Quan hệ Việt Nam-Thụy Điển

binhdangio-1507784136-76.jpg

Thụy Điển luôn được đánh giá là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về bình đẳng giới. Theo Chỉ số về bình đẳng giới năm 2016 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới bình chọn, Thụy Điển đứng ở vị trí thứ tư. Trong khi đó, theo thông tin vừa được Viện châu Âu về bình đẳng giới (EIGE) công bố ngày 11/10, Thụy Điển vượt qua Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, trở thành nước đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) về chỉ số bình đẳng giới năm 2017.

Nhân chuyến công tác tại Thụy Điển, tham dự chương trình giới thiệu về chính sách bình đẳng giới và chính phủ nữ quyền ở quốc gia Bắc Âu này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom, người vừa được trao tặng giải thưởng “Agent of Change” (Nhân tố thay đổi) của Liên hợp quốc vì những đóng góp trong lĩnh vực bình đẳng giới, đặc biệt trong việc đảm bảo phụ nữ có vai trò trong các quá trình đàm phán hòa bình và phòng tránh xung đột.

Ngoại trưởng Thụy Điển cũng trao đổi về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương giữa Thụy Điển và Việt Nam, cũng như các biện pháp thúc đẩy hợp tác về kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

– Thụy Điển được xem là quốc gia hàng đầu về bình đẳng giới, đồng thời là đất nước có chính phủ nữ quyền đầu tiên trên thế giới. Xin bà giới thiệu rõ hơn về vai trò của phụ nữ trong Chính phủ nữ quyền Thụy Điển? Hiện nay bao nhiêu thành viên Chính phủ là phụ nữ?

Ngoại trưởng Margot Wallstrom: Bình đẳng giới là trọng tâm trong các chính sách ưu tiên của Chính phủ Thụy Điển, trong việc ra quyết định cũng như phân bổ nguồn lực. Một chính phủ nữ quyền đảm bảo rằng quan điểm về bình đẳng giới được đưa vào quá trình hoạch định chính sách trên diện rộng, cả trong nước và quốc tế.

Phụ nữ và nam giới phải có quyền như nhau về việc hình thành xã hội và cuộc sống của họ. Đó cũng là vấn đề về nhân quyền, bình đẳng và công lý. Bình đẳng giới là một phần của giải pháp cho những thách thức của xã hội và tất nhiên là một phần của nhà nước phúc lợi xã hội hiện đại, vì sự công bằng và phát triển kinh tế.

Thụy Điển là đất nước có chính phủ nữ quyền đầu tiên trên thế giới với một nửa thành viên Nội các là phụ nữ

Hiện nay, nhiều thành viên Chính phủ là phụ nữ. Chính phủ Thụy Điển cũng đưa ra kế hoạch hành động cho chính sách đối ngoại nữ quyền trong giai đoạn 2015-2018 nhằm tăng quyền lực, sự đại diện và quyền được tiếp cận cho phụ nữ và trẻ em gái.

Thụy Điển cũng đề ra kế hoạch hành động quốc gia để thực thi Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh và nỗ lực đảm bảo rằng quan điểm bình đẳng giới được tích hợp trong tất cả các hoạt động quốc tế tại các nước đang có xung đột hoặc hậu xung đột.

Thụy Điển đã chỉ định một đại sứ về lĩnh vực chống buôn bán người, và ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực chống buôn bán người trong các chương trình nghị sự quốc tế. Vị đại sứ này đặc biệt nhấn mạnh quan điểm bình đẳng giới và hình sự hóa việc mua dâm như một biện pháp nhằm giảm bớt hoạt động mại dâm.

Khoảng một nửa thành viên Chính phủ Thụy Điển là phụ nữ. (Nguồn: Website Chính phủ Thụy Điển)
Khoảng một nửa thành viên Chính phủ Thụy Điển là phụ nữ. (Nguồn: Website Chính phủ Thụy Điển)

– Chính phủ Thụy Điển đã ban hành và thực thi các chính sách dành cho phụ nữ như thế nào, thưa bà?

Ngoại trưởng Margot Wallstrom: Mục tiêu tổng quát của chính sách bình đẳng giới ở Thụy Điển là phụ nữ và nam giới có quyền như nhau trong việc tạo lập xã hội và cuộc sống của họ. Xuất phát từ mục tiêu chính này, Chính phủ Thụy Điển đang nỗ lực hướng tới sáu mục tiêu cụ thể, bao gồm:

Bình đẳng về phân chia quyền lực và ảnh hưởng. Phụ nữ và nam giới có quyền và cơ hội như nhau để trở thành công dân tích cực và tạo điều kiện cho việc ra quyết định.

Bình đẳng về kinh tế. Phụ nữ và nam giới phải có cùng cơ hội và điều kiện về việc làm, dẫn đến độc lập về kinh tế.

Ở Thụy  Điển, nhiều ông bố ở nhà chăm sóc con cái. (Đây là một bức ảnh trong triển lãm ảnh nổi tiếng ‘Swedish Dads’(Những ông bố Thụy  Điển) của nhiếp ảnh gia Johan Bavman)
Ở Thụy  Điển, nhiều ông bố ở nhà chăm sóc con cái. (Đây là một bức ảnh trong triển lãm ảnh nổi tiếng ‘Swedish Dads’(Những ông bố Thụy  Điển) của nhiếp ảnh gia Johan Bavman)

Bình đẳng trong giáo dục. Phụ nữ và nam giới, bé gái và bé trai phải có cùng cơ hội và điều kiện về giáo dục, các lựa chọn học tập cũng như phát triển cá nhân.

Bình đẳng trong chia sẻ việc nhà cũng như chăm sóc con cái. Phụ nữ và nam giới phải có trách nhiệm như nhau đối với các việc trong gia đình và có cơ hội bình đẳng trong việc cho và nhận sự chăm sóc đối với các thành viên trong gia đình.

Bình đẳng về chăm sóc y tế. Phụ nữ và nam giới, bé gái và bé trai phải có cùng điều kiện để có được sức khỏe tốt.

Ngăn chặn bạo lực của đàn ông đối với phụ nữ. Phụ nữ và nam giới, bé gái và bé trai phải có quyền như nhau trong việc đảm bảo sự toàn vẹn về thể chất.

Bình đẳng giới toàn cầu là một mục tiêu cơ bản trong chính sách đối ngoại nữ quyền của Thụy Điển. Đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái có thể được hưởng đầy đủ các quyền con người vừa là một nhiệm vụ trong khuôn khổ các cam kết quốc tế của chúng tôi, vừa là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Thông qua 3 chữ R: quyền lợi (Right), sự đại diện (Representation) và nguồn lực (Resources) để hướng tới chữ R thứ tư là thực tế (Reality). Thụy Điển áp dụng quan điểm bình đẳng giới một cách có hệ thống trong tất cả các khía cạnh của công việc và sử dụng các công cụ chính sách đối ngoại để thúc đẩy bình đẳng giới nhằm trả lời các câu hỏi: phụ nữ có quyền bình đẳng không, phụ nữ có quyền ra quyết định hay không và các nguồn lực có được phân bổ công bằng cho phụ nữ hay không.

Trước đó, vào ngày 1/1/1999, Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật cấm mua dâm. Kể từ đó, việc mua dâm hoặc cố ý mua dâm được xem là tội hình sự ở Thụy Điển.

Ngoại trưởng Margot Wallström mới được trao giải thưởng của Liên hợp quốc vì những đóng góp trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Ngoại trưởng Margot Wallström mới được trao giải thưởng của Liên hợp quốc vì những đóng góp trong lĩnh vực bình đẳng giới.

– Mới đây, bà đã được trao tặng giải thưởng “Agent of Change” của Liên hợp quốc vì những đóng góp trong lĩnh vực bình đẳng giới. Vì sao bà đam mê với công việc này? Là một nhân tố cho sự thay đổi, theo bà, làm thế nào để tạo ra sự thay đổi trong vấn đề bình đẳng giới ở các quốc gia khác trên thế giới, không chỉ riêng ở Thụy Điển?

Ngoại trưởng Margot Wallstrom: Tôi rất vinh dự được nhận giải thưởng “Agent of Change” (Nhân tố thay đổi) của Liên hợp quốc. Tôi đam mê với việc thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ vì đây là việc phải làm, mà vì đó là một chính sách thông minh dựa trên sự hiểu biết và thực tế. Các bằng chứng đều cho thấy rằng việc tăng cường bình đẳng giới có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, y tế giáo dục… và nhiều vấn đề quốc gia cũng như toàn cầu.

Việc tăng cường sự quan tâm của các quốc gia đối với vấn đề bình đẳng giới là cách để hiện thực hóa quan điểm này. Đầu năm nay, Canada đã thông qua Chính sách hỗ trợ quốc tế về nữ quyền. Australia, Hà Lan, Na Uy và Anh cũng là các nước đã xác định bình đẳng giới là mục tiêu cốt lõi trong các hoạt động hỗ trợ toàn cầu. Đó là những chính sách thông minh cho tất cả mọi người, tận dụng được các tiềm năng và không để ai bị tụt lại phía sau.

Ở Thụy  Điển, phụ nữ được trao quyền bình đẳng với nam giới. (Ảnh: Nguyệt Ánh/Vietnam+)
Ở Thụy  Điển, phụ nữ được trao quyền bình đẳng với nam giới. (Ảnh: Nguyệt Ánh/Vietnam+)

– Thụy Điển có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Việt Nam. Xin Ngoại trưởng cho biết những chính sách của Thụy Điển trong việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp này trong thời gian tới?

Ngoại trưởng Margot Wallstrom: Mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Thụy Điển có vai trò quan trọng đối với cả hai nước trong việc thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư, du lịch, phát triển nguồn nhân lực cũng như khuyến khích trao đổi văn hóa và khoa học.

Hai nước chúng ta đã có quá trình hợp tác và trao đổi văn hóa, giáo dục lâu dài trong rất nhiều lĩnh vực. Số lượng công dân Thụy Điển đến Việt Nam để học tập, nghiên cứu hoặc đi du lịch ngày càng tăng lên và cũng có ngày càng nhiều người Việt Nam sang Thụy Điển để học tập, du lịch…

– Thụy Điển là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về đổi mới, sáng tạo. Xin bà cho biết Thụy Điển đã có những chính sách gì để hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, cũng như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam?

Ngoại trưởng Margot Wallstrom: Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (năm 1969) và kể từ đó trở thành đối tác gắn kết, hỗ trợ sự phát triển tổng thể của Việt Nam, trong đó có tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Sự hợp tác giữa Thụy Điển và Việt  Nam đã bước vào giai đoạn mới, từ hợp tác phát triển sang sự hợp tác chủ yếu dựa trên quan hệ thương mại. 

Qua hơn 4 thập kỷ, Thụy Điển đã hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam thông qua các gói hỗ trợ xấp xỉ 3,5 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực.

Hợp tác kinh tế trong những thập kỷ vừa qua cũng rất ấn tượng. Điều này có nghĩa là sự hợp tác của chúng ta đã bước vào giai đoạn mới, từ hợp tác phát triển sang việc hình thành sự hợp tác chủ yếu dựa trên quan hệ thương mại.

Thụy Điển đã sắp xếp cho nhiều đoàn doanh nghiệp sang thăm Việt Nam để tìm hiểu thị trường. Một số công ty Thụy Điển đã có đại diện và đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam, cũng như hợp tác với các đối tác Việt Nam. Trong những năm sắp tới, chúng tôi hy vọng sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Thụy Điển đến Việt Nam đầu tư và làm ăn lâu dài.

– Xin trân trọng cảm ơn Ngoại trưởng!

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)