụ chuyên nghành Quản lý kinh tế và thành lập một Công ty riêng. Chúng tôi có một người khi còn thi đấu là một Thủ môn đẳng cấp, hơn thế nữa giờ đây còn có khả năng và hiểu biết về kinh tế. Điều đó cuốn hút chúng tôi.

– Kahn sẽ đến thử việc. Bao giờ điều đó bắt đầu?

Uli Hoeness: Đúng, chúng tôi dự định như vậy và ngày 1/1/2020 sẽ bắt đầu.

Oliver Kahn sẽ bắt đầu làm việc tại Bayern vào ngày 1/1/2020.

Các cuộc chuyển nhượng là những chuyến phiêu lưu đầy thú vị

– Với cái nhìn của người làm bóng đá trong thương trường trong 40 năm qua phát triển đến chóng mặt. Ông có thể nêu ví dụ đại khái những chuyển nhượng đã diễn ra thế nào không?

Uli Hoeness: (cười) Nó mang đầy tính phiêu lưu. Chúng tôi muốn có Rabah Madjer, người ghi bàn thắng huyền thoại bằng quả giật gót trong trận chung kết Europapokal, khi chúng tôi gặp FC Porto năm 1987. Tôi đã không sang Porto mà bay sang Lissabon, sau đó tôi đi một chiếc xe thuê chạy vòng vòng khắp nơi chỉ để giữ bí mật khi tiếp xúc với gia đình của Madjer.

Hay là khi chúng tôi muốn có Roque Santa Cruz năm 1999 ở Paraguay. Chúng tôi đã thương lượng với ông Chủ tịch ngay tại riêng nhà ông ấy, cả gia đình Roque Santa Cruz ngồi cạnh. Phòng kế bên thì có khoảng 25 phóng viên lăm lăm máy ảnh và Micro ngồi đợi suốt thời gian đàm phán. Có rất nhiều kỷ niệm thật điên rồ (cười).

– Vậy là phải như đi trốn?

Uli Hoeness: Hồi chúng tôi muốn mang về Michael Sternkopf, tôi và Jupp Heynckes đi tầu đến nhà bố mẹ cậu ấy ở Karlsruhe. Lúc đến Ga tôi nói: “ Jupp, mình phải mua hoa chứ….”

Ngày hôm sau, rất nhiều báo giật title: “Heynckes và Hoeneß đi taxi mang hoa đến nhà Sternkopf.”

– Cầu thủ trẻ đó của KSC đã về Bayern năm 1990 với giá 3,4 triệu Mark! Hiện giờ ông đã chi 80 triệucho Atlético Madrid để mang về nhà vô địch thế giới người Pháp Lucas Hernández. Ranh giới 100 triệu đã đến rất gần, ông sẽ xô đổ nó mùa Hè này chứ?

Uli Hoeness: Năm nay chắc chắn là không. Và tôi cũng phải thừa nhận rằng số tiền 80 triệu euro đó cách đây 10 năm tôi cũng không thể tưởng tượng ra nổi. Nhưng nếu như nghĩ lại, cũng trong khoảng thời gian đó chúng tôi đã tăng doanh thu lên gấp đôi, thì tất nhiên những khoản chi cũng cần lớn hơn.

Tiền lương tăng lên và số tiền chuyển nhượng cũng vậy. Mặt bằng chung lên tới cỡ này là do có đầu tư nước ngoài, những ông chủ bên phía Đông, Hedgefonds của Mỹ. Hay cả một nhà nước Abu Dhabi và Katar đang thâm nhập thị trường bóng đá.

– Người ta bàn tán rất nhiều về số tiền 80 triệu euro mà Bayern đã chi cho Hernández. Ông đã ghi nhận được điều gì từ đây?

Uli Hoeness: Tôi vô cùng ngạc nhiên tại sao số tiền 80 triệu lại bị xoi mói nhiều thế. Mới đây thôi, người ta còn phán rằng: “Với chính sách chuyển nhượng của ‘ông ta,’ FC Bayern không có cơ hội gì cạnh tranh với những đội bóng Anh, Tây Ban Nha hay với cả Paris Saint-Germain. Bây giờ chúng tôi mua thì họ lại gào lên ‘Lạy Chúa, làm sao có thể chi những 80 triệu euro cho một cầu thủ.?!’

Tôi không biết họ sẽ ‘khóc’ thế nào nếu chúng tôi mua Kylian Mbappé!”

– Ông muốn mang cậu ấy về Allianz Arena? PSG cách đây gần 2 năm mang Mbappé về với giá 180 triệu euro.

Uli Hoeness: Tôi sẽ mua Mbappé ngay nếu chúng tôi có đủ tiền, đây là một cầu thủ tuyệt vời.

– Một cầu thủ có thể đáng giá đến 200 triệu euro?

Uli Hoeness: Câu chuyện ở đây không phải là Mbappé có đáng giá đến thế hay không, mà là có ai dám chi số tiền đó mà không gặp khó khăn gì hay không?

Tôi đọc ở đâu đó, bức tranh đắt nhất thế giới đươc bán đấu giá lên tới gần 400 triệu euro. Tác phẩm đó có giá như vậy hay không? Tất nhiên là không! Nhưng có người bằng mọi giá muốn có bức tranh này và ông ta có đủ tiền để trả – đó là quyết định của riêng ông ta.

Uli đã có Hernandez (phải) và tất nhiên rất muốn có cả Mbappe. (Nguồn: Getty Imgaes)

– Nói đến tiền, cầu thủ ngày xưa không phải ai cũng có đại diện và người khôn ngoan như ông đàm phán sẽ có lợi thế?

Uli Hoeness: Không, tôi chưa để ai thiệt bao giờ. Nhưng thương lượng với vợ cầu thủ là vui nhất. Ví dụ như với Martina Effenberg. Tôi cũng có tiếp xúc với bà Schuster khi chúng tôi muốn mang Bernd Schuster về Bayern nhưng đáng tiếc là không thành công.

Cột mốc của Bayern là Klinsmann, nước Đức thống nhất và sân Allianz

– Theo ông, đâu là mốc đánh giá sự lớn mạnh vượt bậc của FC Bayern?

Uli Hoeness: Điều quan trong nhất là chúng tôi đã đuổi kịp các câu lạc bộ châu Âu về mặt Marketing. Năm 1995 khi Jürgen Klinsmann về thi đấu cho Bayern, lúc đó việc bán áo đấu mới thực sự bắt đầu. Dịch vụ và buôn bán lúc này đã trở thành một phần quan trọng. Hàng năm Fanshop bán được khoảng 100triệu euro cho người hâm mộ.

Nhưng dấu ấn quan trọng nhất phải nói đến việc thống nhất nước Đức năm 1990 – sau khi thống nhất có rất nhiều công dân Đông Đức cũ đến với chúng tôi. Năm 1979 khi tôi mới nhận chức số thành viên là 8000 và bây giờ đã lên đến gần 300.000.

– Ông có cho là FC Bayern đã hưởng lợi từ việc thống nhất nước Đức?

Uli Hoeness: Hoàn toàn chính xác. Nhưng một dấu ấn nữa phải nói đến đó là việc hoàn thành sân Allianz Arena năm 2005. Sân Allianz đã đưa FC Bayern đến một đẳng cấp hoàn toàn khác. Mỗi trận đấu trở thành một “Sự kiện” thậm chí là một “Lễ hội.”

Ngay cả một trận DFB Pokal, giờ đây gặp đội hạng 2 Heidenheim chúng tôi cũng bán hết vé. Hồi thập niên 70 mặc dù chúng tôi ba lần chiến thắng liên tiếp Cup C1 châu Âu nhưng lượng khán giả đến sân Olympia cũng chỉ trung bình vào khoảng 35.000 người.

Những vụ sa thải – đó là điểm tối trong cuộc đời

– Còn các huấn luyện viên, ông đã chứng kiến rất nhiều người, vài người trong số họ còn bị ông sa thải…

Uli Hoeness: Và đó là những chuyện khó khăn nhất. Nó là những điểm tối trong sự nghiệp của tôi mặc dù tôi luôn muốn hành xử có tình người trong đó.

Tôi nhớ lại một vài lần mà cổ họng tôi gần như nghẹn lại, khi người ta phải nói với một người, người đã từng cả năm trời hợp tác vui vẻ bên nhau rằng, mọi chuyện không thể tiếp tục được nữa.

– Ông có thể nêu một ví dụ được không?

Uli Hoeness: Tôi đã nhiều lần nói, sai lầm lớn nhất của tôi là sa thải Jupp Heynckes năm 1991. Nhưng sa thải Ottmar Hitzfeld lại thật là điên rồ. Tôi mời ông ấy và trợ lý là Michael Henke cùng vợ đến nhà chơi. Vợ tôi nấu ăn. Chúng tôi nói về chuyện chia tay trước sau đó ăn nhậu với nhau đến 3 giờ sáng. Thế cũng được.

Năm 1996, chúng tôi mời Otto Rehhagel đến trụ sở ở Phố Säbener sau một trận thua để nói với ông ấy rằng – mọi việc kết thúc tại đây. Lúc đó tôi thực sự muốn chui xuống gầm bàn trong phòng làm việc của Chủ tịch Franz Beckenbauer. Tôi không muốn làm thế nhưng Franz hồi đó cứng rắn lắm. Tôi cũng muốn nói về chuyện này khi có cơ hội. Cũng may bây giờ ông ấy lại trở thành một người bạn rất tốt của chúng tôi.

– Niko Kovac tiếp nối bước chân của người khổng lồ Jupp Heynckes và huấn luyện viên lừng danh Pep Guardiola. Năm đầu tiên chắc chắn sẽ không dễ dàng. Nhưng cậu ấy phải đạt được cái gì để Bayern tiếp tục tin tưởng trong tương lai?

Uli Hoeness: Phải được có nghĩa là gì? Tôi hài lòng khi nhìn thấy cậu ấy dẫn đội bóng ra khỏi khủng khoảng hồi tháng 11. Đội bóng đang thay máu. Chúng tôi đã đứng ra nhận trách nhiệm cho cậu ấy để Arjen Robben và Franck Ribéry có thể ra đi trong tôn trọng. Và tất nhiên, người ta phải kiên nhẫn một chút.

– Trong phòng truyền thống của FC Bayern có chân dung của rất nhiều cầu thủ lớn. Ông xếp Robben và Ribéry vào đâu nếu như một ngày gần đây họ ra đi?

Uli Hoeness: Nhớ lại ngày Franck mới về Munich. Cậu ấy nghĩ, chơi ở đây một vài năm rồi Real hay một câu lạc bộ nào đó tương tự sẽ gọi điện đến, thế mà đã hơn 10 năm rồi. Trong hơn 10 năm qua Franck cũng như Arjen đã trở thành trụ cột của FC Bayern. Họ đã có một sự nghiệp tuyệt vời với đỉnh cao là chiến thắng Champions-League năm 2013 ở Wembley.

Đối với tôi Franck và Arjen được xếp vào tầm cỡ những cầu thủ Bayern khác như Beckenbauer, Maier, Müller, Rummenigge, Breitner, Lerby, Lahm, Schweinsteiger và những người khác mà tôi không bao giờ quên.

Robben và Ribéry – 2 huyền thoại của Bayern Munich. (Nguồn: Getty Images)

– Mùa bóng năm nay có rất nhiều chỉ trích rằng Bayern đã ngủ quên trong việc thay đổi đội hình và ban lãnh đạo một đội bóng hàng đầu như vậy cũng không hề có một kế hoạch rõ ràng. Niko Kovac cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Ông thấy khó chịu không?

Uli Hoeness: Tôi điên tiết vì chuyện đó, đây là những phê phán không hiểu biết. Người ta không thể lên một kế hoạch để thay đổi để rồi phải đuổi những người mà họ rất biết ơn ra đường. Đó không phải là thế giới của tôi. Tôi làm tất cả ở Bayern, để những tính cách lớn như Arjen, Franck và cả Rafinha nữa được ra đi trong tôn trọng và đúng mực mà không ảnh hưởng quá nhiều đến thành tích thể thao.

Nòng cốt các đội vô địch thế giới của tuyển Đức luôn là cầu thủ Bayern

– Ông đã không bỏ lỡ thời điểm thay đổi đội hình?

Uli Hoeness: Tôi vô cùng lấy làm lạ. Trong chiến thắng tuyệt vời 3-2 trước Hà Lan có tới 5 cầu thủ Bayern trong đội hình Đức. Ngoài Manuel Neuer lớn tuổi thì có đến 4 cầu thủ trẻ gồm Joshua Kimmich, Niklas Süle, Leon Goretzka và Serge Gnabry – tất cả đều thế hệ 95.

Không một câu lạc bộ nào có quá 1 cầu thủ ngoài Bayern nhưng cũng chính những câu lạc bộ ấy lại nhạo báng chúng tôi nhiều nhất, rằng chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội làm mới đội hình. Và họ đang tiếp tục vui mừng khi đội tuyển Đức bắt đầu lại từ đầu.

DFB ở Frankfurt nên đốt vài ngọn nến cho Bayern thành công và có đủ người cung cấp cho đội tuyển

– Ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc trẻ hóa đội hình?

Uli Hoeness: Benjamin Pavard và Lucas Hernández là hai cầu thủ trẻ chúng tôi mang về. Corentin Tolisso cũng coi như mới vì cậu ấy chấn thương quá lâu. Và cũng rất có thể sẽ có thêm một vài người nữa.

– Pavard và Hernández là những nhà vô địch thế giới người Pháp. FC Bayern luôn là nơi có nhiều cầu thủ ĐT Đức nhất…

Uli Hoeness: Giai đoạn đội tuyển Đức luôn thành công là giai đoạn mà Bayern cung cấp đủ người cho họ. Tôi muốn nói đến chức vô địch 1974 hay 2014.

Cả năm 1990 cũng thế, nòng cốt đội hình này đều có nguồn gốc Bayern. Chúng tôi đang làm tất cả để có thể lại có cầu thủ cho đội tuyển. DFB ở Frankfurt nên đốt vài ngọn nến cho Bayern thành công và có đủ người cho đội tuyển.

– Chương trình đầu tư lớn như vậy phải chăng là phản ứng để không bị bỏ quá xa trên đấu trường quốc tế. Hay để xây dựng lại vị thế thống trị có nguy cơ đang bị lung lay ở quốc nội?

Uli Hoeness: Không vì cái gì cả! Chúng tôi chỉ nghĩ rằng, đã đến lúc chúng tôi mang số tiền vất vả kiếm được tung lại ra thị trường để có một đội hình mới, trẻ trung khi ra sân thi đấu.

Tôi thanh thản về quyền lực, ai cũng có thể tốt

– Dù là cầu thủ, giám đốc và bây giờ là Chủ tịch, ông đã luôn đồng hành cùng Bundesliga, vậy sắp tới…?

Uli Hoeness: Mãi mãi là như vậy.

– Thời gian gần đây người ta nói rất nhiều về một kế hoạch gọi là Super League. Kể cả Champions League người ta cũng đang tranh luận để cải cách, đại loại như sẽ thi đấu vào cuối tuần. Ông thấy thế nào?

Uli Hoeness: Ban lãnh đạo và Hội đồng quản trị FC Bayern khẳng định rằng Bundesliga là một phần quan trọng không thể thiếu trong chính sách của câu lạc bộ.

Chúng tôi đã từ chối Super League, nhưng giải vô địch thế giới cấp câu lạc bộ chúng tôi hoan nghênh. Trong khi những giả đấu vô nghĩa như Confed Cups chúng tôi không thu được gì thì giải vô địch thế giới cấp câu lạc bộ chúng tôi sẽ thu được rất nhiều tiền. Là thương gia, người ta phải tính đến chuyện đó.

– Ông nghĩ sao khi Champions League thi đấu vào cuối tuần?

Uli Hoeness: Thật thà mà nói, tôi muốn Bundesliga thi đấu vào cuối tuần.

– Từ năm 1979 đến nay, ông là người góp công viết nên câu chuyện Bayern ngoại trừ thời gian ông trong tù. Ông có nghĩ đến bao giờ sẽ thôi lãnh đạo Bayern hay không?

Uli Hoeness: Sau mùa bóng này tôi sẽ ngồi lại với gia đình để suy nghĩ. Đến cuối tháng 6 tôi sẽ quyết định có ra ứng cử một lần nữa hay không. Kế hoạch của tôi ai trong câu lạc bộ cũng biết. Nhưng hiện nay lại đang có quá nhiều việc cần phải làm ngay.

Tôi muốn nói đến việc BMW sẽ thay Audi hay xây dựng một đội hình mới. Tôi rất thanh thản về chuyện quyền lực. Có một chuyện tôi hiểu rằng, không ai là không thể thay thế. Ai cũng có thể thay được, người này tốt hơn, người kia không tốt bằng – thế thôi!

Năm 2016, sau khi ngồi tù vì án trốn thuế, Uli Hoeness lần thứ hai được bầu lại Chủ tịch Bayern eV. Với từng ấy năm trên cương vị nhưng người ta có cảm giác – ông chưa bao giờ mệt mỏi khi không ngừng cống hiến cho FC Bayern. Khi công trình của cả cuộc đời ông – FC Bayern – đang cần có những thay đổi rất lớn, người đàn ông 67 tuổi này vẫn đầy nhiệt huyết tuyên bố:“Hiện tại đang có rất nhiều việc phải làm, chúng tôi phải bắt tay vào ngay!”

Exit mobile version