‘Pot-Au-Phở’ và 6 năm của những kẻ ‘khùng’

Cứ vào cuối tuần, Nguyễn Dạ Quyên và Julien Brun lại “xách máy ảnh lên và đi,” rong ruổi khắp các vùng miền trên dải đất hình chữ S. Cứ như vậy, sau khoảng 6 năm, hai “kẻ ngoại đạo” ấy đã trình làng dự án “Pot-Au-Phở.”

“Pot-Au-Phở” tập hợp những bức ảnh lấy cảm hứng từ cuộc sống thường nhật ở Việt Nam và “bật mí” về mối liên hệ độc đáo trong ngôn ngữ Việt-Pháp. Triển lãm ảnh “Pot-Au-Phở” diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng Tư, tháng Năm vừa qua đã gây được tiếng vang lớn, cho thấy một hướng tiếp cận khác lạ cùng cách thể hiện ấn tượng về sự giao thoa về văn hóa, lịch sử Việt Nam-Pháp.

Không dừng lại ở đó, trong tháng Sáu và tháng Bảy, hai tác giả (Nguyễn Dạ Quyên – Việt Nam và Julien Brun – Pháp) tiếp tục đưa “Pot-Au-Phở” sang Paris (Pháp) để kể câu chuyện về những điểm kết nối thú vị trong ngôn ngữ giữa hai nước.

Nhan đề ‘Pot-Au-Phở’ được ghép bởi từ ‘Pot-au-feu’ (món súp bò hầm) của Pháp và ‘phở’ của Việt Nam, thể hiện nét giao thoa văn hóa Việt-Pháp, hay dấu ấn từ gốc Pháp trong tiếng Việt,” Dạ Quyên chia sẻ.

Từ ngữ gốc Pháp thâm nhập khá nhiều vào tiếng Việt. Sự ảnh hưởng này xuất phát từ việc tiếng Pháp được sử dụng nhiều trong các văn bản, giấy tờ của Nhà nước và việc giảng dạy ở nhà trường cũng như trong các loại sách/báo ở Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20.

Ảnh hưởng này kéo theo sự xuất hiện của nhiều từ gốc Pháp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong khoa học-kỹ thuật. Khi được đưa vào tiếng Việt, những từ này được Việt hóa về mặt âm đọc (thêm thanh điệu, thay đổi âm hoặc giảm bớt âm tiết). Cùng với sự phát triển của tiếng Việt, các từ hỗn chủng được tạo ra ngày càng nhiều, đóng vai trò quan trọng trong việc diễn đạt các khái niệm mới trong xã hội hiện đại.

Dự án “Pot-Au-Phở” thể hiện một cách tiếp cận, một hướng đi rất khác của chị và người cộng sự Julien Brun trong việc thể hiện nét giao thoa văn hóa, ngôn ngữ giữa Việt Nam-Pháp. Ý tưởng ấy đến với chị như thế nào?

Nguyễn Dạ Quyên: Ý tưởng đó đến một cách khá ngẫu nhiên. Tôi và anh Julien Brun kết bạn với nhau từ khoảng năm 2011. Tôi không thành thạo tiếng Pháp và ngược lại, vốn tiếng Việt của Julien Brun cũng không đủ để chúng tôi có thể nói chuyện. Hàng ngày, chúng tôi dùng tiếng Anh để trao đổi công việc, trò chuyện…

Vô tình, trong một cuộc trò chuyện, tôi có nhắc đến từ “phéc-mơ-tuya” – từ dùng để chỉ một loại dụng cụ khá phổ biến để cài/ghép hai mép vải với nhau – một chiếc khuy kéo, thường có ở các loại quần, áo, túi xách

Julien nghe thấy và bảo, từ ấy nghe quen quen, giống với một từ trong tiếng Pháp. Tôi giải thích rằng, đúng là từ đó có gốc tiếng Pháp (fermeture), “phéc-mơ-tuya” là phiên âm tiếng Việt. Thực tế là, trong tiếng Việt có khá nhiều từ là “từ mượn,” từ có gốc tiếng Pháp như vậy (ví dụ: từ “pa-tê” có gốc tiếng Pháp là “pâté” hay từ “xà bông” được mượn từ từ “savon”…).

Các tác giả không đặt tên cụ thể cho từng bức ảnh (theo kiểu áp đặt ấn tượng chủ quan vào đó); để khán giả đoán xem bức ảnh muốn đề cập đến từ nào. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Người bạn Pháp của tôi cảm thấy vô cùng thích thú về sự giao thoa này. Khi nói chuyện với Julien, chính bản thân tôi cũng thấy phấn khích và ngày càng tò mò, muốn biết nhiều hơn về vấn đề đó.

Thêm vào đó, thời kỳ ấy, chúng tôi cũng có chung sở thích đi du lịch, khám phá đó đây và chụp ảnh. Thế rồi, chúng tôi nghĩ, “tại sao không kết hợp việc đi chơi và tìm lại, thể hiện sự giao thoa ngôn ngữ, văn hóa ấy qua chính những bức ảnh mình chụp như cách vừa được chơi, trải nghiệm vừa được học?”. Vậy là chúng tôi khoác balô, xách máy ảnh lên và đi…

Hành trình ấy của chị kéo dài bao lâu?

Nguyễn Dạ Quyên: Chúng tôi đã dành ra khoảng 6 năm cho dự án này và vẫn chưa dừng lại. Tất nhiên, trong khoảng thời gian đó, không phải ngày nào chúng tôi cũng đi và chụp. Chúng tôi thường đi, trải nghiệm, tìm hiểu và chụp ảnh vào những ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ…

Chúng tôi đã đặt chân tới nhiều vùng miền trên cả nước và như khán giả đã thấy, những tác phẩm thuộc dự án “Pot-Au-Phở” được chụp ở nhiều địa điểm từ Bắc vào Nam như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp… Có những nơi, chúng tôi phải trở đi trở lại nhiều lần để có được những bức ảnh như ý.

Cùng với sự phát triển của tiếng Việt, các từ hỗn chủng được tạo ra ngày càng nhiều, đóng vai trò quan trọng trong việc diễn đạt các khái niệm mới trong xã hội hiện đại. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Tất cả các bức ảnh đều là ảnh đen trắng, chỉ có chi tiết, vật dụng (liên quan đến từ có gốc tiếng Pháp) được giữ màu nguyên bản. Chúng tôi không đặt tên cụ thể cho từng bức ảnh (theo kiểu áp đặt ấn tượng chủ quan vào đó); để khán giả đoán xem bức ảnh muốn đề cập đến từ nào.

Khi mới bắt đầu, chúng tôi không hề nghĩ đến việc, có một ngày, những bức ảnh ấy sẽ được mang ra triển lãm; mà chỉ đơn thuần coi đó là một ý tưởng, dự án cá nhân, để khám phá giới hạn của bản thân, xem mình sẽ làm được gì.

Sau một thời gian, bạn bè tới chơi, nhìn thấy tập ảnh và tỏ ra rất thích thú (đặc biệt là những người bạn Pháp). Họ khuyến khích chúng tôi tiếp tục sáng tác thêm nhiều tác phẩm như vậy và nên giới thiệu rộng rãi tới công chúng.

Mặt khác, tôi cũng tự hỏi, liệu trong tiếng Việt có tất cả bao nhiêu từ như vậy? Tôi tìm hiểu trên mạng Internet và nhiều nguồn khác nhưng không có một thống kê cụ thể nào về số lượng từ hỗn chủng này. Vậy là, vào các buổi tối, sau giờ làm việc, tôi lại lật giở Từ điển tiếng Việt và tự thống kê. Kết quả, tôi tìm được khoảng 500 từ như vậy. Tuy nhiên, sau khi “Pot-Au-Phở” ra mắt công chúng, nhiều khán giả (đặc biệt là các bậc cao niên) đã cung cấp thêm nhiều từ khác.

“Pot-Au-Phở” tập hợp những bức ảnh lấy cảm hứng từ cuộc sống thường nhật ở Việt Nam và “bật mí” về mối liên hệ độc đáo trong ngôn ngữ Việt-Pháp. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Chị có kỷ niệm đặc biệt nào trong quá trình thực hiện dự án “Pot-Au-Phở” không?

Nguyễn Dạ Quyên: “Pot-Au-Phở” có một bức ảnh chụp những người đàn ông đi tập bộ thể dục trên đường Trần Phú (Nha Trang) vào buổi chiều cuối năm – 31/12/2011. Khi triển lãm diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều khán giả đã ồ lên thích thú và họ chia sẻ với tôi rằng, khung cảnh ấy khiến họ liên tưởng đến cuộc sống yên bình, thư thả ở vùng Nîmes miền Nam nước Pháp. Điều ấy cũng khiến tôi cảm thấy rất thú vị, giống như việc mình chạm được đến cảm xúc và tạo được sự đồng cảm với khán giả.

Bên cạnh đó, có một câu chuyện khác cũng khiến tôi rất xúc động. Tại cuộc triển lãm đầu tiên tại không gian TOONG Minh Khai (số 126 Nguyễn Thị Minh Khai, Thành phố Hồ Chí Minh), sau ngày khai mạc 7/4, một bạn tên là Linh Đan nhắn tin cho tôi, hỏi về một bức hình.

Nhân vật trong bức hình là cha của bạn Linh Đan. Búc ảnh đó chụp cuối năm 2011. Nhân vật trong bức hình qua đời vào giữa năm 2012 do bệnh hiểm nghèo. Gia đình không có nhiều ảnh tư liệu nên muốn xin bức hình ấy làm kỷ niệm. Tôi coi đó như một mối duyên trong cuộc sống bộn bề âu lo này.

Theo như chia sẻ của chị, mọi việc xung quanh “Pot-Au-Phở” đều đến với chị một cách tình cờ. Vậy chị có định nối dài hành trình của “Pot-Au-Phở” để khám phá thêm những bất ngờ trong cuộc sống không?

Nguyễn Dạ Quyên: Chắc chắn là có rồi! Bởi càng khám phá, đào sâu vào chủ đề này, tôi lại càng cảm thấy thú vị.

Thực tế, “Pot-Au-Phở” vẫn đang tiếp tục hành trình triển lãm sau phản hồi tích cực của cộng đồng Pháp-Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay tại thời điểm này, một vài tác phẩm thuộc dự án “Pot-Au-Phở” đang góp mặt ở triển lãm nhóm tại Foyer Vietnam Paris trong khuôn khổ lễ hội “ICI Vietnam 2018” (diễn ra từ ngày 9/6-15/7 tại Pháp).

Từ triển lãm này, các bạn trẻ chia sẻ rằng, họ thấy tự tin và hứng thú hơn với việc học tiếng Pháp. Còn với những khán giả trung niên hoặc cao tuổi, “Pot-Au-Phở” gợi lại những ký ức tuổi thơ với những hình ảnh về búp-bê, cà-mên (một loại vật dụng bằng kim loại có nắp đậy và quai xách, dùng để đựng thức ăn – giống như cặp lồng).

Dạ Quyên tự bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để theo đuổi “Pot-Au-Phở.” Nhiều bạn bè cũng bảo chị “khùng.” Vậy, đã có khi nào chị cảm thấy mệt, chán nản và muốn dừng lại chưa?

Nguyễn Dạ Quyên: Hiện tại, tôi chưa nghĩ đến chuyện dừng lại. Mỗi người có lựa chọn riêng cho cuộc sống của mình.

Bên cạnh công việc chính của dân văn phòng, tôi còn tham gia điều phối sân chơi “Everyone Is An Artist Vietnam” từ năm 2012. Đó là nơi tôi góp phần giúp các bạn trẻ có tiềm năng và nhu cầu chia sẻ sáng tác của mình kết nối với nhau.

Thời gian trước, tên Dạ Quyên gắn với những triển lãm tranh. Giờ đây, cái tên ấy lại đi liền với dự án nhiếp ảnh. Lý do nào khiến chị rẽ ngang như vậy?

Nguyễn Dạ Quyên: Hiện nay, nghệ sỹ đương đại khá đa năng. Họ thường không chỉ sử dụng một công cụ duy nhất hay một phương pháp độc nhất để sáng tác. Tôi quan niệm, nghệ sỹ luôn cần làm mới chính mình và không được ngại thử thách ở những đề tài, thể loại mới. Chính những thử thách ấy sẽ giúp chúng ta khám phá giới hạn, tiềm năng của chính mình.

Dù ở lĩnh vực, thể loại và đề tài nào, tôi vẫn nhất quán với quan điểm rằng: Với nghệ thuật, không có gì là không thể cũng như không có một nguyên tắc cứng nhắc và không có chuyện đúng-sai. Nếu tồn tại vấn đề thì đó chỉ đơn giản là, giữa người giám tuyển và người sáng tác chưa tìm được tiếng nói chung nên tác phẩm chưa thể được trưng bày.

Chị không xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Xuất phát điểm của chị cũng không phải là những ngôi trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp ở Việt Nam. Vậy, khi theo đuổi con đường này, chị có thấy mình liều không?

Nguyễn Dạ Quyên: Tôi tin rằng, mỗi con người đều là một nhân tố bí ẩn, tiềm tàng những khả năng riêng liên quan đến nghệ thuật. nếu được tạo điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật và được khuyến khích tích cực, mỗi người đều có thể trở thành nghệ sĩ theo kiểu mới.

Tôi tự học và sáng tác từ năm 2010. Việc học và sáng tác này thường diễn ra vào cuối tuần. Khi còn trong độ tuổi cắp sách tới trường, cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, tôi chọn “học ra một cái nghề” để không thất nghiệp. Lúc ấy, tôi nghĩ là không ai có thể giàu hay kiếm được tiền từ nghệ thuật. Cuộc sống của nghệ sỹ thường bấp bênh.

Thế nhưng, thực tế lại không phải như vậy. Khi trưởng thành, tôi thấy thành công trong công việc không thật sự mang lại cho mình một cảm giác trọn vẹn. Tôi vẫn luôn cảm thấy cuộc sống của mình thiếu một điều gì đó. Rất may, thời điểm đó, tôi được gia đình khuyến khích học vẽ và rồi, con đường sáng tác của mình bắt đầu.

Chị dung hòa bằng cách nào giữa lý trí của một người phụ nữ hiện đại (với những áp lực về công việc, gia đình) với phần lãng đãng, mơ màng của con người nghệ sỹ? Nếu đặt lên cân, phần nào sẽ nặng hơn trong con người Dạ Quyên?

Nguyễn Dạ Quyên: Trong cuộc sống, mỗi người cần rất nhiều thứ để cảm thấy trọn vẹn. Tôi cho rằng, trong hai vế bạn đưa ra, không nhất thiết là phải chọn một vế theo kiểu ‘ông Trời không cho ai tất cả, được cái nọ sẽ mất cái kia.’ Ngược lại, tôi nghĩ, nếu thực sự muốn và biết khéo léo sắp xếp thì sẽ có được cả hai điều trên cùng một lúc.

Tôi cân bằng được công việc thường nhật và việc sáng tác; kết hợp song song công việc văn phòng và sáng tác tranh, ảnh. Nói cách khác, tôi chọn hướng đi: lao động, làm chủ kinh tế, độc lập trong cuộc sống để rồi có khả năng tự chi trả, đầu tư cho sáng tác.

Tất nhiên, dù kết hợp song song nhưng chắc chắn có lúc, phần này sẽ trỗi dậy, lấn át phần kia bởi trong cuộc sống, không có gì là không thể, chỉ là thời điểm, địa điểm có phù hợp hay không.

Những tác phẩm thuộc dự án “Pot-Au-Phở” được chụp ở nhiều địa điểm từ Bắc vào Nam như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp… (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Trân trọng cảm ơn chị với những chia sẻ thú vị./.

Nguyễn Dạ Quyên sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại cuộc thi “Sáng tạo châu Á” được tổ chức lần đầu tiên vào 2014, Nguyễn Dạ Quyên được trao hai giải thưởng. Cuộc thi được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm, hỗ trợ phát triển lĩnh vực sáng tạo và nghệ thuật tại châu Á. Ban giám khảo cuộc thi gồm những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đến từ các quốc gia: Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Indonesia…

Trước “Pot-Au-Phở,” Nguyễn Dạ Quyên từng có nhiều triển lãm được tổ chức ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tokyo, Osaka (Nhật Bản), Bangkok (Thái Lan)…

Tác giả Julien Brun đã sống, làm việc và sáng tác ở Việt Nam được 13 năm. Ông từng là Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Julien Brun đến với nhiếp ảnh từ năm 10 tuổi. “Pot-Au-Phở” là triển lãm đầu tiên của Julien Brun tại Việt Nam.

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà

Exit mobile version