Việt Nam năm Đinh Dậu 2017

ttxvnthung-1485157464-13.jpg

Lời tòa soạn

Năm Đinh Dậu 2017 được dự báo là sẽ có nhiều cơ hội và thách thức lớn đối với Việt Nam, nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC, nhất là trong bối cảnh thế giới đã trải qua những biến động vô cùng lớn lao trong năm 2016.

Vậy chúng ta cần làm gì để chủ động đón đầu những cơ hội, cũng như các thách thức ấy?

Trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017, VietnamPlus đã gặp gỡ các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực để lắng nghe những tâm tư, ý kiến cùng cả những dự báo, để từ đó chúng ta sẽ có một cái nhìn toàn cảnh về mọi mặt của đời sống xã hội.

Ảnh trên: Các chuyên gia nước ngoài đánh giá sự kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng vượt chuẩn thang điểm 10. (Ảnh: Oxalis Adventure Tours cung cấp)

Ảnh dưới: Cao tốc Nội Bài-Lào Cai mở ra cơ hội phát triển cho nhiều tỉnh phía Bắc.

Dự báo… hơi lạc quan, ngân sách năm 2017 có thể sẽ căng thẳng

Xuân Dũng – Xuân Quảng – Hạnh Nguyễn

Cơ sở tính dự toán ngân sách năm 2017, theo tiến sỹ Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) là hơi… lạc quan và có thể gây căng thẳng năm sau.

“Năm 2017 tôi nghĩ là dự báo vẫn ở mức hơi lạc quan, ví dụ như giá dầu dự đoán ở mức 55 USD/thùng, theo tôi có thể chỉ cỡ 50 USD/thùng,” ông Độ nhận định.

Nói về giá dầu, vị chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài yếu tố sản lượng khai thác, một trong những lý do khiến giá dầu chưa chắc có thể tăng mạnh bởi FED có thể tiếp tục tăng lãi suất, đồng USD cũng có thể lên giá.

Dự toán trên cơ sở giá dầu cỡ 50 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,3%, lạm phát chỉ 2% thì mới an toàn,”

Tuy nhiên, ông Độ cũng không loại trừ trường hợp nếu vị tổng thống của Mỹ năm sau là Donal Trump có chính sách mở rộng tài khóa, cắt giảm thuế, tăng chi tiêu. Điều này theo ông có thể khiến nền kinh tế Mỹ và thế giới cải thiện và phần nào hỗ trợ giá dầu.

“Tuy nhiên, mọi thứ còn ở phía trước và nhiều vấn đề bất định, nên dự toán trên cơ sở giá dầu cỡ 50 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,3%, lạm phát chỉ 2% thì mới an toàn,” ông Độ nói.

Theo ông, hiện tại dự toán dựa trên chỉ số lạm phát 4%, tăng trưởng kinh tế 6,7%, giá dầu 55 USD/thùng sẽ khiến ngân sách “căng thẳng nhất định.”

“Hy vọng Bộ Tài chính có thể hoàn thành kế hoạch của mình,” ông Độ nói về năm 2017.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) 

Chuyên gia cảnh báo xuất khẩu quá phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI

Theo ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương), hoạt động xuất khẩu năm 2017 sẽ không có nhiều đột phá so với năm 2016 và dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ quanh con số 7%.

Chuyên gia này cảnh báo, do cơ cấu xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào một số mặt hàng cũng như phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, đơn cử mặt hàng điện thoại di động và điện tử… nên khi vấp phải khó khăn sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu chung.

Để xuất khẩu tăng trưởng bền vững, ông cho rằng cần tái cơ cấu lại các ngành hàng, tránh quá phụ thuộc vào một thị trường cũng như phụ thuộc vào việc đóng góp của khối doanh nghiệp FDI.

Quan trọng hơn, các Bộ, ngành cần tập trung xây dựng được thương hiệu cho ngành hàng và từng mặt hàng xuất khẩu để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương).

Cơ hội nhìn thấy rõ nhất nằm ở làn sóng lên sàn của các công ty lớn

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán – SSI, đưa ra những đánh giá về xu hướng và triển vọng của thị trường chứng khoán sang năm mới.

Theo ông Linh, thị trường chứng khoán sẽ bị tác động bởi những yếu tố vĩ mô trong nước, như mức tăng trưởng dự báo trong khoảng 6,5%-6,7% là không cao, cùng với đó tăng trưởng của các ngành trong nền kinh tế cũng sẽ ở mức vừa phải hay những rủi ro khác (nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, nợ công…).

Ngoài ra, dòng tiền trên thị trường còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố từ bên ngoài, như chính sách mới của Tổng thống Mỹ sẽ gây ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu đồng thời ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên ông Linh nhận định cơ hội nhìn thấy rõ nhất là làn sóng lên sàn của các doanh nghiệp mới, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn (như Habeco, Sabeco, Đường Quảng Ngãi, Vietjetair, Vietnam Airline…) sẽ tạo ra nguồn cung hàng hóa tốt cho thị trường./.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán – SSI.

“Trước hết chúng ta sẽ đảm bảo được giá trị của VND, hiểu là tỷ lệ tỷ giá giữa VND và một số đồng ngoại tệ sử dụng để thanh toán trong cán cân thương mại của Việt Nam nó sẽ thay đổi phù hợp với sự biến động của thị trường thế giới. Thứ hai là trong năm 2017 sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ nhuần nhuyễn hơn, hy vọng kết quả thu được sẽ phát hành trái phiếu Chính phủ và hạ lãi suất của trái phiếu Chính phủ xuống. Thứ ba trong năm 2017 chúng ta sẽ thực hiện tốt đề án tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.”

Đó là nhận định của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa về tình hình lãi suất, tỷ giá của ngành ngân hàng trong năm nay.

Theo ông Kiên, phát huy các thành tích đã đạt được trong năm 2016 thì sang năm 2017 hệ thống ngân hàng các tổ chức tín dụng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý sẽ tiếp tục phát huy được.

Trong năm 2017, với diễn biến khó lường của thế giới như chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Fed có thể sẽ hạ lãi suất USD

Mặc dù vậy, ông Kiên cũng cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước không chỉ đạo rốt ráo các tổ chức tín dụng xử lý được nợ xấu, xử lý được tài sản đảm bảo tại VAMC thì rất khó có cơ sở để Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thị trường hạ lãi suất huy động và cho vay xuống.

Đây là hai mặt của một vấn đề, nếu chúng ta làm tốt vấn đề xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu thì đến cuối năm 2017, lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ giảm. Làm được điều này sẽ là một trong những đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Trong năm 2017, với diễn biến khó lường của thế giới như chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Fed có thể sẽ hạ lãi suất USD… Ông Kiên cho rằng, đồng tiền Việt Nam là một phương tiện thanh toán thì nó cũng phải thực hiện tất cả các quy luật của nền kinh tế thị trường, tức là khi mà tỷ giá giữa VND và USD nó sẽ thay đổi tùy thuộc vào sức khỏe của cả nền kinh tế Mỹ chứ không chỉ phụ thuộc vào mỗi ý muốn chủ quan của nền kinh tế Việt Nam nên tỷ giá phải đi theo giá thị trường, vấn đề là nó phù hợp với sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

“Năm 2017 không lo cú sốc về giá nguyên vật liệu thế giới”

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đi lên trong năm Đinh Dậu, tuy nhiên tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình, Phó phụ trách khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mặc dù bức tranh tổng thể là sáng lên, song tốc độ tăng trưởng sẽ không mạnh.

Năm 2017, ông Bình kỳ vọng lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Song để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục ổn định chính sách lạm phát và dần giảm lãi cho vay.

Ông Bình đánh giá cao về chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2016, với mức tăng CPI dưới 5% là đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, xu hướng giảm giá các loại nguyên liệu, vật liệu cơ bản trên thế giới cũng có tác động kìm hãm lạm phát.

“Quan sát trong quá khứ, lãi suất vay trung dài hạn xuống mức 5,5%-7% (năm 2003, 2004) đã tạo được nền tảng phát triển kinh tế. Nhưng sau đó, lãi suất lại bị đẩy lên cao (kể từ 2006) và để lại không ít hậu quả cho đến tận bây giờ,” ông Bình nói./.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình, Phó phụ trách khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài cho lao động có trình độ

Hồng Kiều

Trong năm 2016, đã có 126.296 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (46.029 lao động nữ; chiếm 36,45%); vượt 26,29% so với kế hoạch năm và bằng 108,89% so với năm 2015. Đây là năm thứ ba liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.

Ông Phạm Viết Hương , Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nướ (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) dự báo, cơ hội làm việc cho những lao động xuất khẩu trong năm 2017 đang là rất lớn, đặc biệt là những người sở hữu chuyên môn cao.

Nhu cầu lao động có chuyên môn cao tại nhiều nước là rất lớn, điều quan trọng là phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng”, ông Hương cho biết.

Cuối năm 2016, Nhật Bản vừa thông qua một Luật mới tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các lao động nước ngoài, trong đó các Việt Nam. Trong đó, việc kéo dài thời hạn lưu trú cho các thực tập sinh đến 5 năm và mở rộng tiếp nhận nghề hộ lý điều dưỡng là điểm nhấn quan trọng trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số tại Nhật Bản cao và nhu cầu đối với nghề này đang là rất lớn.

Tương tự, trong năm 2016, Việt Nam đã có thỏa thuận với Đức liên quan đến vấn đề tuyển chọn đào tạo điều dưỡng sang làm việc trong các bệnh viện tại nước này. Năm 2017, cơ hội là rất rộng mở cho những lao động có chuyên môn trong lĩnh vực này.

Các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan… cũng hứa hẹn sẽ có nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam trong năm 2017./.

Ông Phạm Viết Hương , Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nướ (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)

Chuyên gia dự báo tuyển dụng nhân sự quản lý sẽ tăng mạnh

Bên cạnh những ngành mũi nhọn như sản xuất, ngân hàng, bán lẻ, vẫn luôn có nhu cầu tuyển nhân sự quản lý tăng liên tục, thì năm 2017 có thể có thêm một số lĩnh vực mới có nhu cầu tuyển dụng cao.

Bà Nguyễn Phương Mai, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc Điều hành của Công ty Navigos Search cho rằng ngành quảng cáo, thông có khả năng tăng trưởng mạnh sau một loạt những thương vụ mua bán và sát nhập được thực hiện trong năm 2016. Ngành bất động sản, công nghệ thông tin cũng sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2017.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Phương Mai thì mảng bảo hiểm phi nhân thọ cũng được dự báo tăng trưởng do các công ty trong ngành này đang giới thiệu nhiều sản phẩm mới trên thị trường, trong đó xuất hiện cả những sản phẩm chưa từng có tại thị trường Việt Nam và chưa từng có người Việt Nam nào có kinh nghiệm theo như yêu cầu tuyển dụng từ phía khách hàng.

“Nhưng cũng chính vì vậy, việc tuyển dụng trong mảng này sẽ có thêm nhiều thử thách mới mẻ. Những ứng viên tương đối phù hợp, có triển vọngtrong lĩnh vực này sẽ nhận được mức lương khá cao để tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị bảo hiểm,” bà Nguyễn Phương Mai chia sẻ.

Trong năm 2017, lao động Việt Nam sẽ phải cạnh trânh với các ứng viên người nước ngoài trong các vị trí giám đốc sáng tạo của các công ty quảng cáo, quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin./.

Bà Nguyễn Phương Mai, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc Điều hành của Công ty Navigos Search

Trái cây, tôm tiếp tục là ngành hàng sẽ nổi lên trong năm 2017

Tâm Nguyễn

Theo đánh giá của Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, năm 2017 doanh nghiệp và nông dân sẽ tiếp tục có hứng khởi đầu tư vào các lĩnh vực hiện đang có tiềm năng rất lớn về thị trường và có lãi cao như trái cây, tôm, điều.

“Đó là những ngành hàng có thị trường vẫn đang lên, vẫn có dư địa và tiềm năng, lợi nhuận rất lớn để phát triển trong năm 2017,” Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khẳng định.

Đặc biệt, Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng, điểm khởi sắc của ngành nông nghiệp trong năm 2017, không chỉ về mặt số lượng, giá trị mà về mặt chất lượng sẽ có những đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, có những đầu tư vào nông nghiệp sạch để tạo niềm tin cho người tiêu dùng có thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn.

“Có một mảng mà tôi nghĩ là các doanh nghiệp sẽ bắt đầu quan tâm đó là đầu tư vào chế biến tinh, chế biến sâu các sản phẩm nông lâm thủy sản để tạo giá trị mới và nâng đẳng cấp của nông nghiệp Việt Nam lên một tầm cao mới,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, trái cây là một ngành hàng rất có tiềm năng khi thu nhập người dân tăng lên thì họ chuyển sang dùng trái cây chất lượng nhiều hơn nên tiềm năng thị trưởng rất “mở.”

Mặt khác, Việt Nam được đánh giá là một nước có tiềm năng về trái cây với thời tiết bốn mùa ở các địa lý khác nhau nên rất đa dạng về trái cây. Do đó, trái cây sẽ là mặt hàng tiếp tục nổi lên trong thời gian tới.

“Bộ Nông nghiệp cũng đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2017 duy trì và tăng lên đạt khoảng 32,5-33 tỷ. Tôi nghĩ nếu vấn đề quan trọng nhất là thị trường thuận lợi thì hoàn toàn có thể tăng được với một số lĩnh vực mới mà chúng ta đang có tiềm năng như tôm, trái cây, điều, chè,” ông Tuấn nhấn mạnh./.

Vận chuyển cá ngừ đại dương từ tàu lên bờ. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

“Nóng ruột làm đường sắt cao tốc không khác gì nhà tranh đặt điều hòa”

Việt Hùng – Doãn Đức

Sau một thời gian phát triển “nóng” và tạo sức bật về hạ tầng giao thông, năm 2016 vừa qua có thể là một năm “chững lại” của Bộ Giao thông Vận tải khi rất ít dự án giao thông được đầu tư triển khai.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) dự báo, năm 2017, ngành giao thông phải tập trung phát triển hạ tầng giao thông đô thị để giảm ùn tắc, tái cơ cấu vận tải, chú trọng đến công tác quy hoạch đặc biệt là cân nhắc và xem xét kỹ việc đầu tư vào các tuyến đường cao tốc Bắc Nam và đường sắt cao tốc trong thời gian tới.

Theo ông Thủy, tại các đô thị, hạ tầng giao thông và giao thông công cộng phải phát triển với tốc độ nhanh hơn vì nếu không ùn tắc giao thông sẽ là vấn nạn cực kỳ nặng nề.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, ngành giao thông nên tập trung phát triển giao thông đường biển và đường thủy. Đường sắt Bắc-Nam hiệu quả thấp nên phải dùng xe container chuyên chở lớn “phá” đường bộ. Theo ông, chưa tính chi phí đường cao tốc quá đắt thì nên phát triển đường thủy Bắc-Nam, dùng những đoàn tàu nghìn tấn trở lên để chở hàng hóa sau đó đi đường ngang vào, tàu có thể đi thẳng vào sông Hậu, Cần Thơ từ đó hàng hóa đi thẳng ra biển và các hướng khác mà không phải trung chuyển qua cảng Sài Gòn…

Hệ thống đường cao tốc đã được mở rộng khắp mọi miền đất nước

Ngoài ra, lĩnh vực hàng không nâng cấp các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, xây dựng nhanh sân bay Long Thành. Đường bộ nên giảm bớt đường cao tốc, xây dựng đường thật cần thiết để tập trung cho giao thông đô thị.

Ông Thủy cũng nhìn nhận, ngành giao thông nên chú ý vấn đề quy hoạch đồng thời ông cũng đặt ra câu hỏi có nên vội vàng làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam hay không vì tốn 56 tỷ USD tức là bằng cả nền kinh tế?

“Đường sắt cao tốc nên trình Chính phủ vào năm 2030 và đến năm 2040-2050 triển khai. Đường sắt cao tốc là ‘một giấc mơ’ chưa nên làm. Trong thời gian này, nên nâng cấp đường sắt Bắc-Nam từ khổ 1.000mm lên thành 1.435mm, đường đơn thành đường đôi và chi phí rơi vào khoảng 10-12 tỷ USD sẽ đạt lưu tốc đoàn tàu 100-120km/giờ, năng lực vận tải tăng gấp 2-3 lần. Nếu chúng ta quá nóng ruột làm đường sắt cao tốc thì chả khác gì ‘nhà tranh nhưng đặt điều hòa’,” ông Thủy bày tỏ quan điểm.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) 

Đặc biệt, ông Thủy cũng cảnh báo lưu ý kỹ về dự án đường cao tốc Bắc-Nam khi triển khai thêm nữa thì quá nhiều vì trục Bắc-Nam hiện có 5 tuyến là đường biển – vốn là giấc mơ của các nước để giảm bớt đường bộ, nâng cao hiệu quả vận tải, đường sắt Bắc-Nam, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1.

“Tất nhiên đầu tư càng nhiều hạ tầng giao thông thì càng tốt nhưng trong điều kiện những cái khác cần hơn thì nên điều chỉnh cho hợp lý và nâng cao hiệu quả,” ông Thủy nói.

Đề cập về nguồn vốn “rót” vào ngành giao thông, theo ông Thủy, một số quốc gia vẫn muốn đầu tư vào nước ta làm đường cao tốc hay những công trình cần thiết nhưng cái quan trọng công tác quy hoạch phải thật hợp lý để nguồn vốn nhà đầu tư nước ngoài vào nhanh gọn, không như nguồn đầu tư từ Trung Quốc ở một số dự án gây nhiều khó khăn như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông thi công kéo dài, xảy ra nhiều sự cố và gây bức xúc và giảm lòng tin của nhân dân.

“Đầu tư xã hội hóa nguồn lực vẫn còn bởi nhà đầu tư vẫn đang tập trung nhiều vào các dự án bất động sản. Vậy tại sao không kéo nguồn vốn này qua giao thông? Chẳng qua là không có chính sách. Nếu có chính sách hợp lý thì thu hút được nhiều vốn của xã hội hóa vào các dự án giao thông,” vị chuyên gia này khẳng định./.

Đường sắt đang đương đầu với những thách thức lớn từ các loại hình giao thông khác

Các cuộc tấn công mạng có chủ đích sẽ tiếp tục nóng trong năm 2017

Trung Hiền

Năm 2016 đã chứng kiến nhiều cuộc tấn công mạng nhắm vào hạ tầng công nghệ tại Việt Nam. Thống kê của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam cho thấy, đã có 134.375 sự cố tấn công mạng của cả 3 loại hình Phishing (lừa đảo), Malware (mã độc) và Deface (tấn công thay đổi giao diện).

Nếu đem so sánh với 2015, số lượng vụ tấn công mạng gấp hơn 4,2 lần (năm 2015 là 31.585 sự cố tấn công mạng).

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, một số chuyên gia cho biết năm 2017, tình hình an ninh mạng vẫn khá phức tạp.

Xu hướng IoT là tất yếu, mỗi một thiết bị trong gia đình như tivi, tủ lạnh hay thiết bị kết nối Wi-Fi… Trong trường hợp các thiết bị này có lỗ hổng, có phần mềm độc hại thì các thiết bị đó sẽ là gián điệp nằm vùng sẵn trong hệ thống của mỗi gia đình.  

Cụ thể, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, năm 2017 có một số xu hướng tấn công mạng đáng lưu ý.

Thứ nhất, các cuộc tấn công có chủ đích vào những hệ thống thông tin quan trọng sẽ tiếp tục là vấn đề nóng trong năm 2017. Đặc biệt là một số hệ thống liên quan đến lĩnh vực hạ tầng giao thông, tài chính ngân hàng và một số hệ thống điều khiển.

Thứ hai, nguy cơ mất an toàn thông tin đến từ các thiết bị IoT (Internet of Things) tiếp tục gia tăng.

Chúng ta đã từng chứng kiến những cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) huy động được sự tham gia của các thiết bị IoT phổ biến tại Việt Nam như camera giám sát an ninh gây ra vấn đề lớn cho các cơ quan, tổ chức.

Hiện, xu hướng IoT là tất yếu, mỗi một thiết bị trong gia đình như tivi, tủ lạnh hay thiết bị kết nối Wi-Fi… Trong trường hợp các thiết bị này có lỗ hổng, có phần mềm độc hại thì các thiết bị đó sẽ là gián điệp nằm vùng sẵn trong hệ thống của mỗi gia đình.

Thứ ba, việc lừa đảo, giả mạo để trục lợi thông qua mạng xã hội, đặc biệt là vấn đề lộ lọt thông tin cá nhân tiếp tục là vấn đề nóng./.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông). 

Năm 2017: Thị trường sách điện tử sẽ có bước đột phá vào cuối năm

Theo ông Trần Trọng Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Vinapo và là đơn vị nghiên cứu phát triển sách điện tử Alezaa, sau khoảng sáu năm phát triển đi lên, trong giai đoạn từ năm 2015 tới nay, thị trường sách điện tử (cả trên thế giới và ở Việt Nam) đang đi ngang.

Phân tích nguyên nhân của diễn biến này, ông Trần Trọng Thành cho rằng, sự phát triển của thị trường này phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của công nghệ (cả phần cứng và phần mềm). Tuy nhiên, trong hai năm vừa qua, công nghệ chưa có bước phát triển vượt trội, đặc biệt là phần cứng.

”Với việc ra mắt của một phần mềm mới hỗ trợ việc sử dụng sách điện tử (do người Việt Nam tạo ra) trong nửa đầu năm 2017, tôi kỳ vọng, thị trường sách điện tử Việt Nam sẽ có bước đột phá trong nửa cuối năm 2017,” ông Trần Trọng Thành nói.

Nhìn lại thị trường sách điện tử trong năm 2016, ông Thành cho biết, bên cạnh hai dòng sách có số lượng độc giả lớn từ những năm trước (sách kinh tế và sách phát triển bản thân), sách nuôi dạy con trở thành dòng sách “hot,” thu hút lượng lớn độc giả (trong độ tuổi từ 25-40 tuổi).

(Nguồn: Getty)

“Trong khoảng 5 năm trở lại đây, sách nuôi dạy con được phát hành khá nhiều ở Việt Nam. Trước đó, ở Việt Nam có rất ít đầu sách thuộc dòng này, trong khi ở các nước phát triển, đây là dòng sách được đầu tư rất mạnh. Tôi cho rằng, trong năm 2017, dòng sách này không những sẽ được dịch nhiều hơn ở Việt Nam mà còn có nhiều tác giả người Việt viết những cuốn sách nuôi dạy con,” ông Trần Trọng Thành nhận định.

Trong năm qua, có những cuốn sách về chủ đề nuôi dạy con của các tác giả Việt Nam đã thực sự gây “sốt” (ví dụ như cuốn “Con nghĩ đi, mẹ không biết” – Thu Hà). Ông Thành cho rằng, sách của các tác giả Việt Nam thu hút độc giả bởi nội dung cuốn sách giải quyết được những vấn đề của thực tế việc nuôi dạy con ở Việt Nam hiện nay: học sinh Việt Nam đi học thêm nhiều, trẻ bị điểm kém thì bố mẹ nên phản ứng và xử lý thế nào?

“Trong khi đó, ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước phương Tây, cha mẹ không quan tâm nhiều đến điểm số của con ở trường học. Điều họ quan tâm hơn là: con thích gì? Con chơi thế nào? Còn ở Việt Nam, phần lớn phụ huynh vẫn đặt nặng vấn đề con xếp thứ tự bao nhiêu ở lớp, con có được học sinh giỏi không, con được mấy điểm…,” ông Thành phân tích./.

Ông Trần Trọng Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Vinapo

Dành 15 triệu USD cho quảng bá xúc tiến du lịch 2017

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, trong năm 2017, với những nguồn lực đầu tư từ Chương trình hành động quốc gia và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, chúng ta có khoảng hơn 3 triệu USD.

Và nếu huy động thêm từ các nguồn hợp tác công-tư, các nguồn xã hội hóa và các nguồn khác thì chúng ta phấn đấu có con số khoảng 15 triệu USD, để rồi từ đó phục vụ toàn diện cho quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam.

Theo ông Chung, dự báo trong năm 2017 các con số tăng trưởng của ngành không có quá nhiều đột biến, mà vẫn đi theo lộ trình tăng trưởng đều.

Các thị trường trọng điểm được xác định tập trung quảng bá là thị trường khách châu Âu, Đông Bắc Á (bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Những chính sách áp dụng với các thị trường này như sau: Thứ nhất, tiếp tục miễn visa đơn phương cho các nước châu Âu cũng như thực hiện chính sách e-visa tại cửa khẩu đối với các quốc gia được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm từ ngày 1/2/2017, nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận tiện cho khách đến Việt Nam.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến thông qua giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng, cũng như tham gia với quy mô lớn hơn, đầu tư có chiều sâu hơn tại các hội chợ du lịch quốc tế. Qua đó, giới thiệu sản phẩm du lịch Việt Nam chất lượng, đặc sắc, điểm đến Việt Nam thân thiện, hấp dẫn du khách.

Thứ ba, thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch độc đáo để lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới, góp phần nâng cao sức hấp dẫn của du lịch Việt đến các thị trường trọng điểm và thu hút khách đến với Việt Nam./.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải đặt rất nhiều niềm tin vào U23 Việt Nam và U20 Việt Nam trước thềm các giải đấu lớn trong năm 2017 của bóng đá Việt Nam.

Ông Hải tin rằng với lực lượng rất mạnh, U23 Việt Nam sẽ dễ dàng vượt qua vòng bảng và có thể mơ về tấm huy chương vàng SEA Games.

Giải đấu tại Malaysia 2017 là giải đấu được kỳ vọng lớn của bóng đá Việt Nam khi lứa cầu thủ Xuân Trường, Văn Thanh đang vào độ chín còn Công Phượng, Tuấn Anh vẫn thể hiện tiềm năng lớn.

Đây cũng là cơ hội vàng để bóng đá Việt Nam giải cơn khát vàng ở sân chơi khu vực.

Đó cũng là cơ hội vàng để bóng đá Việt Nam giải cơn khát vàng ở sân chơi khu vực. Cựu danh thủ Thể Công nhấn mạnh: “Với tình hình này, tôi nghĩ chúng ta không thể bị loại từ vòng bảng.”

Bên cạnh SEA Games, bóng đá Việt Nam còn một nhiệm vụ khó khăn gấp bội là U20 World Cup. Đây là giải đấu thế giới đầu tiên trong lịch sử của bóng đá (11 người) Việt Nam.

Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải nhận định về bóng đá Việt Nam năm 2017.

Ông Hải phân tích: “Bất kỳ đội tuyển nào giành vé dự U20 World Cup thì đó đều là niềm tự hào của quốc gia đó. Chúng ta phải cố gắng làm sao để thể hiện được trình độ của mình với thế giới, phải thể hiện rằng chúng ta có vé vào chung kết là may mắn chứ không phải không xứng đáng. Chúng ta không nên đặt ra chỉ tiêu nhưng có một chỉ tiêu chung mà tất cả đều hiểu là phải thi đấu hết sức mình”.

Bên cạnh đó, chuyên gia người Hà Nội cũng dành những lời khen ngợi và kỳ vọng cho bộ ba cầu thủ trẻ Xuân Trường, Văn Thanh, Quang Hải. Đó là những cầu thủ có thể tạo bước đột phá và chuyên môn và mang tới thành công cho bóng đá Việt Nam trong năm 2017.

2 / 10

Thời tiết 2017: Xuất hiện bão rớt, mưa trái mùa và dông lốc nhiều hơn

Hùng Võ

Khép lại một năm bất thường về thời tiết, cả nước đã phải hứng chịu những đợt băng tuyết trái mùa; hạn hán, ngập mặn và biển xâm thực khoét sâu vào đất liền; gần đây là lũ lụt hoành hành ở miền Trung, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế-xã hội.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm là: Liệu kịch bản thời tiết, khí hậu bất thường và khốc liệt trên có tiếp tục lặp lại trong năm 2017?

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định: Trong sáu tháng đầu năm 2017, thời tiết trên cả nước sẽ ôn hòa hơn, song những cơn bão rớt của năm 2016 thì vẫn còn.

Ngay trong tháng Giêng này, vẫn có thể xuất hiện bão, hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, và có thể ảnh hưởng đến ngoài khơi Trường Sa và Hoàng Sa.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định năm 2017 sẽ xuất hiện bão rớt, mưa trái mùa và dông lốc nhiều hơn.

Năm Đinh Dậu 2017 cũng được dự báo là một năm thiên ấm, nhưng có thể xuất hiện các hình thái trái mùa. Ví dụ, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, năm nay có thể có xuất hiện mưa trái mùa và các trận dông lốc nhiều hơn.

Đặc biệt là mùa Xuân ở Bắc Bộ, mưa rào kèm theo dông lốc, mưa đá có khả năng sẽ xuất hiện nhiều hơn. Rét đậm vẫn tiếp tục xảy ra ở nửa cuối tháng Giêng và nửa đầu tháng Hai. Tuy nhiên, các đợt rét đậm sẽ ngắn ngày, không kéo dài. Tình hình vẫn còn tiếp tục phải theo dõi.

Trong mùa mưa bão, các đợt mưa, bão sẽ diễn ra đúng chu kỳ với số lượng ở mức trung bình. Tức là sẽ có khoảng 10-12 cơn bão xuất hiện ở trên biển Đông, một nửa số đó sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Mùa mưa bão năm nay ở Bắc Bộ sẽ xuất hiện vào tháng Bảy, tháng Tám. Tây Nguyên và Nam Bộ diễn ra vào tháng Năm và sẽ kết thúc vào khoảng tháng Mười. Khu vực Trung Bộ tiếp tục mưa nhưng ít có khả năng xuất hiện các đợt mưa kéo dài đến cuối năm./.

Nông dân thẫn thờ nhìn những bông lúa chết khô vì thiếu nước. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Exit mobile version