Gặp người Việt ở Làng Cửu tộc Đài Loan

“Được đắm chìm vào thiên nhiên hoang dã nhưng quý vị sẽ có cảm giác thân thuộc như ở nhà vì ở đây chúng tôi có cả nhân viên hướng dẫn người Việt.” Thông báo ngắn gọn pha lẫn nụ cười tủm tỉm của vị giám đốc Làng Văn hóa Cửu tộc làm nhóm du khách choàng tỉnh sau chặng đường dài 3 giờ trên xe bus, vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo và vô số ngọn núi xanh biếc.

Háo hức và hồi hộp. Ở cái làng dân tộc tận xứ Đài xa lắc này cũng có nhân viên người Việt ư?

Cứ tưởng tượng hình dáng đảo Đài Loan như củ khoai tây tròn trịa thì Công viên Văn hóa Cửu tộc (Làng Cửu tộc) nằm lọt thỏm trong Nam Đầu, huyện trực thuộc tỉnh Đài Loan, với thủ phủ là thành phố Nam Đầu. Đây cũng là huyện duy nhất nằm hoàn toàn trong lục địa ở Đài Loan. Tên của huyện có nguồn gốc từ ngôn ngữ của bộ tộc Hoanya Ramtau. Vị trí trung tâm của Nam Đầu khiến du khách có thể dễ dàng đi tới Làng Cửu tộc bằng bất cứ phương tiện giao thông thuận tiện nào, tùy vào sở thích và lộ trình của bạn.

Nhóm vũ công người dân tộc chuẩn bị cho điệu múa đón tộc trưởng. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)

Nhìn trên bản đồ từ Bắc tới Nam Đài Loan, với những sân bay nằm trục chính của hòn đảo này gồm Đài Bắc, Đào Viên, Đài Trung, Đài Nam và Cao Hùng, sau khi hạ cánh, bạn có quá nhiều lựa chọn. Từ đỉnh Bắc, có thể đi hãng xe khách Nam Đầu, tới trạm Ô Nhật Đài Trung rồi qua Đầm Nhật Nguyệt; hoặc đi từ hướng Nam lên (thành phố Cao Hùng), bắt xe khách Nhơn Hữu, tới trạm Lục xuyên Bắc Đài Trung, đến thẳng Làng Cửu tộc.

Ngoài trà Ô Long thơm dịu và thanh khiết của Nam Đầu vốn dĩ nổi tiếng thế giới, khu vực này luôn tự hào với Đầm Nhật Nguyệt, một chiếc hồ khổng lồ, xanh ngắt, nằm lọt trong những ngọn núi thoai thoải, với chiều dài khoảng 1.877m nối với với Làng Cửu tộc, liên kết hai địa danh du lịch nổi tiếng của Đài Loan thành một điểm.

Từ xe cáp treo, phóng tầm mắt xuống dưới là cả một chiếc gương mơ màng, biêng biếc và dịu mát len lỏi giữa các ngọn núi.

Một du khách được mời tham gia buổi lễ cùng các thổ dân. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)

Tuy nhiên, “báu vật” chính của Làng Cửu tộc lại là những khung cảnh, cuộc sống hoang dã và hồn nhiên, dễ khiến du khách có cảm giác hồi hộp, kỳ thú như vô tình lạc vào vùng Nam Dương quần đảo và rồi trầm trồ say sưa ngắm những chất màu mè, rủng rẻng của các bộ tộc vùng Vân Nam Trung Quốc.

Đó là những ngôi nhà lá có kiến trúc hàng trăm năm trước, những cô gái dân tộc bản xứ bỏ công cụ trên tay xuống, rồi ngẩng đầu mỉm cười hiền dịu với bạn, chàng thanh niên đội mũ lông chim nhiệt tình ngâm nga các bài ca cổ điển, những giọng hát thánh thót và điệu nhảy đam mê chào đón du khách trong bộ lạc.

Ngày hội sắc màu của những bộ tộc mang cái tên Đạt Ngộ, Lỗ Khải, Trại Hạ, Thái Lỗ Các… cứ như phảng phất cái dư vị huyền bí trong các cuốn phim đậm chất chưởng Kim Dung.

Cuộc sống tươi đẹp ở đây khiến bạn chỉ có thể nghĩ về những chuyện “hồn bướm mơ tiên,” hồn pháchchìm cả vàotriền núi xanh và những bản tình ca Naruwan thư thả, réo rắt bên tai suốt một ngày trong hành trình khám văn hóa bản địa.

“Bao lâu thì mới…. ‘yêu’ chồng?”

“Dà, thì cũng một thời dzan chớ,” chị Quỳnh – nhân viên người Việt ở Làng Cửu tộc – khi được hỏi, cười bẽn lẽn đặc vẻ hồn nhiên ở những phụ nữ miệt vườn Nam Bộ. Hóa, Quỳnh là cô dâu Việt, theo người quen mối lái, lấy chồng rồi sang tận Đài Loan năm 2000.

Vậy chị là cô dâu Việt sang Đài Loan từ thuở đôi chín, tức là những cô dâu Việt sang xứ Đài thời kỳ đầu, khi phong trào này mới rộ lên ở Việt Nam. Trước người phụ nữ có đôi mắt to tròn chất phác, những sợi tóc hơi xoăn tự nhiên, tự nhiên trong lòng những du khách Việt chợt trào lên nỗi thương cảm. Ở thời đó, những năm 1999-2000, có biết bao câu chuyện đi làm dâu xứ người khiến người ta mủi lòng.

“Tôi sang đây được khoảng 3 năm lận (khoảng 2003) mới đi làm giấy cư trú rồi sau 2 năm nữa được cấp hộ chiếu Đài Loan.” (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)

Bất giác, mọi sự tò mò về khu du lịch này của nhóm du khách cứ đổ dồn sang Quỳnh, xoay quanh câu chuyện của chị. “Cuộc sống của chị từ hồi sang bên này thế nào, học tiếng Đài làm sao giỏi thế? Lấy chồng có mấy con rồi, hay về Việt Nam không?”

Chị Quỳnh quê Kiên Giang, xa quê từ khi 19 tuổi. Cuộc sống cứ xoay quanh chuyện làm ăn, mưu sinh và chăm chồng con ở tận Đài Loan nên bận bịu lắm, chả mấy khi có thời gian về thăm quê. Lương làm tạp vụ, hướng dẫn khách ở đây được khoảng 23.000 tân Đài tệ (khoảng 17 triệu đồng). Khi được hỏi có hài lòng về công việc, lương bổng ở đây, chị hồn nhiên: “Thì đó, em tự lái xe đi làm, nhà cách đây khoảng 20 phút đi xe.”

Ở đây cũng có 3-4 người Việt đi làm công việc giống chị. Quỳnh kể,du khách tới Làng Cửu tộc này không cố định, tùy theo đoàn lớn nhỏ, có khi vài trăm chiếc xe bus. Năm nay, lượng du khách Việt đi thăm Làng Văn hóa Cửu tộc bỗng tăng đột biến.

Du khách thưởng thức bữa trưa đậm chất miền sơn cước tại Làng Cửu tộc gồm các món chính như rượu hoa quả, ngô, đậu luộc, thịt lợn quay ba chỉ. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)

Thỉnh thoảng cũng có người lao động Việt Nam ở Đài Loan vào khu vui chơi này. “Mình qua đây nghe người ta nói nhiều rồi tự học tiếng, cứ tự học,riết rồi biết, mình cứ hỏi chữ đó là chữ gì rồi mình ghi ra để thuộc. Mình không có nhiều thời gian đi học chữ, chỉ biết tiếng. Cái chữ Đài ở đây khó học lắm.”

Cuộc sống làm dâu xa xứ chắc hẳn không dễ dàng. Nhưng có lẽ, chị Quỳnh là một người may mắn. “Chồng em không hiền, không dữ, biết yêu thương vợ con,” chị thật kể. Vậy là đủ. Công việc ổn định, có thu nhập trung bình. Chồng biết yêu thương vợ con. Hạnh phúc đôi khi chỉ là những điều rất đỗi đơn giản.

Hai năm trước Quỳnh có về Việt Nam, tự về và về với công ty cũng có. Chị đã có quốc tịch Đài Loan. “Tôi sang đây được khoảng 3 năm lận (khoảng 2003) mới đi làm giấy cư trú rồi sau 2 năm nữa được cấp hộ chiếu Đài Loan. Ngày xưa cấp giấy này dễ, bây giờ làm là phải đi học, đủ 72 giờ học tiếng, văn hóa bản địa, người ta mới cấp giấy. Ngày xưa không cần học lớp này đâu, giờ quy định bắt phải học”, chị cứ lần hồi kể trong suốt cuộc hành trình đi bộ dọc các điểm tham quan của Làng Cửu tộc, “Chồng em người Đài, công việc cũng không ổn định. Chủ người ta hợp đồng chỗ nào, thì phải đi chỗ đó.”

“Chồng em hiền không hiền, dữ không dữ. Miễn cứ đừng đánh em là được. Mà ở đây, đàn ông đánh đàn bà là bị bắt liền.”

Chị có 2 con, một trai một gái. “Hai đứa không chịu nói tiếng Việt. Mình nói nhiều khi nó nghe là biết, nhưng nó không chịu nói. Đứa lớn, cháu gái, học lớp 10, thằng em là con trai, lớp 8,” nói rồi chị khoe bức ảnh chụp hai đứa con cách đây 10 năm, vẻ mặt đầy tự hào, “giống mẹ không các anh chị?”

Con chị Quỳnh đi học, ở trường cả ngày, tiền ăn đóng ba bữa. “Con nhỏ nhà em giờ mới cấp 1 thôi, mới vào năm học mà đóng gần 40.000 tân Đài tệ. Cái này là trường công. Thi vào trường công thì tốt hơn.”

Chuyện cứ thế, lan man từ chủ đề chồng con sang cuộc sống, sinh hoạt ở huyện Nam Đầu. Vất vả nhưng mãn nguyện, Quỳnh dường như hài lòng với những gì đang có. “Chủ ở đây người ta cũng trọng dụng em lắm, mấy lần em được về Sài Gòn đó, về theo công ty đi dự triển lãm du lịch. Em đóng góp nhiều cho công ty mà,” Quỳnh cười sảng khoái.

Sự hồn nhiên của Quỳnh cũng lan sang Koi Ka, nữ đồng nghiệp khá lớn tuổi của chị tại Làng Cửu tộc. Nhắc tới Việt Nam, chị Koi Ka hào hứng bằng một thứ tiếng Anh lưu loát: “Thích đấy. Tôi sang Hà Nội từ năm 2005, tới khu Thượng Đình gì đó (hỏi kỹ chị mới đánh vần ra từ này), dạo đi làm cho công ty xuất khẩu giày dép. Hà Nội đẹp, đông người lắm, có món phở.”

Koi Ka có thể giao tiếp thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật. Và nếu kể cả tiếng Đài lẫn ngôn ngữ người bộ tộc ở Nam Đầu, chị biết tới 5 thứ tiếng. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)

Ngoài 50 tuổi nhưng Koi Ka – người phụ nữ thuộc một trong các bộ tộc chính gốc ở đây – còn sắc sảo lắm. Chị có dáng vẻ cao lớn của người vùng sơn cước, chân bước thoăn thoắt hướng dẫn du khách. Mắt nói, miệng nói, Koi Ka có thể giao tiếp thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật. Và nếu kể cả tiếng Đài lẫn ngôn ngữ người bộ tộc ở Nam Đầu, chị biết tới 5 thứ tiếng, quá đáng nể.

“Ây dà, chụp ảnh với tôi à, thấy con gái dân tộc xinh à, chụp ảnh là phải cưới tôi đấy,” Koi Ka hài hước khi một vài du khách nài nỉ chị chụp ảnh cùng, “Nếu cưới thì Đầm Nhật Nguyệt là nơi tuyệt nhất cho các đôi tình nhân đi nghỉ tuần trăng mật đấy, anh biết không.”

Nhóm du khách cười rũ. Thoắt cái, có tiếng ú ớ của anh bạn cùng nhóm người Thái Lan vì bị đám hơn chục thổ dân lôi tuột vào một ngôi lều.

“Đừng lo,” Koi Ka cười khúc khích. “Anh ấy đã vinh dự được chọn làm tộc trưởng trong buổi lễ đón khách hôm nay đấy, cứ chờ xem”./.

Toàn cảnh vườn hoa châu Âu Thủy Sa Liên rộng 10ha trong lòng Làng Cửu tộc. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)
Exit mobile version