George Michael

Một ngày tháng Tư năm 1985, những người yêu âm nhạc tại Trung Quốc được đón nhận một món quà bất ngờ. Sau một thời gian dài đóng cửa với nền văn hóa phương Tây, các quan chức phụ trách văn hóa của đại lục đã đồng ý mở cửa cho nghệ sĩ nước ngoài tới biểu diễn. Ban nhạc có vinh dự đi vào lịch sử đó là Wham!, với hai thành viên George Michael và Andrew Ridgeley.

Nữ phát thanh viên nổi tiếng của Trung Quốc một thời là Hạm Lệ Quân đã được giao trọng trách MC tại buổi biểu diễn tại Bắc Kinh. Cho đến giờ, bà vẫn nhớ như in đêm biểu diễn ấy: “Chưa ai được thưởng thức thứ âm nhạc như vậy trước đó. Các ca sĩ liên tục di chuyển trong âm thanh ồn ã, trong khi chúng tôi vốn chỉ quen với những nghệ sĩ đứng yên một chỗ biểu diễn. Những thanh niên bị choáng ngợp và tất cả đều đưa chân nhún nhảy theo điệu nhạc. Những người duy nhất không hài lòng là cảnh sát bởi họ e sợ rằng sẽ có nổi loạn.”

Vượt qua những ban nhạc đình đám cùng thời khác là Queen và the Rolling Stones, Wham! đã trở thành nghệ sĩ phương Tây đầu tiên được biểu diễn tại Trung Quốc. Ở thời điểm đó, Wham! đang khao khát chứng minh vị trí số một trong làng pop thế giới và hai đêm diễn tại Bắc Kinh cùng Quảng Châu là minh chứng không thể hùng hồn hơn cho tầm vóc của ban nhạc này.

Hai thành viên của Wham! tại Vạn Lý Trường Thành năm 1985 khi trở thành những nghệ sĩ phương Tây đầu tiên đến biểu diễn tại Trung Quốc sau thời mở cửa (Nguồn: Sun)

Một năm sau đêm diễn mang tính “cách mạng” kể trên, Wham! chính thức tan rã. Nhưng trong khi Andrew Ridgeley ngày càng chìm dần thì George Michael lại thăng hoa để trở thành siêu sao hàng đầu của làng nhạc nước Anh trong giai đoạn cuối thập niên 1980.

Song bất chấp những thành công trong sự nghiệp, cuộc đời của George Michael lại đầy những nỗi buồn mà anh nhiều lần tự nhận “là do bản thân tôi ngốc nghếch tự tạo ra”. Để rồi chỉ một ngày sau lễ Giáng Sinh mà khắp nơi trên thế giới ca khúc “Last Christmas” được vang lên với giọng ca mượt như nhung của Michael, ngôi sao này đã vĩnh viễn từ giã cõi đời ở tuổi 53.

“Make George Big”

Georgios Kyriacos Panayiotou là tên thật của George Michael. Anh chào đời tại London năm 1963 trong một gia đình có cha là người gốc Hy Lạp. Khi còn đi học tại trường Bushey Meads, Michael đã gặp và chơi thân với Andrew Ridgeley – người sẽ trở thành một nửa còn lại của Wham! sau này. Hai người dù khác nhau nhiều về tính cách nhưng lại cùng chung niềm đam mê âm nhạc. Điều này dẫn tới sự ra đời của Wham! vào năm 1981, sau khi ban nhạc The Executive mà bộ đôi này hợp tác cùng ba người nữa tan rã.

Album đầu tiên của nhóm mang tên “Fantastic” đã dành được ngôi đầu bảng xếp hạng các album bán chạy nhất tại vương quốc Anh. Song phải tới album thứ hai mang tên “Make It Big” với phong cách pop, post-disco thì Wham! mới thực sự tạo ra được “một vụ nổ” như cái tên của nhóm. Album nhạc này gây sốt với các bản nhạc ăn khách như “Careless Whisper”, “Everything She Wants” hay “Wake Me Up Before You Go Go” … và nhanh chóng đẩy tên tuổi Wham! lên vị trí hạng A trong làng giải trí. “Make It Big” bán được 6 triệu bản chỉ tính riêng tại Mỹ đồng thời là album bán chạy nhất tại 25 nước (bao gồm cả Mỹ và Anh).

MV Careless Whisper của George Michael

Tuy nhiên, album này còn có một điểm nhấn khác là việc nhà sản xuất của nó chính là George Michael. Nghệ sĩ tài ba này cho thấy anh không chỉ có một giọng hát đẹp mà còn xuất chúng trong việc sáng tác khi tự mình đảm nhiệm vai trò viết và soạn nhạc cho tất cả các ca khúc. Tiêu biểu trong đó là bản hit kinh điển “Careless Whisper” – đĩa đơn solo đầu tiên của George Michael khi vẫn đang là thành viên của Wham! Đã có hơn sáu triệu bản đĩa đơn của “Careless Whisper” được tiêu thụ và ngay từ lúc này, người ta đã nhìn thấy ở George Michael tiềm năng để trở thành một siêu sao nếu một ngày Wham! tan rã.

Điều đó tới sau album thứ ba mang tên “The Final” và một buổi diễn chật cứng người tại sân vận động Wembley vào năm 1986. Sau khi làm nên lịch sử, hai thành viên của Wham! đã đường ai nấy đi. Chỉ một năm sau, Michael đã cho thấy những điều người ta từng tiên liệu về anh khi tách ra solo là hoàn toàn chuẩn xác. Album đầu tiên kể từ khi tách nhóm của Michael mang tên “Faith” đã bán được tới hơn 20 triệu bản trên toàn cầu và cho ra đời những ca khúc quen thuộc như “Faith”, “Father Figure” hay “One More Try” … Hình ảnh George Michael trong chiếc quần bò Levi’s, mặc áo khoác da và deo kính đen là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của âm nhạc giai đoạn cuối thập niên 1980s.

Những album sau này bao gồm “Listen Without Prejuidice Vol. 1” (1990), “Older” (1996), “Song from the Last Century” (1999), “Patience” (2004) và “Symphonica” (2014) đều mang về cho George Michael những thành công nhất định. Anh không chỉ giỏi sáng tác và truyền cảm xúc da diết vào từng câu chữ mà còn có khả năng biến ca khúc của người khác thành của mình. Tiêu biểu là những bản cover “I Can’t Make You Love Me” hay “Don’t Let The Sun Go Down On Me” của Michael đều được nhiều người nhận xét là hay và truyền cảm hơn so với bản gốc. Ở thời đỉnh cao khi mà dây thanh quản chưa bị tàn phá do những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, những màn trình diễn trực tiếp của anh chẳng hề thua kém bản ghi trong phòng thu là bao và thậm chí còn vượt trội hơn về mặt cảm xúc.

George Michael cùng các huyền thoại  Bono, Paul McCartney, Bob Geldof và Freddie Mercury trên sân khấu Live Aid ở London năm 1985 (Nguồn: AP)

Muốn biết George Michael tài năng đến nhường nào, người hâm mộ có thể tìm xem lại đoạn video được đính kèm trong đĩa DVD ghi lại buổi hòa nhạc tưởng niệm Freddie Mercury (cựu thành viên nhóm Queen đã qua đời do bệnh AIDS vào năm 1991). Video ghi lại buổi tập dượt trước khi trình diễn của George Michael cùng những thành viên còn lại của Queen. Michael đảm nhiệm vị trí hát chính mà Freddie Mercury từng nắm giữ và hát ca khúc “Somebody to Love” với tất cả cảm xúc của mình.

Trong số những “khán giả” lặng yên đi vì sự xuất chúng của Michael ở trên sân tập có hai ca sĩ nổi tiếng là David Bowie và Seal. Khi nhớ lại đêm diễn tưởng nhớ Freddie Mercury ấy, tay guitar Brian May của Queen đã phải trầm trồ: “George Michael là số một. Giọng hát của anh ấy khi thể hiện ‘Somebody to Love’ đã chạm được tới một nốt đúng y chang Freddie”.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà khi George Michael qua đời, nhiều tờ báo của Anh như The Guardian, Daily Mail hay BBC đều gọi anh là “ngôi sao pop số một của Anh quốc thập niên 1980s”. Michael đã khẳng định vị thế vững như bàn thạch của mình trong lịch sử âm nhạc xứ sương mù với bảng thành tích ấn tượng: có hơn 100 đĩa được bán ra trên toàn cầu, có bảy đĩa đơn số một tại Anh và tám đĩa đơn đứng đầu bảng Billboard tại Mỹ, nhận hai giải Grammy, ba giải Brit Awards, bốn giải MTV Video Music Awards … Trong một cuộc bầu chọn, tạp chí Billboard đã xếp George Michael ở vị trí thứ 40 trong danh sách “Những nghệ sĩ thành công nhất mọi thời đại”.

Trái tim đa cảm

Vào năm 1998, trái tim nhiều người hâm mộ nữ của George Michael đã tan nát khi ngôi sao này chính thức thừa nhận mình là người đồng tính. Những dấu hiệu này đã được thể hiện trước đó qua nhiều lời đồn và cả những sáng tác nhuốm màu nhục dục của anh. Song chỉ đến khi Michael chính thức lên tiếng thì những người hâm mộ mới chịu tin.

Ngay từ thời còn là thanh niên, anh đã chia sẻ với người bạn Ridgeley rằng mình là người lưỡng tính, song anh không dám nói điều này với bố mẹ bởi những định kiến thời bấy giờ. Đến khi đã ngoài 40, anh mới tiếc nuối: “Tôi có lẽ đã là một người hạnh phúc nếu tôi sống thật với giới tính từ năm 19 tuổi”.

George Michael và bạn trai Kenny Goss năm 2004. Mãi đến những năm sau này anh mới công khai giới tính cũng như mối quan hệ của mình (Nguồn: PA)

Đến khi gia nhập làng giải trí, George Michael càng phải sống khép kín bởi lo sợ những thông tin về giới tính sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp. Anh đã qua đêm với nhiều fan nữ song thừa nhận mình “biết rằng nó sẽ chẳng thể nào tiến lên thành một mối quan hệ nghiêm túc bởi sâu thẳm trong tim, tôi biết mình là một người đồng tính và không muốn lợi dụng họ”. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1999, Michael chia sẻ: “Tôi từng có lúc nghĩ mình đã yêu một người phụ nữ, nhưng chỉ đến khi yêu một người đàn ông, tôi mới hiểu rằng những xúc cảm trước đây không phải là tình yêu”.

Việc là người đồng tính và sống thật với bản thân mình không hề sai trái, song nhiều bi kịch cuộc đời của George Michael lại phát sinh từ đây. Những khán giả yêu thích George Michael đều biết rằng mỗi khi trình diễn ca khúc “Jesus to a Child”, anh đều nhắc về người quá cố Anselmo Feleppa. Đây là một nhà thiết kế người Brazil mà Michael đã gặp và đem lòng yêu sau một buổi hòa nhạc tại Rio năm 1991. Chỉ sáu tháng sau khi bắt đầu mối quan hệ, Feleppa đã phát hiện mình bị HIV và tới năm 1993, anh đã vĩnh viễn ra đi.

Cái chết của người bạn trai đã để lại khoảng trống mênh mông trong tim của George Michael. Anh hoang mang vì lo sợ mình dính AIDS, không dám thú nhận với gia đình bởi sợ bị xa lánh và trên tất cả, anh đã mất đi một người tri kỷ. Trong suốt 18 tháng đầu tiên, George Michael sống trong nỗi buồn và không thể sáng tác thêm một ca khúc nào. Cho đến một ngày khi anh quyết tâm vượt qua nỗi đau, anh đã sáng tác “Jesus to a Child”.

Trái tim của George Michael đã được nguôi ngoai phần nào khi anh bắt đầu mối quan hệ với cựu tiếp viên hàng không Kenny Goss vào năm 1996. Song Michael lại có xu hướng đam mê những cuộc tình chớp nhoáng và điều này dẫn tới việc anh bị bắt do có “hành vi dâm ô” trong nhà vệ sinh với một cảnh sát chìm vào năm 1998.

Cùng là những nghệ sĩ đồng tính, song cuộc đời của George Michael không bằng phẳng như đàn anh Elton John. Trong ảnh là cảnh hai người dự lễ tang “bông hồng nước Anh”, công nương Diana năm 1997 (Nguồn: AFP)

Viên cảnh sát Marcelo Rodriguez đã cải trang thành người thường để gạ gẫm Michael và ngôi sao này đã mắc bẫy. Kết quả là Michael bị phạt 810 USD và phải lao động công ích 80 tiếng đồng hồ. Để đáp trả lại cái bẫy kể trên, George Michael đã cho ra mắt video ca nhạc “Outside” trong đó có những hình ảnh chế giễu cảnh sát. Vào năm 2006, George Michael lại một lần nữa bị buộc tội về việc quan hệ tình dục tại nơi công cộng, lần này là với một tài xế 58 tuổi.

Không chỉ gặp rắc rối với sở thích tình dục, George Michael còn có cuộc sống phóng túng và từng bị bắt do sở hữu chất cấm vào năm 2006. Vào năm 2010, anh đã bị tòa tuyên phạt cấm năm năm không được lái xe do điều khiển phương tiện khi đang sử dụng chất kích thích. Khi nói về những scandal này, George Michael đã phải ngao ngán: “Tất cả đều là lỗi của tôi, như thường lệ”.

Để xua đi nỗi cô đơn, sự mất mát và nhiều cái giá phải trả cho sự nổi tiếng, George Michael đã đắm mình trong rượu và cần sa. Hệ quả là sức khỏe của anh ngày một suy sụp, tới mức anh từng phải hủy phần lớn chuyến lưu diễn vào năm 2011 do bị viêm phổi. Một người thân của George Michael từng chia sẻ với báo giới vào năm 2015: “Cậu ấy liên tục hút thuốc phiện. Trước khi đi cai nghiện. cậu ấy phải liên tục dùng chất gây nghiện nếu không muốn cơ thể bị co giật. Có những bữa tiệc mà cậu ấy dùng thuốc để rồi ngã gục và được mọi người nâng lên từ dưới sàn nhà trong đống nôn mửa. George đã rất gầy và ốm yếu.”

“Cậu ấy dùng đủ mọi thứ: từ rượu, cần sa cho tới cocaine. Mọi thứ ngày càng tệ hơn, với chỉ hai con đường: một là nhà tù và hai là chết. Tôi e sợ rằng cậu ấy sẽ chết sớm”. Một năm sau, lời cảnh báo đó đã trở thành sự thật.

Vĩ thanh

Một ngày kể từ sau cái chết của George Michael, lượng tải các ca khúc của ông được tăng đột biến. Một quản lý của Spotify cho biết trong ngày 26/12, lượng tải nhạc số các ca khúc của George Michael đã tăng tới 3.158% so với ngày này của tuần trước. Người hâm mộ tìm lại những bài hát kinh điển như “Last Christmas”, “Faith”, “Careless Whisper”, “Wake Me Up Before You Go-Go” … để tưởng nhớ lại danh ca tài năng này. Họ xót xa bởi “Last Christmas” đã từ “Mùa Giáng sinh trước” trở thành “Mùa Giáng sinh cuối cùng”, và đôi chân của Michael sẽ chẳng bao giờ nhảy nữa như lời hát “Careless Whisper”.

MV Last Christmas như vận vào chính cuộc đời của George Michael

Những câu chuyện xúc động về sự hào phóng của George Michael cũng được chia sẻ. Ngay từ khi còn là thành viên của Wham!, Michael đã góp giọng trong ca khúc từ thiện “Do They Know It’s Christmas?” (1994) để dành tiền cho vùng đất Ethiopia nghèo khó. Xuyên suốt sự nghiệp, Michael thường xuyên tham gia các buổi hòa nhạc từ thiện, nhưng chỉ đến khi anh qua đời thì nhiều đóng góp thầm lặng của ngôi sao này mới được hé lộ. Tổ chức Childline cho biết trong suốt nhiều năm liền, George Michael đã âm thầm đóng góp hàng triệu USD cho dịch vụ tư vấn cho thanh, thiếu niên dưới 19 tuổi tại Anh này. Quỹ ung thư Macmillan cũng lên tiếng cho biết sự hào phóng của Michael với tổ chức này trong nhiều năm và anh luôn giữ kín danh tính.

Một câu chuyện xúc động khác được một nhà sản xuất truyền hình chia sẻ trên Twitter là sau khi xem một chương trình mang tên “Deal or No Deal”, George Michael đã bị xúc động trước hoàn cảnh của một người phụ nữ cần tiền để phẫu thuật. Anh đã gọi điện tới nhà sản xuất để nhờ chuyển giúp khoản tiền 15 ngàn USD và đề nghị không được tiết lộ cho người phụ nữ đó về thân phận của anh.

Những bi kịch của cuộc đời George Michael “đều do anh gây ra” như anh tự thừa nhận và anh cũng đã phải gánh chịu những hệ quả. Còn khi tưởng nhớ về ngôi sao này, người hâm mộ sẽ nhìn vào di sản âm nhạc và những màn trình diễn xuất sắc của anh. Giây phút thăng hoa của sự nghiệp George Michael là khoảnh khắc anh bùng nổ trên sân khấu Wembley để hát vang ca khúc “Somebody to Love” trong đêm nhạc tưởng nhớ Freddie Mercury. Xin mượn lời của Brian May để kết thúc bài viết này: “Hãy yên nghỉ nhé chàng trai tài năng. Có lẽ giờ này cậu ấy đang hát vang cùng Freddie và những thiên thần”.

Quá nhiều cám dỗ và thách thức bủa vây George Michael (Nguồn: Rex)
Exit mobile version