Năm Dậu nói chuyện Gà

Gà không chỉ là loài vật nuôi gần gũi với cuộc sống của con người mà còn được coi là linh vật, gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng, thờ cúng tôn giáo và là dấu tích của nền văn minh nông nghiệp.

Đây cũng là con giáp thứ 10 trong hệ thống 12 con giáp biểu tượng cho các năm theo chu kỳ 12 năm. Những năm Dậu trong lịch sử cũng chứng kiến không ít biến động, thăng trầm của dân tộc.

Từ Đông sang Tây

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 150 giống gà khác nhau. Tất cả đều có nguồn gốc từ một loài chim màu đỏ có tên là Red Jungle Fowl (tên khoa học là Gallus gallus).

Hình tượng con gà (đặc biệt là gà trống) hiện diện trong suốt chiều dài lịch sử của nhiều nền văn hóa trên thế giới. Gà trống là biểu tượng của sự kiêu căng (với minh chứng rõ rệt nhất là dáng đi). “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” (của hai học giả người Pháp Jean Chevalier và Alain Gheerbrant) cho biết, con vật này đã xuất hiện bên cạnh thần Mercure trên một số tác phẩm nghệ thuật tạo hình thời Gaule-La Mã.

Bên cạnh đó, ở nhiều nước, gà trống cũng là một biểu tượng phổ biến của Mặt Trời bởi tiếng gáy của nó báo hiệu Mặt Trời mọc. Cụ thể, tại Ấn Độ, đó là vật hiệu của thần Skanda – hiện thân của năng lượng Mặt Trời.

Vật hiệu của thần Skanda (Ấn Độ) – hiện thân của năng lượng Mặt Trời. (Nguồn: davidcharlesmanners.wordpress.com) 

Ở Nhật Bản, tiếng gà trống gáy được gắn liền với tiếng hát của các thần linh, khiến Amaterasu (một vị thần quan trọng trong Thần Đạo, được coi là nữ thần Mặt Trời) phải rời khỏi hang. Điều này ứng với việc Mặt Trời mọc, với sự phát lộ ánh sáng.

Ngũ đức (năm đức tính: văn-võ-dũng-nhân-tín) mà người Nhật Bản gán cho con gà trống cũng được thừa nhận ở nhiều nước Á Đông khác, trong đó có Việt Nam:

Văn: gà trống có mào đỏ, nhìn giống mũ của tiến sỹ – tượng trưng cho văn.

Võ: cựa gà trống được hình dung giống như vũ khí – tượng trưng cho võ.

Dũng: con gà trống thể hiện sự dũng cảm trong chiến đấu (trong các cuộc chọi gà hay để bảo vệ đàn của mình).

Nhân: khi được cho thức ăn, gà trống thường không ăn một mình mà gọi cả bầy đến ăn cùng – biểu tượng của lòng nhân.

Tín: Trong suốt cả bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông, gà trống đều gáy theo đúng canh giờ – biểu tượng của tín.

Trong các truyền thuyết Bắc Âu, gà trống là biểu tượng của tinh thần cảnh giác chiến đấu. Từ ngọn cây tần bì Yggdrasil, gà trống canh gác chân trời để báo trước cho các thần linh về sự tấn công của những gã khổng lồ. Cây tần bì mang trong mình ý nghĩa là nguồn gốc của sự sống. Bởi vậy, hình tượng gà trống canh gác trên ngọn cây ấy mang ý nghĩa của một sinh vật bảo hộ và canh giữ sự sống.

Tuy nhiên, ở một số trường hợp, gà trống lại mang một ý nghĩa biểu tượng đối lập. Ví dụ, trong Phật giáo Tây Tạng, gà trống hiện diện ở giữa Bánh Xe Sinh Tồn cùng với lợn, rắn – ba chỉ dấu về điều xấu. Ý nghĩa của nó trong trường hợp này là biểu tượng của dục vọng, ham muốn, sự quyến luyến.

Với người Đức (cổ), cùng với chó và ngựa, gà trống là con vật dẫn hồn được hiến sinh cho người đã khuất trong các tang lễ.

Gà trong sinh hoạt cộng đồng

Trong sinh hoạt cộng đồng, hình tượng con gà không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt về mặt tâm linh mà còn xuất hiện nhiều ở ca dao, tục ngữ và những sinh hoạt văn hóa khác…

Khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện tượng gà bằng đất nung tại di chỉ khảo cổ học Văn Điển (Hà Nội) – thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (cách ngày nay khoảng 5.000 năm).

Theo giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, trong quan niệm dân gian của người Việt, gà trống là biểu tượng của thần linh, Mặt Trời. Nói khác đi, hình tượng gà là một mã văn hóa gắn liền với tín ngưỡng tôn sùng thần Mặt Trời của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả vẽ tranh gà. (Ảnh: TTXVN)

Bởi vậy, mâm lễ vật cúng tế (hiếu-hỉ) không thể thiếu gà trống. Người Việt cúng tế gà để cầu mong những điều tốt lành, may mắn, sức khỏe… Đặc biệt, quan niệm dân gian cho rằng, đêm Giao thừa là lúc Mặt Trời ẩn mình sâu nhất. Bởi thế, Trời Đất tối tăm nhất (dân gian vẫn có câu “Tối như đêm 30”).

Người Việt có tục cúng gà trống trong đêm Giao thừa với ước vọng đánh thức Mặt Trời, cầu mong một năm mới với ánh sáng ấm áp, mưa thuận gió hòa cho vạn vật tốt tươi – dấu tích của văn minh nông nghiệp.

Bên cạnh đó, quan niệm dân gian cũng cho rằng, đây là sợi dây, cách thức để người còn sống kết nối với tổ tiên, người đã khuất.

Người Việt có tục cúng gà trống trong đêm Giao thừa với ước vọng đánh thức Mặt Trời, cầu mong một năm mới với ánh sáng ấm áp, mưa thuận gió hòa cho vạn vật tốt tươi – dấu tích của văn minh nông nghiệp.

Không chỉ có vậy, trong tín ngưỡng dân gian, con gà còn gắn với tục thờ Thánh Mẫu, Ngũ phủ; thường được đặt trang nghiêm trước cửa điện tiên thánh.

Trong sinh hoạt cộng đồng, chọi gà là một tục lệ truyền thống trong các lễ hội đầu Xuân với nhiều ý nghĩa. Đây không chỉ là việc thi thố tài năng giữa những chú gà mà còn thể hiện nghệ thuật chọn giống, chăm sóc và huấn luyện gà của chủ nhân. Quan niệm dân gian cũng dựa vào đó để phỏng đoán vận hạn, mùa màng xứ sở.

Tái hiện không gian Tết xưa trong lòng phố cổ Hà Nội

Những “chỉ dấu” của con gà từ không gian sinh hoạt cộng đồng cũng đã được cổ nhân đúc kết thành thành ngữ, tục ngữ về mùa màng, thời tiết hay cách đối nhân xử thế…: “Chuồng gà hướng Đông, cái lông chẳng còn,”“Chuồng gà hướng Đông, cái lông chẳng còn,”“Chuồng gà hướng Đông, cái lông chẳng còn,” hay “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau,”“Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”…

Tranh gà – từ quá khứ đến đương đại

Trong dòng chảy văn hóa Việt, hình tượng gà xuất hiện nhiều trong hội họa (từ dân gian đến đương đại).

Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng là ba dòng tranh dân gian có những bức tranh gà nổi tiếng. Ở mỗi dòng tranh, hình tượng gà lại được thể hiện với những nét đặc trưng riêng. Tuy nhiên, tất cả đều xuất phát từ quan niệm dân gian về ý nghĩa biểu tượng, ngũ đức (năm đức tính) của loài gà cùng ước vọng về sự sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.

“Vinh hoa” (Em bé ôm gà) – một bức tranh nổi tiếng của dòng tranh dân gian Đông Hồ. (Ảnh: Nghệ nhân cung cấp) 

Cả hai dòng tranh dân gian (Hàng Trống và Kim Hoàng) đều thiên về khắc họa hình tượng gà trống. Tuy nhiên, nếu gà trống trong tranh Hàng Trống được thể hiện với dáng vẻ oai phong, quyền thế, đầy trách nhiệm chở che cho đàn gà con xung quanh thì gà trống trong tranh Kim Hoàng lại mang ý nghĩa gà thần (thần kê trừ tà).

Theo nghệ nhân Lê Đình Nghiên, ngày Tết treo tranh gà trống để cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc.

Trong khi đó, tranh Đông Hồ lại khắc họa hình tượng gà với nhiều trạng thái cảm xúc hơn: bức “Đại cát” (vẽ gà trống oai vệ ngẩng cao đầu, mào đỏ thắm, cựa sắc nhọn, ngực ưỡn, đuôi xoè) mang tới điềm lành đón Xuân, bức “Gà mẹ-gà con” (những chú gà con vây quanh gà mẹ, con thì rỉa lông rỉa cánh, con lại đang nằm trên lưng mẹ…) thể hiện sinh động ước vọng “con đàn cháu đống”và tình mẫu tử sâu nặng…

Tiếp nối truyền thống đó, dịp Tết Đinh Dậu, các họa sỹ Việt cũng “trình làng” nhiều bộ sưu tập trang gà thú vị. Bộ sưu tập hơn 100 bức tranh gà của họa sỹ Thành Chương được thể hiện trên nhiều chất liệu: bột màu, sơn mài, sơn dầu. Ở đó, linh vật của năm 2017 hiện ra trong sự đa dạng dáng vẻ, rực rỡ sắc màu và ào ạt xúc cảm với những cái tên rất “kêu” như: “OK con gà đen!,” “Người đẹp gà”…

Cùng một đề tài, vẽ chừng 10 bức đã khó. Thế mà Thành Chương vẽ hơn 100 bức mà không hề có sự trùng lặp về ý tưởng. Mỗi chú gà một dáng vẻ, dẫn dắt người xem đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác: có chú gà nở ra từ bông hoa một cách khéo léo, có chú gà vụt hiện một cách khác lạ lên từ bức thư pháp, lại có chú gà ẩn sau một dáng người uyển chuyển…

Tranh gà của họa sỹ Ngô Thị Bình Nhi. (Ảnh: G39 cung cấp)

Trong khi đó, họa sỹ Lê Thiết Cương tiếp tục khẳng định phong cách tối giản bằng bức tranh vẽ gà trống choai với những đường nét tinh tế. Họa sỹ Phạm Trần Quân cho thấy sự bứt phá trong tạo hình những bức tranh vẽ gà chọi.

Năm nay, Lê Trí Dũng – họa sỹ nổi danh vẽ tranh con giáp cũng giới thiệu bộ tranh “Ngũ sắc hùng kê.” Họa sỹ bảo, những con gà nhiều màu sắc với dáng đứng thẳng, vươn lên hùng dũng, oai vệ trong tranh là hình ảnh vươn mình mạnh mẽ của Việt Nam trong năm Đinh Dậu.

Những năm Dậu đáng nhớ trong lịch sử

Nhiều năm Dậu đã chứng kiến những biến động, thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Năm Kỷ Dậu (1009): Lý Công Uẩn lên ngôi vua, thành lập triều Lý và chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Ông ban lệnh đại xá trong cả nước và quyết định lấy năm sau (1010) là năm Thuận Thiên thứ nhất.

Năm Ất Dậu (1105): Lý Thường Kiệt qua đời. Ông là một tướng tài trong lịch sử dân tộc, có công “phá Tống, bình Chiêm.”

Năm Đinh Dậu (1117): Nguyên phi Ỷ Lan (Linh Nhân Hoàng thái hậu) qua đời. Bà là phi tần của hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông và là người có công lớn trong việc giúp vua trị vì đất nước, được dân chúng kính phục.

Năm Ất Dậu (1225): Lý Chiêu Hoàng kết hôn rồi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, kết thúc thời Lý, bắt đầu triều đại của nhà Trần.

Năm Ất Dậu (1285): Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng quân dân nhà Trần đánh tan 50 vạn quân Nguyên (Mông Cổ).

Năm Kỷ Dậu (1789): Vào đúng dịp Tết Nguyên đán, vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) lãnh đạo quân Tây Sơn thần tốc tiến ra Bắc, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa oanh liệt, đại phá 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Ngày 2/9/1945 (năm Ất Dậu), tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc” lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: TTXVN) 

Năm Ất Dậu (1885): Ngày 22/6/1885, Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Trung Hoa ở Thiên Tân (Trung Quốc) và ký Hoà ước Pháp-Hoa. Việt Nam bị chia cắt thành ba miền (Bắc, Trung, Nam) và chịu sự bảo hộ của Pháp.

Ngày 13/7/1885, Vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân đứng lên chống giặc Pháp xâm lược. Phong trào Cần Vương được nhân dân cả nước hưởng ứng mạnh mẽ.

Năm Ất Dậu (1945): Nạn đói lịch sử diễn ra từ cuối năm 1944 đến khoảng tháng 5/1945 khiến hơn 2 triệu người chết đói.

Cũng trong năm này, Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, tại quảng trườn Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc” lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm Kỷ Dậu (1969): Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế./.

Hình tượng gà được dùng để trang trí nhiều nơi dịp Xuân Đinh Dậu 2017. (Ảnh: TTXVN) 
Exit mobile version