trước thử thách bước khỏi… vùng an toàn

catru1b-1545117940-90.jpg

Ngưng câu hát, nghệ sỹ ưu tú Bạch Vân – người cả đời gắn bó với ca trù lặng đi.

Nói về loại hình nghệ thuật này, ca nương nổi danh đất Hà thành say sưa, mê mải cả ngày không hết chuyện. Dẫu vậy, chị vẫn không giấu được buồn nơi đáy mắt, giọng đầy day dứt. Đã hơn 30 năm ca trù cuốn chị đi…

Những tâm sự, khắc khoải của chị cũng là nỗi niềm của không ít ca nương, kép đàn trước thực trạng của ca trù sau gần một thập kỷ được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh.

Ca trù Việt đã được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới nhưng vẫn “cần được bảo vệ khẩn cấp” suốt gần 10 năm qua. Chúng ta đang thiếu một chiến lược tổng thể, thống nhất trong việc phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

‘Loay hoay…’

“Từ khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, ca trù đã xuất hiện nhiều hơn trong đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị cũng được chú trọng hơn,” nghệ sỹ ưu tú Bạch Vân nhìn nhận.

Ca trù (hay còn gọi là hát ả đào) có vị trí đặc biệt trong kho tàng âm nhạc truyền thống của Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng và triết lý sống của người Việt. Loại hình nghệ thuật này từng rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 trở về trước.

Trong lịch sử, ca trù thường được trình diễn ở các đình làng, đền thờ thần, nhà thờ tổ nghề, ca quán và dinh thự của quan lại, trí thức… Bởi vậy, ca trù có nhiều hình thức thể hiện: hát thờ, hát thi, hát tế tiên sư…

Theo kết quả điều tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi lập hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, loại hình nghệ thuật này có ở 17 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tháng 10/2009, ca trù đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. (Ảnh: TTXVN)

“Di sản của cha ông quý là vậy mà từng có thời kỳ (khoảng giữa thế kỷ 20), ca trù bị phủ bóng bởi những định kiến nặng nề, khiến nó mai một đi nhiều. Người ta ác cảm với ca nương, đào hát nên quay lưng lại với ca trù. Việc thực hành, truyền dạy bị gián đoạn, chìm vào quên lãng trong một khoảng thời gian khá dài,” nghệ sỹ Bạch Vân kể.

Miên man trong câu chuyện, người nghệ sỹ đã ở tuổi lục tuần hồi tưởng lại thời kỳ ngược dòng… phù suy. Nghiệp ca nương vận vào Bạch Vân khi chị còn là một thiếu nữ tuổi đôi mươi. Sau một đêm nghe tiếng hát của nghệ nhân nổi tiếng Quách Thị Hồ, chị từ bỏ tất cả ước mơ, hoài bão nuôi dưỡng, vun trồng từ nhỏ để theo ca trù.

10 năm đằng đẵng, Bạch Vân mải miết, ngược xuôi đi tìm lại những tư liệu cũ, những nghệ nhân xưa ở Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa… “Tìm được các nghệ nhân đã khó, nhưng làm sao để các cụ rũ bỏ được mặc cảm ‘cô đầu’ một thời lại là một hành trình gian nan hơn. Tôi thường xuyên bị các nghệ nhân và gia đình xua đuổi, coi như kẻ vô duyên ngày ngày tới làm phiền họ,” nghệ sỹ nhớ lại.

Tìm được các nghệ nhân đã khó, nhưng làm sao để các cụ rũ bỏ được mặc cảm ‘cô đầu’ một thời lại là một hành trình gian nan hơn.

Chị còn nhớ như in “gáo nước lạnh” mà nghệ nhân Quách Thị Hồ dội vào lời thỉnh cầu theo học ca trù của chị cách đây chừng ba thập kỷ: “Học làm gì hả con? Con bà thì không học. Cháu gái bà dù có chất giọng đẹp như thế mà cũng không thể sống chết với ca trù. Ở ta, ca trù chỉ có… lụi thôi.”

Tuy nhiên, từ những năm 1990, cùng với sự “chuyển mình” về mọi mặt của đời sống xã hội, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian khác, ca trù được nhận diện lại, khẳng định giá trị.

Tháng 10/2009, ca trù đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn của UNESCO, ca trù thể hiện ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường. Những giáo phường này đã duy trì các cộng đồng có quan hệ mật thiết, tạo nên một trong những nét đặc trưng của ca trù.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, kể từ thời điểm ca trù được UNESCO vinh danh tới nay, công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này đã có những bước tiến đáng kể.

Từ việc thiếu vắng đội ngũ kế thừa, thực hành, ca trù đã hình thành được lực lượng đào nương, kép đàn kế cận khá đông đảo. 

“Từ thời điểm năm 2005 trở về trước, hai chữ ‘ca trù’ khá xa lạ với cộng đồng, thậm chí lạ lẫm ở chính những địa phương có di sản. Trong khoảng thời gian đó, khi đi điền dã ở các tỉnh/thành phố có di sản này, trước câu hỏi về ca trù, không ít cán bộ quản lý ở cấp xã (thậm chí cả cấp huyện) hỏi ngược lại tôi rằng: ‘ca trù là cái gì?’,” Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan – nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) kể.

Đến nay, các đào nương thuộc thế hệ mới đã hát được gần 20 thể cách trong tổng số 34 thể cách của ca trù. (Nguồn: TTXVN)

Tuy nhiên, đến nay, ca trù đã được phổ biến hơn trong cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ. Ca trù được biểu diễn trong nhiều chương trình văn hóa-nghệ thuật, lễ hội… Thậm chí, từ năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức liên hoan tài năng ca trù trẻ.

Bên cạnh đó, nhạc sỹ Đặng Hoành Loan cũng cho biết, từ việc thiếu vắng đội ngũ kế thừa, thực hành, ca trù đã hình thành được lực lượng đào nương, kép đàn kế cận khá đông đảo. Đây là một trong những kết quả quan trọng của quá trình phục hưng và phát triển ca trù trong đời sống đương đại.

Ở thời điểm ca trù được UNESCO vinh danh, Việt Nam có khoảng 20 nghệ nhân. Ngoài ra, số lượng người biết đàn, hát ca trù rất ít. Điều này đặt ra vấn đề về đội ngũ ca nương, kép đàn kế cận. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ca trù đã hình thành được đội ngũ đào nương, kép đàn mới.

Vào năm 2009, các ca nương trẻ chỉ hát được khoảng ba thể cách (hát nói, hát xẩm, hát ru). Sau 5 năm, họ hát được khoảng 11 thể cách. Đến nay, các đào nương thuộc thế hệ mới đã hát được gần 20 thể cách trong tổng số 34 thể cách của ca trù.

Ngoài ra, ở giai đoạn năm 2008-2009, ca trù đối mặt với nguy cơ không còn kép đàn tài năng khi cả nước chỉ có khoảng hai, ba nghệ nhân đàn thực thụ. Tuy nhiên, đến nay, di sản này đã có khoảng 10 “tay đàn” có chuyên môn, kỹ thuật tốt.

Đó là những bước tiến đáng kể trong việc phục hưng và phát huy giá trị di sản ca trù. Tuy nhiên, ở góc độ khác, thực trạng bảo tồn ca trù vẫn còn nhiều “nốt trầm”./.

Ở thời điểm ca trù được UNESCO vinh danh, Việt Nam có khoảng 20 nghệ nhân. (Nguồn: TTXVN)

Vì đâu… nên nỗi?

Trong thời gian qua, việc phục hưng, bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù đã có những bước tiến đáng kể. Từ việc bị quay lưng, đến nay, ca trù đã dần tìm lại được chỗ đứng riêng trong đời sống xã hội.

“Tuy số lượng câu lạc bộ, ca nương, kép đàn, người thực hành di sản cũng tăng lên nhưng không phải lúc nào, số lượng cũng đi kèm với chất lượng,” nghệ sỹ ưu tú Bạch Vân bày tỏ.

“Người đi, ừ nhỉ, người… đi thực!”

Nhắc lại lịch sử của ca trù với không ít thăng trầm, giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho biết, trong thời kỳ Pháp thuộc, một bộ phận ca trù bị tha hóa, ghép vào với hoạt động mại dâm.

“Dẫu vậy, cần nhấn mạnh rằng, đó chỉ là một bộ phận chứ không phải tất cả nghệ sỹ ca trù. Sau đó, trong khoảng bốn thập kỷ giữa thế kỷ 20, ca trù bị cấm trình diễn, tạo ra khoảng ‘hẫng,’ sự gián cách thế hệ nghiêm trọng. Với các loại hình diễn xướng, việc không được thực hành cũng đồng nghĩa với việc không thể tồn tại. Âm nhạc là phải được biểu diễn; chỉ cần cất trong kho thì nó đã chuyển thành trạng thái ‘chết’ rồi, chưa cần bàn đến việc bị cấm cản,” giáo sư Tô Ngọc Thanh bày tỏ quan điểm.

Từ việc thiếu vắng đội ngũ kế thừa, đến nay, ca trù đã hình thành được lực lượng đào nương, kép đàn kế cận khá đông đảo. (Ảnh: TTXVN)

Muốn bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù thì trước hết phải có con người, bởi với loại hình nghệ thuật biểu diễn trực tiếp này, không thể chỉ bảo tồn trên sách vở, ghi chép lại các tư liệu…

Đến khi ca trù được phục hưng, ở giai đoạn năm 2008-2009, cả nước có khoảng 20 nghệ nhân. Đến nay, phần lớn các nghệ nhân đó đã khuất núi. Cả nước chỉ còn khoảng hai, ba nghệ nhân nhưng do tuổi cao, sức yếu, họ không thể trực tiếp trình diễn trên sân khấu.

“Trước thực tế này, chúng ta không thể không suy nghĩ bởi các nghệ nhân thực sự là những báu vật nhân văn sống, lưu giữ gia tài di sản của cha ông để lại. Muốn bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù thì trước hết phải có con người, bởi với loại hình nghệ thuật biểu diễn trực tiếp này, không thể chỉ bảo tồn trên sách vở, ghi chép lại các tư liệu,” giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Ở phương diện khác, sau một thời gian miệt mài theo học, không ít ca nương, kép đàn đã “rẽ lối,” chọn một con đường đi khác. Câu chuyện về những ca nương có chất giọng đẹp, hạt nhân của các câu lạc bộ ca trù ở Hà Tĩnh “dứt áo” ra đi trước áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” vẫn khiến nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh không khỏi tiếc nuối.

Tiết mục tham gia Liên hoan ca trù. (Ảnh: TTXVN)

Ấy là câu chuyện của ca nương Dương Thị Nết, Dương Thị Xanh và Đặng Thùy Vân (vốn là những hạt nhân chủ chốt của các câu lạc bộ ca trù trên đất Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Thế nhưng, đến nay, bộ ba ấy nay chỉ còn Thùy Vân ở lại với ca trù. Hai ca nương còn lại đã tạm gác lại đam mê ca trù để trở thành những người lao động xa nhà.

“Năm 2012, Dương Thị Xanh trở thành ca nương trẻ tuổi nhất được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Chồng chị (nghệ nhân Trần Văn Đài) cũng là một tay đàn có tiếng. Đôi vợ chồng ấy từng là một cặp đẹp, ăn ý trên chiếu ca trù,” giáo sư Tô Ngọc Thanh kể.

Thế nhưng, chừng ấy lý do cũng không đủ để giữ chân ca nương Dương Thị Xanh. “Chúng tôi vốn là những người nông dân thuần chất, đến với ca trù vì yêu vốn cổ của cha ông, vừa là nông dân vừa là nghệ sỹ. Nhưng quả thực, ‘cơm áo không đùa với khách thơ.’ Các buổi diễn thì không ai xem, nguồn kinh phí hỗ trợ cũng quá eo hẹp, không thể đủ trang trải cuộc sống. Con cái thì ngày một lớn khôn, nhu cầu học hành, chi tiết ngày càng lớn. Bởi thể, dù yêu và mê ca trù lắm, nhưng người trong cuộc vẫn phải dứt áo ra đi,” anh Trần Văn Đài tâm sự.

Đòi hỏi đặt ra đối với một ca nương không chỉ là giọng hát mà còn khả năng gõ phách nhuần nhị. (Nguồn ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Một câu hát, học bốn năm

Xuất phát từ thực tế này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng như các ca nương, kép đàn cho rằng, việc nâng cao chất lượng chuyên môn của các ca nương, kép đàn là một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay.

Theo ca nương Bạch Vân, theo thống kê, hiện nay, mặc dù Hà Nội có hơn 200 người thực hành ca trù tại 14 câu lạc bộ nhưng thực tế, số ca nương, kép đàn thực sự có “nghề” và có khả năng truyền dạy chỉ chiếm khoảng 20-25%.

Ca nương Bạch Vân (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Ca trù vốn là một loại hình nghệ thuật bác học với những đòi hỏi khắt khe, lời ca khó hát và “kén” người nghe. Để hiểu và cảm nhận, người nghe cũng cần có vốn văn hóa, học thức nhất định. Bởi vậy, việc đào tạo ca trù không thể theo hình thức phổ cập đại trà. Đó phải là sự truyền nghề trực tiếp, theo sát tỷ mỉ, điều chỉnh từng nhịp phách, câu ca, nắn nót từng cách nhả chữ, luyến láy.

“Việc ‘hát được’ và ‘hát đúng’ các thể cách, làn điệu của ca trù là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Đôi khi, chỉ cần thuộc lời, theo được nhịp thì đã có thể tạm gọi là ‘hát được.’ Nhưng để ‘hát đúng,’ hát cho đúng bài bản, ra được chất ca trù thì ca nương cần một thời gian học, rèn giũa lâu dài, khắt khe,” ca nương Bạch Vân chia sẻ.

Theo nghệ sỹ ưu tú Bạch Vân, một ca nương cần từ 5-7 năm học, thực hành liên tục thì mới có thể hát “tạm ổn,” còn để có thể thành nghề, đạt độ “chín” thì cần ít nhất khoảng 15-17 năm. Đòi hỏi đặt ra đối với một ca nương không chỉ là giọng hát mà còn khả năng gõ phách nhuần nhị.

“Tôi từng biết, có những đào nương trẻ mất khoảng 3, 4 năm để học một điệu (thậm chí là chỉ một câu hát) cho đúng. Hành trình ấy nhọc nhằn lắm. Khi tôi nói, có khi chỉ với hai từ ‘ứ… hự…’ đặc trưng của ca trù, có người mất đến 5, 7 năm rèn giũa mới hát được đúng chất. Nếu hát không đúng, nghe giật cục, vô hồn như… băm bèo,” ca nương hàng đầu của Hà thành bày tỏ.

Ca nương Bạch Vân (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Nói rồi, chị bỗng lặng đi, đôi mắt nhìn về phía xa xăm. “Học hành vất vả là thế mà lại không có đất diễn, hoặc diễn nhưng không khán giả, chế độ đãi ngộ không thỏa đáng, kinh phí hỗ trợ lại không đủ sống… thì làm sao các em có thể kiên trì bám trụ với ca trù? Đây không phải lối sống thực dụng mà chỉ là suy nghĩ thực tế thôi! Ai thì cũng phải sống. Chúng ta không thể chỉ nói và trông chờ mãi vào… tấm lòng nghệ nhân, nghệ sỹ,” ca nương Bạch Vân trải lòng, giọng thấm buồn.

Có cùng quan điểm trên, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan – nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia) cũng cho rằng, các cơ quan quản lý cần bắt tay chặt chẽ hơn với các nghệ nhân, giới chuyên môn để đào tạo chuyên sâu, nâng cao chất lượng đội ngũ thực hành ca trù.

“Chúng ta không thể chỉ nói và trông chờ mãi vào… tấm lòng nghệ nhân, nghệ sỹ.” 

Vị chuyên gia này cho hay, các lớp học hàng năm (kéo dài khoảng 15 ngày) do Viện Âm nhạc tổ chức là chưa đủ. Những người tham gia các lớp học vốn đã có những hiểu biết cơ bản về ca trù. Sau đó, trở về địa phương, họ trở thành hạt nhân chủ chốt trong việc truyền dạy môn nghệ thuật truyền thống này.

“Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, tôi cho rằng, cần tổ chức nhiều hơn các lớp học như vậy và phải phân loại trình độ học viên theo những cấp khác nhau để xây dựng kế hoạch, nội dung khóa học phù hợp,” ông Loan bày tỏ./.

Những tranh luận

chưa có hồi kết

Thực trạng của ca trù đặt ra nhiều yêu cầu bức thiết trong việc bảo tồn, phát huy giá trị, từ đó, hướng tới việc đề nghị UNESCO chuyển ca trù từ Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tuy nhiên, hiện nay, cách thức bảo tồn ca trù vẫn là câu chuyện tranh cãi chưa có hồi kết với nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Thái độ ứng xử với di sản

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, xét tổng thể, ca trù hiện nay được cộng đồng – chủ nhân của di sản đón nhận và nuôi dưỡng. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc bảo tồn di sản này chưa thực sự được chú trọng.

Ca trù hiện nay được cộng đồng – chủ nhân của di sản đón nhận và nuôi dưỡng. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc bảo tồn di sản này chưa thực sự được chú trọng.

Vấn đề trên có thể được nhìn thấy từ chính thực tế Liên hoan ca trù toàn quốc 2018 (diễn ra từ ngày 1-5/11 vừa qua tại Hà Tĩnh).

“Hai trung tâm lớn của di sản ca trù (Vĩnh Phúc, Nam Định) không có đơn vị, câu lạc bộ ca trù nào tham gia liên hoan mặc dù ban tổ chức đã gửi thông báo, hướng dẫn cụ thể về các địa phương. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình, tạo điều kiện để các đơn vị, câu lạc bộ ca trù tham dự liên hoan toàn quốc. Đó là điều đáng buồn và đáng trách,” ông Đặng Hoành Loan nhấn mạnh.

(TTXVN)

Vị chuyên gia này cho biết, Vĩnh Phúc và Nam Định là những địa phương đã ký cam kết tham gia chương trình hành động quốc gia bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù. Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân có tên trong hồ sơ quốc gia đều thuộc những địa phương này.

“Liên hoan cũng là dịp kiểm kê di sản. Bởi vậy, việc tham gia các kỳ liên hoan toàn quốc là trách nhiệm của địa phương trong việc thực hành di sản. Đây không thể là việc thích thì làm, không thích thì thôi,” ông Đặng Hoành Loan bày tỏ.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho biết, ngoại trừ một số địa phương (Hà Nội, Hải Dương, Quảng Bình…), nhiều tỉnh có di sản ca trù chưa chú trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không có kế hoạch hành động cụ thể, không tổ chức các chương trình liên hoan, sinh hoạt ca trù thường xuyên cho cộng đồng. Điều này phản ánh thực trạng đội ngũ quản lý chưa nhận rõ giá trí trị di sản trong đời sống đương đại.

Hướng đi nào cho tương lai?

Tuy nhiên, ở góc độ khác, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, việc có quá nhiều luồng ý kiến khác nhau (thậm chí trái chiều) trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản cũng khiến cho cộng đồng lúng túng, các nhà quản lý văn hóa cũng không ngoại lệ.

Từ việc thiếu vắng đội ngũ kế thừa, đến nay, ca trù đã hình thành được lực lượng đào nương, kép đàn kế cận khá đông đảo. Trong ảnh: Một đào nương nhí tham gia liên hoan ca trù toàn quốc 2014. (Ảnh: TTXVN)

Đưa ra ví dụ cụ thể, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng, phải bảo tồn nguyên vẹn, tuyệt đối những gì cha ông truyền lại. Thế nhưng, ở góc độ khác, có luận điểm rằng, việc bảo tồn không nên quá cứng nhắc, cần sự linh hoạt để phù hợp với đời sống hiện đại.

“Trước hai luồng ý kiến ấy, những nhà quản lý ở các tỉnh chưa mạnh dạn đưa ra những tư duy cá nhân, hành động riêng cho địa phương của mình. Việc đưa ra một quyết sách về việc này là vô cùng cần thiết, chúng ta phải lựa chọn rõ ràng, dứt khoát đường hướng của mình. Khi có nhận thức đúng, rõ ràng thì việc bảo vệ không phải điều quá khó,” ông Đặng Hoành Loan nói.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho rằng, di sản văn hóa phi vật thể luôn có sự vận động theo đời sống, có những biến đổi theo thời gian. Ngôn ngữ biến đổi, sinh hoạt thay đổi, cuộc sống đổi khác kéo theo những biến đổi trong nghệ thuật.

Từ đó, nhà nghiên cứu này đưa ra quan điểm: “Chúng ta phải đi bằng hai chân, bảo tồn chặt chẽ và phát triển mạnh mẽ. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần một nhận thức đúng và sự hiểu biết sâu sắc thực sự. Trên cơ sở xây dựng một chiếc lược tổng thể, mỗi địa phương sẽ có những biện pháp cụ thể phù hợp với điều kiện, tình hình.”

Nhiều nghệ sỹ hiện nay (như Đặng Tuệ Nguyên, Ngô Hồng Quang, Phó An My…) đã kết hợp nghệ thuật truyền thống của dân tộc với nghệ thuật phương Tây và những loại hình, yếu tố đương đại; tạo cho nghệ thuật Việt Nam dáng hình, âm sắc riêng, thu hút được công chúng.

Các tiết mục tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc 2018. (Ảnh: TTXVN)

“Nếu không có công chúng, người thưởng thức thì di sản không thể ‘sống’ khỏe. Nói vậy, không có nghĩa rằng, mục tiêu đặt ra là ca trù được phổ biến như nhạc trẻ…” 

Nghệ sỹ Ngô Hồng Quang cũng từng chia sẻ, để âm nhạc truyền thống của Việt Nam đến được với cộng đồng quốc tế, anh vẫn “đi bằng hai chân.” Bên cạnh các sản phẩm âm nhạc có sự kết hợp giữa âm nhạc cổ truyền của dân tộc với nhạc cụ phương Tây, Ngô Hồng Quang vẫn tham gia các show diễn đặc biệt (các loại hình nghệ thuật truyền thống được biểu diễn theo đúng bản cổ, không hề phá cách và đưa vào những yếu tố đương đại) và các hội thảo trình bày rất kỹ về âm nhạc dân tộc Việt Nam, cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc cũng như cách chơi các bài cổ… ở nhiều nước trên thế giới (như Pháp, Hà Lan, Đức… ).

Nhờ vậy, văn hóa truyền thống Việt Nam đến được với đông đảo công chúng trong nước và quốc tế hơn.

“Nếu không có công chúng, người thưởng thức thì di sản không thể ‘sống’ khỏe. Nói vậy, không có nghĩa rằng, mục tiêu đặt ra là ca trù được phổ biến như nhạc trẻ. Điều đó là không thể. Dẫu vậy, vẫn cần xây dựng kế hoạch thu hút khán giả cho ca trù. Tôi cho rằng, nên có một nhà hát chuyên về các di sản âm nhạc truyền thống, trong đó có ca trù, để tạo một địa chỉ, thói quen tiếp nhận cho công chúng,” giáo sư Tô Ngọc Thanh bày tỏ.

Bài học từ những cuộc “chuyển mình”

Sự chuyển mình của các di sản khác trong thời gian qua cũng đưa đến nhiều bài học kinh nghiệm cho những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù.

Năm 2017, Hát Xoan đã được đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại,” ông Nông Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định.

Các tiết mục tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc 2018. (Ảnh: TTXVN)

“Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền đã đầu tư khá nhiều vốn và nguồn nhân lực vào việc bảo vệ truyền thống. Các biện pháp bảo vệ được đề xuất là thực tế và khả thi, bao gồm: thành lập quỹ bảo vệ Xoan, hỗ trợ cho mỗi Hội Xoan, phục hồi không gian Xoan, tổ chức các các khoá tập huấn, các lễ hội có trình diễn Xoan, xuất bản sách, tài liệu về hát Xoan và xây dựng các chương trình truyền thông thường xuyên. Khảo sát về tính khả thi của di sản được thực hiện thường xuyên,” thông báo của Ủy ban Liên Chính phủ chỉ rõ một trong những tiêu chí để Hát Xoan được chuyển từ danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết, hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị ca trù được thực hiện theo ba đường hướng cơ bản: trao, truyền kỹ thuật biểu diễn cho lớp người trẻ; quan tâm đến việc khai thác, phục dựng vốn cổ; tìm cách phóng tác nhằm mục đích làm phong phú thêm kho tàng ca trù. Điều này cần tiếp tục mở rộng, phát triển trong tương lai để ca trù có thể ra khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp./.

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà

Exit mobile version