Mùa Xuân 1979:

Từ Hà Nội, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tuấn đã vượt Trường Sơn đi cứu nước trong kháng chiến chống Mỹ, rồi lại băng rừng, vượt thác lên miền biên viễn trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, hòa mình vào dòng thác đấu tranh cách mạng sục sôi của dân tộc.

Hành trình của ông gợi cho lớp hậu sinh liên tưởng đến những cung đường của một “chiến binh” trong những tháng năm dấn thân, cống hiến tuổi thanh xuân cho dân tộc, góp phần để dòng thông tin, hình ảnh từ chiến trường được thông suốt, giữ vững vai trò tiên phong trên mặt trận thông tin của Thông tấn xã Việt Nam.

Những bức ảnh chụp tại chiến trường “rực lửa” của nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tuấn là những tác phẩm mang tính sử liệu, ghi nhận chiến công, phản ánh tinh thần quật cường của quân, dân ta và tội ác của địch. Bốn thập kỷ đã qua, cuộc sống đã qua nhiều khúc quanh với những bước thăng trầm nhưng ký ức về mùa Xuân 1979 nơi biên cương Tổ quốc vẫn vẹn nguyên trong tâm thức của ông.

Đó là những năm tháng không thể nào quên và không được phép lãng quên đối với bất cứ người dân Việt Nam nào.

– Cảm xúc của ông thế nào khi nhận được lệnh điều động tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 với tư cách một phóng viên chiến trường, thưa nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tuấn?

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tuấn: Đó là những năm tháng không thể nào quên và không được phép lãng quên đối với bất cứ người dân Việt Nam nào.

Trước những diễn biến, xung đột trên thực tế giữa ta và lực lượng bên kia biên giới từ năm 1978, chúng tôi đã sẵn sàng tinh thần đeo máy, khoác balô lên đường. Đến cuối năm 1978, khi phóng viên Quang Triệu (Ban Ảnh thời sự – Thông tấn xã Việt Nam) bị thương ở khu vực cầu Bắc Luân (Quảng Ninh), được đưa đi bệnh viện điều trị, lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam cử tôi lập tức lên đường tiếp nối nhiệm vụ. Thời kỳ đó, Quảng Ninh đang là một “điểm nóng” với nhiều diễn biến phức tạp.

Khoảng giữa tháng 2/1979, ngư dân Nguyễn Đình Phúc khi đang đánh cá tại khu vực biển Trà Cổ (Quảng Ninh) đã bị tàu lạ bắn chết. Khi đến hiện trường đưa tin, tôi thấy có rất nhiều phóng viên quốc tế cũng có mặt. Những bản tin được phát đi liên tục ngay sau đó từ phía Việt Nam cũng như nhiều hãng thông tấn, báo chí khác trên thế giới đã giúp dư luận trong nước và quốc tế nhận rõ bản chất của sự việc, tội ác của phía đối địch khi chĩa súng vào ngư dân vô tội. Dư luận sục sôi, tạo thành dòng chảy căm phẫn.

Chiến sĩ biên phòng Ngô Duy Nhung cứu sống kịp thời cháu bé này từ trong đống đổ nát.

Sau sự kiện đó, tôi được điều động lên tăng cường cho tuyến Cao Bằng, Lạng Sơn. Những cuộc di chuyển, điều động liên tục khiến tôi hiểu rằng, chiến tranh đang ở rất gần. Lịch sử một lần nữa thử thách dân tộc mình. Tôi tự hào về nghề nghiệp của mình nhưng ở một góc độ nhất định, tôi không muốn trở thành phóng viên chiến trường. Tôi không muốn không phải vì sợ chết, sợ bị thương mà bởi khi đó, quê hương, đất nước tôi lại phải trở thành trận địa, chiến trường, đồng bào tôi tiếp tục đổ máu…

Rạng sáng 17/2/1979, Việt Nam bất ngờ phải đương đầu với một cuộc chiến trên toàn tuyến biên giới phía Bắc khi nhà cầm quyền Trung Quốc đã phát động cuộc tiến công quy mô lớn xâm phạm lãnh thổ Việt Nam từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu).

Trước tình cảnh Tổ quốc lâm nguy, thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân và dân Việt Nam đã buộc phải cầm súng chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Giữa bối cảnh ấy, ta không còn thời gian, tâm trí để đắn đo, suy nghĩ hay sợ sệt. Khí thế chung cuốn tôi đi.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tuấn nguyên là phóng viên ảnh chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979. (Ảnh: P.Mai/Vietnam+)

– Khung cảnh biên viễn khi ấy thế nào, thưa ông?

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tuấn: Trên thực tế, xung đột đã diễn ra từ cuối năm 1978. Người ta có thể bất ngờ về thời điểm đổ bộ của địch vào rạng sáng 17/2/1979 nhưng không hề bất ngờ về cuộc chiến này.

Cuối Đông, trời rét căm căm, gió rít ù ù, sương trắng phủ khắp các con đường… Tê tái! Vừa bước ra từ hai cuộc kháng chiến trường kỳ, lại phải đương đầu với lực lượng Pol Pot ở phía Tây Nam, tình hình vô cùng cam go. Khó khăn chồng khó khăn, đau thương nối tiếp đau thương… Tuy nhiên, cùng với những hoạt động học tập, sinh hoạt, lao động sản xuất thường nhật, đồng bào và lực lượng bán vũ trang của ta cũng đã nỗ lực để chuẩn bị, tập luyện để ứng phó khi tình hình thay đổi.

Trước thời điểm 17/2/1979, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Bất ngờ, rạng sáng 17/2 có tin báo xe tăng Trung Quốc tập kết ở thị xã Cao Bằng. Thời điểm ấy, suối cạn trơ đá. Xe tăng địch chạy dọc theo lòng suối, dồn về giữa thị xã thị uy. Đi tới đâu, chúng tàn phá đến đó theo kiểu cướp sạch, phá sạch những gì xuất hiện trong tầm mắt. Người dân la hét, nhốn nháo. Tất cả được lệnh sơ tán theo hướng Tài Hồ Sìn (Hòa An, Cao Bằng).

– Khi chứng kiến khung cảnh ấy, tâm trạng của ông ra sao, thưa nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tuấn?

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tuấn: Đau đớn, xót xa lắm! Thế nhưng, càng đau thì lại càng phải nén chặt để không tạo ra sự bi lụy, làm ảnh hưởng đến tâm lý những người xung quanh, giữ vững lòng tin nơi đồng bào, chiến sỹ.

Hiện thực thôi thúc tôi mang máy ảnh lao ra trận địa. Không ai tạo ra sức ép cho tôi nhưng chính tôi tự đặt ra yêu cầu với chính mình: phải ghi lại được khí thế đấu tranh quật cường của quân dân ta cũng như tội ác dã man của địch. Tôi phải góp sức vào việc nói, phản ánh cho dư luận trong nước và quốc tế hiểu đúng về cuộc chiến đấu chính nghĩa của đồng bào mình và tội ác của quân địch.

Hình ảnh đồng bào biên giới phía Bắc năm 1979 qua ống kính phóng viên Trần Tuấn.

Kinh nghiệm từ giai đoạn là phóng viên chiến trường tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã giúp tôi rất nhiều trong mùa Xuân 1979. Tôi biết mình cần tập trung vào những khoảnh khắc, cảnh tượng nào để làm nổi bật được nội dung, thông điệp cần truyền tải. Với điều kiện phim, máy ảnh thiếu thốn như thời kỳ ấy, mình không được phép lãng phí.

Tôi tự đặt ra yêu cầu với chính mình: phải ghi lại được khí thế đấu tranh quật cường của quân dân ta cũng như tội ác dã man của địch. Tôi phải góp sức vào việc nói, phản ánh cho dư luận trong nước và quốc tế hiểu đúng về cuộc chiến đấu chính nghĩa của đồng bào mình và tội ác của quân địch.

Tuy cùng ra trận với tư cách phóng viên chiến trường nhưng từ chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 đến cuộc chiến đến cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979, tôi thấy lòng mình khác lắm: từ niềm vui phơi phới, tâm thế hân hoan hướng đến ngày thống nhất đất nước đến nỗi day dứt, đau đớn và phẫn uất khi máu đồng bào tiếp tục chảy trên khắp dải biên cương… Giang sơn đã thu về một mối nhưng tiếng súng vẫn chưa ngưng, đồng bào tôi vẫn chưa thể sống những tháng ngày thanh bình, yên vui…

– Hình ảnh nào của cuộc chiến ám ảnh ông nhất?

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tuấn: Suốt nhiều năm sau đó, tôi không thể quên được cảm giác bàng hoàng, tê dại khi đến Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng) chứng kiến cảnh tang thương sau cuộc càn quét của địch.

Ngoài ra, tôi cũng không thể quên được cảnh tượng tan hoang, thiếu sự sống của thị xã Cao Bằng khi trở lại nơi này vào giữa tháng 3/1979: không có một cái cột đèn nào còn đứng yên; những ngôi nhà, trường học bị san phẳng, chỉ còn trơ lại nền đất hay một góc tường xập xệ; xác trâu bò, lợn gà ngổn ngang; đến cái cối xay lúa cũng bị phá nát vụn…

– Sau này, có khi nào ông gặp lại những nhân vật trong những bức ảnh đã chụp thời kỳ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 không?

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tuấn: Dù tôi có trở lại chiến trường xưa nhiều lần nhưng chưa khi nào có cơ duyên gặp lại những gương mặt năm xưa.

Không có cuộc chiến nào không có tổn thất. Điều khiến tôi đau đớn, day dứt không nguôi cho đến tận giờ phút này là những câu chuyện, hình ảnh về cuộc chiến chính nghĩa ấy của dân tộc vẫn mờ nhạt trong sách vở, truyền thông. Đồng bào đã đổ máu xương, hiến dâng tất cả tuổi trẻ, các gia đình đóng góp công sức, của cải… để biên cương được yên bình. Vậy mà, những hy sinh của họ vẫn chưa được nhắc nhớ nhiều…

Điều khiến tôi đau đớn, day dứt không nguôi cho đến tận giờ phút này là những câu chuyện, hình ảnh về cuộc chiến chính nghĩa ấy của dân tộc vẫn mờ nhạt trong sách vở.

– Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Exit mobile version