Rolling Stone

Từ căn gác xép ở San Francisco năm 1967, chàng thanh niên Jann S. Wenner 21 tuổi khởi xướng một tờ tạp chí mà sau này đã trở thành “cuốn kinh thánh phản văn hóa” cho những người thuộc thế hệ baby-boomer (những người sinh ra trong khoảng thời gian gần 20 năm sau Thế chiến II).

Rolling Stone đã định nghĩa nên những hình tượng văn chương tuyệt vời và có chiều sâu, cũng như tạo ra những nhân vật trang bìa có thể trở thành ngôi sao nhiều người thèm muốn.

Nhưng cơn gió ngược chiều đã làm tan tác ngành công nghiệp xuất bản, cùng một số bước đi chiến lược sai lầm đã dần gây tổn thất tài chính cho Rolling Stone, và một câu chuyện vụng về cách đây ba năm về một vụ cưỡng bức tập thể không được chứng minh tại Đại học Virginia đã ảnh hưởng tồi tệ đến danh tiếng báo chí của tờ tạp chí.

Vậy là, sau nửa thế kỷ bước vào lãnh địa của các ngôi sao nhạc rock và những người nổi tiếng thường xuyên xuất hiện trên các trang bìa của tạp chí, Wenner sắp mang số cổ phần kiểm soát tại Rolling Stone của công ty mình ra bán, từ bỏ quyền nắm giữ tờ báo mình đã dẫn dắt từ khi nó ra đời.

Gus Wenner đã lên các kế hoạch để bán Rolling Stone đồng thời mạnh tay cắt giảm các tài sản của Wenner Media nhằm đối phó với những áp lực tài chính

Wenner từ lâu đã cố gắng duy trì vị trí của một nhà xuất bản độc lập trong một ngành kinh doanh luôn hướng về quy mô và bề rộng.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn tuần trước, ông cũng thừa nhận rằng tờ tạp chí ông gây dựng sẽ phải đối mặt với một tương lai khó khăn và không chắc chắn.

“Tôi yêu công việc của mình, tôi tận hưởng nó, tôi đã tận hưởng nó suốt một thời gian dài,” Wenner, nay đã 71 tuổi, chia sẻ. Nhưng ông cũng nói thêm rằng buông tay khỏi tờ tạp chí “là một lựa chọn thông minh.”

Gus, người con trai 27 tuổi của ông Wenner, đã lên các kế hoạch để bán tờ tạp chí. Gus cũng đã mạnh tay cắt giảm các tài sản của Wenner Media, công ty mẹ của Rolling Stone, nhằm đối phó với những áp lực tài chính.

Gia đình Wenner gần đây cũng đã bán hai tờ tạp chí khác của công ty là Us Weekly và Men’s Journal. Năm ngoái, họ đã bán 49% cổ phần của Rolling Stone cho BandLab Technologies, một công ty công nghệ âm nhạc có trụ sở tại Singapore.

Cả Jann và Gus Wenner, lần lượt là chủ tịch và giám đốc điều hành Wenner Media, cho biết họ có ý định ở lại Rolling Stone. Nhưng họ cũng nhận ra rằng quyết định này phụ thuộc vào người chủ mới của tờ tạp chí.

Bức chân dung ông Jann Wenner (trái) và con trai Gus đặt tại trụ sở Rolling Stone. (Nguồn: New York Times)

Dù vậy, khả năng bán Rolling Stone – được đưa ra vào đêm lễ kỷ niệm lần thứ 50 của tờ tạp chí – càng nhấn mạnh sự khó khăn của ngành truyền thông hiện nay, khi quảng cáo trên báo in và tổng số phát hành đang giảm mạnh.

“Có một mức độ tham vọng mà chúng tôi không thể đạt tới khi chỉ có một mình,” Gus Wenner đã nói như vậy hồi tuần trước trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở của tờ Rolling Stone ở Midtown Manhattan. “Vì vậy, chúng tôi đang chủ động và muốn đi trước một bước.”

“Xuất bản hiện đang là một ngành công nghiệp hoàn toàn khác so với trước đây,” ông nói thêm. “Các xu hướng đi theo một con đường, và chúng tôi hoàn toàn ý thức được điều đó.”

Quyết định của cha con Wenner cũng là một dấu hiệu rõ ràng rằng những ngày của các biên tập viên nổi tiếng sắp kết thúc. Hồi đầu tháng này, Graydon Carter, tổng biên tập của tờ Vanity Fair, cũng là một người có vai vế như một ngôi sao, đã tuyên bố kế hoạch rời tờ tạp chí sau 25 năm cống hiến.

Cũng trong tuần trước, Robbie Myers, tổng biên tập có thời gian gắn bó dài lâu cùng tờ Elle, Nancy Gibbs của tạp chí Time và Cindi Leive của Glamour đều cho biết họ sẽ chuẩn bị lùi về phía sau.

Anthony DeCurtis, một nhà cựu phê bình âm nhạc kiêm biên tập viên cộng tác kỳ cựu của Rolling Stone, cho biết ông chưa bao giờ nghĩ rằng Jann Wenner sẽ bán Rolling Stone.

“Cảm giác về đôi tay của tổng biên tập trên tờ tạp chí – cảm giác đó sẽ mất đi ở đây,” ông nói. “Tôi không biết ai sẽ có thể bước vào và làm được điều đó nữa.”

Gus Wenner, 27 tuổi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Wenner Media. (Nguồn: The New York Times)

Wenner Media đã thuê các chủ ngân hàng tìm hiểu về việc bán tờ tạp chí, nhưng quá trình này mới chỉ bắt đầu. Cổ phần của BandLab tại công ty cũng có thể làm các vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Cả Jann và Gus Wenner đều không đưa ra cái tên người mua tiềm năng nào, nhưng một đơn vị đang chú ý đến Rolling Stone có thể kể đến là American Media Inc., nhà xuất bản tạp chí do David J. Pecker lãnh đạo, cũng là công ty đã mua Us Weekly và Men’s Journal từ tay Wenner Media.

Cha con Wenner cho biết họ kỳ vọng vào nhiều cơ hội, và Jann Wenner hy vọng có thể tìm được một người mua hiểu được nhiệm vụ của Rolling Stone và “có thật nhiều tiền.”

“Rolling Stone đã đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử thời đại của chúng ta, cả về mặt xã hội, chính trị và văn hóa,” ông nói. “Chúng tôi muốn giữ lại vị thế đó.”

Jann Wenner đã thử làm việc với nhiều tờ tạp chí khác trong suốt những thập niên qua, bao gồm tạp chí đời sống dã ngoại Outside và Family Life. Nhưng Rolling Stone mới là tờ tạp chí định hướng và định nghĩa cả một thế hệ.

“Ai đã sống qua thập niên 60, 70, 80 và 90 mà không cảm thấy nuối tiếc vào lúc này?” Terry McDonell, một cựu biên tập viên cấp cao tại Rolling Stone, cũng là người từng điều hành các tờ tạp chí khác của Wenner cảm thán.

Rolling Stone lấp đầy các trang tạp chí của mình bằng những bài viết hàng nghìn từ của những người dẫn đầu xu hướng phản văn hóa, bao gồm Hunter S.Thompson – tác giả bài “Nỗi sợ hãi và ghê tởm ở Las Vegas” được đăng làm hai phần trên tờ tạp chí – và Tom Wolfe.

(Nguồn: AFP)

Rolling Stone đã khởi đầu sự nghiệp cho nhiếp ảnh gia nổi tiếng Annie Leibovitz, người suốt nhiều năm đã mang đến những bức hình trang bìa gây xôn xao, bao gồm bức hình biểu tượng năm 1981 chụp John Lennon không mặc quần áo và cuộn mình lại trong tư thế một bào thai với Yoko Ono.

Tin tức về âm nhạc ở mọi hình thức – tin bài, phỏng vấn, đánh giá – là cốt lõi của Rolling Stone, nhưng tầm ảnh hưởng của nó cũng mở rộng sang cả văn hóa đại chúng, giải trí và chính trị.

Là một thành trì của tư tưởng tự do, tờ tạp chí đã trở thành điểm dừng chân bắt buộc cho các ứng viên tổng thống đảng Dân chủ – Wenner đã từng đích thân phỏng vấn một vài người trong số này, bao gồm Bill Clinton và Barack Obama – và cũng không ngại chỉ trích các đảng viên Cộng hòa.

Năm 2006, Rolling Stone cho rằng George W. Bush là “tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử.” Gần đây hơn, tờ tạp chí đã đưa thủ tướng Canada Justin Trudeau lên trang bìa cùng dòng tít “Vì sao ông ấy không thể là tổng thống của chúng ta?”

Tờ tạp chí cũng đã xuất bản những bài viết chính trị được hoan nghênh rộng rãi, bao gồm một bài năm 2009 về Goldman Sachs của cây viết Matt Taibbi, người đã có dòng mô tả nổi tiếng về công ty này là “một con mực ma cà rồng quấn chặt quanh gương mặt của sự nhân đạo.”

Một năm sau, Rolling Stone lại đăng một bài viết khác với dòng tiêu đề “Vị tướng bỏ trốn,” làm chấm dứt sự nghiệp của tướng Stanley A. McChrystal.

Nhưng đó có lẽ là tin trang bìa cuối cùng của Rolling Stone có được sự thừa nhận đáng kể về mặt báo chí. Và danh tiếng của tờ tạp chí như một người định hướng thị hiếu cho thế giới âm nhạc đã xói mòn từ lâu, khi Wenner vẫn bám lấy quá khứ với những trang bìa hình các nghệ sỹ thuộc thế hệ của ông, ngay cả khi các nghệ sỹ trẻ hơn nổi lên. Những nghệ sỹ như Paul McCartney, Bruce Springsteen hay Bob Dylan vẫn tiếp tục bảo toàn được vị trí trên trang bìa trong những năm gần đây.

Danh tiếng của Rolling Stone đã phải chịu một sự đả kích khủng khiếp khi tờ tạp chí phải rút lại một bài viết năm 2014 về vụ cưỡng bức tập thể ở Đại học Virginia.

Một báo cáo chê trách bài báo này của Trường Báo chí Columbia đã dẫn ra những thất bại báo chí cơ bản. Bài viết đã kéo theo ba vụ kiện bôi nhọ chống lại Rolling Stone, một vụ đã dẫn tới phiên xét xử được công khai hồi năm ngoái, và ban bồi thẩm liên bang đã xử cho nguyên đơn được nhận 3 triệu USD bồi thường.

Bài viết trên Rolling Stone về một vụ cưỡng bức tập thể tại Đại học Virginia. (Nguồn: The New York Times)

Bức tranh tài chính cũng trở nên ảm đạm. Năm 2001, Jann Wenner đã bán 50% cổ phần tại Us Weekly cho công ty Walt Disney với giá 40 triệu USD, rồi 5 năm sau đó đi vay 300 triệu USD để mua lại số cổ phần đó. Thương vụ này đã đặt lên vai công ty một món nợ kéo dài hơn một thập kỷ, khiến công ty không thể đầu tư nhiều hết mức có thể vào các tờ tạp chí của mình.

Cùng lúc, doanh thu từ quảng cáo trên báo in và các sạp báo của Rolling Stone giảm mạnh. Và khi độc giả ngày càng ưa chuộng trang web để tìm tin tức và nội dung giải trí, Wenner vẫn tỏ ra hoài nghi bằng một sự ương ngạnh đã làm què quặt công ty của chính ông.

Wenner Media vốn là một nhà xuất bản tạp chí nhỏ. Nhưng việc bán Us Weekly và Men’s Journal, với tổng giá trị làm nên ba phần tư doanh thu của Wenner Media, đã khiến công ty ngày càng bị thu hẹp hơn.

Giờ đây, việc bán Rolling Stone sẽ trở thành hồi kết cho Jann Wenner, kết thúc sự trỗi dậy khó tin của ông từ một gã hút cần sa bỏ ngang việc học ở Berkeley thành một ông trùm truyền thông tóc bạc.

Việc bán Rolling Stone sẽ trở thành hồi kết cho Jann Wenner, kết thúc sự trỗi dậy khó tin của ông, từ một gã hút cần sa bỏ ngang học hành đến một ông trùm truyền thông tóc bạc.

Là người ngưỡng mộ John Lennon và các ông trùm xuất bản như William Randolph Hearst, Wenner – người đã đầu tư 7.500 USD tiền đi vay để khởi động Rolling Stone cùng người thầy của mình, Ralph J. Gleason – có lúc là kẻ mộng mơ và có lúc là kẻ liều mạng – đã biến tờ tạp chí thành một kim chỉ nam cho kỷ nguyên phản văn hóa trong khi giao du với các siêu sao.

Ông từng tự hào rằng mình đã từ chối một lời đề nghị trị giá 500 triệu USD cho Rolling Stone, nhiều hơn con số ông mơ được đạt tới cho tờ tạp chí ngày nay. (BandLab đã đầu tư 40 triệu USD để mua 49% cổ phần tại Rolling Stone hồi năm ngoái).

Mặc dù cho biết ông vẫn rất quan tâm tới Rolling Stone, nhưng Wenner đã đặt chắc số phận của tờ tạp chí vào tay Gus, và ông tỏ ra hài lòng khi để một người khác quyết định lối đi về phía trước cho Rolling Stone.

“Tôi nghĩ đã đến lúc cho những người trẻ tuổi điều hành tờ tạp chí,” ông nói.

Ngồi tại văn phòng ở tầng hai, xung quanh là một bộ sưu tập các món đồ rock ‘n’ roll, Gus Wenner bày tỏ hy vọng rằng một người chủ mới sẽ mang lại những nguồn lực mà Rolling Stone cần để tiến hóa và tồn tại. “Đó là điều chúng tôi cần làm với tư cách một doanh nghiệp,” ông nói. “Đó là điều chúng tôi cần làm để phát triển thương hiệu.” Và rồi, như một người đã dành cả đời với rock ‘n’ roll, ông tự tin chỉ vào tập lời bài hát của Bob Dylan trên bàn. “Nếu bạn không bận rộn với việc được sinh ra, thì bạn đang bận rộn với việc chết đi mất rồi,” Wenner nói./.

(Nguồn: AP)
Exit mobile version