Bầu cử tổng thống Pháp

frenchflag-1492668159-97.jpg

Trong khi giới chính trị và truyền thông ở hầu hết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ quan ngại trước những diễn biến của chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Pháp, một phần do sự nổi lên của ứng cử viên cực hữu, bài châu Âu Marine Le Pen, một phần do không am hiểu đầy đủ về hệ thống bầu cử hai vòng và văn hóa chính trị Pháp, thì ở Anh xuất hiện nhiều tiếng nói hoan hỉ trước triển vọng đắc cử của nữ thủ lĩnh đảng cực hữu, với hy vọng tìm thấy một đồng minh sắp rút khỏi EU.

Dưới đây là tổng hợp các nhận định của dư luận phương Tây về cuộc bầu cử đặc biệt gay cấn này do báo Le Monde thực hiện:

1. Đất nước của Brexit quan tâm đến cam kết Frexit

Báo chí Anh bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới chiến dịch tranh cử của Marine Le Pen và những hậu quả của nó đối với tương lai châu Âu. Tới nay, dù thủ lĩnh Mặt trận Quốc gia (FN) chưa có kế hoạch tới thăm Anh, các phương tiện thông tin đại chúng nước này vẫn theo sát mọi động thái của bà.

Không có độc giả hoặc thính giả chăm chú nào của tờ Telegraph hay của đài BBC không biết rằng mẹ của Marine Le Pen từng xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Playboy. Hàng ngày, mỗi tuyên bố của Marine Le Pen đều được phân tích tỉ mỉ, cùng với các phóng sự vẽ lên hình ảnh nước Pháp mất phương hướng, một cỗ máy hỏng hóc. Tuy vậy, những cam kết đưa Pháp ra khỏi châu Âu, quay trở lại đồng franc thu hút sự chú ý hơn cả.

Sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit và chiến thắng của Donald Trump, triển vọng đảng cực hữu lên nắm quyền tại Pháp được báo chí Anh coi là khả năng có thể xảy ra, hậu quả của “hiệu ứng domino” được tiếp sức thêm bởi chủ nghĩa dân tộc, tinh thần bài ngoại và nỗi sợ toàn cầu hóa. Vẫn còn bị ám ảnh bởi cú sốc Brexit mà họ đã không thể dự báo, nhiều phương tiện thông tin đại chúng và nhà quan sát không muốn họ lại bị hố thêm một lần nữa.

Nhà nghiên cứu chính trị học, Sudhir Hazareesingh, cảnh báo trên tờ Financial Times rằng “Le Pen có cơ hội cao hơn nhiều so với bạn nghĩ”. Ông cho rằng từ trước đến nay, người ta đều nghĩ Pháp sẽ không thể bầu lên một tổng thống xuất thân từ đảng FN, và “chúng ta cũng đã nghe những điều tương tự ở nước ta trước đây”, ám chỉ về Brexit.

Thực tế, điều mà người Anh quan tâm duy nhất ở ứng cử viên Marine Le Pen là quan điểm của bà về mối liên hệ giữa Anh và EU. Nếu như “ứng cử viên phátxít” này thành tổng thống, “điều đó sẽ biến kết quả của cuộc thương lượng Brexit mà nước Anh cố giành lợi thế thành một mớ lý thuyết, vì nó chắc chắn sẽ kích động sự tan rã của EU”, theo nhận định của nhà bình luận Stephen Bush trên tờ tuần báo cánh tả The New Statesman.

Các tờ báo ủng hộ Brexit, chiếm đa số, không ngần ngại diễn giải thành công của bà Le Pen như một sự biện minh cho việc Anh dứt áo rời khỏi EU. Tờ báo nào càng ghét EU, họ càng dành nhiều chỗ cho chiến dịch tranh cử của Mặt trận Quốc gia. Về mặt này, giải cành cọ vàng được trao cho nhật báo lá cải Daily Express, thường xuyên phát đi những hình ảnh tô điểm cho Marine Le Pen và chạy dòng tít tán dương ứng cử viên cực hữu. “Marine Le Pen sẽ vặn cổ EU, EU sẽ không sống nổi nếu có Frexit”, Daily Express chạy dòng tít trong số ra ngày 30/3.

Hậu quả, ứng cử viên ủng hộ hội nhập châu Âu Emmanuel Macron nhận được sự quan tâm thấp hơn hẳn. Theo thống kê của trang web BuzzFeed của Mỹ, “báo chí Anh chú ý một cách thiên lệch rõ ràng ứng cử viên cực hữu”. Chỉ trong vòng ba tháng, có tới 602 dòng tựa đề cập tới bà Le Pen, cao gấp 4,5 lần so với Macron. Việc gắn cuộc bầu cử Pháp với cuộc trưng cầu dân ý Brexit đã lên tới đỉnh điểm khi cựu thủ lĩnh đảng cực hữu, ủng hộ rút Anh ra khỏi EU là Đảng Độc lập vương quốc Anh (UKIP), ông Nigel Farage, đã phỏng vấn bà Marine Le Pen ngày 15/3 cho một chương trình của đài phát thanh LBC.

Các nhà quan sát khác đều có chung nhận định chiến thắng của đảng cực hữu sẽ gây ra những hậu quả phức tạp đối với Pháp.

Khi còn đương chức, Nigel Farage đã từ chối liên minh với Mặt trận Quốc gia Pháp tại Nghị viện châu Âu, cáo buộc đảng này theo tư tưởng bài Do Thái. Tuy nhiên, chính ông ta đã cho phát đi hình ảnh bắt tay rất chặt với thủ lĩnh cực hữu Pháp. Để làm đẹp lòng vị khách, Marine Le Pen còn bảo đảm rằng Anh “thu được nhiều lợi ích nhờ Brexit”, đồng thời cam kết sẽ là đồng minh của London trong các cuộc đàm phán với EU.

Ngoài những người ủng hộ Brexit vốn coi chiến thắng của Mặt trận Quốc gia trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp là “bất ngờ định mệnh”, có một ranh giới mà không một chính trị gia nào, ngoài Farrage, dám công khai vượt qua. Thủ tướng Theresa May thậm chí còn loại trừ việc gặp ứng cử viên Marine Le Pen.

Theo Charles Bremner, phóng viên thường trú của tờ Times tại Paris, chiến thắng của ứng cử viên này “rất ít khả năng” xảy ra. Nhưng ông nói thêm rằng “nếu chứng tỏ rằng các kết quả thăm dò hoàn toàn sai lầm và giành chiến thắng, việc bà ta giành được ghế tổng thống sẽ có lợi cho Anh, vì với tư cách là người ủng hộ Brexit, bà ta sẽ không ủng hộ các đòi hỏi cứng rắn” của EU đối với London.

Tuy vậy, các nhà quan sát khác đều có chung nhận định chiến thắng của đảng cực hữu sẽ gây ra những hậu quả phức tạp đối với Pháp. Đài BBC dự báo “sẽ nổ ra làn sóng bạo lực”. Robert Tombs, sử gia Anh chuyên về lịch sử Pháp, khẳng định “sẽ có các cuộc đình công và biểu tình có tính chất bạo lực lớn của những người muốn bảo vệ nền Cộng hòa chống lại chủ nghĩa phátxít”.

2. Bắc Âu lo ngại “nụ hôn của tử thần” dành cho EU

Ngược lại với nước Anh, báo chí Bắc Âu bày tỏ quan ngại trước sự nổi lên của ứng cử viên đảng Mặt trận Quốc gia trong các cuộc thăm dò dư luận. Các phương tiện thông tin đại chúng Thụy Điển từ nhiều tháng nay liên tục thể hiện nỗi lo ngại về sự nổi lên của chủ nghĩa cực hữu trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp. “Nếu Marine Le Pen thành tổng thống Pháp thì sao?” – nhật báo Dagens Nyheter chạy dòng tít lớn, nêu ra giả thuyết trong số ra ngày 23/3. Để minh họa cho bài viết, tờ báo đăng tấm ảnh lớn của nữ thủ lĩnh đảng Mặt trận Quốc gia Pháp và thủ lĩnh phong trào Tiến bước, hai ứng cử viên hàng đầu tính đến thời điểm đó, và cả hiện nay.

Là một nước nổi tiếng ít tệ nạn tham nhũng, báo chí Thụy Điển tỏ ra khó hiểu khi cựu Thủ tướng François Fillon, người đang bị khởi tố điều tra vì bê bối tham nhũng và lợi dụng chức quyền, vẫn tiếp tục cuộc đua. Mới đây, một nghị sỹ thuộc đảng bảo thủ đã phải từ chức do bị phát hiện sử dụng thẻ đi tàu của Quốc hội cấp để mua rượu và đi du lịch cá nhân. Báo Svenska Dagbladet đặt câu hỏi, tại sao người Pháp lại có thể chấp nhận những ứng cử viên như vậy cho chức tổng thống?

Nhưng trên hết, người Thụy Điển, cũng như các nước láng giềng Scandinavi khác, lo ngại chiến thắng của Marine Le Pen. So sánh điều này với việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, nhật báo kinh tế Dagens Industri nhận xét: “Marine Le Pen là một chính trị gia nhà nòi… Bà ta biết rõ sự vận hành của hệ thống chính trị, biết nói cái gì và nói vào lúc nào. Khác với Trump, đối với Marine Le Pen, không có gì xảy ra một cách tình cờ, do đó bà ta sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều nếu trở thành tổng thống”.

Người Thụy Điển, cũng như các nước láng giềng Scandinavi khác, lo ngại chiến thắng của bà Marine Le Pen…Thụy Điển lo ngại về những hậu quả kinh tế từ chính sách của Le Pen, cũng như ý đồ Frexit.

Là nước ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại và toàn cầu hóa, Thụy Điển lo ngại về những hậu quả kinh tế từ chính sách của Le Pen, cũng như ý đồ Frexit. Theo tờ Dagens Nyheter, đó sẽ là “nụ hôn của tử thần” dành cho EU. Hiện nay, ba phần tư xuất khẩu của Thụy Điển là sang EU, do đó tác động từ viễn cảnh u ám này sẽ vô cùng lớn, theo nhận xét của Robert Bergqvist, nhà kinh tế trưởng thuộc Ngân hàng SEB.

Ông Bergqvist nói: “Giới chủ và nhà đầu tư đang kêu gọi chúng ta. Họ muốn biết những điểm khác biệt trong chương trình tranh cử của hai ứng cử viên hàng đầu. Họ tin vào một chiến thắng của Macron, nhưng chưa biết nhiều về hậu quả nếu xảy ra một kịch bản khác”.

Việc quay trở lại các đường biên giới quốc gia và thực hiện chính sách bảo hộ kinh tế chắc chắn sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu của Thụy Điển, theo ông Robert Bergqvist. Bên cạnh đó, hiệu ứng gây nghi ngờ lên tương lai của đồng tiền chung châu Âu có thể “sẽ kéo theo gia tăng dòng vốn chảy sang Thụy Điển, đẩy tỷ giá đồng cuaron tăng lên, làm giảm lạm phát vốn đã rất thấp, từ đó mang lại thêm tác động tiêu cực đối với xuất khẩu” của nước này.

Tuy vậy, Marine Le Pen cũng có một đồng minh tại Thụy Điển. Trái ngược với các đảng dân túy Bắc Âu vốn từ trước đến nay từ chối liên minh với FN, đảng Dân chủ Thụy Điển (SD) rất hy vọng vào chiến thắng của bà Le Pen. Năm 2014, đảng cực hữu Thụy Điển này đã cắt đứt liên hệ với FN, liên minh với UKIP của Nigel Farage tại Nghị viện châu Âu.

Mattias Karlsson, một nghị sỹ của SD, đảng xuất thân từ một trào lưu phát xít mới, giải thích việc họ giữ quan điểm xa cách với FN là do trong đảng cực hữu Pháp “có một bộ phận cực đoan khước từ các luật chơi dân chủ”. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản ông ta khen ngợi Marine Le Pen là “một nhà lãnh đạo tài năng” và nhất là ủng hộ các tư tưởng chung của hai đảng, đó là “quyền tự quyết của các dân tộc, kiểm soát nhập cư và đường biên giới quốc gia, lập lại trật tự…”

Giữa SD và FN vẫn có những bất đồng liên quan đến Nga chẳng hạn. Đảng SD cũng phản đối chủ nghĩa bảo hộ kinh tế. Nhưng Mattias Karlsson hy vọng một khi đắc cử, thủ lĩnh FN sẽ đàm phán các thỏa thuận mậu dịch tự do có lợi với Thụy Điển.

(Bản quyền hình ảnh này thuộc về Bộ Ngoại giao và Phát triển Quốc tế Pháp)

3. Đức thực sự quan ngại về khả năng đắc cử của Marine Le Pen

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho biết sẵn sàng tiếp đón tất cả các ứng cử viên tổng thống Pháp nào yêu cầu gặp bà, ngoại trừ Chủ tịch Mặt trận Quốc gia. Đó là một thừa nhận thẳng thắn mà người ta có thể thấy trên báo chí Đức: Từ nhiều tháng nay, chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp luôn được các phương tiện truyền thông Đức theo dõi sát sao, trong đó Marine Le Pen luôn được dành sự chú ý đặc biệt. Tại Đức, giả thuyết về chiến thắng của thủ lĩnh đảng cực hữu Pháp được đặt ra một cách nghiêm túc, nên nhiều tờ báo đã đưa ra hàng loạt câu hỏi về hậu quả của kịch bản này trên cả lĩnh vực kinh tế lẫn địa chính trị.

Nhật báo theo đường lối trung tả Süddeutsche Zeitung ngày 8/3 đã dành hẳn một chuyên mục phân tích dưới tựa đề: “Nguy cơ Le Pen”. Trong khi Thủ tướng Angela Merkel coi ứng cử viên này là kẻ không thể giao du, thì lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Martin Schulz – người bị FN lên án là tiến hành “truy bức về pháp lý” đối với Marine Le Pen nhân cuộc điều tra đang được tư pháp Pháp tiến hành về việc đảng cực hữu Pháp sử dụng tiền tài trợ của Nghị viện châu Âu dành cho hoạt động của nghị sỹ châu Âu vào các hoạt động riêng của đảng – là kẻ thù công khai. Ngày 19/3, tại Berlin, tân Chủ tịch SPD đã tấn công trực diện FN, nhấn mạnh đảng này “đang bảo vệ các tư tưởng mà chúng ta biết rõ sẽ dẫn đất nước, cũng như lục địa chúng ta đi về đâu”.

Ngay cả đảng cực hữu “sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cũng có những nhận định trái ngược về thủ lĩnh đảng cực hữu Pháp. Nhiều lãnh đạo AfD đã phản đối việc thủ lĩnh đảng, Frauke Petry, mời Marine Le Pen tham dự cuộc gặp mặt lãnh đạo các đảng cực hữu châu Âu cuối tháng 1/2017 tại Coblence, vì cho rằng FN đang theo đuổi đường lối kinh tế nguy hiểm đối với “chủ nghĩa xã hội”. Phần lớn dư luận Đức có quan điểm gắn bó với EU và chỉ có một bộ phận AfD ủng hộ, với sự ngần ngại nhất định, ứng cử viên từng hậu thuẫn cho Brexit.

“Đối với đại đa số người Đức, thủ lĩnh đảng FN là hiện thân một phản đề của nước Pháp… Tại Đức, chủ nghĩa dân tộc của Le Pen gây lo ngại, do vị trí đặc biệt của tư tưởng này trong văn hóa chính trị của đất nước”.

Claire Demesmay, chuyên gia phụ trách chương trình quan hệ Pháp-Đức của DGAP, một tổ chức tư vấn chiến lược về quan hệ quốc tế có trụ sở tại Berlin nhận xét, tại Pháp Mặt trận Quốc gia đã dần dần trở thành một đảng chính trị “bình thường hóa”, nhưng người Đức chưa chấp nhận, vẫn coi đó là một “con quỷ”. “Đối với đại đa số người Đức, thủ lĩnh đảng FN là hiện thân một phản đề của nước Pháp. Trong mắt họ, người Pháp, đôi khi có tính cách hay phản đối, là một dân tộc cơ bản cởi mở và ủng hộ hội nhập châu Âu. Tại Đức, chủ nghĩa dân tộc của Le Pen gây lo ngại, do vị trí đặc biệt của tư tưởng này trong văn hóa chính trị của đất nước”.

Michaela Wiegel, phóng viên thường trú của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung tại Berlin, chia sẻ quan điểm này: “Tôi có cảm giác rằng hiện tượng Le Pen được người Đức xem xét nghiêm túc hơn tại Pháp. Báo chí Đức đã tập trung vào vấn đề này từ rất sớm, coi đó là mảnh ghép thứ ba trong trò chơi xếp hình mà đã có hai mảnh trước là Brexit và chiến thắng của Donald Trump tại Mỹ.

Theo Michaela Wiegel, người Đức tỏ ra lo ngại vì họ không hiểu biết nhiều về hệ thống bầu cử của Pháp. Đây cũng là quan sát của Claire Demesmay: “Người Đức có xu hướng xem xét kết quả thăm dò dư luận qua lăng kính giống như hệ thống bầu cử của họ, nghĩa là trong hệ thống bầu cử theo tỷ lệ chỉ có một vòng. Nếu nhìn mọi thứ như vậy, người ta sẽ tưởng Le Pen sẽ giành chiến thắng dễ dàng, giống như ở Đức”.

Từ giữa tháng 3, số lượng bài báo nhận định cao về chiến thắng của Le Pen đã giảm dần. Kết quả của đảng cực hữu, bài ngoại của thủ lĩnh Geert Wilders trong cuộc tổng tuyển cử tại Hà Lan ngày 15/3 thấp hơn mức dự báo ban đầu, đã trấn an giới truyền thông. Sự vươn lên của ứng cử viên Emmanuel Macron, cũng được báo chí Đức đánh giá tích cực. Một trong những dấu hiệu của diễn biến này: Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho tờ Der Tagesspiegel ngày 2/4, chuyên gia khoa học chính trị của Viện thăm dò dư luận IFOP giải thích, do phương thức bầu cử Pháp, “sự năng động” của Marine Le Pen thậm chí có thể không đủ để cho phép nữ thủ lĩnh cực đoan này đặt chân vào vòng hai cuộc bầu cử sắp tới./.

Các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống của Pháp (Ảnh: Newsweek)
Exit mobile version