Satya Nadella

satyanadell-1494690389-94.jpg

Một buổi chiều thu lộng gió ở Dublin. Những đám mây bất chợt làm dịu đi những tia sáng đỏ của mặt trời đang lặn, và bóng tối mờ xám phủ bóng lên gương mặt của những sinh viên đang lười nhác gõ ngón cái lên điện thoại thông minh của mình trong sảnh thư viện tại trường cao đẳng St. Patrick’s College Drumcondra.

Sau lưng họ là hơn chục trẻ em, giáo viên và quản trị viên ngồi im lặng. Họ đang đợi sự xuất hiện của Satya Nadella, giám đốc điều hành của Microsoft, công ty công nghệ khổng lồ ở vùng Seattle từng một thời là công ty lớn nhất và quyền lực nhất hành tinh.

Cánh cửa kính bật mở và Nadella sải bước vào cùng một số nhân viên cấp cao. Ông nhanh chóng đi thẳng đến chỗ những em bé học sinh đang đợi, và đồng thời bắt tay với vài quản trị viên. Ông ngồi xuống và hỏi bốn em học sinh khoảng 10-11 tuổi rằng các em đang làm gì.

Một cậu bé với những lọn tóc kiểu Robert Plant chỉ vào một chiếc máy tính bảng và chậm rãi giải thích thế giới ba chiều mà cậu đã viết mã trong trò chơi Minecraft – thương vụ mua lại lớn đầu tiên của Nadella trong vai trò giám đốc điều hành Microsoft. Nadella đáp lại với một nụ cười lớn. “Tuyệt vời,” ông nói. “Chú sẽ cần một thứ như vậy.”

Và rồi Nadella lại đứng lên. Ông cao tới hơn 1m8, nhưng có vóc dáng gọn gàng của một vận động viên chạy đường dài và một cái đầu cạo trọc, khiến ông dường như cao hơn. Nadella chạy bộ 30 phút mỗi sáng trên máy tập chạy để tránh cho hai đầu gối tuổi 49 của mình bị va đập chấn thương. Ông cực kỳ cẩn trọng với khoảng thời gian này; đó là một trong số ít những khoảnh khắc trong lịch trình được sắp đặt cẩn thận mỗi ngày mà ông được ở một mình và suy nghĩ.

Nadella đang trao đổi về việc lập trình trò chơi Minecraft với các học sinh ở Dublin.(Ảnh: Veronique de Viguerie)

Nhưng Nadella luôn dành thời gian cho những buổi tiếp xúc với trẻ em – phần vì chúng là thế hệ khách hàng tiếp theo, phần vì hoạt động đó giúp ông luôn nắm bắt được thực tế. Nadella đi tới chỗ một nhóm trẻ em khác rồi chuyển sự chú ý đến một thiếu niên khiếm thị. Cô bé này đang nghiên cứu xây dựng các tính năng truy cập sử dụng Cortana, trợ lý ảo kích hoạt bằng giọng nói của Microsoft.

Cô bé cười và đọc lại những tùy chọn: “Này Cortana. Những món đồ thiết yếu của tôi.” Bất chấp sự mệt mỏi sau chuyến bay dài vượt Đại Tây Dương, Nadella tỏ ra hết sức bất ngờ. “Tuyệt quá,” ông nói. “Thật tuyệt khi thấy cháu đẩy ranh giới của những điều này đi xa hơn.” Ông cảm ơn cô bé rồi quay ra một nhóm khác.

“Tôi có một niềm đam mê đặc biệt với khả năng tiếp cận, và tôi dành tương đối thời gian cho nó,” Nadella nói sau đó. Ông có hai cô con gái và một cậu con trai; cậu con trai cần sự trợ giúp đặc biệt. “Những gì mà cô bé kia cho tôi thấy chính là cách cô bé đang làm với tư cách một nhà phát triển để xây dựng những công cụ giúp cho cuộc sống hàng ngày trở nên năng suất hơn. Có một điều chắc chắn trong cuộc sống là: Tất cả chúng ta đều cần các công cụ hỗ trợ tiếp cận vào một lúc nào đó.” Và sẽ càng tốt hơn nếu Microsoft có thể cung cấp những công cụ này.

Và rồi Nadella rời đi. Vị giám đốc điều hành chỉ dành vài phút với từng nhóm trẻ em, lướt qua khắp phòng như một cơn bão. Tới khi những sinh viên tuổi 20 tụ tập quanh thư viện nhận ra một nhân vật quan trọng đã tới trường của họ, thì Nadella đã biến mất – sang phòng bên cạnh, sang thành phố tiếp theo, sang quốc gia tiếp theo trong một chuyến đi dài 4 ngày dồn dập những hoạt động sẽ đưa ông tới châu Âu và qua một số thị trường lớn nhất của công ty mình.

Khi Nadella thay thế Steven Ballmer làm giám đốc điều hành của Microsoft vào tháng 2 năm 2014, ông thừa hưởng những gì bạn có thể gọi theo cách ngoại giao là một cuộc khủng hoảng tăng trưởng. Theo cách không ngoại giao, bạn có thể gọi nó là một cuộc khủng hoảng sống còn. “Microsoft không thể kết nối với thế hệ người dùng mới,” nhà phân tích Trip Chowdhry của Global Equities viết trong một ghi chú nghiên cứu năm 2010 cho các khách hàng – một câu nói đầy tính tổn thương mà bạn có thể nói với một công ty công nghệ.

(Ảnh: Fortune)

Microsoft, người khổng lồ với những sản phẩm như Windows và Office, sắp kỷ niệm 40 năm thành lập. Công ty có khoản dự trữ tiền mặt mà các nhà độc tài quân sự sẽ làm mọi điều để có được, và chiếm thị phần trong mơ của các trường kinh doanh. Nhưng không có sản phẩm mới nào được công ty tạo ra dưới thời giám đốc điều hành thứ hai – từ công cụ tìm kiếm Bing tới Zune, Kin và các thiết bị di động Lumia – thu được lợi nhuận khổng lồ như những sản phẩm đột phá dưới thời giám đốc điều hành thứ nhất kiêm nhà đồng sáng lập công ty, Bill Gates.

Microsoft bước vào buổi chạng vạng của nhiệm kỳ Ballmer với tư cách công ty phần mềm máy tính để bàn thành công và giàu có nhất mà thế giới từng thấy – tại một thời điểm mà cả thế giới tiến lên với các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, thiết bị di động và điện toán đám mây. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, Microsoft là công ty có giá trị nhất thế giới, xếp đầu bảng với hơn 600 tỷ USD. Apple đã kết thúc sự thống trị đó vào năm 2010 với sự thay đổi huyền thoại dưới thời giám đốc điều hành Steve Jobs. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử Microsoft phải đối mặt với viễn cảnh suy giảm hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Kể từ khi Nadella lên nắm quyền, công ty đã dần tạo được bước ngoặt bất ngờ cho riêng mình. Ông tiếp quản một công ty vốn tập trung vào máy tính cá nhân nhưng thể hiện được tiềm năng kinh doanh với khách hàng doanh nghiệp và điện toán đám mây, rồi ông thay đổi hoàn toàn.

Trong ba năm qua, Microsoft đã cắt bớt hoạt động sản xuất điện thoại trị giá 9,4 tỷ USD mua lại từ Nokia và bán các tài sản dữ liệu bản đồ từ Bing cho Uber. Công ty đổ hàng tỷ USD vào xây dựng các trung tâm dữ liệu trên khắp thế giới để hỗ trợ các sản phẩm đã sẵn sàng cho điện toán đám mây của mình. Và Microsoft cũng đã có những bước nhảy vọt đáng kể khi chuyển đổi ngành kinh doanh phần mềm truyền thống từ những giấy phép sử dụng vĩnh viễn, nghĩa là thu tiền một lần, thành dạng thuê bao, nghĩa là doanh thu lặp đi lặp lại.

Kể từ khi Nadella lên nắm quyền, công ty đã dần tạo được bước ngoặt bất ngờ cho riêng mình.

Nadella thậm chí còn giành một hợp đồng táo bạo khi mua lại LinkedIn, công ty tạo kết nối giữa các doanh nghiệp, với giá 26,2 tỷ USD. Đây cũng là thương vụ mua lại lớn nhất lịch sử Microsoft. Đó là một số tiền cực lớn để viết lên một tấm séc, và “thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử Microsoft” là một tiêu đề mơ hồ nếu xét đến những thất bại của công ty trong lĩnh vực này. Một cách công bằng, có thể nói rằng sự lạc quan đã trở lại với Redmond. “Satya là một lãnh đạo vĩ đại của Microsoft,” Ballmer, người vẫn đang là cổ đông cá nhân lớn nhất của công ty chia sẻ. Ông cho biết thêm rằng Nadella “đã làm được một việc vĩ đại khi cải thiện nhận thức của công ty theo những hướng có thể thúc đẩy chương trình nghị sự của nó – cùng các nhà phát triển, những người tham gia trong ngành và các nhà đầu tư.”

Khi đối thủ Apple — với giá trị vốn hóa thị trường 600 tỷ USD, vẫn là công ty có giá trị nhất thế giới – liên tục bị chỉ trích về sự nhàm chán dưới thời Tim Cook, Microsoft đã mài sắc trọng tâm của mình dưới thời Nadella. Hồi tháng 10 năm ngoái, cổ phiếu của công ty đã vượt mức giá cao nhất mọi thời đại là 59,56 USD từng được ghi lại trong những ngày bùng nổ bong bóng dotcom và vào cuối thập niên mà công ty ở vị thế thống trị không ai dám nghi ngờ.

Sự hồi sinh của giá cổ phiếu là một sự kiện quan trọng. Suốt hơn một thập kỷ, Microsoft giống như một món hàng ế. Nhưng dường như chỉ sau một đêm, công ty đã quay lại với kế hoạch phục thù. Người lãnh đạo nó là một sinh viên gầy gò đầy chiêm nghiệm của thế giới, người luôn say mê khi đặt ra những câu hỏi và chẳng bận lòng với một cuộc rượt đuổi tầm thường với những đối thủ của công ty.

Palais Des Congrès, một trung tâm hội nghị lớn với kiểu thiết kế nhiều góc cạnh của những năm 1970, nằm ở quận 17 của Paris và được xây trên nền đất của công viên Luna, công viên giải trí lớn nhất từng được xây dựng tại thủ đô nước Pháp. Vào đầu những năm 1900, nơi đây từng là một tượng đài giải trí. Ngày nay, nó là ngôi đền của thương mại, với gần 32.000m2 không gian triển lãm sáng lấp lánh trải khắp 8 tầng lầu.

Vào một ngày tháng 10 nắng đẹp, trung tâm Palais trở nên náo nhiệt với hàng nghìn người đến tham dự sự kiện Microsoft Experiences (Trải nghiệm Microsoft), hội nghị khách hàng thường niên của công ty tại Pháp. Các gian hàng rực rỡ sắc màu quảng bá các công nghệ di động và hợp tác. Những người tham dự chen nhau giữa những cuộc tọa đàm kỹ thuật về DevOps và thảo luận ý kiến về ngân hàng số.

Trong một phiên làm việc có tên “Blockchain Hackademy” (tạm dịch: Học viện xâm nhập chuỗi khối), Nadella đứng ở trung tâm một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các kỹ sư. Ông kiểm tra một màn hình hiển thị phần mềm quản lý năng lượng và đặt câu hỏi tới tấp cho một giám đốc điều hành. Gần đó, một người đàn ông mặc bộ đồ hóa trang khối xếp hình Tetris đang nhảy múa và phát tờ rơi về khả năng truy xuất chuỗi cung ứng.

Ở Dublin, Nadella đã gặp những khách hàng tương lai của mình; ở Paris, ông lại theo đuổi các công nghệ tương lai. “Từ Bill tới Steve rồi tới tôi, thế giới quan mà chúng tôi có là ‘sự liên quan dài hạn,’” ông chia sẻ sau đó. “Đó là hệ số đánh trúng bóng trung bình. Đôi khi bạn có thể không thành công, nhưng trong ngành công nghệ này, bạn phải có khả năng bắt được đủ bóng để tồn tại được trong giải nhà nghề.”

Nadella đang bị trễ lịch trình hôm nay do một vài cuộc họp kéo dài với các quan chức chính phủ vào buổi sáng. “Tôi thường mô tả vai trò của Satya giống như một nguyên thủ quốc gia”, giám đốc điều hành Jeff Weiner của LinkedIn chia sẻ, và so sánh ông với các giám đốc điều hành của Apple, Facebook và Google. “Công việc của Tim Cook, công việc của Mark, công việc của Sundar – tất cả đều giống nhau ở chỗ như thể phục vụ cho nhiều khu vực bầu cử.”

Lịch trình của Nadella ghi rõ là ông sẽ ở lại phiên thảo luận trong 30 phút, nhưng ông đã biến mất qua một cánh cửa ngách trong nháy mắt. Nụ cười nửa miệng thông thường của ông đã phải nhường chỗ cho một biểu cảm đáng sợ hơn, và ông đi qua hội trường đông đúc với các nhân viên nối đuôi theo sát. Nadella đi nhanh đến nỗi người ta mất dấu ông trong đám đông. Một lát sau, ông đã ngồi trong căn phòng nhỏ, chuẩn bị cho bài diễn văn và đang rà soát những luận điểm chính với Caitlin McCabe, người phụ trách viết các bài phát biểu nổi tiếng khắt khe của ông.

Bài phát biểu của Nadella cũng sẽ bắt đầu giống như những bài nói khác của ông trong tuần này. Đầu tiên, ông sẽ nêu nhiệm vụ của Microsoft là “trao quyền cho tất cả mọi cá nhân và tổ chức trên thế giới để đạt được nhiều thành công hơn” và công nhận những bước đi đầu tiên ở Ấn Độ của ông là một dấu hiệu về sức mạnh dân chủ hóa xã hội của công nghệ. Ông sẽ nhanh chóng chuyển sang vẽ một bức tranh về tương lai của điện toán đám mây. Ông sẽ thừa nhận những hình thức đa dạng của tương lai này – “màn hình nhỏ, màn hình lớn, trong phòng khách và phòng họp của bạn” – và nhắc lại quan điểm rằng thế giới đang đối diện với một “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.” (Sau máy móc, điện và kỹ thuật số, đây là sự pha trộn giữa cả ba qua Internet kết nối vạn vật dựa trên nền tảng đám mây.) Và vì ông đang ở châu Âu, nơi luật pháp về bảo vệ dữ liệu cá nhân đặc biệt nghiêm ngặt, ông sẽ nhấn mạnh từng bài phát biểu của mình với không ít hơn 3 lần đề cập đến từ “niềm tin.”

Nadella phát biểu như vậy 4 lần trong tuần này – ở Dublin, Paris, Berlin và London. Phần lớn công tác chuẩn bị của ông đã được thực hiện từ nhiều tháng trước tại trụ sở của Microsoft. Ở đó Nadella, McCabe và cả công ty nghĩ ra những ý tưởng và thử nghiệm chúng với những khán giả thực sự. (“Để có được những phản hồi trung thực, thậm chí mất lòng,” ông nói.) Trên sân khấu, vị giám đốc điều hành chỉ ôn lại những yếu tố được bản địa hóa để phục vụ cho đối tượng khán giả của mình – một quan hệ đối tác với ngân hàng Allied Irish Bank ở Dublin, một thỏa thuận với Renault-Nissan ở Paris.

Nadella là một lựa chọn khác thường để dẫn dắt công ty Microsoft trong một thời điểm đòi hỏi sự thay đổi.

Trong khi Nadella chuẩn bị cho bài phát biểu ở Pháp, chánh văn phòng của ông, một người đàn ông tốt nghiệp trường Princeton cao lớn có thể đảm nhiệm luôn vai trò trưởng bộ phận an ninh, đứng gác ngoài cửa. Cứ mỗi ba phút lại có một nhân viên kiểm tra tiến độ của ông. Cuối cùng Nadella cũng đi ra, trông thoải mái hơn một chút.

Nadella là một lựa chọn khác thường để dẫn dắt công ty Microsoft trong một thời điểm đòi hỏi sự thay đổi. Ông là một cựu binh đã làm việc 24 năm ở công ty. Ông là một kỹ sư, không phải một nhà chiến lược sản phẩm.

Nhưng những xem xét kỹ lưỡng hơn lại tiết lộ một người đã thành công như một ngoại lệ trong một nền văn hóa công ty được xây dựng trên những cá tính loại A – cũng là điều mà người tiền nhiệm của ông thể hiện. Đó là một kỹ năng giúp Nadella thăng tiến, theo nhận định của Blake Irving, người gia nhập Microsoft cùng năm với Nadella và từng làm việc cùng ông tại bộ phận điện toán đám mây của công ty trước khi trở thành giám đốc điều hành của GoDaddy.

“Có hai kiểu đối thoại bạn sẽ gặp ở Microsoft khi giải thích mọi chuyện,” Irving cho biết. “Một kiểu người sẽ chờ để nhảy vào họng người kia và tranh luận lại. Kiểu còn lại thì lắng nghe để học hỏi. Satya thuộc kiểu thứ hai đó.” Trước khi được đề bạt làm giám đốc điều hành, Nadella “có thể gác lại sự hoài nghi và ý kiến của chính ông ấy để lắng nghe bạn một cách đầy quan tâm. Sự khác biệt nhỏ giữa lắng nghe để tranh luận và lắng nghe để học hỏi không hề khó phát hiện. Nó rất dễ nhận ra là đằng khác. Satya có cách nói nhẹ nhàng nhưng tràn đầy năng lượng, một sự kết hợp thật lạ kỳ.”

Satya Nadella – tên thật là Nadella Satyanarayana – sinh ra ở Hyderabad, Ấn Độ năm 1967. Ông là con một của Bukkapuram Nadella Yugandher, một viên chức của cơ quan Dịch vụ hành chính Ấn Độ phục vụ nhân dân, và Prabhavati Yugandhar, một giáo sư tiếng Phạn. Ông lớn lên trong thời kỳ những chiến binh du kích Naxalite xung đột với chính phủ của Indira Gandhi.

Tình trạng bất ổn dân sự đã định hình quan điểm của Nadella về cách tạo sự thay đổi. “Vào một buổi chiều, tôi đã nhìn thấy hai bức ảnh mà đến giờ vẫn còn ám ảnh tôi,” ông kể lại tại một bữa tối năm 2015 được tổ chức nhằm vinh danh thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. “Tôi nhìn thấy những hình ảnh về hai người đang nằm sấp trên hai chiếc giường dây với hai chiếc radio bán dẫn – hiệu Philips – bên cạnh. Về sau tôi mới hiểu được hai bức ảnh đó. Những gì tôi đã nhìn thấy hôm đó là hình ảnh về hai người theo cách mạng đã chết. Hồi đó là năm 1970, và chuyện đó xảy ra ở quận Srikakulam. Hai người đó là hai giáo viên đã quyết định bỏ việc dạy học. Tôi nghĩ về cuộc đời của họ, và cuộc đời của những người khác cũng chọn những con đường tương tự. Tôi nghĩ về những điều mà họ có thể đạt được với sức mạnh của công nghệ và những nguồn lực khác.” Trong tháng đầu tiên làm giám đốc điều hành, Nadella đã tặng cho từng người trong nhóm quản lý của mình một cuốn sách tên là “Giao tiếp không bạo lực.”

Nadella dành gần như toàn bộ thời thơ ấu để đi học ở trường công Hyderabad, một cơ sở tiện nghi được thành lập để dạy dỗ con cái của những gia đình danh giá. Nadella đã gặp vợ mình là Anupama tại những trận đấu bóng gậy, và họ kết hôn với nhau vào năm 1992. Sau khi học ở trường công Hyderabad, Nadella lấy được bằng cử nhân kỹ thuật điện của Viện Công nghệ Manipal. Tỉ mỉ, đầy động lực và ham học hỏi, Nadella sau đó sang Mỹ học về khoa học máy tính ở Đại học Wisconsin, Milwaukee – luận văn thạc sỹ của ông nói về tô màu đồ thị và các thuật toán song song – và làm việc với tư cách kỹ sư phần mềm tại công ty công nghệ Penta Technologies. Sau khi tốt nghiệp, Nadella chuyển đến California để làm việc tại Sun Microsystems, công ty vừa bắt đầu trỗi dậy tại buổi bình minh của kỷ nguyên máy tính cá nhân. Ở tuổi 25, Microsoft đã tiếp cận và đưa ông về Redmond.

Nadella gây ấn tượng với các đồng nghiệp và các quản lý vì cứ mỗi cuối tuần lại đi từ cơ sở của Microsoft ở Redmond, Washington đến Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago để hoàn thành chương trình thạc sỹ quản trị kinh doanh.

Nadella khi đó “còn rất trẻ, vụng về và thiếu cảm giác an toàn, vẫn đang có gắng phát triển những tiềm năng mình có,” quản lý tuyển dụng Richard Tait chia sẻ với Nhật báo kinh doanh Puget Sound hồi năm 2014. Tuy nhiên, ông lại cực kỳ thông minh và có hiểu biết sâu sắc về các hệ thống máy tính mà các doanh nghiệp đang sử dụng. “Cậu ấy là vũ khí bí mật của chúng tôi.”

Nadella là một trong số khoảng 30 người Ấn Độ nhập cư làm việc tại công ty. Những dự án đầu tiên của ông tại Microsoft bao gồm sản phẩm tivi tương tác đã sớm chết yểu và hệ điều hành Windows NT.

Trong những năm đầu làm việc tại Microsoft, Nadella đã gây ấn tượng với các đồng nghiệp và các quản lý vì cứ mỗi cuối tuần lại đi từ cơ sở của Microsoft ở Redmond, Washington đến Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago để hoàn thành chương trình thạc sỹ quản trị kinh doanh. Cuối cùng, ông đã tốt nghiệp năm 1997.

Năm 1999, Nadella đảm nhận chức vụ điều hành đầu tiên với tư cách phó chủ tịch của Microsoft bCentral, một tập hợp các dịch vụ web cho các doanh nghiệp nhỏ, bao gồm cho thuê không gian máy chủ (hosting) và email.

Năm 2000, Microsoft có giám đốc điều hành thứ hai: Steve Ballmer.

Năm 2001, Nadella trở thành phó chủ tịch Các giải pháp Kinh doanh của Microsoft. Công ty này được thành lập qua một loạt các vụ mua lại, bao gồm cả Great Plains, công ty sản xuất phần mềm kế toán cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công ty cũng xây dựng một hệ thống CRM dựa trên điện toán đám mây để cạnh tranh với Salesforce. Cuối cùng, tất cả những sản phẩm này được đổi tên thành “Dynamics.”

Sự nghiệp của Nadella ngày càng thăng tiến: Tới năm 2007, Nadella đã trở thành phó chủ tịch cấp cao của Các dịch vụ trực tuyến của Microsoft, có nghĩa ông là người điều hành công cụ tìm kiếm Bing cũng như các phiên bản trực tuyến đầu tiên của Microsoft Office và dịch vụ trò chơi điện tử Xbox Live.

Vào tháng 2 năm 2011, Nadella được thăng chức một lần nữa thành Chủ tịch bộ phận Máy chủ và Công cụ. Khi đó, bộ phận này quản lý các sản phẩm hái ra tiền cho các trung tâm dữ liệu của các công ty, như máy chủ Windows và cơ sở dữ liệu SQL Server. Đồng thời đây cũng là nơi chủ trì một trong những canh bạc táo tợn nhất của Ballmer, nền tảng đám mây Microsoft Azure.

Khi Nadella tiếp quản việc kinh doanh máy chủ và công cụ, nhánh kinh doanh này đã kiếm được 16,6 tỷ USD doanh thu. Tới năm 2013, con số này tăng lên 20,3 tỷ USD.

Tại thời điểm đó, Microsoft bắt đầu gặp rắc rối. Về mảng máy tính, Windows 8 là một thảm họa, iPhone và Android đều bỏ rất xa điện thoại Windows, và Bing chẳng thể làm giảm được sự thống trị của Google với công cụ tìm kiếm. Và Ballmer là người đứng mũi chịu sào.

Tháng 8 năm 2013, Ballmer tuyên bố ông sẽ rút lui, kéo theo một cuộc tìm kiếm giám đốc điều hành mới. Ủy ban tìm kiếm bao gồm Bill Gates và Ballmer.

Tháng 2 năm 2014, sau nhiều đồn đoán, Nadella được tuyên bố là người sẽ trở thành giám đốc điều hành mới, với sự ủng hộ của Ballmer và Gates.

Để Nadella đảm nhiệm chức vụ này, ban giám đốc Microsoft đã phê duyệt gói tiền lương trong năm đầu trị giá 84 triệu USD cho ông.

“Về cơ bản tôi tin là nếu bạn không học những điều mới, bạn sẽ không làm được những điều vĩ đại và có ích. Vì vậy gia đình, sự tò mò và khát khao kiến thức đều định nghĩa con người tôi.”

Nadella cho biết: “Tôi đã 46 tuổi. Tôi đã kết hôn được 22 năm và có 3 đứa con. Và cũng như bất cứ ai khác, rất nhiều điều mà tôi làm và cách tôi suy nghĩ được định hình bởi gia đình của tôi cũng như những trải nghiệm trong suốt cuộc đời tôi. Nhiều người biết tôi cũng nói rằng tôi được định nghĩa bởi sự tò mò và khát khao học hỏi. Tôi mua nhiều sách hơn số tôi có thể đọc hết. Tôi đăng ký nhiều khóa học trực tuyến hơn số tôi có thể hoàn thành. Về cơ bản tôi tin là nếu bạn không học những điều mới, bạn sẽ không làm được những điều vĩ đại và có ích. Vì vậy gia đình, sự tò mò và khát khao kiến thức đều định nghĩa con người tôi.”

Nadella cũng từng so sánh mã lập trình với thơ ca.

“Bạn đang cố gắng lấy một thứ có thể được mô tả bằng rất, rất nhiều câu và nhiều trang văn xuôi, nhưng bạn có thể chuyển đổi nó thành một vài dòng thơ và vẫn truyền đạt được bản chất. Những dòng mã tốt nhất chính là những bài thơ,” ông chia sẻ với Politico.

Nadella nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhân viên Microsoft bằng cách tạo ra những thay đổi lớn, trong một nỗ lực để đi đúng hướng và giành lại khách hàng.

Hoạt động đó bao gồm những việc không thể tưởng tượng như:

  • tiếp nhận hệ điều hành Linux đối thủ bằng cách tham gia quỹ Linux phi lợi nhuận…
  • đưa ra Microsoft Office cho iPad của Apple…
  • bỏ ra 2,5 tỷ USD để mua Mojang, công ty đứng sau trò chơi điện tử rất thành công “Minecraft”…
  • tung ra các ứng dụng hàng đầu cho iPhone và Android như Microsoft Outlook…
  • bỏ qua Windows 9 và đi thẳng đến Windows 10 thực sự tuyệt vời…
  • giới thiệu Microsoft Surface Book, laptop đầu tiên của công ty…
  • và tiết lộ về Microsoft HoloLens, cặp kính hình ảnh đậm chất tương lai của công ty.
Bộ não của Microsoft: Chủ tịch John Thompson, CEO Satya Nadella, người sáng lập Bill Gates, và cựu CEO Steve Ballmer (Ảnh: Business Insider)

Triết lý toàn diện của Nadella là về sự hợp tác và bảo đảm rằng các phần mềm và dịch vụ của Microsoft có mặt ở bất cứ nơi đâu khách hàng cần – thậm chí không phải là ở trên Windows. Đó là lý do vì sao quyết định tuyển dụng lớn đầu tiên của ông là cựu giám đốc điều hành của Qualcomm, Peggy Johnson, người hiện đang là phó chủ tịch phát triển kinh doanh của Microsoft để hỗ trợ hợp tác với các công ty bên ngoài.

Thực tế, năm 2015, Nadella đã dùng một chiếc iPhone trên một sân khấu sự kiện để khoe các ứng dụng Microsoft yêu thích của ông.

Tới London tôi mới có thời gian ngồi xuống với giám đốc điều hành của Microsoft. Khi tôi đến, Nadella đã đánh dấu gần hết các ô vuông trong lịch trình hàng ngày của mình: gặp gỡ quan chức chính phủ, xong; có bài phát biểu quan trọng, xong; sự kiện giáo dục với trẻ em, xong. Tôi bắt gặp ông rời văn phòng của tờ Economist vào một ngày nắng ấm bất thường ở thủ đô nước Anh. Mùa xuân dường như ở trong mỗi bước đi của ông, có lẽ vì ông sẽ sớm trở về nhà. Chúng tôi bước lên một chiếc xe màu đen đang chờ, và người lái xe hướng về sân bay Luton, cách London 34 dặm về phía tây bắc.

Tôi hỏi Nadella chuyến đi châu Âu này phù hợp với chiến dịch lớn hơn của ông thế nào từ khi ông trở thành giám đốc điều hành cách đây 2 năm. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng chiến thuật của việc xây dựng cơ sở đám mây ở châu Âu và những “lời nói và hành động” cần thiết để quá trình này diễn ra trôi chảy. (Từng là cái gai trong mắt nhiều người, Microsoft có thể tận hưởng một lợi ích của việc không còn là công ty lớn nhất và hoành tráng nhất nữa: ít sự soi mói từ cơ quan quản lý hơn. Công ty hiện có thể hải lòng vì các quan chức Brussels thay vào đó đang mải mê chất vấn Alphabet và Facebook. Về phần mình, Microsoft đang xem các trung tâm dữ liệu như những khoản đầu tư hỗ trợ luật bảo vệ dữ liệu của châu Âu.)

“Bạn phải có khả năng để suy nghĩ về việc hoạt động trên toàn cầu. Nếu một tổ chức vì lợi nhuận chỉ tìm kiếm lợi nhuận, vậy thì tổ chức đó sẽ không thể có lợi nhuận về lâu dài.”

Nadella vạch ra một mục đích lớn hơn cho những nhiệm vụ ở nước ngoài của mình. “Một giám đốc điều hành phải làm gì? Bạn phải đưa ra những phán xét về một tương lai không chắc chắn và điều hành về văn hóa,” ông nói. “Xét trên cả hai khía cạnh đó, tôi cảm thấy rằng mình đã học được nhiều điều từ những chuyến đi này.”

Đó là những gì Nadella làm: Ông học hỏi, và những người khác học hỏi cùng ông. Ông đã đúc rút được hiểu biết từ từng thành phố ở châu Âu. Trong những chuyến xe từ sân bay, ông nhận được báo cáo tóm tắt về tình hình làm ăn của các doanh nghiệp trong khu vực. Trong các bữa ăn cùng đối tác, Nadella luôn đề cập đến các vấn đề liên quan đến thị trường mục tiêu. (“Họ đang cố gắng tìm hiểu về các anh,” ông nói. “Những người này là như thế nào? Họ đang muốn làm gì với công ty này?”) Trong các buổi họp kín với các quan chức, ông lắng nghe những ưu tiên của chính phủ và thúc đẩy những lợi ích của Microsoft. (“Các lãnh đạo chính phủ sẽ nói thẳng với bạn rằng: ‘Đây, các anh liên quan đến chúng tôi ở chỗ này,’ Nadella chia sẻ.) Trong những bài phát biểu cá nhân, ông làm rõ những ưu tiên của công ty với những nhân viên bình thường.

“Về cơ bản, tôi tin vào vai trò của một công ty đa quốc gia,” ông nói. “Bạn phải có khả năng để suy nghĩ về việc hoạt động trên toàn cầu. Nếu một tổ chức vì lợi nhuận chỉ tìm kiếm lợi nhuận, vậy thì tổ chức đó sẽ không thể có lợi nhuận về lâu dài. Tôi nghĩ điều đó giống như một nghịch lý kinh doanh vậy.”

Điều đó cũng đang kiểm soát hướng đi của một công ty đang hoạt động ở 192 quốc gia. Tôi hỏi Nadella về cách ông bố trí đội ngũ lãnh đạo cấp cao để mang đến sự thay đổi ông muốn thấy ở Microsoft. Năm 2015, ông đã tập hợp các nỗ lực kỹ thuật của công ty vào tay ba người điều hành – Terry Myerson, Scott Guthrie và Qi Lu (hiện đã rời Microsoft vì lý do sức khỏe) – và chào tạm biệt một số người khác, bao gồm cựu giám đốc điều hành Stephen Elop của Nokia.

Đội ngũ quản lý của ông, từ giám đốc tài chính Amy Hood tới Guthrie, người ban đầu Nadella bổ nhiệm để thay thế ông lãnh đạo Nhóm điện toán đám mây và doanh nghiệp, bao gồm chủ yếu những cựu binh lâu năm của công ty. Microsoft có thể thực sự thay đổi từ bên trong không? Những người chịu trách nhiệm cho những cú vấp thê thảm nhất của Microsoft liệu đã chạm tay được vào khoảnh khắc của sự nhận thức sáng suốt mà công ty chờ đợi suốt hơn một thập kỷ hay chưa?

Được, Nadella luôn khẳng định, nếu sửa chữa văn hóa doanh nghiệp. “Tôi luôn tạo điều kiện cho những người muốn làm việc như một phần trong nhóm,” ông nói. Suốt nhiều năm qua, Microsoft đã “nuôi dưỡng những lãnh đạo chỉ muốn vận hành cuộc chơi của riêng mình.” Chuyện đó bây giờ không còn nữa. “Để lãnh đạo, bạn phải làm việc trong một tập thể. Đó là một Microsoft hoàn toàn khác biệt. Điều đó là ưu tiên với tôi.”

Suốt nhiều năm qua, Microsoft đã “nuôi dưỡng những lãnh đạo chỉ muốn vận hành cuộc chơi của riêng mình.” Chuyện đó bây giờ không còn nữa. “Để lãnh đạo, bạn phải làm việc trong một tập thể.”

Nadella đề cao khả năng mang lại sự rõ ràng, tạo ra năng lượng và kiềm chế thôi thúc than vãn ở những lãnh đạo do ông lựa chọn. “Tôi nói, ‘Nhìn này, anh đang ở giữa một đống phân, và việc của anh là phải tìm được những cánh hoa hồng ở đó,’ thay vì nói rằng, ‘Ôi trời, tôi đang đứng giữa một đống phân,’” ông chia sẻ. “Thôi nào! Anh là lãnh đạo. Công việc là như thế. Anh không thể phàn nàn về những ràng buộc. Chúng ta đều đang sống trong một thế giới bị trói buộc.”

Chiếc xe chạy chậm lại và tấp vào lề đường cao tốc sáu làn để tôi bước ra. Tôi hỏi Nadella tôi có bỏ sót gì trong cuộc hỏi đáp ở tốc độ 60 dặm một giờ hay không. Ông ngẫm nghĩ một lúc. “Đôi khi tôi cảm thấy thành công của doanh nghiệp được ăn mừng theo những cách bó hẹp hơn nhiều,” ông nói. “Thành công kinh doanh thực sự không chỉ là thặng dư mà bạn đã tạo ra cho tập thể ở cốt lõi, mà là thặng dư ở phạm vi rộng hơn. Sau cùng thì, chủ nghĩa tư bản là gì? Có khả năng tạo ra lãi năng suất thực sự giúp đỡ được cho nền kinh tế rộng lớn hơn trong xã hội.”

Có lẽ thế. Nadella đã có những bước tiến rất dài. Ông đã giành được niềm tin của thị trường và thiện chí của nhân viên. Cú thúc đẩy tốn kém của ông nhằm tái định hướng công ty theo điện toán đám mây thay vì máy tính để bàn đã chứng tỏ đó là một quyết định thông minh. Trong 3 năm làm giám đốc điều hành Microsoft, Satya Nadella đã liên tiếp gặt hái được thành công.

Nhưng vẫn còn một quãng đường dài và mệt mỏi nữa để Microsoft trở lại với vị thế công ty lớn nhất và quyền lực nhất thế giới. Những thách thức vẫn còn phía trước: Việc kinh doanh hệ điều hành Windows của Microsoft đang suy giảm vì ngày càng có ít người mua máy tính cá nhân hơn. Và thị phần điện thoại thông minh trên toàn cầu của công ty chỉ chiếm có 1%.

Nhưng sau một thời gian dài chậm lại, Microsoft cuối cùng cũng đã đi đúng hướng.

Exit mobile version