Liên hợp quốc

Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế đa phương đầu tiên, lớn nhất và có ảnh hưởng nhất tới đời sống quốc tế. Chính thức được thành lập vào ngày 24/10/1945, đến nay sau 74 năm phát triển, Liên hợp quốc luôn giữ vai trò hàng đầu trong các nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các cuộc xung đột, góp phần to lớn vào việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, duy trì hòa bình và xây dựng một thế giới phát triển, ấm no và hạnh phúc.

Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, đối tác quan trọng của Liên hợp quốc và các nước thành viên.

Nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng

Ra đời vào thời điểm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc được ghi rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Để thực hiện sứ mệnh đó, Điều 1 của Hiến chương Liên hợp quốc đã chỉ rõ, 4 mục tiêu chính của Liên hợp quốc gồm: Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; Xây dựng Liên hợp quốc làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế vì mục tiêu chung.

Các nguyên tắc hoạt động chủ đạo của Liên hợp quốc cũng được quy định rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc là: Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; Cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; Tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế; Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.

Trụ sở Liên hợp quốc ở New York. (Nguồn: UN)
Trụ sở Liên hợp quốc ở New York. (Nguồn: UN)

Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, đến nay, Liên hợp quốc đã có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban Kinh tế – Xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thành tựu sau 74 năm phát triển

Trong 74 năm kể từ khi được thành lập, Liên hợp quốc đã có những đóng góp đáng kể cho hòa bình và an ninh trên thế giới, thực sự là một diễn đàn uy tín để các nước có thể đưa ra và giải quyết các xung đột một cách hòa bình trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động phức tạp với những nguy cơ và mối đe dọa mới mang tính toàn cầu.

Liên hợp quốc đã phát huy vai trò to lớn của mình, nỗ lực không mệt mỏi để gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương Liên hợp quốc.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, nhất là thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên hợp quốc vẫn duy trì là một diễn đàn hòa bình để các bên đối thoại. Liên hợp quốc tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế thông qua thương lượng, sáng kiến giải pháp hòa bình cho hàng trăm cuộc xung đột ở các khu vực, với phạm vi và quy mô ngày càng được mở rộng. Nhờ có sự can thiệp của Liên hợp quốc, nhiều cuộc xung đột đã được giải quyết.

Liên hợp quốc đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng 

Cũng trong 74 năm qua, hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, tạo khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Những năm gần đây, Liên hợp quốc còn đạt được những thành tựu về hợp tác và phát triển toàn cầu, ký kết Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, cải cách Hệ thống phát triển Liên hợp quốc, thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) 2015 và triển khai Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 2030; giải quyết các vấn đề toàn cầu về xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, bảo đảm quyền con người, cải thiện y tế, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…

Liên hợp quốc đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Liên hợp quốc cũng đối mặt với rất nhiều thử thách, khó khăn, đặc biệt là việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững mà tổ chức này đặt ra vào năm 2015, với nội dung cơ bản là đến năm 2030, Liên hợp quốc sẽ đạt được 3 thành tựu quan trọng: chấm dứt đói nghèo, đấu tranh với tình trạng bất bình đẳng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bên lề Phiên thảo luận cấp cao khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ) tháng 9/2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bên lề Phiên thảo luận cấp cao khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ) tháng 9/2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Để đạt được các mục tiêu trên, trong 11 năm tới, chính phủ các nước cần phải đặt lợi ích của quốc gia mình trong lợi ích chung của thế giới và hành động trên tinh thần đoàn kết mới có thể tiến dần đến những mục tiêu rất tham vọng này.

Nhưng dù đối mặt với nhiều thách thức thì cũng không thể phủ nhận, hiện nay Liên hợp quốc vẫn là một tổ chức quốc tế uy tín, là nơi để gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có thể gặp gỡ, đối thoại và thúc đẩy hòa bình đa phương. Đặc biệt, phiên họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc hằng năm là sự kiện duy nhất trên thế giới mà ở đó tất cả các nước, bất kể lớn-nhỏ, giàu-nghèo, đều có tiếng nói và quyền bỏ phiếu bình đẳng. Đây cũng là nơi các nguyên thủ quốc gia cùng nhau thảo luận, hoạch định, đưa ra hàng trăm nghị quyết về các vấn đề quan trọng toàn cầu.

Trong bối cảnh những thách thức mà thế giới phải đối mặt không chỉ tăng về số lượng, mà còn thay đổi về bản chất và ngày càng phức tạp, Liên hợp quốc vẫn đang tiếp tục thể hiện vai trò hàng đầu, phối hợp các nỗ lực toàn cầu xử lý những thách thức chung để đạt được các mục tiêu hòa bình và phát triển.

Việt Nam – một thành viên tích cực, trách nhiệm

Trong hơn bốn thập kỷ qua kể từ khi là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia và có những đóng góp thực chất vào các hoạt động của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này, trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm, đối tác quan trọng của Liên hợp quốc và các nước thành viên.

Trong lĩnh vực hòa bình, an ninh, Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Các sỹ quan, chiến sỹ quân y mang theo bức tranh 'Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân' khi lên đường nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Các sỹ quan, chiến sỹ quân y mang theo bức tranh ‘Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân’ khi lên đường nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đã đề xuất và được thông qua Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, đưa ra và tham gia nhiều sáng kiến như bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái.

Đặc biệt, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là điểm sáng thể hiện tinh thần đối tác có trách nhiệm của Việt Nam. Tháng 6/2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Việt Nam cũng đã cử 27 sỹ quan quân đội và 1 bệnh viện dã chiến cấp II số 1 tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam cùng với ba nước Campuchia, Indonesia, Thái Lan được chọn làm địa điểm huấn luyện gìn giữ hòa bình quốc tế luân phiên.

Năm 2019 và các năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục chuẩn bị để đưa phân đội công binh, Bệnh viện dã chiến cấp II số 2 và một số phân đội khác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…

Việt Nam được đánh giá là hình mẫu điển hình về sự thành công trong hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc

Trong lĩnh vực phát triển, Việt Nam được đánh giá là hình mẫu điển hình về sự thành công trong hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc. Việt Nam từ một nước thu nhập thấp trở thành nước thu nhập trung bình; hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc chuyển trọng tâm từ hỗ trợ kỹ thuật sang tư vấn chính sách thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thể chế, bình đẳng giới…

Ngày 5/7/2018, Việt Nam và Liên hợp quốc đã ký Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) cho giai đoạn 2017-2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên hợp quốc. Đây là dấu ấn quan trọng nêu bật cam kết mạnh mẽ của Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam trong Chương trình Hành động quốc gia thực hiện các mục tiêu phát biển bền vững.

Những đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc đã được quốc tế đánh giá cao. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan hết sức quan trọng của Liên hợp quốc, như: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009); Hội đồng Kinh tế-Xã hội (1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021)…/.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)