Cô bé “chân voi” ở Tây Nguyên

Lời Tòa soạn

Ngay từ khi sinh ra, cô bé Nguyễn Thị Loan (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã phải mang trong mình căn bệnh khác thường. Phần chân trái của em cứ dần phình to ra, có lúc phát triển bằng nửa trọng lượng của cả cơ thể. Ròng rã suốt gần chục năm trời, bố mẹ em đã bán bằng hết những gì có, để mong tìm ra hy vọng.

May mắn đã đến với Loan khi được em được một doanh nghiệp Đài Loan hỗ trợ và đài thọ toàn bộ chi phí để đưa Loan “xuất ngoại” chữa trị bệnh. Với sự chung tay của những tấm lòng nhân ái, cô bé nhỏ thó vùng Tây Nguyên ấy đã và đang có một hành trình đứng lên phi thường và đầy nghị lực.

Tuổi thơ không lành lặn

Nguyễn Thị Loan là con thứ hai của một gia đình tại Tân Văn, một xã vùng sâu vùng xa của tỉnh Lâm Đồng. Ngay từ khi còn là thai nhi, Loan đã được các bác sỹ phát hiện phần chân trái phát triển dị thường, to gấp nhiều lần phía còn lại.

Ngày em chào đời, niềm vui chưa kịp vỡ òa thì nỗi lo đã vội ập tới. Cô bé Loan, từ lúc đỏ hỏn, đã bắt đầu hành trình chống lại căn bệnh quái ác. Hai mươi ngày tuổi, Loan nhập viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh. Chân trái mỗi lúc lại phình to hơn, da căng cứng khiến bé đau đớn khóc cả ngày.

Bé Nguyễn Thị Loan khi phải chung sống với cái ‘chân voi’ sần sùi, đau đớn. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Mẹ bé, chị Nguyễn Thị Tám cùng chồng phải bán mọi thứ có thể bán trong nhà, gồng gánh nhau xuống Sài Gòn. Ban đầu là đồ đạc, dần dần căn nhà, rồi mảnh đất nhỏ tại xã xa xôi Tân Văn cũng lần lượt rủ nhau ra đi. Chị Tám lại phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để có tiền chữa trị cho con. Nhưng bệnh tình của Loan thì không có dấu hiệu thuyên giảm. Đến năm bé Loan được 3 tuổi, khối u phát triển đột biến khiến chân trái lớn gấp 6-7 lần chân phải bình thường. Cái chân voi như một khối thịt khổng lồ khiến bé đau đớn, không thể đi lại.

Chỉ đến năm 2012, khi Loan 8 tuổi, chân trái của em đã nặng tới… 15kg, trong khi cả cơ thể chỉ có 25kg. Tuổi thơ của cô bé gắn chặt với giường bệnh, bác sỹ, mùi cồn nôn nao và cả những cơn đau dữ dội.

Ước mơ được chạy nhảy, được thong thả đi bộ trên đường… hoàn toàn xa vời với bé. Ngoài những lúc ở bệnh viện, Loan tự ti, chỉ ở nhà không dám ra đường vì sợ mọi người trêu chọc.

Các bác sĩ trong nước chẩn đoán bé mắc chứng ung thư máu lan tỏa hiếm gặp khiến chân to bất thường, cần có phương tiện điều trị kỹ thuật cao mà các cơ sở trong nước hiện chưa đáp ứng được.

Đến lúc này, mẹ bé gần như suy sụp. Nhà cửa, ruộng vườn… Tất cả đã không còn gì nữa.

Xuất ngoại

Đúng khi hy vọng tưởng chừng như đã tắt ngóm thì phép màu đã xảy ra. Trong một dịp đoàn công tác của Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan đến thăm bệnh viện Nhi Đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh, trường hợp của Loan đã được biết đến.

Cảm động trước nghị lực của cô bé, tổ chức này đã đứng ra làm cầu nối, cùng với Tập đoàn Công nghiệp Hồng Phúc, một doanh nghiệp Đài Loan đã đầu tư nhiều năm tại Việt Nam giúp đỡ em sang điều trị theo chương trình nhân đạo y tế.

Tháng 6/2012, cô bé “không thể chạy” Nguyễn Thị Loan lại lần đầu tiên được xuất ngoại bằng đường hàng không. Sáu tháng điều trị bên Đài Loan, bé Loan đã trải qua 8 cuộc phẫu thuật. Khối thịt thừa hơn 15kg ở chân bé tạm thời được cắt bỏ, bộ phận sinh dục cũng được phẫu thuật để trở lại bình thường.

Bé Nguyễn Thị Loan đã có thể đi lại trên chính đôi chân của mình. (Ảnh: Báo Đài Loan)

Tuy nhiên, trải qua thời gian, căn bệnh quái ác vẫn chưa buông tha Loan. Chân trái em tiếp tục sưng to, khối u không có dấu hiệu dừng lại. Với quyết tâm chữa bằng được cho cô bé, một lần nữa, Tập đoàn Hồng Phúc cùng các đối tác Đài Loan lại đưa Loan “xuất ngoại”.

Hiện, Loan đang được điều trị tại Trung tâm y học Quốc tế Hồng Cơ. Theo báo chí Đài Loan, cô bé đã hoàn thành 3 đợt trị liệu. Bác sỹ Trần Hồng Cơ, Viện trưởng Trung tâm y học Quốc tế Hồng Cơ cho hay: Việc điều trị sẽ được duy trì trong vòng 6 tháng nhằm loại bỏ những vùng tổn thương rộng trên chân trái, đồng thời giúp Loan nhanh chóng ổn định sức khỏe và đi lại bình thường. Toàn bộ chi phí toàn bộ cho việc chữa bệnh, ăn ở được tập đoàn Hồng Phúc đài thọ lên tới 2,5 triệu Đài tệ (17,7 tỷ đồng).

Hiện tại tập đoàn Hồng Phúc cũng đã lên kế hoạch mở quỹ viện trợ các em thiếu nhi mắc bệnh hiểm nghèo, hy vọng có thể mang lại niềm vui và hạnh phúc cho những trường hợp không may mắn như Loan.

Với sự giúp sức từ những tấm lòng đến từ Đài Loan, cô bé Loan vẫn không ngừng chiến đấu kiên cường, để một ngày có thể thực sự đứng lên và chạy nhảy trên chính đôi chân của mình./.

Cuộc chiến 12 năm kiên cường

Bài 1

Cô bé vẫn lặng phắc khi thấy người lạ vào, mặc dù đôi mắt đã mở ra rất to nhìn thẳng chúng tôi. Hỏi gì em cũng lắc. Chỉ đến khi nhắc tới mẹ, Loan mới khe khẽ bảo: “Con nhớ cơm mẹ nấu, nhớ mẹ, nhớ anh…”

Đã ngót 12 năm nay, cô bé nhỏ thó ấy phải đấu tranh chống lại căn bệnh loạn sản mô quái ác, căn bệnh khiến chân trái của em mỗi ngày một lớn thêm ra và lở loét. Dọc hành trình hơn một thập kỷ ấy, chưa lúc nào Loan đầu hàng số phận. Trong giấc mơ chập chờn mỗi đêm, em luôn thấy mình có thể tự đứng được trên đôi chân lành lặn của mình.

VietnamPlus đã đi tìm, nghe và ghi lại câu chuyện về cuộc chiến đấu đầy nghị lực của cô bé “không thể đi” ấy trong một hành trình dài đằng đẵng 12 năm.

Bé Loan lại bắt đầu ngằn ngặt khóc khi vết thương ở phần chân trái của em loét ra, ri rỉ máu. Em co rúm, quằn quại trên chiếc giường nhỏ tẹo được kê một góc trong căn nhà tuềnh toàng giữa xóm nghèo Tân Văn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Mẹ em, chị Nguyễn Thị Tám cũng bật khóc theo con. Những tiếng nấc thi thoảng bỗng nghẹn ứ lại.

Chưa bao giờ, người mẹ ấy lại dám nghĩ, đứa con thứ hai của mình sẽ phải gánh chịu nỗi đau quá lớn ngay từ những ngày đầu tiên có mặt trên đời.

Dọc hành trình hơn một thập kỷ ấy, chưa lúc nào Loan đầu hàng số phận (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tuổi thơ không lành lặn

Năm 2004, bé Nguyễn Thị Loan cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc khôn xiết của chị Tám. Một ngày trước khi sinh, chị vẫn nơm nớp nghĩ đến lời chẩn đoán về phần chân trái phát triển bất thường mà các bác sỹ đã đưa ra khi chị mang bầu. Đến khi thấy bé hồng hào, khỏe mạnh, nỗi lo ấy bỗng dưng bay biến.

Thế nhưng, niềm vui chưa kịp qua thì bất hạnh đã sầm sập kéo tới. Chỉ sau vài ngày, chân trái bé bắt đầu sưng mọng lên như quả bóng nước. Bé càng bú, chân trái lại càng to ra. Người mẹ trẻ đất Lâm Hà, Lâm Đồng hoảng hồn. Chị bắt đầu vay mượn khắp nơi để đưa con đi khám.

“Ngày ấy, đưa cháu đi hết các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, các bác sỹ đều lắc đầu vì không biết chính xác bệnh gì. Họ yêu cầu chúng tôi phải chuyển lên bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh thì may ra mới có cách chữa,” chị Tám rấm rứt nhớ lại.

Trong giấc mơ chập chờn mỗi đêm, em luôn thấy mình có thể tự đứng được trên đôi chân lành lặn của mình.

Chữa mãi, nhưng bệnh tình của Loan thì mỗi lúc một nặng hơn. Từ bọng nước ban đầu, da chân trái bắt đầu nứt toác, rỉ nước. Bé bỏ bú, người gầy rộc, cả ngày chỉ oa oa khóc. Chân trái em mỗi lúc một to ra… Chỉ đến năm 2012, trọng lượng chân trái của Loan đã lên tới 15kg, chiếm hơn một nửa cân nặng của cô bé.

Nhìn lại 8 năm đầu tiên ấy, anh Nguyễn Công Đức, bố cô bé không giấu nổi nỗi buồn. Anh kể, khi đó, cứ nghe ai mách bác sỹ nào giỏi, hai vợ chồng lại bế cháu đi. Từ bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, U bướu, Bệnh viện Phẫu thuật chỉnh hình… không nơi nào, anh chị không gõ cửa. Trung bình cứ 4 tháng, bé lại phải dành một tháng để điều trị. Thế nhưng, bất chấp tất cả nỗ lực ấy, đôi chân Loan vẫn không thể lành. Những vết thương vẫn cứ mưng mủ và vỡ ra, khiến cho em không thể đi lại bình thường như bạn bè cùng trang lứa.

Chỉ tính đến khi Loan 12 tuổi, cô bé đã phải chịu đựng hơn 30 lần phẫu thuật. Ngoài phần lớn thời gian ở bệnh viện, tuổi thơ của Loan chỉ quẩn quanh với căn nhà tuềnh toàng. Đến ước mơ được đi trên chính đôi chân của mình, với Loan cũng trở thành quá xa vời.

“Đau lắm anh ạ. Thấy con cứ lết lết đi quanh nhà, vợ tôi lại khóc,” anh Đức, mắt đã đỏ hoe từ bao giờ cay đắng nói.

Anh Đức lặng thinh bên cô con gái nhỏ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chênh vênh trên đôi chân không lành

Mặc dù đã 12 tuổi, nhưng trông Loan bé quắt như đứa trẻ lên 6. Phần chân trái trải qua quá nhiều lần phẫu thuật đã cứng đơ, sần sùi và vẫn còn to gấp nhiều lần phía còn lại. Thấy người lạ vào, Loan vẫn lặng im, chỉ ngước đôi mắt to và sáng nhìn thẳng chúng tôi. Em im lặng. Những câu hỏi thăm của chúng tôi không nhận được hồi đáp. Anh Đức bối rối bảo: Loan đã quá quen với những đoàn tới rồi lại đi trong bao nhiêu năm nay rồi…

Ngừng một lát, người đàn ông đen đúa kể tiếp: Từ khi bắt đầu nhận thức được, biết chân mình có tật, Loan đã rất mặc cảm. Em không mấy khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa.

“Lúc chân cháu chưa sưng to, lở loét, cháu vẫn cố lết đi quanh quẩn, nhưng cũng chỉ được một lúc là chân cứng đơ và nhức mỏi,” anh Đức ngậm ngùi.

Đau đớn nhất là chỉ sau vài năm, vết thương của Loan ngày càng biến chứng nặng. Máu và mủ rỉ ra liên tục khiến em thậm chí không thể lết đi. Cô bé con chỉ còn biết nằm trong nhà, ngước mắt nhìn ra phía ngoài.

Với chị Nguyễn Thị Tám thì chuỗi ngày ấy gần như là địa ngục. Chị vẫn nhớ như in những ngày hai mẹ con đẩy nhau trên chiếc xe đạp cà tàng đi khám bệnh, những đêm chị và Loan thức trắng vì vết thương lên cơn đau. Có những buổi, chị Tám cõng con về đến nhà chợt thấy vạt áo ướt đầm đìa. Nhìn lại, hóa ra, máu từ bàn chân con đã túa ra. Chị hoảng hốt dùng bông thấm lại nhưng không thể được. Những lúc ấy, chị Tám chỉ nghĩ: Giá như người phải chịu nỗi đau ấy là mình.

Đến năm Loan 6 tuổi, việc di chuyển và sinh hoạt của em hầu như chỉ còn phụ thuộc vào cha, mẹ. Thấy anh trai lớn đi học về, cô bé lại ao ước được đến trường, được làm quen với thầy cô, bè bạn.

“Nhưng chỉ đến trường được vài buổi, tôi thấy cháu về nằng nặc đòi bỏ. Lúc ấy, hỏi ra mới biết, cháu bị các bạn khác trêu chọc. Cả ngày, cháu chỉ có thể ngồi yên trong lớp, không có ai dám chơi cùng. Cả nhà thương lắm, mà vẫn phải động viên con tiếp tục cố gắng,” chị Tám kể.

Điều đáng khâm phục nhất là mặc dù không có điều kiện đến lớp thường xuyên do bệnh tật, Loan vẫn cố gắng tận dụng những quãng thời gian trên giường bệnh để tự học. Mỗi lần phải nhập viện, bao giờ em cũng mang theo sách vở như một hành trang không thể thiếu. Có những buổi ở lớp, vết đau rỉ máu, cô bé vẫn cắn răng chịu đựng, nhất quyết không để cô giáo gọi báo về nhà. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi ấy, trong suốt thời gian theo học trường Tiểu học Tân Hà 2, Loan luôn đạt danh hiệu Học sinh giỏi.

Câu chuyện giữa tôi và chị Tám bỗng dưng nghẹn lại. Mắt người phụ nữ chùng hẳn xuống. Chị xót xa bảo: Đến ngay cả việc đi học giờ cũng đang phải tạm gác lại. Để điều trị, từ tháng 5/2016, bố Loan đã đưa cháu đi tiếp tục phẫu thuật ở Đài Loan theo chương trình tài trợ.

“Mỗi lần cháu gọi điện về với mẹ, cháu lúc nào cũng bảo nhớ nhà, nhớ lớp thôi,” chị Tám thở hắt ra rồi im lặng.

Hành trình 12 năm của bé Loan đến lúc này cũng là hành trình 12 năm chênh vênh trên đôi chân tật nguyền, khi mọi ước mơ, dự định của cô bé luôn bị căn bệnh quái ác dày vò, ngăn cản. Nhưng, chưa lúc nào, cô bé có đôi mắt rất sáng ấy lại yếu lòng mà từ bỏ./.

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Quyết giữ chân cho con bằng mọi giá

Bài 2

Người đàn ông gầy rộc vẫn chong chong thức dù đã quá nửa đêm. Ngay bên cạnh, bé Loan lại trằn trọc trở mình vì vết đau ở chân trái. Nén lại một tiếng thở dài, anh khe khẽ vỗ về, mong bé yên giấc.

Trong suốt hành trình 12 năm qua, anh vẫn luôn thao thức cùng nỗi đau của con như vậy.

Đi nhờ trên đôi chân bố mẹ

Da xạm màu, tóc lốm đốm vài sợi bạc, trông anh Nguyễn Công Đức già hơn nhiều so với cái tuổi 38 của mình. Từ khi bé Loan mắc bệnh, anh Đức cùng vợ bất đắc dĩ đã phải trở thành đôi chân của con. Vừa cẩn thận kéo lại tấm chăn đắp cho Loan, anh vừa nhớ lại: Ngày bé được 20 ngày tuổi, phần chân trái của em bỗng phình to ra, sưng mọng nước.

“Khi ấy, hai vợ chồng tôi hoảng lắm, ngay trong đêm vội vàng ôm con lội bộ ra đường cái, bắt xe đưa cháu đi khám,” người đàn ông xoa xoa hai tay vào nhau ngậm ngùi.

Giữa đêm ấy, cặp vợ chồng nghèo ở xã Tân Văn cuống cuồng đem đứa lớn đi gửi rồi lấn bấn dắt tiền, xách túi ôm con đi. Phía bên ngoài mưa gió ràn rạt. Ba người liêu xiêu bồng bế nhau, cắt hơn 2 cây số băng rừng ra quốc lộ tìm xe khách. Họ không bao giờ ngờ được, đây cũng là chuyến xe bắt đầu cho hành trình kéo dài đến 12 năm để giữ lại chân trái cho con.

Giờ nhớ lại, anh Đức vẫn bần thần. Đôi mắt đỏ vằn trở nên hoang dại, cứ ngó đăm đăm vào một khoảng không vô tận. Anh bảo: Cả đời anh cũng sẽ không bao giờ quên được những ngày cõng đứa con gái bé bỏng bất hạnh đến lớp, những khi hoảng sợ cực độ, bồng con trên tay đi cấp cứu lúc vết đau ứa máu… Tất cả như những thước phim, loang loáng ám ảnh người đàn ông khắc khổ những khi đêm về.

Họ không bao giờ ngờ được, đây cũng là chuyến xe bắt đầu cho hành trình kéo dài đến 12 năm để giữ lại chân trái cho con.

Mẹ Loan, chị Nguyễn Thị Tám thì nức nở khi nghĩ về hành trình trở thành “đôi chân” cho bé. Chị bảo, khi bệnh tình của Loan chưa trở nặng, em vẫn cố tập đi. Nhưng chỉ lết được vài bước là toàn bộ chân trái trở nên căng cứng. Máu dồn xuống tím tái. Bé khóc. Chị Tám cũng ngân ngấn theo.

Trong suốt những năm đầu tiên, chị Tám và anh Đức thay nhau cõng con đi khám, đi học bất kể nắng hay mưa. Có những buổi, vết đau ở chân trái của Loan bật máu, thầm đầm đìa ướt hết lưng áo anh chị.

Đến năm 8 tuổi, phần chân bị bệnh ngày càng trở nên to hơn, chiếm đến hơn 2/3 trọng lượng toàn cơ thể bé. Lúc này, Loan đã hầu như không thể tự di chuyển. Toàn bộ việc đi lại phụ thuộc hoàn toàn vào đôi chân mỗi lúc một yếu đi của cha mẹ.

Kể đến đây, anh Đức ngước lên nhìn nhóm khách lạ thở dài: “Lắm khi, ngủ mơ, tôi lại thấy cảnh Loan chạy nhảy. Hai vợ chồng chỉ mong đến ngày không còn phải cảnh bố cõng con đi khắp nơi như bây giờ nữa.”

Phòng bệnh bỗng lặng phắc. Không ai nói với ai câu nào. Chỉ còn tiếng thở khó nhọc, lúc gấp, lúc khoan của cô bé con đang thiêm thiếp cùng chiếc chân trái sưng vù ngay bên cạnh…

Ánh mắt đượm buồn của hai cha con anh Đức và bé Loan. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Quyết giữ chân con bằng mọi giá

12 năm thay nhau làm đôi chân cho con, chị Tám và anh Đức chưa một ngày từ bỏ hy vọng cháu sẽ điều trị bệnh thành công. Năm này sang năm khác, họ đã gõ cửa mọi nơi có thể, hết Lâm Đồng đến Thành phố Hồ Chí Minh… Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với gia đình nhỏ bé ấy.

Lẩm nhẩm kiểm đếm lại, anh Đức bảo: Tính ra, nhà có cái gì bán được anh chị cũng bán sạch cả rồi. Từ mảnh đất ông bà để lại ngoài Bắc tới đồ đạc trong nhà, ruộng vườn… lần lượt nối đuôi nhau đi hết.

“Thời gian đầu khó khăn lắm. Chúng tôi buộc phải gửi cháu lớn cho anh chị ở Lâm Đồng rồi dắt díu đưa con xuống điều trị dài ngày tại Bệnh viện Nhi đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh,” anh Đức nhớ lại.

Để kiếm thêm đồng ra đồng vào trong quãng thời gian con chữa bệnh, anh đã lang thang khắp đất Sài Gòn kiếm việc. Anh được nhận làm thợ xây tít tận khu Đầm Sen và được chủ nuôi cơm. Toàn bộ số tiền công ít ỏi được anh gửi vợ để lo cho Loan. Ngày ngày, sau giờ làm, anh lại bắt xe buýt vào viện thăm con.

Từ lúc Loan phát bệnh, anh đã làm đủ thứ nghề. Hết phụ hồ, đào giếng, Đức lại làm công nhân mía đường, phun thuốc sâu thuê… Ai mướn gì anh cũng nhận. Giơ bàn tay trái sần sùi sẹo đã khuyết mất một ngón, ông bố kể: Trong một lần tăng ca khi ép mía, máy ép bị kẹt nên Đức dùng tay kiểm tra và bị cuốn vào.

“May mà chỉ mất một ngón,” anh cười như mếu nói.

Cũng giống như chồng, trong 12 năm Loan mắc bệnh, chị Tám đã vắt kiệt sức mình trong hy vọng chữa lành cho con. Những ngày Loan không phải điều trị, chị cũng nhận thêm việc để làm. Ngày ngày, cặp vợ chồng nghèo để lại hai đứa trẻ ở nhà tự trông nhau để lao vào cuộc mưu sinh vất vả.

Thế nhưng, bất chấp từng ấy nỗ lực của họ, bệnh tình của cô bé chân voi mỗi lúc một nặng hơn. Tiền như gió thổi vào nhà trống. Nợ nần bắt đầu chất chồng lên. Nhưng tất cả vẫn không đánh gục được anh chị. Chỉ duy nhất một lần, khi các bác sỹ chuẩn đoán phải cưa chân Loan họ mới thực sự suy sụp.

Mắt đã đỏ hoe, anh Đức nghèn nghẹn kể: Năm 2015, sau rất nhiều lần phẫu thuật không thành công, chân trái của Loan chuyển biến xấu. Thịt từ bên trong cứ không ngừng đùn ra, máu và mủ đầm đìa. Một số bộ phận khác như trực tràng, lá lách… cũng bắt đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lúc này, tất cả các bệnh viện tuyến trên đều lắc đầu, từ chối tiếp tục mổ. Họ khuyên anh chị nên chọn giải pháp cưa chân để giữ tính mạng cho bé.

Nghe những lời ấy, chị Tám ngất lên ngất xuống. Bé Loan cũng hoảng sợ, ngằn ngặt khóc. Người đàn ông duy nhất trong gia đình bất hạnh ấy cũng không sao giữ nổi bình tĩnh. Tai anh như ù cả đi…

“Khi ấy, tôi chỉ ước người phải cưa chân là tôi chứ không phải cháu,” anh Đức vẫn còn run run nhớ lại.

Nhưng với quyết tâm giữ đôi chân cho con tới cùng, anh chị lại khẩn khoản nhờ các bác sỹ “còn nước còn tát.” Họ tiếp tục gõ cửa từng nơi với hy vọng sẽ có người điều trị được chứng bệnh quái ác ấy.

Đến tận bây giờ, ngồi kể cho chúng tôi hành trình dài dằng dặc 12 năm ấy, anh Đức vẫn son sắt tin rằng sẽ có một phép lạ xảy ra, và rằng cháu Loan sẽ có ngày được tự đứng trên chính đôi chân của mình.

Bé Loan chợt tỉnh giấc. Thấy bố và chúng tôi vẫn đang nói chuyện, bé với về phía Đức. Bàn tay khuyết ngón sần sùi của anh khe khẽ nắm chặt lấy bàn tay bé nhỏ, gầy guộc của Loan như bao đêm vẫn thế.

Hành trình dài 12 năm vẫn chưa kết thúc…

12 năm thay nhau làm đôi chân cho con, chị Tám và anh Đức chưa một ngày từ bỏ hy vọng cháu sẽ điều trị bệnh thành công. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ước mơ chưa tròn và những ca mổ đau đớn

Bài 3

12 tuổi và ngót nghét 12 năm chênh vênh trên đôi chân không lành, nhưng cô bé Nguyễn Thị Loan vẫn nhìn cuộc đời bằng ánh mắt trong veo nhất.

Với em, thế giới là khoảng sân nho nhỏ trước nhà, là những ngày cùng bố mẹ đi hái trái càphê trên rẫy, là lớp học với nhiều điều em chưa biết. Chưa lúc nào, con chim non bé bỏng đáng thương ấy ngừng mơ ước, những giấc mơ bình dị đến nao lòng.

Nhìn cuộc đời qua những khung cửa hẹp

Cô bé Loan vẫn ngước đôi mắt to tròn ra khung cửa lớp học. Phía bên ngoài, các bạn đồng trang lứa của Loan đang chạy nhảy. Những tiếng cười, tiếng nói vọng vào khiến Loan chợt mỉm cười. Từ nhiều năm nay, em đã quen với việc nhìn mọi thứ từ góc nhìn riêng biệt ấy của mình khi đôi chân không thể nào đi được.

Chị Nguyễn Thị Tám, mẹ bé, chẳng thể giấu nổi tiếng thở dài khi nghĩ về con. Chị bảo: Do nhà quá nghèo, nên ngay từ nhỏ, mặc dù bị bệnh, nhưng ngày nào Loan cũng phải ở nhà với anh trai để bố mẹ đi làm. Ngày ngày, vợ chồng chị dậy sớm, chuẩn bị cơm nước, rồi cẩn thận chặn một tấm gỗ lớn, cao cả mét trước cửa. Hai đứa trẻ cả ngày quẩn quanh trong căn nhà nhỏ, chỉ còn biết nhìn ra khoảnh sân phía bên ngoài đợi lúc cha mẹ về.

Chưa lúc nào, con chim non bé bỏng đáng thương ấy ngừng mơ ước, những giấc mơ bình dị đến nao lòng.

Đến tận trước lúc đến trường, thế giới của Loan vẫn chỉ quẩn quanh với hiên nhà, với những dãy phòng bệnh viện nôn nao mùi thuốc sát trùng và những ca mổ đau đớn. Thậm chí, ngay cả khi được đi học, cái thế giới vốn nhỏ bé và chật chội ấy cũng không mở rộng ra là bao.

Đôi mắt mở to khe khẽ cụp xuống. Cô bé đang nằm im trên giường bệnh trắng toát nói như khóc: “Con đến lớp, các bạn không ai chơi với con cả. Suốt buổi học con chỉ ngồi trong lớp một mình.”

Cũng do gia đình quá nghèo, nên trong suốt các khoảng thời gian chữa trị bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, thậm chí cả ở Đài Loan, chị Tám và anh Đức cũng không có điều kiện đưa bé Loan ra ngoài thăm thú. Ngoài những lúc điều trị, họ nằm yên trong phòng, giở những cuốn truyện cổ tích ra đọc cho nhau nghe. Hôm nào sức khỏe Loan khá hơn, anh Đức, chị Tám sẽ cố gắng dìu con xuống sân bệnh viện, đẩy cháu đi trên xe lăn cho thoáng đãng.

“Đôi lúc cũng muốn đưa cháu đi đây đi đó cho biết, nhưng một phần do chân cháu đau nhức, một phần nữa do không có nhiều tiền nên chúng tôi cũng đành phải chịu,” anh Đức tâm sự thật thà.

Bé Loan ước ao có thể đi lại bình thường như bao người bạn khác. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Cháu chỉ mơ bát canh chua mẹ nấu”

Chúng tôi gặp Loan không lâu sau khi em trải qua đợt phẫu thuật thứ 7 tại một bệnh viện thuộc thành phố Đài Trung, Đài Loan. Lúc này, bé còn khá yếu, người gầy quắt lại. Toàn cân nặng chỉ có 29kg. Phần chân trái được băng kín to gấp 2-3 lần phía còn lại.

Theo chỉ định tạm thời các các bác sỹ, cô bé không được ăn để cho vết mổ trực tràng lành lại. Việc nói chuyện với người khác cũng rất khó khăn do vết đau liên tục hành hạ bé.

Thế nhưng, khi nghe chúng tôi nhắc đến những chuyện khi còn ở Việt Nam, Loan bỗng trở nên hoạt bát hơn nhiều. Cô bé bảo, mỗi lúc xa nhà, em đều rất nhớ mẹ, nhớ anh em ở Lâm Đồng. Đêm nào Loan cũng nằm mơ được ăn bữa cơm có bát canh chua do mẹ nấu, xung quanh có bố và mọi người. Loan cũng nhớ những buổi lên lớp được cô giáo dạy những điều chưa biết cho em.

Điều đặc biệt nhất, lần nào khi được hỏi: Giờ con muốn làm gì nhất nếu ở Việt Nam, cô bé con có đôi mắt rất sáng và tròn trước mặt chúng tôi cũng khăng khăng khẳng định: “Con sẽ lên rẫy, hái quả cà phê phụ bố mẹ.”

Thấy chúng tôi thắc mắc, anh Đức nãy giờ vẫn ngồi im bên cạnh giải thích: Những ngày ở Lâm Đồng, khi chân Loan đỡ hơn, em vẫn đòi bố mẹ cho lên nương. Khi ấy, bé vừa chống nạng, vừa phụ giúp mọi người thu hoạch cà phê.

Trải qua hành trình 12 năm chênh vênh trên đôi chân không lành lặn, nhưng chưa khi nào Loan từ bỏ hy vọng được đứng lên. Loan bảo “bây giờ, con chỉ ước mình sớm được khỏi bệnh, không phải để bố mẹ cõng, bế nữa. Chân khỏi rồi, con sẽ đi học, sẽ phụ giúp bố mẹ làm việc nhà.”

Nghe đến đây, anh Đức quay mặt đi, khe khẽ thở dài. Suốt hơn 10 năm qua, anh chị và cả bé đã kiên cường chống chọi để giành được giấc mơ ấy. Thậm chí, anh còn quả quyết rằng nếu cần, anh sẽ hy sinh đôi chân mình cho cháu.

Thế nhưng, điều ước nhỏ nhoi của Loan vẫn cứ xa vời. Cô bé vẫn đang ngày ngày nhìn cả thế giới qua những ô cửa sổ, cảm nhận thế giới từ trên lưng cha mẹ trong mọi chuyến đi dài…

Trải qua hành trình 12 năm chênh vênh trên đôi chân không lành lặn, nhưng chưa khi nào Loan từ bỏ hy vọng được đứng lên. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ám ảnh giấc mơ được đi của cô bé chân voi

Bài 4

Cô bé nằm lặng lẽ bên chiếc giường bệnh, ai hỏi gì cũng không nói. Chỉ đến khi nhắc tới mẹ, Loan mới khe khẽ bảo: “Con nhớ cơm mẹ nấu, nhớ mẹ, nhớ anh”. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mặc dù đã được phẫu thuật cắt bỏ gần 15kg khối u nhưng hằng đêm bé Loan lại trằn trọc trở mình vì vết đau. Làm bạn với em là bốn bức tường lạnh toát của bệnh viện và những con thú nhồi bông vô tri. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Loan vừa trải qua đợt phẫu thuật thứ 7 tại một bệnh viện thuộc thành phố Đài Trung, Đài Loan. Lúc này, bé còn khá yếu, người gầy quắt lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các vết mổ ở chân đã thôi không còn lở loét và chảy mủ nhưng hàng ngày, em vẫn phải uống hàng vốc thuốc để ngăn chặn cơn đau. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong suốt hành trình 12 năm chữa bệnh cho con, anh Nguyễn Công Đức vẫn luôn bên cạnh bé Loan. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chính trong căn phòng bệnh nôn nao mùi thuốc sát trùng ấy, ước mơ được khỏi bệnh, được đi trên chính đôi chân của mình đã thôi thúc Loan hơn bao giờ hết. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh Đức thở dài bên đứa con gái bé nhỏ. Bàn tay anh đã khuyết đi một ngón do một lần làm thêm kiếm tiền chữa bệnh cho con bị máy ép mía cán nát. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mỗi ngày, hai cha con đều cùng nhau đi dạo quanh công viên. Xung quanh là những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa, chạy nhảy. Mỗi lần như vậy, bé Loan lại ngoảnh mặt đi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cô Hoa, một người phụ nữ tốt bụng vẫn hàng ngày đến chơi cùng bé Loan. Cô hay tết tóc cho Loan và hứa hẹn một ngày nào đó em đi lại được, cô sẽ cùng em về Việt Nam nấu cho những món ăn ngon. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trải qua hành trình 12 năm chênh vênh trên đôi chân không lành lặn, nhưng chưa khi nào Loan từ bỏ hy vọng. “Bây giờ, con chỉ ước mình sớm được khỏi bệnh, không phải để bố mẹ cõng, bế nữa. Chân khỏi rồi, con sẽ đi học, sẽ phụ giúp bố mẹ làm việc nhà.” (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trên bức tường cạnh giường bệnh Loan hay nằm là những mảnh giấy ghi lời chúc của các y tá, bác sỹ bệnh viện. Họ đều là người Đài Loan nhưng đã cố tìm cách viết bằng tiếng Việt chúc Loan một ngày nào đó, em sẽ hoàn toàn khỏi bệnh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Điều kỳ diệu đến sớm hơn những gì mà ta tưởng tượng, chỉ vài tháng sau ca mổ, bé Loan đã có thể tập tễnh bước đi trên chính đôi chân bé nhỏ của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hy vọng mới của bé Loan và hành trình trên đất bạn

Bài 5

Trong suốt cuộc đấu tranh với bệnh tật của Loan, đã có những lúc, mọi hy vọng tưởng chừng như đã tắt ngấm khi các bác sỹ chuẩn đoán bé sẽ buộc phải cưa chân để giữ lấy mạng sống. Thế nhưng, cũng chính giây phút ấy, điều kỳ diệu đã đến, mở toang cánh cửa dẫn tới giấc mơ được đi của em.

Một hành trình mới với hy vọng mới lại được bắt đầu.

Chuyến bay đầu tiên của cô bé chân voi

Chỉ tính đến năm 2012, cô bé “chân voi” Nguyễn Thị Loan đã trải qua hàng chục ca phẫu thuật. Dẫu vậy, phần chân trái vẫn không có dấu hiệu lành lại. Ngày qua ngày, những vết đau liên tục rỉ máu, ăn sâu hơn vào da thịt khiến cô bé 8 tuổi còm cõi hơn.

Nhớ lại thời điểm ấy, anh Đức không giấu nỗi buồn. Đó là khoảng thời gian mà cả hai vợ chồng anh gần như quỵ ngã. Hầu hết các bệnh viện trong nước đều đã lắc đầu với trường hợp của Loan. Mọi biện pháp can thiệp chỉ còn dừng ở mức sát trùng, tránh cho chân em nhiễm trùng và hoại tử.

“Ngày đó, cứ nghe ai mách đâu, chúng tôi lại đưa con tới xin chữa, từ thuốc Tây đến thuộc dân tộc. Nhưng bệnh tình của cháu thì vẫn hề không thuyên giảm,” anh Đức kể.

Khi hy vọng tưởng chừng như đã tắt ngóm thì phép màu đã xảy ra. Trong một dịp đoàn công tác của Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan đến thăm bệnh viện Nhi Đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh, trường hợp của Loan đã được biết đến.

Cảm động trước nghị lực của cô bé, một tổ chức của Đài Loan đã đứng ra làm cầu nối giúp đỡ đưa em sang điều trị theo chương trình nhân đạo y tế.

Cảm động trước nghị lực của cô bé, tổ chức này đã đứng ra làm cầu nối giúp đỡ đưa em sang điều trị theo chương trình nhân đạo y tế.

Nghe tin ấy, tai anh Đức như ù cả đi. Cơ hội cứu lấy đôi chân cho đứa con gái bé bỏng khiến người cha khắc khổ bật khóc.

“Chỉ cần nghĩ đến cảnh con bé có thể tự đi, hai vợ chồng lại không sao kìm được nước mắt,” anh Đức nhớ lại.

Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, tới tháng 6/2012, cô bé “không thể chạy” Nguyễn Thị Loan cùng mẹ lần đầu tiên được xuất ngoại theo đường hàng không. Sau 6 tháng điều trị đầu tiên này, Loan trải qua 8 cuộc phẫu thuật để gọt bỏ bớt phần thịt thừa ở chân trái. Bộ phận sinh dục của Loan cũng được xử lý để trở lại bình thường.

Những tưởng, chuyến xuất ngoại ấy sẽ giúp ước mơ của Loan trở thành hiện thực, nhưng căn bệnh quái ác vẫn chưa chịu buông tha em. Chỉ sau một thời gian ngắn trở về Lâm Đồng, do không chăm sóc tốt, vết mổ bị hoại tử mạnh, mủ và máu liên tục chảy ra. Loan tiếp tục phải trải qua thêm 4 năm đau đớn với chiếc chân voi khổng lồ.

Điều kỳ diệu đã đến với cô bé ‘chân voi’ Nguyễn Thị Loan khi em được sang Đài Loan chữa bệnh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nối lại hành trình tìm ước mơ

Với anh Đức, 4 năm sau khi trở về từ Đài Loan giống như một cơn ác mộng dài. Hai vợ chồng anh vừa phải bươn chải cuộc sống, vừa mướt mải đưa con đi níu giữ lại giấc mơ được đứng lên. Nhưng tới đâu, anh chị cũng chỉ nhận được lời khuyên: Nếu muốn em sống, bắt buộc phải cưa đi chiếc chân trái tật nguyền.

Sức khỏe của Loan thì mỗi ngày một yếu. Chị Tám vợ anh khóc hết nước mắt, gầy rộc đi vì xót con. Một mình người đàn ông tiều tụy ấy phải gồng mình lên, chống đỡ cả gia đình 5 người ấy với quyết tâm “còn nước thì còn tát.”

Đến tháng 1/2016, một lần nữa, thần may mắn mỉm cười với gia đình anh Đức. Với quyết tâm chữa bằng được bệnh cho bé, những tấm lòng thiện tâm từ đất bạn Đài Loan lại tìm cách đưa em xuất ngoại. Lần này, Tập đoàn Hồng Phúc vốn đầu tư nhiều năm tại Việt Nam đã đứng ra làm “Mạnh Thường Quân” đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở, chữa trị cho cô bé. Việc điều trị sẽ được duy trì trong vòng 6 tháng nhằm loại bỏ những vùng tổn thương rộng trên chân trái, đồng thời giúp Loan nhanh chóng ổn định sức khỏe và đi lại bình thường. Toàn bộ chi phí toàn bộ được tập đoàn Hồng Phúc đài thọ lên tới 2,5 triệu Đài tệ tương đương với 17,7 tỷ đồng.

Tháng 5/2014, Loan và bố lên máy bay trở lại Đài Loan bắt đầu hành trình nối lại giấc mơ còn đang dang dở.

Bé Nguyễn Thị Loan đã đươc các tổ chức từ thiện giúp đỡ đưa sang Đài Loan chữa trị. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Gặp chúng tôi trong phòng bệnh tại Bệnh viện Đại học Y học Trung Quốc (thành phố Đài Trung), anh Đức vừa mừng vừa tủi bảo: Lần này sang Đài Loan, bé Loan dự kiến sẽ được điều trị trong vòng 6 tháng. Các bác sỹ sẽ gọt bỏ các phần thịt thừa, đồng thời điều trị dứt điểm căn bệnh loạn sản mô cho bé.

Tính tới thời điểm hiện tại, Loan đã trải qua 7 lần phẫu thuật, trong đó 3 lần thực hiện thao tác trên chân trái, 1 lần mổ lá lách và nhiều lần tiến hành ghép da khác. Anh Đức cho hay: So với lúc còn ở Việt Nam, tình trạng của cô bé đã được cải thiện hơn nhiều. Các vết đau ở chân không còn lở loét và chảy mủ, kích thước chân đã giảm đáng kể. Đặc biệt, phần trực tràng bị tổn thương cũng đã được các y bác sỹ của Bệnh viện Đại học Quốc tế Đài Trung xử lý cơ bản.

“Mừng nhất là thấy cháu sau khi mổ trực tràng có thể ăn uống nhiều hơn. Nghe các bác sỹ nói: Khi trực tràng lành, cháu sẽ tăng cân vì cơ thể có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, tôi mừng lắm,” anh Đức hồ hởi bên giường bệnh nói.

Theo đánh giá của bác sỹ Trần Hồng Cơ, Phó Viện trưởng Bệnh viện Đại học Y học Trung Quốc, khả năng bình phục của cô bé người Việt là rất khả quan. Sau liệu trình điều trị, Loan sẽ có thể tập để tự đi lại trên đôi chân của chính mình.

Ngày trở về của cô bé chân voi Nguyễn Thị Loan đang tới rất gần…

Sau liệu trình điều trị, Loan sẽ có thể tập để tự đi lại trên đôi chân của chính mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Khi tình yêu thương vượt ra ngoài biên giới

Bài 6

Trong những ngày ở đất bạn Đài Loan, “cô bé chân voi” luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các y bác sỹ tại bệnh viện cũng như cộng đồng người Việt Nam tại đây. Chính tình yêu không biên giới ấy đã góp một phần không nhỏ trong việc hiện thực hóa giấc mơ đã kéo dài hơn 1 thập kỷ của bé.

Cô gái nhỏ… kết nối tình yêu lớn

Cho đến tận bây giờ, anh Nguyễn Công Đức vẫn chưa thể tin được rằng gia đình mình lại nhận được quá nhiều sự quan tâm đến thế. Anh bảo: Trong những ngày ở Đài Loan, anh và con gái luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các y bác sỹ của bệnh viện. Họ cẩn thận kê thêm một chiếc giường đơn cho anh ngay cạnh chỗ bé Loan nằm để ông bố người Việt Nam tiện chăm sóc con. Họ tỉ mẩn cắt, dán những lời chúc nho nhỏ bằng tiếng Việt để động viên Loan mau khỏi bệnh: “Bạn đang là chiến binh dũng cảm,” “Tôi muốn cho bạn phục hồi nhanh chóng”…

Những mảnh giấy ghi lời chúc của các y tá, bác sỹ bệnh viện. Họ đều là người Đài Loan nhưng đã tìm cách viết bằng tiếng Việt chúc Loan một ngày nào đó sẽ hoàn toàn khỏi bệnh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bà Aichi Chou, người đã theo sát suốt gần 5 tháng chữa trị tại bệnh viện Đại học Quốc tế Đài Trung của cô bé “chiến binh dũng cảm” chia sẻ: Mặc dù tất cả các nhân viên của bệnh viện đều không thể nói hay hiểu tiếng Việt, nhưng họ đã cố gắng hết sức để tìm cách truyền tải những thông điệp nhỏ ấy đến em. Bản thân người phụ nữ Đài Loan cũng đã quen với việc ngày ngày ghé qua phòng bệnh của Loan, chỉ để nhìn cô bé bình phục từng ngày.

Nhớ lại hành trình đưa lại cô bé chân voi ở Lâm Đồng sang chữa trị lần 2, bà Aichi vẫn chưa hết bồi hồi. Vào khoảng tháng 1/2016, lần đầu tiên bà biết đến trường hợp của Loan và gần như ngay lập tức muốn níu giữ giấc mơ bước đi của bé. Bà liên hệ với Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Hồng Phúc tại Đài Loan, ông Chang Tsung Yuan và nhận được sự đồng tình. Ông Chang đồng ý đài thọ toàn bộ chi phí ăn, ở và chữa trị để đưa Loan lần thứ hai quay lại Đài Trung.

Khi mọi thủ tục, giấy tờ đã chuẩn bị xong, thì chuyến xuất ngoại của Loan lại gặp trục trặc lớn khi hãng hàng không từ chối vận chuyển do vết thương ở chân em lúc đó đã lở loét và bốc mùi hết sức khó chịu. Bà Aichi thêm một lần phải “đàm phán” để Loan được bay trong khu vực riêng nhằm không ảnh hưởng tới hành khách khác. Nhắc lại tất cả những chuyện ấy, người phụ nữ ngoài 40 cười nhẹ bẫng. Bà bảo, lúc đó, trong đầu bà chỉ nghĩ sẽ phải làm mọi cách để cô bé người Việt được chữa lành.

Ông Chang Chih Pan, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Công nghiệp Hồng Phúc cũng là người đi cùng Loan suốt vài tháng qua. Lần nào vào thăm, ông cũng động viên bé yên tâm điều trị và sớm trở về quê hương. Ông Chang cho hay: Phía Hồng Phúc quyết tâm sẽ chữa lành tuyệt đối cho cô bé, để giấc mơ được đi của em trở thành hiện thực.

Bà Zhang Shu Jun, một người phụ nữ Đài Loan tốt bụng ngày nào cũng đưa cháu gái vào thăm bé Loan. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hành trình của những trái tim

Điều đáng mừng nhất, cũng trong những ngày ở đất khách quê người, Loan đã tìm được người bạn quốc tế đầu tiên của mình. Bà Zhang Shu Jun, một người phụ nữ từng vào chăm sóc con điều trị trong bệnh viện Đại học Quốc tế Đài Trung vô tình biết đến hoàn cảnh đáng thương của cô bé. Tới tận khi người thân đã xuất viện, ngày ngày, bà vẫn cứ bắt xe buýt hơn 30 phút đồng hồ, đưa cháu gái tới thăm Loan cho đỡ buồn.

Nhìn hai đứa trẻ sàn sàn tuổi, khác biệt nhau về ngôn ngữ, nhưng chia nhau từng miếng bánh bên giường bệnh, tất cả những người có mặt đều nao lòng. Trong phút chốc, mọi ranh giới và khoảng cách bỗng chốc đã không còn quan trọng nữa. Chỉ còn những tiếng cười trong vắt thơ ngây lanh lảnh khắp gian phòng…

Sự xuất hiện của “cô bé chân voi” trên đất Đài Loan vô tình cũng giúp cộng đồng người Việt tại đây xích lại gần với nhau hơn. Họ kể cho nhau nghe về nghị lực của Loan, về hành trình kiên cường kéo dài 12 năm không ngừng nghỉ. Họ thu xếp công việc đến với bố con em mỗi khi có thể.

Chị Đặng Thị Hoa, hiện đang làm công việc chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Đại học Quốc tế Đài Trung từ nhiều tháng nay cũng kiêm luôn nhiệm vụ phiên dịch viên cho bố con anh Đức. Chị Hoa chia sẻ: “Những lúc không phải chăm bệnh, tôi vẫn tranh thủ lên chơi với cháu. Nhìn con bé gầy quắt, bản thân là một người mẹ tôi cũng thương lắm.”

Chị Nguyễn Thị Thúy, làm giúp việc tại Đài Trung đã 12 năm nay, giờ giống như một người bác ruột của Loan. Cô bé hồ hởi khoe với chúng tôi dòng tin nhắn cho chị: “Bác Thúy ơi, sáng mai cháu được ăn. Bác nấu cho cháu bát cháo thịt băm ạ.”

Anh Đức, mắt đỏ hoe bảo: “Nếu không có các bác, thật hai bố con không biết xoay sở thế nào ở đất lạ.”

Anh vẫn còn nhớ như in những đêm bé đột ngột trở bệnh. Do không thông thạo tiếng nên ông bố khốn khổ chẳng thể hiểu được các bác sỹ yêu cầu gì. Khi ấy, chị Hoa, chị Thúy lại trở thành những thông dịch viên bất đắc dĩ… qua điện thoại.

Và cứ thế, một cách tự nhiên nhất, câu chuyện về cuộc chiến đấu để được đứng lên của cô bé Nguyễn Thị Loan đã và đang kết nối những trái tim, những tấm lòng nhân ái… Nghị lực sống của em giúp xóa bỏ mọi khoảng cách về ranh giới, lãnh thổ, tiếng nói và dân tộc… Cô bé, ở một góc độ nào đó, trở thành biểu tượng của thứ tình yêu nguyên sơ nhất giữa con người với con người.

Chị Hoa, một cô dâu người Việt trên đất Đài Loan giờ trở thành một người bạn tâm giao của bé Loan. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đường về nhà không còn xa

Bài 7

Trải qua đợt trị liệu lần thứ hai, bệnh tình của cô bé chân voi Nguyễn Thị Loan đã có những tiến triển rõ rất. Theo bác sỹ Trần Hồng Cơ, Viện Phó Bệnh viện Đại học Quốc tế Đài Trung, sau khi trở về nước, nếu được chăm sóc và tập luyện tốt, em sẽ đi lại được.

Sau suốt 12 năm, chưa bao giờ đường về nhà, đường tới với giấc mơ dai dẳng của bố con em lại trở nên gần đến thế.

Hiện thực hóa giấc mơ

Biết có đoàn khách từ Việt Nam sang thăm bệnh nhân nhí Nguyễn Thị Loan, nên mặc dù bận bịu với chuyến công tác nước ngoài nhưng Viện phó Trần Hồng Cơ vẫn gấp rút bay về. Chỉ chưa đầy 12 tiếng sau khi hạ cánh, vị bác sỹ có khuôn mặt phúc hậu đã trở lại gian phòng bệnh quen thuộc Loan vẫn nằm.

Viện phó Trần chính là người đã trực tiếp điều trị cho cô bé chân voi đến từ Việt Nam trong cả hai lần vào các năm 2012 và 2016. Ông cho hay: Trong đợt đầu tiên cách đây 4 năm, khi được đưa tới bệnh viện, tình trạng của cô bé rất xấu. Khi đó, Loan mới có 8 tuổi nhưng chỉ nặng hơn 20kg, trong đó riêng phần chân trái đã chiếm tới 2/3 tổng trọng lượng. Qua thăm khám, trực tràng bệnh nhân bị xuất huyết dẫn tới tình trạng đi ngoài ra máu; 1/5 lượng dinh dưỡng bị chiếc chân quái ác nuốt trọn. Ngoài ra, bộ phận sinh dục của em cũng bị biến dạng; dạ dày phù nề do bị chèn ép; đùi sưng to và lở loét.

Tính tới thời điểm hiện tại, Loan đã được phẫu thuật 7 lần

“Thời điểm đó, bệnh của Loan thuộc diện nghiêm trọng nhất,” bác sỹ Trần Hồng Cơ khẽ nhăn mặt nhớ lại.

Do khi đó, Loan còn quá bé, nên các y bác sỹ gặp rất nhiều khó khăn khi phẫu thuật. Máu liên tục chảy ra, rất khó cầm lại. Một số bộ phận sưng phù quá lớn nên buộc phải cắt bỏ.

Trải qua 6 tháng đầu tiên, về cơ bản, phần dạ dày, trực tràng và bộ phận sinh dục của Loan được điều chỉnh lại. Chiếc chân trái cũng được xử lý gọn lại.

Trong lần điều trị thứ hai, bác sỹ Trần Hồng Cơ cho biết sẽ tiếp tục xử lý triệt để các vấn đề liên quan, đặc biệt sẽ tiến hành cắt bỏ khối thịt thừa ở chân và ghép da để bé có thể đi lại được.

Tính tới thời điểm hiện tại, Loan đã được phẫu thuật 7 lần. Theo đánh giá của Viện Phó Trần Hồng Cơ, hiện vấn đề ở dạ dày của Loan đã được xử lý triệt để, từ đó loại trừ được tình trạng phần lớn chất dinh dưỡng bị chiếc chân trái hấp thu hết.

“Hiện Loan đã bắt đầu ăn được, sắc mặt em cũng đã tốt hơn nhiều. Vì thế, chúng tôi đã đề nghị bố bé cho ăn nhiều hơn,” bác sỹ Trần nhận định.

Bé Loan giờ đã có thể chập chững bước đi trên chính đôi chân mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đường về không còn xa

Riêng với căn bệnh chân voi, theo ông Trần, sau khi gọt bỏ phần thịt thừa và ghép da, chân Loan sẽ dần trở lại kích thước thông thường. Ông Trần cũng đã trực tiếp điều trị thành công cho nhiều trường hợp mắc bệnh tương tự nên tỏ ra rất lạc quan về khả năng đi trở lại của bệnh nhân người Việt này.

Tuy nhiên, bác sỹ Trần Hồng Cơ cũng lưu ý: Vấn đề quan trọng nhất khi trở về Việt Nam là phải giữ vệ sinh thật tốt, tránh tình trạng viêm nhiễm tái phát như năm 2012.

“Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với bệnh viện tại Việt Nam tiếp nhận Loan sau đợt điều trị này để cùng trao đổi, xử lý những tình huống bất ngờ. Nếu quá nghiêm trọng, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa em sang để điều trị tiếp,” vị bác sỹ chia sẻ.

Theo phác đồ điều trị, dự kiến, trong thời gian tới, bé Loan sẽ tiếp tục được xử lý nốt vấn đề với hậu môn. Sau giai đoạn này, cô bé sẽ được tập vận động nhẹ để cơ và gân chân trái linh hoạt trở lại. Cuối năm 2016, hai bố con Loan sẽ có thể về Việt Nam.

“Chúng tôi rất kỳ vọng đến thời điểm đó, chân bé sẽ cơ bản đi lại được,” bác sỹ Trần tỏ ra tin tưởng.

Cả đêm sau khi nghe tin vui, bố con anh Đức không sao ngủ được. Hai người cứ thầm thì với nhau xem về nước sẽ làm gì, Loan sẽ được đi những đâu, mẹ sẽ nấu món ngon nào cho hai bố con.

Nhận được tin, anh Nguyễn Công Đức trở nên quýnh quáng hẳn. Người đàn ông đen đúa hết bắt tay các bác sỹ, rồi lại cố nói những lời cám ơn bằng tiếng Trung. Mắt anh sáng rỡ lên, tay chân luống cuống như đứa trẻ, miệng không ngừng nói: Thế này tốt quá, tốt quá!

Cả đêm sau khi nghe tin vui ấy, bố con anh Đức không sao ngủ được. Hai người cứ thầm thì với nhau xem về nước sẽ làm gì, Loan sẽ được đi những đâu, mẹ sẽ nấu món ngon nào cho hai bố con.

Bà Aichi Chou, người đã theo rất sát hành trình của bé cũng rất vui mừng. Bà bảo với anh Đức: “Tôi không mong sẽ gặp lại Loan nữa. Chỉ mong cháu sẽ bình phục ở Việt Nam mãi.”

Riêng cô bé chân voi thì hơi ngập ngừng một chút. Bé bảo: Khi về rồi, con sẽ rất nhớ các cô chú bên Đài Loan cũng như bác Thúy, bác Hoa…

Chiều đầu tháng 10/2016, sau rất nhiều ngày phải nằm im, không thể đứng được, dưới sự hướng dẫn của Viện phó Trần Hồng Cơ, cô bé Nguyễn Thị Loan đã lại chập chững bước đi trên chính đôi chân của mình. Mặc dù, những bước đi còn khó nhọc và phải phụ thuộc vào nạng; cũng như quãng đường em đi chỉ vài chục mét trong hành lang nhưng với tất cả những người có mặt ở bệnh viện khi ấy đó lại là những bước tiến dài khó tin.

Anh Đức bất chợt len lén quay đi, mắt đã đỏ hoe tự bao giờ.

Đường về nhà con đã rất gần rồi, Loan ạ!

Loan giờ có thể đi lại xung quanh hành lang, ước mơ của em bấy lâu nay sắp thành hiện thực. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Exit mobile version