Những người thầy thắp niềm tin đổi mới

Ngành giáo dục đang đứng trước ngưỡng cửa của giai đoạn chuyển mình quan trọng: đổi mới căn bản và toàn diện, thực hiện theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 44 của Thủ tướng Chính phủ.

Để có thể đáp ứng được yêu cầu mới, giáo viên phải thực sự tâm huyết, có tư duy đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong giảng dạy. Hiệu trưởng cũng phải đổi mới từ quản lý sang quản trị, đồng hành với giáo viên, phải năng động và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất là liệu đội cán bộ, ngũ giáo viên có bắt nhịp được với sự thay đổi đó?

“Trong lần đổi mới này thì lo nhất là giáo viên,” giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chia sẻ.

Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng trăn trở việc giáo viên đã quá quen với lối giảng dạy truyền thụ kiến thức truyền thống nên sẽ rất khó để chuyển sang đào tạo kỹ năng cho học sinh như yêu cầu của chương trình mới.

Trăn trở, lo lắng, bởi nói như hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Đường (Đồng Nai), ông Lê Đức Dũng, nếu không có người thầy tốt thì mọi cuốn sách hay đều trở nên vô nghĩa. Mọi đổi mới không bắt đầu từ người thầy thì coi như thất bại.

Đó là những điều có thật…

Nhưng tiếp xúc nhiều với các thầy cô giáo, tôi vẫn cảm thấy rõ một niềm tin tưởng lớn lao, khi nhận ra sự tận tâm với nghề và không ngại đổi mới ở nơi họ.

Đó là khi chứng kiến hình ảnh thầy giáo Ninh Văn Dậu, trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (xã Ia HDreh, huyện Krông Pa, Gia Lai) năm lần bảy lượt băng 20km đường rừng vào rẫy để vận động học sinh đến trường, rồi trăn trở làm sao giảng bài thật dễ hiểu bởi học sinh của thầy là những cô bé cậu bé người Jarai tiếng Kinh còn chưa sõi.

Cũng chính sự trăn trở với nghề đã giúp thầy Nguyễn Văn Quyết, trường Tiểu học Dịch Vọng B, khi nghe một bản tin thời sự bằng nhạc rap của báo VietnamPlus đã lập tức nảy ra ý tưởng sáng tạo độc đáo: Giảng bài bằng đọc rap.

Có lẽ, cũng chỉ có tình yêu với nghề, với học trò mới có thể giúp cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa dám đi ngược chiều dư luận, vận dụng mô hình VNEN trong khi có rất nhiều ý kiến phản đối, bởi như cô Thảo nói: “Tôi đơn giản chỉ nghĩ rằng cái gì tốt cho học trò thì mình nên làm.”

Và, cũng chỉ cần tốt cho học trò mình, cô Hiệu trưởng Đỗ Uyên Thiên Minh của trường mầm non Xy, thuộc xã Xy một xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đã không quản ngại khó nhọc, vận động các nguồn tài trợ cho học sinh. Một năm, có tới 40 đoàn từ thiện đến với ngôi trường nhỏ bé này, để hỗ trợ cho học trò cô từ đôi dép đi, manh áo mặc, đồ chơi. Sự nỗ lực và năng động của cô Minh đã giúp cho trẻ có được mái trường khang trang hơn, được chăm sóc tốt hơn.

Giống như cô Minh, cô Nguyễn Thị Nhiếp đã đưa ngôi trường của mình sang một trang mới bằng chính sự nhạy bén, sáng tạo và nhiệt tâm. Từ một trường bán công không thu hút được học sinh, cơ sở vật chất nghèo nàn, dưới sự dẫn dắt của cô Nhiếp, trường Phan Huy Chú đã trở thành trường trung học phổ thông chất lượng cao đầu tiên của Hà Nội với một đội ngũ giáo viên luôn tiên phong trong đổi mới.

Những người thầy ấy, với sự tận tâm, năng động, sáng tạo, đã mang lại hạnh phúc cho học trò mình, thắp sáng hơn cho tương lai của các em. Và hơn thế nữa, họ đã và đang thắp sáng niềm tin của mọi người vào đội ngũ nhà giáo, niềm tin vào công cuộc đổi mới giáo dục đã cận kề.

Người lội suối, băng rừng đi ‘bắt’ học trò

Câu nói: ‘Em bỏ học thầy ạ!’ làm đau một tâm hồn vốn rất nhạy cảm, dễ xúc động và đầy suy tư, trăn trở.

Có lẽ nào thầy đã thất bại hoàn toàn?

Thầy và cả lớp vẫn đợi em. Nếu em vẫn chưa chịu vượt rẫy vượt rừng để trở về với trường, với lớp, nhất định, thầy sẽ vào rẫy ‘lấy’ em về!.

Những dòng tâm sự xúc động của thầy Ninh Văn Dậu, giáo viên trường Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (xã Ia HDreh, huyện Krông Pa, Gia Lai) khi học sinh bỏ học đã khiến nhiều người không thể cầm lòng.

Trò bỏ học, thầy thức trắng đêm

Thầy Dậu bảo, cậu học trò Ksor Gôl của mình bỏ học khi chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm học lớp 12. So với các bạn trong lớp, sức học của Ksor Gôl rất khá. Nếu em học tiếp, em sẽ có tương lai tươi sáng hơn. Còn nếu em bỏ học, cuộc đời em sẽ lại nối tiếp công việc nương rẫy cực nhọc và nghèo khó của cha mẹ mình.

“Thế nên tôi trăn trở lắm, nhiều đêm thức trắng, suy nghĩ xem làm cách nào để đưa Ksor Gôl trở lại trường. Tôi đã tới nhà Ksor Gôl không biết bao nhiêu lần, đã băng 20 cây số đường rừng để vào rẫy tìm em đến bốn lần. Nhưng Ksor Gôl thương cha mẹ vất vả, em vẫn quyết bỏ học. Lúc đó, tôi cảm thấy rất buồn, thấy mình là người thầy thất bại,” thầy Dậu chia sẻ.

Thầy Dậu (phải) vượt 20 cây số, vào tận rẫy để vận động học sinh Ksor Gôl đến trường.

“Vậy là chiều nay thầy cùng với bạn Tức lại lên đường. Vượt qua con đường rừng gần 20km để vào được cái rẫy nhà em, tận bên trong lòng hồ Ia HDreh. Thầy thấm mệt, bạn Tức cũng thấm mệt… nhưng cũng chưa là gì so với hình ảnh lấm lem trên khuôn mặt đen đúa của em – hình ảnh lấm láp ấy gọi dậy tuổi thơ dữ dội của thầy. Khi gặp lại em, ngồi trao đổi tâm sự, thầy quên cả đoạn đường khó nhọc mà mình đã vượt qua.

Ngồi với thầy cả buổi, nhưng em không nói gì ngoài câu: ‘Em bỏ học thầy ạ!’.

Ngồi với thầy cả buổi, nhưng em không nói gì ngoài câu: ‘Em bỏ học thầy ạ!’.

Là người đứng trên bục giảng cả chục năm, chứng kiến không biết bao số phận học trò đã đi qua – những phận đời đầy mỏng manh và éo le, nhưng lòng thầy vẫn quặn lại đầy xót xa vì em. Và giờ đây, thầy không muốn tâm hồn mình trở nên trống trải, thiếu hụt bởi bất kỳ sự vắng mặt một vị trí nào trong lớp,” Thầy Dậu nghẹn ngào chia sẻ trên facebook.

Buồn và thất vọng, nhưng thầy Dậu vẫn không bỏ cuộc. Thương học trò, thầy quyết tâm vận động Ksor Gôl thêm lần nữa. Lần này, thầy Dậu mời cả thầy Hiệu trưởng Trần Văn Thế cùng đi. Và thầy đã “lấy” được Ksor Gôl về với mái trường Trung học phông Đinh Tiên Hoàng, như lời thầy đã hứa.

Thầy Dậu (trái) đến từng nhà để thuyết phục phụ huynh cho con đến lớp

Với sự giúp đỡ tận tâm của thầy Dậu, Ksor Gôl đã học hết lớp 12 và thi đỗ vào một trường cao đẳng, nhưng em vẫn quyết tâm tiếp tục ôn tập để sang năm thi lại đại học.

Ksor Gôl chỉ là một trong số rất nhiều học sinh mà thầy Ninh Văn Dậu đã vận động trở lại trường trong suốt 10 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên Krông Pa này.

Mọi thứ đều không giống như mình tưởng, không như mình mộng mơ. Tôi đã thực sự rất thất vọng

Chỉ tính riêng năm học 2016-2017, thầy vận động được 7 trường hợp bỏ học trở lại trường. Có em đã nghỉ cả tháng nên kiến thức hao hụt, thầy phải cử các bạn học tốt bổ trợ kiến để em không tự ty, tái bỏ học.

Theo thầy Dậu, nguyên nhân chính của việc bỏ học là do nạn tảo hôn. Việc kết hôn sớm đã trở thành truyền thống ở đây. Trong khi đó, lực học của học sinh rất yếu, nên các em dễ nản.

Vận động học sinh trở lại trường vì thế gặp rất nhiều khó khăn và thường bị sự phản ứng quyết liệt của gia đình học sinh.

Thầy Dậu vượt đường rừng, lội suối vào rẫy vận động học trò trở lại trường

Những ngày đầu, do chưa biết tiếng Jarai nên việc tuyên truyền thuyết phục phụ huynh, thầy Dậu phải nhờ học sinh phiên dịch. Đến nhà các em khi đó cũng rất khó khăn vì xa xôi, sông suối nhiều, đường đất trơn trượt, khi trời mưa còn sình lên lầy lội. Bị ngã là chuyện thường. Nhiều khi thầy Dậu đành phải bỏ xe máy lại để đi bộ vì đường quá xấu.

Cứ như thế trong suốt 10 năm, đôi chân thầy đã đi đến khắp các bản làng Krông Pa, vượt qua rào cản ngôn ngữ, hủ tục, để đưa học sinh tới lớp, thắp sáng tri thức và tương lai cho các em. Tiếp tục đến trường, có em đã trở thành cán bộ xã, có em chọn học sư phạm và trở thành đồng nghiệp với thầy.

Gắn bó vì tình thương học trò

Nhớ lại 10 năm trước, khi rời quê hương Ninh Bình để đến Ia Hdreh, thầy Dậu bảo, khi đó chỉ nghĩ đơn giản là muốn khám phá một Tây Nguyên giàu truyền thống. Một Tây Nguyên qua lăng kính đầy màu hồng sách vở.

Nhưng khi từ Ninh Bình vào, thầy Dậu bảo mình đã bị sốc nặng vì phong tục tập quán ở đây quá khác, lối sinh hoạt khác, ăn uống khác. Giáo viên không có chỗ ở, thầy phải ở nhờ nhà dân. Nhưng người dân lại là đồng bào dân tộc Jarai nên bất đồng ngôn ngữ. Thầy nói, dân không hiểu, còn dân nói thì thầy Dậu cũng đành đứng nhìn ngơ ngác. Đến trường lớp cũng không có, phải đi học nhờ. Học sinh thì học lực rất yếu. Giáo viên đến lớp, các em gặp cũng không chào.

Sốc, rồi tủi thân, khi ngày 20/11 đầu tiên trong cuộc đời giáo viên của mình, thầy không nhận được bất kỳ một lời động viên hay thăm hỏi nào. Học sinh và phụ huynh ở đây chưa bao giờ biết đến Ngày Nhà giáo Việt Nam. Các em chỉ biết đó là ngày được nghỉ học.

“Mọi thứ đều không giống như mình tưởng, không như mình mộng mơ. Tôi đã thực sự rất thất vọng,” thầy Dậu ngậm ngùi nói.

Nhưng khi tiếp xúc với học sinh, tìm hiểu nguyên nhân, Dậu biết không giống như học sinh vùng đồng bằng, ở đây, các em chịu thiệt thòi rất lớn, ăn còn đói bữa, nói gì đến học hành. Từ thất vọng, thầy lại thấy thương cảm những học trò của mình, những cô bé cậu bé người dân tộc Jarai mà để học được đến bậc trung học phổ thông đã là cả một nỗ lực phi thường.

Thương các em, thầy tự nhủ phải nỗ lực hết mình để các em có tương lai tươi sáng hơn. Thầy vận động các em đến trường. Thầy cố gắng đơn giản hóa các bài giảng của mình để học sinh dễ hiểu, ứng dụng công nghệ thông tin để bài giảng sinh động hấp dẫn hơn. Thầy nhận những học trò mồ côi hay hoàn cảnh quá khó khăn làm con nuôi để làm chỗ dựa tinh thần cho các em.

“Mới đó mà đã 10 năm gắn bó. Dù có thể chuyển về trường ở thị trấn nhưng tôi vẫn không nỡ xa các em. Mình đã ở đó lâu rồi thì mình cố gắng ở lại lâu hơn nữa, làm sao các em đỡ thiệt thòi,” thầy Dậu xúc động nói.


Thầy Dậu luôn hòa mình bên các học trò để có thể hiểu các em hơn

Cô giáo 4 năm ‘lội ngược dòng’ cùng VNEN

Trong khi nhiều giáo viên dù được tập huấn bài bản vẫn phản đối mô hình trường tiểu học mới VNEN, nhiều tỉnh thành Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Giang, Đắk Lắk, Bắc Ninh… đã quyết định dừng triển khai mô hình này, thì cô Nguyễn Thị Huyền Thảo lại “lội ngược dòng” khi tự mày mò học hỏi và áp dụng VNEN vào giảng dạy từ 4 năm nay. 

Cả trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ mình cô Thảo dạy theo mô hình này. Một đặc trưng của mô hình VNEN là học sinh ngồi theo nhóm, không phải tất cả cùng quay lên bảng như cách dạy truyền thống. Vì thế, cứ đến giờ học của cô, học sinh tự động quay bàn ghép với nhau thành từng nhóm. Hết giờ, các em lại kê trả bàn ghế như cũ.

“Tôi không được qua lớp tập huấn nào, tôi chỉ ‘học mót’ và ‘dạy chui’ vì trường tôi cũng không nằm trong dự án VNEN, nhưng học sinh rất hào hứng,” cô Thảo chia sẻ.

Cô giáo ‘học mót, dạy chui’

Năm 2014, khi thấy mô hình trường tiểu học mới VNEN khuấy đảo dư luận với rất nhiều ý kiến trái chiều, cô Thảo tò mò tìm hiểu và ngạc nhiên khi nhận ra đây là một phương pháp giảng dạy rất tích cực. Tham dự một số hội thảo về đổi mới giáo dục trong xu thế toàn cầu bàn về năng lực giáo viên, năng lực học sinh, cô càng ngạc nhiên hơn khi thấy những điều đó đều có trong mô hình VNEN.

Để có thể giảng dạy theo mô hình VNEN, cô Thảo phải đọc rất nhiều tài liệu để có thể giải đáp được các câu hỏi học sinh đặt ra.(Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Mong muốn đem lại những bài giảng chất lượng hơn cho học sinh, cô Thảo quyết định ứng dụng VNEN trong hoạt động dạy học của mình.

Thay vì những tiết giảng đơn điệu, cô lên hệ thống các câu hỏi, đưa các vấn đề cho học sinh tự tìm hiểu, tự thảo luận, tự phản biện và tự tìm ra ý nghĩa bài học. Cô sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ.

“Lần đầu tiên áp dụng, thấy học sinh phấn khởi hứng thú hơn hẳn. Nhìn cảnh học sinh say mê làm việc, tôi hiểu mình đã đúng khi thực hiện mô hình này,” cô Thảo chia sẻ.

Cũng theo cô Thảo, với mô hình VNEN, học sinh tự xây dựng tiết học của mình. Khi có thắc mắc, các em sẽ hỏi giáo viên. Vì thế, khó khăn lớn nhất khi dạy theo VNEN là giáo viên phải vững chuyên môn, kiến thức phải rất rộng, phải hiểu tâm lý học sinh, phải trải nghiệm nhiều. Từ đó, người thầy mới có thể đưa ra các câu hỏi, các vấn đề một cách hệ thống cho học sinh tìm hiểu và có thể giải đáp các câu hỏi của các em.

Giờ học môn lịch sử của cô Thảo không hề đơn điệu nhàm chán mà luôn khiến học sinh hứng thú, say sưa trao đổi.(Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

“Đôi khi các em hỏi câu hỏi rất vu vơ nhưng nó là vấn đề của học thuật và khoa học thì mình phải đẩy vấn đề lên, tạo cho học sinh biết đây chính là mấu chốt của bài học. Học sinh sẽ tự học chứ không phải cô áp đặt. Vì thế, bài giảng sẽ thấm vào các em một cách tự nhiên, đầy hứng thú. Học sinh cũng năng động và tự tin hơn,” cô Thảo nói.

Vì thế, theo cô Thảo, mô hình VNEN không chỉ tốt cho học sinh mà còn cho cả giáo viên. Người thầy sẽ phải nỗ lực hơn, phải liên tục cập nhật kiến thức mới có thể đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu của trò. Cả thầy và trò sẽ đều phải vất vả hơn, làm việc và tương tác với nhau nhiều hơn, nhưng hiệu quả học tập cao hơn. Học sinh không chỉ nắm được kiến thức mà còn tôi luyện được rất nhiều kỹ năng.

“Tôi nghĩ điều quan trọng nhất với học sinh không phải tri thức, vì tri thức sau này lớn lên các em vẫn có thể tự học. Điều quan trọng nhất là học sinh hiểu bản thân, học sinh có năng lực tự học, biết tương tác với các cá nhân khác, biết làm việc nhóm, biết thể hiện mình, biết diễn đạt suy nghĩ. Và VNEN làm được điều đó, nó thực sự rất tốt cho học sinh,” cô Thảo chia sẻ.

Cô Thảo giúp học sinh chuẩn bị bản đồ để thuyết trình của các em. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Hạnh phúc vì học sinh cho cô… nghỉ dạy

Năm học 2017-2018 này đã là năm thứ 4 cô Thảo áp dụng mô hình trường tiểu học mới vào trong những tiết học của mình tại trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa.

Môn lịch sử ở nhiều nhà trường là môn học nhàm chán và buồn tẻ, nhưng những giờ học của cô Huyền Thảo luôn có sức cuốn hút lớn với học trò. Ngay khi tiếng trống trường vang lên báo hiệu chuẩn bị cho một giờ học mới, học sinh của cô lại hào hứng kê bàn ghế thành từng nhóm, chuẩn bị cho một giờ học không lẫn với bất cứ một môn học nào: giờ học lịch sử theo mô hình VNEN.

“Bây giờ, học sinh thậm chí còn nói cô đừng dạy gì hết, tụi con tự giải quyết, cho cô về hưu sớm luôn”.

Bây giờ, học sinh thậm chí còn nói cô đừng dạy gì hết, tụi con tự giải quyết, cho cô về hưu sớm luô

“Tôi thực sự rất vui vì mình đã đi được đúng nguyện vọng và mong muốn của các em. Các em đã chủ động học và học một cách say mê mà mình không phải áp đặt. Mới đây thôi, thấy các em trình bày vấn đề chưa, tôi bảo để cô giảng nhưng học sinh nhất quyết không cho. Các em bảo: cô để đó tụi em làm, tụi em nhất định làm được.”

“Tôi thấy vui không chỉ vì các em đã có ý thức học mà còn vì các em đã vượt qua bản thân để quyết tâm đi đến cùng vấn đề. Thế là quá tuyệt vời rồi, mình còn mong muốn gì được hơn nữa, nhất là với môn mà thiên hạ đang dùng từ ‘quay lưng,” cô Thảo say sưa kể về những học trò của mình, niềm vui dâng lên trong mắt.

Cả cô và trò cùng chăm chú nghe phần thuyết trình của từng nhóm. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Cần hiểu hơn về VNEN

Theo cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, mô hình VNEN đòi hỏi người giáo viên phải trải nghiệm, phải sáng tạo, phải tận tâm, phải yêu nghề, phải nắm bắt được học sinh của mình. Nếu không nắm bắt được học sinh, giáo viên không thể biết hướng dẫn em phải nói làm sao, phải trình bày như thế nào, điểm mạnh điểm yếu của con là gì…

Muốn làm được điều đó, giáo viên phải đầu tư vào bài giảng nhiều chất xám, nhiều thời gian công sức, nhiều tâm trí hơn.

“Đó có lẽ là lý do mà giáo viên cảm thấy họ không làm được,” cô Thảo nhận định.

“cái quan trọng là chúng ta cần người có tâm và đó là cốt lõi của nhiều vấn đề.”

Chia sẻ với các giáo viên về việc hiện người thầy có rất nhiều áp lực về sổ sách, thủ tục hành chính, thời gian làm việc nhiều, lương thấp, sỹ số lớp một số nơi quá đông, nhưng cô Thảo cho rằng “cái quan trọng là chúng ta cần người có tâm và đó là cốt lõi của nhiều vấn đề.”

Trong khi đó, phụ huynh lại quá chú trọng đến thành tích điểm số. Phụ huynh thấy con lên lớp ngồi nói chuyện với nhau, ghi chép ít, nên phản đối, nhưng họ không hiểu hôm nay con lên lớp con đã trình bày cái gì, trình bày ra sao, tương tác với bạn thế nào, được bạn hỗ trợ những gì.

“Tôi muốn nói rằng, với mô hình VNEN, sự thật là Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đi đúng hướng. Tôi có cộng tác với các trường quốc tế và thấy người ta cũng đang dạy như vậy. Nếu yêu cầu học sinh ngồi yên thì đó không phải là giáo dục hiện đại. Với tôi, nhìn học sinh hăng say trình bày ý tưởng của mình, đó là lúc hạnh phúc nhất của người giáo viên,” cô Thảo nói..

Từ nhân viên bán căngtin 

đến hiệu trưởng trường chất lượng cao

Tốt nghiệp đại học sư phạm khoa Sinh, nhưng khi đến xin việc tại trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), cô Nhiếp được giao nhiệm vụ làm… nhân viên đứng bán căngtin.

“Tôi vẫn rất vui vẻ nhận lời. Khi đó, tôi chỉ có mong mỏi lớn nhất là được làm việc. Nhưng mỗi khi nhìn học sinh, niềm khát khao được đứng trên bục giảng lại bùng cháy,” cô Nguyễn Thị Nhiếp tâm sự.

Những nỗ lực không ngừng

Ra trường năm 1994, cô Nhiếp về trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Cô vừa làm giáo viên dạy môn Sinh học, vừa là cố vấn đoàn, ủy viên ban chấp hành Huyện Đoàn Từ Liêm. Ba năm cống hiến hết mình, kể cả khi kết hôn vẫn chưa dám sinh con, nhưng việc vào biên chế vẫn quá khó khăn, cô đành nén lòng xin nghỉ để thực hiện thiên chức làm mẹ.

Năm 1999, cô tiếp tục trở lại hành trình tìm việc và đến với trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, là một trường bán công vừa thành lập.

Cô Nhiếp xem lại những nhận xét, góp ý của học sinh cho giờ giảng của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Dù chỉ được bán căngtin, tôi vẫn làm việc rất chịu khó, nhiệt tình. Có lẽ thầy hiệu trưởng đã thương tôi chịu khó nên 6 tháng sau, thầy chuyển tôi lên làm nhân viên phòng thí nghiệm. Tôi cũng vui vẻ và nhiệt tình với công việc của một nhân viên phòng thí nghiệm. Rồi thầy cho tôi đứng lớp. Cảm xúc sau 3 năm rời xa, lần đầu tiên được đứng trên bục giảng là hạnh phúc vô cùng,” cô Nhiếp xúc động kể.

Với sự tâm huyết, sáng tạo và năng lực sư phạm đặc biệt, cô Nhiếp nhanh chóng được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng chuyên môn. Đến năm 2004, cô trở thành Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Bán công Phan Huy Chú. Từ năm 2008, cô được cả Hội đồng Sư phạm tín nhiệm và cấp trên bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường. Đó là sự ghi nhận cho bao thăng trầm vất vả, cho những sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cô, dù ở bất kỳ vị trí nào. Sự nỗ lực đã không phụ người.

Đưa trường chuyển mình mạnh mẽ

Về Trung học phổ thông Bán công Phan Huy Chú khi trường mới thành lập, cô Nhiếp vẫn không quên những tháng ngày vất vả khi cơ sở vật chất nghèo nàn, trường không tên tuổi, lại là trường bán công, phụ huynh chưa tin tưởng. Có trường, nhưng thiếu học trò.

CCô Nhiếp vẫn không quên những tháng khi trường mới thành lập ngày: Có trường, nhưng thiếu học trò.

Trăn trở với việc làm thế nào để tạo niềm tin cho phụ huynh, năm 2008, với cương vị Hiệu trưởng nhà trường, cô Nhiếp mạnh dạn làm đề án chuyển đổi từ trường bán công sang trường công lập tự chủ tài chính toàn phần.

Mô hình mới đã đưa cô hiệu trưởng trẻ tuổi dám làm, dám chịu trách nhiệm đương đầu với nhiều thử thách. Nhưng cô luôn nghĩ thử thách là cơ hội. Cô đã mạnh dạn xây dựng mô hình lớp chất lượng cao. Ban đầu là một lớp. Chất lượng giáo dục tốt lên rõ rệt, phụ huynh ủng hộ, nên năm thứ hai cô nhân lên 4 lớp, rồi 8 lớp, rồi cả khối. Hết khối 10 sang 11, 12, rồi đến khi hội tụ đủ điều kiện mô hình tiến bộ và hiệu quả này được mở rộng ở toàn trường.

Những bài giảng của cô Nhiếp đã mang lại cho học sinh Trung học phổ thông Yên Hòa không chỉ tri thức mà cả bài học đạo đức và giá trị sống.. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Năm 2013, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có quyết định về tiêu chí của trường chất lượng cao. Cô Nhiếp xét thấy rất nhiều tiêu chí là điều trường mình đã làm và nhanh chóng nhận thấy cơ hội mới cho trường. Cô họp đội ngũ. Cả trường cùng nhau rà soát sắp xếp lại, hoàn thiện các tiêu chuẩn phù hợp với yêu cầu của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Từ một trường bán công có cơ sở vật chất còn khiêm tốn, sức hút còn yếu, năm 2013, trường được công nhận trường Chuẩn Quốc gia. Năm 2015, trường Phan Huy Chú đã trở thành trường trung học phổ thông chất lượng cao đầu tiên của Hà Nội. Trường có cơ sở vật chất khang trang và trở thành một lựa chọn tin cậy với phụ huynh, có điểm đầu vào khá cao so với các trường khác trên địa bàn.

Hiệu trưởng tiên phong trong đổi mới

Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất khi nhắc đến Trung học phổ thông Phan Huy Chú không phải là cụm từ “chất lượng cao”, mà ở môi trường giáo dục rất năng động, ở sự nhiệt tình và luôn luôn đổi mới của đội ngũ giáo viên, của Ban giám hiệu nhà trường. Trong đó, người có vai trò lớn nhất chính là hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp.

Cô Nhiếp cho rằng mình may mắn khi trải qua nhiều khó khăn, thử thách, trưởng thành từ một nhân viên, một giáo viên trước khi làm cán bộ quản lý. Bởi đó chính là cơ hội để cô có nhiều sự đồng cảm với đồng nghiệp và hiểu sâu sắc một điều: phải có đội ngũ mới ra được chất lượng, từ chất lượng mới ra được cơ sở vật chất.

Mô hình trường tự chủ tài chính, trường chất lượng cao càng cho cô nhiều cơ hội để có thể hoàn thiện đội ngũ cho mình.

Để khuyến khích giáo viên, cô mạnh dạn thực hiện cơ chế trả lương theo năng lực. Khi được trả lương đúng với năng lực, không cào bằng, giáo viên càng nỗ lực, chất lượng thực sự được nâng lên.

Ở trường Phan Huy Chú, cô Nhiếp xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, chi tiết, đo công việc hàng ngày của giáo viên. Từ thước đo đó, các giáo viên được xếp loại một cách rõ ràng, minh bạch. Mức lương theo đó cũng khác nhau.

Muốn trường chất lượng thì không thể không liên tục đổi mới, cô Nhiếp lại trăn trở làm sao để giáo viên mình luôn luôn sáng tạo? Bên cạnh cơ chế trả lương theo năng lực, cô khuyến khích giáo viên của mình đổi mới. Cô thành lập Tổ Giáo viên đồng hành đổi mới sáng tạo. Tổ có nhiệm vụ cập nhật và phổ biến thông tin về các phương pháp giáo dục mới, đồng thời dạy thí điểm, dạy mẫu cho các giáo viên khác trong trường đi theo.

“Để khích lệ giáo viên thì còn một điều rất quan trọng nữa, đó là sự ghi nhận những công sức, những nỗ lực của giáo viên. Sự ghi nhận có khi chỉ là một sự tôn vinh, một sự khích lệ trước hội đồng, đặc biệt là trước tất cả học sinh và cha mẹ học sinh. Khi được ghi nhận trước đồng nghiệp, trước học trò, trước cha mẹ học sinh như danh hiệu “Thầy cô được học sinh tin yêu”, giáo viên nào cũng muốn khẳng định mình và giữ danh hiệu đó,” cô Nhiếp “bật mí”.

Từ nhân viên bán căngtin trở thành hiệu trưởng trường chất lượng cao

Khát vọng mới cho học sinh Yên Hòa

Sau 19 năm gắn bó với trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú- Đống Đa, năm 2016, cô Nhiếp được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phân công về làm Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Yên Hòa.

Cô Nhiếp bảo: “Tôi vẫn gọi đùa trường Yên Hòa là mối tình đầu của mình với nghề giáo. Ngày 30/7/1996, tôi quyết định nghỉ ở trường Yên Hòa, và đúng 20 năm sau, ngày 30/7/2016, tôi nhận quyết định về lại Yên Hòa. Đó có lẽ là định mệnh.”

Cô tự hào chia sẻ trường Yên Hòa là một trong những trường trung học phổ thông có chất lượng đầu vào tốt nhất của thành phố Hà Nội, với đội ngũ giáo viên giỏi và khá đồng đều.

“Chúng tôi cũng đang cùng nhau nỗ lực để đổi mới phương pháp dạy và học, nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho học sinh,” cô Nhiếp chia sẻ.

Với kinh nghiệm 10 năm làm hiệu trưởng, cô Nhiếp cho rằng điều khó của người quản lý là làm thế nào để giáo viên phát huy được nội lực tiềm năng trong họ, vượt qua rào cản e dè, ngại ngùng để sẵn sàng thử nghiệm những cái mới.

Để làm được điều đó, hiệu trưởng phải chuyển từ tư duy quản lý sang quản trị, phải cho giáo viên thấy mình đang đổi mới và sẵn sàng đồng hành cùng giáo viên, sẵn sàng tháo gỡ nếu họ gặp khó khăn. Hiệu trưởng cũng phải là người có tầm nhìn để định hướng cho giáo viên phát triển.

“Nếu hiệu trưởng cho rằng đó là chức vụ thì sẽ rất khó để đồng hành với anh em, nhưng khi hiệu trưởng cho rằng đó là nhiệm vụ thì sự đồng hành dễ dàng hơn. Khi mình gần gũi, chia sẻ, cùng làm với giáo viên thì tự khắc giáo viên sẽ hiểu hiệu trưởng đang làm cùng mình chứ không phải là người giám sát.”

“Nhiều người nói tôi có gì đó để anh em tin tưởng đi theo. Nhưng họ tin tưởng vì tôi đồng hành với họ

“Nhiều người nói tôi có gì đó để anh em tin tưởng đi theo. Nhưng họ tin tưởng vì tôi đồng hành với họ. Tôi tạo cho đồng nghiệp của tôi được sáng tạo, được thể hiện, được khẳng định mình. Những điều đồng nghiệp đã cống hiến đều được ghi nhận, vinh danh trước tất cả hội đồng, cha mẹ và học trò,” cô Nhiếp chia sẻ.

Cô cũng hy vọng sẽ có một cơ chế mới để hiệu trưởng các trường được tự chủ hơn nữa về cách đánh giá, về nhân sự, và cả về tài chính.

“Khi đó, hiệu trưởng sẽ sàng lọc được giáo viên và trả thu nhập xứng đáng với những gì họ bỏ ra về sự sáng tạo, sự vất vả, về hiệu quả công việc. Giáo viên sẽ có động lực hơn và việc thực hiện đổi mới sẽ thuận lợi hơn,” cô Nhiếp nói./.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp vinh dự nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo lần thứ nhất, năm 2017. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Hạnh phúc 

từ những viên đá cuội lăn lóc bên bờ sông Sêpôn

Không nhà vệ sinh. Không đồ chơi ngoài trời. Không hàng rào kiên cố. Dân bản cũng không quan tâm đến việc cho con đi học. Trẻ thì mặt mũi lấm lem, chân trần đến lớp, mùa Đông co ro trong manh áo phong phanh.

Đó là bản tóm tắt về trường Mầm non Xy thuộc xã Xy, mảnh đất đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ngôi trường trống hơ trống hoác từ trước ra sau. “Trường không đẹp thì không thể thu hút trẻ đi học. Nhưng không thể xã hội hóa từ phụ huynh vì họ rất nghèo, cái ăn cái mặc còn chưa có…” cô Hiệu trưởng Đỗ Uyên Thiên Minh trăn trở.

“Đi xin cho trò, có gì mà ngại”

Để giải quyết bài toán đầy mâu thuẫn đó, cô Minh đã tìm mọi cách để có thể mang lại sức sống mới cho ngôi trường, mái nhà mới cho học sinh.

Cô tận dụng tối đa những vật liệu sẵn có tại địa phương, thiết kế thành đồ dùng đồ chơi, đồ trang trí. Cô kêu gọi phụ huynh đến trường, đóng góp ngày công để chung tay cùng giáo viên sơn sửa lại lớp học, sân vườn. Những mảng tường cũ bong tróc được khoác màu áo mới. Những viên đá cuội lăn lóc ở bờ sông Sêpôn được phụ huynh lượm về, sơn xanh sơn đỏ, ghép lại thành lối đi sặc sỡ sắc màu. Những cây tre trên rừng được lắp ghép thành những cây cầu chơi ngoài trời… Những khoảng đồi đất dốc trong trường được biến thành cầu trượt an toàn, chắc chắn cho trẻ mầm non.

Những viên đá cuội ở bờ sông Sê-pôn đã được phụ huynh lượm về và biến thành lối đi sặc sỡ trong khuôn viên trường.

Phụ huynh lắp ghép, giáo viên và cả hiệu trưởng cũng xắn tay vào quét sơn. “Mọi người cùng chung tay vì học sinh, vì trường nên không khí rất phấn khởi. Ai cũng mong trẻ sẽ có chỗ vui chơi,” cô Minh chia sẻ.

Sự nhiệt tình của phụ huynh, của cán bộ giáo viên nhà trường cũng lan tỏa đến cả các ban ngành đoàn thể ở địa phương. Các chiến sỹ ở đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn cũng tới để giúp trường xây bồn hoa, quét lại các bức tường.

“Trường không đẹp thì không thể thu hút trẻ đi học. Nhưng không thể xã hội hóa từ phụ huynh vì họ rất nghèo, cái ăn cái mặc còn chưa có…”

Với những trang thiết bị cần phải đầu tư tài chính, cô Minh chủ động kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn. Cô đề đạt nguyện vọng với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa, với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, với ủy ban nhân dân huyện, với liên đoàn lao động tỉnh.

Với những nỗ lực đó của cô Hiệu trưởng, trường đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các doanh nghiệp, các ban ngành đoàn thể, các nguồn vốn của địa phương.

“Phòng Giáo dục và Đào tạo Đông Hà mỗi năm tài trợ cho trường một hạng mục công trình. Dự án Plan cũng giúp trường có được một nhà chơi bằng lốp ô tô cho học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị trang bị cho trường một bộ đồ chơi liên hoàn ngoài trời…” cô Minh vui vẻ kể.

Cô Uyên Minh chơi đùa cùng các học sinh

Cô cũng tận dụng mạng internet để kêu gọi các đoàn từ thiện đến giúp cho học sinh của mình. Chỉ tính riêng năm 2016, cô kêu gọi được khoảng 40 đoàn từ thiện. Học sinh có được đôi dép để đi, có manh áo để mặc, có đồ dùng để học, để chơi.

“Nhiều người hỏi tôi, đi vận động nhiều như vậy có ngại không? Nhưng mình đi xin cho học trò, không phải cho bản thân, thì có gì mà ngại,” cô Minh cười nói.

Với sự năng động và nhiệt tâm của cô hiệu trưởng, sau 3 năm, Trường Mầm non Xy nay đã rất khang trang dù không thu một đồng nào của phụ huynh.

Thành công lớn nhất là trẻ đã hạnh phúc hơn

Mất nhiều công sức để xây dựng ngôi trường khang trang hơn, nhưng với cô Minh, đó không phải là thành công lớn nhất sau ba năm đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng của ngôi trường Mầm non Xy.

“Thành quả lớn nhất là trẻ đã được chăm sóc tốt hơn, hạnh phúc hơn,” cô Minh nói.

Nhớ về những ngày đầu tiên đặt chân đến mảnh đất vùng cao này, nơi cách nhà mình đến 100km, cô Minh đã rất ngạc nhiên khi trẻ ở đây dù chỉ 2-3 tuổi nhưng vẫn tự đến lớp và về nhà một mình, không hề được bố mẹ đưa đón. Phụ huynh cũng không coi trọng việc cho con đi học nên sỹ số thất thường. Cơ sở vật chất rất thiếu thốn, trẻ chịu nhiều thiệt thòi so với các vùng thuận lợi khi không có khu vui chơi ngoài trời, không nhà vệ sinh khép kín.

Thành quả lớn nhất là trẻ đã được chăm sóc tốt hơn, hạnh phúc hơn,” cô Minh nói

Cô Minh bảo: “Tôi cứ trăn trở mãi, làm sao cho trẻ bớt thiệt thòi, làm sao cho trẻ em ở đây được hạnh phúc hơn. Muốn trẻ đến trường thì trường phải đẹp, phải có chỗ vui chơi. Muốn trẻ được hạnh phúc thì phải thay đổi ý thức của phụ huynh để họ quan tâm hơn đến con mình.”

Trăn trở, rồi cô bắt tay vào làm. Với cô, việc vận động phụ huynh đóng góp ngày công không chỉ để xây dựng trường mà còn để họ gắn bó với trường hơn, coi trường như một phần công sức của mình. Tiếp xúc với giáo viên nhiều, thấy trường đẹp đẽ khang trang, phụ huynh cũng tin tưởng hơn và muốn cho con đến trường hơn.

Có trường mới sặc sỡ màu sắc với nhiều khu vui chơi, trẻ rất thích đi học nên sỹ số chuyên cần được đảm bảo.

Với sự năng động của cô hiệu trưởng Đỗ Uyên Thiên Minh, ngôi trường Mầm non Xy nay đã khang trang hơn

Muốn phụ huynh hiểu hơn ý nghĩa của việc cho trẻ đến lớp, dù điều kiện còn nhiều thiếu thốn, cô Minh vẫn cố gắng tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ như hội thi tuổi thơ, ngày hội đến trường… Cô đưa trẻ đi tham gia các hội diễn, hội thi trên địa bàn để trẻ của trường mình không bị thiệt thòi so với các khu vực khác. Cô tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng.

Nhưng với cô Minh, còn một việc quan trọng hơn nữa là làm sao để phụ huynh quan tâm chăm sóc trẻ tốt hơn.

Để tuyên truyền, vận động phụ huynh vốn 100% là đồng bào dân tộc Pakô, Vân Kiều, cô Minh phải tự học tiếng. Mỗi chiều, cô đến đứng trước cửa lớp, tham gia trả trẻ cùng giáo viên và tranh thủ học giao tiếp với phụ huynh.

Cô nhờ các ban ngành đoàn thể ở địa phương, từ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, ban mặt trận… tuyên truyền vận động giúp.

“Giờ thì phụ huynh ở đây đã thay đổi nhiều. Trẻ không còn phải một mình đến trường mà các con được cảm nhận sự yêu thương chăm sóc nhiều hơn từ cha mẹ khi được đưa đón mỗi ngày,” cô Minh cười nói.

Dù làm việc cách nhà 100 cây số, cả tuần ăn ở tại đây, nhưng cô Minh bảo mình không có ý định rời xa ngôi trường này.

“Còn 9 năm nữa tôi sẽ về hưu, và cũng chỉ mong sẽ tiếp tục được cống hiến cho Trường Mầm non Xy, cho trẻ em Xy. Mỗi ngày, nhìn các bé được bố mẹ đưa đến lớp, được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của các con khi vui chơi ở sân trường, được thấy niềm hạnh phúc của các con khi bố mẹ đến đón mỗi chiều, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi,” cô Minh nói./.

Thầy giáo dạy học bằng… nhạc rap

Một ngày đầu năm 2017, học sinh trường Tiểu học Dịch vọng B bất ngờ khi thấy trường sôi động trong tiếng nhạc xập xình. Giờ sinh hoạt vốn khá khô cứng với những bài giảng giảng đạo đức đầy lý thuyết bỗng nhiên biến mất, thay vào đó là trò chơi khởi động, những câu đố thú vị, những phần thưởng nhỏ xinh. Cả sân trường lập tức nóng ran trong không khí tưng bừng náo nhiệt, trong tiếng hò reo phấn khích của hàng trăm học sinh .

Trên sân khấu, thầy tổng phụ trách Nguyễn Văn Quyết bỗng “lột xác” thành một rapper:

Câu hỏi/ tiếp theo/ như sau. Đố/ các bạn biết/ đây/ là/ cái gì? Lòng tôi/có/đất/có/trời Có câu/ nhân/ nghĩa/ có/ người/ hiếu trung Mỗi khi/ muốn ngắm/ muốn dùng Thì tôi/ lại/ mở/ cõi lòng/ cho xem

Cú sốc của thầy giáo mỹ thuật bị giao làm… tổng phụ trách

Nhìn đám học trò vẫn đang ngoác miệng cười không ngớt, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Quyết không dấu được niềm hạnh phúc: “Sự hào hứng của các em chính là niềm vui, là động lực lớn nhất để tôi luôn luôn phải tìm tòi đổi mới, sáng tạo và cả… thích nghi với học trò.”

Và với Quyết, đó là cả chặng đường dài nhiều nỗ lực.

Học Đại học Sư phạm chuyên ngành Mỹ thuật, nhưng về trường Tiểu học Dịch vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội), Quyết được giao làm… tổng phụ trách.

Chưa qua trường lớp nào về công tác đội, thầy giáo trẻ ngơ ngác, lóng ngóng từ cách dẫn chương trình, viết kịch bản nội dung đến sổ sách. Phải sau nhiều khóa tập huấn về công tác đội và được sự chỉ dẫn tận tình của các đồng nghiệp, thầy Quyết mới dần quen với công việc này. “Tôi luôn thầm cảm ơn các anh chị đi trước đã chỉ bảo cho mình,” thầy Quyết chia sẻ.

Làm tổng phụ trách có nhiều niềm vui khi tiếp xúc với tất cả các học sinh trong trường, nhưng cũng khiến thầy giáo trẻ trăn trở khi nhận ra các hoạt động ngày càng nhàm chán và khó thu hút được học sinh. Mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ, đứng trước hàng trăm học sinh, thầy phải hô hào các em chỉnh đốn hàng ngũ, tập trung đội hình, bớt nói chuyện riêng…

Thầy giáo Nguyễn Văn Quyết-Tổng phụ trách hát rap tại Ngày Hội Đọc Sách

“Là người thầy, mình thực sự buồn lòng khi bài giảng không mang lại sự hấp dẫn cho các em,” thầy Quyết buồn rầu nói.

Tình cờ, một lần thầy Quyết xem được bản tin thời sự bằng nhạc rap của báo điện tử VietnamPlus, thầy Quyết lập tức nảy ra ý tưởng đưa rap vào trong các hoạt động ở trường.

Dù không hiểu nhiều về loại hình âm nhạc này, nhưng thầy Quyết cho biết cũng không quá khó để làm quen. Chọn một nền nhạc rap đã có sẵn, thầy soạn lời phù hợp với nhịp và tạo vần điệu cho dễ đọc.

Kết quả thật bất ngờ khi học sinh trong trường đều vô cùng hào hứng. Những chủ đề vốn khô khan như an toàn giao thông, văn hóa học… được học sinh đón nhận một cách tự nhiên.

Để có được thành công ấy, không chỉ là nhạc rap mà còn là rất nhiều tâm huyết và nỗ lực của thầy Tổng phụ trách Nguyễn Văn Quyết.

Để có được thành công ấy, không chỉ là nhạc rap mà còn là rất nhiều tâm huyết và nỗ lực của thầy Tổng phụ trách Nguyễn Văn Quyết.

“Là một người tổ chức hoạt động, mình phải biên soạn, lựa chọn các câu hỏi theo từng chủ đề như về công tác đội, về an toàn giao thông, các loài vật… Mỗi chủ đề theo từng chương trình đều phải biên soạn rất kỹ để làm sao để học sinh nắm kiến thức tốt nhất. Cẩn trọng, chọn lọc, cân nhắc từng câu từng chữ trong mỗi câu hỏi, sao cho vừa chính xác, vừa dễ hiểu, lại phải có nhịp phách, có vần điệu, nhưng cũng cần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh. Ví dụ như khi lồng vào trong câu hỏi thông tin về ca sỹ Sơn Tùng MTV thì lập tức các em sẽ sôi động lên ngay,” thầy Quyết bật mí.

Nếu không sáng tạo sẽ khó thu hút học sinh

Ở trường Tiểu học Dịch Vọng B, nhiều học sinh vẫn tinh nghịch gọi thầy Quyết với cái tên thân mật: “thầy Quýt”.

“Mỗi khi nghe các em í ới ‘Thầy Quýt ơi, thầy Quýt ơi!’, tôi thấy rất vui. Điều đó cho thấy các em quý mến và gần gũi với mình hơn,” thầy Quyết chia sẻ.

Gần gũi với học sinh cũng là một trong những bí quyết của thầy giáo trẻ để có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ trồng người của mình.

“Để gắn kết với học sinh, muốn các em quấn lấy mình thì trước hết mình phải thực sự yêu quý các em, phải xóa được khoảng cách thầy trò. Phải thực sự là người bạn mà các em có thể chia sẻ câu chuyện của mình về gia đình, bạn bè, cuộc sống. Phải đặt mình vào vị trí học sinh để biết các em cần gì, muốn gì, cách suy nghĩ như thế nào, tâm sinh lý lứa tuổi ra sao, từ đó mình có những chủ đề, bài giảng phù hợp với các em,” thầy Quyết tâm sự.

“Một món ăn dù ngon, ăn mãi cũng thấy chán. Với nhạc rap, bây giờ các em hứng thú nhưng có thể sắp tới, học sinh sẽ quen và sẽ thấy nhàm.

Dù đã đạt được những thành công nhất định trong công tác tổng phụ trách, nhưng thầy Quyết vẫn khiêm tốn bảo: “Đưa nhạc rap vào chỉ là một cách làm để học sinh thấy hứng thú thú. Nhiều tổng phụ trách có kinh nghiệm và có nhiều sáng kiến hơn tôi. Tôi thấy mình vẫn còn phải học hỏi rất nhiều.”

Không bằng lòng với những kết quả hiện tại, thầy Quyết cũng đang ấp ủ những dự định mới bởi 6 năm làm tổng phụ trách, thầy hiểu rõ các em học sinh luôn đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo.

“Một món ăn dù ngon, ăn mãi cũng thấy chán. Với nhạc rap, bây giờ các em hứng thú nhưng có thể sắp tới, học sinh sẽ quen và sẽ thấy nhàm. Để học sinh tham gia hoạt động thì phải tạo sân chơi cho các em chứ không thể ép buộc, nhất là khi học sinh ngày nay có quá nhiều lựa chọn. Mình và trường sẽ tiếp tục có những sáng kiến đổi mới nữa để thu hút học sinh”, thầy Quyết nói.

Nhân lên niềm vui cho học trò

Những bài giảng bằng nhạc rap của thầy Nguyễn Văn Quyết đã nhận được sự hưởng ứng không chỉ của học sinh mà cả giáo viên của nhiều trường trên cả nước, nhất là những giáo viên tổng phụ trách. Nhiều người, nhất là các tổng phụ trách trẻ, đã nhắn tin nhờ thầy Quyết chia sẻ kinh nghiệm.

Đáp lại tinh thần học hỏi đó, thầy Quyết đã viết lại những bài giảng của mình để chia sẻ cho đồng nghiệp.

“Tôi luôn tâm niệm khi làm gì đó thì hãy làm bằng cả trái tim.

“Tôi chia sẻ với mọi người, nhất là với những tổng phụ trách mới, không phải để khoe mà đơn giản nghĩ rằng những thử nghiệm đã hiệu quả thì nên chia sẻ để có thể lan tỏa đến các em học sinh. Đó cũng là cách mà các đồng nghiệp đi trước đã giúp đỡ tôi khi tôi mới vào nghề. Việc chia sẻ cũng giúp cho những niềm vui sẽ đến được với nhiều học sinh hơn chứ không chỉ với học sinh Tiểu học Dịch Vọng B,” thầy Quyết chia sẻ.

“Tôi luôn tâm niệm khi làm gì đó thì hãy làm bằng cả trái tim. Khẩu hiệu luôn thôi thúc tôi khi chọn nghề giáo là: mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Niềm vui lớn nhất của người thầy là thấy học sinh mình hạnh phúc. Bản thân mình vui, học sinh vui thì chắc hẳn là sẽ có nhiều người khác cùng vui theo, như phụ huynh chẳng hạn,” thầy Quyết vui vẻ nói./.

Exit mobile version