Thu phí tự động

thuphisoc-1522655555-34.jpg

Cách đây hai năm, Chính phủ đã chấp thuận triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14. Việc triển khai thu phí không dừng được cơ quan quản lý Nhà nước và người dân kỳ vọng sẽ tạo ra sự minh bạch, tránh thất thoát tại các trạm thu phí; tiết kiệm thời gian dừng xe; giảm chi phí nhiên liệu, vé in; giám sát công bằng.

Tuy nhiên, với nhiều tiện ích nhưng việc triển khai vẫn đang “tắc” khi các nhà đầu tư vẫn “chây ì” lắp đặt làn thu phí tự động, chủ xe vẫn còn lăn tăn với nhiều thắc mắc về thẻ Etag (thẻ thu phí không dừng).

Nhà đầu tư BOT, chủ xe “không khoái”

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay, dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc-giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên do Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC (TASCO) thực hiện đã có 15 trạm được đưa vào vận hành, 9 trạm đang triển khai lắp đặt. 9 trạm thuộc khu vực miền Trung, miền Nam và do Ngân hàng Vietinbank tài trợ vốn sẽ triển khai lắp đặt, đảm bảo đưa hệ thống ETC tại các trạm vào vận hành trước 31/12/2018.

Nhấn mạnh việc thực hiện lắp đặt trạm thu phí không dừng giúp giải quyết tránh ùn tắc, minh bạch công tác thu phí, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, người hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ này chính là lái xe vì mức phí không tăng lại tiết kiệm được thời gian. Nhà đầu tư cho dự án BOT cũng yên tâm hơn khi lượng thu phí đi qua trạm bao nhiêu thì sẽ được truyền về Ngân hàng và kiểm soát được luôn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chống được thất thoát, tiêu cực.

Đặc biệt, triển khai thu phí không dừng sẽ khiến mọi việc trở nên rõ ràng, minh bạch hơn bao giờ hết khi có tới 6 thành phần có thể kiểm soát được việc thu phí đó là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công an, chủ đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ và chủ xe.

“Thu phí thủ công mất rất nhiều thời gian. Trong khi các nước như Trung Quốc, Singapore có rất nhiều trạm thu phí có tự động quét, vậy tại sao ta chần chừ không làm?”

Tuy nhiên, việc triển khai thu phí tự động đang chậm trễ và tắc ở một số khâu khi tại các cuộc họp về thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Người dân đang rất trông chờ thu phí tự động để đảm bảo công bằng khi có thiết bị giám sát và người dân được giám sát. Bà con nhìn thấy tận mắt một xe đi qua thu được bao nhiêu, một ngày thu được bao tiền. Thu phí thủ công mất rất nhiều thời gian. Trong khi các nước như Trung Quốc, Singapore có rất nhiều trạm thu phí có tự động quét, vậy tại sao ta chần chừ không làm?”

Một trong những nguyên nhân lớn trong việc chậm trễ ký kết và triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng chính là sự e ngại về tính minh bạch trong thu phí của các nhà đầu tư BOT và nếu các nhà đầu tư còn tránh né vấn đề này thì việc triển khai sẽ tiếp tục bị chậm trễ.

Việc thỏa thuận giữa nhà đầu tư BOT và đơn vị thu phí tự động vẫn đang còn vướng mắc. (Ảnh: TTXVN)

Lý giải nguyên nhân chậm trễ ký hợp đồng, còn rất nhiều điểm nhà đầu tư không cảm thấy thoả mãn nên chưa thể đi đến thống nhất khi phân chia tỷ lệ giữa nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư thu phí không dừng theo hướng 50% phí quản lý thu phí.

Theo bà Từ Minh Nguyệt, đại diện nhà đầu tư BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp, hợp đồng BOT đã ký gồm 3 giai đoạn xây dựng-kinh doanh-chuyển giao. Sau khi đầu tư xây dựng xong con đường lại xuất hiện một bên thứ 3 không liên quan đến hợp đồng “nhảy” vào thực hiện hợp đồng BOT ở giai đoạn kinh doanh và khai thác.

“Họ ngang nhiên trở thành nhà đầu tư thay chúng tôi trong dự án mà chính chúng tôi là người bỏ tiền, công sức để đầu tư xây dựng,” bà Nguyệt nói.

Chưa kể, lợi ích mà nhà đầu tư thu phí không dừng thu được không hề nhỏ khi ba năm đầu tiên được hưởng mức thu phí không dừng bằng số làn thu phí tự động không dừng/tổng số làn thu phí nhân với mức phí quản lý tổ chức thu phí của nhà đầu tư BOT. Từ năm thứ 4 đến năm thứ 8, giá dịch vụ thu phí ETC bằng 8% tổng doanh thu của trạm, từ năm thứ 9 đến năm thứ 13, bằng 9% tổng doanh thu của trạm, từ năm thứ 14 trở đi, bằng 10% tổng doanh thu của trạm.

Sau gần hai năm triển khai, hình thức thu phí không dừng vẫn gần như “dậm chân tại chỗ” khi cũng chỉ có khoảng 500.000 phương tiện trong tổng số hơn 3 triệu xe ôtô trong cả nước được dán thẻ Etag.

Theo lý giải của cánh tài xế, chủ xe cũng chưa thực sự mặn mà khi có quá ít trạm thu phí triển khai thu phí không dừng, hoặc có triển khai thì mới có 1-2 làn, còn phần lớn đều thu phí theo mô hình cũ. Điều này đã dẫn tới việc nhiều chủ xe chưa biết về dịch vụ này hoặc chỉ nghe qua chứ chưa hiểu cách dùng. Có chủ xe đã dán tem hơn một năm nhưng “không buồn” nạp tiền vì vẫn quen trả kiểu thủ công.

Đại diện một số đơn vị và chủ xe cũng tỏ ra lo ngại về thẻ Etag đồng thời đặt ra hàng loạt câu hỏi “một tài khoản có thể thanh toán nhiều xe, có được xuất hoá đơn không, bảo hành thẻ 5 năm nhưng khi bị hỏng dán lại vẫn mất phí thì làm thế nào, có cơ chế ưu đãi hoặc khuyến mãi để khuyến khích chủ xe dán thẻ giống như việc được giảm phí nếu mua vé tháng, xe qua trạm nhưng nếu hết tiền trong thẻ thì có được thế chấp khấu nợ trước không?… Một số chủ xe khác cũng băn khoăn việc tồn đọng tiền trong tài khoản thẻ, nếu không đi trên Quốc lộ hoặc ít đi lại thì sẽ lãng phí.

Việc dán thẻ thu phí không dừng vẫn đang chậm triển khai. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Xử phạt nếu xe không dán thẻ Etag

Trước tình hình trên, vào ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

Theo đó, để đảm bảo lộ trình đặt ra, đến cuối năm 2018, tất cả các trạm BOT đều phải ứng dụng công nghệ thu phí không dừng. Các nhà đầu tư chậm trễ sẽ bị kiến nghị dừng thu phí. Đây được coi là biện pháp mạnh mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra để buộc các nhà đầu tư đẩy mạnh áp dụng công nghệ thu phí không dừng tại các trạm BOT.

Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành Thông tư xử phạt với nhưng trường hợp đi qua trạm BOT không có tiền trong tem, thẻ thu phí không dừng, xử phạt cao gấp 10-20 lần thì người dân sẽ phải nộp tiền vào, nhà đầu tư không dám cho nợ.

Đốc thúc hơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, một tháng Bộ sẽ họp 2 lần để kiểm điểm tiến độ dự án, mọi khó khăn vướng mắc phải được báo cáo đầy đủ để đảm bảo tiến độ dự án.

“Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, yêu cầu bức xúc của người dân làm sao đảm bảo công khai minh bạch. Do đó, Bộ không lùi tiến độ so với lộ trình quyết định của Thủ tướng. Ai ký văn bản xin lùi sẽ bị kỷ luật ngay tức khắc. Nếu ai thấy áp lực làm đơn xin chuyển công tác,” Bộ trưởng Thể quả quyết.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ xây dựng lộ trình để cưỡng chế việc dán thẻ đối với chủ phương tiện bằng việc bổ sung vào Thông tư 49/2016 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

“Bộ không lùi tiến độ so với lộ trình quyết định của Thủ tướng. Ai ký văn bản xin lùi sẽ bị kỷ luật ngay tức khắc. Nếu ai thấy áp lực làm đơn xin chuyển công tác.”

Liên quan đến thắc mắc của lái xe đi từ Bắc-Nam nếu chỉ dán một thẻ Etag liệu có dùng chung khi hiện có đến 3 đơn vị lắp đặt, vận hành thu phí tự động, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, việc thu phí không dừng đang được triển khai trên toàn bộ trạm BOT quốc lộ 1 và quốc lộ 14. Bộ Giao thông Vận tải đã lựa chọn 2 nhà cung cấp dịch vụ đều sử dụng công nghệ RFID; một số trạm thu phí phía nam đang sử dụng công nghệ khác đã được Chính phủ yêu cầu chuyển sang công nghệ RFID để tích hợp một loại thẻ có thể sử dụng ở tất cả các trạm trên cả nước.

Ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho biết thêm: “Thủ tướng cũng như Bộ Giao thông Vận tải đã rất quyết liệt thì việc thu phí tự động không dừng không còn là vấn đề khó, quan trọng là cần phải giải quyết khâu kĩ thuật, đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, có sự liên kết giữa chủ đầu tư và hệ thống ngân hàng.

Các trạm thu phí bắt buộc phải lắp đặt thu phí tự động. (Ảnh: TTXVN)

“Ngoài ra, các đơn vị cũng cần có các biện pháp tuyên truyền để người dân nhận thấy lợi ích của hình thức này và tích cực hưởng ứng,” ông Thanh kiến nghị.

Để tránh cho một đơn vị độc quyền triển khai dịch vụ thu phí ETC, Bộ Giao thông Vận tải khuyến khích tất cả các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ thu phí không dừng. Việc sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào đó là quyền của nhà đầu tư BOT thông qua đàm phán, đấu thầu. Bộ không can thiệp vào việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng của các nhà BOT./.

Exit mobile version