Trịnh Bích Thủy

Chọn cho mình một lối đi nhỏ như những ngõ hẹp của phố cổ Hà Nội trong hành trình theo đuổi con đường thiết kế thời trang, có lẽ vì thế, áo bông chần của nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy không bị “đụng hàng.” Mà, không bị đụng cũng đã ngót hai thập kỷ giữa thị trường đầy biến động của làng mốt Việt.

Áo bông chần, chẳng phải thứ thời trang để mang đi show “biểu diễn ào ào,” cũng chẳng dành cho “những bạn hiền hiền, ngoan ngoan, điệu điệu kiểu ‘bánh bèo’…,” như chị nói…

“Người dở hơi may đồ cho người hơi dở mặc”

– Hôm trước, khi tôi mang chiếc áo bông chần về, mẹ tôi nhìn và thốt lên “ô, áo chấn thủ.” Có lẽ với thế hệ trước, áo bông chần bây giờ chính là hiện thân cho những hoài niệm về chiếc áo chấn thủ một thời hoa lửa trong chiến tranh, chiếc áo đã từng đi vào thơ ca, hội họa, điện ảnh… đẹp đẽ như một biểu tượng…

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy: Thực ra, thời xưa người dân mình không có nhiều lựa chọn quần áo và quần áo được dùng vì thời tiết là chính chứ cũng không phải vì thời trang như bây giờ. Trời mát mặc áo một lớp, trời lạnh có áo kép còn lạnh nữa thì áo ba lớp, có một lớp bông bên trong.

Và có lẽ, nhiều người cũng không nhớ chiếc áo ba lớp đó chính là áo bông chần.

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy chọn họa tiết hoa sen cho thương hiệu áo bông của mình. (Ảnh nhân vật cung cấp)

– Áo bông chần là đại diện cho đôi tay khéo léo và tỉ mỉ, sự kiên nhẫn và trau chuốt đến từng đường kim sợi chỉ, đặc biệt là dấu ấn cá nhân đậm nét của người tạo ra chúng. Vậy kỹ thuật để làm một chiếc áo bông chần khác biệt như thế nào với các sản phẩm thiết kế khác, thưa chị?

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy: Áo bông chần thời hiện đại như bây giờ có hai lựa chọn, làm bằng tay hoặc bằng máy. Riêng tôi, hầu hết các sản phẩm tôi đều chọn làm thủ công. Kỹ thuật để may áo cũng rất khác vì đây là áo ba lớp với đặc biệt nhất là phần chần bông.

Áo bông chần có ba lớp (lót, bông, lớp vỏ), được kết nối nhờ một sợi chỉ mỏng manh. Các điểm trên mặt vải lún xuống là nút chần bông. Trong chần thủ công, nút chần có vai trò quan trọng nhất, và do mình lựa chọn.

Nó có thể tạo độ lún nông, sâu qua cách rút chỉ của người chần. Tất cả tình cảm, cảm xúc của người làm vì thế mà được thể hiện qua từng mũi chỉ. Đây cũng chính là điểm kết nối để tạo nên áo bông chần và cũng tạo nên đường trang trí, điểm nhấn cho chiếc áo trong mỗi thiết kế.

Áo bông chần, loại áo không dành cho những “bánh bèo.” (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ngày xưa, chỉ đơn giản có chần ô vuông, chần ô cờ, chần ô trám. Đến nay, tôi đưa thêm rất nhiều đường chần khác nhau, giống như một phần trang trí trên áo, cũng là để có đất sáng tạo cho chiếc áo không bị nhàm chán hoặc gây cảm giác cổ hủ.

Tôi muốn đưa áo bông chần lên ngang với các dòng sản phẩm hiện đại khác theo thời đại, giúp mọi người cảm nhận được dù mặc một chiếc jacket, áo lông vũ hay áo bông chần thì tác dụng là tương đương nhau.

– Chiếc áo bông chần ngày nay đã có nhiều biến tấu cầu kỳ trong chất liệu cũng như họa tiết để phù hợp hơn với xu thế hiện đại và trở thành những thiết kế thời trang ấn tượng. Nhưng tôi thấy áo bông chần cũng kén người mặc và không phải ai cũng thích…

“Các cửa hàng trên phố cổ cũng vậy, họ bày những chiếc áo bông chần trong góc hết năm này qua năm khác, dường như nó bị lãng quên và phủ bụi mờ.”

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy: Tôi còn nhớ sau thời bao cấp, đã bắt đầu xuất hiện nhiều cửa hàng may mặc trên phố, thị trường cũng du nhập nhiều loại quần áo hiện đại. Thời đó, đến mẹ tôi cũng đã chê áo bông chần, vì nghĩ là kiểu áo này của thế hệ bà tôi, kiểu áo của người già.

Các cửa hàng trên phố cổ cũng vậy, họ bày những chiếc áo bông chần trong góc hết năm này qua năm khác, dường như nó bị lãng quên và phủ bụi mờ.

Từ nhỏ, cứ mùa Đông tôi mới được mặc áo bông và nó gần như gắn với những năm tháng đẹp đẽ nhất của thời thơ ấu, nên tôi muốn tiếp tục làm mới và đẹp hơn những chiếc áo như thế trên cơ sở giữ lại kết cấu chính.

(Ảnh nhân vật cung cấp)

Có một kỷ niệm thế này, thực ra ngày xưa tôi học Đại học Bách Khoa ra và làm dệt, nhưng ngay từ đầu đã thích thời trang, đặc biệt là áo chần bông. Sau đó, do chọn theo đuổi đam mê tôi mới học tiếp Trường Mỹ thuật Công nghiệp. Ngay từ năm thứ hai tôi đã mở một cửa hàng nhỏ trên phố.

Đúng như bạn nói, không phải ai cũng thích áo chần bông. Vì như hồi mới mở cửa hàng, bạn bè tôi đến còn nói “mày may cái gì thế?” Có nhiều người đã lãng quên, có những người bạn biết một chút thì bảo “áo này chỉ may cho các cụ thôi, mày dở hơi à?”

– Nghe thế chị buồn không?

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy: Tôi thấy bình thường. Lúc ấy chỉ bảo, ừ thì dở hơi nên may cho người dở hơi mặc, có sao đâu (cười lớn).

Cái chính là mình thích thôi. Tôi chuyển sang làm thiết kế chỉ bởi tôi thích nghề này, thích làm áo bông chần. Chứ đúng là thời đó, đang mốt làm trong các cơ quan nhà nước. Có thể tôi không hợp môi trường đó lắm nên sau vài năm làm “chính quy,” tôi xin ra.

Quá trình tạo nên một sản phẩm áo bông chần của Trịnh Fashion.

Thứ thời trang không dành cho “bánh bèo”

– Và cửa hàng may áo bông chần đầu tiên thời mới lập nghiệp của chị ấy như thế nào?

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy: Nó bé tí, chỉ rộng khoảng 9-10m2, ở ngay đầu góc 16 Hàng Mành. Lúc đó, còn rất trẻ nên tôi làm những chiếc áo bông để mọi người có thể kết hợp với quần jean, quần linen. Và tôi cảm giác thời điểm bây giờ đang lặp lại mốt của thời tôi bắt đầu mở cửa tiệm, vào cuối năm 1999. Tôi may mắn là có những khách hàng theo tôi từ hồi đó tới giờ.

Làm áo bông chần doanh thu đủ cho tôi trang trải mọi thứ, với tôi như thế là vui rồi. Còn để làm giàu bằng loại áo này thì chắc là không rồi.

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy (đứng giữa) cùng bộ sưu tập áo dài đón Xuân mới của Trịnh Fashion. (Ảnh nhân vật cung cấp)

– Là người luôn đau đáu với dòng sản phẩm này, theo chị làm sao để áo chần bông trở thành một thiết kế đại chúng hơn, được nhiều người mặc hơn?

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy: Chính vì cũng mong muốn áo bông chần được đại chúng biết đến nhiều hơn nên tôi có các chương trình nói chuyện về áo bông. Ai cũng có thể mặc áo bông chần, chỉ có điều mọi người có lựa chọn nó hay không mà thôi.

Tuổi đời áo bông rất dài, nó có thể đi theo bạn gần như cả cuộc đời. Có những khách hàng mua áo của tôi chục năm trước giờ quay lại để chúng tôi “bảo dưỡng.” Sản phẩm của chúng tôi được “bảo dưỡng” trọn đời mà. Và thậm chí, mẫu đó dù đã may từ rất lâu nhưng vẫn có khách thích và chọn kiểu may như thế.

“Sản phẩm của chúng tôi được ‘bảo dưỡng’ trọn đời… Ai cũng có thể mặc áo bông chần, chỉ có điều mọi người có lựa chọn nó hay không mà thôi.”

– Được chăm chút đến từng chi tiết nên “tuổi thọ” của một chiếc áo bông chần thường rất cao như chị vừa nói, mà điều đó lại đi ngược với hiệu quả kinh doanh, phải chăng vì thế dòng sản phẩm áo bông chần luôn là lãnh địa của số ít nhà thiết kế, thưa chị?

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy: Tôi chỉ nói thế này, để hoàn thiện một sản phẩm áo bông chần cần rất nhiều công đoạn, cần đến nhiều người.

Những chiếc áo bông chất lượng có thể làm mất hàng tháng, đạt độ thẩm mỹ cao lại có tính truyền thống thì cũng không thể làm được nhiều, có nhiều mà bán.

Một chiếc áo bông chần có “tuổi thọ” tới hàng chục năm. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thực tế, có một số người làm nghề thiết kế thời trang với mục đích kiếm tiền, nên họ phải làm những sản phẩm “đắt hàng” nhất. Những người yêu nghề hơn chút thì sẽ làm thêm những sản phẩm họ tâm huyết. Còn đối với tôi, áo bông chần là tình yêu từ hồi bé nên tôi chỉ chọn “con đường” này để đi suốt nhiều năm qua.

– Không chỉ là những chiếc áo bông chần đơn điệu mà sản phẩm của chị còn thêu nhiều họa tiết rất đặc biệt. Đến giờ, chị đã tạo nên những họa tiết nào để làm thương hiệu cho Trịnh Fashion?

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy: Là họa tiết hoa sen và hình ảnh phố cổ Hà Nội. Đó thực sự là những họa tiết cầu kỳ, cái cầu kỳ mà không phải ai cũng biết vì nó không phô diễn.

Ví dụ, chiếc áo họa tiết hoa sen thì mọi người sẽ chỉ thấy đó là một cành hoa sen mà thôi. Nhưng thực ra đó là họa tiết cầu kỳ nhất mà tôi làm. Bởi tôi đã phải xếp rất nhiều lớp thêu khác nhau để tạo màu tự nhiên cho bông hoa. Tôi không vẽ lên hình ảnh mình định làm mà là xây dựng từ cốt bên trong để họa tiết dần hiện lên.

(Ảnh nhân vật cung cấp)

– Khách quen của chị thường là những người thế nào?

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy: Thường là những bạn có phong cách riêng và cá tính mới thích đồ tôi làm, còn những bạn hiền hiền, ngoan ngoan, điệu điệu kiểu “bánh bèo” thì không.

Đặc biệt, những bạn làm việc trong môi trường văn hóa với người nước ngoài thì rất thích, vì cảm giác tự hào khi khoác lên mình bộ trang phục mang đậm dấu ấn Việt trong các sự kiện ngoại giao hoặc mang theo các chuyến công tác nước ngoài.

– Là người tạo ra hình ảnh đầy cá tính cho các cô gái qua các thiết kế thời trang, ngoài đời hẳn chị cũng là người phụ nữ cá tính mạnh?

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy: (cười) Nói chung là cũng không hiền lành, ngoan hiền như các em bình thường. Nếu đã thích cái gì, làm cái gì là tôi phải có bằng được, làm kỳ được không thì mất ăn mất ngủ. Tôi là người quyết liệt và hơi điên điên.

– Cảm ơn những chia sẻ của chị và chúc chị Xuân mới nhiều sáng tạo mới.

Exit mobile version