Mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện:

Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 28-NQ/TƯ Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII là đến năm 2020, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động.

Hoàn thành chỉ tiêu này là thách thức rất lớn đối với ngành bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.

HÀNG NĂM, NHIỀU TRIỆU LAO ĐỘNG HẾT TUỔI LAO ĐỘNG KHÔNG CÓ LƯƠNG HƯU

Sau 10 năm tổ chức thực thi chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, dù số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự tăng trưởng đều qua các năm nhưng mức độ bao phủ của bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất thấp.

Tính đến hết tháng 7/2018, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 240.000 người, chỉ đạt 0,56% so với lực lượng lao động. Trong khi đó, đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm trên 50% lực lượng lao động cả nước.

Hiện nay, trong số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, phần lớn là những người đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tiếp tục đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Số người tham gia mới, đặc biệt là nông dân và lao động trẻ còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số đối tượng tham gia.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh nhận định, đa số người dân Việt Nam chưa có thói quen tham gia bảo hiểm xã hội khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già, mặc dù nhu cầu mong muốn tham gia, hưởng là rất cao. Điều này dẫn đến mỗi năm Việt Nam có hàng triệu lao động hết tuổi lao động mà không có lương hưu. Đây không chỉ là khó khăn rất lớn cho cuộc sống của những người cao tuổi mà còn là gánh nặng của cộng đồng cũng như là nguyên nhân khiến chính sách an sinh xã hội chưa được bảo đảm.

Theo báo cáo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Bảo hiểm xã hội năm 2016, chỉ có 10,9% số người được hỏi sẵn sàng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vì có đủ khả năng tài chính; 18,5% số người được hỏi cho biết sẽ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu biết nhiều thông tin hơn về chính sách và có đủ điều kiện; 21% số người được hỏi cho biết chỉ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu nhà nước bắt buộc tham gia; 38,1% số người được hỏi cho biết sẽ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu được nhà nước hỗ trợ mức đóng…

ĐỂ CÓ LƯƠNG HƯU, CHỈ CẦN ĐÓNG BẢO HIỂM 5.000 ĐỒNG/NGÀY

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đều có thể đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người dân được hưởng nhiều lợi ích, đó là khi đủ điều kiện về tuổi đời đã đóng bảo hiểm xã hội hội đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu, được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế, hưởng chế độ tử tuất.

Từ năm 2014, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đã mở rộng đến tất cả mọi người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên. Đặc biệt, phương thức và mức đóng theo quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội đa dạng, tạo thuận lợi cho người lao động.

Người lao động có thể tự lựa chọn mức đóng, trong đó 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn. Mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Phương thức đóng cũng được quy định linh hoạt, đóng hằng tháng, hoặc đóng theo ba tháng, sau tháng, 12 tháng và một lần cho nhiều năm về sau, một lần cho những năm còn thiếu.

Chính sách được điều chỉnh liên tục nhưng số người tham bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn chỉ là con số khiêm tốn. Đây là một điều rất đáng tiếc bởi bảo hiểm xã hội được xây dựng như một sàn an sinh xã hội bảo đảm cho tất cả mọi người dân được hưởng những quyền lợi về lương hưu, bảo hiểm y tế và tử tuất sau khi họ đã mất sức lao động, nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng các chế độ hưu trí và tử tuất. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở địa phương chủ yếu trong khu vực phi chính thức với đặc thù lao động tự do, thu nhập bấp bênh và không bền vững. Do đó, để tăng thêm số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội, từ ngày 1/1/2018, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dựa trên chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.000 đồng) với 3 mức hỗ trợ là 30% cho hộ nghèo, 25% cho cận nghèo và 10% cho đối tượng khác. Đây là giải pháp để thu hút đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Mức hỗ trợ 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo sẽ tương ứng 46.200 đồng/tháng, với mức thấp nhất, người tham gia còn phải đóng 107.800 đồng/tháng. Hỗ trợ 25% đối với hộ cận nghèo tương ứng với 38.500 đồng/tháng, người tham gia còn phải đóng 115.500 đồng/tháng. Hỗ trợ 10% đối với các đối tượng khác tương ứng với 15.400 đồng/tháng, người tham gia còn phải đóng với mức thấp nhất là 138.600 đồng/tháng, tương đương với 4.620 đồng/ngày. Như vậy, chỉ tiết kiệm chưa đến 5.000 đồng/ngày, người lao động đã có cơ hội được hưởng lương hưu.

“CÚ HUÝCH” CHƯA ĐỦ MẠNH

Hiện nay, phần lớn nông dân, lao động tại nông thôn và lao động phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

Đây là nhóm đối tượng tiềm năng để phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này lại ít được tiếp cận các thông tin, chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bà Trịnh Thu Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số, lao động, việc làm của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy có tới 35,2% lao động phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mong muốn tham gia.

Đặc biệt, 8,5% lao động cho biết sẽ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định được cho là hợp lý và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của ngành bảo hiểm xã hội. Cụ thể, 80% mong muốn giảm thời gian đóng để hưởng lương hưu, 55% mong muốn thông tin tư vấn rõ ràng, cụ thể và đổi mới thủ tục đóng hưởng thuận lợi, linh hoạt như bảo hiểm thương mại…

Nhà nước có chính sách hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Nhiều người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phải đóng toàn bộ 22% mức đóng, trong khi đó người lao động trong doanh nghiệp chỉ đóng 1/3 mức này. 

Các chuyên gia chỉ ra rằng, nhiều người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phải đóng toàn bộ 22% mức đóng, trong khi đó người lao động trong doanh nghiệp chỉ đóng 1/3 mức này. Hơn nữa, nếu đóng theo mức thấp nhất là mức chuẩn nghèo nông thôn thì mức đóng thấp, thời gian tham gia dài nên chưa tạo sức hấp dẫn cho người dân.

Thực tế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua còn chưa đủ hấp dẫn, vẫn cần tạo thêm động lực để tạo một “cú huých” thực sự thúc đẩy người dân đến gần với chính sách hơn. Đồng thời, cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để ngày càng đến gần với lực lượng lao động phi chính thức, nhóm lao động chịu yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội.

“Hiện nhiều người dân muốn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng lại ngại chờ đợi tới 20 năm sau mới được hưởng chế độ. Bên cạnh đó, dù người dân rất quan tâm đến các chế độ hưởng ngắn hạn như ốm đau, thai sản thì bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ quy định hai chế độ hưởng dài hạn là hưu trí và tử tuất. Đây là điểm kém hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện với các loại hình bảo hiểm tư nhân khác,”- Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết.

Người dân chủ động hơn khi nhân lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua bưu điện . (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

“Nghị quyết 28 đã đề cập đến vấn đề giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm, hướng tới 10 năm với mức tính toán phù hợp, đồng thời từng bước mở rộng các chế độ hưởng của bảo hiểm xã hội tự nguyện,” Thứ trưởng Lê Quân cho hay.

Exit mobile version