Và ước mong quay trở lại trường học

-Tiến ơi, xong chưa, đi sang lớp học đi anh.

-Nga ơi… được rồi, để em cầm theo chai truyền dịch sang ngay bây giờ đây ạ…

Có bé thì vừa vào thuốc xong trong buổi trưa để còn kịp tham gia lớp học vào 2 giờ chiều. Bé thì cầm theo cả chai truyền dịch sang lớp học, bé thì vẫn còn gạc bông dán trên tay, bé thì sắp lịch tới viện điều trị vào gần cuối tuần để kịp hai buổi học ở lớp học đặc biệt này.

Đó là những âm thanh các bệnh nhi ung thư í ới gọi nhau sang lớp học 14 giờ chiều Thứ Sáu và mỗi sáng Chủ Nhật hàng tuần.

Lớp học vẻn vẹn rộng 25 mét vuông trong Khu điều trị tại Khoa Nội nhi 3, Ung bướu Nhi (Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh) thật đặc biệt. Ở lớp học này không học sinh nào phải mang theo sách, vở, giấy bút, có những em mặc áo bệnh nhân, có bé mặc quần cộc, áo phông…

Ở phòng học nằm ngay trong khu điều trị ấy, những em nhỏ với những nụ cười hân hoan, rạng rỡ.

Trong một góc căn phòng học, cậu bé Lê Văn Tiến, 13 tuổi (ở Phố Mỹ Hiệp, Thái Hòa, Tân Uyên, Bình Dương), với quyển vở vẫn còn khá mới. Quyển vở bắt đầu từ ngày 7 tháng 11. Những dòng chữ đầu tiên của môn học Văn được em viết ngay ngắn, nắn nót từng câu chữ một: … “Em rất thích đi học, nếu có một điều ước, em sẽ ước mau mau khỏi bệnh để về đi học, có thể gặp bạn bè và mọi người…”

Cậu bé với đôi mắt sáng ẩn său cặp kính cận chăm chú tính toán. Bên cạnh cậu bé là một nam sinh viên hướng dẫn.

Hơn 10 bé trong một lớp học, lớn có, bé có. Bé thì tập đọc đánh vần ở lớp một, có bé thì chập chững tập tô chữ ở mẫu giáo rồi có cả những bé trăn trở, suy tư với những phương trình ở toán cấp hai.

Cậu bé nhíu mày, đôi tay đặt lên trán vân vê suy nghĩ. Nửa năm học gián đoạn khiến Tiến cũng ngập ngừng, chệch choạch với những phép tính phương trình của lớp 8.

Đã 5 tháng, Tiến mới có cơ hội trở lại với lớp học. Tiến tâm sự: “Từ khi mắc bệnh ung thư máu, em phải bảo lưu kết quả học tập để tập trung cho việc điều trị bệnh. Ba bốn tháng trước, dù nằm điều trị hàng ngày tại Khoa, thấy các bạn gọi nhau đi học, nhưng những đợt truyền hóa chất, bơm tủy, khiến em không thể sang lớp học được.”

Nỗi nhớ trường, nhớ lớp cứ quay quắt… Hai tháng gần đây, khi sức khoẻ ổn định hơn nhiều, tóc đã mọc lại như bình thường, Tiến bắt đầu tham gia vào các buổi trong lớp học tại bệnh viện. Tiến bắt đầu với những buổi học ở bệnh viện.

Cậu bé cao 1m60, với dáng người to, gương mặt sáng thông minh. Tiến nhanh nhẹn, nhìn Tiến không ai nghĩ cậu là một bệnh nhân ung thư…

Trong căn phòng bệnh, cậu bé lúc nào cũng mang theo một hai quyển sách, vừa đọc sách, vừa điều trị bệnh mỗi khi rảnh rỗi.

Tiến kể, được tham gia vào các buổi học tại Viện, ban đầu cậu cũng rụt rè như bao đứa trẻ khác. Nhưng rồi nỗi nhớ trường, nhớ lớp, khát khao được bồi bổ kiến thức đã lấn át tất cả. Kiến thức là liều thuốc bổ để cậu quên đi nỗi đau đớn về thể xác, cũng như vạc dậy tinh thần cho cả những người thân xung quanh cậu.

Kiến thức là liều thuốc bổ đúng nghĩa bên những chai hóa chất, dung dịch ngày một nhiều.

Không chỉ là cậu trò siêng năng, Tiến còn trở thành “thầy giáo trợ giảng” trong những buổi học tiếng Anh của cô giáo viên bản ngữ Jessica.

Tại Khoa Ung bướu Nhi (Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, cô Jessica – một tình nguyện viên người nước ngoài thường xuyên đến Viện để dạy lớp học tiếng Anh cho các bé. Thi thoảng, Tiến lại đóng vai trò phiên dịch viên cho cô mỗi khi người trợ giảng chính thức vắng mặt.

Vì vậy mà Tiến càng trở nên “nổi tiếng” hơn, bởi sự gần gũi mà em mang lại, cũng như truyền ngọn lửa lạc quan cho những bệnh nhi như mình. Các bác sĩ thì xem em như là chuyên viên tâm lý nhỏ tuổi, đóng vai trò cầu nối giữa đội ngũ thầy thuốc và các bệnh nhi.

Tiến tâm sự: Khi còn đi học ở trường, một phần vì thương bố mẹ làm công nhân không có thời gian đưa đón nên Tiến luôn tự giác học bài. Em chủ động xin không tham gia các lớp học thêm để tiết kiệm tiền cho ba mẹ.

Lớp học đặc biệt tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh. (Vietnam+)

“Em nghĩ đỡ được cho bố mẹ 200-300.000 đồng một môn mỗi tháng, để bố mẹ còn tích cóp trả tiền nhà…” Tiến nói nhẹ tênh, nhưng ai nghe thấy cũng vội giấu khuôn mặt để ngăn những giọt nước mắt. Trẻ con thành phố còn vô tư lắm, không phải ai cũng có suy nghĩ già dặn như em.

Ấy vậy mà nhìn vào bảng tổng kết của Tiến, hẳn ai cũng bất ngờ và ngưỡng mộ. Cậu bé ấy từ lớp 1 đến lớp 7 đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Môn em yêu thích nhất của em là Toán và Tiếng Anh.

Bảng tổng kết năm học 2017-2018 của Tiến với môn Ngoại Ngữ: 9,9; Toán: 9,1; Vật lý: 9,5; Sinh học: 9,6; Tin học: 9,7…

Cuối năm học lớp 6, Tiến thi môn Tiếng Anh đứng thứ nhất của toàn xã và em được nhà trường cử đi thi tiếng Anh tại một trung tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vượt qua được rất nhiều bạn, Tiến đã giành được Chứng chỉ starters của Trung tâm liên kết Anh ngữ quốc tế Cambridge.

Chứng chỉ ấy được Tiến nâng niu, là cái điểm tựa để cậu phấn đấu trong học tập. Và cũng để quên đi mầm bệnh mang trong mình.

Một buổi sáng ngày tháng 12, cậu bé nằm truyền hóa chất trong giường bệnh Phòng 301. Ở bên ngoài, chị Lê Thị Hường (sinh năm 1982) – mẹ của Tiến, quê huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ về quãng thời gian vừa qua, về những bất ngờ ập đến với bé Tiến.

Đây là đợt truyền hóa chất thứ 4 của Tiến. Cậu bé nằm truyền trong nhiều giờ đồng hồ. Bên hành lang bệnh viện, người mẹ trẻ ấy kể lại những biến cố của nửa năm trước.

Trên tay chị, một tập giấy khen dầy dặn được giữ gìn cẩn thận, phẳng, ngay ngắn. Đó là những tờ giấy khen, bảng thành tích học tập đáng nể của cậu học sinh cấp 2 đạt được trong các năm qua.

Kết quả học tập năm 2016-2017 ở lớp 6A1, Lê Văn Tiến đạt trung bình các môn: 9,3 đạt học lực giỏi và xếp hạng đứng thứ 3 ở lớp. Kết quả học tập năm 2017-2018 ở lớp 7A1, Tiến đạt trung bình các môn học: 9,4 và đã vươn lên đứng số 1 ở lớp với danh hiệu học sinh giỏi.

Cậu bé ấy, với tâm thế của một học sinh giỏi đứng đầu lớp chuẩn bị lên lớp 8 với bao hoài bão vươn xa. Nhưng tất cả đã phải gác lại…

Gạt những dòng nước mắt cứ trực trào từ khóe mắt xuống gò má, chị Lê Thị Hường nhớ lại biến cố xảy ra cách đây nửa năm, như một nhát dao xé toang lồng ngực của người mẹ trẻ.

Chị kể lại, từ nhỏ đến giờ Tiến luôn mạnh khỏe và chưa bao giờ có những trận ốm cả. Cậu bé phổng phao, bụ bẫm, hoạt bát. Chẳng ai có thể ngờ, chỉ qua vài trận sốt, căn bệnh ung thư quái ác từ đâu ập tới, phủ đám sương mù lên tương lai ngời sáng của cậu bé.

Đó là những ngày đầu tháng 7. Tiến khi đó đang nghỉ hè.

Ngày 1/7, con bị sốt, sốt cao và kéo dài. Ban đầu, chị cứ nghĩ bé ốm vặt và xin nghỉ làm mấy ngày để ở nhà chăm con. Gia đình đưa Tiến vào bệnh viện chẩn đoán bạch cầu tăng cao, có dây hạch ở cổ, uống thuốc vẫn không đỡ, bé vẫn sốt cao. Khi đó cả chị và chồng chắc đều nghĩ con bị sốt xuất huyết. Nhưng điều lạ là bé uống mấy ngày vẫn không đỡ, thậm chí bệnh càng ngày càng nặng lên.

Chị lại tiếp tục cùng con chạy đôn đáo lên Thành phố Hồ Chí Minh để thăm khám, hết bệnh viện này tới bệnh viện khác, trong khi đồng lương còm cõi của công nhân cứ bị teo tóp dần vì phải nghỉ làm.

Sau đó bé uống thuốc, máu vẫn tiếp tục chảy từ miệng và từ mũi ra. Nhìn con, chị có những dự cảm không lành, trực giác của người mẹ khiến nỗi sợ hãi dâng lên, luôn cảm thấy khó thở. Rồi Tiến được chuyển sang Viện huyết học và truyền máu Thành phố Hồ Chí Minh khám. Kế đó là những đợt xét nghiệm triền miên. Cánh tay cậu học trò nhỏ tuổi chi chít vết lấy ven.

Rồi kết luận được bác sĩ đưa ra chẳng khác nào sét đánh: Tiến bị ung thư máu.

Mọi thứ như tối sầm. Trời đất ngả nghiêng. Cả triệu câu hỏi tại sao hiện lên trong đầu chị. Tại sao căn bệnh quái ác kia lại đổ xuống đầu con chị. Ông Trời tại sao lại bất công, nghiệt ngã đến thế. Liệu chị có thể gánh bệnh thay con mình được không. Y học đã tiến bộ đến mức nào. Tại sao, tại sao và tại sao.

“Đến ngày 13/7, kết quả cho thấy con bị ung thư máu và phải nghỉ học ở trường để đi điều trị. Các bác sỹ cho biết, bệnh của Tiến đã ở giai đoạn nặng, khi biết tin tôi chỉ biết khóc ròng. Khi tôi cảm tưởng như tuyệt vọng nhất, thì Tiến lại động viên mẹ vững tâm hơn. Tiến lên mạng tìm hiểu bệnh của mình và an ủi mẹ,” chị Hường gạt những dòng nước mắt kể lại.

Trong nhà lúc ấy, có lẽ Tiến là người bình tĩnh hơn hết. Không phải em còn quá nhỏ để hiểu chuyện. Mà vì em già dặn quá sớm để sẵn sàng đón nhận những thử thách của cuộc đời.

Cha mẹ Tiến đều làm công nhân tại Khu công nghiệp ở Bình Dương, mỗi người đến từ một tỉnh khác nhau. Vợ quê Ninh Thuận, chồng quê Quảng Nam. Cả hai khi vào đây đi làm tại Khu công nghiệp gặp và quen nhau rồi nên vợ nên chồng.

Gia đình nội ngoại đều ở xa, nên anh chị tự lập tại Bình Dương, bao năm tích cóp anh chị mua trả góp được một căn hộ 50 mét vuông dành cho công nhân. Những tưởng anh chị cố gắng đi làm đều đều để trả nợ tiền nhà, phần con học giỏi đã giúp cả hai vợ chồng phấn khởi, yên tâm. Từ ngày Tiến bị bệnh, chị đã phải nghỉ làm hoàn toàn để theo bé chữa bệnh. Số tiền chữa bệnh ung thư vốn nặng gánh ngay cả với những gia đình khá giả, nói gì đến gia cảnh công nhân. Để lo cho con, hai vợ chồng chị còn đôn đáo vay thêm tiền từ bạn bè, họ hàng.

Tại Khoa Nội Nhi 3, Ung bướu Nhi, Bệnh viện ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh từ các bác sỹ tới những bệnh nhân ở đây đều rất ấn tượng với cậu bé 13 tuổi, tên Lê Văn Tiến.

Bác sỹ điều trị của Tiến cho hay, liệu trình điều trị của Tiến phải qua 9 toa thuốc, hiện nay em đang ở toa thuốc thứ 4. Mỗi một đợt điều trị của Tiến từ 10-15 ngày xong em về nhà, chỉ có toa thuốc đầu tiên là dài và vất vả nhất, Tiến phải nằm viện 3 tháng dòng liên tiếp để truyền máu, truyền tiểu cầu, bạch cầu…

Người mẹ đêm nằm hay khóc, thương con. Chị cầu mong cho con qua 9 lần hóa trị đáp ứng được thuốc tốt, để sức khỏe bình phục lại… Những ngày ở viện, chị thường mua cơm cho con ăn để đảm bảo đủ chất cho sức khỏe, còn chị xin cơm từ thiện ở viện ăn.

Do ở xa với ông bà nội ngoại, những năm trước đi học, để đưa đón con cho tiện và không bị lỡ công việc, chị Hường đều nhờ một bác xe ôm đưa đón Tiến đi học về vào mỗi buổi trưa.

“Cơm mẹ Hường đã nấu sẵn, cháu đi về nhà buổi trưa có đồ gì thì ăn đồ ấy, nghỉ trưa xong cháu dậy học bài, chiều thì tập thể dục thể thao. Toán và tiếng Anh là môn cháu yêu thích nhất,” Tiến chia sẻ.

Từ ngày bị bệnh, không chỉ ước mơ đi học bị gác lại mà việc tập thể thao với Tiến cũng phải tạm thời chia tay.

Thi thoảng sau mỗi đợt điều trị về nhà, Tiến càng thêm nhớ trường, nhớ lớp.

Có hôm sức khỏe tốt, hai mẹ con lại đèo nhau trên chiếc xe máy tới trường. Tiến vào lớp cùng với bạn bè ngồi quan sát, dự thính cho đỡ nhớ. Chị Hường ngồi chờ 1-2 tiếng đồng hồ bên ghế đá sân trường…

“Ước mơ con hết bệnh để được đến trường. Con thích đi học. Sau nhiều đợt hoá chất truyền vào người, tóc của Tiến rụng hết. Tiến khóc, con không khóc vì đau, vì con chịu đựng được, con chỉ thấy bị rụng tóc, xấu hổ với các bạn và không được đến trường. Dạo gần đây, hoá chất ít hơn nên tóc Tiến đã mọc trở lại.”

Lớp học đặc biệt tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh do cô giáo Đinh Thị Kim Phấn đã lập ra gần 10 năm nay. Không đơn thuần là nơi dạy chữ, lớp học đặc biệt này còn là nơi gieo mầm và duy trì tiếp những mơ ước cho các bệnh nhi mắc bệnh ung thư.

Cô Phấn nhớ lại, “Năm 2017, chương trình Ước mơ của Thúy ra đời và tôi tham gia, chăm sóc về vật chất hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư. Thương các bệnh nhi phải bầu bạn với 4 bức tường nhỏ hẹp của phòng bệnh, thương các con phải dở dang con chữ vì bệnh tật, bà đã vào tận giường dạy chữ cho các em. Qua quá trình triển khai các hoạt động tại viện, Ban lãnh đạo bệnh viện nhận thấy nhu cầu biết đọc, biết viết của các bé mỗi lúc một tăng cao bởi các bé đang tuổi đi học mà không được đi học. Ban Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh quyết định dành một phòng 25m2 trong quỹ đất ít ỏi, chật hẹp của khoa Nhi để bà thành lập lớp học. Chính vì vậy tôi đã tham gia phụ trách lớp học chữ.”

Lớp học ra đời 4/9/2009. Tới nay, tính số lượng các em đến đây cả ngàn em. Mỗi buổi có khoảng 20 em. Số vở được lưu giữ tại lớp học hiện nay khoảng 500 đến 700 quyển. Mỗi quyển vở là của 1 em học sinh. Có em trang đầu 2011 và trang cuối là năm 2016-2017.

Khi nói về bé Lê Văn Tiến, cô Phấn cho hay: “Bé Tiến bị ung thư máu, vào đây đã được điều trị 5 tháng rồi. Tại lớp em được học 2 môn Toán và Văn. Môn Văn tôi trực tiếp dạy cho em, môn Văn em có nhiều cảm xúc, nói lên được mơ ước của mình sau này khỏi bệnh được về đi học, gặp bạn bè. Môn Toán, Tiến được các anh sinh viên kèm học. Tiến học giỏi, rất chăm, ngoan. Bé thông minh, sáng dạ và cầu thị. Đây là điều đáng quý, tôi mong rằng mơ ước của em sớm thành hiện thực, em được về nhà và tiếp tục đi học.”

Ở lớp học tại Khoa Nội Nhi (Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh) hiện tại có 10 cô giáo chia nhau dạy trong hai buổi học chiều thứ 6, sáng thứ 7 và có 40 bạn sinh viên làm các tình nguyện viện cũng chia nhau dạy và hướng dẫn các em nhỏ.

Khoa nội nhi chật cứng bệnh nhân. Là Khoa Nhi trẻ bé có, trẻ lớn có nhưng điều đặc biệt ở đây không có tiếng khóc của trẻ thơ. Có lẽ, những đợt truyền hóa chất, những mũi kim tiêm cắm vào tay từ vài đến cả chục tiếng đã làm dạn dĩ “những chiến binh” ung thư này.

Bởi, chỉ khi ở đây về các em thấy khỏe hơn. Vậy nên dù chật chội, dù vất vả, dù khó khăn, ở nơi “tận cùng” của nỗi đau ấy, là những ý chí kiên cường của các chiến binh dũng cảm và chịu đựng…

Gác lại tất cả, ở nơi đó, những em nhỏ mang trong mình bệnh ung thư ấy vẫn khát khao học tập, nuôi dưỡng ước muốn một ngày được đến trường, tới lớp và quay trở lại những bài giảng…

Khi được hỏi, nếu có một mong ước, một ước muốn, Tiến không ngần ngại bày tỏ: “Sau này em muốn làm kiến trúc sư, em muốn học giỏi để đỡ đần bố mẹ và điều ước muốn lớn nhất hiện nay là em ước được mạnh khỏe để quay trở lại trường học…”.

Ở đất nước Hà Lan xa xôi, nơi mà phần lớn diện tích đất đai nằm dưới mực nước biển, người ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một cậu bé không ngại đêm tối, giá lạnh, sự cô đơn và hiểm nguy để đút ngón tay nhỏ bé của mình vào lỗ thủng ở thân đê, cứu cho cả vùng khỏi trận đại hồng thủy. Đó chính là niềm cảm hứng để xứ sở kia làm nên những điều kỳ diệu, được cả thế giới ngưỡng mộ.

Những tấm gương như cậu bé ấy thật ra có ở khắp nơi, nhưng để lan tỏa nó lại là một câu chuyện khác.

Với ý nghĩa đó, Báo điện tử VietnamPlus cùng sữa Cô gái Hà Lan đã đồng hành trong chương trình Little Heroes, nhằm khích lệ những tấm gương “anh hùng nhí” trên mọi miền đất nước. Có thể đấy chỉ là những cô cậu bé bình dị, nhưng ẩn chứa nghị lực lớn lao, mà mỗi em chính là một hạt giống tâm hồn, được gieo mầm để tạo nên những cánh đồng nặng trĩu yêu thương.”

Exit mobile version